Hôm nay,  

Lân Xóm Chợ

11/09/202114:25:00(Xem: 2320)

 


 Tiếng trống thì thùng vang khắp xóm chợ, xóm chùa, xóm đình… Âm thanh trống lân giục giã đầy hào hứng tỏa đến từng nhà, lọt vào lỗ nhĩ thằng Tí. Tiếng trống kích thích nó, làm cho nó và cơm thật lẹ, đoạn nó chan canh vào chén để húp cho xong, dường như nó nuốt chứ hổng có nhai. Cô Hai nhìn nó rồi đưa mắt cho chú Hai:

- Thường ngày đâu có vậy, nó ăn nhơi nhơi cả buổi hổng hết chén cơm, vậy mà bữa nay nó ăn nhanh như lân ăn bắp cải.

 Chú Hai cười, cả nhà cũng cười theo. Thằng Tèo, anh hai của nó tài lanh:

- Nó ăn lẹ để chạy ra ngoài xóm coi múa lân đó!

 Thằng Tí quạu:

- Bộ anh hai hổng đi coi hả?

 Nói xong nó buông cái chén sạch trơn xuống bàn rồi vội vàng uống ly nước thât to:

- Má, con đi coi múa lân đó nha!

 Vừa nói vừa chạy, cô Hai với theo:

- Hổng chờ anh hai đi sao Tí? Đi nhớ về sớm, không được theo đoàn lân đi xa!

 Tiếng dạ của thàng Tí mất hút theo bóng nó. Cô Hai bảo:

- Tèo, con đi coi múa lân ngoài xóm nhớ trông chừng em nha, đừng để nó theo lân đi xa đó!

 Thằng Tèo cũng vội vàng lao ra khỏi cửa, đuổi theo thằng Tí.

 Trời mới đầu hôm mà con nít từ các xóm túa hết ra đường, mà nào chỉ có con nít, thanh niên nam nữ cũng tụ tập tụm năm tụm ba, ai ai cũng bâu quanh đoàn múa lân. Đêm nay mới là đêm mười bốn thôi, nhưng trăng đã tròn vành vạnh to như cái mâm, ánh sáng trăng bàng bạc rải khắp xóm, những cây đuốc lồ ô cháy hừng hực soi ánh lửa vàng pha sắc đỏ soi tỏ mặt người. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng bàn tán xôn xao, tiếng trống thì thùng, tiếng chiêng phèng phèng…làm tưng bừng cơ hồ như đêm nay sẽ không ngủ. Đoàn lân xóm chợ xưa nay nổi tiếng nhất quận, ba năm liền đoạt giải nhất. Lân xóm chợ đẹp nhất, oai phong nhất, lân biết chớp mắt, nhép mở hàm. Ông địa cũng đẹp, miệng cười toa toét, ngoài lân và địa ra còn có thêm nhân vật Trư bát Giới để xôm tụ thêm. Anh Hai Luân làm trưởng đoàn lân, anh có tài nghệ múa lân giỏi nhất quận. Anh lại sẵn lòng truyền nghệ cho đàn em, Tụi thằng Mùi, thằng Cảnh, thằng Đức… đều được anh kèm cặp chỉ bảo từng động tác, từng điệu bộ. Anh hai Luân múa Lân giỏi là vậy, nhưng dân các xóm vẫn khoái xem anh làm ông địa hơn. Khi làm ông địa anh không cần độn bụng vì cái bụng anh chang bang như ông địa rồi. Anh thủ vai ông địa thì y như nhập thần vậy, lúc ấy người ta không biết anh nhập vai ông địa hay ông địa hóa thành Hai Luân. Ông địa cười ngả ngớn, phe phẩy quạt mo. Ông địa Hai Luân dập dềnh như người say, khi thì xàng qua bên này khi thì ngả nghiêng bên nọ...Con nít cười bể bụng luôn. Thằng Tí cứ xáp vào vỗ vỗ cái bụng ông địa Hai Luân. Ông địa quạt quạt nó, cười với nó.

 Đoàn lân đang múa trước sân đình Vân Hội để làm lễ trước khi xuất quân. Ông từ giữ đình treo một cái bao thơ đỏ để làm lộc cho đoàn lân, ngoài ra còn có mấy cái bắp cải để thưởng cho lân. Ông từ hiền từ thật, ổng treo vừa tầm với chứ không chơi ác treo cao như mấy nhà giàu trong xóm. Năm nào cũng vậy, lân phải trầy trật khó lắm mới ngoạm được cái bao thơ treo cao chót vót ấy.

