Hôm nay,  

Gánh Nặng Sống: Hy Vọng, Thang Thoát Hiểm & Tuyệt Vọng Hiển Hình

17/02/201700:05:00(Xem: 4952)

Ocean Vuong B-WOcean Vương


Đến phút cuối mà vẫn còn vững tin vào một điều gì đấy hẳn là đặc ân. --Louis Gluck

Lẽ ra phải có nước mắt. Lẽ ra phải có lý do. 7:43 tối giao thừa. Tôi nằm trong bếp nhà mình ở Astoria, New York, má áp vào lớp gạch lạnh lẽo. Mẹ tôi vừa gọi. Con ơi, bà nói bằng tiếng Việt, giọng như hết hơi, cậu con tự tử rồi. Nghe những lời này thực sự thoát ra từ chính miệng mình, bà lập tức bắt đầu gào khóc trong điện thoại. Tôi mở mắt, chỉ nhìn thấy những viên gạch màu vàng và xanh dương trên sàn bếp. Những đóa hoa xanh dương nhỏ trên những cánh đồng tí hon ngập nắng. Tôi quỵ ngã lúc nào? Giọng của tôi đấy sao? Tôi không biết giọng mình có thể như thế: như một con thú vừa học lời Thượng Đế. Chiếc điện thoại di động nằm mở bên cạnh. Tôi nghe tiếng mẹ tôi –giờ đã hoảng loạn—nức nở qua ống nghe kêu lách cách. Bà đang năn nỉ tôi về nhà. Tôi có thể làm thế. Tôi có thể đi xe bus hoặc xe lửa từ Ga Penn và sẽ có mặt ở Hartford trước nửa đêm—nhưng tôi sẽ không đi. Tôi không thể. Thay vì thế, tôi bảo bà xe lửa không chạy. Rằng sáng mai tôi sẽ tìm cách về nhà. Tôi ích kỷ trong cơn xốc của mình. Tôi cúp điện thoại. Tôi đi dạo. Tôi đi mãi, đi ngang qua những người đội mũ cao bằng nhựa lấp lánh, với con số “2013” ngang mắt, đang đổ đến vô số những quán xá và tiệc tùng để uống rượu và đón mừng năm mới. Tôi đi mãi đến Brooklyn, gần nửa đêm, bên dòng sông East. Những ngón tay và đôi môi ướt nước mũi của tôi tê dại vì lạnh và đau buồn. Pháo hoa nổ trên nền trời New York, tô vẽ những mảnh sáng trên làn nước đen trong khi tôi đứng giữa cái rét cắt da đầu tháng Giêng —và hét lớn.


Tôi thích đi dạo một mình. Không có áp lực phải chuyện trò. Và sự chuyển động có điều gì đấy giúp tôi suy nghĩ. Để công phá một tư tưởng đang ngủ yên. Để mang một cảm giác qua một quãng đường và nhìn nó dần lớn. Khi tôi mới đến New York, tôi dành hầu hết thời giờ đi lang thang. Lúc ấy tôi 17 tuổi và muốn làm thơ. Cặp dưới tay một cuốn thơ mỏng của Lorca và một cuốn sổ đỏ, tôi đi trên những đại lộ sáng đèn trôi chảy, không bao giờ buồn nhìn tên đường hoặc xem mình đang đi đâu. Tôi sẽ khởi bộ từ căn phòng tầng hầm thuê trái phép của bạn tôi (nơi tôi ngủ trên chiếc ghế dài nhặt ở phía sau một cơ sở từ thiện Đạo quân Cứu rỗi địa phương) ở Jamaica, Queens và đi bộ cho đến Park Slope, Red Hook, Richmond Hill, hoặc Gowanus, và có lần thậm chí đến một xưởng xây tàu bỏ hoang gần Far Rockaway.

Trong những lần lang thang vô định ấy, tôi cứ thấy mình nhìn lên—nhất là trên những con đường dân cư, hai bên là bất cứ thứ gì, từ những tòa nhà chung cư một khối đến những căn nhà lát đá nâu đắt giá. Tôi để ý thấy, gắn vào hầu hết các tòa nhà là một khung hình mà theo tôi, cũng tinh tế về mặt kiến trúc như những tòa tháp lấp lánh của thành phố. Thang thoát hiểm. Không phải là một phần tòa nhà, mà là vật phụ trội. Những thanh sắt nối liền một mạch thả xuống—và rời khỏi. Một số sơn xanh dương hoặc vàng hoặc xanh lá cây, nhưng đa số màu đen. Tôi có thể ngồi hàng giờ đối diện một tòa nhà 6 tầng ngắm nghía những đường hình chữ chi bám vào một tòa nhà có rất nhiều cuộc sống ẩn khuất bên trong. Tất cả sự phong phú và kịch tính gói kín trong một thành trì với những bức tường dội lại các cuộc đối thoại đơn điệu hay tinh tế--tuy nhiên chỉ có thang thoát hiểm, một vật bám dựa ngoài cùng, bất động và thường han rỉ—trong sự im lặng khô cứng đày ải của nó, với sự thành thật nhân bản hiển hình nhất, nói: Chúng ta có nguy cơ. Và chúng ta sợ.

