Hôm nay,  

Nhớ Bạc Liêu

11/28/200600:00:00(View: 5862)

Nhớ Bạc Liêu, Cà Mau Xưa Qua Các Câu Thơ Và Ca Dao

Một số vùng hoặc tỉnh miền ĐN-CL có tên do nguồn gốc nhiều thứ tiếng như tiếng Triều Châu (vì vùng đó do người Triều châu đến cư trú trước với sự chấp thuận của vua Nguyễn và vua Chân Lạp)  tiếng Cam Bốt, (vì vùng đó trước khi người VN làm chủ, thuộc về xứ Chân Lạp (tên cũ của Cam Bốt ngày nay).  Đó là trường hợp của các địa danh như Bạc Liêu, Cà Mau v.v.

* Bạc Liêu

Địa  danh Bạc Liêu có nguyên ngữ Triều Châu là Pô-Léo, có nghĩa là xóm nghèo (Quách ngọc Vân).  Nhưng khi hai chữ Pô-Léo được viết bằng chữ Tàu (Hán tự), các nhà nho đọc hai chữ trên là "Bạc Liêu" theo âm Hán Việt.  Hai chữ Bạc Liêu tự nó không có nghĩa gì cả, vì chỉ là cái âm của chữ Pô-Léo mà thôi. Ở Bạc Liêu có rất nhiều người Việt gốc Triều Châu (TC: chúng ta thường gọi nôm na là người Tiều) cư trú lẫn lộn với người Việt và người Cam Bốt.  Hai câu ca dao dưới đây nói rõ sự kiện nầy:

Bạc Liêu nước chảy lờ đờ,

Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu. 

Hoặc là: 

Bạc Liêu là xứ cơ cầu, 

Dưới sông cá chốt, Triều Châu trên bờ.

Ngoài ra trong ca dao còn dùng cả những tiếng Tiều và tiếng Quảng Đông đã được Việt Nam hóa:

Gió đưa chú  "tửng" từng tưng

Gặp chị bán gừng "na nả" chị ơi (Nguyễn Trúc Phương/ NTP)

(TC: "tửng" = đứa bé.  Một số gia đình dùng chữ nầy để đặt tên ngoài cho con;  Quảng Đông:"na nả" có lẽ là do chữ  "nải nải"  = bà chủ lớn, mà ra.  Trong câu ca dao nầy chắc là tác giả dùng "nải nải"  theo nghĩa châm biếm.)

Hoặc:  

Chờ anh cho hết sức chờ

Chờ cho "ến xại" lên bờ "khui hui" (NTP)

(TC: "ến xại" = rau muống;  "khui hui" = trổ bông

Có người đã dùng địa danh Bạc Liêu để làm câu mở đầu cho lời than thở:

Gió thổi hiu hiu, Bạc Liêu kia hỡi

Lòng sầu nầy biết gởi cho ai

Thi sĩ Trần Quan có câu thơ sau đây về Bạc Liêu:

Nhan khói tỏa địa linh Tiên Sư Miếu

Thuyền đuôi tôm xuôi ngược dưới Cầu Quây

Mưa đêm buông văng vãng tiếng đờn ai

Điệu Vọng Cổ nỗi buồn người chinh phụ.

Bạc Liêu là nơi xuất xứ của bản Vọng Cổ, mà tên cũ là" Dạ Cổ Hoài Lang"* (DCHL).  Bản ca nầy bắt đầu bằng những lời ca sau:   

"Từ là từ phu tướng,  

Bảo kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra vốn trong tin nhạn,

Năm (ơ) canh mơ (ơ) màng

Em luống trông tin chàng,

Ôi gan vàng quặn đau … ý a.

(* Đây là 4 chữ Hán-Việt:  Dạ= đêm,  Cổ=trống,  Hoài = tưởng nhớ,  Lang=

chồng;  cả 4 chữ rút gọn trên có nghĩa "đêm nghe tiếng trống nhớ mong chồng".   Bản DCHL đã được những nhạc sĩ  đàn em của ông Sáu Lầu sửa lại nhiều lần và trở thành bản Vọng Cổ hiện tại. Tác giả bản Vọng cổ là nhạc sĩ Cao Văn Lầu, biệt danh Ông Sáu Lầu. Ông là người gốc Tân An, nhưng đã nổi danh ở Bạc Liêu.

