Hôm nay,  

Mùa Trăng Khổ

18/09/202117:49:00(Xem: 2544)

1

Em mở mắt ra. Trong đêm tối, nghe có tiếng khua nhè nhẹ bên ngoài. Nhận ra là mẹ em ở đó, em khe khẽ đi ra. Em hỏi:

“Đã khuya quá rồi, sao Mẹ không ngủ?”

Mẹ em nói:

“Mẹ chờ tin Bà Ngoại.”

“Bà Ngoại sao hở Mẹ?”

“Bà ngoại nguy lắm rồi con ạ! Bệnh viện mới báo về.”

“Rồi làm sao hở Mẹ?”

Mẹ lắc đầu:

“Không biết làm sao. Từ lúc Bà Ngoại “cách ly” rồi vào bệnh viện, mình không được gặp.”

Em không dám hỏi nữa, yên lặng ngồi bên Mẹ, cùng chờ đợi với Mẹ. Đã hơn bốn tháng ở trong nhà, ý nghĩa hai chữ “cách ly” hầu như ai cũng thấm thía. Rồi từ khi Bà Ngoại được đưa vào bệnh viện, mấy mẹ con chỉ “gặp” Bà qua điện thoại. Có khi Bà Ngoại nói chuyện được, Bà gắng gượng vui vẻ. Bà còn dặn dò việc nhà phải làm cho đàng hoàng. Chẳng là Bà đã quán xuyến hầu hết công việc trong nhà để Ba Mẹ yên tâm đi làm. Tám mươi tuổi, trông Bà còn nhanh nhẹn, sáng suốt lắm. Vậy mà dịch bệnh đã tấn công Bà trước nhất. Ba đi làm ở tỉnh xa, giãn cách, Ba không về nhà được. Mẹ nói thôi để Mẹ lo cho gia đình, Ba hãy khoan về.

Hai mẹ con ngồi một lát, Mẹ bảo em vào ngủ. Ngày mai không đi học, cũng như những ngày khác, em không được đến trường. Em lấy đó làm cái cớ để ngồi nán lại với Mẹ. Một lát, em cảm thấy như mình ngủ gật ngủ gà. Nhìn qua, thấy Mẹ em vẫn trao tráo mắt.

Rồi thì tiếng chuông điện thoại reo lên, hai mẹ con giật mình. Mẹ nghe điện thoại, và rú lên. Bệnh viện báo Bà Ngoại của em đã không qua khỏi. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Cái cột trụ để  tựa nương của nhà em đã mất!

Bà Ngoại đã tám mươi tuổi. Như em đọc trong sách báo, đến tuổi này thì được kể là “thọ” rồi. Nhưng Bà Ngoại mất ở thời này, không “thọ” chút nào, không bình thường chút nào. Không bình thường bởi vì không ai được ở bên Bà, trừ bác sĩ và y tá. Không bình thường bởi vì Mẹ em và em chỉ làm mỗi một việc là chờ đợi. Không có đám tang, không có người đến phúng viếng như em thường thấy các đám tang trong khu xóm nhà em trước đây, hoặc xem trong sách báo, phim ảnh, truyền hình.

Rồi đến một hôm, Mẹ em khóc ngất nhận một hũ sành từ một người không quen. Mẹ nói hũ sành đựng tro cốt. Và đó là những gì còn lại của Bà Ngoại em.