 Đêm mười bốn âm lịch vui ơi là vui, đình Vân Hội như sống dậy những ngày xa xưa, cửa đình mở rộng, đèn cầy cháy sáng lung linh, ngoài sân người cầm đuốc đi lại lăng xăng. Ánh trăng như tơ vàng trải từ không gian xuống mái đình rêu phong cổ kính. Ánh trăng lại như dòng sữa chảy tràn cả xóm chợ, xóm đình, xóm chùa… Ánh trăng xuyên qua tán lá rơi rải rác những mảng sáng loang loáng khắp các con đường trong xóm. Con đường từ đình đi ra gò Yến vốn tối thẫm vì những hàng tre ken dày hai bên, vậy mà dưới ánh trăng trông đẹp và thơ mộng quá chừng. Thường ngày, những đêm tối trời, ít ai dám qua lại con đường này. Dân mấy xóm quanh đình sợ ma, có người còn cả quyết đã thấy ma đánh đu tòn teng trên mấy bụi tre. Ánh trăng dát bạc khắp cánh đồng Ông Tà, đồng Ông Tà nằm ngay trước đình, mỗi khi lúa gặt xong thì cánh đồng trở thành sân chơi của con nít trong xóm. Còn những đêm trăng như đêm nay thì trai gái tụ tập hóng mát, ngồi tâm tình, có nhóm gầy độ nhậu ngoài đồng dưới ánh trăng. 

 Sau khi bái yết xong, đoàn lân bắt đầu kéo đi múa trong xóm. Tiếng trống của đoàn lân đi tới đâu thì con nít rần rần theo tới đó, cả một đoàn dài cầm đuốc đi trong đêm trăng, có một số khác thì cầm lồng đèn, nào là đèn ngôi sao, đèn bánh ú, đèn cá chép… đủ kiểu, đủ màu sắc. Hễ nhà nào có treo thưởng thì đoàn lân dừng lại để múa. Đoàn lân đến nhà thằng Tí, chú Hai treo nải chuối và bao thơ làm phần thưởng, cửa mở rộng ra. Thằng Tí theo lân chạy vào nhà, nó mừng vui và hãnh diện nói với thằng Tùng, thằng Đẹn, cu Sứt, cu Lọt…:

- Nhà tao năm nào cũng được lân dzô nhà đó nhen! Ba tao nói lân hên lắm, lân tới thì tà ma lui. Lân đem lại may mắn cho nhà nào mà nó dzô.

 Thằng Tí còn đang say sưa tám thì thằng Tèo chạy lại:

- Nãy giờ mầy đi đâu mất tiêu, tao tìm mầy khắp nơi mà hổng thấy. Má biểu tao canh chừng mầy, không được theo lân đi xa đó nha!

- Tui biết rồi, mà nãy giờ anh hai đi đâu dzậy?

- Thì tao cũng theo coi múa lân

- Sao tui hổng thấy anh?

- Đông như vầy bộ dễ thấy lắm hả?

Cu Lọt chen vào giữa hai anh em nó:

- Mấy nhà mua bán giàu có ở xóm chợ thường rước lân dzìa múa khai trương, mở hàng để lấy hên. Sáng mai là rằm tháng tám, lân còn lên chùa Bàu Lương lễ nữa đó.

 Cu Sót lý luận:

- Ba tao nói lân mình khác lân Tàu. Lân Tàu có năm màu theo ngũ hành, lân mình chỉ một lân là đủ rồi. Người Tàu thích múa rồng dài thòn lòn.

 Thằng Tí vậy mà lanh, nó có cái nhìn khá sành điệu so với cái tuổi của nó:



- Lân Tàu hổng có ông địa, lân mình có hai ông địa rập rền hai bên. Ông địa hầu lân, ông địa vui tánh và dễ thương gì đâu á!

 Thằng Tèo lớn tuổi nhất đám con nít xóm chợ, nó có cái hiểu biết hơn hẳn. Nó hỏi đố:

- Tụi bay có biết tại sao ông địa cái bụng chang bang, cái miệng cười toe toét?

 Gần như đồng loạt, cu Tí, cu Sót, cu Đẹn, thằng Đức...đồng biễu môi:

- Ai mà biết!

 Thằng Tèo nghênh nghênh cái mặt ra vẻ đàn anh:

- Ba tao nói, địa là đất, đất thì phải rộng rãi to lớn mới chứa được mọi thứ, bởi vậy người ta mới chế ra ông địa cái bụng chang bang như bà bầu, cái miệng cười qúa cỡ thợ mộc là để cho người ta vui, đem may mắn đến cho mọi người. 

