Hôm nay,  

Bỏ Đi Tám

05/09/202011:04:00(Xem: 4440)


 Chợ Cây Me xưa nay có tiếng sầm uất và rộn ràng nhất xứ này, dân quanh chợ làm ăn khấm khá, mỗi hôm nhóm chợ thì phải nói là rất ồn ào nhưng mà vui. Người các tổng gần xa đem đến nông sản, gia cầm: gạo, bắp, rau, hoa, củ, quả, gà, vịt, heo… ê hề, đồ ăn thức uống la liệt: chè cháo, bún, bánh, cơm…mấy cô hàng xén, hàng vải nổi tiếng xí xọn và có lẽ cũng là những cô đẹp nhất chợ, lúc nào cũng mắt xanh, môi đỏ, má hồng. 

 Sáng hôm phiên chính, chợ vốn đã ồn ào ấy vậy mà giờ còn ầm ĩ dễ sợ. Người ta bu đen bu đỏ quanh sạp chè bà Ba Bê, chỉ trỏ bàn tán. Có người cười hả hê, có kẻ tỏ vẻ thông cảm nhưng chẳng ai ra tay can gián, một số bà thì tỏ vẻ thích thú và hưng phấn. Mấy nồi chè lật đổ tứ tung nhầy nhụa, ly và chén bị xô đổ bể trên sàn sạp. Cô Mận mặt mày đỏ gay, túm tóc bà Ba Bê cắt nham nhở, miệng tru tréo:

 - Đồ đĩ ngựa, mầy dám giựt chồng người khác! Tao oánh, tao làm nhục cho chừa cái thói mèo mỡ. 

 Xởn tóc xong, cô Mận tát tới tấp vào mặt bà Ba Bê. Bà Ba Bê co quắp như con tôm, run rẩy sợ sệt van xin:

 - Tui hổng có trai gái, hổng có giựt chồng ai hết! 

 Cô Mận nghiến răng:

 - Con đĩ già mồn, đã mèo mỡ còn chối hả? 

 Mỗi tiếng hả là một cái tát nảy đom đóm, cô Mận xé áo bà Ba Bê, bà co người ôm lấy ngực, hoàn toàn tê liệt như con khỉ khi đối diện cái nhìn dữ dội của con trăn gấm, nước mắt, nước mũi lẫn máu chảy trên mặt bà Ba Bê. Cô Mận thủ sẵn muối ớt, móc ra xát vào mặt bà Ba Bê, bà rú lên đau đớn thảm thiết. Đám đông bu quanh nhiều kẻ hả hê phụ hoạ:

 - Ai biểu trai gái chi cho người ta oánh! 

 Bà Hai hàng xén tỏ vẻ thương haị:

 - Chỉ là đồn đaị, có bằng chứng chi đâu mà oánh người ta dữ vậy! 

 Nghe ồn ào, bọn bảo vệ gác chợ chạy lại nhưng cũng giả lả chứ chẳng giúp gì bà Ba Bê. Cô Mận dường như cũng mệt và hả cơn giận nên ngừng tay quay trở laị sạp của mình ngồi nghỉ nhưng miệng vẫn không ngớt xỉ vả:

 - Con đĩ già, đồ gái già mà nứng…Bày đặt trai gái. Tao oánh cho chừa cái tật già dâm, già mất nết, già mà ngựa. 

 Sạp hàng cô Mận vừa là nhà, ngay mặt tiền chợ nên thuận tiện mua bán làm ăn. Chồng cô Mận đi bộ đội, sau khi về xin vào làm ở ngân hàng huyện, vốn chẳng trình độ gì, chỉ đi học thêm bổ túc, chuyên tu… âý vậy mà giờ lên làm giám đốc luôn. Cô Mận vốn sắc sảo, giờ cậy thế chồng càng hồ đồ và dữ hơn. Bà con chợ búa xì xầm:

 - Con Mận dựa hơi chồng, làm tàng, ăn hiếp người ta! 

