Hôm nay,  

Thế gian thường tình

25/06/202100:01:00(Xem: 2924)


Anh đậu xe trước chung cư, đèn khẩn cấp nhấp nháy đều đặn. Năm phút rưỡi chờ đợi. Những người qua lại nhìn anh. Những cái nhìn tọc mạch, xét nét. Bốn giờ ba mươi sáu phút, bóng em lấp ló ngoài khung cửa. Mắt em dừng lại ở xe anh. Trời lạnh. Em mặc áo da trông ấm cúng lạ thường. Nhưng anh không cảm thấy thèm được ôm chầm lấy em để hơi ấm hai thân thể hòa lẫn trong nhau như thuở trước. Em thong thả bước xuống những bậc thang xi măng ẩm ướt. Một chiếc xe van dừng lại phía sau anh. Những đầu tóc mầu đen rối bù ló ra khung cửa. Rồi những bàn chân da vàng khẳng khiu bước xuống xe, tất tả. Tiếng cười đùa, gọi nhau ơi ới vang cả một góc đường. Em luống cuống mở cửa xe. Em chào anh. Vẫn giọng nói thì thầm như hơi thở độ nào. Anh cố cười thật tươi đáp lại.

            “Anh chờ lâu không?”

            “Khoảng năm phút. Sao; khỏe không?”

            “Khỏe. Còn anh. Hình như anh bị cảm phải không? Em nghe giọng nói của anh khàn khàn...”

            “Ừ, anh bị cảm mấy bữa trước...”

            Vẫn những mẩu đối thoại rời rạc.

            “Em thích đi đâu?”

            “Em hở,” Em cười. “Tài xế chở đi đâu thì đi theo đấy.” Rồi em vội sửa, “Ấy chết, em lỡ miệng. Xin lỗi, em không có ý coi anh như tài xế.”

            Anh khoan dung như đức Khổng Tử, “Có gì đâu! Có phải ai muốn làm tài xế cũng được cả đâu.” Liếc nhìn chiếc xe van trong kính chiếu hậu, anh đổi đề tài, “Mấy người Việt Nam này chắc đi bắt trùn...”

            “Không phải đâu. Họ đi hái trái táo đấy.”

            “Vậy sao?”

            “Bữa trước em cũng đi thử.”

            “Còn đau lưng không?” Anh chọc.

            “Mỏi lắm. Bây giờ thì hết rồi.”

Một chiếc lá vàng rụng xuống, đậu lại trên kính xe. Anh sang số cho xe chạy vút tới. Chiếc lá bay cuốn ra phía sau. Chiếc lá làm anh nhớ tới truyện Chiếc Lá Cuối Cùng của O'Henry. Biết bao giờ anh mới viết được một tuyệt tác như bức tranh cuối cùng của người họa sĩ già nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng nhân ái trong truyện!

            “Đi thư viện không?” Anh hỏi, lúc mình nhập chung với dòng xe cộ ngược xuôi của giờ tan sở.

            “Em quên mang thẻ thư viện rồi.” Anh cũng không mang thẻ theo. Thường thì lúc nào anh cũng để thẻ thư viện trong xe. Hôm qua đi mượn mấy cuốn sách về đọc, bỏ quên thẻ trong túi áo.

            “Hay là đi vòng vòng một lúc, rồi ghé chỗ nào đó uống cà phê, nghe.” Anh nhỏ nhẹ, như đang dỗ dành đứa em gái hay hờn dỗi.

            “Dạ. Lâu lắm em không đi vòng vòng.”

            Anh nghĩ tới người con trai vẫn đưa đón em đi làm mỗi ngày. Nhưng anh không nói ra. Anh không còn muốn nói ra điều mình không muốn tin là có thật. Nhưng hình ảnh mơ hồ của người con trai cứ vướng trong trí tưởng như những sợi tơ nhện nhập nhằng, trong xó góc một căn nhà tăm tối.

