Hôm nay,  

Nhật Ký "Cấm Túc" Tuần 36

29/11/202009:19:00(Xem: 2729)

Thứ hai 16 tháng 11


Một sáng mùa thu đầu tháng 11, Dave Burkard,28 tuổi, thức giấc với một cơn ho, thấy khó thở, và mệt mỏi. Là một bác sĩ, anh biết là mình đã nhiễm Coronavirus. Sau nhiều tháng dài làm việc trong phòng cấp cứu của Spectrum Health ở Grand Rapids, Michigan, bác sĩ Burkard không ngạc nhiên khi mình bị nhiễm COVID-19 nhưng anh ngạc nhiên ở chỗ ngay ngày đầu tiên, anh đã có những triệu chứng nặng.

Vốn là một người có lối sống rất lành mạnh. Mỗi ngày, Dave chơi bóng chuyền trước khi đi làm, và chạy bộ từ năm đến sáu miles sau khi đi làm. Vậy mà chỉ ngày đầu tiên nhiễm cúm Vũ Hán, anh đã thấy mệt mỏi, và khó thở.

Bác sĩ Burkard tự cách ly ở nhà, và điều trị cho chính mình. Hai ngày đầu, cơn sốt của Dave vẫn tiếp tục, nhiệt độ không hạ dù đã uống đúng loại thuốc cần uống, nhưng anh thấy khỏe hơn và có cảm giác mình sắp lành. Vào ngày thứ sáu, bệnh anh chợt trở nặng.

Bác sĩ Giám đốc chương trình thực tập, manager trực tiếp trong một năm thực tập nội trú của Dave gởi đến nhà cho anh một cái "pulse oximeter"( một thiết bị điện tử nhỏ) kẹp vào đầu ngón tay để đo oxygen trong hồng huyết cầu. Ngay cả chỉ ngồi trên giường , oxygen của Dave cũng xuống rất thấp.

Anh gọi điện thoại tường thuật tình hình sức khỏe cho bác sĩ điều trị, cũng là boss trực tiếp của mình:

"Khi tôi bước quanh nhà, chỉ số oxygen của tôi khoảng hơn 80 (nghĩa là một con số đáng lo ngại). Đến ngày thứ tám, chỉ số này cũng chỉ có 82."


Bác sĩ Giám đốc yêu cầu Dave nhập viện như mọi bệnh nhân COVID-19 khác.

Là bệnh nhân COVID-19 ở ngay bệnh viện mà mình vẫn là Bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm cúm Tàu khác, cảm giác của BS Burkard rất lạ lùng, khó diễn tả khi anh được các y tá, và cán sự y tế (dưới sự giám sát của một bác sĩ khác) theo dõi bệnh trạng của mình.

Nằm một mình trong phòng cách ly của bệnh viện với tư cách bệnh nhân, Bác sĩ Burkard hiểu và cảm thông với những bệnh nhân COVID-19 nhiều hơn.


Dave được bác sĩ điều trị với Remdesivir, và truyền huyết tương (plasma) của người đã khỏi bệnh trong suốt ba ngày nằm bệnh viện. May mắn hơn cô bác sĩ thực tập nội trú Adeline Fagan cùng tuổi 28, cũng nhiễm COVID-19 khi đang làm việc trong phòng cấp cứu trong một bệnh viện ở Houston, TX đã bị Coronavirus đánh cắp cuộc đời ở tuổi 28 mới hai tháng trước; bác sĩ  Dave Burkard bình phục, dù vẫn phải mang di chứng của COVID-19 chưa biết đến lúc nào mới hết.


Trải qua kinh nghiệm của một bệnh nhân cúm Vũ Hán, bác sĩ Burkard hiểu bệnh nhân  hơn, và sẽ trở thành một bác sĩ điều trị đại dịch tốt hơn.

