
Sáng ngày 6 tháng 2 năm 2023, một trận động đất rất lớn đã xảy ra ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria, khiến hàng ngàn người thiệt mạng và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng. (Nguồn:YouTube
Sáng sớm ngày 6 tháng 2 năm 2023, một trận động đất rất lớn đã xảy ra ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria. Theo dữ liệu từ máy đo địa chấn, trận động đất có cường độ tới 7.8 độ trên thang đo đô với mức cao nhất là 10. Các cảm biến trên khắp thế giới đã ghi nhận được những cơn sóng địa chấn, kể cả những nơi xa xôi như Anh.
Trận động đất này thực sự lớn.
Sự rung chuyển do năng lượng truyền ra ngoài từ nguồn, hay tâm chấn, đã gây ra hậu quả khủng khiếp cho người dân sống gần đó. Nhiều tòa nhà sụp đổ, hàng ngàn người dân của cả 2 quốc gia thiệt mạng, cùng với đó là các đường ống dẫn khí đốt bị hư hỏng, dẫn đến nhiều vụ hỏa hoạn.
Một trận động đất lớn thứ hai mạnh 7.5 độ cũng xảy ra ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng giữa trưa.
Tại sao khu vực này lại xảy ra động đất?
Lớp vỏ Trái đất bao gồm tám mảng lục địa lớn (tectonic plate), và một số mảng lục địa nhỏ. Những mảng này chuyển động liên tục và di chuyển chậm theo các hướng khác nhau.
Khu vực này của Thổ Nhĩ Kỳ dễ xảy ra động đất vì nó nằm ở giao điểm của ba mảng: mảng Anatolia, mảng Ả Rập và mảng Châu Phi. Mảng Ả Rập đang di chuyển về phía bắc tiến vào Châu Âu, khiến cho mảng Anatolia (đất nước Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng này) bị đẩy ra phía tây.
Các mảng di chuyển và gặp nhau ở các đường đứt gãy (fault zone) một cách từ từ. Nhưng một khi đủ căng thẳng, chúng có thể lướt qua nhau nhanh chóng, giải phóng một lượng lớn năng lượng. Chính sự giải phóng áp lực đột ngột này đã gây ra động đất và làm rung chuyển mặt đất.
Trận động đất vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã xảy ra trên một trong những đường đứt gãy lớn, chỗ ranh giới giữa các mảng Anatolia và mảng Ả Rập: hoặc là đường đứt gãy East Anatolian hoặc là đường đứt gãy Dead Sea Transform. Cả hai đều là “đứt gãy trượt” (strike-slip faults), nghĩa là chúng hỗ trợ một số chuyển động cho các mảng khi chúng di chuyển qua nhau.
‘Lớn hơn đáng kể’ so với các trận động đất trước đây
Mặc dù khu vực này có nhiều trận động đất hàng năm do chuyển động liên tục của các mảng kiến tạo gây ra, trận động đất vừa qua đặc biệt lớn và có sức tàn phá dữ dội do có quá nhiều năng lượng được giải phóng. Theo Cơ quan United States Geological Survey (USGS), kể từ năm 1970, chỉ có ba trận động đất lớn hơn 6 độ xảy ra trong phạm vi 250 km tính từ địa điểm này. Với cường độ 7.8 độ, trận động đất ngày 6 tháng 2 lớn hơn đáng kể so với những trận động đất từng xảy ra ở khu vực này trước đây. Nó giải phóng năng lượng nhiều gấp đôi trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận trong khu vực trước đó (cường độ 7.4 độ).
Các nhà địa chấn học hiện đại sử dụng Thang độ lớn mô-men (moment magnitude scale) để đo đạc lượng năng lượng mà một trận động đất phát ra (thang đo độ Richter đã lỗi thời, nhưng nhiều khi vẫn được trích dẫn sai trong các tin tức). Thang đo này là phi tuyến tính: mỗi nấc cách nhau thể hiện cho năng lượng được giải phóng nhiều hơn 32 lần. Điều đó có nghĩa là một trận động đất mạnh 7.8 độ giải phóng năng lượng gấp khoảng 16,000 lần so với các trận động đất mạnh 5 độ thường xảy ra trong khu vực.
Chúng ta thường sẽ nghĩ rằng năng lượng động đất đến từ một vị trí duy nhất, hay tâm chấn, nhưng thực ra chúng được tạo ra bởi sự chuyển động dọc theo một khu vực của đới đứt gãy. Trận động đất càng lớn thì diện tích đới đứt gãy chuyển động càng rộng. Với trận động đất có cường độ 7.8 này, có khả năng chuyển động xảy ra trên một khu vực dài khoảng 190 km và rộng khoảng 25 km. Điều này có nghĩa là cả một khu vực rất rộng sẽ cảm nhận được những rung lắc.
Ước tính khoảng 610,000 người ở khu vực xung quanh, cách khoảng 80 km về phía đông bắc dọc theo ranh giới mảng kiến tạo, cảm nhận được những rung lắc mạnh đến dữ dội (đủ để gây ra thiệt hại đáng kể về tài sản). Rung lắc nhẹ có thể cảm nhận được ở xa như thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul (cách khoảng 815 km), hay như Baghdad ở Iraq (800 km) và Cairo ở Ai Cập (950 km).
Còn các dư chấn thì sao?
Sau những trận động đất lớn sẽ có nhiều trận động đất nhỏ hơn, được gọi là cơn dư chấn, vì lớp vỏ sẽ điều chỉnh lại những thay đổi về áp lực. Các cơn dư chấn có thể xảy ra liên tục trong nhiều ngày đến nhiều năm sau trận động đất ban đầu. Trong 12 tiếng đầu tiên sau trận động đất ban đầu ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã có ba trận động đất khác mạnh trên 6 độ. Cơn dư chấn đầu tiên mạnh 6.7 độ, xảy ra chỉ 11 phút sau trận động đất ban đầu. Có hàng trăm cơn dư chấn có cường độ nhỏ hơn.
Cơn dư chấn thứ hai có cường độ 7.5, xảy ra xa hơn về phía bắc trên một hệ thống đới đứt gãy khác nhưng liền kề: đới đứt gãy Sürgü. Về mặt kỹ thuật, cơn dư chấn này đủ mạnh để được coi là một trận động đất riêng biệt, dù có thể nó được kích hoạt bởi trận động đất đầu tiên và sẽ tạo ra một loạt dư chấn riêng.
Mặc dù các cơn dư chấn thường nhỏ hơn đáng kể so với trận động đất chính, nhưng chúng có thể gây ra những hậu quả tàn khốc không kém, phá hoại thêm nhiều cơ sở hạ tầng vốn đã bị hư hại trong trận động đất đầu tiên và cản trở các nỗ lực cứu hộ.
Cư dân ở khu vực này vẫn còn gánh chịu hậu quả của những trận động đất lớn. Chỉ có thể hy vọng rằng viện trợ quốc tế sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria càng sớm càng tốt để giúp đỡ các nỗ lực cứu hộ trong tình hình các cơn dư chấn đang ngập tràn.