Hôm nay,  

Ông Già Tàu

17/10/202115:16:00(Xem: 2682)

 


- Thổ cha mày, thổ cha mày! Mấy nị hui nhị tì hết đi, đừng có nhạo ngộ à!

Mặc cho ông già Tàu lầu bầu chửi, tụi con nít xóm chợ vẫn bâu quanh trước cửa tiệm thuốc bắc Quảng Lợi Đường hát hò trêu chọc, có vài đứa quá khích còn ném cả đá vào cửa sắt của tiệm. Hổng biết ai mớm cho tụi con nít mà chúng nó hát bài vè "Ngộ ở bên Tàu/ ngộ mới sang ta/ngộ đạp cứt gà/ ngộ tưởng kẹo cà/ngộ bốc ngộ lủm/ngộ kêu thúi thúi/ ngộ ăn cái chuối.ngộ kêu ngọt ngọt/ ngộ bận quần sọt/ngộ địt te te/ ngộ ăn trái me/ngộ kêu chua chua/ ngộ chơi bầu cua/ ngộ thua hết tiền...”. Cái đám con nít lêu lổng ngày nào cũng kéo đến quấy phá ông già Tàu. Nghe đâu ổng vốn người Triều Châu, sang đây từ hồi Pháp thuộc. Ông già Tàu cao to, hai tay dài lòng thòng, có lẽ ông to con nhất ở xóm chợ Bà Bâu. Da ông cũng trắng hơn dân quanh vùng, mũi cao, dái tai dài, mắt có bọng mỡ… trông ông khác hẳn với dân quanh vùng. Mặc dù ông giận đám con nít vô lễ, xúc phạm đến ông nhưng nét mặt ông dường như không biểu lộ cảm xúc. Ông chửi nửa tiếng Tàu, nửa tiếng Việt với cái giọng lơ lớ càng làm cho tụi con nít làm tới và cười ngặt nghẽo thêm.

 Tiệm thuốc bắc Quảng Lợi Đường có tiếng đồn rất xa, không chỉ người xóm chợ, xóm chùa, xóm đình, xóm miễu mua thuốc của của ổng mà người các tổng xa tận Thanh Huy, Quy Hội, Nam Tăng, Long Mỹ… cũng tìm đến tiệm ông già Tàu. Ông bắt mạch, kê toa, bốc thuốc suốt cả ngày. Tiếng lách cách tính tiền từ cái bàn tính bằng gỗ dường như chẳng khi nào dứt. Quảng Lợi Đường có món thuốc gia truyền hiệu “ Hai Cá Vàng”, có thể nói đây là thứ thuốc trị bá bệnh, ai bệnh gì cũng mua uống, ấy vậy mà hiệu nghiệm mới lạ, vì thế mà tiếng đồn ngày càng xa. Đến nỗi người các tỉnh lân cận cũng chẳng ngại đường xa tìm đến  Quảng Lợi Đường. Nhà ông già Tàu giàu lên là nhờ “Hai Cá Vàng”. Ông gởi hai thằng con trai lên Sài Gòn ăn học, cả hai học hoài chẳng thấy ra trường, nhưng lại nổi tiếng ăn chơi thuộc loại phá gia chí tử, cũng may nhờ làm ăn phát đạt quá nên gia tài cũng không hề hấn gì.

 Chợ Bà Bâu, ngoài tiệm Quảng Lợi Đường còn có hai tiệm thuốc bắc khác là tiệm Đại Sanh Đường và  Tân Thạnh Đường, cả ba tiệm đều làm ăn phát đạt cả. Ông già Tàu họ Diệp người triều Châu. Ông chủ tiệm Đại Sanh Đường họ Hàn, gốc người Hẹ. Còn ông chủ tiệm Tân Thạnh Đường người Vân Nam. Năm kia, con trai cả ông già Tàu có tìm về Triều Châu để nhận họ hàng. Sau này trong một lần nhậu với bạn bè xóm chợ, y tiết lộ:” Họ hàng bên ấy nghèo lắm, làm nông, ở thôn quê, nhà vách đất, vẫn còn đái trong những chậu đất để dành tưới rau...”. Bạn bè có người chột dạ:

- Vậy thì ở bển ba của mày đâu có làm thuốc. Sao sang đây lại mở tiệm thuốc bắc ngon lành?