Sau kinh nghiệm của bản thân với đại dịch cả từ hai phía bệnh nhân, và bác sĩ, Dave đã viết trên Facebook của mình:


“Chúng tôi đang làm việc hết sức để giữ cho mọi người sống sót . Và nếu chúng ta không coi COVID-19 là một đại dịch vô cùng nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến các nhân viên y tế,hay các bệnh nhân, mà sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

Xin hãy nghĩ đến người khác và tôn trọng họ bằng cách mang khẩu trang ở nơi công cộng

Nghĩ đến những bệnh nhân COVID-19 đang rất khó khăn để thở để thấy là cả một điều không thể chấp nhận khi bạn phàn nàn về việc phải mang face mask.

Tất cả chúng ta sẽ góp phần chấm dứt tình trạng lây lan của đại dịch.

COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến những người lớn tuổi, hay những người có bệnh mãn tính, đại dịch tấn công tất cả mọi người, ai cũng có thể lây bệnh.

Xin vui lòng mang khẩu trang, góp phần mình trong việc chống đại dịch "


blank

Dr. Dave Buckard as patient and a RN - Courtesy of Spectrum Health and Today


Thứ ba 17 tháng 11


Chỉ có một lần trong suốt "đường hầm dài hun hút đen tối" của đại dịch, gia đình  Alexa Aragonez ở Arlington, Texas không theo đúng các hướng dẫn của Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh (CDC), họ đã phải trả một giá khá đắt: 15 người trong đại gia đình bị nhiễm COVID-19.


Sau 8 tháng dài luôn luôn mang khẩu trang khi ra khỏi nhà, hoàn toàn không đến các quán rượu, các nhà hàng, và cả không đi nhà thờ, họ nghĩ là sẽ an toàn khi đến dự sinh nhật của một người cháu. 


Mọi người đến nhà một thành viên trong đại gia đình, dự sinh nhật vào ngày 1 tháng 11, ai cũng đeo khẩu trang khi đến, và nghĩ là mình sẽ giữ được khoảng cách 6 feet. Nhưng rồi nghĩ và làm là hai phạm trù khác nhau. Họ tháo khẩu trang ra ăn uống, hào hứng từ nhà bếp đến phòng ăn, quên mất là Coronavirus đang hoành hành mạnh mẽ hơn, quên đi những thận trọng, giữ gìn của mình trong từ trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 11.


Ngay ngày hôm sau, mẹ của Alexa, bà Enriqueta Aragonez (người lớn tuổi nhất trong những người tham dự họp mặt sinh nhật), mệt mỏi, bị sốt.

Ngày 3 tháng 11, tất cả 12 người tham dự tiệc sinh nhật đều có COVID-19 dương tính. Chưa dừng ở đó, thêm 3 người trong gia đình không đi dự sinh nhật cũng bị lây cúm Vũ Hán.


Enriqueta Aragonez  phải nằm bệnh viện bảy ngày, trong đó có một vài ngày bà phải thở bằng máy. Bà được xuất viện, về nhà nhưng phải uống thuốc trợ tim cả phần đời còn lại. Mặc dù may mắn sống sót sau khi nhiễm cúm Tàu nhưng di chứng của COVID-19 làm bà không bao giờ có được sức khỏe như trước khi nhiễm bệnh.


Con gái của Bà, Alexa chia xẻ kinh nghiệm thật của gia đình Cô như một nhắc nhở, cho đến khi nào đã được chích thuốc chủng ngừa, mọi người phải luôn luôn đề phòng cẩn thận, và tránh xa mọi cuộc họp mặt dù là họp mặt gia đình giữa những người không sống cùng nhà.


Hẳn là không ai muốn "kiếm củi ba năm rồi thiêu trong một giờ"?! 


