Hôm nay,  

Núi Thiêng

9/19/202011:34:00(View: 3890)

Ngày Lễ Lao Động năm nay, Smocky Mountain lặng lẽ lắm, núi rừng dường như được trở laị sự tĩnh mịch của muôn đời. Cơn dịch Coronavirus đã khiến cho dòng người đổ về đây vơi hẳn đi, cơn dịch có haị cho loài người nhưng mang laị lợi ích lớn cho thiên nhiên, nhờ dịch mà những tác động tai haị lớn của con người đối với thiên nhiên giảm đi rất nhiều

 Rặng Smoky Mountain tọa lạc trên hai tiểu bang: North Carolina và Tennessee. Vốn được công nhận là công viên quốc gia đầu tiên của nước Mỹ (1940), tiếp đến năm 1983 được Unesco công nhận là di sản của nhân loại… núi rừng trùng điệp và hùng vĩ, có nhiều chặng sương khói phủ mờ, mây trắng quyện lấy lững lờ chẳng tan. Có lẽ người xưa nhìn thấy cảnh tượng này mà gọi tên là Smoky chăng? hoặc giả những trận cháy rừng, khói bốc cao mà gọi là Smoky? Cũng có giả thuyết cho rằng: Người Mỹ bản địa ( Idian) xa xưa, thường đốt khói thơm trong những nghi lễ hiến tế ở những địa điểm linh thiêng trên dãy núi này, vì thế mà được gọi là Smoky. Núi rừng trùng điệp, đèo cao vực sâu nhưng xe lên dễ dàng, vì đường chạy dích dắc làm giảm độ dốc rất nhiều. Chỉ trừ những khu vực cao nhất, nơi ở của những nhà giàu và khu vực có cabins cho du khách thuê.   Nghĩ cũng lạ đời, ở xứ mình, người nghèo khổ mới lên rừng, lên núi kiếm đất cắm dùi, hoặc dỡ rẫy làm nương mà kiếm sống. Ở xứ Cờ Hoa này thì ngược laị, người giàu, cực giàu mới lên núi, lên rừng mà sống. Dù rằng ở trên núi hay giữa rừng nhưng họ không thiếu thứ gì, từ những món đơn sơ cho đến những phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất, những nơi họ ở thì xe hai cầu mới có thể lên nổi…

 Trên rặng Great Smoky Mountain có một tiểu trấn nhỏ gọi là Gatlinburg. Trấn cổ kính, nhỏ nhắn xinh xinh nằm dọc hai bên con suối nước mát lạnh trong xanh, ngày đêm róc rách chảy. Tiểu trấn Gatlinburg như bước ra từ trong truyện cổ tích của WaltDisney, nó có dáng dấp những trấn cổ của Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn, Người Đẹp Ngủ Trong Rừng, Giai Nhân và Quái Vật…Trấn đẹp lạ thường, rất lãng mạn với những con đường lát đá chạy loanh quanh, những ngôi nhà nho nhỏ bằng gỗ hoặc bằng đá, những tiệm kẹo tí hon, xưởng đèn sáp thủ công, thuỷ tinh màu, shop bán đồ lưu niệm…và cả những nghệ nhân khắc tượng, vẽ tranh hai bên đường. Không khí mát lạnh, người trẩy hội với bao sắc màu tạo nên khung cảnh đẹp làm ngẩn ngơ lòng những gã du tử. Trấn đẹp một phần cũng nhờ hoa, hoa có mặt khắp nơi, từ bậu cửa, thềm sân, vỉa hè, hai bên đường, dọc con hẻm…Hoa pansy, pectuania, hydrangea, poppy… đủ cả sắc hương hội tụ. Những gã du tử đến đây thì khi đi sẽ để laị một chút hồn mình, hoặc giả khi về sẽ mang theo trong tim mình một chút hồn của trấn nhỏ này. Những gã du tử thường đa mang, đôi khi mộng mơ và lạc lõng giữa đời thường. Những gã du tử vốn rất hậu đậu, chẳng bon chen nổi với đời, vĩnh viễn lạc lõng trên con đường đời, ngơ ngẩn ở con đường tình, lừng khừng trên đường đạo, mịt mờ với đường công danh, dở dang đường tiến thoái, mê đắm đường văn chương chữ nghĩa. Đời những gã du tử chỉ là những con chữ ráp nối như trẻ con chơi ráp hình, ráp chữ ( puzzle), khéo thì ráp thành những bức tranh đẹp, vụng về thì tạo ra một mớ hổ lốn chẳng nên hình hài gì.

