Hôm nay,  

Chiếc Áo Len Và Cha Tôi

6/17/202015:47:00(View: 4657)


Hồi tôi đi lính, sau 9 tuần làm tân binh ở trung tâm huấn luyện Quang Trung, tôi được chuyển lên Đà Lạt. Đà Lạt với tôi chỉ là trong mơ, trong mộng, trong trí tưởng. Tôi không nhớ những năm tháng ấy (1968), tân nhạc Việt Nam đã có những bản nhạc ca tụng Đà Lạt chưa? Như "Ai Lên Xứ Hoa Đào, Đà Lạt Hoàng Hôn, Thương Về Miền Đất Lạnh?"

Nhưng trong tâm tưởng, tôi đã yêu Đà Lạt lắm rồi. Tôi cứ tưởng tượng một Đà Lạt đẹp như truyện thần tiên, một nơi khí hậu ấm áp, cây cỏ muôn hoa đua nở, đầy tiếng chim ca. Tôi nghĩ, mình sẽ là một sinh viên sĩ quan, sẽ học ở đó hai năm... rồi sẽ hết chiến tranh...Cho nên lúc tôi và cả đại đội 94 tân khóa sinh của Tiểu đoàn Nguyễn Huệ, chuẩn bị di chuyển về Đà Lạt, tôi vui lắm...Sẽ có những ngày mới chào đón tôi, ở xứ sở thần tiên này.

Dĩ nhiên, dù gì tôi cũng đã qua 9 tuần lăn lộn ở các bãi tập của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tôi cũng đã thấm đòn "lính tráng". Những sáng sớm thức dậy lúc 4, 5 giờ, ra giao thông hào chà láng, rồi đi tập bắn ở các bãi tập dành cho tân binh...Cho nên, khi máy bay quân sự đáp xuống phi trường Cam Ly, được đưa về trường để bắt đầu 9 tuần huấn nhục, dù mệt mỏi bao nhiêu, tôi nghĩ mình cũng vượt qua được.

Một điều nên nói ra đây, là tôi lên Đà Lạt vào dịp cuối năm, nên trời mùa đông rất lạnh. Chúng tôi, mỗi người được phát cho hai bộ đồ "nhái" để thay đổi. Bộ đồ "nhái" là bộ áo quần bằng nỉ thun, bận vào bó sát người, rất ấm...Nhưng chỉ có hai bộ, thay ra, đổi vô không đủ cho cả những ngày tháng dài lạnh buốt, bị huấn nhục. Lạnh quá, nhất là những đêm về khuya, chúng tôi bị phạt hành xác, nhiều khi đến 9, 10 giờ đêm mới được đi ngủ...Lúc đó thì quần áo tả tơi, xốc xếch...Và cái lạnh Đà Lạt về đêm, nhất là mùa đông thì càng quá lạnh. Tôi nhiều khi nằm trên giường, có quắp người lại, mà hàm răng run lên cầm cập...Nằm ngủ với cái lạnh như thế nên đâu có ngủ được, hình như chỉ thiếp đi từng chặp. Thức, tỉnh, tỉnh, thức...

Tôi nhớ lại, ngày còn ở dân sự, tôi có mua một chiếc áo len màu xám nhạt. Chiếc áo len dày, nên bận vào rất ấm...Đến ngày vào lính, tôi để chiếc áo len đó lại cho cha tôi. Lúc đó, sao tôi chưa thấy cha tôi có một chiếc áo len nào. Về mùa đông, có lạnh lắm thì cha bận 2 cái áo bà ba, và chiếc quần dài...Cho nên, đi lính, tôi để chiếc áo len này lại cho cha, và nói với cha, con đi lính có quân đội lo hết rồi, không cần gì cả. Con để lại cho cha chiếc áo len này, cha mặc khi mùa đông tới nghe cha. Cha tôi cười nhỏ nhẹ, không nói lời nào, nhưng chắc ông cảm động lắm. Đó là tôi nghĩ thế thôi, bởi tôi lúc đó đâu có lường được cái lạnh của Đà Lạt thế nào, và nổi cam khổ của người lính như thế nào.


