Hôm nay,  

Long Lanh Màu Trời

17/10/202115:22:00(Xem: 2440)

blank
Thủ bút bài thơ của thi sĩ Trụ Vũ


Trước đây nhiều năm, người bạn bên Pháp qua Đức thăm tôi, hỏi, tôi cần mỹ phẩm của Paris không. Tôi đùa với bạn, tôi không cần gì cả, với lý do:


Bởi vì mắt ngắm trời xanh 

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời*. 


Trong trí nhớ của tôi dường như có một góc lưu trữ những câu thơ tôi yêu, tôi thương. Nhiều khi, tôi không biết tác giả những câu thơ. Tình cờ, nghe đây một câu, thấy kia một câu, tôi vội ghi vào trí. Ngày còn bé, tôi có trí nhớ rất tốt. Tôi nhớ, tôi ngâm nga những từ, những ngữ, những vần thơ thật đẹp, thật thơ. Dần dà, những câu thơ như thân, như quen, như hòa vào vốn liếng ca dao tục ngữ trong ký ức của tôi. Trí tôi còn “giữ” thêm một dị bản của bốn câu thơ trên: 


Mắt em ngắm trời xanh

Nên long lanh màu trời

Mắt em nhìn biển khơi

Nên xa vời đại dương


Nhiều năm, tôi giữ mấy câu long lanh màu trời như của riêng mình. Ngày nọ, khi tình cờ đọc bốn câu thơ trong Facebook của người bạn, tôi xúc động lặng người, quýnh quíu hối thúc người bạn, tìm giúp tôi tác giả bốn câu thơ. Sau khi giật dây tứ tung, người bạn bảo, tác giả là thi sĩ Phạm Thiên Thư. Tôi lèo nhèo năn nỉ người bạn, tiếp tục tìm hiểu, những câu thơ ấy được trích trong tập thơ nào. Người bạn gõ cửa loanh quanh, cuối cùng đành lắc đầu, không biết chi thêm về bốn câu thơ này. 


Đọc đi, đọc lại bốn câu thơ, lòng nhớ bâng khuâng thuở mười bảy tuổi, tôi đem bút viết, bồi hồi kể chuyện xưa. Truyện Khi Mười Bảy Tuổi được vài bạn đọc thương mến. Có lẽ, vì bạn đọc thấy lại thuở bẻ gãy sừng trâu của mình. Và cũng rất có thể, vì bạn đọc yêu thích bốn câu thơ tôi ghi ngay dưới tựa truyện. Và như vậy, đã nhiều năm, tôi thương bốn câu thơ, mà vẫn đinh ninh cùng tác giả của Ngày Xưa Hoàng Thị. 


Cuối năm 2017, tôi thật vui, được một món quà đặc biệt: nhà văn T.Vấn, chủ bút của trang mạng văn học và tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu, có nhã ý tái bản tập truyện Bông Hoa Trên Phím dưới dạng sách điện tử. Với tấm lòng đam mê chữ nghĩa và phong cách làm việc tận tụy, anh T. Vấn cẩn trọng chăm chút cả nội dung lẫn hình thức của tập truyện. Anh T.Vấn mời họa sĩ Trần Thanh Châu khoác cho tập truyện tấm áo mỹ miều với tranh Bông Hoa Trên Phím Dương CầmBông Hoa Trên Phím Guitar. Anh nhờ nhà văn Lê Hữu “để mắt” đến bản thảo của tập truyện. Bởi, qua những lần làm việc với nhà văn Lê Hữu từ trước, anh T.Vấn nhận xét, “Những ý kiến của anh Lê Hữu giúp cho tác phẩm nghiêm túc hơn, tạo sự tin cậy nơi người đọc, trước khi họ bỏ thì giờ ngồi xuống giở từng trang sách.” Những ý kiến, mà anh Lê Hữu rất khiêm tốn cho rằng “nhỏ nhặt”, là những lời góp ý rất to lớn cho tôi. Bên cạnh những đề nghị thay đổi chi tiết về kỹ thuật, trong truyện Khi Mười Bảy Tuổi, anh Lê Hữu đã sửa những chữ sai trong bốn câu thơ và ghi đúng tên tác giả. 


Cũng vì mắt ngó trời xanh

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời

Cũng vì mắt ngó biển khơi                                     

Cho nên mắt cũng xa vời đại dương

(“Ngón tay hoa”, thơ Trụ Vũ) 


Với hiệu đính này, nhà văn Lê Hữu đã giúp tôi gặp một mối duyên chữ nghĩa tuyệt vời. 