 Great Smoky Mountain trùng điệp và hùng vĩ quá, xe chạy trên triền núi mà lòng vẩn vơ nghĩ về cố quận. Smocky Mountain chắc cũng giống Trường Sơn của xứ mình.  Xưa giờ vẫn nghe nói Trường Sơn núi rừng thâm sâu, ấy chỉ là lý thuyết chữ nghĩa chứ gã chưa hề thấy biết, dĩ nhiên là cũng chưa hề đặt chân đến bao giờ. Khi mà chưa đến, chưa hít thở hơi thở của núi rừng Trường Sơn thì làm sao dám viết về Trường Sơn! Vẫn nghe ca tụng Trường Sơn hùng vĩ lắm, có người bạo mồm bạo miệng đòi đốt cả dãy Trường Sơn để đạt mục đích của mình, thật sự Trường Sơn chưa bị đốt cả nhưng cũng bị loang lổ hư hoại rất nhiều, chưa đốt Trường Sơn nhưng cũng đã haị người, haị vật không ít! Smoky Mountain thật may mắn, nó ở xứ Cờ Hoa nên yên thân, xứ naỳ không ai dám đòi đốt vả laị cũng chẳng ai có tâm đủ độc để đòi đốt nó. 

 Trên rặng Smoky Mountain, thỉnh thoảng gặp những gã da trắng bặm trợn, xồm xoàm râu ria lái những chiếc mô tô Harley Davidson  rong ruổi đó đây. Lòng gã laị mường tượng những chiến binh Indian xa xưa. Xứ sở Cờ Hoa vốn là đất của người Mỹ bản địa , người mình quen gọi là thổ dân da đỏ, người Anh Điêng ( Indian) sở dĩ như vậy là vì khi nhà thám hiểm Cristoforo Colombo khám phá ra châu Mỹ, ông đã nhầm lẫn tưởng là Ấn Độ nên mới gọi là Indian, sự nhầm lẫn gọi riết thành quen đến tận hôm nay. Xe chạy ngoằn nghèo trên Smoky Mountain, tự dưng nhớ ngài Tuệ Sĩ viết:

“Quê người trên đỉnh Trường Sơn

 Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu”

 Ngài vì đau lòng bởi vận nước suy vi, vì đạo pháp ngã nghiêng, vì cơ nghiệp của Như Lai đang hồi hư hoại mới gởi nỗi hờn thiên thu trên đỉnh Trường Sơn. Ngài laị viết:” Mơ Trường Sơn vời vợi bóng anh hùng”, “ Nên bàn chân mòn sỏi đá Trường Sơn”, “ Trường Sơn ơi bóng tùng quân ngạo nghễ”…

 Rặng Smoky Mountain của Cờ Hoa, Trường Sơn của cố quận không ngờ laị có duyên với nhau như thế này, núi rừng giống nhau, thiên nhiên như nhau nhưng quốc độ khác nhau, nhân tâm bất đồng: bất đồng vì cái nhìn hạn hẹp với cái nhìn bao quát; bất đồng vì tự tư tự lợi với nhân ái vị tha; bất đồng vì cái tôi của cá nhân quá lớn với cái tâm đặt lợi ích quốc gia lên trên; bất đồng vì chủ thuyết hoang tưởng đầy bạo lực sắt máu với dân quyền- dân sinh- dân chủ; bất đồng vì lạc hậu, cố chấp với cái tân tiến, vị tha, cởi mở…Vì những sự bất đồng nhân tâm như thế nên mới có những hình thái nhà nước khác nhau, những thể chế khác nhau và cũng từ đó mà gây ra phước họa khác nhau cho con người và xã hội. Những người có cùng nghiệp lực phước phần  hội tụ với nhau, chịu chung phước họa, ở cùng những quốc độ tương ứng.

