Bạn,
Theo ghi nhận của các báo quốc nội, hơn 80% sinh viên VN phải tìm thêm việc làm ngoài những giờ học căng thẳng trên giảng đường. Tan buổi học, họ lại khoác lên mình chiếc áo bảo hộ lao động, làm bất cứ việc gì từ đạp xích lô, tạp vụ, thợ nề... Công việc vất vả, nặng nhọc nhưng họ không hề chùn bước vì đây là khoản thu nhập quan trọng để họ có thể trang trải cho việc học tập và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Báo Giáo Dục &Thời Đại viết về tình cảnh của những sinh viên phải kiếm sống để tiếp tục học qua đoạn ký sự như sau.
Những sinh viên (SV) này phần lớn từ tỉnh lẻ lên thành phố học tập, gia đình khó khăn, không đủ điều kiện chu cấp cho họ học tập. Chính vì vậy mà ngay từ khi bước chân vào giảng đường họ đã xác định phải kiếm sống bằng bất cứ công việc gì. Trong xóm trọ của tôi, nhắc đến N.V.Q (ĐH Mỏ địa chất) ai cũng khâm phục bởi ý chí vươn lên của Q. Ngày nào cũng như ngày nào, tan học về là Q lại khoác chiếc áo bảo hộ lao động lấm lem vôi vữa làm thợ nề, phụ vữa cho các chú xây dựng trong làng. Đã 2 năm nay kể từ ngày vào ĐH, Q. theo các chú đi xây khắp nơi trong thành phố, công việc nặng nhọc chiếm hết thời gian ngoài giờ học của Q, vậy mà năm học nào Q cũng được học bổng: SV nghèo vượt khó. Những SV như Q có rất nhiều ở các trường ĐH, họ lao động và học tập bằng tất cả niềm say mê và khát vọng vươn lên của mình.
Trong mấy năm gần đây, những công ty người giúp việc mở rộng, tạo cơ hội cho nhiều SV làm việc ngoài giờ học. Công việc tạp vụ vất vả nhưng bù lại SV có thể làm theo tiếng mà vẫn bảo đảm việc học tập của mình. Đến Doanh nghiệp Gia Linh (109 C2 - Vũ Ngọc Phan - Láng Hạ - HN) thì thấy số lượng SV tham gia vào công việc này chiếm số lượng rất đông. Công việc chính của họ là quét mạng nhện nhà, lau chùi bàn ghế, lau nhà, đánh bóng phòng vệ sinh, nấu cơm, là quần áo... theo giờ qui định và cũng được trả tiền theo giờ. SV Nguyễn Ngọc Minh (ĐH Thương Mại) kể: "Mình làm việc tạp vụ này đã được 2 tháng rồi, nhiều lúc cũng mặc cảm với bạn bè trong lớp nhưng rồi mình nghĩ mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, cái chính là mình kiếm tiền một cách chân chính và vẫn học tập tốt".
Đã có rất nhiều người thực hiện ước mơ của mình bắt đầu từ những công việc lao động vất vả, họ đã thành công khi biến ước mơ của mình thành hiện thực. Anh Văn Mạnh (cựu SV ĐH Thuỷ lợi) đã trở thành tấm gương sáng cho SV làng Khương Thượng. Ngày còn là SV anh đã làm tất cả những việc gì có thể làm để đủ tiền học tập, từ rửa bát, bốc vác ở bến xe rồi đạp xích lô... làm quần quật mà có ngày đi học vẫn phải nhăn đói. Thời gian ít ỏi dành cho việc học là trên lớp và đêm khuya... Vậy mà anh đã tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, được một công ty lớn nhận vào làm việc. Và bây giờ anh đã trở thành một người thành đạt.
Bạn,
Cũng theo báo quốc nội, trước những cám dỗ của cuộc sống thị thành đã có không ít SV bất chấp tất cả để trở thành những người "hợp thời". Nhưng đó chỉ là con số ít ỏi trong hàng trăm ngàn SV lên thành phố để thực hiện ước mơ của mình. Báo quốc nội cho biết "đã có rất nhiều SV lập nghiệp từ đôi bàn tay lao động cần cù. Họ khát khao được học, được trau dồi tri thức và muốn thực hiện được ước mơ đó chỉ có cách duy nhất là vừa học vừa kiếm sống."