Nay biết mình ghi tên sai tác giả, cũng như sai vài chữ trong bốn câu thơ, tôi rất áy náy. Tôi cảm thấy thật có lỗi với thi sĩ Trụ Vũ, khi truyện đã đăng lên báo, sách đã phát hành. Tôi cần phải có lời xin lỗi trực tiếp đến tác giả. Sau mấy tiếng đồng hồ tra cứu trong internet, tôi từ từ tìm ra manh mối, dẫn đến những thông tin về thi sĩ Trụ Vũ. Có nhiều bài vở viết về thi sĩ Trụ Vũ: Ông là một nhà thơ, nhà Phật học nổi tiếng, và còn là một nhà thư pháp tiên phong của Việt Nam. Đọc trong trang nhà của Phạm Hoài Nhân, tôi đoán, anh “quen lớn” với thi sĩ Trụ Vũ. Tôi viết thư làm quen với anh Nhân, nhờ anh giúp tôi “gặp” thi sĩ Trụ Vũ. Anh Nhân cho biết, anh chỉ là bạn của con gái bác Trụ Vũ. Các cô con gái là trợ thủ đắc lực của bác Trụ Vũ trong sinh hoạt trên liên mạng. Với địa chỉ anh Nhân giới thiệu, tôi liên lạc với An Hòa, con gái của bác Trụ Vũ. Sau vài trao đổi với An Hòa, tôi được biết thêm nhiều chi tiết lý thú. Bác Trụ Vũ cũng gốc Huế. Nhưng sống ở Sài Gòn từ thời trẻ. Chỉ khi gặp người cùng quê, bác mới nói giọng “Huệ” (cách dùng chữ dí dỏm của An Hòa). Gia đình bác Trụ Vũ cư ngụ ở gần đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận từ năm 1960 (là năm sinh của tôi). Đấy cũng là con đường “của” gia đình chúng tôi cho đến khi chúng tôi rời Việt Nam năm 1982. 

An Hòa giúp tôi chuyển thư xin lỗi vì nhầm tác giả mấy câu thơ đến thân phụ của cô, thi sĩ Trụ Vũ. An Hòa kể: “Ông khen chị là người tử tế và rất có trách nhiệm”. Gởi lời xin lỗi đến tác giả, tôi chỉ cầu mong tác giả không buồn lòng vì chuyện nhầm lẫn của tôi. Tôi có nghe câu chuyện về một nhạc sĩ gặp trường hợp tương tự. Nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ, mà ông tưởng của cô bạn. Phổ nhạc xong, ông mới biết, tác giả bài thơ là một thi sĩ nổi tiếng. Ông tìm gặp tác giả để xin phép muộn. Thi sĩ chấp nhận, vì sự đã rồi. Nhưng thi sĩ ấy cũng đôi lời trách nhẹ nhạc sĩ. Vậy mà, thi sĩ Trụ Vũ, chẳng những không rầy la tôi, mà bác còn sáng tác bài thơ khoán thủ thật đẹp, tặng cho tôi, nhân mối duyên gặp gỡ nhau, mối duyên gặp “người đồng hương có tâm hồn yêu văn chương và trân trọng cái đẹp”. Nhận những lời thăm hỏi của bác Trụ Vũ qua người con gái, tôi tưởng tượng, bác cũng có giọng Huế giống Ba tôi. Nếu Ba tôi vẫn còn ở trên đời này với chúng tôi, tôi sẽ đưa Ba đọc bài thơ. Tôi xúc động rưng rưng, tưởng như nghe giọng Huế, đọc chầm chậm, trầm trầm:

Hoàng hoa thúy trúc nếp xưa nay

Thị của Như, Như của Thị này

Ngọc sáng đôi phương vầng nhật tỏ

Thúy sâu muôn dặm vẻ tâm bày

Khi không khi khổng xinh tà áo 

Mười bốn mười lăm đẹp nét mày

Bảy nổi ba chìm thơm ý đạo

Tuổi cài trâm cợt gió heo may.

Trụ Vũ (12/11/2017)

Sau nhiều ngày “làm việc” chung với anh Lê Hữu, anh T. Vấn gởi bản PDF hoàn chỉnh, chuẩn bị đưa tập truyện vào tủ sách T. Vấn & Bạn Hữu. Đấy cũng là lúc tôi vừa liên lạc được với thi sĩ Trụ Vũ, qua An Hòa. Tôi chuyển bản PDF của tập truyện đến thi sĩ Trụ Vũ và An Hòa, như là độc giả đầu tiên đọc Bông Hoa Trên Phím trong bản điện tử.

blank


Tôi gởi thêm vài truyện ngắn khác đến bác Trụ Vũ. Trong những thư đi, tin lại, nghe “người đưa thư” nhắn: “Lần nào nhận truyện chị, ba em cũng nói, cô này viết dễ thương quá.” Được một người đã thành danh nhiều năm trước khi mình chào đời, đọc văn của mình và có đôi lời nhận xét, tôi vui ghê lắm, và cảm động nữa.