Ngày đầu năm. Tôi đứng trong căn nhà của cậu tôi ở Hartford. Cửa chính mở hé để thoáng hơi căn chung cư nhỏ một phòng ngủ. Tuyết đang rơi. Những bông tuyết sắc bay chập chờn qua khung cửa biến thành mưa trên mặt tôi. Một đoạn băng dán màu vàng của cảnh sát phấp phới trên hộp thư. Tôi đi vào hành lang nơi xác cậu tôi mới được dời đi đêm trước. Không hiểu sao tôi nghĩ cảnh sát, trong cuộc điều tra và thu thập chứng cứ, sẽ làm mọi chuyện “xem được mắt” cho thân nhân. Tôi không hiểu sao tôi chờ đợi chuyện ấy. Có lẽ tôi đã xem quá nhiều chương trình tội phạm trên truyền hình, trong đó một cảnh sát điều tra nhiều kinh nghiệm sẽ nói vài lời chuẩn bị tinh thần cho thân nhân trước khi đưa tang quyến vào nơi xảy ra vụ việc, và những nhân viên xét nghiệm thận trọng bước ngang qua những căn phòng. Nhưng cảnh sát đã đi từ lâu. Và vật đầu tiên tôi nhìn thấy là chiếc ghế--nằm ngay dưới chỗ mở lên tầng mái, chỗ cậu tôi đã đặt một thanh cử tạ chặn ngang qua và cột giây. Kế đến là mấy sợi dây thắt lưng. Ba chiếc, vương vãi quanh ghế, tất cả cài khóa và cuộn tròn trên mặt gỗ cứng như những con rắn mất đầu. Cậu đã nhất quyết lắm. Hai chân tôi lỏng ra, tan chảy. Hàm tôi phập phồng. Tôi chạy vội vào phòng tắm và nôn vào bồn rửa mặt. Trong lúc ly cà phê thứ sáu của tôi cuộn chảy xuống ống cống, tôi bắt đầu cảm thấy một làn sóng u buồn không tưởng nổi tràn ngập xương tủy. Trong căn nhà của cậu, hiện diện của cậu rõ nét hơn. Vòi nước chảy. Những căn phòng lặng lẽ. Hai cánh tay trĩu nặng, tôi quỳ ở bồn rửa mặt, nghe tiếng nước chảy, để nó nhận chìm cơn đau nhức lờ mờ hai bên thái dương. Tôi mở miệng nói, nhưng ở đây không có ai để nghe. Tôi mở miệng cầu nguyện, thành khẩn, nhưng rất nhanh thôi cầu nguyện khi tôi nghe tiếng mẹ gọi tên tôi bên ngoài nhà. Bà đang đi lên lối đậu xe, tay mang một khay thức ăn và một chiếc bàn gấp nhỏ. Tôi chụp vội mấy sợi thắt lưng và quẳng chúng vào cái miệng mở tối đen của tầng mái. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy chúng nữa.

Mẹ tôi vào và bắt đầu bày những đĩa thức ăn chay nóng trên chiếc bàn nhỏ. Hai tay bà run rẩy. Tiếng vật dụng và thủy tinh chạm vào nhau. Thức ăn này là cho cậu tôi. Người Việt chúng tôi tin rằng người chết vẫn có thể được nuôi dưỡng bằng đồ cúng và tình thương của chúng tôi, ngay cả sau khi họ chết đã lâu. Bà thắp một nắm nhang và đặt một tấm hình của cậu lên bàn giữa đĩa cơm bốc khói và đậu hũ xào đậu ve nước tương. Bức hình là hình trong cuốn niêm giám năm cuối trung học của cậu. Chụp từ 10 năm trước, nó vẫn giống cậu lúc mất. Cậu không cười, nhưng môi hơi mở hé, như sắp nói. Mẹ và tôi quỳ trước bàn thờ lập tạm và nâng nén nhang ngang mày. Chúng tôi lạy. Chúng tôi lạy như thể người chết, trong sự vắng mặt đang lớn dần của họ, chợt trở nên phi thường. Mời cậu ăn đi con, bà nói, mắt nhìn xuống sàn nhà. Thưa cậu, tôi nói, không với ai cả, mời cậu ăn… Mẹ và con nhớ cậu. Mời cậu ăn.

o0o

Một lỗ hổng chỉ là những gì sót lại chung quanh nó. —Matt Rasmussen

o0o



buildingsThang thoát hiểm được chế ra vào năm 1784 bởi một người Anh tên Daniel Maseres và được thiết kế cho sử dụng cá nhân. Mẫu thang đầu tiên khá đơn giản: một sợi dây thừng buộc vào cửa sổ và gắn chặt xuống đất với một bệ gỗ nặng để người ta có thể leo xuống và thoát khỏi bệ cửa sổ đang cháy. Tuy thế, đến đầu thế kỷ 20, những thang thoát hiểm bằng sắt truyền thống bắt đầu xuất hiện bên cạnh những tòa nhà dân cư, biến thang thoát hiểm cá nhân thành lỗi thời. Thay vào đó, một phương tiện thoát hiểm mang tính tập thể hơn được chế tạo.