Cha tôi và tôi ít nói chuyện với nhau. Lúc còn nhỏ lắm, hai, ba tuổi hay  bốn, năm tuổi gì đó, cha tôi thường hay cộ công kênh tôi trên hai vai, đi từ nhà tôi lên xóm An Phú, rồi trở xuống xóm An Lương, đi loanh quanh như vậy đến mấy vòng. Tôi được ngồi trên vai cha tôi, hai chân nhỏ bé của tôi thỏng ra phía trước, hai tay ôm lấy đầu cha. Mỗi khi có người hàng xóm quen gặp, thì họ chào ngay, chào cậu Khiêm, hai cha con đi chơi vui quá hỉ. Dù những người này không bà con thân thuộc gì với gia đình tôi, họ gặp cha mẹ tôi vẫn thường chào là cậu, mợ.

Lúc này, thời điểm tôi đi lính, là thời điểm gia đình tôi đang đi tản cư. Quê tôi không còn yên ổn nữa. Sáng quân quốc gia lên, chiều mấy ông trên núi xuống, nên đêm nào cũng nghe tiếng súng nổ đì đoàng. Cảnh quê không còn bình yên nữa, với lại cha tôi lúc này có chân trong Ban hội đồng xã, nên ông sợ, phải đưa cả gia đình xuống quận lỵ tản cư. Cha mẹ tôi mua cái nhà tranh nhỏ tại thị xã để ở. Ban ngày, có lúc bình an, thì cha mẹ tôi trở về quê, có hái được mớ rau, buồng chuối, thì đem về nấu canh hay luộc chuối ăn...Còn thường thì mẹ tôi buôn bán lẻ ngoài chợ, kiếm ăn rất vất vả.

Hoàn cảnh tản cư như thế. Cha mẹ tôi lúc ấy cũng đã già, ông bà cũng đã trên sáu mươi, nên nghèo là cái chắc...Tôi thì đang huấn luyện trong quân trường, với số lương của một sinh viên sĩ quan, cũng bèo bọt lắm, nên tôi không gởi tiền về cho cha mẹ tôi được đồng nào.


Lúc này những đêm Đà Lạt lạnh tê da, tôi phải cùng các bạn đi gác những ca 1, 2 giờ sáng...Lúc này mới thấy cái lạnh nó hãi hùng như thế nào, nhiều lúc lạnh quá, chịu không nổi, phải lấy tấm poncho (tấm choàng bằng vải nhựa dày), dành cho lính đi hành quân. Đắp tấm poncho lên người mới đở lạnh một chút. Tuy vậy, cái lạnh giữa khuya Đà Lạt vẫn là một hãi hùng với tôi từng đêm.

Tôi chợt nhớ đến cái áo len tôi đã để lại cho cha tôi, tôi biết miền trung, mùa đông cũng lạnh kinh khủng. Nhưng lúc này, cái lạnh như xé từng mảnh da tôi ra, nên tôi đã viết một thư gởi về cho cha tôi, nói cha tôi gởi lên cho tôi cái áo len đó. Và khỏang 10 ngày sau, cái áo len được bỏ vào trong một bọc nhựa đàng hoàng, cha tôi gởi cho tôi chiếc áo len theo đường bưu điện.


Dĩ nhiên lúc đó tôi cũng chẳng băn khoăn gì, vì cái áo len của tôi cho cha, mà quá lạnh, nên tôi xin lại cũng là chuyện thường. Nhưng sau này, nghĩ lại, tôi mới thấy tôi thật vô tình, trong lúc tôi còn tuổi trẻ, lúc đó chỉ khoảng hai mốt, hai hai, sức trai ngồn ngộn, thế mà không chịu lạnh được, phải "giành" chiếc áo của một ông già trên sáu mươi. Mà người đó là cha tôi nữa chứ.