Đó đây trong các truyện của Hoàng Quân: Khi Mười Bảy Tuổi, Bài Ca Hạnh Ngộ, Quẻ Bói Đầu Xuân, Rhodes - Hy Lạp- Hải Đảo Hoa Hồng, những câu thơ của thi sĩ Trụ Vũ đã tô điểm, đã làm những câu chuyện thêm thi vị.  


Tôi có nhiều bạn thân: bạn thuở tiểu học, trung học, đại học; bạn hàng xóm ở quê nhà; bạn láng giềng ở xứ người… Ngoài ra, tôi có những người bạn, tôi chưa hề gặp mặt, chưa hề nói chuyện, chỉ trao đổi thư từ trên liên mạng. Vậy mà, tôi vẫn cảm nhận tình bạn thân thiết, gần gũi. Bởi, chúng tôi “thấy” nhau qua sự đồng cảm: cùng thiết tha với tiếng Việt. Chúng tôi “nghe” nhau qua sự đồng điệu: cùng yêu thương tiếng Mẹ đẻ của mình. 


Chuỗi tình cờ kỳ diệu, đúng hơn, những cơ duyên có liên quan đến “trời xanh”, đã cho tôi “gặp” anh Lê Hữu, anh T.Vấn và bác Trụ Vũ, để mắt tôi vẫn được “long lanh màu trời”. Đấy chẳng phải là ân sủng quý giá của cuộc sống, là món quà tặng tuyệt vời cho tôi đó sao?


Xin gởi lời cám ơn trân trọng đến thi sĩ Trụ Vũ đã viết những vần thơ tuyệt đẹp. Xin gởi lời cám ơn trân trọng đến nhà văn T.Vấn, nhà văn Lê Hữu, họa sĩ Trần Thanh Châu đã chăm sóc đứa con tinh thần của Hoàng Quân, để Bông Hoa Trên Phím được cùng các tác giả khác góp mặt, là đầu sách thứ 30 trong Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu.


Hoàng Quân

Tháng Giêng 2018

Những câu thơ ghi theo trí nhớ, có hai chữ nhớ sai.


Phụ lục


Khi Mười Bảy Tuổi 


Bởi vì mắt ngắm trời xanh 

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời. 

Bởi vì mắt ngắm biển khơi  

Cho nên mắt cũng xa vời đại dương

Phạm Thiên Thư*


Cô đang học lớp 11 trường Marie Curie. Ở ngôi nhà màu xanh, quận Phú Nhuận, luôn rộn ràng bạn bè thân quen lui tới. Có nhiều người là bạn chung của mấy chị em, thân thiết với cả nhà. Anh học ngang lớp ông anh cả của cô. Anh hay đến chơi. Cô đoán, anh thích chị lớn. Đôi khi, cô lại nghĩ, có lẽ anh mết chị nhỏ. Thường, cô hay bận tâm, “xem xét”, mỗi khi thấy có chàng nào ngấm nghé mấy bà chị. Nhưng theo con mắt cú vọ sắc lẻm của cô quan sát mấy thí sinh, cô chấm điểm anh từ khá đến giỏi. Bởi thế, khi anh đến nhà, cô không phải tung ra những chiến dịch “phá duyên”. Anh “cua” chị nào cũng được. Anh đến chơi, vui vẻ với mọi người trong nhà. Anh kể nhiều chuyện, từ lịch sử, địa lý, đến khoa học, văn chương. Là những câu chuyện thật lý thú, hấp dẫn. Trong mắt cô, anh là một nhà thông thái uyên bác. Cô có thắc mắc, anh luôn có lời giải đáp. Cô thật sự khẩu phục, tâm phục. Có lần anh nói chuyện tử vi. Cô ưu tư tuổi Canh Tý của mình, đem lá số của cô ra hỏi anh. Anh cắt nghĩa về những cung này, sao nọ. Anh phân tích như thế nào đó, mà cô hết băn khoăn với lá số tử vi của mình. Khác hơn những dự đoán ông thầy đã diễn giải trong lá số tử vi của cô, mà Ba cô đã nhờ chấm số khi cô còn nhỏ. Anh hỏi cô có thích tự giải lại lá số của cô không, anh sẽ hướng dẫn. Lúc đó, cô cảm thấy hài lòng với những lời bình của anh về lá số tử vi của cô. Cô đang bận tíu tít thư từ với đám bạn cũ và lăng xăng nối vòng tay với đám bạn mới. Nên cô dạ dạ, hẹn lần, hẹn lữa, rồi quên bẵng luôn. Anh vẫn đến chơi đều đặn. Khi hóng chuyện, cô vẫn những thích thú, ngưỡng mộ. Hết chuyện, cô phóng xe đạp lên nhà nhỏ bạn ở quận 10 tán dóc. Hoặc chạy qua chợ Tân Định, rủ nhỏ bạn khác dạo phố. Hay tà tà tới gần chợ Trương Minh Giảng, thưởng thức món đậu luộc bỏ đường của má nhỏ bạn xưa... Cô vui với ngày tháng độc thân vui tính như vậy. Chẳng thắc mắc, khi hai bà chị mình yêu đương ra rít, khi nhỏ em gái đi chơi lăng quăng với bồ. Cô vẫn luôn nghĩ rằng, mình sẽ không bao giờ lập gia đình, để được ở hoài với Ba Mạ.