            Anh chạy xe về hướng bắc thành phố. Lá đổ ngập hai bên đường. Những chiếc lá phong mầu đỏ gạch. Mùa thu lao xao đầu cành khẳng khiu, trơ trụi. Và gió đu đưa đầu những cánh tay xước lên nền trời trăm ngàn vết cào cong quẹo. Phố xá tụt lại phía sau. Anh hạ thấp cửa kính xe cho gió lùa vào. Không khí lạnh băng ôm choàng lấy hai người. Anh liếc nhìn em, thấy những sợi tóc bay chấp chới đổ dạt qua hai bên vai. Muốn đưa tay vuốt những sợi tóc mềm, nhưng anh ngại. Anh nghĩ tới người con trai vẫn đưa em đi làm mỗi sáng, vẫn đón em về nhà mỗi chiều. Chẳng biết người ta có đưa em đi vòng vòng như anh vẫn thường đưa em không.

Rồi anh nói bâng quơ, “Năm nay mùa đông đến sớm quá!”

“Mới mùa thu mà.”

            “Ừ thì mới mùa thu.”
            “Sao anh nói mùa đông?” Em bắt bẻ vu vơ.

            Anh nhấn ga cố qua cho kịp cái đèn vàng ở ngã tư, loay hoay với câu hỏi cứ ứ đầy trong lồng ngực. Mùa màng trong lòng anh khác với mùa màng của ngoại cảnh. Bên ngoài mới là mùa thu. Vài ba hôm nữa mới là ngày Hallow'een; một thứ tết nhi đồng của trẻ con Bắc Mỹ. Và còn gần hai tháng nữa mới chính thức là mùa đông. Nhưng tuyết đã đổ trong anh ngay từ mùa hạ; khi tình cờ nghe thiên hạ xì xầm về em và người con trai làm chung hãng.

            “Phải anh đang mơ không?” Em chợt hỏi.

            “Đâu có.”

            Anh trả lời quấy quá, rồi lại lặng thinh, vừa lái xe vừa lơ đãng nhìn hai bên đường phố. Nắng mạ vàng những ngọn cây vướng đầy lá úa. Nắng vạch những đường viền óng ả trên mái những ngôi chung cư nhiều tầng hai bên đường phố. Một vài cánh chim lẻ loi chao bay trên nền trời chiều se se lạnh. Ngừng xe ở ngã tư chờ đèn xanh, anh dõi mắt nhìn đăm đắm những ngọn cây phong co ro trong gió gắt.

            “Kể chuyện cho em nghe đi!” Em nhắc.

            Anh xoay qua nhìn em. “Kể chuyện gì bây giờ?”

            “Chuyện gì cũng được.” Em dễ dãi với khóe cười nửa miệng. Lâu lắm em mới lại dễ dãi như hôm nay. Đèn giao thông đổi mầu xanh. Một chiếc xe thể thao màu đỏ đậu ngược chiều, quẹo trái vút qua mặt xe mình. Anh không buồn bóp kèn để phản đối như thói quen. Ở bên em riết rồi anh sẽ hiền lành, dễ thương như một chú tiểu đang chập chững trên con đường tiến về cõi phúc với những sớm hôm miệt mài kinh kệ.

            “Lâu lắm mình mới lại gặp nhau...” Anh buông lơi câu nói, để dư âm còn lại vang động trong đáy sâu tâm tưởng, ném lại những vọng âm, nghe xa xăm như một nỗi buồn không nguồn cội.

            “Ừ, dễ chừng bốn tháng rồi cũng nên.” Em ngập ngừng như đang nhẩm tính.

            Anh quả quyết, “Ít nhất là sáu tháng.”

            “Thật không? Đâu có lâu dữ vậy.”

            “Thật đấy. Anh còn nhớ như in buổi hẹn cuối. Mình đi uống cà phê ở quán Hẹn.” Anh nhắc lại tên quán cà phê mình thường dẫn nhau lại, ngồi nhấm nháp những ngụm cà phê cho đến khi nguội tanh nguội ngắt.

            Những buổi sáng. Những buổi chiều. Những buổi tối. Bao nhiêu là hò hẹn.

Vậy mà có lúc phải quên nhau!

            “Không có gì kể cho em nghe sao?” Em lại hỏi. Anh buồn rầu nhìn chăm chú vào con đường trước mặt. Con đường sắp uốn cong ở cuối chiếc cầu bắc vòng qua xa lộ. Anh khẽ đạp thắng xe. Anh chẳng có chuyện gì để kể cho em nghe ngoài nỗi thắc mắc nặng trĩu trong lòng về người thanh niên - nghe nói - làm chung hãng với em. Chẳng biết anh ta có đưa em đi vòng vòng như anh vẫn thường đưa em đi như thế này không.