2

Mẹ dạy em xếp một chiếc lồng đèn bằng giấy bông, loại dùng để gói quà, đặt lên bàn thờ Bà Ngoại. Chiếc lồng đèn bé bằng cái tô, nhưng vẫn có thể thắp một cây nến nhỏ trong ấy. Bà Ngoại trong bức ảnh, nét mặt vui tươi. Bà chụp hình này lúc chưa biết đến tên cái bệnh dịch quái ác mà cả thế giới đang đương đầu. Lúc nào Bà cũng như đang cười. Em nhớ những câu chuyện Bà hay kể, kể hoài không chán. Mà em nghe cũng không chán, nghe đến thuộc lòng. Yêu nhất là câu chuyện Chú Cuội Cây Đa. Bà bảo hãy gọi Chú Cuội, đừng gọi Thằng Cuội, nghe không hay. Trẻ con Việt Nam nào ít nhiều cũng biết câu chuyện này. Em thì mê nhất là lúc Chú Cuội rình thấy cọp mẹ nhai nắm lá đắp vào vết thương cho cọp con, thế là cọp con lành ngay. Chẳng là em muốn lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh, hay dược sĩ chế thuốc, nên em chú ý nhiều đến điểm này. Chuyện đời xưa hay quá, hay ở chỗ người ta không sợ bệnh. Hễ bệnh thì có cây đa của Chú Cuội như trong chuyện này. Còn thì có nào là thuốc tiên, nào là ông tiên, bà tiên chữa bệnh cho. Ôi, sao mà em mơ có một thế giới như vậy! Hễ ai sống hiền thì sẽ gặp lành, như một công thức không thay đổi. Còn trong cuộc đời thực, em thấy ai cũng có thể gặp chuyện chẳng lành. Em ngẫm nghĩ hoài, rồi thấy nếu em cứ như vậy, em sẽ lý sự như một bà cụ non. Nhưng không nghĩ không được. Em thương Bà Ngoại của em quá! Bà hiền lành, nhân hậu lắm mà! Sao Bà lại bị biến mất lạ kỳ như vậy? Em thương Mẹ em thờ thẫn suốt ngày, mà em đoán chắc trong lòng Mẹ thì đau điếng.

Em biết Trung Thu sắp đến, qua xem lịch hàng ngày. Có một vài chương trình trên ti-vi nhắc đến Tết Trung Thu, nhưng em thấy nhạt nhẽo, gắng gượng quá! “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi.” (1) Ồ không, tụi con nít chúng em không được ra đường! Người lớn như Mẹ thì quá lắm đi mua thức ăn, đi mua thuốc. Em xem tin, thấy người ta cũng làm bánh để bán ăn Tết Trung Thu. Nhưng Mẹ em đã làm một chiếc bánh nướng theo cách của Mẹ, để cúng Bà Ngoại. Em thì muốn thắp đèn cầy thật nhiều, đặt lên bậu cửa sổ để cho Bà Ngoại cũng thấy, cùng vui với hai mẹ con. 

Khu xóm nhà em vắng vẻ từ mấy tháng nay. Bình thường có khi Bà Ngoại than sao tụi nhỏ nô đùa la lớn làm Bà nhức óc. Bây giờ một tiếng cười cũng không có. Thỉnh thoảng có tiếng xe gắn máy, là do người ta phải đi ra đường khi thật cần thiết, cũng nghe vui vui một chút. Sài Gòn của em đã vắng đi rất nhiều. Mẹ nói người ta ra đi, về quê, vì Sài Gòn dịch bệnh lan tràn. Sài Gòn, nơi đón người đến và tiễn người đi. Không có việc để làm, không có tiền trả tiền nhà trọ, thậm chí bị đói, người ta phải đi thôi! Nói rằng họ bỏ đi cũng rất tội. Đâu ai muốn bỏ Sài Gòn mà đi! Em thấy thương họ. Em thấy thương Sài Gòn của em lắm!


3

“Bà Ngoại là một kho chuyện cổ tích, con ạ!”

“Dạ, con nhớ lắm! Chuyện Bà Ngoại kể… không thể quên được.”

“Ừ, Bà Ngoại sống trong thế giới chuyện cổ tích. Bà Ngoại rất đơn thuần. Tới thế hệ của Mẹ, được học hành nhiều hơn, nhìn thế giới rộng mở hơn, ước mơ cũng khác nhiều.”

Mẹ em đem hình của Bà Ngoại ra xem, ngồi lặng yên, nước mắt rưng rưng. Em muốn Mẹ nguôi bớt, nên kiếm chuyện khác để bàn với Mẹ.

“Mẹ mơ ước gì hở Mẹ?”

“Mẹ từng mơ mình được lên mặt trăng, nhưng không phải vì muốn gặp Chú Cuội, Chị Hằng. Mà vì mẹ thấy các vị phi hành gia giỏi quá. Họ thay mặt cho cả thế giới, đến được vùng đất thần tiên trong cổ tích. Họ biến ước mơ thành sự thật. Mẹ thích khoa học, con à!”

Em cảm động quá! Mẹ nói như đang viết văn hay đang giảng bài. Mẹ của em là một nhà giáo ấy mà!