Ông con trai ông già Tàu thật thà:

- Ông già tao kể có đi học thuốc bắc một thời gian trước khi lưu lạc sang Việt Nam.

Thì ra là thế, đói đầu gối phải bò, cái chân phải chạy cái giò phải đi, cũng may phước nhà lớn, từ khi mở tiệm đến giờ chưa xảy ra bất cứ sơ xuất gì, chưa thấy ai phàn nàn hay kiện tụng chi cả. Không những thế còn được khen thuốc hiệu nghiệm.
 

Ông già Tàu họ Diệp ở trong nhà được vợ con đối xử như ông vua, chăm sóc kỹ lưỡng. Bà vợ ngày nào cũng tỉ mẩn ngồi nhặt từng sợi lông tơ dính ở tổ yến trước khi chưng cho ông ăn. Những bà bán đặc sản ở chợ Bà Bâu cũng thường đem những món ngon nhất tới tiệm để bán . Bà vợ chọn toàn những món thượng hạng để tẩm bổ cho ông già Tàu. Ông già Tàu còn là một tay hút thuốc phiện số một ở đây, hai ông già Tàu của Đại Sanh Đường và Tân Thạnh Đường hổng có hút thuốc phiện. Căn phòng để hút thuốc phiện của ông nằm trên lầu hai, đây như là biệt cung của ông, vợ con cũng ít khi bước vào, họ chỉ vào khi cần dọn dẹp mà thôi. Bộ bàn đèn luôn đặt giữa căn phòng, có mấy cái tẩu để hút rất đẹp, lên nước láng bóng, có cái bằng gỗ quý, có cái bằng sứ. Ông già Tàu hút ngày mấy cữ, thường thì hút một mình, có ngày thì mấy bạn thuốc phiện cùng đến hút chung, ai hút tự trả tiền. Bạn hút có võ sư Huỳnh, một võ sư nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, võ sư Cẩm, Bảy Thiện, một tay giàu có của chợ Bà Bâu; đặc biệt có ông Sơn thọt và ông Mười Kèn. Người ta gọi ông Mười Kèn vì ổng có cái lò rèn, ngày ngày kéo ống bể thổi lửa phì phò như thổi kèn. Hai ông này nghèo mạt rệp, đến chầu rìa để hút xái. Khi mấy ông kia hút xong, họ cho hai ông này cạy xái thuốc phiện còn đọng quanh miệng tẩu để hút đỡ ghiền. Vì là xái nên ông già Tàu bán rẻ cho hai ông bạn nghiện nhưng nghèo. Xái thuốc phiện không chỉ bán cho người nghèo hút mà còn bán cho mấy người dưới quê mua về cho trâu bò uống. Trâu, bò bị tiêu chảy hay một số bệnh khác cũng cho uống xái thuốc phiện vậy mà hết bệnh, còn hay hơn thuốc thú y.

 Cái mùi thuốc phiện thơm trời thần, thơm lạ lùng, hổng có mùi nào có thể sánh được, nó vừa ngọt ngọt lại nồng nồng, nó xộc xào mũi thì cứ như quanh quẩn ở hốc mũi hổng chịu tan. Thằng Thiện bạn với thành Thanh, cháu nội ông già Tàu, ngày nào hai đứa cũng lên sân thượng chạy nhảy chơi, khi ông già Tàu hút thì cả hai lại lấp ló nhìn lén. Thằng thiện khẽ đẩy nhẹ cánh cửa vừa đủ lọt khe ánh sáng và dán mắt vào xem ông già Tàu và mấy ông bạn nằm bẹp bên mân đèn. Thằng Thiện sợ bị lộ nên rất khẽ khàng thận trọng, thật ra cũng bằng thừa, những lúc ấy mấy ổng đều phê cả, có quan tâm hay biết gì đến chung quanh nữa đâu. Thằng Thiên thích ngửi cái mùi thơm trời thần đó nhưng nó cũng sợ lỡ bị ghiền lây. Nó nghe người lớn nói ghiền thuốc phiện mà không có thuốc thì  đau đớn quằn quại như có dòi bò trong xương, trùng đục thân thể… Ông già Tàu và mấy bạn của ổng ghiền thuốc phiện nên môi người nào cũng thâm sì, gầy nhom như con mắm. Ông già Tàu nhờ có của, vợ con chăm sóc kỹ nên tướng tốt chứ không như mấy người kia. Ông già Tàu vẫn phương phi hồng hào lắm, duy có điều lúc nào cũng mặc cái áo ghi lê, dù trời nóng như đổ lửa.