Tương tự, gia đình ông bà Charles and Kirstin Johnson-Nixon  ở Minnesota và ba cậu con trai trong lứa tuổi teenagers đều bị nhiễm COVID-19. Coronavirus còn lây lan sang cho cha mẹ của bà Kristin. Ông cụ thân sinh của bà  cũng phải nằm bệnh viện đến 50 ngày, may mắn là ông được xuất viện về nhà. Hãy nghe bà Kristin trả lời phỏng vấn trên một đài truyền hình:


"Việc cả nhà chúng tôi nhiễm COVID-19 làm tôi thấy mình có nhiệm vụ nói lên cho mọi người biết để họ đề phòng..." 


Mọi người trong gia đình Johnson-Nixon đã khỏi bệnh, nhưng di chứng còn ở lại với họ lâu, lâu lắm, không biết bao giờ mới hết!

Hình như di chứng của COVID-19 bằng cách nào đó đã "thực hành" câu dân ca "Người ơi người ở đừng về..."


Thứ tư 18 tháng 11


Cái nghèo đẩy cô  Gabriela Ochoa, 21 tuổi, -một bà mẹ đơn thân- vào một lựa chọn tưởng rằng sẽ tốt hơn. Đại dịch COVID-19 đã đẩy bốn mẹ cô xuống vực sâu hơn. 

Suy sụp kinh tế một cách tồi tệ từ nhiều năm qua  ở Venezuela  khiến Gabriela mất việc làm ở một quầy bán trái cây vào cuối năm 2019. Cô không con nuôi nổi ba đứa con dưới 5 tuổi của mình.


Ở một đất nước quá nghèo như Venezuela, trợ cấp cho trường hợp của Cô rất khó xin, thức ăn thì giá càng ngày càng cao. Gabriela quyết định bồng bế, dắt díu ba đứa con vượt sông Tachira ở biên giới của Colombia và Venezuela. Ở Colombia dù sao đời sống cũng khá hơn, và dễ tìm việc hơn. 


Từ quê nhà ở thành phố ven biển Puerto Cabello, vừa đi nhờ, vừa đi bộ, bốn mẹ con của Gabriela vượt 450 miles(730km) đến biên giới phía Tây của Venezuela và phía Đông của Columbia sau khi  Columbia đóng cửa biên giới vì đại dịch cúm Tàu vào giữa tháng 3 năm 2020. 

Cây cầu bắc ngang sông Tachira ngăn đôi biên giới hai nước đã bị đóng từ vài tuần trước. Không còn lựa chọn nào khác, Gabriela bồng bế các con băng qua một khu vực đầm lầy ở một khúc sông cạn nước được kiểm soát cảnh sát biên phòng, và bởi các băng đảng của cả Columbia lẫn Venezuela ở hai đầu đầm lầy.

Gabriela van nài cảnh sát biên phòng cho bốn mẹ con cô vượt đầm lầy qua Colombia, không ai động lòng. Đêm đó, mấy mẹ con nằm ngủ ở ven đầm lầy, bụng sôi lên vì đói. Vào ngày thứ hai, lúc mặt trời vừa lặn, một người đàn ông trẻ đến tỏ ý giúp đỡ mấy mẹ con. 


Họ vừa đặt chân xuống nước được vài bước thì cả một nhóm người có vũ trang che mặt đến lấy những đứa trẻ ra khỏi ra khỏi tay Gabriela, lôi cô vào một bụi rậm, cưỡng bức cô. Cô hoảng loạn, sợ những đứa nhỏ bị giết.

Sau đó, họ cho bốn mẹ con vượt đầm lầy qua Colombia.


Mấy mẹ con lại ngủ trên vệ đường của Colombia. Ban ngày, Gabriela tay bồng, tay dẫn con

xin ăn để sống. Một người đàn bà Columbia thấy tình cảnh đó, thương tình cho mấy mẹ con ở nhờ một căn phòng trống sau nhà mình.

