Hôm nay,  

Cờ Bạc Ngày Tết

20/03/201700:05:00(Xem: 9688)

baucuacacopBầu Cua Cá Cọp


Tháng Giêng ăn Tết ở nhà...


Tết là một dịp để gia đình đoàn tụ, để nhớ bậc trưởng thượng đã khuất bằng những bữa cúng. Tết là ăn uống thỏa thích cho bõ những ngày cơ cực của năm cũ. Tết là pháo, là câu đối, là bánh chưng, dưa hành, nhưng còn một điều không thể thiếu trong mấy ngày Tết - là cờ bạc.

Dưới thời Pháp thuộc ngày xưa, nước ta bị chia ra làm ba kỳ Bắc, Trung, Nam, và mỗi địa phương có một số lối chơi bài khác nhau. Như người miền Trung và người miền Nam thì thích đánh Tứ Sắc, với những cây bài bé xíu, rất khó cầm nếu không quen, trong khi ngoài Bắc thì chơi Tam Cúc, Bất, Đố Mười, Chắn, Tổ Tôm, Tài Bàn ... với quân bài to hơn, dễ cầm hơn. Trong Nam thì có Hốt Me, ngoài Bắc thì lại chơi Sóc Đĩa.

Cho đến khi người Pháp giới thiệu bộ Bài Tây với 52 quân thì lại có thêm nhiều trò chơi như "cắc tê", bài cào, xì dách, xì phé, nào là ngầu hầm, rồi xập xám... đủ thập bát ban võ nghệ. Nhưng đặc biệt là những trò đổ bát với bài Tây thì lại thông dụng nhất ở trong Nam, còn ngoài Trung và ngoài Bắc thì ít hơn.

Cờ bạc mỗi môn một vẻ nhưng môn nào cũng hấp dẫn người chơi, vì hình như đa số trong chúng ta, nhất là người Á Đông, đều có máu "ham mê", nên nhiều người là nạn nhân của cờ bạc, tán gia bại sản, có khi còn mất mạng vì bài bạc nữa, vì vậy cờ bạc mới là một thành viên của Tứ Đổ Tường. Bốn cái đổ!

Tương đối thì các loại "bài Bắc" khó chơi hơn ở hai kỳ kia. Tổ Tôm đã khó chơi vì phải có trí nhớ để xếp bài thành phu, thành lưng mới ù được. Tài bàn cũng khó, dù khỏi cần nhớ nhiều như Tổ Tôm, nhưng lên bài có nhiều quân quá, nên nếu không quen, bài rớt lên rớt xuống để người khác chờ họ cằn nhằn, kỳ kèo, nói cạnh nói khóe: mấy tay mới tập tành Tài Bàn cũng mướt mồ hôi hột và khổ sở lúc ban đầu.

Ngược lại trong Nam thì các thứ bài dễ chơi hơn nhiều, gần như ai cũng chơi được, như bài cào chỉ cần đếm nút để ăn (hay thua) tiền, gần như đố mười ngoài Bắc, hoặc như trò chơi Bầu Cua Cá Cọp thì trẻ con cũng tham dự.

Sau đây là một số môn cờ bạc thông dụng trong mấy ngày Tết.

Ngoài Trung và trong Nam thì có môn TỨ SẮC.

Bài Từ Sắc rất nhỏ, chiều ngang độ 1 phân, chiều dài độ 5 phân, nên khó cầm. Mỗi bộ bài có 112 quân, chia ra 4 màu Xanh, Trắng, Đỏ, và Vàng (có lẽ vì thế nên gọi là Tứ Sắc bốn màu?), và mỗi màu đều có các quân Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Ngựa và Tốt (hay Chốt), mỗi thứ có bốn quân.

Những quân bài Tứ Sắc giống như những quân của bàn Cờ Tướng. Lý tưởng là có bốn người chơi, nhưng nếu ghiền quá mà thiếu chân thì ba người chơi cũng thú. Mỗi một đơn vị gọi là lệnh (điểm), và khi vào sòng, mỗi người phải "đậu chến", là đặt tiền ra ngoài để chơi. Một chến có giá trị bằng 300 lệnh. Thí dụ chơi một cắc (hào) một lệnh thì đậu chến 30 đồng. Người nào thua hết tiền trước thì gọi là đứt chến, mọi người lại đậu chến mới và chơi tiếp.