Nhưng tại sao bài ca nầy có tên như vậy"  Ông Nguyễn Trung Tín (NTT)  đã giúp chúng ta câu trả lời qua bài " Nhạc sĩ Cao Văn Lầu: Điều còn chưa biết".  Bài nầy khá dài với nhiều chi tiết rất đặc biệt.  Tôi xin tóm lượt bài trên để chúng ta cùng học thêm về nguồn gốc của bài vọng cổ.  

Theo tác giả NTT,  ông Sáu Lầu là con của ông Chín Giỏi.  Lúc nhỏ ông Sáu đã được nhà sư trụ trì chùa Vĩnh Phước nhận làm đệ tử và dạy chữ nho (Hán).  Sau một năm ông trở về nhà và sau khi học hết chương trình tiểu học, ông Sáu thôi học vì gia cảnh cha mẹ quá túng thiếu.  Ban ngày ông đi bắt cua để giúp đỡ gia đình.  Nhưng hàng đêm ông theo học đờn với thầy Lê tài Khí biệt danh "Nhạc Khị".  Trong suốt nhiều năm nầy, thanh niên Sáu Lầu và con gái của thầy, cô Hai Thân, rất thích nhau.  Nhưng vì quá nghèo, không đủ tiền cưới hỏi nên Sáu Lầu chỉ còn có thể nhìn nàng trong ngày cưới. "Ban nhạc Bạc Liêu đã chơi một đêm khiến cho những người được nghe phải nhớ đời, nhứt là tiếng đàn tranh như có ma lực của Sáu Lầu." (lúc nầy thanh niên Sáu Lầu đã được thầy Nhạc Khị cho điều khiển ban nhạc Bạc Liêu nhờ có năng khiếu về âm nhạc lại chuyên cần học tập.)

Mấy năm sau, thanh niên Sáu Lầu đã vâng lệnh cha mẹ cưới một người con gái nhà nghèo, cô Trần Thị Tấn.   Sau nhiều năm chung sống trong hoàn cảnh nghèo nàn, nhứt là sau vài năm cùng nhau cơ cực trong việc khẩn hoang để làm ruộng, nhưng thất bại, cặp vợ chồng son Tấn-Lầu càng yêu nhau tha thiết hơn.  Nhưng có điều không may là cô Tấn  cho tới lúc đó không có con.  Mẹ chồng cô không vui về việc nầy, ép Sáu Lầu trả vợ về cho nhà vợ.  Cuộc tình nghèo đẹp đẽ trở thành cuộc tình chia cách vì hoàn cảnh gia đình.  Xa cách và nhớ nhung khiến thanh niên Sáu lầu nhiều đêm thao thức nhớ thương người vợ hiền.  Sáu Lầu cũng biết rõ ràng rằng vợ mình cũng buồn bực, khóc lóc, biếng ăn, nhớ thương chồng rai rức. Đêm đêm không ngủ được, ông nghe tiếng trống điểm canh và biết vợ đang hướng về mình mong nhớ.  Sáu Lầu mượn hình ảnh của người chinh phụ ngày xưa, nhớ chồng khi chồng phải ra đi làm việc ở phương xa,  và viết nên bài "dạ cổ hoài lang" =  đêm nghe tiếng trống , nhớ mong chồng.

(Bà già vợ ông, khi thấy con gái mình biếng ăn mất ngủ thương nhớ chồng nhưng lại phải xa, đã bí mật tìm cách cho hai người sống gần nhau trong cảnh giấu giếm bà mẹ chồng.  Cơ may lại đến khi cô Tấn thọ thai.  Bà mẹ chồng hay tin, cho hai người sum họp trở lại.  Cặp vợ chồng Tấn -Lầu trở lại những ngày hạnh phúc bên nhau và sinh được con trai đầu lòng.  Sau đó hai người còn có thêm 4 trai và hai gái nữa. Họ sống hạnh phúc với các con và khi chết họ đã được con cháu chôn cạnh nhau.(Theo NTT)

Một câu chuyện tình lý thú và một bản ca, nhạc trở thành dân ca, ban đầu của miền Đồng Nai - Cửu Long và sau nầy là bản ca của cả nước Việt.

* Cà Mau

Cà Mau là một địa danh của miền cực Nam VN. Dân ta diễn tả chiều dài Bắc

Nam của VN qua câu "từ Ải Nam Quang cho đến  mũi Cà Mau".  Ngày xưa, trước khi người VN đến, vùng Cà Mau thuộc Thủy Chân Lạp và có tên là Tuk Khmau, có nghĩa là đất đen (Nguyễn Văn Hải).  Sau nầy dân ta chỉ dùng  từ Khmau và âm theo VN là Cà Mau.