 Chô Bà Bâu nhỏ như lòng bàn tay, vậy mà có lắm người Tàu. Ngoài họ Diệp còn có họ Hàn, họ Thái, họ Lý, họ Khưu, họ Tạ… Bọn họ đều giàu có cả. Nhà họ Hàn có cô con gái trạc tuổi thiện và học chung lớp với Thiện. Con nhỏ nhỏ nhắn, xinh xắn và trắng như trứng gà bóc. Con nhỏ tên Lệ, Thiện vẫn thường đi học chung đường với nó, thường trêu chọc nó. Thiện nghe lóm người lớn nói lệ là nước mắt nên trêu nó:

- Người đẹp xinh vậy mà tên là nước mắt, nghe buồn quá!

Con nhỏ cãi:

- Lệ không phải là nước mắt, lệ nghĩa là đẹp đó Thiện! Chẳng hạn như Ái Lệ nghĩa là tình yêu đẹp.

Thiện đớ người ra, hổng còn chút kiến thức nào khác để cãi, vì Thiện chỉ biết có nhiêu đó. Lệ cũng như  toàn bộ con cháu người Tàu ở chợ Bà Bâu này, chẳng ai còn biết nói hay viết tiếng Tàu, tất cả không khác gì cư dân Việt của chợ Bà Bâu, gốc gác còn chăng là ở cái họ trên giấy tờ mà thôi. 

 Năm ấy nhà nước oánh tư sản, họ Lý bị tịch thu nhà, họ Hàn, họ Diệp thì mất nhiều của cải. Họ Thái, họ Khưu bị buộc phải cho nhà nước mượn nửa căn nhà để làm hợp tác xã mua bán… Ai cũng xính vính mà hổng dám hé răng nói gì. Nhà ngoaị Thiện cũng bị lấy hết ruộng vườn, thời buổi nhiễu nhương, lòng người bất an, ai cũng sợ xanh mặt, sống nay hổng biết mai ra sao. Người Việt còn đỡ, người Tàu chợ Bà Bâu còn bị đám con nít quấy phá, xúc phạm do người lớn xúi, thậm chí đặt vè để cho con nít hát mạ lị người ta. Những nhà người Tàu ở chợ Bà Bâu khá giả giàu có hơn người Việt, họ trở thành đối tượng sách nhiễu nhiều hơn, tuy nhiên sự sợ sệt và cuộc sống ngột ngạt thì có lẽ Tàu hay Việt cũng cảm nhận giống nhau, Cái thiếu thốn nghèo đói đang dần xâm nhập từng nhà, có lẽ cùng tắc biến, người người rỉ tai nhau tìm đường vượt biên. Ông già Tàu họ Diệp qua nhà ngoại Thiện, đây là lần đầu ông ta sang nhà hàng xóm, xưa nay chưa từng thấy bao giờ, với ông già Tàu thì ngoại của Thiện là chỗ gần gũi nhất, là người ông có thể tin tưởng nhất ở xóm chợ Bà Bâu. Ông xì xầm với ngoại.

- Nị có muốn đi với ngộ không? Ngộ chẩu Mỹ cọt, ngộ được người quen giới thiệu mối này rất an toàn, mỗi đầu người đóng năm cây.