Một buổi chiều, cô chèo queo ở nhà. Muốn đi chơi, mà nhà chẳng còn chiếc xe đạp nào. Ai nấy vi vút đâu đâu rồi. Chỉ cầu may có nhỏ bạn nào tới rước. Dạo đó, đồ đạc trong nhà cứ lần lượt ra đi. Nhất là những tài sản có tính chất “tư bản”. Cho nên, có thời kỳ, dân Việt hình như không có cơ hội biết đến chức năng của điện thoại. Cô đi tới, đi lui. Nhà cô nhỏ xíu. Đi tới mấy bước, đụng cửa sắt trước. Đi lui mấy bước, đụng cửa gỗ sau. Lúc đó, anh đến. Thôi thì, buồn ngủ gặp chiếu manh. Không vui bằng đạp xe vịn tay mấy nhỏ bạn, chạy hàng năm, hàng ba, dung dăng trên những con đường rợp bóng cây, hay quây quần bên hàng chè đậu xanh, đậu đỏ. Nhưng có người nói chuyện, vẫn hơn lủi thủi một mình giữ chùa. Sau màn chào hỏi như thường lệ, cô xuống bếp. Bấy giờ, củi lửa khó khăn, mấy chị em cô nấu nướng đơn giản. Ông anh từ xứ sở tư bản gởi về cho cái bếp điện. Nên chị em cô chỉ phải chi tiền điện, chớ không phải đỏ mắt, phồng má vì than củi. Cô lúi húi nấu nước sôi pha trà. Tiếng anh vọng xuống:

-Có cần anh giúp gì không?

-Dạ không. Em rành mấy vụ điện đóm này lắm. 


Thật ra, không phải cô rành về điện. Mà vì điếc không sợ súng. Hễ bếp có gì trục trặc, cô cứ mở đại mấy ốc vít ra coi phía trong, rồi lau lau, vặn vặn. Sau đó, máy móc lại như lành bệnh. Cô chăm chú với bình, với tách, mà không hay anh đã đứng sau lưng cô. Cô hoảng sợ tưởng như tiếng nói không thoát ra cổ họng được, khi anh ôm choàng lấy cô, thì thầm:

-Bé con, sao bé con dễ thương dữ vầy hả?

Cô kinh ngạc, dãy dụa. Nhưng xem ra sức lực bẻ gãy sừng trâu của cô chẳng là bao so với anh. Khi anh xoay người cô lại, bắt gặp đôi mắt mở to, sợ hãi của cô, anh cúi xuống:

-Bé con, sao vậy hả? Em không thấy là anh thương em sao?

Anh nhấc bổng cô lên:

-Bé con, em phải biết là anh thương em chứ!

Cô không trả lời, cứ cố gỡ hai cánh tay anh đang ôm chặt. Anh để cô đứng xuống, buông tay ra. Anh nâng cằm cô lên, hôn má, hôn trán cô:

-Em không cần trả lời ngay bây giờ. 

Cô nhìn trừng trừng vào anh. 

-Bé con nhắm mắt lại đi. Anh cúi xuống hôn môi cô. 

Cô nhìn sững, thấy cặp mắt kính dày cộm của anh thật gần. Cô lùi lại mấy bước, kịp thấy nước đã sôi. Cô luống cuống, lấy trà, pha nước.

-Bé không nói gì với anh được sao?

-Dạ, dạ... - Khó khăn lắm vài thanh âm mới thoát ra khỏi cổ họng. - Mời anh uống nước trà. 

-Cám ơn bé con. Bây giờ anh về. - Anh vuốt má cô- Lần tới nhớ nghĩ câu trả lời cho anh nghe. 


