Hôm nay,  

Việt Nam: DN NN - Ổ Ăn Hại

10/20/200600:00:00(View: 23281)

Việt Nam: Doanh Nghiệp Nhà Nước - Ổ Ăn Hại

* 5 Năm Sau Nghị Quyết 3 Khoá IX Tình Hình Càng Tồi Tệ Hơn

Hoa Thịnh Đốn.- Nói đến Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của Việt Nam thì nên hiểu đó là nơi để cán bộ Đảng ăn hút  trên mồ hôi, nước mắt của nhân dân và rút ruột ngân sách nhà nước.

Bài viết của Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, trên báo Nhân Dân, Cơ quan ngôn luận của đảng CSVN,  ngày 06-10 (2006)  đã nói lên điều đó: “Trong quá trình sắp xếp, CPH DNNN (Cổ phần hoá Doanh nghiệp Nhà nước) từ 2002 đến nay, các DNNN đã được xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước với tổng số tiền là 314,91 tỷ đồng; xử lý nợ đọng hơn 19 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là bằng biện pháp thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro của ngân hàng. Trong số DN đã CPH, có khoảng 2.000 DN có nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị DN. Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ của 1.222 DN với giá trị 1.411 tỷ đồng. Công ty đã xử lý nợ và tài sản cho 331 DN, với tổng giá trị là 390 tỷ đồng; giá trị thu hồi là 125 tỷ đồng.”

Báo cáo của Dũng cho thấy phần lớn các Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ,nợ nần như chúa chổm mà vẫn tồn tại trong nhiều năm vì được Nhà nước bao che và cấp dưỡng. Nhưng tiền nuôi các loại Doanh nghiệp ăn hại này lại là  tiền đóng thuế và công sức lao động của dân. Đảng và nhà nước cũng chỉ sống bằng tiền của dân làm ra để cho  Chính phủ bỏ vào ngân sách  nên việc nhà nước tự ý lấy tiền này nuôi  cán bộ, đảng viên trong các Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ mà dân không ngăn chận được là bóc lột dân.

Làm việc này Chính phủ cũng đã  tự  ý “rút ruột ngân sách” mà không bị trừng phạt nên cơ chế  đã có thói quen  “Xin Cho” ăn sâu, mọc rễ và tồn tại trong nhiều lĩnh vực.

Kể từ sau Đại hội X,  đảng  hứa chấm dứt “xin cho” vì một khi Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organiozation), dự trù từ nay đến cuối năm 2006, thì các doanh nghiệp trong nước, tư nhân cũng như nhà nước phải hoạt động bình đẳng với các công ty nước ngoài và hàng hoá nước ngoài nhập vào Việt Nam.

Tỷ dụ như hàng may dệt, giầy dép, cá tôm xuất khẩu thì  Chính phủ Việt Nam không được “trợ cấp” để giúp  các công ty trong nước không thua lỗ khi bán hàng cùng loại  với gía rẻ hơn hàng của các nước trong WTO.  Làm ngược lại là cạnh tranh bất xứng và sẽ bị  kiện trước WTO.

Vì vậy Việt Nam đang thu xếp để cổ phần hoá  những Doanh nghiệp còn có khả năng tồn tại  hay  dẹp bỏ những công ty làm ăn thua lỗ để hội nhập. Dũng cho biết : “Đến hết tháng 8-2006, cả nước đã sắp xếp 4.447 DN, trong đó, CPH 3.060 DN. Riêng từ năm 2001 đến nay, đã sắp xếp 3.830 DNNN (bằng gần 68% số DNNN có vào đầu năm 2001); trong đó, CPH 2.472 DN; giao 178 DN; bán 107 DN; khoán, cho thuê 29 DN; sáp nhập, hợp nhất 459 DN; giải thể, phá sản 214 DN; các hình thức khác 371 DN.” 

TRUYỆN DÀI DNNN

Theo tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam (TBKTVN)  ngày 10-10 (06) thì  hiện nay “Cả nước còn 2.176 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước với tổng số vốn Nhà nước gần 260 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 1.546 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, 355 doanh nghiệp quốc phòng an ninh và sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và 295 nông, lâm trường quốc doanh.”

Báo này cũng cho biết  Nhà nước dự  tính: “Từ nay đến hết năm 2010 sẽ cổ phần hoá khoảng 1.500 doanh nghiệp (riêng các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành trong năm 2008), trong đó, năm 2007 phải cổ phần hoá 550 doanh nghiệp (có khoảng 20 tổng công ty), số còn lại sẽ thực hiện trong các năm 2008- 2009, một số công ty và số ít doanh nghiệp chưa cổ phần hoá được sẽ thực hiện trong năm 2010.”

 Vẫn theo tờ TBKTVN  thì: “Như vậy, đến cuối năm 2010, cả nước sẽ chỉ còn 554 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trong đó có 26 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn; 178 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thiết yếu; 200 nông, lâm trường; 150 doanh nghiệp thành viên các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.”

Nhưng những con số không giải đáp được bài toán tại sao Doanh nghiệp Nhà nước cứ thua lỗ đều đều mà vẫn được đảng nuôi ăn"

Một bài báo trên tờ Lao Động được tờ TBKTVN đăng lại ngày 01-09 (2006) đã trả lời cho thắc mắc này. Bài báo viết: “Dư luận bàn khá nhiều về sự kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước ở ta. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa qua cho thấy doanh nghiệp Nhà nước rất kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ kéo dài, 4/19 đơn vị được kiểm toán kinh doanh thua lỗ trong năm 2004; 11/19 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng lỗ luỹ kế đến hết 2004 là 1.058 tỉ đồng.”

 “Tỉ suất lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp được kiểm toán rất thấp (từ 0,18% đến 0,8%) trong đó có các tập đoàn có vẻ rất mạnh như Công nghiệp tàu thuỷ 0,42%, Dệt may 0,8%...”