Cho đến ngày nay, vùng Cà Mau là vùng tương đối ít được khai phá hơn các vùng khác vì khí hậu quá ẩm nóng và còn nhiều vùng sình lầy và rừng hoang.  Huống  chi sáu bảy chục năm về trước hay lâu hơn nữa.  Do đó khi con gái ở một tỉnh khác được (hay bị) gả về vùng Cà Mau thường có những lời than thở:

Má ơi đừng gả con xa

Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

Trên con đường khẩn hoang ngày xưa, những vùng xa xôi miệt Cà Mau là vùng có nhiều trở ngại, dù trên bờ hay dưới nước:

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,

Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma.

Vùng Cà Mau nổi danh có nhiều muỗi và nhiều đỉa, nhiều vùng sình lầy và có nhiều rừng cây đước.  Muỗi và đỉa, một bay trong không khí, một sống dưới bùn sình mà dân gian rất sợ vì cả hai đều hút máu người làm thực phẩm cho chúng, chưa kể đến bệnh có thể truyền nhiễm do sự hút máu gây ra.  Nổi tiếng nhất về nhiều muỗi và đỉa là vùng Cạnh Đền:

Xứ đâu hơn xứ Cạnh Đền

Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh.(Sơn Nam) 

Những người mẹ ĐN-CL thích gả con về "miệt vườn" hơn những nơi khác vì "miệt vườn" thường là vùng sung túc, có nhiều trái cây, rau cải, cuộc sống tương đối dễ dàng.  Ca dao có câu:

Mẹ mong gả thiếp về vườn

Ăn bông điên điển, dưa hường nấu canh

(có người ghi: Ăn bông bí luộc)

 Nhưng khi đã "thương" hay đã "chịu" lập gia đình với người con trai của vùng Cà Mau, là phải chịu theo chồng về sống ở "miệt rừng" có thể phải chịu khổ cực trăm điều:

Thương chồng phải lụy vì chồng

Đắng cay phải chịu mặn nồng phải theo (Sơn Nam).  Hoặc:

Lấy chồng thì phải theo chồng

Chồng đi hang rắn hang rồng cũng phải theo.

(hai câu sau cùng nầy không biết phải phát xuất từ vùng nầy không vì tánh chất có vẻ quá phổ quát của ý tưởng "theo chồng".) 

Nhưng theo chồng ở xứ xa, đôi khi nhớ cha nhớ mẹ muốn về thăm nhà lắm, nhứt là khi đến mùa điên điển nở bông:

Theo chồng về chốn bưng biền

Thấy bông điên điển nghiêng mình nhớ quê

Lấy chồng xa rất khó về

Hết mùa điên điển, đường quê còn dài.

Hoặc:  

Cảm thương tình nghĩa vợ chồng,

Thấy bông điên điển khiến lòng nhớ thương.

Một đặc điểm khác là vùng Cà Mau có nhiều địa danh với hai chữ "ông" hoặc "bà" đứng đầu, và cũng có nhiều địa danh có chữ "rạch" đứng trước như các địa danh ở tỉnh Bến Tre.  Một vài ghi nhận sau đây cho thấy sự kiện vừa nói:

Quận Hải Yến có những vùng như: Bà Bèo, Bà Độ Ôm, Bà Hính, Bà Kẹo, Nàng Âm.

Quận Năm Căn có vùng mang tên: Bà Thanh, Bà Điều, Ông Nho, Ông Do, Ông Định, Ông Như,  Ông Quyền, Ông Trang.

Quận Sông Ông Đốc có các địa danh:  Ông Bích, Ông Muộn,  Ông Tự. 

Về rạch, Cà Mau có các rạch sau: Rạch Bù Mắt (đọc trại chữ "bọ mắt" ; bọ mắt là tên một loại động vật nhỏ như con bọ chét, sống ở nơi ẩm ướt, thích cắn da người, làm ngứa ngáy rất khó chịu), Rạch Dừa Nước, Rạch Chim, Rạch Đầm Dơi, Rạch Dòng Ke, Rạch Kỳ Đa, Rạch Nóng Kè v.v. (Nguyễn Văn Hải) 

Thêm Một Vài Câu Hát Ru Em Phổ Quát Vùng ĐN-CL

Sau đây là một số những câu hát ru em khác do các bạn già ghi chép lại, nhiều câu ghi tên các loại tôm, cá, cây hay đặc sản miền ĐN-CL.  (Tuy nhiên cũng có vài câu có tính chất tổng quát, có thể đã phát xuất từ miền Bắc hay miền Trung; có lẽ các câu đó đã theo đoàn người vào Nam lập nghiệp từ nhiều đời trước và đã truyền lại cho những thế hệ sau, thí dụ như 6 câu sau cùng của đoạn nầy**.)