Cô không nhìn anh nữa mà cúi gầm mặt. Cô chẳng biết anh ra khỏi nhà ra sao. Anh đã nhẹ nhàng kéo cửa sắt xếp lại như cũ. Cô trở vào bếp, nhìn chăm chăm tách trà. Tưởng như chung quanh trời đất quay cuồng. Lòng cô ùn ùn cơn giận anh. Tại sao anh lại dám ôm cô. Ai cho phép anh hôn cô. Ý nghĩ kế tiếp làm cô sợ muốn quỵ. Vậy là cô thành “bồ” của anh rồi. Tức là, cô sẽ phải lấy anh làm chồng. Như vậy là dự định ở hoài với Ba Mạ suốt đời tan thành mây khói. Càng nghĩ cô càng tức anh. Người cô nhũn ra, như muốn bịnh. Đến chiều tối, cô cù rũ như gà mắc mưa. Không cười nói nổi. Đêm đó, cô ngủ chập chờn. Cứ nghĩ đến buổi chiều, tức giận vẫn còn đó. Nhưng khuôn mặt anh với cặp mắt kính, có lúc thật dễ ghét mà có lúc hình như cũng… không dễ ghét lắm. Ngày sau anh đến, có nhiều người trong nhà. Anh vẫn chuyện trò vui vẻ với mọi người, không có gì đặc biệt với cô. Cô vừa ngạc nhiên, vừa thất vọng. Cô không thèm ngồi góp chuyện, bỏ ra ngồi ngoài hè đọc truyện. Nghe tiếng anh chào ra về, cô đứng dậy, tránh qua một bên để anh dắt xe ra cửa. Cô cúi đầu, cố lấy giọng tự nhiên:

-Dạ, anh về ạ.

-Ô! Chút xíu nữa anh quên. Anh có mang cho em cuốn sách đây. 


Cô đưa tay nhận cuốn sách, lí nhí nói cám ơn. Không dám ngước lên, dù rất muốn thấy ánh mắt của anh sau làn kính ra sao. Cô kéo ghế ngồi, vờ đọc tiếp sách, lật vài trang cuốn sách anh mới đưa. Từ đó, anh hay đến chơi, vẫn thăm hỏi cả nhà, và mang sách đến cho cô. Giữa những trang sách là những thư anh viết ngày càng dài. Anh gọi cô là chó con, mèo con, dù anh biết cô là chuột con. Cô chưa có dịp trả lời, “Dạ có” cho câu hỏi của anh. Cô cũng chưa bao giờ viết thư cho anh, dù lòng cô muốn viết còn dài hơn những lá thư hàng năm bảy trang của anh. Nhưng chắc chắn anh hiểu cô, và đón nhận ánh mắt rạng ngời yêu thương đôi lần cô gởi gắm. Cô đâm lười, không còn hăng hái chạy đó đây đùm túm với bạn bè. Cô ưa quanh quẩn trong nhà. Vốn đã thích đọc sách. Giờ đây cô lại càng mê mẩn hơn. Cô như trong tâm trạng - Khi ấy em còn thơ ngây. Đôi mắt chưa vương lệ sầu. Cười đùa qua muôn ánh trăng... Rồi một hôm, Có chàng trai trẻ đến nơi này, Đời em có một lần, Là lần tim em thấy yêu chàng… 