Khi chia bài thì người cái (tức là người chia bài) được 21 quân, còn ba nhà con mỗi người chỉ được 20 quân thôi, vì nhà cái phải đánh ra một quân trước. Khi nào bài tròn, tức là không còn rác (quân lẻ loi) thì gọi là tới (như "ù" ngoài Bắc). Bài tròn là trên tay hay dưới chiếu trước mặt mình chỉ có những quân bài hai quân giống nhau, hoặc ba quân giống nhau hay các phu dọc như Tướng-Sĩ-Tượng, Xe-Pháo-Ngựa, hoặc ba hay bốn quân Tốt (Chốt) khác màu, và các ông Tướng đơn độc lang thang một mình. Khi tới thì phải tính điểm, một phu tính một điểm, 3 quân giống nhau dưới chiếu tính một điểm, 3 quân Tốt khác màu được 1 điểm, 4 quân Tốt 4 màu được 2 điểm, các ông tướng lẻ loi được tính 1 điểm. Còn ba quân giống nhau trên tay gọi là "khạp" thì tính 3 điểm (nhưng nếu có ai đánh hay bốc nọc mà có quân giống như khạp thì hạ ba quân trên tay xuống gọi là khui) và được tính sáu điểm. Còn bốn quân giống nhau gọi là quằn (chẳng biết có đúng chính tả không), buộc phải hạ xuống chiếu và được 8 điểm. Nếu người nào tới mà bài có khạp khui hay quằn thì gọi là tới quan, tiền tính gấp đôi.

Khi tới, tính điểm để người khác chung tiền thì điểm luôn luôn phải là số lẻ, nếu là số chẵn thì gọi là "tới hố", cũng tương tự như "chao ù" của Mạt Chược hoặc "ù báo" của Chắn vậy, nghĩa là phải đền. Nhưng đến khi giam tiền thì phải cộng điểm tới với ba. Thí dụ khi ù mình đếm trong bài được 5 điểm thì phải xướng 5, 8 và người ta sẽ chung mình 8 lệnh. Nếu là 7 điểm thì là 7, 10. Trong trường hợp tới quan thì phải nhân đôi. Thí dụ 17, 40 (17, 20 nhân đôi). Bài Tứ Sắc có cao thấp, và nếu vi phạm một số luật lệ cũng bị đền, nhưng chơi quen khá thú vị, chả thế mà có người ngồi ngày này qua ngày khác. Tôi nhớ khi xưa có một Bà Cô lấy chồng giàu có, nên đụng tay vào việc gì là bà than đau lưng, nhức đầu, nhưng thẩy ra bộ Tứ Sắc ra là Bà ngồi cả ngày này qua ngày khác chẳng thấy đau nhức mỏi mê gì cả, ai đi đến đâu Bà theo đến đó!

Nhân nói chuyện Tứ Sắc, vào năm 1959, hay 1960 gì đó, tôi có một cơ duyên được chứng kiến một sòng Tứ Sắc mà người ta đậu chến chín ngàn đồng, tức là mỗi lệnh 30 đồng. Trong bốn tay đấu thủ có một ông và ba bà. Một ông và hai bà chắc là dân nhà giàu, còn người thứ tư là cô vũ nữ của một vũ trường có tiếng ở Sài Gòn. Tôi quên một tô phở vào thời đó bao nhiêu tiền, nhưng lương của một Trung Úy cấp 5 (gồm có tiền phụ cấp bằng chuyên môn) chưa tới 3 ngàn. Nghĩa là tôi phải đi làm hơn ba tháng, không ăn không uống gì mới có đủ tiền ngồi xuống đậu một chến.

"Trận chiến" xảy ra trong một ngôi biệt thự giữa vườn trái cây trên đường từ Sài Gòn đi Thủ Dầu Một. Chúng tôi ngồi "chầu rìa" có vài giờ đồng hồ mà cũng được mời ăn trái cây nhập cảng một cách tận tình thì đủ biết chủ nhà thu tiền hồ (tiều sâu) cũng khá lắm.

co bai tu sacBài Tứ Sắc.

Bài Tứ Sắc cũng được dùng để chơi các môn như Xệp (ba người chơi), cũng hơi hơi giống Tứ Sắc, nhưng mình có thể "làm bài" dễ tới lớn hơn được, nếu muốn, và Câu Tôm. Câu Tôm thì dễ nên con nít chơi cũng được.