            “Anh vẫn đi làm thường?” Em khéo léo gợi ý, đẩy đưa cuộc đối thoại vốn đã rời rạc như cơm nguội.

            “Ừ, vẫn thường. Chẳng có gì đáng nói. Chỉ thấy mệt.”

            “Chỗ em làm còn mệt hơn nhiều.”

            Anh lặng thinh, lắng nghe chuyện của em. Nhưng em cũng dừng lại ở đó. Tính em ít nói. Em giống hệt tính anh. (Mai mốt về sống với nhau, chắc lúc nào nhà mình cũng trầm lắng như nhà nguyện của một tu viện kín cổng cao tường. Nhưng mà nhắc làm gì nữa về những mơ ước không thành!) Chẳng biết người thanh niên ấy có ít nói giống em không. Mà ít nói quá cũng không tốt. Phải không, cô nhỏ.

            “Đây là đâu vậy?” Em hỏi khi xe mình đậu lại ở trước bảng ngừng, nhường quyền ưu tiên cho xe cộ ở con đường cắt ngang phía trước. Một cỗ xe ngựa ngập ngừng lăn bánh. Bốn bánh xe gỗ tròn phát ra những tiếng lọc cọc vui tai. Người xà ích già buông chùng dây cương. Phía sau là một người đàn bà choàng mảnh khăn đen lấp lửng che hờ mái tóc đã lấm tấm những sợi bạc. Bên cạnh người đàn bà là hai đứa bé, một gái, một trai. Cả hai đều đội chiếc mũ dạ rộng vành, che dấu mái tóc có những sợi vàng sậm, quăn tít. Khi chiếc xe ngựa lọc cọc đi qua phía trước, anh thấy rõ những vết nhăn xếp nếp trên da mặt người đàn ông. Những người dân di cư tới mảnh đất này hàng trăm năm về trước, vẫn giữ trọn vẹn sắc thái của dòng giống họ. Thế hệ này nằm xuống, thế hệ sau tiếp nối. Liên tục như ngày tháng tiếp nối nhau; như những mặt trời vẫn mọc lên mỗi ngày, sau đêm dài tăm tối.

            “Mình ra khỏi thành phố rồi phải không?”

            Câu hỏi của em làm anh choàng tỉnh. “Ừ, mình đang ở ngoại ô. Cũng không hẳn ngoại ô. Đây là thị trấn Trăm Năm; cái thị trấn gì mà nhỏ tí teo...”

            “Mấy người đó bao giờ cũng mặc đồ đen.” Em vừa nói vừa nhìn theo cỗ xe với ngựa và người sơn phết toàn một màu tối thẫm. Xe mình lại tiếp tục chạy băng băng trên con đường rải đá dăm. Mình đang ở miền quê.

            “Ơ, nhìn đàn bò kìa anh!”

            Tiếng reo mừng của em làm xao động cả không gian trong lòng xe. Em xớn xác nhìn đàn bò rải rác gặm cỏ trong khung đất vuông vức của một nông trại bên đường. Những con bò trắng lốm đốm những vết loang mầu đen trên da. Trời lạnh, đàn bò vẫn thong dong gặm cỏ úa. Anh cho xe chạy chậm lại để em có thì giờ gom góp niềm vui. Bỗng dưng anh thèm một nụ hôn. Một nụ hôn mỏng, mềm trên cánh môi dưới thoa son hồng vẫn thường trề ra sau câu nói. Nhưng anh chẳng ngừng xe, cũng chẳng gợi ý cho em về một chiếc hôn ngon như miếng cắn mềm trên miếng xoài chín hườm, ngọt lịm. Anh nghĩ đến người thanh niên làm chung hãng em. Khi không lại nghĩ tới kẻ vô hình, vắng mặt làm chi vậy nè!

            “Không có chuyện gì kể cho em nghe hết sao?” Em chợt nói. Anh luống cuống lục lọi trí nhớ, tìm vội một câu trả lời. Nhưng đầu óc anh trống rỗng. Có còn chăng là nỗi buồn kín đáo hoà lẫn với niềm vui hội ngộ.

