Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu (European Council) Charles Michel sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 1 tháng 12, chuyến thăm mới nhất của các nhà lãnh đạo phương Tây để đi gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Năm nay là năm mà ông Tập đã củng cố vị trí là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của đất nước kể từ thời Mao Trạch Đông.
Đầu năm 2022, ông Tập đã gặp hơn 20 nhà lãnh đạo chính phủ tại Thế Vận Hội Bắc Kinh, nhưng hầu hết những người này không đại diện cho các nền dân chủ. Chuyến thăm của ông Michel, một chính trị gia cấp cao của Châu Âu, sẽ tập trung sự chú ý của dư luận vào thái độ của phương Tây đối với lập trường địa lý chính trị ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Và nó cũng có khả năng nêu bật lên sự chia rẽ sâu sắc ở phương Tây trong cách ứng phó với Bắc Kinh.
Sự chia rẽ đầu tiên là ở bên kia đại dương. Đúng là giọng điệu của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có phần hòa hoãn hơn trong cuộc gặp gần đây với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia. Nhưng nhìn chung, cách tiếp cận với Trung Quốc mà Washington đang áp dụng mang tính diều hâu hơn nhiều so với các thành viên lớn của EU, đặc biệt là Pháp và Đức.
Chiến lược an ninh quốc gia mới nhất của Hoa Kỳ, được công bố vào cuối tháng 10, mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó.” Điều này khiến cho việc “duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài và bền vững trước CHND Trung Hoa” trở thành một ưu tiên của Hoa Kỳ.
Ngược lại, Josep Borrell, đại diện đối ngoại của EU, khi phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu vào ngày 22 tháng 11, đã tuyên bố rằng EU nhấn mạnh hợp tác với Trung Quốc. Lưu ý đến những khác biệt với Trung Quốc – kể cả về dân chủ, nhân quyền và chủ nghĩa đa phương – Borrell cũng có nói rằng: “Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán và lòng ganh đua ngày càng gay gắt.” Nhưng điều quan trọng là ông đã kết thúc bài phát biểu của mình bằng câu nói: “Hoa Kỳ là đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi, nhưng trong một số trường hợp, chúng ta sẽ không ở cùng một vị trí hoặc có cùng một cách tiếp cận đối với Trung Quốc.”
Trong khi Hoa Kỳ bắt đầu gia tăng áp lực lên các đồng minh EU để thắt chặt liên kết với đường lối cứng rắn dành cho Trung Quốc, thì Châu Âu đã lùi bước. Hà Lan đã có những lo ngại đối với các hạn chế xuất cảng mới Hoa Kỳ đặt ra cho Trung Quốc. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, sẽ gặp ông Biden tại Washington vào ngày 1 tháng 12, dự kiến sẽ bàn về quan hệ EU-Trung Quốc trong các cuộc thảo luận.
Và có lẽ quan trọng nhất là, trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây của thủ tướng Đức Olaf Scholz, vấn đề hợp tác kinh tế được nhấn mạnh nhiều hơn là cạnh tranh chính trị.
Châu Âu có còn đồng lòng?
Không đơn giản như học sinh tiểu học, giận nhau thì lấy phấn kẻ một đường trên bàn học phân chia ‘ranh giới’ là xong. Sẽ khó mà có thể ‘kẻ một đường’ để phân chia rõ ràng với bên kia đại dương. Trong EU, có những khác biệt rõ ràng về cách tiếp cận Trung Quốc, và rất khó để vượt qua. Ví dụ: Thỏa thuận EU-China Comprehensive Agreement on Investment, được ký kết vào tháng 12 năm 2020 với rất nhiều phản đối và chỉ trích mà vẫn được chuẩn thuận.