Tôi không biết tại sao tôi nghĩ đến thang thoát hiểm sau cái chết của cậu tôi. Một phần tôi chợt cảm thấy gần gũi với chúng hơn, cảm giác cấp bách và nguy hiểm hiện thân trong cốt lõi của thang thoát hiểm. Có thể đây là lý do thang thoát hiểm tập thể đã trở thành thông dụng đến thế. Có thể tôi thích sự tuyệt vọng hiển hình như thế hiện hữu bên ngoài nhà của tôi, không trông thấy, không bận tâm, nhưng vẫn có đấy. Trong lúc tôi sống cuộc sống thường ngày, trong lúc tôi ngồi với bạn bè trước TV tỏa ánh sáng xanh lên mặt chúng tôi, hoặc lúc tôi đặt chiếc bánh sinh nhật trước khuôn mặt vui thích của em trai tôi, ánh nến lấp lánh trên răng của tất cả những người khách tươi cười, trong lúc tôi làm tình, trong lúc tôi cầu nguyện, thang thoát hiểm chỉ cách đó vài thước, không hoạt động, thuận tiện ẩn mình, nhưng không bao giờ hoàn toàn như thế. Tôi thu thập những ý niệm hãi hùng và đẩy chúng ra ngoài cửa sổ, nơi chúng hóa thành một kiến trúc thiết thực đến mức nó là một sản phẩm phụ của chính sự sợ hãi.

Dù thế, khi tôi đi qua những khu phố của New York, đường nào cũng có ít nhất một hai thang thoát hiểm trang hoàng hoa, đồ cho chim ăn bằng thiếc, vườn rau thơm, lồng đèn hồng, khung dựng xe đạp, thậm chí bàn ghế kiểu quán ăn. Tôi ngưỡng mộ và ganh tỵ hành vi thuần hóa này. Thử tưởng tượng một đôi tay giơ ra giữa những chấn song màu đen lạnh lẽo đặt một chậu hoa uất kim hương tháng tư sáng ngời vào trong ánh nắng. Đời sống chạm vào khả năng tận diệt của mình. Nó gần như khiến tôi quên đi những chấn song đen kia là để làm gì. Và có thể như thế tốt hơn. Có thể chúng ta sống dễ hơn khi trang hoàng nguy hiểm cho đến khi nó trở thành một phần nới rộng của nhà chúng ta.


o0o


Hải, leo lên
Cháu không muốn
Đừng có nhát cáy
Tại sao nó phải là màu hồng chứ?
Vì nó là màu rẻ nhất. Bà ngoại đi chợ xong không còn đủ tiền mua xe đạp màu khác. Có leo lên không nè?
Nhưng cậu lấy mất mấy bánh xe tập rồi.
Biết rồi—để nó chạy lẹ hơn.
Okay.
Leo lên ngồi đây, phía trước nè… vừa không?
Vừa.
Rồi, mình bắt đầu. Nhấc hai chân lên. Sẵn sàng chưa, binh sĩ?
Dạ rồi!
Tốt. Mình đi đây. Tiến vào lãnh thổ địch!
Á! Họ có bắn mình không?
Cậu không biết! Giữ chặt nghe! Đừng buông tay cậu ra! Đừng buông ra nghe chưa? Mẹ cháu sẽ giết cậu.
Đừng lo! Cháu không buông đâu.

o0o


Bà ngoại tôi sanh ra cậu, Lê Duy Phương, vào năm 1984 khi bà gần 43 tuổi. Người cha không biết là ai, đã biến mất vào đêm tối sau khi để lại một hộp trà lài và một vài tờ giấy bạc nhàu nát trên bàn ngủ của bà tôi, với khuôn mặt nước đôi của Ho Chi Minh nhìn lên từ tờ giấy bạc gấp nếp. Ba năm sau khi cậu sinh ra, tôi chào đời ở đỉnh cao thời tái dựng hậu chiến. Thực phẩm hiếm. Mạt cưa được pha vào các khẩu phần gạo phân phối cho nhiều gia đình. Nhưng chúng tôi sống sót, cậu và tôi, lớn lên cùng nhau, chơi đùa cùng nhau và rồi nhập cư vào Mỹ cùng nhau. Những ngày thơ ấu, tôi là chiếc bóng của cậu, thường theo cậu vào ngay cả nhà tắm, tiếp tục trò chuyện và chơi đùa cùng cậu trong lúc cậu ngồi trên bàn cầu. Vì lẽ ngay cả cánh cửa, mỏng là thế, đối với tôi vẫn là một ranh giới không chịu nổi. Một tuần trước khi cậu mất, chúng tôi trò chuyện lần cuối cùng nhau.