Nếu Tứ Sắc được nhiều người ưa thích và "thực hành" tại Trung và Nam kỳ, thì môn cờ bạc "bình dân" nhất ngoài Bắc lại là CHẮN.

Nói về mức độ khó khăn và rắc rối, thì Chắn cũng ngang hàng với Tứ Sắc thôi, tức là cũng có một số qui luật phải tuân thủ, một số "thế" bài phải biết để khi ù còn xướng, nếu không thì những món không xướng chẳng được ăn tiền. Chắn có 120 quân bài từ Nhất (một) đến Cửu (chín), và chia ra làm sáu quân Nhất: Nhất Vạn, Nhất Sách, Nhất Văn, Ông Cụ, Thang Thang và Chi Chi, mỗi thứ có bốn quân. Sau đó, từ Nhị (hai) tời Cửu, mỗi loại chỉ có ba hàng, Vạn Sách và Văn, và mỗi hàng cũng có bốn quân.

Bài Chắn chia ra làm hai loại, loại bạch (trắng), và loại hồng (đỏ). Các cây bài hồng hay (điều), như Ông Cụ, Thang Thang, Chi Chi, Bát Vạn, Bát Sách, Cửu Vạn và Cửu Sách có in một dấu ấn màu đỏ in trên, còn lại thì là những quân bài bạch.

Luật lệ của Chắn là hai quân giống nhau như một đôi Nhị Văn hay một đôi Bát Vạn gọi là một chắn. Hai quân cùng số mà khác hàng như Tứ Vạn và Tứ Văn thì gọi là một cạ. Khi nào bài đủ sáu chắn, cả trên tay và dưới chiếu, và tròn bài, nghĩa là bài chỉ gồm toàn chắn và cạ, không có quân lẻ loi, thì ù. Ù mà không có gì cả thì gọi là ù suông, tức là nhỏ nhất. Nếu bài chỉ toàn những quân trắng (không có hồng), thì gọi là ù Bạch Định, còn nếu ù mà trên bài có 10 quân có ấn đỏ thì gọi là Thập Hồng hay Thập Điều. Ù Bạch Định hay Thập Điều, nếu xướng lên thì thuộc loại ù khá lớn. Ngoài ra. Nếu có 4 quân giống nhau trên tay thì gọi là Thiên Khai, nếu có 3 quân trên tay mà có ai đánh ra, hay bốc nọc đúng thì gọi là chiếu và phải hạ 4 quân xuống. Khi ù, nếu xướng Thiên Khai hay Chiếu thì được thêm tiền.

Nếu bài có 3 quân Cửu Vạn, Bát Sách và Chi Chi thì gọi là có Lèo, nếu mỗi thứ có 2 quân thì phải xướng là hai Lèo, còn nếu có các quân Tam Vạn, Tam Sách và Thất Văn thì gọi là Tôm. Nếu khi ù, bài toàn trắng mà chỉ có một quân Ông Cụ thì gọi là Ù Kính Cố, hay Kính Cụ, khá lớn,. Còn nếu bài toàn trắng mà có đến 4 Ông Cụ thì gọi là Ù Kính Tứ Cố, to lắm: vơ hết tiền làng gom ra. Còn nếu ù liên tiếp thì gọi là ù Thông, cũng được thêm tiền.
Nếu bài mình có 5 chắn, mà bốc nọc ra một quân thành chắn thứ 6, thì gọi là Bạch Thủ. Còn nếu mình bốc nọc ngay cửa mà ù thì gọi là Trì. Vấn đề quan trọng là mình ù có những món gì phải xướng mới được ăn tiền. Nếu không có mà xướng thì bị phạt (đền). Thí dụ bài có 9 quân Hồng mà xướng Thập Điều là bị đền nặng, vì "nghèo mà ham". Khi ngả bài ra ù mà trên bài còn một quân lẻ thì gọi là "chao ù", hay "ù báo" cũng bị đền. Đánh Chắn không khó, chỉ quen là được. Ban đầu thì hơi vất vả, phải nhớ luật lệ để đánh bài cho đúng, đừng để "treo tranh", khi ù phải cẩn thận duyệt bài trước rồi mới hạ bài và xướng.



Có hai loại bài sử dụng bài Chắn là Tổ Tôm và Tài Bàn.