 Từ trên rặng Smoky Mountain, gã laị tưởng tượng đến những ngôi chùa Yên Tử, lòng laị thầm ước giá mà ở đây cũng có một ngôi chùa thì hay biết bao, tuy biết rằng điều ấy là không thể. Đất này của người da trắng và các thổ dân còn sót laị, đất này của những tôn giáo có đức tin khác, và điều quan trọng nhất vẫn là nhân duyên chưa có, thời gian chưa phải lúc để xuất hiện một bậc đaị sĩ xuất thế hiện thân ở chốn này. 

 Smoky Mountain mùa đông cũng có tuyết, nhưng so với tuyết sơn ở Tây Tạng thì chẳng thấm thiá vào đâu. Những đỉnh núi tuyết, những rặng tuyết sơn có rất nhiều hang đá, ở đấy các vị Lạt Ma, Guru, tu sĩ vẫn ngày đêm hành trì miên mật. Họ tu mật hạnh, khổ hạnh ngồi trong những cái hang đá đó. Họ quả thật phi phàm, những cái hang giữa trời tuyết trắng bời bời, các vị tăng Tây Tạng vẫn vững như bàn thạch, không có những phương tiện vật chất tối thiểu, thực phẩm thì mươi hôm nửa tháng mới có Phật tử mang lên cúng dường…không hề gì, các ngài như thể nhập với tự nhiên, bản nguyện, hạnh nguyện và ý chí như kim cang. Người Tạng sống trên vùng đất cao nhất thế gian này, nắng chói chang, lạnh nứt da thịt, không khí loãng, Oxy thiếu, áp suất thấp cái khắc nghiệt của thiên nhiên tưởng chừng như không sống nổi, ấy vậy mà cũng chưa yên thân. Khắc nghiệt của thiên nhiên còn chịu được, đã chịu bao đời nay. Cái khắc nghiệt của lòng người mới ghê gớm và kinh khủng hơn. Kể từ khi Trung Cộng xua quân xâm lăng Tây Tạng đến nay, bọn họ đã phá huỷ hơn bốn ngàn ngôi tự viện, giết chết hơn một trịêu người Tây Tạng, hàng vạn người phải ly hương ( có cả ngài Dalai Lama), nền văn minh Phật giáo Tạng đang bị hủy hoại. Hán hoá quá cay nghiệt, tàn độc. Những kẻ xâm lăng không chừa một thủ đoạn nào, dù là độc ác và dã man nhất, cái khắc nghiệt của thiên nhiên xem ra không nhằm nhò gì so với sự nghiệt ngã của lòng tham, sự hân hận và mê muội của Trung Cộng. 

 Những ngọn núi thiêng như Kailash, vốn được truyền tụng là đạo tràng của ngài Liên Hoa Sanh, là hang tu của tổ sư Milarepa, được cho là trung tâm vũ vụ … vô cùng thiêng liêng trong tín ngưỡng, tâm linh cũng như văn hoá của người Tạng, hiện đang bị xâm haị vì những kế khoạch đã và đang khai phá của Trung Cộng. Núi thiêng taị tâm, đất linh tại người, vậy mà giờ đây lòng dạ của những kẻ xâm lăng tàn độc, tham lam, mê muội bất chấp tất cả. Kiếp nạn cộng nghiệp của người Tạng, của những dân tộc và quốc gia nhược tiểu ngày đêm khắc khoải khổ đau.