 Ngoại Thiện từ chối:

- Cảm ơn ông đã có lòng tưởng đến tui, nhưng ông đi đi, ông nên đi càng sớm càng tốt. Ông ở lại không yên với họ đâu! Tui thì ở lại, tui sợ lắm, nhưng ra đi tui cũng sợ, không biết sống chết ra sao?

 Ông già Tàu lặng lẽ ra về, sau đó ông già Tàu họ Diệp cùng với mấy ông họ Hàn, họ Thái góp vàng đóng tàu mua bãi để ra đi, hổng biết góp bao nhiêu nhưng có lẽ nhiều lắm, họ sẵn sàng đánh đổi cả gia tài để đi cho bằng được. Việc vượt biên không thành, chẳng biết có phải bị lật kèo hay mua bãi trúng phải ổ ngầm nên bị hốt cả đám. Mấy đứa con nhà họ Thái như Thái Tài, Thái Hạo, Thái Thành, Thái Hân… đều đi tù cả. Họ Diệp, họ Hàn vì chậm, chưa kịp đến bãi nên thoát, tuy nhiên toàn bộ số vàng đóng góp mất trắng, dù sao cũng còn may, mất của nhưng người còn, lại không bị đi tù. Ông giày Tàu họ Diệp lại lần nữa qua nhà ngoại.

- Sau vụ này ngộ phải xuất lượng nhiều lắm, nếu không thì nhà ngộ gặp rắc rối to. Mấy đứa con nhà họ Thái tuy bị nhốt trên quận nhưng nay mai sẽ về thôi. Họ Thái cũng chi bộn rồi!

 Quả thật vậy, chỉ chừng nửa tháng sau người xóm chợ thấy mấy con nhà họ Thái ngồi ngoài quán cà phê Thanh Hà. Cũng là người Tàu với nhau, cũng tìm đường vượt biên như nhau nhưng nhà họ Diêu trong thị xã thì thê thảm nhất. Nhà họ Diêu có tiện trà Diệu Ký nổi tiếng khắp nước. Họ Diêu là bạn của ông già Tàu họ Diệp và cũng là bạn hàng làm ăn với ngoại Thiện. Họ Diêu giàu có nhất trong bọn họ, ông chi vàng mua bãi,  đóng tàu riêng để cho cả nhà và những người họ hàng cùng ra đi. Họ đi trót lọt, không bị bắt. Những người quen biết đều mừng cho nhà họ Diêu, nào ngờ mấy tháng sau, những người vượt biên trót lọt nhắn tin về:” Tàu nhà họ Diêu bị cướp biển phá tàu để cướp vàng, toàn bộ nhà họ Diêu bị giết chết, không một người sống sót”. Họ Diêu ra đi, bỏ lại nhà cửa tài sản, chỉ mang theo vàng và hột xoàn, những tưởng đi thoát, nào ngờ chết thảm như vậy. Lần thứ ba ông già Tàu họ Diệp lại sang nhà ngoại.

- Họ Diêu giàu lắm, ngoài số vàng đóng tàu mua bãi, còn bao nhiêu ép vào mạn tàu, không hiểu sao bọn cướp biển lại biết bí mật này mà phá tàu để cướp vàng?

 Câu hỏi của ông già Tàu có lẽ cũng là câu hỏi của nhà họ Diêu, cả nhà họ mang câu hỏi ấy sang thế giới bên kia. Những người sống có thể họ hiểu nhưng không nói ra được hoặc thật sự không biết cũng chẳng làm sao biết được, nhưng người ở xóm chọ Bà Bâu thì bâng quơ:

- Có gì khó hiểu đâu! Bán bãi bảo kê biết phong phanh nên bật mí ra và biết đâu đó cũng chính là thủ phạm?