Tôi về Hartford vào dịp lễ, và chúng tôi quyết định đi uống cà phê nói chuyện, như chúng tôi vẫn làm khi tôi về nhà. Chúng tôi lái xe đến một tiệm Barnes & Noble gần bên và ngồi trong quán cà phê. Dưới ánh sáng chói chang tôi có thể thấy vẻ mặt cậu trông bất an, phờ phạc, mắt quầng thâm. Cậu nói dạo này cậu chỉ ăn nổi trái táo và uống chút nước. Cậu giải thích, dù không rõ ràng, rằng cậu “chán thế gian này”. Cậu khổ sở về những mối tình thất bại, hóa đơn, công việc ở tiệm làm móng tay. Dù cậu thông thạo Anh ngữ và tốt nghiệp trung học, khách hàng thường cho rằng cậu là dân mới nhập cư, có lẽ vì dáng vẻ trầm lặng của cậu, và họ thường nói với nhau về cậu như thể cậu không thể hiểu hay không có mặt ở đó. Tại sao anh ta phí thì giờ học đại học? Làm móng tay tốt hơn. Anh ta là người châu Á mà tay mạnh ghê. Tôi cố an ủi cậu, lúng túng với một câu trích của James Baldwin nhưng bỏ dở nửa chừng khi tôi nhìn thấy ánh mắt xa vắng, trống rỗng của cậu, như thể cậu đang nhìn một cánh đồng rực cháy sau lưng tôi. Tôi giơ tay chạm vào khuỷu tay cậu. Cậu nè, sao vậy? Cậu vẫn chăm chăm nhìn cánh đồng.

o0o

Ý nghĩ về người nơi người là một khoảng trống chưa điền. -Mary Jo Bang

o0o


Khi một người qua đời, sự im lặng của họ tựa như một nốt nhạc ngân dài, một phím đàn dương cầm nhấn lâu đến mức nó trở thành cơn nhức nhối trong tai, một quãng âm mới để chúng ta bắt đầu đo lường cuộc sống mới đứt quãng. Một âm thanh ngang. Có lẽ đây là lý do cái chết có nhiều âm nhạc đến thế: đám ma, hát hò, những bài phúc âm, điếu văn. Những âm thanh ấy chen chúc trong không gian cùng với những điều người chết không thể nói.

Bây giờ thì có âm gõ đều đặn: một chiếc dùi gỗ gõ vào mõ gỗ, một cái cồng nhỏ nhọn sắc đập cùng một nhịp với trái tim. Một sư bà mặc áo cà sa vàng, theo sau là hai phụ tá tóc bạc, mở một trang kinh và bắt đầu tụng theo những vật gõ âm rời rạc trong căn chung cư nhỏ xíu của cậu tôi. Tất cả mọi người có mặt. Mẹ tôi, mấy dì tôi, anh chị em họ, bạn bè và đồng nghiệp của cậu tôi. Khoảng 20 người chen chúc trong căn phòng khách. Ghế dài và đồ đạc trong nhà dồn vào sát tường, hoặc chồng chất lên nhau. Tất cả chúng tôi quỳ trước bàn thờ tạm. Đã bảy ngày rồi. Một vun tro mềm mịn từ hàng trăm cây nhang đã tụ trước ảnh của cậu. Thêm thức ăn. Những đĩa cơm và rau. Thêm nhang. Thêm tụng kinh. Chúng tôi lạy khi sư bà bảo lạy. Chúng tôi đồng loạt lạy. Những vật dụng trong đời sống của cậu vẫn còn vương vãi chung quanh chúng tôi: vớ, giày lẻ chiếc, gói kẹo cao su Wrigley màu xanh lá cây, thuốc lá, đĩa DVD rớt ra ngoài vỏ đựng, hóa đơn, thỏi kẹo chocolat, quần jean Levi, áo sơ mi, đồ lót—phần nhiều bị chúng tôi, tang quyến, làm rối tung lên trong lúc cố dọn chỗ cho mình trong căn nhà trống. Ngón tay cuộn quanh sợi dây điện trên bảng chơi Xbox của cậu, tôi cúi đầu và lắng nghe Liên Hoa Kinh, cuốn kinh ưa thích nhất của tôi. Tiếng đều đều trầm trầm của nó nổi lên từ nỗi tuyệt vọng chung của chúng tôi. Tôi để nó đi vào người mình: một rung động ấm áp đều đặn xua đi nốt câm trên đàn dương cầm của người chết. Tôi nhắm mắt lại.