 Sạp chè bà Ba Bê nằm án trước sạp cô Mận nên cô Mận không ưa, đã thế chè bà Ba Bê ngon có tiếng, nào là chè hoa cau, chè bà ba, chè thưng, chè ba màu, chè đậu ván… hạt đậu mềm, bùi mà nguyên vẹn không bể nát, nước đường ngọt thanh… bởi thế khách ăn đông nghịt, mỗi phiên chợ bà Ba Bê bán cả chục nồi chè to chà bá. Cô Mận thấy thế sanh lòng đố kỵ, vẫn thường chửi bóng gió nhưng bà Ba Bê laị vô ý không hiểu và cũng không ngờ bụng dạ người ta độc đến vậy. Bà vốn người ấp Thạnh Hưng, cách chợ hai mươi cây số, mỗi phiên chợ bà phải dậy từ bốn giờ sáng để đem chè đến chợ. Bà Ba Bê trắng da dài tóc, mặt luôn ửng hồng, con mắt lúng liếng, bà thích mặc cái quần lãnh Mỹ A với cái áo bà ba hoa cà, mà phải công nhận bà mặc bộ đồ ấy trông mướt mát lắm, bà goá chồng đã lâu nhưng chẳng thấy tái giá. Trong số khách thường ăn chè của bà, ngoài mấy anh xe ôm, mấy ông buôn heo mối bỏ sỉ còn có ông Tám Mắm. Ông Tám Mắm là cha chồng cô Mận, nhà có vựa mắm lớn nhất chợ Cây Me, cả mấy anh em ông đều làm chủ vựa, chủ chành mắm cả, vì thế nên khá giàu và cái chữ mắm trở thành tên gọi luôn. Ông Tám Mắm đã bảy mươi nhưng thân thể cường tráng, hàm răng trắng nhởn laị bịt hai cái răng vàng cho sang, giọng nói sang sảng. Ông Tám Mắm nổi tiếng có máu dê, ngoài vựa mắm ông còn có mấy chục sào ruộng cặp con lộ 69. Mỗi khi ông ra ruộng, ông cởi quần để trên bờ, áo buộc ngang bụng cứ thế mà nhổ cỏ, be bờ, dặm lúa… Ông tuy giàu có nhưng chịu khó làm và làm sung sức lắm. Mỗi khi ông xuống ruộng, mấy bà đi chợ ngang qua con lộ là bỏ chạy hoặc nghiêng nón lá che mặt mà đi. Nhiều người chửi thầm:

 - Cha già dê mắc dịch! Cha già mất nết! 

 Thằng Tí, con bà Bảy bánh canh quả quyết:

 - Cu ông Tám Mắm thòng lòng như cặt ngựa.

 Thằng Ròm, thằng Mập cười ngặt nghẽo:

 - Tụi tao thấy dái ổng như dái heo nọc.

 Con Hồng, con Thắm, con Loan… đỏ mặt la oai oái:

 - Đồ vzô duyên! 

 Hổng biết nó nói tuị thằng Tí, thằng Ròm hay là nó nói ông Tám Mắm, cả đám cười toe toét chạy ra hàng bà Ba Bê ăn chè. 

 Ông Tám Mắm thích bà Ba Bê ra mặt, ngày nào cũng ăn chè, ngồi nhìn chằm chặp, có khi bắt ghế ngồi ở sạp cô Mận mà mắt ở bên sạp chè. Mấy bà tám của chợ Cây Me đồn đại:” Ông Tám Mắm cặp bà Ba Bê”.  Ông Tám Mắm thích bà Ba Bê thì ai cũng biết nhưng bà Ba Bê có tình ý với ổng hay không thì chẳng ai dám khẳng định và cũng chẳng có bằng chứng, thế nhưng miệng người đời thích thêm mắm dặm muối, từ đó chuyện lan dần khắp nơi. Cô Mận vốn ghen ghét bà Ba Bê, nay nhân cớ này ra tay oánh ghen giúp mẹ chồng cho bỏ ghét. Nhiều người vốn không ưa cô Mận hống hách nhưng sợ thế lực của nhà cô nên chỉ biết nói thầm thôi. Bà Bốn Lành nói với giọng tức tối như khóc:

 - Tội nghiệp bà Ba Bê, con Mận ghen ăn tức ở, nó cậy thế làm dữ đánh người. Nào ai có bằng chứng chi đâu. Bà Ba Bê ở xa hơn hai mươi cây số, mỗi phiên chợ bán xong là về, thời gian đâu mà trai gái, chợ búa thiên thanh bạch nhựt vậy chỗ đâu mà tòm tem? 