Mùa hè, cô về quê, ấp úng kể cho mấy đứa bạn thân rằng, cô biết yêu. Tụi bạn xúm lại, bắt cô làm bài luận tả người. Cô chỉ biết kể là anh lớn hơn cô mười tuổi và cận thị. Tụi bạn dụ cô kể, hai đứa đi chơi những đâu, tình tự những gì. Cô chưa bao giờ đi chơi với anh. Lần nọ, có mặt đông người, anh rủ cô đi chơi. Cô từ chối, vung văng. Ánh mắt của cô chắc hung dữ lắm. Cô có thú nhận với bạn bè, cô xao xuyến, bồi hồi ghê lắm, khi đọc những lá thư dài ơi là dài của anh. Cô cũng kể thiệt, về quê gặp gia đình thì vui, nhưng cô nhớ anh lắm. Mặc dù ở Sài Gòn, cô đâu gặp anh nhiều đâu. Cô giấu tiệt đám bạn, là anh có lần ôm cô, hôn cô. Hết hè, cô về lại Sài Gòn. Cô nhớ Ba Mạ và mấy đứa em quay quắt. Chỉ muốn ở lại luôn ngoài quê. Vào lớp 12, cô gặp vấn đề về hộ khẩu, sợ không làm được thủ tục thi tốt nghiệp phổ thông. Cô đã khóc tấm tức suốt đường về, khi cô giáo chủ nhiệm nhắc cô hạn chót phải nộp lý lịch với chứng nhận của phường khóm. Thôi, như vậy chắc trường sẽ đuổi cô, cô hết được đi học. Nghĩ đến điều này, cô buồn khủng khiếp. Lúc đó, cô quá mê đi học. Khi anh đến chơi, cô vẫn trong cơn âu sầu sợ bị đuổi học. Cô chưa có dịp tâm sự nỗi lo của cô với anh. Cô vội vàng giấu biến lá thư anh ép trong sách. Nhưng không còn những nôn nao, tìm góc vắng để đọc thư như những lần trước. Sau đó, chị cô đã lo được cho cô các giấy tờ cần thiết. Cô có tên trong danh sách những thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học của niên học 1977-1978. Cô mừng quá chừng. Cô trân trọng những giờ học. Mỗi sáng đạp xe đến trường, lòng cô rộn khúc hoan ca. Thường cô học khá. Giờ đây, cô lại giỏi hơn. Cô sung sướng là học trò ruột của cô giáo Anh Văn. Cô hăng hái nhận làm bài thuyết trình về Châu Mỹ La Tinh của cô giáo Sử Địa. Trường lớp với cô bỗng nhiên là tâm điểm trong mọi sinh hoạt của cô. Tự dưng cô không mong anh đến. Chẳng có một lý do nào rõ ràng, cô tránh mặt anh. Khi anh đến, nếu đang ở nhà sau, cô chuồn ra bếp, đi tắt hẻm nhỏ, thơ thẩn ra chợ. Hoặc đi đâu về đến nhà, vừa hé cửa sắt, thấy xe của anh, cô đạp xe đi dạo lòng vòng thật lâu. Có lần anh đến, cô không tránh được, nên vẫn ngồi nhà. Cô nhớ mình ngồi thu lu nơi ghế dựa, lấy cuốn sách che mặt, vờ ngủ. Hình như lúc đó cô cảm thấy ghét anh. Kiểu như ghét đào đất đổ đi. Không hiểu tại sao. Không biết anh đã ngồi trong im lặng bao lâu. Có lẽ anh nhìn thấy sự thay đổi tình cảm trong cô. Lần sau cùng, anh đến, cô vắng nhà. Anh có nhờ đưa cho cô cuốn Bóng Tối Ở Cuối Đường, cuốn truyện dịch từ Die Nacht von Lissabon của văn sĩ người Đức E. M. Remarque, không kèm thư trong sách như những lần trước. Nhớ có lần anh kể, anh đang tìm đường vượt biên. Từ đó cô bặt tin anh. Trên trường cô vẫn vui với bạn bè. Vẫn nhí nhảnh đùa giỡn. Vẫn chép thơ, chép nhạc trao đổi với mấy nhỏ bạn. Vẫn rù rì chuyện trên trời, dưới đất. Trong lớp có Nguyễn Thừa Thiên, học rất giỏi. Nghe tên đoán được quê ở đâu rồi, mặc dầu Thiên nói giọng Bắc 54. Ngày nọ, khi đọc bài trong giờ Văn, Thiên đang từ giọng Bắc chuyển qua giọng Huế. Cô quay xuống bàn dưới, cũng là lúc Thiên ngó lên cô. Cả lớp ban đầu ngạc nhiên, nhưng sau đó cười ồ. Cô cũng cười giòn giã, vui vui. Có cảm động một chút. Rồi thôi. Cô đối với Thiên cũng như với các nam sinh khác trong lớp. Thỉnh thoảng đi học về, tình cờ gặp Dũng lớp bên cạnh, hai đứa đạp xe chung một quãng trên đường Trương Minh Giảng. Có lần Dũng tâm sự, Ba Mạ Dũng người Huế, mà Dũng không nói được giọng sông Hương, dù rất muốn. Dũng là tay giỏi chữ nổi tiếng của mấy lớp ban Văn. Cô lại cười cười, thấy Dũng dễ mến. Nhưng chỉ vậy, cô vẫn chưa đặt câu hỏi, bao giờ (lại) biết tương tư. 


Cô lên đại học, hình ảnh của Thiên và Dũng dừng lại ở Marie Curie. Cô vẫn giữ những cuốn sách anh tặng cô. Những lá thư dài của anh cô cất rất kỹ. Rồi đến khi, nghĩ là không nơi nào an toàn, cô đem thư đọc lại, giữ trong trí nhớ. Xong, xé thư. Cô nhớ, trong một lá thư anh viết: 

Bởi vì mắt thấy trời xanh, 

Cho nên mắt cũng thanh thanh màu trời. 

Bởi vì mắt thấy biển khơi, 

Cho nên mắt cũng xa vời đại dương. 


Đôi khi cô nhớ anh bâng khuâng. Nhưng cô không mường tượng ra khuôn mặt của anh thế nào. Lần nọ, anh hát cho cô nghe bài Suối Tóc của Văn Phụng, một bài hát anh rất yêu. Anh hỏi cô, “Biết anh thích nhất đức tính nào của phụ nữ không?” Cô lắc đầu. Anh nhẹ nhàng, “Dịu hiền. Dịu hiền như bé con của anh.” Thời cô vào đại học, cô nghịch ngợm dữ lắm. Bạn bè đùa, cô đến đâu, không chết trâu, cũng chết bò. Có anh bạn còn so sánh cô với chó mèo chim cá và với cả cọp nữa. Nhưng khi cô mười bảy tuổi, với anh, cô rất dịu hiền.