            “Làm như anh có chuyện buồn?” Em hỏi dò cùng cái nhướng của cặp lông mày mỏng như hai đường kẻ bút chì. Anh xoay qua nhìn em, bắt gặp cánh môi dưới trề xuống như vừa mới buông ra một lời trách móc.

            “Buồn gì đâu. Mừng thì có.”

            “Thật không?”

            “Thật chứ. Năm sáu tháng trời mới gặp lại, sao lại buồn.” Anh cố viện dẫn những lý do cho một niềm vui ẩn khuất.

            “Không ngờ có lúc mình lại có thể xa nhau lâu đến thế, anh nhỉ?” Giọng em dịu dàng như giọng người con gái thủ thỉ với mẹ mình chuyện yêu đương thầm kín.

            Anh gật gù, “Nhất là khi mà từ chỗ anh sang bên em chỉ có vài cái ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Nhiều khi chẳng cần lặn lội đường xá làm gì. Chỉ cần nhắc điện thoại lên. Thiệt tình!”

            “Ya, thiệt tình!” Em cười hùa theo anh, rồi bỗng dưng em hỏi ngang, “Sao không gọi cho em?”

            “Tại... tại...”

            “Quên số điện thoại của em rồi chứ gì?”

            Anh đọc vanh vách bảy con số trong hàng số điện thoại nhà em. Những con số in trong trí nhớ đặm hơn cả ngày tháng năm sinh của chính anh.

            “Vậy sao không gọi cho em?” Em bắt bẻ.

            “Tại... Còn em, sao không gọi cho anh?”

            “Em gọi anh mấy lần không gặp.”

            “Nhắn lại.”

            “Thôi! Ngại thấy mồ!”

            Phía trước mịt mù sương chiều. Con đường trước mặt mỏng teo lại như sợi chỉ mất hút ở chân trời.

            “Nếu mình cứ đi hoài thì tới đâu nhỉ?” Em hỏi vu vơ. Anh nhẩm tính phương hướng trong đầu, rồi phỏng đoán, “Tới Bắc Cực.”

            “Bắc Cực thật không?”

            “Thật chứ.”

            “Ghê!”

            “Dám đi lên đó không? Làm dân Eskimo, đi săn hải cẩu, ngủ trong nhà igloo làm bằng nước đá.”

            “Sợ anh chịu không nổi.” Em lên giọng chọc ghẹo. Anh cười lặng lẽ. Anh tính nói với em rằng lạnh cỡ nào anh cũng không ngán nếu như có em ở bên cạnh. Nhưng hình ảnh người thanh niên làm chung hãng với em cứ chập chờn trong trí nhớ (dù anh chưa gặp anh ta bao giờ), làm đầu lưỡi anh cứng lại ngay khi sắp sửa nói ra một ước mơ có thật. Và khi không anh chẳng còn lòng dạ nào để nói những chuyện vu vơ như mình vẫn thường nói một cách say mê mỗi khi hò hẹn nữa. Anh cũng chẳng còn cái hào hứng chạy xe vòng vòng phố xá với em chút nào.

            “Trở về thành phố nghe.” Anh đề nghị. Em gật đầu, sau một thoáng nghĩ ngợi. Mình vòng đầu xe lại. Trở về phía nam. Buổi chiều đã nghỉ yên trên những chân rạ vàng nhạt trải đầy cánh đồng thênh thang hai bên đường. Nắng thoi thóp chân mây; nắng sơn phết những đường nét rối rắm ở chân trời pha trộn những hỗn hợp màu nhạt nhòa, tăm tối.


            “Lâu nay em có chuyện gì vui không?”

            “Chuyện vui?”

            “Ừ, chuyện vui.” Anh thoáng thấy đôi mi em chớp vội. Vậy là điều dự đoán của anh dựa theo những tin tức đồn thổi đúng lắm rồi. Nghe nói tới chuyện vui, nỗi xôn xao rộn ràng cõi lòng em hăm hở, và nỗi xôn xao ấy oà ra thành niềm vui lấp lánh đôi mắt ướt, làm chấp chới cánh mi có những sợi lông mi cong cong.

            Em trả lời, nhỏ nhẹ, “Cũng chẳng lấy gì làm vui...”

            Vậy mà còn chẳng vui. Có người yêu mà không vui. Thiên hạ bảo với anh như thế; thiên hạ thấy cô ấy đi chơi với người yêu mỗi ngày. Vậy mà gần hai năm nay anh vẫn ròng rã đón đưa, mê muội hẹn hò, lao đao đuổi bắt.