Sau ba tháng, gia đình người đàn bà Colombia không cho Cô ở nhờ nữa. Gabriela tìm được một khu lều ổ chuột ở ven thành phố Cucuta, nơi rất đông những người Venezuela vượt biên giới qua Colombia tìm một cuộc sống kinh tế tốt đẹp hơn ở quê nhà Venezuela ( cả Chính phủ lẫn dân đều lâm vào ngõ cụt kinh tế). Không may, họ đến "vùng đất hứa" Colombia vào lúc đại dịch đang xảy ra, ngay cả người bản xứ cũng lao đao, mất việc thì làm sao người Venezuela nhập cư bất hợp pháp có thể tìm được việc làm!


Gabriela thuê một căn lều trong khu ổ chuột không có điện, không có đường ống dẫn nước này với giá 40 đồng một tháng.


blank

Makeshift camps at the Simon Bolivar International Bridge in Cucuta, Colombia, on July 7 , 2020. 

Courtesy of CNN


Vì đại dịch vẫn đang hoành hành, dù còn trẻ, nhưng là một người mẹ đơn thân, Gabriela không có lựa chọn nào khác hơn là bồng những đứa trẻ đi xin tiền hàng ngày trên đường phố.

Cô chỉ kiếm đủ tiền để mấy mẹ con sống lây lất qua ngày chờ đại dịch qua đi.


Người mẹ trẻ này cầu nguyện mỗi ngày cho con mình đừng bị nhiễm Coronavirus.

Hình như lời cầu nguyện của đã có "Người" nghe. Hoàn cảnh sống như thế mà mấy đứa trẻ dưới 5 tuổi vẫn khỏe mạnh, như những cây xương rồng vững chãi trong nắng gió của sa mạc .


Xin cùng góp phần cầu nguyện cho đại dịch qua đi để ít nhất các tổ chức bảo vệ trẻ em đến giúp mẹ con Gabriela, và cô có thể tìm được một việc làm  dù là lao động tay chân ở Colombia để bù lại cái giá rất đắt khi cô vượt biên giới qua đất nước này.. 

Nhiều lời cầu nguyện thành tâm thì sẽ động lòng Trời.  Cuộc sống của bốn mẹ con Gabriela sẽ đỡ phần cơ cực. 


Thứ năm 19 tháng 11


Cùng làm việc cho Disney trong bộ phận âm thanh, và cùng  hát song ca, từ tháng 3 năm nay cả Lauren Jimenez and Patrick Delgado làm việc từ nhà với một lịch trình làm việc  thời đại dịch.


Họ tìm hiểu nhau bốn năm trước và đính hôn  vào tháng 5, năm 2019. Hôn lễ dự định tổ chức năm 2020, nhưng đại dịch đã làm thay đổi mọi dự tính.

Họ đã thay đổi vị trí nơi tổ chức tiệc cưới, và đã cắt bớt danh sách khách mời đến ba lần. Vào giữa tháng 10, tình hình đại dịch xấu hơn vào mùa thu, họ muốn tổ chức hôn lễ trong năm 2020, nên đã xin marriage license (chỉ có giá trị 30 ngày). Hôn lễ sau nhiều lần thay đổi, dự định tổ chức vào mùa lễ Tạ ơn năm nay. 


Một lần nữa hôn lễ của họ gặp trở ngại, cô dâu Lauren Jimenez có COVID-19 test dương tính chỉ vài ngày trước ngày đám cưới 20 tháng 11. Họ không muốn thay đổi thêm một lần nữa, vả lại marriage license của họ sắp hết hạn, nên cả hai đã có một "COVID-19 wedding" rất đặc biệt.

Cả hai cùng mặc lễ phục, cô dâu Lauren (đang bị nhiễm Coronavirus) ngồi ở cửa sổ tầng hai nhà Mẹ cô ở thành phố Ontario, California, chú rể Patrick đứng ở sân trước.

Thay vì cầm tay nhau, mỗi người cầm một đầu sợi dây ribbon màu trắng có đính những cái hoa carnation tươi màu trắng, nghiêm chỉnh trao đổi lời ước hẹn sống với nhau trọn đời.


blank

Courtesy of Jessica Castellano and CNN


Chỉ có thế, rồi ai về nhà nấy, đợi đến khi nào Lauren hết bệnh, có COVID-19 âm tính, họ mới thật sự bước vào đời sống vợ chồng.