Trong đạo Phật, người ta tin rằng nếu một người chết bất đắc kỳ tử, hoặc một cái chết thảm, nhiều cảm xúc, linh hồn có thể chưa nhận ra mình đã chết—và như thế rất cần thiết phải nhắc người ấy về trạng thái không còn thể chất hiện tại của mình. Người ta cũng tin rằng khi thân thể chết đi, nhĩ quan của người ấy sắc bén hơn, vì lúc ấy linh hồn giống không khí hơn và có thể nghe với toàn bộ hiện hữu của mình. Sư bà khuyến khích chúng tôi nói chuyện với cậu. Mẹ tôi, trước vẫn quỳ bên cạnh tôi, giờ đây đứng. Hai bàn tay của bà trông như rễ cây đầy mấu. Em ơi, giọng bà rất nhanh vỡ thành một tiếng kêu than, nghe chị đi. Chị biết em sợ nhưng em phải can đảm rời khỏi đây. Không còn gì ở đây hết. Qua nước mắt và giọng gắng gượng của bà, ngôn ngữ Việt, một ngôn ngữ lệ thuộc rất nhiều vào giọng nhấn luyến cao thấp, giờ nghe như tiếng cõi khác, móp méo trong cổ họng bà từ những tiếng rên nhỏ trong cổ họng đến giọng than van ngắt quãng. Em đừng ở lại nhà này. Người ta sắp dọn vào, em sẽ không nhận ra họ. Chị sẽ đến chùa thăm em mỗi tuần. Chị thương em. Em đi đi, tìm lối luân hồi. Kiếp sau mình gặp lại. Bà nhìn quanh phòng, như thể tìm xem cậu ở đâu. Hai bàn tay tôi tê dại. Tôi kéo mũ trùm của chiếc áo lạnh lên phủ đầu, che khuất khuôn mặt.

Cuối cùng chúng tôi xếp hàng một rời khỏi nhà, dẫn đầu là sư bà, vẫn đang tụng kinh, hai phụ tá của bà vẫn đang gõ dụng cụ của mình. Họ sẽ vào chiếc xe tải và lái 35 phút đến ngôi chùa nơi hũ tro của cậu tôi sẽ được để lại. Nó sẽ nằm trong một cái tủ với những hũ tro khác cho đến khi chúng được rải xuống sông Connecticut vào một ngày tốt lành trong lịch Phật giáo. Tôi đứng sau dòng người và là người cuối cùng rời khỏi. Tôi thổi tắt nến, dụi những mẩu nhang còn lại, và vội bước ra, không nhìn lại. Tôi xé mảnh băng dán của cảnh sát phấp phới trên hộp thư và đóng cửa.

o0o


Hải, leo lên
Cháu không muốn
Đừng có nhát cáy
Tại sao nó phải màu hồng chứ?
Vì nó là màu rẻ nhất. Bà ngoại đi chợ xong 
không còn đủ tiền mua xe đạp màu kiểu con trai. 
Có leo lên không nè?
Nhưng cậu lấy mất mấy bánh xe tập rồi
Biết rồi—để nó chạy lẹ hơn
Okay
Leo lên ngồi đây, phía trước nè…vừa không?
Vừa… Sao mình không đi?
Chưa được. Mình chưa đi được.
Sao hả cậu?

Cậu?
Sao cháu không cứu cậu. Lẽ ra cháu phải cứu cậu.
Nhưng làm sao—
Mặt cậu đâu? Ai lấy mặt của cậu rồi? Chỉ còn một cái lỗ đen.
Cậu ơi, cháu xin cậu.
Như dấu ấn của Thượng Đế. Ngay trên mặt cậu. Nè—đặt tay cháu vào đây… giống như cát vậy.


o0o


Hai cánh tay tôi vung loạn xạ trong bóng tối. Như thể bóng tối là thứ gạt ra được. Căn phòng đột nhiên như cái lồng. Mọi thứ nhỏ hơn, mọi thứ áp vào làn da của tôi. Hai tay và chân tôi lẫn lộn trong đống chăn và khăn trải giường, đập vào cột giường, bàn ngủ, ghế, tách nước, đồng hồ, dây điện thoại. Tôi nằm trên mặt gỗ cứng. Ngực trần. Ướt. Lạnh. Run. Tôi lấy tay che mặt, sợ cậu vẫn còn đó, nhìn xuống tôi từ chiếc xe đạp màu hồng của cậu—một hình bầu dục tối đen trên mặt cậu hút hết ánh sáng vào đó. Tôi nhìn qua kẽ tay. Tôi thấy cửa sổ màu tím, một vài vì sao mờ đục trên nền trời Queens, New York. Tôi đứng dậy, đến bên cửa sổ, áp trán vào khung kính. Tôi nhìn ra thành phố yên tĩnh trong ánh sáng xanh dương, khuôn mặt tôi dần biến mất trong hình phản chiếu khi lớp kính mờ đi dưới hơi thở của tôi, dịu bớt ánh sáng màu cam mới bật lên trong căn chung cư đối diện bên kia khoảng sân. Bầu trời bắt đầu lùi vào màu xám lợn cợn của buổi sáng. Lẽ ra phải có nước mắt.