Thuở làm sinh viên, với cô, là những ngày tháng hoa mộng trong đời. Giữa muôn háo hức của trường lớp mới, vẫn có những lúc cô nghĩ đến anh. Cô không còn cảm thấy ghét anh. Một lần, trong giấc mơ, cô thấy anh hát bài Michelle của The Beatles Michelle ma belle, sont les mots qui vont très bien ensemble, très bien ensemble. I love you, I love you, I love you, That’s all I want to say. Giấc mơ thật nhẹ nhàng. Tự dưng cô nghĩ đến tên Michael. Đôi lần trong nhật ký thời đại học, cô có nhắc đến Michael, là cô nhắc đến anh. Nhưng cho đến bây giờ, bao nhiêu năm qua, cô không hề nghe tin tức nào về anh.

* *


Mới đây, tình cờ đọc các thư qua, thư lại của mấy người bạn học cũ trên
Facebook, thật bất ngờ, cô gặp mấy câu thơ:

Bởi vì mắt ngắm trời xanh 

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời. 

Bởi vì mắt ngắm biển khơi  

Cho nên mắt cũng xa vời đại dương


Cô xúc động ngẩn ngơ. Trời ơi! Đây là mấy câu thơ “của riêng” cô bao nhiêu năm nay rồi. Đã qua thuở xưa hơn ba thập niên. Đã xa chốn cũ hơn mười ngàn cây số. Nhưng bây giờ, thời gian như ngừng lại, không gian như quanh đây. Hình ảnh của mấy chục năm trước nơi quê nhà, lúc ẩn lúc hiện, nhưng êm đềm, đằm thắm trong trí cô. Cô thấy lại con bé mười bảy tuổi, mặc bộ đồ màu đỏ hồng có chấm trắng, tóc xõa ngang vai. Con bé ngỡ ngàng, run rẩy, hỏi mình biết yêu rồi chăng? 


Cô vội liên lạc người bạn, hỏi xuất xứ của mấy câu thơ. Thì ra, thi sĩ Phạm Thiên Thư đã viết bài thơ cho nàng thơ của ông ta, và có thể cho tất cả bạn thơ. Nhưng đối với cô, mấy vần thơ đó là của anh, chép cho cô, cho mối tình thơ dại của con bé mười bảy tuổi ngày xưa.


Tháng Tám 2013


Trích lời ca trong các nhạc phẩm:


Thơ Ngây của nhạc sĩ Anh Việt

Michelle by The Beatles


* Giữ nguyên văn như trong ấn bản 2015.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm tôi lên mười, O Xưa đã trên ba mươi. Ở con đường Nam Giao, thành phố Huế, từ đầu dốc tới cuối dốc, O Xưa đi lên đi xuống hằng ngày giống như một cái bóng, vì hình như O không sống với người. O Xưa sống với ma, người chồng ma của O vô hình, ở đâu đó, trên cây, trong cỏ, trên lá, trong vòm trời, trong bóng mây, O kể lể vậy. Có thể nhìn thấy O Xưa vào buổi sáng, vào giờ công chức đi làm, học sinh đi học và các bà nội trợ Huế ngồi xúm xít bên gánh bún bò ngon nổi tiếng của mụ Dục, bên gánh cơm Hến của mụ Khế, gánh bánh canh từ Nam Phổ của mụ Cau. Buổi trưa, lúc O Xưa đi từ trên con dốc xuống, đầu đội nón thì mấy bà nội trợ đang ngồi lê đôi mách với nhau ở cái quán tre đầu một con hẻm.
Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá, vì tháng Hai vẫn là mùa đông, nhiệt độ vẫn ở độ âm dưới zero, tuyết vẫn rơi bao la, vậy tàn đông cái nỗi gì!
Hôm thứ Ba vừa rồi, vợ chồng tôi đến ga NTG đón hai mẹ con người bạn vào chơi trên chuyến tàu Bắc-Nam SE7 dự kiến sẽ đến ga lúc 9h15 AM, Chúng tôi ngồi ở phòng đợi cùng với những hành khách đón tàu xuôi các ga phía Nam...
Tôi đạp xe về nhà với cõi lòng lâng lâng. Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7, 8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát, tiếng hát ngọt ngào của anh đã rót vào trái tim 16 tuổi trăng tròn của tôi những tình cảm bâng khuâng. Anh đi lính, xóm vắng anh, vắng cả những đêm khuya tiếng hát tiếng đàn...
Ở vùng quê người ta vẫn dùng một vài thứ lá như lá vối, lá "ngấy" (không phải lá ngái), lá bò bò, dây lá nhãn lồng (có nơi gọi lá mắm nêm) kiếm từ rừng rẫy về xắt ra, phơi khô trữ từng bao để nấu uống dần thay lá chè (trà). Nước các thứ lá ấy ai cũng dùng được, cả nhà sẽ uống suốt ngày...
Tôi sắp kể một chuyện thật ghê sợ, kể một cách không màu mè. Tôi chẳng mong đợi ai tin chuyện tôi kể cả. Quả vậy, có điên mới mong như vậy, vì chính những giác quan thật của tôi cũng phủ nhận sự hiển nhiên này. Phải.Tôi không điên và chắc chắn là tôi không nằm mơ. Nhưng ngày mai tôi không còn sống, và hôm nay tôi phải cất đi gánh nặng này trong tâm hồn. Mục đích trước mắt của tôi là trình bày một chuỗi các sự việc một cách rõ ràng, ngắn gọn, không bình luận. Bởi hậu quả của nó, những sự việc này đã làm tôi hoảng sợ, đã hành hạ tôi, đã hủy hoại tôi. Sau này có thể ai đó điềm tĩnh hơn, có đầu óc lập luận hơn tôi và không dễ bị kích động như tôi, sẽ hiểu được trường hợp của tôi không có gì khác hơn là luật nhân quả thông thường và rất tự nhiên.
Tuổi học trò là tuổi mang nhiều kỷ niệm khôn nguôi. Chúng ta nghĩ về thuở xa xưa đó như nghĩ về sân đá banh, suối Đốc Học, suối Mu-ri (Maury), thác Nhà Đèn, hồ Piscine, hồ Trung Tâm hay cột đèn ba ngọn, kể cả con chim, con dế, một thứ keo dính chặt trong trí nhớ học trò...
Trực thăng vừa đáp, cánh quạt thổi cát bụi tung mịt trời, cỏ tranh bên dưới ngã rạp, thân dập dềnh như sóng. Thăng nhảy xuống trước tiên, đảo mắt quan sát chung quanh rồi quay người lại giơ tay cho Chinh bám lấy để bước xuống. Cũng chiếc máy truyền tin cũ đeo sau lưng, nhưng hôm nay có vẻ nặng hơn vì gương mặt Chinh đanh lại chứ không nhìn Thăng cười và khẽ gật đầu như những lần đổ bộ trực thăng trước. Chinh mang máy cho Thăng đã ba năm, đeo hạ sĩ gần một năm. Thầy trò đã kề cận, cùng vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, chưa bao giờ Chinh biểu lộ sợ hãi kể cả những lúc nguy khốn nhất, bị địch vây hãm phải mở đường máu để triệt thoái...
Chiều hôm ấy, một buổi chiều cuối mùa Hè năm 1956, trước cổng trường Võ Tánh Nha Trang, Trọng nhìn theo mái tóc dài thả sau hai bờ vai và tà áo dài trắng, và gọi lớn tên nàng nhưng Thu Nguyệt vẫn lặng lẽ tiếp tục đạp xe đạp, không đáp lại lời kêu gọi của Trọng, ngay cả ngoái đầu nhìn lại nhau lần cuối...
Sau khi đưa được gia quyến sang Tàu, Trần Ích Tắc đã được Nguyên chủ Hốt Tất Liệt cấp một dinh thự tại Ngạc Châu để ở. Nguyên chủ cũng ban cho ông nhiều bổng lộc nên gia đình ông vẫn có một cuộc sống sung túc...
Chị Bông gởi tâm sự cho chị Ngân Bình phụ trách mục “Tình Chàng Ý Thiếp” của một tuần báo. Chị than thở chuyện tình cảm hai vợ chồng già nhà chị lúc nào cũng xung khắc cãi nhau. Ông ấy lát gạch vườn sau chỗ cao chỗ thấp làm chị Bông vấp ngã mấy lần đã không biết điều xin lỗi còn mắng vợ xớn xác. Chị Bông tiết kiệm ngân quỹ gia đình, ở nhà chuyên mặc đồ thừa của con gái thì ông ấy nói quần áo ngắn cũn cỡn, váy màu mè xanh đỏ như bà đồng bóng...
Hình như có cái gì đó cần phải suy nghĩ cho trọn vẹn kỹ càng? Tôi dừng lại. Bắt gặp ánh mắt của tôi, người đàn bà tấp xe vào lề, mời mua vé số. Tôi lục tìm tất cả những đồng bạc lẻ. Xác suất rất nhỏ cho hạnh phúc rất lớn, thậm chí có thể đổi đời. Xác suất rất lớn cho nỗi thất vọng rất nhỏ – nhỏ đến độ thường bị lãng quên đâu đó ở ngăn ngoài chiếc ví, trong túi áo quần…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.