 Cả đám con nít hả miệng ra:

- Ờ hớ, ừ hứ… vậy mà hồi nào giờ có biết đâu, cứ ngỡ ông địa nhậu nhiều nên cái bụng chang bang như chú Hai Luân.

 Nãy giờ tụi nhóc đang tám, tiếng trống rì rầm thì thụp giữ điệu cho lân say, lân ngủ. Bất chợt trống đập thùng thùng, chiêng dập phèng phèng cao độ, thì ra là đã đến nhịp lân ăn, lân chúc phúc gia chủ và lân cáo từ. Đoàn lân ra khỏi nhà thằng Tí để đi đến những nhà khác có treo thưởng. 

 Đêm dần về khuya, tiếng trống nghe thanh lạ lùng, tiếng trống khơi dậy sự tịch mịch của cả năm trường ở xóm chợ, xóm chùa, xóm đình… Tiếng trống khuấy động cái trầm lắng của cánh đồng Ông Tà. Tiếng trống vọng vào đình, len lỏi từng ngõ ngách trong thôn xóm, Tiếng trống len trong tâm tư ký ức của thàng Tí, của đám nhóc con và cả tâm tư của bao thế hệ người ở đây. Trong khi ấy ánh trăng đêm mười bốn lại chiếu rõ tâm tư mọi người, dù là chưa phải đêm rằm chính nhưng đôi khi trăng mười bốn lại là trăng đẹp hơn, có nhiều thời gian rỗi hơn để ngắm. Mặt trăng như tấm kiếng khổng lồ từ trên cao hắt ánh sáng dìu dịu xuống xóm làng. Ánh trăng lay động theo nhịp của trống lân.

Ánh trăng rập rờn qua tán lá cành cây. Ánh trăng rơi trên những con đường trong thôn tạo thành những vệt sáng dài thăm thẳm, cứ ngỡ như những dòng sông ánh sáng trong đêm trung thu tháng tám. Thằng Tí nắm tay thằng Tèo giựt giựt chỉ mặt trăng:

- Thằng Cuội ở trên ấy chắc buồn lắm phải hôn anh Hai? Nó đâu có được coi múa lân, đâu có  lồng đèn hay đuốc để chơi. Nó mà nghe trống lân chắc nó thích lắm ha anh Hai?

 Thằng Tèo ra vẻ già dặn kiểu người lớn:

- Ừ, buồn là cái chắc, cung trăng hay cung dzua cũng dzậy thôi, thui thủi một mình buồn chết!

 Gần mười một giờ đêm hai anh em Tí và Tèo mới qquay về nhà. Cô Hai và chú Hai rầy nhẹ:

- Đã bảo đừng có theo lân đi xa về khuya, dzậy mà cũng hổng nghe lời. Hai đứa vô rửa ráy lại rồi đi ngủ.

 Chú Hai lại nói với cô Hai:

- Trưa mai, đúng ngọ, đoàn lân xóm chợ sẽ múa cúng dường ở chùa Bàu Lương, vừa đúng ngày rằm tháng tám vừa để an vị tôn tượng bồ tát Địa Tạng luôn. Mai cả nhà mình luôn chùa lễ Phật.

 Cô Hai trả lời:

- Dạ, em nhớ mà, để sáng mai em nhắc cậu Bảy với má luôn, nếu có đi thì đi chung. Má vẫn lên chùa vào ngày rằm và mùng một, chưa bỏ sót bao giờ.

 Cả nhà tắt đèn đi ngủ, ngoài sân ánh trăng ngà đêm mười bốn bao phủ cả không gian, ánh trăng trùm lên sơn hà vạn vật, người và muôn loài chìm vào trong giấc ngủ êm đềm trong không khí thanh bình.

 Trong lúc người ta ngủ hay thức dòng đời như dòng sông vẫn trôi mãi không ngừng nghỉ bao giờ, dòng thời gian vô tình như nước chảy mây bay, dòng thiên nhiên thay đổi biến hoại liên miên, dòng tử sanh vẫn tất bật sanh diệt trong mỗi sát na. Xóm chợ ngày nào giờ trở thành một thị trấn nhỏ nhưng khá sầm uất, mua bán rộn ràng. Thằng Tí ngày xưa giờ đã là ba của hai thằng Tí, Tèo mới. Ba má của thằng Tí trước thì giờ đã là ông bà nội ở vào cái tuổi “ Cổ lai hy” rồi! Thằng Tí cũng đã là dân thành đô hơn hai mươi mấy năm trời, nó xa cái xóm chợ kể từ khi lên thành trọ học. 