Mẹ nói tiếp:

“Khoa học có thể giải thích những gì bí hiểm nhất. Ngay cả với bệnh tật, khoa học cũng làm sáng tỏ nguồn gốc, nguyên nhân và cách giải quyết. Với cái con virus này cũng vậy…”

Em tưởng mình có thể “dẫn” Mẹ ra xa một chút, nhưng Mẹ đã đưa em về thực tại.

“Vậy tại sao con người giống như đang chịu thua con virus này hở Mẹ?”

Mẹ lắc đầu:

“Con người không chịu thua. Con người hiểu rất nhiều về nó, đang chống lại nó. Nhưng nó đang biến chủng. Con người cứ bị nó dẫn trước trong cuộc chạy này.”

“Nếu nước mình có vaccine sớm thì nhiều người đâu có chết ha Mẹ!”

“Phải, và Bà Ngoại đâu có chết. Bà Ngoại còn sống với mình nhiều năm nữa, đến cả trăm tuổi…”

“Vậy còn có những nước có vaccine sớm nhưng vẫn chưa diệt nổi dịch bệnh thì sao hở Mẹ, như nước Mỹ?”

Mẹ thở dài:

“Có những nơi dư thừa vaccine nhưng có những người quay lưng, không muốn chích, vì hoài nghi, vì không tin vào khoa học, con ạ!”

Em nghe khó chịu trong mắt. Hình như có một nỗi tức giận đang ùa đến. 

Tới lượt Mẹ dẫn em đi qua chuyện khác. Mẹ cùng em mở máy computer xem lại những bước chân của các vị phi hành gia đặt lên mặt trăng lần đầu tiên, năm 1969. Chuyến bay của phi thuyền Apollo 11 lừng danh. Em hào hứng hỏi Mẹ từng chi tiết. Mẹ quên buồn, kể em nghe về những phút giây cảm động, mọi người ngồi dán mắt lên màn hình ti-vi, say sưa như thể mình đang được sống trên quê hương của Chú Cuội, Chị Hằng.


4

“Trên một ngàn năm trăm học sinh phổ thông rơi vào cảnh mồ côi do cha mẹ mất vì dịch COVID-19, chỉ riêng ở Sài Gòn.” 

Đọc bản tin, em lạnh cả người. Em nghĩ con số này sẽ còn tăng lên nữa, khi mà dịch bệnh chưa bị đánh bại. Tự nhiên em muốn cầu xin các đấng thiêng liêng cứu vớt con người. Tuổi nhỏ của em không mộng mơ như Mẹ ngày trước. Em không mơ lên mặt trăng. Em chỉ mơ, ngay bây giờ đây, có được một bầu không khí trong lành để thở, có được lớp học với đông đủ thầy cô, bạn bè, dạy và học với nhau trong không gian thực, không qua ipad, cell phone; hay phải giam mình lặng lẽ nhớ lớp, nhớ trường vì không có phương tiện. Em chỉ mơ khu xóm nhà em rộn vui tiếng trẻ con nô đùa, tiếng xe chạy qua lại rộn ràng. Em chỉ mơ thành phố bừng lên sau giấc ngủ dài, người người hớn hở mua bán xôn xao.

Em nhìn lên trăng qua khung cửa sổ. Đêm nay trăng đã tròn. Trăng chiếu vào nơi Bà Ngoại ngồi. Em thấy nhớ Bà Ngoại quá! Chú Cuội, Chị Hằng đi vắng rồi! Chỉ còn vầng trăng trải một màu thương nhớ.

Bỗng em nghe tiếng Mẹ thì thầm. Em lắng nghe. Mẹ ở trong phòng. Mẹ đang nói chuyện điện thoại với Ba. Tiếng của Mẹ nghe khác lạ.

“Có gì thì anh về nhé!”

Không nghe Ba nói gì bên kia đường dây. Em nghe Mẹ nói tiếp:

“Chỉ là xét nghiệm dương tính thôi. Em sẽ cố gắng tự cách ly. Con mình cũng hiểu biết lắm, anh đừng lo nhiều. Em đã có một mũi vaccine trong người. Mình sẽ vượt qua.”


Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Mùa Trung Thu 2021

(1): Rước Đèn Tháng Tám, tác giả: Nhạc sĩ Vân Thanh (Đức Quỳnh)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hãy nghe một bà mẹ trẻ (Christine Derengowski, một người viết báo) an ủi khuyến khích con mình: "Con sẽ không bị phạt, và con sẽ không bị ở lại lớp một. Mà thật ra, chính con là một anh hùng. Con có biết là chưa có một đứa trẻ nào trong lịch sử phải học lớp một ở nhà qua màn hình computer, ngồi trong phòng ngủ, nhìn cô giáo qua màn hình. Con và các bạn của con đã làm nên lịch sử."
A Lượng lạch bạch chạy laị chỗ máy thằng Dĩnh giật lấy cái máy quạt tí hon của mình. Trời nóng như đổ lửa, cộng với nhiệt độ cao của dàn máy sản xuất túi nylon toả ra làm cho không khí càng ngột ngạt hơn, cái nóng như nung nấu laị như rang mấy mươi con người trong xưởng.
Tình cờ gặp lại Thúy-Minh – người bạn ngày xưa cùng học trường Võ-Tánh và cũng cùng sinh hoạt trong ban ca nhạc Bình-Minh đài phát thanh Nha-Trang – Thanh-Điệp mừng quá, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác.
Cõi thơ 50 năm của anh chính là bức tranh đời yêu thương định phận này. Nó đậm đà sắc màu âm thanh của một dòng sông với khát vọng tìm về nguồn cội. Có thể đó là nỗi hoài niệm, thương cảm êm đềm hay kêu gào xót thương một thời vàng son đã mất, nhưng hình như sắc màu âm thanh cõi thơ anh mãi mãi không bao giờ lụi tàn.
Anh bước vội vào trong toa xe điện. Một chút ăn năn vì anh về muộn. Anh lỡ quên hôm nay là ba mươi Tết. Anh tìm chỗ ngồi kín đáo và cố thu người lại sao cho ấm. Anh nghĩ bên nhà giờ này là mùng một Tết. Anh vụt nhớ câu thơ ai viết: ”Đêm xuống bên ni/ Ngày lên bên nớ”. Mắt anh đau đáu nhìn ra ngoài trời, Chicago tràn ngập tuyết. Chiếc tàu điện cần mẫn lặng lẽ trường mình dưới tuyết lạnh đưa đoàn lữ hành về các vùng ngoại ô phía Tây thành phố Chicago.
Hậu duệ của một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ 20 ông Bill Gates, người làm cho năng suất làm việc, và hiệu quả kinh tế tăng bội phần) không sợ thuốc chủng ngừa đại dịch thay đổi DNA của Cô thì không hiểu tại sao những người bình thường, thậm chí chỉ số IQ (intelligence quotient) còn ở dưới mức trung bình, lại sợ thuốc chủng ngừa làm thay đổi DNA của mình !!!
Chưa thấy mặt cô giáo, Duy không biết nhan sắc của cô như thế nào. Nhưng, nhìn mái tóc dài, chiếc nón nghiêng nghiêng của cô giáo Duy tưởng như chàng đã gặp hình bóng ấy vào một chiều Xuân, tại Nha Trang, khi Trục Lôi Hạm Chương Dương II, HQ 115 ghé Cầu Đá.
Con bé yêu mẹ nó. Cứ vài ngày lại điện thoại hỏi mẹ có khỏe không. Bao giờ cũng vậy, cuộc thẩm vấn trên điện thoại với mẹ xoay quanh những câu đại loại như mẹ có bị sốt không, có bị ho không, có mệt mỏi không, có ngửi mùi thức ăn được không, có gặp người nào bị bệnh Covid không. Toàn bộ những câu mà người ta thường hỏi khi khách hàng bước chân vào một cửa tiệm trong mùa giãn cách cơn đại dịch. Ông không muốn con gái nghĩ bố bỏ mẹ ở nhà vì mẹ bị cách ly sau khi có những triệu chứng vừa kể. Nó muốn chắc ăn là cả bố lẫn mẹ không ai bị nhiễm Covid hết.