 Nhiều người nữa cũng tỏ vẻ bất bình nhưng không ai dám nói gì, chỉ nói thầm với nhau thôi. Họ sợ khi không laị liên lụy tới mình, nhỏ thì cô Mận thù ghét, lớn thì phải làm chứng mất công, mất thời giờ…Bà Ba Bê bị đánh oan ức, nhục nhã, sạp chè bị đập phá… vừa đau thân vừa mất của mà chẳng làm gì được. Bà Ba Bê hiền lành, laị thân cô thế cô nên đành nuốt hận, ôm nhục cắn răng mà chịu. Chị Hai Lãm hàng xén bảo:

 - Bà Ba Bê phải làm đơn thưa con Mận ra toà! Đòi nó bồi thường thiệt haị

 Có người cũng nói vậy nhưng cũng có người tỏ vẻ nghi ngờ. Bà Chín sạp gạo nói:

 - Thưa chi cho uổng công, nhằm nhò gì! Nhà ông Tám Mắm giàu có, chồng cô Mận làm cán bộ, ăn nhậu với bọn tai to mặt lớn trên huyện, đơn thưa nó quẳng sọt rác, hổng ai xử đâu, có xử cũng huề thôi. Mấy bà quên sao? Năm rồi bà Năm sạp mắm lóc kiện cáo nhưng có ăn thua gì đâu. Bả bán lẻ, lấy hàng từ vựa ông Tám, vậy mà thuế nặng hơn ông Tám. Ông Tám chi cho tụi làm thuế, quản lý hết rồi!  Tốt hơn hết là bà Ba Bê nên nhịn đi, coi như cái xui xẻo của mình, cái năm xui cái tháng hạn của mình. 

 Ông Mười Keo, chủ sạp ngũ cốc cười cười:

 - Đồng tiền đi trước đồng tiền khôn, việc gì cũng phải chi, hổng chi là hổng làm được chi hết ráo! Đồng tiền nó mạnh lắm, bởi vzậy nên người ta mới nói:” Mạnh vì gạo bạo vì tiền”. Bà Ba Bê có đi kiện cũng hổng ai xử đâu, thiệt tình mà nói thì bà Ba Bê chẳng có mèo mỡ gì với ông Tám Mắm cả, tội bà Ba Bê là bán đắt khách, laị đẹp và có sức hút hơn cô Mận, sạp bà laị nằm phía trước sạp cô Mận. Bà Ba Bê vô tình trở thành cái gai trong mắt cô Mận. Cô Mận cũng biết bà Ba Bê hiền và thân côi thế cút nên mới làm tàng, giở thói hồ đồ hung hăng hiếp đáp. Ông Tám Mắm lẹo tẹo với bà Dư ở mé phải chợ, hai người có con rơi mấy năm nay, ông Tám bỏ tiền ra mua sạp cho bà Dư làm ăn mà cô Mận có dám hó hé tiếng nào. Cô Mận biết đụng đến bà Dư không dễ, không chừng còn bị bả quật laị thì chưa biết sẽ rao sao. Bởi thế người đời nói đâu có sai:” mền nắn rắn buông”. 

 Ông Mười Keo dứt lời, hình như được thể, mấy bà nhào vô kể khổ, kể tội nhà cô Mận, nỗi uất ức chẳng biết nói làm sao giờ được dịp xổ ra hết. Bà Ba Bụng chửi:

 - Mồ tổ nhà nó, nhà nước lập quỹ giảm nghèo cho dân vay, vậy mà có ai vay được đâu. Tui đi tới đi lui mấy bận, khi thì đòi giấy này, khi thì bảo chứng giấy kia…Có người bỏ nhỏ với tui:” tới thằng Bảy mập xã hội đen mà vay, qũy giảm nghèo nó thầu hết rồi, tụi ngân hàng cho xã hội đen vay cả gói, dân vay qua xã hội đen… lời lãi tụi nó chia nhau.”lãi vay ngân hàng một thì lãi vay từ xã hội đen gấp hai mươi lần, bởi vậy làm giám đốc ngân hàng có mấy năm mà mua nhà lầu xe hơi, của chìm của nổi ai mà biết hết được! 

 bây giờ mọi người nhao nhao:

 - Ông Tám Mắm đập căn nhà ở chợ Cây Me, xây laị to lắm, nhà năm tấm luôn, lấn gần hết con rạch bên hông chợ, người mất lối đi, nước mưa mất chỗ thoát. Dân quanh chợ la ì xèo, xã tới, huyện xuống đo đạc, ngắm nghía… xong rồi ra về im ru, phong bì đã nhét vào túi thì còn nói năng gì được, thế là vụ lấn rạch chợ Cây Me chìm xuồng luôn.