 

*

Tôi sống lơ ngơ với tuổi trẻ của mình. Hình như những năm ở quân trường tôi viết thư về "em" nhiều hơn viết thư về cho cha mẹ. Viết về cha mẹ chỉ có mấy dòng, cha mẹ khỏe không? ở quê mình có bình yên không? Rồi tôi bí tịt. Trong lúc viết cho em thì hoa lá cành đủ mọi thứ, trời trăng mây nước thế nào cũng kể ra. Trong hơn hai năm, tôi đã viết cho em bao nhiêu bức thư tình. Để thấy rằng, cha mẹ đối với tôi như một tình yêu lặn sâu trong tâm thức mà thôi, chứ không lộ ra ngoài.


Tôi về phép lần thứ nhất của năm đầu, tôi lại gặp cha. Cha tôi đã già hơn xưa, vẫn bộ đồ bà ba trắng, chiếc xe đạp sườn cao, ghi đông chữ U, đi về trên đoạn đường Quán Rường - Tam Kỳ, ngày ngày lên xuống. Về quê để thăm nom khu vườn cũ, rồi sẳn tìm buồng chuối, trái mít hay mớ rau, đem về nhà ăn, thêm vào số tiền lời mẹ tôi đi bán thuốc "rê" ngoài chợ. Thời chiến tranh, cha mẹ tôi "hủ hỉ" bên nhau như vậy, trong lúc tôi và anh tôi "đi lính miền xa".

Tôi về phép năm đó, về ở với cha mẹ thì ít mà đi chơi với em thì nhiều. Cha tôi buổi tối thường đọc sách hay nghe đài với chiếc radio ấp chiến lược. Trong lần về phép này, buổi tối, tôi thường ngủ chung với cha trên chiếc chỏng tre rộng. Nằm ôm cha tôi mà ngủ, tôi thấy bình yên quá. Coi như quên hết những hệ lụy. Tôi mơ một ngày hòa bình, được làm một nghề nào đó như đi dạy học, bình yên sống gần cha mẹ thì vui bao nhiêu. Nhưng thời đại chiến tranh làm sao mình sống cho mình được.


Xong 15 ngày phép, tôi trở lại Đà Lạt, tiếp tục làm một sinh viên sĩ quan hiện dịch. Chữ "hiện dịch", sao lúc đó tôi thấy hay quá, và ngầm hãnh diện nữa. Tôi đã bỏ cha mẹ già sau lưng.

 

*

Đến kỳ nghỉ phép lần thứ hai, tôi lại trở về cùng cha mẹ và em. Cha tôi tuy ốm người nhưng tôi thấy vẫn mạnh khỏe, vẫn vui vẻ đón tôi với nụ cười hiền hậu. Tôi không nhớ rõ là tôi có quà mua gì để tặng cha (mẹ) tôi không, tôi nhớ là không, hay nếu có cũng ít lắm...Chắc cũng chỉ mấy gói trà Blao là cùng. Cha mẹ tôi đón tôi về phép với bao mừng vui...


Tuần lễ đầu cha tôi còn rất khỏe. Mẹ tôi có làm một mâm cơm cúng ông bà, gia tiên. Có con gà luộc, đĩa xôi, cơm trắng, cá kho, canh...Cha mẹ có mời thêm chú Tiến, người em họ cha tôi, nhưng rất thân với cha tôi, đến dự. Đi tản cư, sống trong cảnh nghèo cực, cha tôi đã mất hết bạn bè quê kiểng, những chú bác bạn cùng quê cũng lo chạy gạo hằng bữa, nên ít gặp nhau.

Hôm đó, cha tôi và chú Tiến uống rượu với nhau. Hai người nói chuyện rất tâm đắc...Rồi tự nhiên cha tôi khóc. Đây là lần đầu tiên tôi thấy nước mắt cha tôi chảy trên khóe mắt. Nhưng tôi quá vô tình, chỉ thấy và biết thế thôi, chứ không hỏi tại sao cha tôi khóc...Có một dự báo hay nổi buồn gì đó khiến cha tôi buồn quá mà khóc...Tôi vô tư nên không chia xẻ được chút nào.


