Thư tòa soạn số 155 (tháng 10.2024)
Chúng ta có cuộc sống khác nhau trên những giai tầng xã hội, cung bậc tình cảm, cảnh giới tâm linh. Danh vọng hay vô danh, chức quyền hay thường dân, sung túc hay đói nghèo, khỏe mạnh hay yếu đuối... cũng có thể trắng tay, đoản mạng, đói khát, hãi hùng dưới sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai.
Cuộc sống không đơn giản như bộ hành trên con đường bằng phẳng hướng về tương lai — với những mộng ước hay lý tưởng được hướng dẫn bởi kẻ khác, hoặc được vẽ ra từ một sự va chạm thực tế nào đó trong quá khứ. Đường đời không bao giờ bằng phẳng. Mộng ước cũng không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực một cách dễ dàng. Sống là để trả giá, một cách thuận lợi hay nghịch thường, cho những gì chúng ta tư tưởng, nói năng và hành động từ quá khứ, đến hiện tại và tương lai.
Cuộc sống muôn màu mà mỗi người chúng ta có một định mệnh (hay nghiệp dĩ) với một màu hay nhiều màu khác nhau, không ai giống ai, nhưng tất cả đều sẽ chấm dứt ở một thời điểm và một nơi chốn nào đó. Không có cuộc sống trường cửu. Vì vậy, về mặt thể tính, chúng ta được sinh ra trên cuộc đời này một cách bình đẳng.
Nếu sinh bình đẳng thì tử cũng bình đẳng.
Cuối cùng của sinh chính là tử. Đó là nói sinh-tử trong giới hạn của cuộc sống, trong thọ mạng của một đời người. Đơn giản như từ điểm A (khởi đầu) đến điểm B (kết thúc). Mà kỳ thực, từ sinh đến tử là một chuỗi biến chuyển, vô thường, như dòng nước chảy: hàng triệu giọt nước tạo thành dòng nước, trong đó, những giọt nước không thể tách rời, chẳng giọt nước nào là đầu tiên hay cuối cùng; chẳng giọt nước nào là chính hay phụ. Tất cả cùng tụ lại, cùng sinh, và cùng diệt. Không có cái trường sinh, không có cái bất tử.
Khi dòng nước lớn (thủy đại) vượt trào, nó tàn phá, hủy diệt tất cả những nơi nào nó đi qua. Những biệt thự cao sang hay những túp lều tranh nhỏ. Những cây cầu vững chắc hay những cầu tre lỏng lẻo. Những ngôi mộ to lớn trong nghĩa trang với tường rào vây quanh hay những ngôi mộ lấp đất sơ sài. Những con người mạnh khỏe hay ốm đau. Đàn ông hay đàn bà. Người già hay em bé... Tất cả đều bị cuốn trôi đi, một cách bình đẳng.
Quán niệm sâu xa về cuộc sinh và cuộc tử như vậy để khởi phát lòng từ bi, xót thương tất cả. Sinh-tử bình đẳng thì lòng từ bi cũng bình đẳng. Lòng từ bi bình đẳng thì thực hành việc cứu khổ, ban vui cũng bình đẳng.
Bồ-đề nguyện, bồ-đề hành (*) thường bắt đầu từ sự trải nghiệm hay đồng cảm với nỗi thống khổ của thế gian.
Vì nỗi khổ lớn của chúng sinh, vì lợi ích an lạc cho số đông, hành giả lên đường.
California, ngày 23 tháng 9 năm 2024
Vĩnh Hảo
www.vinhhao.info
_____________
(*) Bồ-đề nguyện (hay Bồ-tát nguyện) là tâm nguyện, ước vọng đạt đến cứu cánh giải thoát để cứu khổ cho tất cả chúng sinh. Bồ-đề hành (hay Bồ-tát hành) là con đường thực nghiệm ước vọng ấy.