Những ngày gần cuối năm, chúng tôi nhận một ngôi nhà “mới” (của mình và “cũ” của người ta) không có đồ đạc và cần sắm sửa một vài thứ căn bản. Đồ mới, đồ đẹp thì ai lại không mê, nhưng ngặt nỗi đâu phải cái gì thích cũng đều có khả năng mua mới. Quần áo giày dép nào thích có khi còn nán đợi sale giảm giá vài ba lần mới mua, huống hồ những thứ đồ lớn với giá tiền gấp cả trăm lần… Phải thực tế và biết mình hỏng phải “First Daughter” (con gái lớn của tổng thống) mà là con gái lớn của cái anh Hai Lúa nhà kia từng làm việc ở tiệm Thrift Store (tiệm bán đồ của mấy nhà dư giả “biếu”). Đã 10 giờ tối, nằm trong túi ngủ (sleeping bag) trải trên sàn nhà (vì chưa có giường), tụi tôi “đi dạo” trên mạng xem có ai trong vùng rao bán gì hấp dẫn không. Có một quảng cáo chỉ vừa mới đăng chừng 5 phút rất ngắn gọn: “Bộ bàn ăn 8 ghế gỗ và da – giá $395, bán bởi chủ nhà”. Nhìn hình kèm lời quảng cáo phải nói là có cảm tình liền. Nguyên bộ bàn nhìn rất chắc và rất đẹp. Có vẻ là đồ “hiệu” thiết k
Người Việt chúng mình tại Mỹ hình như có cơ hội ăn “thiệt” và tiệc tùng trong năm nhiều hơn dân bản xứ, vì ngoài các ngày lễ bình thường, mà quan trọng nhất là các lễ Chiến Sĩ Trận Vong, Độc Lập, Tạ Ơn, Giáng Sinh, Tết Dương Lịch, còn có Tết Âm Lịch – bây giờ xin sửa lại như sau: Tháng 12 là tháng ăn chơi, Tháng Giêng cũng lại chơi với ăn đều đều, Tháng Hai thì Hội với Hè - đó là chưa kể đến các ngày lễ không kém phần quan trọng cho cộng đồng người Việt tỵ nạn như ngày Lễ Phật Đản, kỷ niệm Mất Nước 30 tháng 4, ngày Quân Lực VNCH… cùng các ngày kỵ giổ của từng gia đình, đại gia đình, và các đại hội của từng quân binh chủng, từng hội đoàn, từng hội thân hữu … Nhìn về những cái Tết khi còn ở quê nhà, Tết là một ngày lễ quan trọng duy nhất cho mọi người, mọi gia đình, cho cả nước. Bởi vậy có những năm Mẹ tôi được chính phủ cho thêm lương tháng 13. Người lớn rộn ràng sửa soạn Tết theo cách người lớn, tỉ mỉ, chuẩn bị trước cả tháng. Con nít chúng tôi có những náo nức riêng. Nhà nhà đều ăn
Tết càng cận kề, từ làng trên xuống xóm dưới, mọi người càng chộn rộn lo đủ thứ, y như cả năm chưa đủ lu bu vậy. Nhà bà hội đồng thì khỏi nói. Song le, năm nay bà hội đồng lại bận bịu một cách khác. Số là giữa bà và cậu Hai Đức đang có chuyện gây cấn. Sẵn dịp xuân về, bà muốn mời cô Tư Nhung qua nhà chơi vào ngày mùng hai Tết.
Nhớ, những năm mấy chị em còn nhỏ, có lần được Ba chở bằng xe vespa, ra tận Vũng Tàu. Trên đường đi, Ba ghé một khu rừng nào đó, đậu xe, đem theo cây dao, vào sâu trong rừng để tìm mấy cội mai. Ba chặt vài nhánh, chở về nhà. Lại nhớ, Ba cặm cụi tỉa nhánh, lặt lá, những cành có rất nhiều nụ. Ba ngâm mấy nhánh mai trong chậu nước lạnh để hãm nụ. Sau đó, cận cuối năm, Ba sẽ ngâm những nhánh mai chi chít nụ vào thau nước nóng, để sang giờ khắc giao thừa, những nụ mai bừng nở, vàng tươi cả bàn thờ, rực rỡ trên bàn phòng khách, mang điềm may mắn suốt năm. Mai vàng khoe sắc cùng mấy chậu cúc vàng, vạn thọ màu cam tươi, mồng gà đỏ rực, màu và sắc Tết trong gia đình Tím ngày xưa.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.