Họ mong sang năm, đúng một năm kỷ niệm ngày cưới, họ có thể có một tiệc cưới "muộn còn hơn không" với đông đủ thân nhân, và những người bạn thân.


Sau hơn 8 tháng chịu đựng đại dịch, người ta không còn ngạc nhiên về những điều không bình thường. Làm sao mà bình thường được khi mỗi ngày trên thế giới có gần 10 ngàn người bị Coronavirus cướp mất cuộc đời, trong đó có những người còn rất trẻ!


Thứ sáu 20 tháng 11


Đêm cuối trước khi một nhà hàng ở Cleveland, Ohio tạm thời đóng cửa vì đại dịch, nhân viên làm việc ở đây đã có một niềm vui bất ngờ.


Một người khách vào tiệm chỉ uống một ly bia giá $7.02 nhưng đã cho đến ba ngàn đồng tiền tip.

Nghĩ là có sự lầm lẫn, người chủ tiệm đuổi theo người khách để hỏi về số tiền tip quá lớn đó.


Người khách trả lời:

"Không, tôi không lầm khi để lại ba ngàn tiền tip. Xin chia đều ba ngàn cho tất cả những nhân viên làm việc hôm nay . Tôi sẽ trở lại khi nào tiệm được mở cửa lại"


blank


Có bốn người làm ở tiệm ăn giờ đó được chia đều món tiền tip hậu hỉ đó.

Mỗi người được USD$750, số tiền không nhỏ, nhưng cũng không lớn. Họ vui, không vì số tiền tip hậu hỉ, mà niềm tin về lòng tử tế, về sự cảm thông sẽ ở lại với nhân viên của quán ăn ở Cleveland, Ohio đến hết cuộc đời.

Đó là một cách tiêu tiền rất khôn ngoan của một người giàu, nhân hậu, và... thích uống bia.


Ba ngàn rất lớn cho tiền tip của một ly bia đáng giá bảy đồng. Nhưng ba ngàn là một cái giá rất hời để mua niềm tin và sự cảm thông giữa người với người.


Thứ bảy 21 tháng 11


Toronto, thành phố ở Đông Nam của Canada, nằm sát biên giới Hoa Kỳ và Canada vừa có lệnh 4 tuần lockdown để ngăn chận cúm Tàu lây lan. Đây là lần thứ hai, thành phố lớn nhất Canada này có lệnh lockdown. Người ta cũng cũng đã quen với lối sống khác thường của thời đại dịch.

Nhưng lockdown ngay trước Christmas là cả một thiệt hại lớn về kinh tế, nhưng không có lựa chọn nào khác. Sức khỏe và sinh mạng luôn là thứ quý nhất trên đời. 


Theo bác sĩ Irfan Dhalla của Unity Health Toronto, các bệnh viện ở Ontario thường gần như đầy bệnh nhân vào mùa cúm hàng năm trong mùa đông. Việc gia tăng người nhiễm cúm Vũ Hán vào thời điểm này nghĩa là các bệnh viện sẽ không có khả năng săn sóc bệnh nhân với chất lượng cao. Ông thêm:


 " Rõ ràng, chúng ta đang có vấn nạn, Người có trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng và các nhà lãnh đạo địa phương quyết định là không có lựa chọn nào khác hơn ngoài chuyện phải trở lại tình trạng  lockdown" 


Một số ngành nghề ở Toronto lo ngại là lần lockdown thứ hai này sẽ là "một cú đấm knock-out  hạ gục” tình trạng đang khó khăn của họ.


Chẳng hạn nhà hàng HotHouse của Adam Joe và Arif Ahmed vốn có hơn 100 nhân viên. Sau lần lockdown thứ nhất, dù có được một hàng hiên khá rộng chung quanh nhà hàng họ phải sa thải một nửa nhân viên, chỉ giữ lại 50 người vì chỉ được bán ngoài trời.