Ví dầu cá bóng hai hang,

Cá trê hai ngạnh tôm càng hai râu,

Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,

Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già. . .

Ví dầu cầu váng đóng đinh,

Cầu tre lắc lẻo gặp gình khó đi,

Khó đi mượn chén ăn cơm.

Mượn ly uống rượu mượn đờn kéo chơi.

Ví dầu ví dẩu ví dâu,

Ăn trộm hái bầu ăn cướp bắt trâu,

Cướp bắt trâu đành rầu đành chịu, 

Trộm hái bầu vừa níu vừa la. . .

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,

Về sông ăn cá về giồng ăn dưa. . .

Muốn ăn bông súng mắm kho,

Hãy về Đồng Tháp ăn no đã thèm. . .

Chanh chua thời khế cũng chua,

Chanh chín có mùa khế chín quanh năm. . .

Ví dầu tình bậu muốn thôi,

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra,

Bậu ra bậu lấy ông câu,

Bậu câu cá bóng chặt đầu kho tiêu,

Kho tiêu kho ớt kho hành,

Thêm ba lượng thịt để dành bậu ăn. 

Hoặc:     

(**Bảy với ba tính ra một chục,

Tam tứ lục tính lại cửu chương

Liệu bề đáp đặng thì thương,

Đừng gầy rồi bỏ thế thường cười chê. . . 

Lựu,  lê, bình bát, mảng cầu,

Bốn cây tứ quý anh sầu một cây.)

Có một bạn già, đọc qua điện thoại cho tôi mấy câu sau đây.  Tuy nhiên anh ta "báo động trước" với tôi rằng chắc chắn những câu nầy "ai đó"  mới đặt ra.  Anh ta nhận được các câu nầy qua e-mail, không biết tên người gởi vì tên người gởi y như ký hiệu;  cũng không thấy người gởi ghi tên tác giả.  Sau khi "save" thơ anh bạn già vô ý bấm lộn "icon" làm mất thơ và tên người gởi e-mail.  Tôi thấy các câu nầy cũng có vẻ "tiếu lâm" lại liên hệ đến Hậu Giang nên xin ghi lại đây bà con đọc cho vui.  Và cũng thành thật cảm ơn tác giả (không biết tên) có óc khôi hài.

Hò ơ . . Ai về ghé miệt Hậu giang,

Con gái ở đó nở nang khác thường

Mỗi khi mặc áo hở lườn, Hò ớ. .

Cụ già ngó thấy . .thì hết thấy đường đi luôn. . .

Hò ơ . . Thò tay anh ngắt cọng ngò,

Thấy em thay áo anh giả đò ngó lơ,

Bên ngoài giả bộ thờ ơ,    Hò ơ . .

Nước miếng anh chảy nãy giờ em biết không. . .

Hò ơ . .Người Hậu Giang đẹp thì nhờ lụa,

Lúa Đồng Tháp tốt thì nhờ phân

Thật ra chỉ đúng có một phần,

Chớ con gái Sông Hậu  thì phải, . .

Hò ơ . . .Con gái Sông Hậu thì phải ở trần mới xinh.

Một lần nữa, thành thật mong các bạn vừa có vài phút thoải mái qua những câu hát, câu hò, câu thơ bên trên của miền ĐN-CL.  Xin chúc các bạn và gia đình luôn được bình an khỏe mạnh.

Tài liệu tham khảo

A. Tài liệu truyền khẩu : Một số câu ca dao do các "bạn già"  cung cấp.

B.  Sách và Đặc San

Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (1970). Việt Nam Tự Điển.  Khai Trí xb., Saigon, VN.

Nguyễn Trọng Tín (2002).  "Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, điều còn chưa biết", Đặc San

Tiền Giang - Hậu Giang, CA, USA.

Nguyễn Trúc Phương (1970). Văn học bình dân. Khai Trí xb. Saigon, Việt Nam.

Nguyễn Văn Hải, (2003).  "Địa danh", Đặc San Tiền Giang - Hậu Giang, CA,USA.

Sơn Nam, ( 1967  ).    Hương Rừng Cà Mau, Nxb Lá Bối, Sài Gòn,VN. 