Litva, một trong những thành viên nhỏ nhất của EU, đã cho phép Đài Loan mở văn phòng thương mại tại thủ đô Vilnius, sử dụng cái tên Taiwan thay vì tên thủ đô Taipei. Điều này đã gây ra bất mãn không nhỏ cho Trung Quốc, vì họ coi đây là sự từ chối chính sách Một Trung Hoa. Nó cũng đặt EU vào một tình thế khó xử, ủng hộ một trong các quốc gia thành viên của mình hay duy trì chính sách tuyên bố từ lâu là công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Scholz cũng làm dấy lên tranh cãi. Một số nhà lãnh đạo đã bày tỏ lo ngại rằng Đức có thể sẽ có các thỏa thuận riêng với Trung Quốc, làm suy yếu sự ‘đồng lòng’ của EU. Hơn nữa, ông Scholz còn từ chối ‘lời rủ rê’ đi Trung Quốc chung của ông Macron, báo hiệu sự thống nhất của EU đã bị rạn nứt.
Lục đục nội bộ
Sự chia rẽ thứ ba tồn tại trong các quốc gia nơi các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp thường mâu thuẫn với nhau và với cách tiếp cận đối với Trung Quốc.
Lấy ví dụ về Anh. Trong một bài phát biểu tại Lord Mayor’s Banquet ở London – một địa điểm truyền thống nơi các nhà lãnh đạo Anh đưa ra các ưu tiên trong chính sách đối ngoại – thủ tướng đương nhiệm của Anh là Rishi Sunak, đã ủng hộ cách tiếp cận “thực dụng thẳng tay” đối với Trung Quốc. Cách tiếp cận này tìm cách tạo ra sự cân bằng giữa những người theo đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc trong chính đảng của ông, và lợi ích của nhiều công ty đang làm ăn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, quyết định mới đây, cấm sử dụng camera Trung Quốc trong các hệ thống giám sát, cho thấy rằng hiện tại phe diều hâu đang thắng thế ở Anh.
Những tranh luận tương tự cũng đang diễn ra ở Đức. Chính phủ muốn ra các quy định mới đối với các công ty tư nhân đang làm ăn với Trung Quốc nhằm khuyến khích họ tìm kiếm thị trường ở nơi khác và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đáp lại, giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe hơi Đức Mercedes-Benz, Ola Källenius, cho biết việc rút toàn bộ khỏi thị trường Trung Quốc là “khỏi phải nghĩ tới.”
Volkswagen và BMW, cũng như gã khổng lồ hóa chất BASF, đều có lập trường tương tự. Các công ty này cùng với Mercedes chiếm hơn một phần ba tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Châu Âu vào Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2021.
Chính phủ liên minh của Đức cũng không thống nhất về vấn đề Trung Quốc. Đảng Xanh, nắm giữ cả các vấn đề kinh tế và đối ngoại trong nội các của Thủ tướng Scholz, đặc biệt miễn cưỡng hơn nhiều trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Trước áp lực của Hoa Kỳ và các báo cáo tình báo về khả năng lật đổ của Trung Quốc, Đảng Xanh gần đây đã đưa ra một số lập luận quan trọng để chiếm lợi thế trong tranh luận. Điều này đã dẫn đến việc chính phủ Đức cấm nguồn đầu tư của Trung Quốc rót vào hai nhà sản xuất chip, và giảm cổ phần của Trung Quốc tại cảng Hamburg.
Đằng sau mớ bòng bong
Trong tình hình đó, chuyến đi của ông Michel sẽ không có khả năng dẫn đến bất kỳ thay đổi cơ bản nào trong quan hệ EU-Trung Quốc. Mẫu số chung thấp nhất giữa hai đại gia kinh tế vẫn là sự ổn định trong quan hệ thương mại.
Điều này quan trọng đối với cả Trung Quốc cũng như EU, không bên nào có thể chịu thêm những cú sốc đối với nền kinh tế đầy bất ổn trong nước và toàn cầu. Họ họ cũng không thể từ bỏ nỗ lực tìm ra cách tiếp cận những vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu và chiến tranh ở Ukraine và những tác động của nó đối với giá cả lương thực và năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu về kinh tế hiện nay không thể che lấp mãi mãi những khác biệt chính trị cơ bản giữa EU và Trung Quốc. Cuối cùng thì Brussels cũng sẽ phải đối mặt với Trung Quốc, bất kể họ có ưng ý mối quan hệ kinh doanh bình thường với Bắc Kinh đến mức nào đi nữa.
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Western leaders are divided over the future of relations with China” của Stefan Wolff, Giáo sư về An ninh Quốc tế, Trường Birmingham, được đăng trên trang TheConversation.