Mùa đông ở New York. Ngày 8 tháng 1, 2014. Đã một năm rồi. Gần đây nhiệt độ đang hạ thấp và hôm nay đã lao xuống mức 4 đo,ä không thể làm gì được. Lạnh quá không đi bộ được. Tôi đứng bên cửa sổ và nhìn qua khoảng sân. Trời sương mù cả buổi sáng, màu trắng sữa xuống thấp đến mức một tòa nhà bên kia đường đã biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại thang thoát hiểm của nó—lơ lửng trong không trung. Như những cái xương màu đen của một sinh vật huyền thoại nào đó đã hóa thạch trên đường vươn chạm đến trời.

Tôi tự hỏi sẽ ra sao nếu tôi mang thang thoát hiểm vào lại trong nhà. Thực ra, thang thoát hiểm sẽ trông ra sao nếu tôi mang nó trên thân người mình, trên tính cách của mình, ở chốn công cộng? Thang thoát hiểm sẽ có giọng thế nào nếu nó được cài vào trong ngôn ngữ thường ngày của tôi, và nếu tôi không phải cáo lỗi vì nó? Phải chăng đây là một lý do chúng ta cấu tạo nghệ thuật, một lý do chúng ta làm thơ? Để nói những điều không thể nói? Tôi không biết, nhưng tôi muốn nghĩ thế. Rốt lại thì bài thơ không hề cần hắng giọng hoặc nói về thời tiết hoặc giải thích tại sao nó ở đây, nó đang tìm cái gì. Thậm chí nó không cần người tạo ra nó lên tiếng. Tầm quan trọng của nó bắt nguồn từ lòng tự nguyện muốn hiện hữu bên ngoài ngôn ngữ thực tế. Nó không có tài sản nhưng vẫn đòi có giá trị. Tôi đến với bài thơ và nó cho tôi giao tiếp tức thì với cái tôi bí mật của một người, một cái tôi được gìn giữ không bị hư hại bởi đại chúng và khao khát trật tự của họ qua sự tiệt trùng cảm xúc. Carl Phillips nói “Là nhà thơ, [phải chăng chúng ta nên] tháo cởi, và như thế làm lộ ra, sự khó khăn, thay vì thỏa mãn đa số bằng cách che đậy nó? Vì thơ không chỉ là điều nhắc chúng ta rằng chúng ta là con người, nhưng giúp chúng ta không thể quên ý nghĩa của điều ấy.” Như thế, hơn tờ giấy và chữ, hơn những điều tầm phào khó hiểu của giới trí thức, bài thơ là một lời mời đến đối thoại cần thiết, riêng tư hơn. Tôi tiếp cận nó như thể tôi đang leo lên những bậc thang thoát hiểm của ai đó, tôi lên hay xuống là chuyện giữa tôi, độc giả, và nhà thơ. Có thể chẳng có gì đang cháy. Có thể chúng tôi chỉ lên đây ngắm cảnh. Nhưng ở trên đây là nơi tôi tự hỏi, với nguy cơ đòi hỏi quá nhiều, nếu thang thoát hiểm có thể làm thành cầu nối thì sao?

54
o0o

Hải, lớn lên cháu muốn làm gì?
Cháu muốn là chiếc xe hơi.
Hả? Không làm xe hơi được, cháu phải là người.
Được rồi. Cháu muốn là cậu. Cậu đi nhanh. Như xe hơi.

o0o

Boston. 22 tháng 7, 1975. Một đám cháy chung cư phát ra trên Đường Marlborough. Đứng trên thang thoát hiểm ở tầng năm của tòa nhà, đợi thang cứu hộ của xe cứu hỏa, là Diana Bryan, 19 tuổi, và con gái 2 tuổi của cô, Tiare Jones. Trước khi thang cứu hộ có thể với tới họ, thang thoát hiểm sụp đổ. Lúc ấy, Stanley Forman, một phóng viên hình ảnh chuyên về hỏa hoạn ở Boston, nâng chiếc máy hình từ chỗ đứng trên đường và chụp được cảnh hai mẹ con đang rơi. Sau đó Bryan chết vì thương tích, trong khi Jones, ngã xuống trên người của mẹ mình, sống sót. Tấm hình của Forman sau đó thắng giải Pulitzer mục Nhiếp Ảnh Tin Tức và giải Tấm hình Trong Năm của World Press.