Tổ Tôm hơi rắc rối vì người chơi phải nhớ nhiều thứ như những quân bài nào đi với nhau để thành phu hay thành lưng. Có nhiều khi một quân bài có thể dùng cho cả hai thứ, nên người chơi phải quyết định. Nếu quyết định đúng được người ta khen là đánh cao, và nếu sai thì... thấp. Tổ Tôm là một trò chơi tao nhã, ngày xưa được các nhà Nho và người có chút chữ nghĩa ưa thích, vì cao hơn Chắn một nấc.

Tài Bàn là một loại bài chơi rất dễ mê nhưng dành cho những người đã thuần thục trong "nghề" vì chỉ có ba tay nên mỗi người có nhiều quân bài lắm. Điều quan trọng là quen thì việc gì rồi cũng xong. Tài Bàn và Tổ Tôm phần nhiều dành cho những người đứng tuổi, chứ giới trẻ không thích thú lắm.

Với sự có mặt của người Pháp trên đất nước, dần dần người Việt chúng ta được giới thiệu một loại bài mới mà chúng ta gọi là Bài Tây. So với bài ta, bài Tây là loại bài khổ lớn, bề ngang từ 5,5 hay 6 phân, bề dài 9 phân, và có 52 quân bài, chia ra từ số 1, còn gọi là ách hay xì, đến số 10, rồi sau đó là lá bài có hình, gọi là Bồi, Đầm và Già, mỗi thứ có bốn quân, theo các "hoa" cơ, rô, chuồn, bích. Cơ và rô màu đỏ, chuồn và bích màu đen. Bài Tây được dùng trong nhiều môn cờ bạc: Cắc-Tê (một biến thái của "écarté" của Pháp). bài Cào, Xì Dách, Xì Phé, Ngầu Hầm, Xập Xám...

BÀI CÀO: Dễ chơi nhất là bài Cào, nên rất bình dân. Khi chơi bài Cào mỗi người được chia ba lá bài, rồi cộng điểm lại, bỏ đi 10, hay bội số của 10, còn lại ai cao điểm hơn thì được. Vì dễ và mau ăn mau thua nên người miến Nam có câu "Cắc-Tê sáu lá cầm chừng, bài Cào ba lá tuột quần không hay".

Số người chơi chỉ được giới hạn bởi số quân bài mà thôi, cỗ bài có 52 quân, mỗi người chơi được chia 3 quân, nghĩa là số người chơi tối đa là 17 người. Có hai loại bài Cào, thông thường thì có một người làm cái, và các "tay con" chỉ ăn thua với nhà cái thôi. Nhà cái hên thì ăn nhiều, mà nếu xui thì cũng thua nhiều.

Còn một loại nữa là "bài Cào Vùa", nghĩa là mọi người chơi đều góp một số tiền bằng nhau để bên giữa, rồi so bài với nhau, người nào lớn nhất thì tóm thu số tiền. Nếu có hai hoặc nhiều người hơn đồng điểm thì chia "chiến lợi phẩm" với nhau. Cách tính điểm bài Cào như nói bên trên, cộng ba quân bài lại, trừ ra 10, hoặc bội số của 10, còn lại là điểm của mình. Lớn nhất là Ba Tây, tức là ba quân bài Hình, rồi tới 9 điểm, còn 10 điểm thì gọi là "bù", là tệ nhất. Cách tính điểm thì quân bài số mấy (có bao nhiêu nút trên lá bài) thì chừng ấy điểm, các quân bài Hình như Bồi, Đầm và Già thì tính 10 điểm. Thí dụ bài có quân Xì, quân Đầm và quân 10, thì cộng lại là 21 điểm trừ bội số của 10, chỉ có 1 điểm thôi. Bài 1 điểm chỉ hơn được bài bù (mười hoặc bội số của 10), nên người nào được 1 điểm mà nhà cái bù thì "không hạnh phúc nào lớn hơn".

Thông thường thì sòng bài Cào là nơi ồn ào và vui nhộn nhất, vì nhiều người chơi, và cũng có nhiều người "chầu rìa". Vì bài Cào không có đậu tiền như Chắn hoặc Tứ Sắc, không cần phải hết gió hay hết hội như Mạt Chược nên muốn nhóm lúc nào là nhóm mà muốn tan lúc nào là tan, ví vậy ngày Tết sòng bài Cào được nhiều người chiếu cố nhất.