 Rời Smoky Mountain, về với Tennessee, một vùng đất trù phú với những điền trang bát ngát mênh mông. Tennessee cũng là quê hương của ông hoàng nhạc  Rock&Roll. Elvis Presley là thần tượng âm nhạc của xứ này và cả một phần nhân loại. Elvis Presley đã để laị cho đời một gia tài âm nhạc khổng lồ và bản thân ông đã trở thành một biểu tượng của văn hoá Mỹ. Nhắc đến văn hoá Mỹ, lối sống Mỹ, phong cách Mỹ thì người ta lập tức nghĩ ngay đến: nhạc Rock&Roll, bóng bầu dục, Coca Cola, hamburger. Cách trung tâm thành phố chừng một giờ lái xe, Rock City nằm trên đỉnh một ngọn núi nhỏ nhưng khá lý thú, người ta lập nên một tiểu trấn, một khu du lịch trên đỉnh núi đá. Bàn tay và trí tưởng tượng của con người đã thổi hồn vào núi đá này. Những hẻm núi nhỏ đến độ người ta phải nghiêng mình mới qua lọt, những hang động được trang trí biến thành xứ sở của bảy chú lùn trong truyện cổ, nhiều hang đá khác cũng được trang trí theo những chủ đề của các câu chuyện cổ tích,  dùng chính đá của núi để bắt cầu qua hai vách đá, từ đó mà có Sky Bridge, cũng từ mỏn đá của Rock City nhìn ra không gian bao la, chúng ta có thể thấy đến tận bảy tiểu bang chung quanh. Rock City nhờ có bàn tay con người mà trở nên có hồn hơn, đẹp hơn từ đó thu hút du khách khắp nơi đổ về ngắm nghía trầm trồ. Dòng sông Chattanooga cũng thế, vốn chỉ là con sông nhỏ, nước tù đọng, không có gì hấp dẫn nhưng nhờ bàn tay chỉnh trang của con người tạo ra quảng trường bờ sông, công viên, phố xá hai bên sông, nhờ thế mà nó trở nên duyên dáng và đẹp hẳn lên. Những hoạt động thể thao du thuyền, jack ski, kayak… làm cho khúc sông chảy qua down town rất sôi động.

 Từ trung tâm Tennessee, gã và gia đình ghé vào một trung tâm mua sắm cách đấy không xa, chính tại nơi này gã đã học thêm một bài học về cách đối nhân xử thế, về tình người, tình đời. Số là hai vợ chồng gã đang xếp hàng chờ  đồ ăn, khi  trả tiền thì người ở quầy bảo có người đứng sau lưng trả rồi. Gã ngạc nhiên quay laị thì thấy hai vợ chồng Mỹ trắng già. Hai ông bà thanh mảnh, cao ráo, tướng tá sang trọng… Gã ngạc nhiên lắm, cảm ơn hai người rối rít, hai người cười vui vẻ bảo không có chi. Ở cái xứ này chúng ta vẫn thường thấy có những người xa lạ thường hay trả tiền món ăn hay món đồ chi đó, nếu người đứng kề cận là một anh lính, người cảnh sát hay một quân nhân…Người Mỹ muốn tỏ lòng biết ơn những nhân viên công lực hay quân nhân đã bảo vệ quốc gia, bảo vệ trật tự trị an của xã hội. Gã là một người châu Á di dân, vô danh tiểu tốt, chẳng có công trạng gì với quốc gia này ấy vậy mà cũng được hưởng “ân huệ” này. Trong lòng thấy vui và cảm kích vô cùng. Lâu nay gã vẫn thường tâm niệm chỉ giúp người dưới cơ mình, chỉ giúp người nghèo khổ, hoặc là làm việc tốt cũng phải tỉnh táo, phân biệt rõ ràng… Hai vợ chồng Mỹ trắng già trả tiền bữa ăn cho gã, một hành vi đẹp vị tha, một hành động tốt vô điều kiện, hành động tốt mang laị niềm vui nho nhỏ cho tha nhân mà không cần biết đó là ai, không có tâm phân biệt hay chấp trước. Gã xin cảm ơn ngàn lần cũng không đủ, cảm ơn không phải vì được trả tiền cho suất ăn ấy mà cảm ơn vì trân qúy cái hành động đẹp này. Một bài học giữa đời thường, việc trả tiền bữa ăn cho một người xa lạ mà người ấy là du khách chứ không phải nghèo khổ, đói khát tuy chưa thể gọi là Bồ Tát nhưng hành vi ấy có dáng dấp của Bồ Tát. Hai vợ chồng Mỹ trắng già ấy không có tâm phân biệt đó là một gã châu Á, không thấy hành vi trả tiền cho kẻ xa lạ là làm phước…điểm naỳ gần giống như “ Tam luân thể không” trong việc bố thí. Bố thí mà không thấy có mình bố thí, không thấy có người thọ nhận bố thí và cũng không thấy có vật bố thí. 