Trong tấm hình, Bryan rơi chúc đầu xuống. Phía sau cô là con gái của cô rơi thẳng. Chân tay họ vung vãi, nhòa đi vì trọng lực. Có những chậu cây rơi cùng với họ. Những miểng sắt của thang thoát hiểm treo lởm chởm trên tòa nhà. Đấy là một tấm hình với sự bức thiết và khiếp sợ não lòng, tấm hình chụp một người đàn bà trước cái chết của cô. Tôi tự hỏi sự mê hoặc của tấm hình phải chăng chỉ là vì cái chết, hay có thể cũng vì sự thất bại của một thiết bị dùng để ngăn ngừa cái chết. Rằng người ta thực có thể thoát hỏa hoạn mà vẫn chết vì phương tiện thoát nạn. Rằng ý niệm cuối cùng của chúng ta về an toàn, kế hoạch B, phòng-khi-lỡ-ra, đã thực sự đổ vỡ khi chúng ta cần đến nó nhất. Trong một khía cạnh nào đó, tấm hình cho thấy rõ ràng điều chúng ta không phải lúc nào cũng có thể nói với nhau mà không sợ “làm mất hứng”: Tôi bị nguy hiểm ngay cả lúc tôi lẽ ra phải an toàn.

Tôi nghĩ đến những chậu cây. Tôi nghĩ đến Diana đặt những cuộc sống xanh vào lòng đất mới và để chúng trên thang thoát hiểm của mình. Cô chắc vui lắm khi làm không gian của mình đẹp hơn chút nữa. Cũng như tôi gắng sức làm mọi điều đẹp hơn (dễ chịu đựng hơn?) chút nữa.Tôi nghĩ đến nỗi khó khăn khi trực tiếp đối diện, nói đến sự sụp đổ với người khác. Tôi nghĩ đến cậu tôi trong quán cà phê. Hẳn cậu phải cảm thấy mờ mị đến thế nào—rơi thẳng xuống như thế và không nói ra được. Làm sao chúng ta lại ở trong một văn hóa cấm kỵ nói chuyện không vui? Chúng ta nói, Nói chuyện khác đi, chuyện gì vui hơn. Chúng ta nói Chuyện này nói sau. Thôi đi mà, đừng nói lúc này, đừng nói trong bữa ăn.

Wittgenstein nói giới hạn ngôn ngữ của tôi tức là giới hạn thế giới của tôi. Nếu chúng ta tiếp tục kiểm duyệt những đối thoại trọng yếu nhất của chúng ta, thế giới của chúng ta chỉ có thể thu nhỏ lại. Bài thơ không cần được mời vào bữa ăn của ai cả. Nó nói với ai muốn nghe, ai cần nghe. Nhưng đa phần chúng tránh né những câu trả lời dễ dàng, những kết thúc giản tiện, giới hạn và còi cọc. Có thể điều bài thơ làm được chỉ là nhắc chúng ta rằng chúng ta không cô độc—trong cảm xúc của chúng ta. Có thể đấy chẳng là gì cả. Và có thể đấy là quá đủ. Dù thế, không có cách nào biết được gặp gỡ với thơ có thể cứu mạng của cậu tôi không. Có lẽ có. Và có lẽ không. Nhưng tôi ước gì tôi đã tìm ra cách chia sẻ với cậu thường xuyên hơn, có can đảm đối thoại trong tầng số không hạn chế và bức thiết ấy. Rằng chúng ta có thể tin cậy kể cho nhau nghe những yếu đuối của mình vì chúng ta biết, làm người tức là chúng ta đã phần nào đổ bểõ. Tôi chưa bao giờ có thể giải thích cho cậu việc làm thực sự của mình—với thơ và chữ nghĩa. Gia đình tôi gọi tôi là học giả vì học giả được kính nể ở Việt Nam. Đã mất mát quá nhiều, họ tha thiết muốn một điều gì để hãnh diện. Làm sao tôi có thể nói cho họ biết tôi mất nhiều giờ, nhiều tháng viết những bài thơ sẽ rất ít người đọc—và việc ấy chẳng được bao nhiêu tiền bạc? Tôi do dự không nói rõ về chuyện viết lách của tôi, e rằng làm thế sẽ vấy bẩn hình ảnh trọng vọng họ có về tôi. Mấy nhà khác hy sinh tất cả cho mấy luật sư! Cậu tôi sẽ nói thế trong những cuộc họp mặt gia đình, tay cầm chai Heineken và mặt cậu đỏ hồng vui thích. Nhưng chúng ta, chúng ta hy sinh cho một học giả. Chúng ta có thể nghèo, nhưng chúng ta sẽ sống mãi trong sách vở!