Bài Tây còn được dùng để chơi nhiều môn khác như đã kể trên, nhưng sau này với những người làm việc lâu ngày rồi thân cận với Pháp, với những người đi du học từ Pháp về, còn có hai trò chơi cũng được chiếu cố là bài Belote, và bài Bridge.

Còn một vài trò cờ bạc nữa mà người chơi không cần các quân bài, mà chỉ cần mấy quân súc sắc (hột xí-ngầu) như Tài Xỉu, Tam Hường và Xí Ngầu Lác (tiếng Tiều có nghĩa là Tứ Ngũ Lục hay bốn năm sáu). Tam Hường (người Trung gọi là Xam Hường) là trò chơi được người Trung và một số người trong Nam ưa thích, tôi có hỏi nhưng hình như ngoài Bắc không có trò chơi này.

TAM HƯỜNG: Ngày Tết cả nhà, hay bạn bè quây quần lại đổ Tam Hường cũng vui. Trò chơi cần 6 hột súc-sắc, một cái tô to và một bộ Thẻ, gồm có các Thẻ Trạng Nguyên 32 điểm, một số thẻ 16 điểm, rồi 8 điểm, bốn điểm, hai điểm và một điểm. Nếu được 5 người chơi thì lý tưởng nhất, nhưng ít hơn cũng chẳng sao. Người chơi đổ 6 hột súc-sắc, nếu có một quân 4 (màu đỏ, hay là Hường) thì được 1 điểm, nếu được 3 Hường thì được 8 điểm, nếu được 4 Hường thì gọi là đậu Trạng, được lấy thẻ Trạng 32 điểm. Ngoài 4 Hường, thì hai hạt súc sắc còn lại là tuổi của Trạng. Thí dụ bốn quân 4 một quân 3, một quân 6 là Trạng 9 tuổi.

Cái vui là người nào đậu Trạng cũng chưa chắc đã được giữ thẻ Trạng cho đến cuối, vì nếu có người nào khác đậu Trạng mà lớn tuổi hơn thì người đó được quyền "giật Trạng", tức là lấy thẻ Trạng của người đậu Trạng trước. Còn ai "đỏ" mà được 5 quân 4 thì gọi là"Ngũ Tử Tứ", chẳng những giật Trạng mà còn được người khác giam thẻ nữa. Bàn Tam Hường chấm dứt khi ngoài "trường" không còn thẻ nữa.

Xí Ngầu Lác: Trò chơi này chỉ dùng ba hột súc sắc, và thông thường thỉ chỉ chơi tay đôi. Mỗi người đổ cho đến khi được hai quân giống nhau, thì quân thứ ba là điểm, rồi đến lượt người kia, ai cao điểm hơn thì thắng, thí dụ người đầu được 2 quân sáu và một quân hai thì được hai điểm, người kia được 2 quân bốn và một quân năm thì là 5 điểm, và người đó thắng. Tuy nhiên nếu ai được ba quân 4, 5 và 6 thì gọi là "Xí Ngầu Lác" hay tứ ngũ lục và sẽ đương nhiên thắng, còn người nào đổ được 1, 2, và 3 thì gọi là "Mèo" (không biết từ đâu có từ này) và thua tự động.

Trò chơi này không có gì hấp dẫn, nhưng tôi có một kỷ niệm khó quên với Xí Ngầu Lác, xin kể hầu quý vị cho thêm vui trong ngày Tết.

Mồng Hai Tết năm đó tôi là học sinh Trung Học năm thứ Ba, đang đứng trước nhà nhìn ông đi qua bà đi lại và xem tiệm cà-phê của chú Lủ Coóng (Lão Quang) bên kia hẻm đốt pháo thì thấy "kẻ thù truyền kiếp" của tôi quẩy gánh Vò Viên của ông ta đi tới. Tôi gọi ông bán Vò Viên là kẻ thù truyền kiếp là vì ông đã bày ra trò chơi đồ Xí Ngầu ăn Vò Viên, trò chơi mà tôi mất không biết bao nhiêu tiền rốt cuộc cũng chỉ ngửi được mùi Vò Viên trong nồi và nuốt nước bọt chứ chưa từng thắng ông ta lấy một lần.