 Xứ Tennessee giàu có phong lưu, thiên nhiên xanh mướt xinh đẹp. Tennessee cũng như bao miền đất khác của xứ sở này, ngày nay vẫn còn có rất nhiều những địa danh mang âm hưởng, vết tích của người Mỹ bản địa xa xưa: Chattahoochee, Chattanooga, Cherokee, Appalachian, Alamos… Những cái tên gợi lên một thời dĩ vãng, những đỉnh núi thiêng, những vùng đất linh một thời của người Mỹ bản địa. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 09/2020

 

Reader's Comment
9/26/202018:48:24
Guest
Người viết đang sống ở Mỹ, đọc bài của Thần Phong cũng muốn thưởng thức phong vị thần tiên của Tennessy, nhưng đáng tiếc, mình quá già rồi, chống gây đi còn không vững nữa là...
Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tiếng trống thì thùng vang khắp xóm chợ, xóm chùa, xóm đình… Âm thanh trống lân giục giã đầy hào hứng tỏa đến từng nhà, lọt vào lỗ nhĩ thằng Tí. Tiếng trống kích thích nó, làm cho nó và cơm thật lẹ, đoạn nó chan canh vào chén để húp cho xong, dường như nó nuốt chứ hổng có nhai. Cô Hai nhìn nó rồi đưa mắt cho chú Hai: - Thường ngày đâu có vậy, nó ăn nhơi nhơi cả buổi hổng hết chén cơm, vậy mà bữa nay nó ăn nhanh như lân ăn bắp cải.
Buổi sáng định mệnh đó, thầy giáo lớp 5 của Max, nhận được một cú điện thoại. Max còn nhớ khuôn mặt thầy tái đi sau cú điện thoại đó, Thầy bảo Max thu dọn cặp sách lên ngay văn phòng của trường. Max kinh ngạc nhưng vâng lời Thầy thu xếp ra về. Ở cửa văn phòng, Mẹ của Max đứng đó, khuôn mặt nhợt nhạt, thất thần còn hơn cả Thầy giáo. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi có ai đó nói với Max "chúng tôi rất tiếc, ba của bạn đã qua đời", người đàn ông 30 tuổi đã buồn bã trả lời "Không, ông bị giết chết bởi không tặc."
Mọi người như muốn cướp thời gian để vui sống. Họ không chịu ngồi yên nhìn thời gian trôi nhanh vuột khỏi tầm tay. Las Vegas là nơi họ thích đến để “hành lạc” mỗi năm một lần, hay vài ba lần (Có thể họ còn đến những nơi khác để chen vào những kẽ hở của một năm cặm cụi làm việc). Thế nhưng đại dịch đã ngang nhiên xía vào cuộc sống của họ. Nay “xả cảng”, thì họ phải vội vàng “đến bù”.
Một con cú to lớn màu trắng, đột nhiên quay đầu nhìn Steven, đôi mắt nó tròn đen như hai hột nhãn, cứ như ai đó gắn vào cái mặt bẹt của nó, cái nhìn lạnh tanh mà xoáy vào lòng người ta. Steven nổi da gà, nỗi sợ bắt đầu len lỏi từng tế bào, luồng sóng lạnh lan tỏa từ thần kinh trung ương đi khắp thân. Steven thoáng nghĩ: ”Con cú nhồi bông không thể cử động được? mình đã nhìn nó bao nhiêu năm nay rồi cơ mà”.