Với lần lockdown thứ hai, ngay cả bàn ăn ngoài trời cũng bị cấm, chỉ còn bán thức ăn to go cho khách mang về nhà, chắc chắn họ sẽ phải sa thải thêm nhân viên. Rất khó khăn cho họ, không chỉ vì mất thu nhập, mà còn vì phải cho những nhân viên giỏi, và trung thành nghỉ việc.


 blank

 Toronto in lockdown - Courtesy of /www.blogto.com


Lần lockdown thứ nhất vào tháng 4 rất thành công, đã hạ giảm được số bệnh nhân COVID-19 mới nhanh chóng, nhưng vì vẫn chưa có thuốc chủng ngừa nên Coronavirus quay trở lại tiếp tục hoành hành vào mùa đông. Và không còn lựa chọn nào khác hơn là phải lockdown thành phố lớn nhất của Canada lần thứ hai vào đúng những tuần lễ trước Giáng sinh, mùa buôn bán bận rộn nhất của các cơ sở thương mại. 


Thủ tướng Justin Trudeau hy vọng sẽ có đủ thuốc chủng ngừa COVID-19 chích cho gần 38 triệu người Canada vào tháng 9 năm 2021.

 

Chủ Nhật 22 tháng 11


Khi số người Mỹ dưới 40 tuổi bị thiệt mạng vì COVID-19 lên đến con số 3,571 (cao hơn số người thiệt mạng vì biến cố không tặc 9/11 năm 2001), thời gian  đại dịch  hoành hành đủ dài để các giáo sư bác sĩ đưa ra những nhóm người Mỹ có risk factors (nguy cơ nhiễm Coronavirus nặng, thời gian bình phục rất lâu, đôi khi không thể bình phục) theo thứ tự sau:


- Những người bị bệnh béo phì, có đến 85 triệu người lớn thuộc nhóm này.

- Những người bị bệnh thận mãn tính, nhóm này có đến 37 triệu người Mỹ.

- Những người có thói quen hút thuốc lá, hiện có 34 triệu người Mỹ mê những điếu thuốc lá.  -Những người bị bệnh tiểu đường loại II, không may 30 triệu người Mỹ đang đang bị loại bệnh mãn tính này  

- Và cuối cùng là nhóm 16.4 triệu người bị bệnh đường hô hấp mãn tính .  *


Tổng cộng 202.4 triệu người Mỹ có nguy cơ nhiễm đại dịch rất cao. Đó là chưa kể những người có hệ thống miễn nhiễm rất yếu vì đã có hóa trị cancer, hoặc những người đã nhận hoặc cho một bộ phận cơ thể như thận… (organ transplant)


Nghĩa là khoảng hai phần ba người Mỹ có nguy cơ cao nhiễm COVID-19, bệnh nặng, và có thể sẽ chẳng bao giờ bình phục,hay được xuất viện về lại đời sống.


Xin hãy thương hơn 202.4 triệu người Mỹ không may đó để cẩn thận hơn trong giao tiếp, luôn đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng.

Nếu bạn may mắn không ở những nhóm trên, cũng không có gì bảo đảm COVID-19 "kiêng nể" bạn.

Xin cùng kiên nhẫn, nghĩ đến người khác và nghĩ đến chính bạn. Đừng coi thường Coronavirus cho đến lúc nào tất cả người Mỹ được chích đủ cả hai liều thuốc chủng ngừa COVID-19 .