            “Còn anh?” Em hỏi bằng thứ vọng âm vô nhiễm.

            “Cũng thường.”

            Khi mình về tới trung tâm thành phố thì nỗi buồn cũng chín nẫu gan ruột anh. Những ngọn đèn đường vàng óng ả sau lớp sương mù dày, như những con mắt ốc sên mò mẫm trong đêm tối. Tòa thị chính của thành phố rực rỡ ánh đèn. Thành phố mới bầu thị trưởng mới. Thành phố đang cố gắng trang điểm lại, như cô gái đã một lần dang dở, cố phết chút son lên đôi môi đã bắt đầu có những vết nứt của thời gian.

            “Nhớ chỗ đó không?” Anh chỉ cho em coi cái khuôn viên vuông vức của khoảng sân, nơi tổ chức buổi Lễ Hội Tháng Mười năm ngoái. Góc cầu thang xoắn ốc, nơi anh suồng sã vùi những nụ hôn lên miếng ngực mềm ấm ngọt. Nơi em nói sẽ không bao giờ gặp anh nữa. Nhưng rồi cũng qua. Ngày lễ Oktoberfest dạt về quá khứ. Những nụ hôn liều lĩnh ngủ quên trong ký ức. Nhưng lửa thì vẫn bừng cháy ở chót lưỡi, đầu môi.

            Xe qua khỏi toà thị chính một lúc lâu, vẫn không nghe em nói gì về điều anh gợi nhớ. Khoảng tối phía dưới chân cầu thang xoắn ốc. Đêm dạ hội tưng bừng múa hát. Mùi rượu bia nặc nồng. Những miếng xúc xích nướng trên lửa lò gas thơm phức. Có biết bao nhiêu là người, nhưng cái xó tối dưới chân cầu thang thì chỉ có hai đứa mình. Rồi còn biết bao nhiêu nụ hôn, rải rác khắp phố xá, những góc đường ám tối, những quãng vắng công viên, những bãi đậu xe thưa người, những lồng thang máy bít bùng.

            Vậy mà rồi cũng phải xa nhau!

            “Đi uống cà phê nghe!” Anh đề nghị, như vẫn thường rủ rê thuở trước.

            Em ngoan ngoãn gật đầu.

            Quán cà phê có cái tên tiếng Pháp. Thấy cũng lạ. Chủ quán gốc Ả rập. Cà phê Pháp, Ý, Tây ban nha, Mỹ. Kiểu nào cũng có. Chỉ thiếu cà phê phin Việt Nam. Anh kéo ghế cho em ngồi. Em khẽ cám ơn. Anh cố nói không có chi bằng giọng khôi hài. Nhưng lòng anh se se một nỗi buồn như chút mật đắng lỡ tay làm vương vào món ăn.

            Người chạy bàn lại hỏi hai bạn dùng chi. Anh nhìn em rồi hỏi anh ta có bao nhiêu loại cà phê. Anh chàng kể ra một lô tên. Một cái tên Ý gợi trong anh sự tò mò trẻ con. Anh nhìn em, dò hỏi, “Cappuccino nghe?” Mình đi uống cà phê với nhau hàng trăm hàng ngàn lần nhưng chưa bao giờ thử cappuccino.

            “Anh có chắc là cà phê không? Coi chừng chè đấy.” Em hỏi lại bằng giọng khôi hài.

            “Không, cà phê mà; của Ý đàng hoàng.” Và anh anh dũng gọi hai ly cappuccino.

            Hai tách cà phê đầy bọt được mang ra mau mắn. Em lại sẻ bớt cà phê cho anh như mọi lần. Rồi mình vừa nhấm nháp, vừa nhìn nhau đăm đắm. Chả câu nói chuyện nào chen được vào khoảng giữa những trao gửi bằng ánh mắt. Em loay hoay với chiếc muỗm bạc và những cụm bọt cà phê màu nâu thẫm. Anh kiểm điểm, đo đếm em bằng ánh mắt xem em có còn như thuở nào. Anh nghĩ tới người thanh niên làm chung hãng em. Em phải thay đổi, phải không cô nhỏ. Người yêu cô ấy đưa cô ấy đi làm mỗi ngày làm sao không thay đổi cho được!