Buổi chiều mưa rây rây. Thành phố lạ. Nhà hàng có cái tên quen. Chúng tôi vào, náo nức gọi món ăn. Sau gần một tuần lễ rong ruổi núi đá chênh vênh, với thác nước tung bọt trắng, với mặt hồ biếc xanh, với vô vàn những con dốc cheo leo, chúng tôi về thành phố. Cả tuần lễ ăn toàn đồ Tây, hôm nay ai cũng thèm món Á châu. Vừa ngồi vào ghế, âm thanh nhốn nháo đã kéo tôi ngước nhìn màn hình ti vi trước mặt. Khung cảnh quen thuộc từ ký ức nào đó bỗng dưng chói lòa. Lũ người chen chúc nhau bu quanh chiếc máy bay khổng lồ đang lăn bánh trên phi đạo. Mắt tôi dán lên màn hình. Ngực tôi thắt lại. Tôi không dám nhìn. Tôi nhắm mắt. Tôi cố không nghe. Nhưng hình ảnh và những âm thanh ấy vẫn còn. Thật rõ nét. Dù tôi chỉ tình cờ bắt gặp.
Bà Tám Niệm chết hai ngày rồi, nhà chưa lo được đủ bộ ván hòm. Thằng con Út ở nông trường về chiều hôm qua đã không biết làm gì để tiếp giúp mọi người, chỉ ngồi đầu giường mà khóc. Đầu hôm, có người này người nọ, đi ra đi vô cũng đỡ trống lạnh. Khuya lại, âm u thấy mà ghê. Nhà ngoài còn hai người, ông Xã Miễng và thằng Cu Ngọng ngồi đánh cờ tướng. Cái chái lợp bằng tàu dừa, không có vách vừng, gió thổi u u mà bốn năm đứa nhỏ nằm trên bàn ngủ ngon lành.
Ánh trăng bàng bạc phủ khắp sơn hà, gió thổi qua tàng lá cây quanh vùng làm cho ánh sáng loang loáng rơi trên mặt đất, tạo ra những mảng sáng tối xen kẽ nhau. Dòng ánh sáng chảy từ đỉnh Stone Mountain xuống trông cứ như những dòng sữa từ biển Hương Thủy. Stone Mountain không phải là núi lớn, nó chỉ là một hòn đá liền khối khổng lồ. Người ta ước tính nó đã hai trăm năm mươi triệu tuổi rồi. Nó đã chứng kiến biết bao dâu bể của xứ sở này. Đêm nay cũng như hàng vạn đêm trăng khác, lặng lẽ, tịch mịch đến vô cùng. Chợt có tiếng chuông từ đâu đó ngân lên, làn sóng âm thanh lan tỏa khắp đất trời. Dòng ánh sáng của trăng chảy từ trên xuống hòa vào dòng âm thanh bay lên lay động cả ngân hà. Tiếng chuông loang như những vòng sóng âm tan vào không gian cả một vùng ngoại thành đang yên ả ngủ. Thằng Jeffrey lẩm bẩm: - Quái lạ nhỉ? Giờ này sao lại có tiếng chuông? Mà tiếng chuông cũng không ngân nga thánh thót như chuông nhà thờ của cha xứ Jame Winston. Tiếng chuông này thỉnh thoảng
Hạnh phúc không phải chỉ được nhìn thấy ở những gì tốt đẹp sẵn có, hanh phúc còn được tìm thấy khi ta chuyển hóa những điều tệ hại đến với ta, thành những điều tốt đẹp. Tư duy về cuộc sống không phải là làm sao sống qua cơn bão tố, mà làm sao ta vẫn thấy được hanh phúc ngay cả khi ta đi dưới cơn mưa rào...