 Người lớn trong nhà thường nói rằng người Tàu giỏi mua bán, đi đến đâu cũng làm nghề mua bán. Thiện cũng thấy thế. Chợ Bà Bâu này người Tàu giàu có hơn người Việt, ngoài ba tiệm thuốc bắc thì còn có vựa đường của nhà họ Diệp ( nhánh này khác với nhánh họ Diệp của ông già Tàu thuốc bắc), tiệm vàng nhà họ Lý, sạp vải nhà họ Thái, tiệm chụp ảnh nhà họ Tạ… hổng thấy ai đi làm công nhân hay làm ruộng như người Việt. 

 Khi bọn con nít bị người lớn xúi giục kéo đến quấy quá hát vè mạ lỵ ông già Tàu, ông già Tàu chửi nửa tiếng Tàu nửa tiếng Việt, giọng Việt lơ lớ càng làm cho chúng cười và hát to hơn. Không biết ông già Tàu giận nhiều không nhưng nét mặt ông vẫn như mọi ngày, lặng lẽ không gợn xúc cảm, ngay cả lúc ông lên tiếng chửi:” Thổ cha mày, thổ cha mày”. Thiện chưa bao giờ thấy ông vui hay buồn, gương mặt ông hơi dài, trắng, mũi cao, có mấy nốt ruồi ở dưới bọng mỡ mắt và ở cổ. Ông đẹp trai hơn hẳn những người đàn ông Việt ở chợ Bà Bâu này. Ngày nào Thiện cũng nghe ông lầu bầu chửi con cháu khi ông không vừa lòng:” Thổ cha mày, thổ cha mày”. Ngày ông già Tàu gả cô con gái lớn cho nhà họ Lương, cũng người Tàu nhưng khác quận, ông có mời ngoại Thiện, có lẽ ngoại Thiện là người Việt duy nhất trong đám cưới này. Ông già Tàu nói với ngoại:

- Ngộ quý nị lắm, nị là hàng xóm gần gũi nhất, tốt nhất của ngộ!

 Năm ấy cậu Tư đến tuổi, người ta gởi giấy về nhà bắt phải đi đăng ký nghĩa vụ quân sự. Ngoại lo sốt vó, đi ra đi vào:

- Thời buổi bất an, đi lính có mà chết! Họ đưa quan Campuchia coi như hết số!

 Có người đến bỏ nhỏ vào tai ngoại:

- Bà muốn hoãn nghĩa vụ quân sự cho thằng Tư không? Hoãn một năm, hoãn năm năm hay hoãn trọn đời? Bà chi ra thì tui chạy cái giấy ấy cho.

 Ngoại mừng hết lớn, bao nhiêu cũng sẵn sàng chi, duy chỉ hơi ngần ngại là chi cho hoãn trọn đời thì tốn kém quá, vả lại liệu có chắc không? Tính tới tính lui ngoại cũng quyết định chi cho cái giấy hoãn trọn đời. Ngoại qua tiệm thuốc bắc Quảng Lợi Đường của ông già Tàu hốt cả chục thang thuốc đau lưng nhức mỏi. Ông già Tàu bắt mạch xong nói:

- Nị uống hết chục thang thuốc này sẽ hết đau lưng, hổng hết tui trả tiền lại cho nị.

 Ông già Tàu tặng thêm cho ngoại một thang thuốc ngâm rượu trị nhức mỏi, khi nào mỏi thì uống một chung tí xíu đỡ ngay thôi. Ông nói tiếng Việt lơ lớ, ít khi tiếp xúc với người Việt, chỉ trừ những khách hàng xem mạch hay bốc thuốc mà thôi. Riêng với ngoại thì ông nói nhiều hơn, kể cả tâm sự chuyện nhân tình thế sự. Nhiều người ở chợ Bà Bâu thường lấy làm ngạc nhiên về tình bạn thân thiết giữa ông già Tàu với ngoại. Sau khi bắt mạch bốc thuốc, ông già Tàu bảo:

- Hồi nẳm, nị phải lo cho thằng Hai khỏi bị đi quân dịch, giờ nị lại lo cho thằng Tư không phải đi nghĩa vụ quân sự. Ngộ người Tàu, con ngộ không bị kêu đi lính nhưng ngộ phải đóng nhiều tiền lắm. Ngộ với nị có của ăn của để, nếu không hổng biết lấy gì chi, hổng biết sống làm sao?