 Thời gian qua mau quá, dân cư chợ giờ đông đúc lắm, thế hệ con cháu lớn lên lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái ngày càng nhiều, chợ trở nên nhỏ bé, thế là người ta đập chợ cũ để xây laị nhà lồng to lớn hơn. Con cô Mận cũng xí được mấy lô đất quanh chợ, người ta tính mỗi lô cả hai tỉ bạc chứ ít đâu. Tiếng khen cũng nhiều:” thằng nhỏ biết làm ăn” nhưng tiếng chê cũng không ít:” Nhờ có thế thần”. Sự đời cũng khó có ai biết trước phước họa như thế nào. Đang phất lên như thế, con cô Mận cảm thấy bụng đau râm ran, đi bác sĩ thì họ phát giác ra thằng nhỏ bị xơ gan giai đoạn cuối, sáu tháng sau thì nó chết. Dân chợ laị xì xầm:

 - Ăn ở ác, lấn đất lấp rạch giờ thằng con bị quả báo! 

 Chú Hai chồng cô Ngọc hàng chạp phô can gián:

 - Ai làm nấy chịu, con trai cô Mận hiền lành, chẳng can dự vào việc hiếp người, lấn đất, lấp rạch. Số mệnh cậu ta chỉ đến đấy thì phải chịu thế thôi! 

 Chẳng bao lâu thì thằng con út cô Mận cũng chết nốt, mới hai mấy tuổi đời, nó đi tắm sông và uống rượu với tụi bạn du thủ rồi trúng gió chết dưới chân cầu Cây Me. Cô Mận khóc khô nước mắt, đau khổ tưởng chừng như chết đi sống dậy. Những người ghét cô Mận và nhà ông Tám Mắm lấy làm hả hê:

 - Quả báo nhãn tiền, ăn ở ác, hiếp đáp người cô thế, lấn đất, lấp rạch… giờ con cái chết yểu! 

 Chú Hai laị phân trần:

 - Tội ai nấy gánh, phước ai nấy hưởng, mệnh ai nấy chịu. Con cô Mận bạc phước, yểu mệnh nên chết sớm, đừng đổ thừa do cổ hay ai khác. Bà con cũng đừng nặng lời với sự đau khổ của cô Mận, kẻo tội người mà họa miệng cho mình. Chuyện cô Mận làm thì cô Mận sẽ gánh hậu quả thôi! 

 Con rạch bên hông chợ Cây Me ngày nào giờ lấp hẳn làm con hẻm luôn, mái bằng năm tấm nhà ông Tám Mắm xìa ra quá nửa con hẻm, che khuất cả bóng mặt trời nên tối om ủm thủm. Người đi chợ qua laị bực bội,  xe máy chỉ lọt được từng chiếc. Mỗi ngày người sống dọc trong hẻm qua laị vẫn rủa hoài:

 - Con bà nó, giàu có mà còn tham lam lấn đất bóp nghẹt con hẻm! 

 Cô Tám Ù, nhà cuối hẻm, vốn có họ hàng với ông Tám Mắm vẫn hằn học:

 - Hổng biết lấn hẻm vậy thì nhà rộng hơn được bao nhiêu? Tính ăn đời ở kiếp trong cái nhà ấy luôn hay sao? Ngày nào tui còn qua laị con hẻm là tui còn nguyền rủa cái bọn tham lam, ăn ở ác nhân thất đức! 

 Chồng cô Tám Ù bảo:

 - Thôi đi bà ơi! hổng ai lên tiếng cả, chỉ một mình bà nói thì được gì? Bà chửi thì bà nghe chứ con Mận nó nằm trong nhà, cửa kiếng máy lạnh kín mít, nó có nghe đâu.

 Cô Tám Ù cãi:

 - Ông hổng biết hả? người ta nói:” Miệng người đời độc lắm,  bị người ta chửi thì không sớm thì muộn cũng mắc hoạ cho mà coi” 

 Chồng cô Tám cười:

 - Bà chửi, vậy thì miệng bà cũng độc rồi! thôi, bỏ đi Tám! 