Chợ hoa Bà Kiều im ắng lặng ngắt không một bóng người, những sạp hàng trơ trọi sầu, không một cánh hoa rơi, đến cả một tiếng vo ve của ruồi nhặng cũng không. Ngày thường chợ rất sầm uất, nhộn nhịp, mọi người nhóm chợ từ hai giờ sáng, kẻ bán người mua tấp nập. Hoa từ Đà Lạt xuống, từ miền tây lên, miền trung vào, hoa ngoại từ phi trường đến để rồi từ đây hoa được các mối sỉ chia lẻ cho các mối nhỏ hơn và tỏa đi khắp các quận nội thành, ngoại thành và cả các tỉnh gần xa. Lệnh phong tỏa đã giết chết chợ hoa, mà nào chỉ chợ hoa, tất cả các chợ lớn nhỏ đều bị đóng cửa cả. Chị Hai Thương thốt lên giọng đầy chán nản: - Đóng cửa kiểu này chắc ăn cám heo mà sống. Anh hai Thành, chồng chị cười méo xẹo: - Có cám ăn đã là phước! Không chừng cạp đất mà ăn. Chị Hai vẫn rền rĩ: - Đã mấy tháng nay cà giựt cà thọt, làm ăn bết bát, ai còn lòng dạ nào mà chưng hoa nhưng dù sao cũng còn sống lất lây, giờ cấm chợ ngăn sông thì chết chắc! Mình chết, nhà vườn cũng chết, họ cò
Sau thời công phu khuya vào sáng ngày 16 tháng 8 năm 2021, Thầy trò, Ông cháu chúng tôi lạy Tổ để chuẩn bị sang thăm Tổ Đình Khánh Anh, nơi Ni Sư Thích Nữ Diệu Trạm đang Trụ Trì, thì được Thượng Tọa Trụ Trì Thích Quảng Đạo và Thầy Thích Chúc Thành mời xuống hồ Sen nơi cổng chùa để xem hai đóa Sen đang nở. Theo lời Thầy Quảng Đạo cho biết thì một hoa Sen đã nở đúng vào ngày 8 tháng 8 vừa qua, nhân lễ húy nhật lần thứ 8 của Sư Ông Minh Tâm
Từ ngày chị dâu tôi qua đời cách đây ba năm, tinh thần anh tôi suy sụp thấy rõ. Các con của anh ở Mỹ muốn đưa anh sang Mỹ anh vẫn từ chối. Anh quyết tâm ở lại với chị đến hơi thở cuối cùng. Giờ này anh tôi đã được an vị bên cạnh mộ phần của chị dâu tôi. Và với anh, Việt Nam lúc nào cũng là quê hương. Dù sao đi nữa, Anh tôi đã toại nguyện với chị dâu tôi và sống chết với Nha Trang, với quê cha đất tổ../.
Mùa hè năm 2020 là thời điểm nghiêm trọng nhất trong đại dịch Covid toàn cầu. Cũng như hầu hết các sinh hoạt cộng đồng khác, Khoá Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm (TNSP) hằng năm của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (BĐDCTTVN) không thể thực hiện được như ba mươi mốt lần trước. Phải đợi đến mùa hè năm nay, vào hai ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật, 7-8 tháng Tám, 2021, khi tình hình dịch bệnh đã có phần thuyên giảm nhờ đa số mọi người đã được chích ngừa
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.