Thế mà mấy hôm sau cha tôi đổ bịnh, ông bị đau bụng nhói người, khiến gia đình phải đưa ông đi nhà thương. Vào bịnh viện, bác sĩ khám, xét nghiệm, xong tươi cười nói với mẹ, chị hai và tôi:

- Bác chỉ đau bụng thường thôi. Chúng tôi sẽ cố gắng chửa khỏi cho bác để bác sớm về nhà ăn Tết.

Nghe vậy, tôi vui mừng xiết bao.

Nhưng sự vui mừng đó không được bao lâu, khoảng 7 ngày sau bịnh tình cha tôi trở nặng. Và một người bác sĩ khác đến thông báo với chúng tôi:

- Xin chia buồn cùng anh và gia đình. Chúng tôi đã cố gắng chửa trị, nhưng... Gia đình nên đem bác về nhà, nếu không muốn bác mất tại đây.


Đêm đó, bệnh viện cho một chiếc xe đưa cha tôi về nhà. Tôi thức suốt đêm canh cha tôi trên giường bệnh. Cha tôi đã mê mệt lắm rồi. Đến khoảng đâu 4 giờ sáng, cha tôi quờ quạng cầm tay tôi, nói lắp bắp câu gì đó không nghe rõ. Tôi kêu mẹ tôi và chị hai tôi đến gần. Mẹ, chị hai, và tôi đến bên cha, cầm tay cha, hỏi cha có nói gì không, như một lời trăn trối. Nhưng cha tôi không nói gì chỉ lắp bắp trong miệng, rồi cha tôi lịm đi. Tôi rờ ngực cha thấy tim không còn đập nữa. Hơi thở cũng không còn. Tôi, mẹ tôi và chị hai tôi òa lên khóc. Tôi biết tôi mất cha từ đây, ngày hai ba tháng chạp, một ngày cùng ngày đưa ông táo về trời. Ngày này tôi không bao giờ quên.

Chiếc áo len màu xám tôi nhận được từ cha tôi gởi qua bưu điện lên Đà Lạt cho tôi, tôi cũng đã bỏ từ lâu. Sau này nghĩ lại, tôi thấy tôi thật vô tư, vô tình quá. Sao lúc đó tôi không để chiếc áo len đó cho cha mặc, để tránh đi cái rét mùa đông miền trung giá buốt. Điều này làm tôi ray rứt, ân hận mãi.

Thông thường, cái lẽ của đời sống là "nước mắt chảy xuôi". Tôi cũng đành vịn vào câu "nước mắt chảy xuôi" để bào chữa cho cái vô tâm, vô tình của mình thuở đó.

Cha tôi mất đến nay là 49 năm.

Thơi gian trôi qua lẹ thiệt.

 