 Đêm thành đô lặng lẽ im lìm chi lạ, nhiều lúc cứ ngỡ như thành phố ma trong phim “ Walking Dead”. Thành đô bị phong thành đã mấy tháng qua. Dân chúngđiêu đứng, mọi hoạt động kinh tế, xã hội đều dừng lại hết, cuộc sống càng lúc càng túng thiếu. Tình hình như thế này thì trung thu năm nay coi như tiêu. Người lớn thì không nói gì chỉ tội tụi nhóc con không có được cái vui của tuổi thơ. Ti vi đưa tin người nhiễm bệnh, người chết vẫn tăng chứ chưa thấy giảm dù đó là con số không thật. Thành đô vẫn phong tỏa rất ngặt nghèo, nhân viên hành xử vô lý và máy móc như robot, việc sống chết bây giờ quả thật vô thường thấy rõ. Nhiều người mới hôm qua còn đó, vậy mà hôm nay bị cách ly và vài ngày sau lại thấy về trong cái hũ sành đựng nhúm tro. Anh Tí thấy cũng nản và sợ lắm chứ, nhưng vẫn phải hy vọng mà sống, hy vọng dịch bệnh qua nhanh để cuộc sống trở lại bình thường. Anh Tí nói với vợ:

- Tội mấy đứa nhỏ, không có được cái khung cảnh trăng trung thu thanh bình như tụi mình ngày xưa ở dưới quê. Con nít thành đô đâu có biết cái thú chạy theo đoàn lân để nghe trống và xem múa lân. Thành đô cũng có những đoàn lân sư rồng nhưng đó là việc kinh doanh chuyên nghiệp, họ chỉ múa theo hợp đồng làm ăn khai trường mở tiệm hoặc theo những thỏa thuận, giá cả từ vài chục triệu đến trăm triệu như chơi. Thành đô khôing có những đoàn lân tự làm tự diễn và múa một cách đầy hứng khởi, đầy máu văn nghệ như dưới quê những ngày xưa.

 Thành đô đêm nay trăng sáng vằng vặc, ánh trăng rơi trên những mái nhà bê tông xám xịt, ánh trăng chưa kịp rơi xuống mặt đường thì đã tan biến vào ánh đèn đường. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 09/2021