HIỀN NGUYỄN 

Ất Lăng thành, 072020

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi lần đi mua quà cho ai đó, kể cả quà Giáng Sinh, tôi thường bị tẩu hoả nhập ma, có khi đi cả buổi chẳng mua được gì. Chọn quà tân gia càng khó hơn, tôi đi hết tiệm này qua tiệm khác, suy nghĩ về “gia chủ” để đoán xem họ thích quà loại nào, cuối cùng tôi cũng phải chọn một món khi trời đã quá trưa...
Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố. Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều...
Có một Ông Già Noel như thế, mang họ Nguyễn trên đất nước Hoa Kỳ này. Không rõ tôi gọi như thế có bị xem là sai phạm luật đạo gì không, vì tôi không phải tín đồ Công Giáo, nên những so sánh văn chương có thể không thích nghi với luật đạo. Nhưng, nếu gọi Ông Già Noel là người mang những món quà yêu thương tới cho những người tội nghiệp trên trần gian này, thì ông cụ họ Nguyễn đó còn mệt nhọc hơn nữa, vì trong hơn hai thập niên, ngày nào cũng là ngày để ông tặng quà yêu thương, nghĩa là, ngày nào ông cũng thấy là ngày Lễ Giáng Sinh và ông hóa thân ra thành 365 Ông Già Noel để bận rộn trọn năm (Đúng ra, nên trừ các ngày cuối tuần mới chính xác, nhưng như thế là chẳng văn chương gì cả).
Mùa Đông năm 1975 gia đình tôi dự Lễ Giáng Sinh đầu tiên trên đất Mỹ. Tôi nhớ rất rõ đêm Giáng Sinh đó, hình ảnh đó cho đến ngày hôm nay, gần 50 năm sau vẫn hiện ra rõ rệt...
Năm 1954 và 2024 là hai năm đánh dấu 70 năm ngày đất nước chia đôi, dòng sông Bến Hải đã làm biên giới giữa hai miền. Miền Bắc thuộc về Cộng Sản, miền Nam là vùng Quốc Gia tự do...
Ông già đi vào phòng ngủ. Hai cái gối ở đầu giường ngểnh cổ nhìn ông. Ông nheo mắt nhìn lại chúng nó. Hình như cái gối của ông còn nhoẻn miệng cười. Còn cái gối của vợ ông thì nheo một con mắt, cái kiểu đá lông nheo của cô gái nghịch ngợm. Ông khẽ lắc đầu. Và ông nhắm chặt hai mắt. Loay hoay một hồi, ông ra phòng khách, nhìn trước nhìn sau. Cái ti vi dán vào vách tường nhìn ông dò hỏi. Ban nãy ông đã tắt tiếng, chỉ để hình nên ông không hiểu nó muốn nói gì.
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” để chỉ một khu dân cư gồm toàn những người theo Ki Tô giáo sống chung, sinh hoạt với nhau chung một niềm tin. Xóm Đạo không nằm giữa lòng đô thị, không phố xá nhà cao cửa rộng, không có tiếng xe cộ ồn ào, không có đường lớn, không chợ búa đồ sộ bán buôn tấp nập…
Thập niên 50 thế kỷ trước, ở quê tôi không hề thấy những Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, chỉ rải rác vài chùa Phật giáo, đa số là các Thánh thất Cao Đài ở nhiều xã trong quận. Những năm học tiểu học, 1956-61, mỗi năm đi học được nghỉ lễ “Bấc” một tuần, cứ ngỡ là gió bấc...
Không hiểu sao Ông Già Noel lại đọc được tất cả thư của trẻ em trên khắp thế giới! Vậy Ông là ai? Ông có thật hay không? Nhà của Ông ở đâu? Đó là những câu hỏi quá quen thuộc mà các bé vẫn đặt ra, làm cha mẹ của các bé khó trả lời, có chăng là những câu trả lời để tránh làm các bé thất vọng...
Nhà vẫn đơn côi bên bờ sông. Gió về mở hội từng đêm. Đom đóm về thắp đèn. Ánh sáng lập lòe dọi qua cánh màn mỏng ngả màu vàng như quả dưa gang. Mẹ Thời ngồi đó trông ra, chiếc quạt để đầu giường. Bà lấy tay xua xua những con muỗi. Thằng Đắc đã viết gì về chưa con? Chưa mẹ ạ, có gì con sẽ báo. Mà mẹ cũng đừng nghĩ ngợi nữa, tuổi này ta sống thế này có phải vui không? Sau tiếng vui, Thời huýt một đoạn sáo gợi lên những ca từ dí dỏm lắm trong một bài hát, tiếng sáo đi xa tận ngõ, nghe được cả tiếng cá đớp ở con lạch cạnh bờ sân chạy vào. Mẹ Thời thở mạnh một cái, nó buồn hay vui bà đâu biết.
Trên vùng đồng bằng im lặng, những người chăn cừu bước đi một cách nghiêm trang, mang những lễ vật khiêm tốn của mình đến dâng cho Chúa Hài Đồng...
Chị Bông đã chuẩn bị sẵn hai chậu hoa Trạng Nguyên và ổ bánh Giáng Sinh đặt ở tiệm để mang đến nhà sui gia tương lai Brown. Họ trân trọng mời anh chị Bông tới dự bữa tiệc Christmas Eve dinner. Chị Bông ngắm hai chậu hoa tươi đẹp kể với chồng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.