o0o

Có một thế giới khác. Nhưng nó nằm trong thế giới này.
 -Paul Eluard

o0o

Tôi nói đến thơ chỉ vì đó là môi trường thân mật nhất của tôi. Nhưng điều tôi muốn nói là mọi thể loại nghệ thuật, nếu muốn, có thể tạo không gian cho sự truyền đạt cần thiết nhất của chúng ta. Nhân vật trong truyện, nét cọ trên tranh, sự bức thiết được biểu tả, bức tượng Madonna làm bằng hạt thức ăn của chim, bị rỉa mất một phần và thu hẹp thành một dải vàng úa trong mưa. Tôi muốn tin có những điều chúng ta có thể nói mà không cần ngôn ngữ. Tôi nghĩ đó là không gian của thang thoát hiểm, một không gian không bị rào chắn bởi thể loại hoặc giới hạn vật chất hoặc dụng cụ của nghệ sĩ. Một khoảng không gian hoàn toàn của tiềm năng, khả năng, nơi những ước muốn của chúng ta, những mê đắm lạ lùng và vô số của chúng ta có thể, dù ngắn ngủi thế nào mặc lòng, vẫn chưa định hình và đối kháng sự ruỗng mục gây ra bởi thế giới lý lẽ.

Tuy nhiên, vào lúc đại chúng dường như không ngớt chất vấn quyền năng và hiệu lực của nghệ thuật, nhất là của thơ, nhu cầu của nó, mục đích của nó, trong một thế hệ cuồng say với những thứ bề ngoài, với những hàng chữ cập nhật trạng thái và những tấm hình tươi cười tự chụp (được chỉnh sửa?) trong ánh sáng rạng rỡ của những ống kính chỉnh lọc, trong môi trường càng lúc càng khó để chúng ta nói nên lời với nhau: Tôi đau đớn. Tôi sợ hãi. Chuyện gì sẽ xảy ra? Bài thơ, như thang thoát hiểm, yếu ớt và mỏng manh như thế, đã trở thành kiến trúc phòng vệ cô đọng nhất của tôi. Nơi tôi có thể chân thành như tôi cần chân thành—vì lửa đã bắt đầu cháy trong nhà của tôi, đang nuốt dần những sở hữu giá trị nhất của tôi—ngay cả những người thân của tôi. Cậu tôi đã mất. Tôi sẽ không bao giờ biết lý do thực sự. Nhưng tôi vẫn còn thân thể tôi và với thân thể ấy tôi còn những chữ này, gõ nện thành một cấu trúc vừa đủ rộng để chứa sức nặng của đời sống tôi. Tôi muốn dùng nó để nói về những đam mê và sợ hãi, những niềm vui lạ lùng và lạ đời của mình. Tôi muốn rời cuộc vui bằng cửa sổ và tìm thấy cậu tôi đứng trên một miếng sắt với hình dáng tuyệt vọng hiển hình, hẳn đó cũng là khởi đầu của hy vọng hiển hình (làm sao không được!) . Tôi muốn ở lại đó cho đến khi tòa nhà cháy rụi. Tôi muốn yêu nhiều hơn cái chết có thể gây hại. Và tôi muốn thường xuyên nói với bạn rằng: Cho dù chúng ta là con người và rất hoảng sợ, ở đây, đứng trên cầu thang chưa hoàn thành không dẫn đến đâu và đến mọi nơi, chung quanh là màn đêm mù mịt không trăng sao—chúng ta vẫn có thể sống. Và chúng ta sẽ sống.

Ocean Vương

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cho tới Tết Nguyên Đán năm ĐINH DẬU này, đã qua hơn hai mươi mùa xuân, người viết vẫn chung thủy cùng bạn đọc, cùng Việt Báo để mỗi năm cống hiến một bài viết về Võ đạo, Võ học và Võ thuật.
Tết là pháo, là câu đối, là bánh chưng, dưa hành, nhưng còn một điều không thể thiếu trong mấy ngày Tết - là cờ bạc.
Lê Thương, một nhạc sĩ tài ba, một vị thầy giáo tài giỏi, đức độ, một người nặng lòng với nước non, một nghệ sĩ lãng mạn với tâm hồn bay bổng thanh cao.
Nhưng khi chuyển sang tiếng Việt, dường như bài thơ mất đi cái không khí lạ lẫm của sự so sánh và liên tưởng giữa họa sĩ và thi sĩ, giữa họa và thơ.
Buổi trưa này thuộc vào mùa gì nhỉ, anh lẩm nhẩm tính toán. Vâng đầu mùa xuân.
Cuối tháng tư 75, Cộng quân chiếm miền Nam, coi giáo sư biệt phái là thành phần khả nghi, có tội như các sĩ quan hiện dịch.
Khi có ý định phiêu lưu du lịch Cuba, một cảm giác hồi hộp lạ lùng dấy lên trong chúng tôi.
ngồi bó gối tự hỏi – Bao giờ? Bao giờ?
K bỏ ống nghe xuống, hình như cố nín thở. Không bận tâm quay lại phía tôi, cô nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ, búi tóc to sau gáy treo lửng lơ, cũng tựa như kiểu cô đang lơ lửng đâu đó.
Đã qua rồi, thuở thần tiên!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.