            “Anh nói chuyện gì đi.” Giọng em thì thầm.

            “Anh cứ ngỡ lần gặp cách đây sáu tháng; cái lần ở cà phê Hẹn; cái lần anh viết những câu thơ vào cuốn sổ tay của em ấy, nhớ không?” Em gật gù thay cho câu trả lời. Anh tẩn mẩn với những gợi nhớ dạt về từ ký ức, thầm thì kể lể, “Ừ, lần ấy đấy, anh cứ ngỡ đó là buổi hẹn cuối cùng...”

            Anh nói năng nhạt nhẽo; anh gợi ý bâng quơ, mãi mà vẫn chưa nói được với em điều mình muốn nói. Đến khi tách cà phê đã cạn, anh mới cố nói được một cách lúng túng, “Anh vẫn tự hứa với lòng là sẽ coi em như một người em gái, một người tình bé nhỏ, một cô bạn, nếu cần. Cho dù chuyện mình không đi đến đâu, anh vẫn muốn còn em như một người thân. Mai mốt, mỗi người một mái gia đình riêng, anh sẽ giới thiệu các con anh với em, chúng nó sẽ gọi em bằng cô; như mấy cô của chúng nó ở Việt Nam. Rồi em cũng sẽ có người bạn đời. Người bạn đời của em sẽ là bạn của anh. Hai gia đình sẽ thân với nhau hoài. Chả việc gì phải chia tay, chả việc gì phải cắt đứt như những cuộc tình nhân gian khác. Đó là tất cả những gì anh dự tính nói với em. Mãi đến bây giờ mới nói ra được.”

            Chao ơi, anh nói một hơi dài. Anh xúc động trong khi nói. Mắt anh ngó mông ra bên ngoài khung kính. Quán cà phê ấm cúng. Bên ngoài, những cành lá đu đưa trong gió. Sương mù rải mỏng trên khoảng công viên trước mặt. Đêm đặm đặc trên cao. Anh nói một thôi một hồi, quên bẵng đi là không biết em có sẵn sàng đón nhận những điều anh đang giải bầy không.

            Khi ngưng câu nói, anh quay lại, nhìn vào mắt em, bắt gặp cái nhìn rạng rỡ của sự tri ân nồng nhiệt. Nụ cười nở ra rạng rỡ cả không gian, nụ cười làm du dương thêm những nốt nhạc tình phát ra từ hệ-thống loa giấu kín trên trần nhà quán nước.       
   
“Phải không?” Anh hỏi trống.

            Em gật gù hưởng ứng, “Em cũng thích như vậy đó. Ai mà khi hết thương nhau rồi lại nhìn nhau như kẻ thù, anh nhỉ.”

            “Ừ, đó là thế gian thường tình. Như vậy không tốt; như vậy là mình yêu chính mình nhiều hơn yêu người yêu.”

            Anh vừa nói vừa xòe những ngón tay, đan lấy bàn tay em đặt hờ trên bàn. Mười ngón tay đan vào nhau, ấm áp. Luồng cảm xúc truyền vào thịt da nhau, làm ấm cả mặt bàn gỗ lạnh băng.

            “Sao hôm nay anh lại nói với em chuyện đó?” Em hỏi, những móng tay bấm vào lưng bàn tay anh.

            “Tại vì,” giọng anh trầm xuống như lời kinh xám hối của kẻ tội đồ, “Tại vì người ta nói với anh rằng ngày nào người yêu cô ấy cũng đến đón cô ấy đi làm. Anh không dám tin, nhưng anh nghĩ sớm muộn gì rồi...”

            Em không trả lời. Nụ cười trên khóe môi khô lại như cánh hoa còn cố níu kéo sự sống trong cái lạnh gay gắt sang mùa. Vậy là anh hiểu. Anh cố gắng tìm đề tài để thay đổi cái bầu không khí đang trĩu nặng những ưu tư, đang cộc cằn những dự đoán.

            “Cà phê ngon chứ nhỉ.”

            “Dạ. Mới đầu em cứ tưởng không phải cà phê.”

            “Anh biết cái tên cappuccino, nhưng chẳng biết mặt mũi nó ra thế nào. Hôm nay thì biết rồi.”