Tôi không thua nhiều, mỗi lần chỉ hai, hay nhiều lắm là ba đồng vì làm gì có tiền mà thua nhiều, chỉ tức là có bao nhiêu "cúng" cho ông Vò Viên hết. Hôm nay, tôi bỗng có ý định "quyết tử" với ông, vì có nhiều tiền lì xì, nên tôi gọi ông ta lại một cách anh dũng. Rồi ông lấy cái bát và 3 hột Xí Ngầu để lên, với vẻ mặt đầy tự tin, nghĩ là ông ta lại cho tôi ngửi mùi Vò Viên như bao nhiêu lần trước. Nhưng hôm nay tôi đỏ quá, chỉ trong vòng hơn 10 phút, ông ta đã thua tôi một ngàn mấy chục viên Vò Viên. Mặt mày ông nhăn nhó, mồ hôi vã ra như tắm, và chửi thề liên tục mỗi khi cầm hột đổ. Cuối cùng ông ta nói "Thôi, không chơi nữa! Mầy vô nhà lấy cái nồi ra tao múc Vò Viên cho rồi tao về nhà. Còn gì đâu mà bán.

Tôi đang say sưa với chiến thắng không nghĩ đến "thảm cảnh" của ông Vò Viên. Nhưng nghe ông nói, nghe giọng nói của ông tôi nghĩ đến cảnh ông gánh gánh hàng của ông về mà không bán được một đồng nào trong ngày đầu năm, tôi bỗng thấy tội nghiệp, và có ngay một quyết định mà cho đến hôm nay tôi vẫn còn hãnh diện: tôi đi vào nhà mang một cái tô lớn ra, nói "Tù Hia (tiếng Tiều là Đại Ca) múc cho Hóa (tôi) 20 Viên (cho bà Chị và hai đứa em của tôi). Còn lại Hóa cho Hia để đi bán Tết đi.

Lần sau gặp Hóa Hia đừng có rủ Hóa chơi Xí Ngầu nữa nha!" Lúc đó tôi không thể tả được sắc diện của Chú Tiều Vò Viên, chú chưa chắc là đã nghe đúng lời tôi nói, hỏi lại "mầy nói cái gì, mầy không lấy Vò Viên hả, mà mấy muốn lấy tiền hả?". Tôi nói "Không, Hóa cho Hia hết. Lì xì cho Hia đó".

Miệng chú Tiều bỗng méo đi, không biết vì chú cười hay mếu, chỉ nghe chú nói được với tôi "Lụ Má mầy tốt quá!" rồi chú kê vai gánh "giang sơn" của chú đi như chạy.

Cho đến ngày hôm nay, chưa bao giờ tôi cảm thấy bằng lòng với bản thân và sung sướng hơn khi nghe chú Tiều chửi "Lụ Má", kể cả những lúc tôi đứng nghiêm trang trong hàng quân để nhận huy chương hay cấp bậc mới. Từ đó về sau tôi không bao giờ còn phải mất tiền để ăn Vò Viên nữa, đến độ phải trốn chú Tiều, vì không gặp tôi, chú cũng bấm chuông để người nhà mang tô ra để chú múc Vò Viên cho tôi, miễn phí lẽ dĩ nhiên.


Bồ Đại Kỳ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Anh dặn em nếu gặp chàng thi sĩ Hắn có làm gì em đừng để ý
Lẽ ra phải có nước mắt. Lẽ ra phải có lý do. 7:43 tối giao thừa. Tôi nằm trong bếp nhà mình ở Astoria, New York, má áp vào lớp gạch lạnh lẽo.
con có thể lạc lối trong từng trang sách nhưng đừng bao giờ quên chính mình
Bính Thân vừa qua có vẻ được mùa cho lãnh đạo Trung Quốc. Nhìn tứ hướng, thiên hạ đều thấy ánh sáng thiên triều tỏa khắp dương gian….
cảm ơn người cho tôi: - một cuối đời an lạc.
...Không chỉ trồng một gốc cây. Bà ta đã liên tục gieo, trồng, vun, tưới cả một rừng cây, cho bóng mát hôm nay và, mai sau.
Về những chuyến bay di tản đám trẻ lai Mỹ từ Sài gòn năm 1975.
Trong vòng ba thập niên, từ 1914 đến 1945, gần 100 triệu người Âu Châu thiệt mạng không vì thiên tai mà vì một nhân họa, là chính trị: chiến tranh, cách mạng, tàn sát vì nạn diệt chủng hay cải cách nông nghiệp hoặc cải tạo xã hội…
Cùng với bánh trái ngày Xuân, tờ báo Xuân là món quà Tết không thể thiếu trong mọi gia đình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.