CHÁNH PHÁP Số 155, tháng 10.2024
NỘI DUNG SỐ NÀY:
· THƯ TÒA SOẠN, trang 2
· TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3
· NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA CÁC HỌC GIẢ ANH QUỐC CHO NỀN PHẬT GIÁO ÂU-MỸ (HT. Thích Trí Chơn), trang 7
· TRUNG QUÁN VÀ VẤN ĐỀ THỰC THỂ (Tuệ Sỹ), trang 9
· BÁT PHONG: TÁM NGỌN GIÓ THỔI (thơ Vĩnh Hữu Tâm Không), trang 12
· GIÁO DỤC NGƯỢC DÒNG NƯỚC XOÁY (Nguyên Siêu), trang 13
· TỰ HỌA, CŨNG QUA, BIẾT ƠN (thơ Hoàng Long), trang 16
· PHÁP TU SOI GƯƠNG (Quảng Tánh), trang 17
· KHÓA TU TUỔI TRẺ & ĐẠO ĐỨC LẦN II... (Thích Chúc Đại), trang 18
· VÔ NGÔN THỐNG THIẾT... (thơ Đồng Thiện), trang 20
· BỒ-TÁT ĐẠO (Thích Nhuận Châu dịch), trang 21
· NHẬP ĐỊNH (thơ Phổ Đồng), trang 23
· BHAGAVAGITA: VÀI ĐẶC ĐIỂM ĐẠO ĐỨC TRONG SỰ SO SÁNH VỚI PHẬT GIÁO (Thích Nguyên Hiệp), trang 26
· ĐỜI... LÁ VÀNG (thơ Lê Đình Cát), trang 29
· ĐI KHÔNG RỒI LẠI VỀ KHÔNG (thơ TM Ngô Tằng Giao), trang 30
· TÌNH LAM TRONG SÁNG (Nhóm Áo Lam), tr. 31
· SEN MIỀN TỊNH ĐỘ (thơ Tịnh Bình), trang 32
· THÔNG TƯ V/V CỨU TRỢ CHO ĐỒNG BÀO BỊ BÃO, LŨ MIỀN BẮC (TKN TN Nguyên Thiện), tr. 33
· STORY OF THIRTY BHIKKHUS (Daw Tin), trang 34
· ĐỨC PHẬT DẠY VÔ TÂM LÀ ĐẠO (Nguyên Giác), trang 39
· KHI ĐẤT HOANG VU CHUYỂN THÀNH LINH ĐỊA (Huệ Trân), trang 42
· NHIỄU NHƯƠNG (thơ Thanh Nguyễn), trang 43
· CƯ SĨ THỰC HÀNH PHẬT PHÁP (Đạo Sinh), trang 44
· PHẬT SỰ (Tâm Huy – Huỳnh Kim Quang), trang 47
· 6 BÀI HAIKU [27 – 32] (thơ Pháp Hoan), trang 48
· TRUYỆN CỰC NGẮN (Steven N), trang 49
· TÂM SỰ MÙA ĐÔNG (Thích Nữ Vạn Hiếu) trang 51
· NẤU CHAY: CẢI BẸ TRẮNG XÀO NẤM ĐÔNG CÔ (Hồng Hương), trang 54
· LỄ HÚY KỴ GIÁC LINH SƯ TRƯỞNG HẢI TRIỀU ÂM (TN Viên An), trang 55
· CHÁNH NIỆM TRONG ĐỘNG (Tiểu Lục Thần Phong), trang 57
· THU VẮNG, DẠ KHÚC THU... (thơ Minh Đạo), trang 58
· ĐẦU THU XIN CHÍCH NGỪA FLU (Bs. Nguyễn Ý Đức), trang 59
· XIN LÀM SEN NỞ, LẠC BƯỚC (thơ Diệu Viên), tr. 60
· CỞI TRÓI tập 1 – chương 12 (truyện dài Vĩnh Hảo), tr. 61
· TẬP BUÔNG BỎ (thơ Lưu Lãng Khách) trang 67
· MỘT CHỒNG HAI VỢ (Truyện cổ Phật Giáo), tr. 68
https://chanhphap.us/CHANH%20PHAP%20BO%20MOI/Muc%20luc%202024/CP%20so%20155%20(10.24).htm