Đó cũng là một trong những cách chúng ta tạ ơn đất nước này.


blankblank


Nguyễn Trần Diệu Hương

Post Thanksgiving 2020

 


* Nguồn :  https://news.yahoo.com/young-die-well-covid-19-120007688.html 



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bà khụy chân xuống nhìn sát vào mặt mẹ, bà thấy đầu Cụ như nghiêng về một bên, hai mắt vẫn nhắm và những giọt nước mắt nữa… và hình như Cụ không còn thở. Bà vòng tay ôm đầu Cụ ngã vào vai mình. Bà yên lặng, vùi cái đầu đã hoa râm của mình vào mái tóc bạc phơ của mẹ. Tiếng Thái Thanh vẫn cất lên: Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…Nước Ơi!
Hãy nghe một bà mẹ trẻ (Christine Derengowski, một người viết báo) an ủi khuyến khích con mình: "Con sẽ không bị phạt, và con sẽ không bị ở lại lớp một. Mà thật ra, chính con là một anh hùng. Con có biết là chưa có một đứa trẻ nào trong lịch sử phải học lớp một ở nhà qua màn hình computer, ngồi trong phòng ngủ, nhìn cô giáo qua màn hình. Con và các bạn của con đã làm nên lịch sử."
A Lượng lạch bạch chạy laị chỗ máy thằng Dĩnh giật lấy cái máy quạt tí hon của mình. Trời nóng như đổ lửa, cộng với nhiệt độ cao của dàn máy sản xuất túi nylon toả ra làm cho không khí càng ngột ngạt hơn, cái nóng như nung nấu laị như rang mấy mươi con người trong xưởng.
Tình cờ gặp lại Thúy-Minh – người bạn ngày xưa cùng học trường Võ-Tánh và cũng cùng sinh hoạt trong ban ca nhạc Bình-Minh đài phát thanh Nha-Trang – Thanh-Điệp mừng quá, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác.
Cõi thơ 50 năm của anh chính là bức tranh đời yêu thương định phận này. Nó đậm đà sắc màu âm thanh của một dòng sông với khát vọng tìm về nguồn cội. Có thể đó là nỗi hoài niệm, thương cảm êm đềm hay kêu gào xót thương một thời vàng son đã mất, nhưng hình như sắc màu âm thanh cõi thơ anh mãi mãi không bao giờ lụi tàn.
Anh bước vội vào trong toa xe điện. Một chút ăn năn vì anh về muộn. Anh lỡ quên hôm nay là ba mươi Tết. Anh tìm chỗ ngồi kín đáo và cố thu người lại sao cho ấm. Anh nghĩ bên nhà giờ này là mùng một Tết. Anh vụt nhớ câu thơ ai viết: ”Đêm xuống bên ni/ Ngày lên bên nớ”. Mắt anh đau đáu nhìn ra ngoài trời, Chicago tràn ngập tuyết. Chiếc tàu điện cần mẫn lặng lẽ trường mình dưới tuyết lạnh đưa đoàn lữ hành về các vùng ngoại ô phía Tây thành phố Chicago.
Hậu duệ của một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ 20 ông Bill Gates, người làm cho năng suất làm việc, và hiệu quả kinh tế tăng bội phần) không sợ thuốc chủng ngừa đại dịch thay đổi DNA của Cô thì không hiểu tại sao những người bình thường, thậm chí chỉ số IQ (intelligence quotient) còn ở dưới mức trung bình, lại sợ thuốc chủng ngừa làm thay đổi DNA của mình !!!
Chưa thấy mặt cô giáo, Duy không biết nhan sắc của cô như thế nào. Nhưng, nhìn mái tóc dài, chiếc nón nghiêng nghiêng của cô giáo Duy tưởng như chàng đã gặp hình bóng ấy vào một chiều Xuân, tại Nha Trang, khi Trục Lôi Hạm Chương Dương II, HQ 115 ghé Cầu Đá.