Trần Yên Hòa

(Viết cho ngày của cha, 21-06, 2020)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Mẹ tôi kể rằng ngày mẹ tôi còn thơ ấu, ở tận miền quê xa xôi, huyện Đông Anh hay Đông An gì đó thuộc tỉnh Thái Bình của bà, có một cây nhãn cổ thụ, cành lá sum suê râm mát, cây nhãn ngự trị nguyên một góc vườn lớn, độc lập, thoải mái, không chung đụng với một cây nào khác...
Tháng ba lại về, mùa xuân đang ngấp nghé bên thềm. Tuần trước những nụ hoa đào còn bé như hạt tiêu, ấy vậy mà giờ này lớn bằng đầu ngón út, những nụ hoa chi chít trên cành, có một số đã nở sớm phơn phớt sắc hồng trong nắng vàng ban mai dưới bầu trời xanh biếc...
Anh Bông vừa ung dung nhâm nhi ly cà phê buổi sáng nơi chiếc bàn ăn gần cửa sổ vừa ngắm mây trời trong xanh và cành hoa mới nở rung rinh trong gió ngoài vườn sau, thấy bóng vợ thấp thoáng từ phòng ngủ bước ra anh Bông lên tiếng:
Cô bé tên là Anna, cô vừa là chị cả vừa là mẹ của tôi. Trên tấm hình này, cô bé lên mười hai tuổi. Còn tôi là con bé mặc áo đầm nhung có hai dây đeo, tôi bám theo cô ấy giống như bám vào phao cứu đắm...
Trong lúc mọi chuyện tưởng đang tốt đẹp thì chúng tôi bỗng nhận được một cái tin đáng sợ. Đó là vụ anh Kha được thăm nuôi hai lần trong một ngày bị phát giác. Số là anh Kha được người nhà của linh mục Hương đến thăm vào buổi sáng. Vì quà thăm khá lớn nên cán bộ khám đường lưu ý nhớ kỹ...
Hồi tôi học lớp bảy, trường có phong trào làm báo tường mừng Xuân. Vì lớp không có ban Báo Chí nên tên lớp trưởng kiêm hết mọi chuyện, kêu gọi, gom bài. Hắn gặp tôi tại sân trường cuối giờ hôm đó...
Tin Ngọc Hoài Phương ra đi không bao giờ trở lại đã nhắc tôi nhớ lại những tháng năm hai đứa làm báo với nhau tại Sàigòn trước 1975. Thuở ấy trên khúc đường Gia Long, giữa Nguyễn An Ninh và Ngã Sáu Sài Gòn, có ba Tòa soạn báo Thời Luận, báo Tiếng Chuông và báo Dân Chủ có mặt từ thời Đệ I Việt Nam Cộng Hòa...
Cuối tháng 2 năm nay, 2023, chỉ trong vòng hai ngày, tôi đã mất đi hai người bạn cùng sinh năm 1941: Nguyễn Ngọc Kiểm, bút danh Ngọc Hoài Phương, & Bùi Hồng Sĩ...
Đất trời vào xuân, Hoa Châu mở hội chợ phù hoa. Người trong thiên hạ dập dìu trẩy hội, thôi thì khỏi phải nói, nam thanh nữ tú vờn nhau liếc mắt đưa tình, áo quần phới phới sắc xuân, những cụ ông cụ bà cũng móm mén cười hoan hỷ, đàn em thơ như những con sơn ca tíu tít vào đời...Thành Ất Lăng năm nào cũng thế, cứ mỗi độ xuân về là rực rỡ cờ giăng phướn thượng, đèn hoa khắp chốn, năm nay hội chợ có cả trăm gian hàng rộn ràng tấp nập, nào là hô lô tô, bầu cua cá cọp, thảy vòng, ném banh… nhiều nhất vẫn là những gian hàng giới thiệu sản phẩm của giới doanh gia nghiệp chủ, mặc dù không nói ra nhưng ai ai cũng cảm nhận được quyền lực chi phối của bọn họ, thật tình mà nói, cũng nhờ sự tài trợ của họ mới có thể tổ chức được hội chợ xuân...
Chị Bông hấp tấp lái xe đến văn phòng bác sĩ. Cái hẹn 4 giờ chiều nay vậy mà 4 giờ chị mới nhớ ra. Từ nhà đến phòng khám cũng mất 20 phút. Cũng may chị sẽ đi trên những con đường nhỏ vắng xe trước khi ra tới đường lớn để đến phòng bác sĩ nên chị Bông có thể chạy nhanh theo ý muốn. Chị Bông đang chạy tốc độ nhanh trên con đường Carter hai bên là khu apartment thì bỗng đâu một con chó con từ bên này đường phóng qua bên kia đường khi chiếc xe của chị vừa đến gần, chị tức tốc thắng lại ngay, chiếc xe đang đà nhanh bị đột ngột dừng lại làm chị Bông như muốn tung người ra khỏi dây seatbelt. Thế mà dường như vẫn không kịp...
Nhưng đến khi chiến cuộc miền Nam trở nên sôi động thì hai bên mất hẳn liên lạc. Vào năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ông Đ. hành đạo ở xứ đạo Phước Tỉnh, một xã đánh cá rất giàu có ở Bà Rịa...
Ô! Đây không phải là Chuyện Ba Người của nhạc sĩ Quốc Dũng. Chuyện ba người của nhạc sĩ có những khúc mắc khó gỡ, có những tình huống khó xử. Hai người vui biết bao nhiêu/ Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.