 Ông già Tàu nói đúng, nếu ngoại hổng có tiền thì cậu Hai đã bị đi quân dịch thời trước và thời nay thì cậu Tư sẽ bị đưa qua Campuchia đánh nhau với Khơ Me đỏ rồi! 

 Năm thứ hai ở bậc đại học, Thiện từ Sài Gòn về xóm chợ Bà Bâu nghỉ hè. Nào ngờ mấy ngày sau nghe ông già Tàu chết, đám ma lình đình lắm, họ hàng từ Sài Gòn ra dự, con cháu từ nước ngoài về đưa đám, đám ma của ông hổng thấy con cháu mặc áo sô đội mão gai như người Tàu Chợ Lớn, Thiện thấy bọn họ đều chít khăn trắng như những đám ma khác của người Việt ở chợ Bà Bâu. Thiện nghe láng giềng xì xào với nhau:” Họ bỏ cả bộ bàn đèn của ông già Tàu vào trong hòm”. Hổng biết đúng sai thế nào nhưng dù sao đi nữa thì cái mùi thơm trời thần ấy đã theo ông già Tàu đi qua thế giới bên kia. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 10/2021

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ba ơi, chúng con cảm ơn ba đã cho chúng con niềm hạnh phúc đó. Và hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi ba là niềm tự hào của chúng con, là Tấm Chắn vững chãi cho mỗi chúng con. Tấm Chắn đó được nung đúc bằng chất liệu yêu thương, nhân từ, độ lượng, tin cậy. Tấm Chắn đó vững chãi đến độ, dù chúng con đứa đã có con có cháu, vẫn cảm thấy bé bỏng khi chạy về ôm lưng ba, dụi đầu vào đó mà hít thở hương thơm tình phụ tử...
Không biết ở các xứ lạnh khác thì sao, chứ ở Canada, khi mấy tháng cuối năm chuyển mùa, đón mùa đông lạnh lẽo thì hễ gặp nhau, câu đầu tiên người ta nói với nhau là về... tuyết!
Bé Nga đi học về nhằm lúc chị Liễu đang ngồi sửa áo quần. Bé tò mò đứng lại nhìn: chỉ toàn là đồ cũ. Chắc ai mới cho mệ ngoại đây, bé vừa ngẫm nghĩ vừa bước lại lục mớ đồ bà đã sửa xong. Thấy có tới hai bộ nhỏ cỡ thân hình mình, bé tỏ ra thất vọng...
Mùa Giải Bóng Đá Quốc Tế, khi những người hâm mộ bóng đá rộn ràng bàn tán về những cặp giò vàng, về những đường banh đẹp, những cú đá long trời lở đất, lòng tôi bùi ngùi, xốn xang nhớ mùa Giải Bóng Đá Quốc Tế năm 2006 được tổ chức tại Đức. Đây là lần thứ hai, sau 32 năm, nước Đức được làm chủ nhà đón tiếp 31 đội bóng từ khắp nơi trên thế giới đến tranh chức vô địch. Hãng tôi đang làm, từ xếp lớn đến nhân viên quèn, ai cũng ghiền xem bóng đá, ngoại trừ tôi. Tuy vậy, tôi vẫn tham gia những cuộc chuyện trò sôi nổi về bóng đá, cùng đồng nghiệp hòa vào không khí vui tươi, tưng bừng trong văn phòng...
“Nghe đây ông già...” Thằng Tây nghiêm trang gằn từng tiếng, như thể sợ ông già sắp liều mạng lái xe vận tải chuyển hàng ủi sập hãng vậy. “Phá hãng là ở tù mọt gông đó nghe cha! Thôi, đừng nghĩ bậy nữa, lo cày thêm vài năm, lãnh tiền về hưu, kiếm con nhỏ nào đó, cưới đại, rước về hưởng già, cha nội!” “Không, tao nói thiệt đó.” Giọng ông già xa xăm. “Ngày nào kéo rác đi đổ tao cũng băn khoăn tự hỏi có bao giờ hết những thứ rác rưởi trên thế gian này... Mà nghĩ hoài không ra.”