            “Em cũng vậy, hôm nay thì biết ca… ca gì nhỉ, anh viết lại chữ đó cho em học đi.”

            Anh mau mắn rút cây bút gài trong túi áo, nắn nót viết cái chữ Ý xuống miếng giấy chùi tay.

            “Lần sau thì cứ yên tâm mà gọi ca…” Em cúi nhìn cái tên viết trên mảnh giấy mà anh vừa mới đẩy qua phía em, cố gắng phát âm cho mạch lạc, rành rẽ. Bỗng dưng anh lại nghĩ đến người thanh niên đưa đón em mỗi ngày. Mai mốt em có thể yên tâm để gọi cappuccino mà uống với người ta. Nhưng anh tự hứa anh sẽ không buồn, dù nỗi đau đang cứa cái lưỡi dao cùn mằn của sự phụ bạc lên tim gan anh. Rồi em cũng sẽ phải có một người bạn đời. Bạn đời của em cũng là bạn của anh. Bạn trăm năm của anh cũng sẽ là bạn thân của em. Ai cấm chuyện đó nhỉ. Và mình sẽ coi nhau như bạn. Bạn. Bạn, cho đến cuối đời. Mình không lấy nhau, mình sẽ chẳng bao giờ lo chuyện ly thân, ly dị. Mình sẽ là bạn; cho đến cuối đời.

            “Em có bận gì không?” Anh dọ hỏi, như vẫn thường hỏi mỗi lần đưa em đi chơi tối.

            “Em có bận gì đâu!”

            Im lặng một lát, anh xoay xoay cái tách cà phê trong lòng bàn tay. Anh mân mê những ngón tay em buông hờ trên mặt bàn. Anh muốn hôn em như thuở nào. Anh muốn viết ra ý nghĩ đó thành những câu thơ lục bát. Nhưng sao lòng anh dửng dưng. Sao lòng anh bếp lạnh tro tàn. Anh nghe giọng mình nhàu nát như tờ thư bị vò xé trong cơn giận dỗi, và anh đề nghị, “Thôi, mình về nghe!”

            Em lặng lẽ gật đầu.

            Lúc ngồi với nhau trong xe, anh tỉ mẩn đếm những ngọn đèn néon trong bãi đậu. Đất nước người ta giầu có. Chỉ cái bãi đậu xe nhỏ mà có tới hàng trăm bóng đèn lớn nhỏ đủ cỡ. Những ý nghĩ quăng quật trong đầu óc anh như lũ tội nhân bị hành hạ, tra tấn. Anh tự trách mình khéo vẽ vời cho thêm phức tạp cõi sống này. Nếu chuyện không thành thì đã sao? Em với anh vẫn là bạn. Hình ảnh mờ nhạt người bạn trai của em hiện rõ dần trong trí anh. Mình đâu phải như thiên hạ thường tình.

            “Đồng ý nghe!” Em cắt ngang dòng suy tưởng của anh.

            “Đồng ý gì?”

            “Hai gia đình sẽ là bạn, mãi mãi.” Em vừa nói vừa đưa bàn tay cho anh bắt. Cách này em học được của anh. Mỗi lần có chuyện gì đắc ý, mình vẫn siết lấy bàn tay nhau như hai tên bạn cùng trang lứa.

            Anh rụt rè bắt lấy bàn tay em. “Đồng ý!”

            Em bóp chặt lấy tay anh, “Hứa nghe! Hứa sẽ mãi mãi là bạn thân của nhau.”

            “Ừ, hứa.”

            “Mình sẽ... yêu nhau bằng một thứ tình yêu cao cả.”

            “Ừ.”

            “Mình khác thiên hạ, phải không anh?”

            “Ừ... khác.”

            “Sao anh ậm ừ vậy?”

            Anh choàng tỉnh, “Ừ, khác chứ sao không. Em vẫn mãi là người tình... nhỏ bé...” Anh lúng búng cái câu vô nghĩa, và loay hoay đề máy xe.

            “Mai nhớ gọi cho em.”

            “Được.”

            Anh nghe tiếng em thở phào, khoan khoái như con chiên ngoan đạo trong tòa giải tội vừa nói xong những lời thú tội nặng nề ân oán.