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không phải lỗi của tôi. Vì vậy, tôi không thể gánh chịu. Tôi chẳng những không làm chuyện này mà còn không biết nó xảy ra như thế nào. Không mất hơn một giờ, sau khi họ kéo con bé ra khỏi giữa hai chân, lúc đó, tôi mới nhận ra có điều gì đó không ổn. Thực là sai lầm. Nó đen đến nỗi làm tôi kinh sợ. Đen nửa đêm, đen Sudan. Tôi có màu da ít đen, tóc đẹp, gọi là vàng lợt, và bố của Lula Ann cũng vậy. Không ai trong gia đình có màu da gần giống màu này. Tar là người gần giống nhất mà tôi có thể nghĩ đến, nhưng tóc của nó không hợp với da. Khác hẳn - thẳng nhưng xoăn, giống như tóc của những bộ lạc khỏa thân ở Úc. Có thể nghĩ con bé là một nhân vật tổ tiên đầu thai, nhưng đầu thai cái quái gì? Các người nên gặp bà tôi; bà theo phe người da trắng, kết hôn với đàn ông da trắng, không bao giờ nói lời nào với bất cứ con cái của bà.
Khi ta làm chuyện gì không phải ta đều sợ người khác chê cười. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Nhưng cũng có khi ta ngẫm việc đời thì phó mặc, cười hở mười cái răng. Cười hở mười cái răng thì hở cũng hơi nhiều thật, nhưng khi cười có ai kìm hãm được niềm vui bộc lộ. Cười thì cứ thoải mái cho nó muốn hở bao nhiêu cái thì hở, cho thấy nụ cười gắn liền với hàm răng...
Cô bé bỗng nghẹn lời làm Bách ngạc nhiên, anh mở hẳn cửa bước ra ngoài chưa kịp hỏi thêm thì Chinh đã quay ngoắt đi y như lúc nãy để bước lên thang lầu, nhưng lần này cô đứng gần Bách quá, chùm tóc đuôi ngựa của Chinh vùng vằng đã hắt vào mặt Bách, sự dỗi hờn vô cớ làm Bách càng thêm ngạc nhiên...
Chuyện vợ chồng Hạnh-Bằng cãi nhau, rồi goánh nhau (thực ra là chị bị goánh), rồi lại huề nhau vui vẻ “như chưa hề có cuộc… goánh nhau” xảy ra như cơm bữa, riết rồi trong con hẻm này, chẳng ai còn để ý nữa...
Chuyến về quê của tôi chỉ là đi từ Nam ra Bắc, vì tôi là một cư dân của Sài An, tức là Sài Gòn, nói văn vẻ dựa hơi Tràng An một tí. Đối với tôi, thành phố hoa lệ một thời mà tôi đã sinh sống từ thuở thơ ấu đến ngày bạc tóc hôm nay vẫn mãi là Sài Gòn. Và chỉ là Sài Gòn thôi...
Hôm cô tự kết liễu đời mình, cô mặc chiếc áo lụa trắng ra chợ huyện như một thói quen. Ra chợ nhưng cô không mua thức ăn như mọi lần về nấu cho cô và gã bác sĩ bộ đội ăn tối. Đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng như tờ giấy trắng tinh, hai chân cô như bị vô thức sai khiến, mắt cô nhìn nhưng chẳng hình ảnh nào đập vào trí óc, và các thứ âm thanh hỗn độn của một buổi họp chợ sáng nghe như những nhiễu âm không qua máy lọc...
Tương truyền đây là những lời thơ Nôm mà vua Quang Trung phê vào sớ tâu của dân làng Văn Chương. Tờ sớ khá dài, trong đó nêu lên sự hư hoại gãy đổ bia tiến sĩ ở văn miếu. Người dân đồ đoán văn miếu bị tàn phá là do quân Tây Sơn trong lúc đánh dẹp họ Trịnh đã gây ra vừa đưa thêm giả thuyết do Trịnh Khải cho người phá hoại để đổ vấy cho Tây Sơn. Điều đáng nói ở đây là khi nhận sớ, vua Quang Trung chẳng những không giận dữ mà còn đích thân dùng chữ Nôm để phê với thái độ cầu thị vô cùng đặc biệt của ngài...
Mấy người khác đều thay nhau thử bồng nhưng đứa trẻ nhất quyết không chịu và cứ một mực đòi sư Khánh Vân. Sư Khánh Vân gọi chú tiểu Công Sơn lại bế thử thì người ta lại ngạc nhiên thấy đứa nhỏ nín khóc chịu cho bồng. Mọi người đều cười...
Năm tôi lên mười, O Xưa đã trên ba mươi. Ở con đường Nam Giao, thành phố Huế, từ đầu dốc tới cuối dốc, O Xưa đi lên đi xuống hằng ngày giống như một cái bóng, vì hình như O không sống với người. O Xưa sống với ma, người chồng ma của O vô hình, ở đâu đó, trên cây, trong cỏ, trên lá, trong vòm trời, trong bóng mây, O kể lể vậy. Có thể nhìn thấy O Xưa vào buổi sáng, vào giờ công chức đi làm, học sinh đi học và các bà nội trợ Huế ngồi xúm xít bên gánh bún bò ngon nổi tiếng của mụ Dục, bên gánh cơm Hến của mụ Khế, gánh bánh canh từ Nam Phổ của mụ Cau. Buổi trưa, lúc O Xưa đi từ trên con dốc xuống, đầu đội nón thì mấy bà nội trợ đang ngồi lê đôi mách với nhau ở cái quán tre đầu một con hẻm.
Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá, vì tháng Hai vẫn là mùa đông, nhiệt độ vẫn ở độ âm dưới zero, tuyết vẫn rơi bao la, vậy tàn đông cái nỗi gì!
Hôm thứ Ba vừa rồi, vợ chồng tôi đến ga NTG đón hai mẹ con người bạn vào chơi trên chuyến tàu Bắc-Nam SE7 dự kiến sẽ đến ga lúc 9h15 AM, Chúng tôi ngồi ở phòng đợi cùng với những hành khách đón tàu xuôi các ga phía Nam...
Tôi đạp xe về nhà với cõi lòng lâng lâng. Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7, 8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát, tiếng hát ngọt ngào của anh đã rót vào trái tim 16 tuổi trăng tròn của tôi những tình cảm bâng khuâng. Anh đi lính, xóm vắng anh, vắng cả những đêm khuya tiếng hát tiếng đàn...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.