Con bé yêu mẹ nó. Cứ vài ngày lại điện thoại hỏi mẹ có khỏe không. Bao giờ cũng vậy, cuộc thẩm vấn trên điện thoại với mẹ xoay quanh những câu đại loại như mẹ có bị sốt không, có bị ho không, có mệt mỏi không, có ngửi mùi thức ăn được không, có gặp người nào bị bệnh Covid không. Toàn bộ những câu mà người ta thường hỏi khi khách hàng bước chân vào một cửa tiệm trong mùa giãn cách cơn đại dịch. Ông không muốn con gái nghĩ bố bỏ mẹ ở nhà vì mẹ bị cách ly sau khi có những triệu chứng vừa kể. Nó muốn chắc ăn là cả bố lẫn mẹ không ai bị nhiễm Covid hết.
Những ngày gần cuối năm, chúng tôi nhận một ngôi nhà “mới” (của mình và “cũ” của người ta) không có đồ đạc và cần sắm sửa một vài thứ căn bản. Đồ mới, đồ đẹp thì ai lại không mê, nhưng ngặt nỗi đâu phải cái gì thích cũng đều có khả năng mua mới. Quần áo giày dép nào thích có khi còn nán đợi sale giảm giá vài ba lần mới mua, huống hồ những thứ đồ lớn với giá tiền gấp cả trăm lần… Phải thực tế và biết mình hỏng phải “First Daughter” (con gái lớn của tổng thống) mà là con gái lớn của cái anh Hai Lúa nhà kia từng làm việc ở tiệm Thrift Store (tiệm bán đồ của mấy nhà dư giả “biếu”). Đã 10 giờ tối, nằm trong túi ngủ (sleeping bag) trải trên sàn nhà (vì chưa có giường), tụi tôi “đi dạo” trên mạng xem có ai trong vùng rao bán gì hấp dẫn không. Có một quảng cáo chỉ vừa mới đăng chừng 5 phút rất ngắn gọn: “Bộ bàn ăn 8 ghế gỗ và da – giá $395, bán bởi chủ nhà”. Nhìn hình kèm lời quảng cáo phải nói là có cảm tình liền. Nguyên bộ bàn nhìn rất chắc và rất đẹp. Có vẻ là đồ “hiệu” thiết k
Người Việt chúng mình tại Mỹ hình như có cơ hội ăn “thiệt” và tiệc tùng trong năm nhiều hơn dân bản xứ, vì ngoài các ngày lễ bình thường, mà quan trọng nhất là các lễ Chiến Sĩ Trận Vong, Độc Lập, Tạ Ơn, Giáng Sinh, Tết Dương Lịch, còn có Tết Âm Lịch – bây giờ xin sửa lại như sau: Tháng 12 là tháng ăn chơi, Tháng Giêng cũng lại chơi với ăn đều đều, Tháng Hai thì Hội với Hè - đó là chưa kể đến các ngày lễ không kém phần quan trọng cho cộng đồng người Việt tỵ nạn như ngày Lễ Phật Đản, kỷ niệm Mất Nước 30 tháng 4, ngày Quân Lực VNCH… cùng các ngày kỵ giổ của từng gia đình, đại gia đình, và các đại hội của từng quân binh chủng, từng hội đoàn, từng hội thân hữu … Nhìn về những cái Tết khi còn ở quê nhà, Tết là một ngày lễ quan trọng duy nhất cho mọi người, mọi gia đình, cho cả nước. Bởi vậy có những năm Mẹ tôi được chính phủ cho thêm lương tháng 13. Người lớn rộn ràng sửa soạn Tết theo cách người lớn, tỉ mỉ, chuẩn bị trước cả tháng. Con nít chúng tôi có những náo nức riêng. Nhà nhà đều ăn
Tết càng cận kề, từ làng trên xuống xóm dưới, mọi người càng chộn rộn lo đủ thứ, y như cả năm chưa đủ lu bu vậy. Nhà bà hội đồng thì khỏi nói. Song le, năm nay bà hội đồng lại bận bịu một cách khác. Số là giữa bà và cậu Hai Đức đang có chuyện gây cấn. Sẵn dịp xuân về, bà muốn mời cô Tư Nhung qua nhà chơi vào ngày mùng hai Tết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.