Trần Quan, (2003).  "Bạc Liêu quê tôi", Đặc San Tiền Giang - Hậu Giang, CA, USA.

Quách ngọc Vân, (2003).   "Bạc Liêu mến yêu", Đặc San Tiền Giang Hậu Giang, CA,  USA.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Chiều Chủ Nhật 21/5 vừa qua chương trình nhạc “Tôi vẽ đời em: dòng nhạc Trần Hải Sâm” đã diễn ra trên sân khấu Elizabeth A. Hangs tại Santa Clara Convention Center với sự tham dự của gần 700 khán giả yêu thích văn nghệ vùng San Jose, trung tâm sinh hoạt văn hoá của người Việt ở miền bắc California...
Trong hai thập niên (1954-1975) về lãnh vực âm nhạc ở miền Nam Việt Nam rất nhiều ca khúc ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng và sự ngưỡng mộ, biết ơn người lính VNCH...
Mẩu đối thoại trên là của chàng thanh niên 27 tuổi là Ralph White với nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975 của miền Nam Việt Nam trong cuốn hồi ký Thoát Khỏi Sài Gòn (Getting Out of Saigon) của ông vừa được nhà xuất bản Simon and Schuster phát hành...
Làm sao để có được cuộc sống bình an hạnh phúc là mối quan tâm, là điều ước mơ chính đáng của mọi người, Đông phương hay Tây phương, Bắc hay Nam, giàu hay nghèo, đều có giấc mơ chung đó. Sở dĩ chúng ta có cuộc sống không được bình an hạnh phúc là vì chúng ta có tầm nhìn sai, nhận thức sai, về cuộc sống hiện tại của chúng ta. Từ tầm nhìn sai lầm này, đã đưa chúng ta đến lối sống không đúng, không phù hợp với giá trị của thực tế của cuộc sống chúng ta đang có. Do đó đã gây ra lo âu, phiền não triền miên cho ta...
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
Nhắc đến GS Nguyễn Văn Sâm, người ta biết ông nhiều trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu di sản Hán-Nôm và văn học Nam Bộ hơn là nhà văn, nhà thơ. Điều này không phải do sáng tác của ông chưa chín, mà có lẽ chính sự đóng góp quá lớn của ông ở mảng khảo cứu, dịch thuật Hán-Nôm đã làm che khuất những tác phẩm văn chương giá trị của ông...
✱ CIA: Đỗ Mậu sẽ trở thành thủ tướng trong vài ngày tới - Khiêm tuyên bố mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát - sẽ thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn không cho sự việc diễn ra. ✱ BNG: Phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn thì quả quyết kêu gọi các nhân viên chính phủ gia nhập Đảng Đại Việt - Ông Hoàn đã nạp đơn từ chức vào ngày 13 tháng 5, đã được thông qua nhưng giữ bí mật việc từ chức trong ít nhất 48 giờ. ✱ Ông Đỗ Mậu/VNMLQHT: Họ nghi ngờ tôi có thể dựa vào lực lượng sinh viên và Phật tử để chống đối lại Hiến chương Vũng Tàu - họ muốn lợi dụng tên tuổi và uy tín của tôi nhưng vẫn e ngại - Từ đó, tôi ở vào tình trạng "quản thúc vô hạn định" trên thành phố đìu hiu này. ✱ ĐS Lodge: Số tiền 1 triệu đô la “ mệnh giá lớn nhất” trong chiếc cặp da của Tổng Thống Diệm, Đại sứ Lodge yêu cầu giữ kín kẻo làm mất hòa khí.
Đọc lịch sử, ta thấy bất cứ dòng họ vua chúa nước nào cũng thường trải qua một thời hưng thịnh ban đầu rồi dần dần suy tàn, nhường chỗ cho một triều đại mới. Những kẻ cướp ngôi hầu hết đều thuộc hạng bề tôi đã gây được thế lực đủ mạnh để lấn lướt nhà vua...
Hai mươi lăm truyện trong tập sách, ngoài những mảnh đời oái oăm của thế thái nhân tình trong đời sống xã hội hiện tại. Bạn và tôi còn đọc được những câu chuyện thú vị như: Vong Hồn Trên Sông, Đứa Con Phù Thủy, Đôi Mắt Tiền Kiếp, Hẹn Hò… Những câu chuyện có tính cách hoang đường, ma mị, xảy ra ở một quận lỵ heo hút nào đó của tỉnh Quảng Trị, nơi tác giả sinh ra và đã có một thời thơ ấu êm đềm...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.