Nền giáo dục nhân bản đã để lại trong lòng chúng tôi lòng biết ơn sâu sắc với Thầy Cô dù các phương trình sin, cos, tang... của môn lượng giác, các kiến thức nhặt nhạnh được từ 12 năm đầu đời đã bỏ đi biền biệt từ lúc nào...
Khi nghĩ đến xứ của bánh mì baguette, tháp Eiffel chói lọi về đêm của Kinh Đô Ánh Sáng thường hiện ra, và con sông Seine huyền thoại với bằng chứng của vô số cuộc tình trên những chiếc cầu bắc qua sông là những ổ khóa. Đối với tôi, vào những năm gần đây, trong ký ức tôi chỉ muốn nhớ đến xứ có nhiều người lịch lãm, thân thiện, gặp nhau ngoài đường sẵn sàng tặng cho bạn nụ cười rạng rỡ, sẵn sàng giữ cánh cửa siêu thị để mời bạn bước qua trước, và con sông Rhône hiền hòa với thành phố miền quê nhỏ Valence...
Mấy hôm nay, Bà Năm mất cả ăn, cả ngủ vì chỉ còn 1 ngày nữa thôi, sáng mai là Bà lên máy bay sang Mỹ đoàn tụ gia đình, sống với đứa con gái lớn đã sang sinh sống ở Mỹ dễ chừng hơn 2 chục năm rồi...
Tôi xin nhắc lại vài kỷ niệm với các bạn tại trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ mà tôi còn nhớ được. Trường chúng ta không còn ở bên ta nữa, nhưng những kỷ niệm, những tình cảm thân thương dành cho trường và cho nhau, đã từ bao năm nay, dường như không thể phai mờ trong trái tim của mỗi chúng ta. Nhắc lại những kỷ niệm đó, không phải để nuối tiếc những gì đã qua hay đã mất, mà chính là để nuôi dưỡng những cái cần được và cần phải trân trọng giữ gìn...
Khi tôi về. Thời gian nghỉ phép quá ngắn ngủi nên tranh thủ tận lực đi đây đi đó để tận mắt thấy, tận tai nghe. Tôi thu thập khá nhiều những chi tiết, thông tin, tư liệu để mà viết; những thông tin tiêu cực có, tích cực có với trực giác khá bén của mình, tôi lựa chọn những gì tốt và thật nhất, có một điều là “Sự thật mất lòng”, sự thật khó nghe, nghịch nhĩ nên cũng dễ bị phản ứng cực đoan, nhất là với dân mít nhà mình, đừng nói là quan quyền chức sắc, ngay cả dân đen con đỏ cũng thế...
Dù xa xôi cách trở đến đâu, điều ước mơ duy nhất là mong gặp lại Chị. Tôi biết, ở một góc trời nào đó, Chị cũng thường nhớ và ao ước như tôi. Đời sống, chợt có những ra đi biền biệt không ngờ, như một tiếng hát vút bay, rồi mất tăm trong gió...
Hồi đó, sau thế giới chiến tranh, vừa hồi cư về Huế, gia đình tôi sống chật vật trên đồng lương giáo viên ít ỏi của Mẹ. Không phải dễ để nuôi tám miệng ăn: năm người lớn, ba trẻ con. Qua giao thiệp, quen biết Mẹ và hai Dì được người ta nhờ cậy đan áo len và công việc ấy đã đem thêm chút đỉnh tiền cho gia đình. Trong hoàn cảnh sau chiến tranh, áo len rất quý. Người ta đã mất đi những chiếc áo len tốt khi chạy về làng tránh bom đạn. Nay ai cũng cần áo len để qua mùa đông vì mùa đông của Huế rất lạnh, cái lạnh ẩm, buốt vào tận xương. Mưa dầm dã, ngày này qua tháng nọ. Qua Xuân mới có tí nắng ấm...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.