            Chiếc xe lao vút đi trong đêm tối. Anh vói tay vặn lên một bản nhạc cố tình đã thâu sẵn để có lúc nào đó mở cho em nghe. Rồi anh cắt nghĩa lời bài hát như anh vẫn thường làm, đại khái rằng anh yêu em, nhưng đừng lo, lúc nào em thấy chán anh thì cứ nói thẳng cho anh biết, anh sẽ lặng lẽ rút lui.

            Em cười nhộn nhịp cả phố phường, “Tây nó yêu thoải mải anh nhỉ.”

            “Anh cũng thích vậy. Có gì mà phải trầm trọng rên rỉ như người Việt mình. Em thấy nhạc Việt Nam không, nghe là thấy muốn thất tình, phải không?”

            Anh hung hăng phê phán. Và anh nghe tiếng “dạ” của em, ngọt ngào như lời thưa gửi của một một cô dâu mới về nhà chồng.

            Lúc ngừng xe ở góc đường cho em xuống, anh cố đeo lên mặt một nụ cười thật rạng rỡ, “Mai sẽ anh gọi lại.”

            Đã dợm bước đi, em còn quay lại, ra dấu cho anh quay kính xe xuống, thò đầu vào thì thào, “Nhớ nghe. Hai gia đình sẽ là bạn...”

            “Nhớ.”

            Rồi em tung tăng bước về phía cửa chung cư. Thế là hết. Lòng anh thắt lại như con bệnh thần kinh trong cơn trầm uất. Xin chào. Goodbye. Adieu. Adios. Sayonara. Vĩnh biệt cô nhỏ. Anh nói dóc đấy. Anh cũng thường tình như thiên hạ vậy thôi. Bộ nghĩ anh không biết đau hay sao mà đề nghị oái oăm vậy? Anh chả bao giờ điện thoại cho em nữa đâu. Bạn đời của em làm sao có thể là bạn thân của anh được.

Anh là kẻ đến trước mà!

            Tối nay, anh sẽ gỡ dây điện thoại ra khỏi chốt cắm. Rồi mai sẽ đổi số điện thoại khác. Tất cả rồi cũng phải đổi thay. Chỉ còn lại một điều bất biến; đó là tình yêu anh dành cho em.

            Để mãi mãi em vẫn là một người tình bé nhỏ. Ngoài ra, dẹp hết!

            Anh cũng thường tình như thiên hạ vậy thôi, cô nhỏ à.

         Hoàng Chính       
(Ngày 03 tháng 01, 1996) 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường...
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
Tôi lái xe về nhà, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn, thương cho Vi và giận chồng của Vi quá, tôi đâm xe thẳng vào garage và xồng xộc đi vào nhà, chồng tôi có lẽ vẫn đang lúi húi trong bếp nên không thấy tôi. Thay quần áo, nằm lăn trên giường, tôi nghĩ đến những lời Thu nói, nếu như tôi lấy phải một người chồng như của Vi?
Đêm đầu tiên về Saigon vì trái giờ nên khoảng 3 giờ sáng tôi đã thức giấc. Háo hức muốn tìm hiểu cuộc sống ban đêm ở Sài Gòn hoa lệ. Tôi trang bị nhẹ với máy ảnh đi lang thang một mình trên đường phố vắng. Ban đầu hơi ái ngại, tôi chỉ định rảo bộ quanh khách sạn ở Q1 cho an toàn. Ra ngoài khách sạn khoảng trăm thước, tôi thấy mấy chị đạp xe chở hàng có lẽ để bán lẻ ở đâu đó trong thành phố...
Trong tận thâm tâm tôi, thầy là một vì sao sáng, một hiền nhân vô cùng tôn kính giữa nhân gian này. Tôi chưa từng diện kiến hay bái sư nhưng toàn tâm ý của tôi thì thầy là thầy tôi từ quá khứ xa xưa chứ chẳng phải chỉ mỗi kiếp này...
Nằm trên giường tôi vươn vai duỗi chân thật thoải mái làm sao ấy, nhìn lên đồng hồ trên bàn đã 9 giờ sáng, bên ngoài trời Montreal tuyết nhè nhẹ bay trắng xóa thật đẹp. Hôm nay thứ hai đầu tuần, mọi người hàng xóm xung quanh đi làm hết, cả khu nhà yên ắng đến lạ thường, tôi mỉm cười thỏa mãn “mình về hưu rồi mà, phải tự sướng chứ!”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.