 “Báo cáo các năm trước cũng đã cho thấy tình hình tương tự, có tổng công ty đã hoàn toàn mất hết vốn mà vẫn không trả được các khoản nợ như Seaprodex, con át chủ bài thuỷ sản một thời. Toà án tỉnh Lâm Đồng vừa tuyên bố 5 thành viên của Tổng công ty Dâu Tơ Tằm Việt Nam phá sản…”

Báo  Lao Động hỏi: “Vì sao các doanh nghiệp Nhà nước ở ta lại kém hiệu quả đến vậy"”

Theo Báo này thì “Có nhiều nguyên nhân”, nhưng chủ yếu tập trung vào 3 điểm:

Thứ nhất,  Doanh nghiệp nhà nước là “của chung” nên không có chủ, không ai chịu trách nhiệm hoặc chỉ biết đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Bài báo khuyến cáo: “Lẽ ra Nhà nước không nên quá nhấn mạnh tính "toàn dân" của doanh nghiệp Nhà nước, mà nên thực sự coi nó là của mình, của tổ chức nhà nước. Song trong mọi trường hợp khuyến khích của chủ sở hữu là không mạnh như của tư nhân….Nhà nước nên bán các doanh nghiệp của mình với giá hợp lý để tăng tính hiệu quả của nền kinh tế và như thế là tăng sức cạnh tranh của quốc gia.”

Thứ hai,  theo Lao Động: “Nhà nước vẫn ứng xử theo cách ưu ái, không buộc doanh nghiệp Nhà nước vào kỷ luật tài chính nghiêm ngặt.”

Tác giả bài báo còn trách Chính phủ  đã dành cho Doanh nghiệp Nhà nước nhiều “biện pháp ưu tiên, bao cấp, miễn thuế, tín dụng dễ dãi, hay dung thứ việc chây ỳ thuế, dây dưa trả nợ.”

Thứ ba, theo Lao Động thì: “Môi trường cạnh tranh không bình đẳng, quản lý kém. doanh nghiệp Nhà nước vẫn được ưu tiên một cách công khai không giấu giếm, thậm chí việc ấy được coi là quốc sách, trước kia còn có các luật riêng điều tiết chúng.”

Ngoài những vấn đề nổi cộm khó hiểu của các Doanh nghiệp Nhà nước,  người dân đóng thuế còn không được quyền giám sát sinh hoạt của các doanh nghiệp  nên không biết chúng làm ăn ra sao.

Báo Tuổi Trẻ vừa khuyến cáo Chính phủ: “Công khai báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp Nhà nước là một trong những cơ sở quan trọng để người dân, với tư cách là người đóng thuế, ngoài việc biết được tiền thuế của mình đã được Chính phủ sử dụng như thế nào, còn có thể giám sát hoạt động kinh doanh và sử dụng tài sản nhà nước, cũng như tham gia góp ý các vấn đề mang tính quốc sách cho nước nhà.”

 “Sau khi lần đầu tiên công khai báo cáo kiểm toán nhà nước, người dân mới biết chính xác con số không nhỏ các tập đoàn và tổng công ty lớn có kết quả tài chính vô cùng tệ hại. Và đứng trước sức ép của công luận, Chính phủ đã phải yêu cầu dừng lại chủ trương cho phép một số tổng công ty và tập đoàn tiếp tục vay nợ nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu quốc tế.”  (Thời báo Kinh tế Việt Nam trích đăng lại ngày14-10-2006)

Như vậy liệu báo cáo của Nguyễn Tấn Dũng có đáng tin cậy hay không"

QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Cách đây 5 năm, Hội nghị kỳ 3 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khoá IX đã có nhận xét về những bất cập của Doanh nghiệp Nhà nước: “...Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước cũng còn những mặt hạn chế, yếu kém, có mặt rất nghiêm trọng như: quy mô còn nhỏ, cơ cấu còn nhiều bất hợp lý, chưa thật tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt; nhìn chung, trình độ công nghệ còn lạc hậu, quản lý còn yếu kém, chưa thực sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh; kết quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với các nguồn lực đã có và sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước; hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, nợ không có khả năng thanh toán tăng lên, lao động thiếu việc làm và dôi dư còn lớn. Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước đang đứng trước thách thức gay gắt của yêu cầu đổi mới, phát triển và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.”

 “Những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan: chưa có sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, về yêu cầu và giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; nhiều vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau nhưng chưa được tổng kết thực tiễn để kết luận. Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém, vướng mắc; cải cách hành chính chậm. Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, còn nhiều điểm chưa phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ và người lao động trong doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; một bộ phận cán bộ doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực và phẩm chất. Sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ đối với việc đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nhiệm vụ quan trọng và phức tạp này. Tổ chức và phương thức hoạt động của Đảng tại doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới…”

Năm năm sau, Nguyễn Tấn Dũng báo cáo về điều được gọi là  “Những hạn chế” trong bài báo trong tờ Nhân Dân ngày 06-10 (06): 

1. Quy mô DNNN vẫn chưa lớn, còn nhiều DN hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối. Không ít tỉnh, thành phố chưa kiên quyết trong CPH, còn để nhiều DNNN hoạt động kinh doanh; một số nơi chưa sắp xếp thu gọn đầu mối các DN hoạt động trong lĩnh vực thủy nông. Số lượng DN tham gia nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích còn nhiều, đặc biệt là khối an ninh, quốc phòng. Nhiều đơn vị tỷ trọng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thấp, tỷ trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh lớn nhưng vẫn tiếp tục duy trì DNNN. Việc sắp xếp các nông, lâm trường còn chậm và lúng túng.

Trình độ công nghệ của DNNN còn lạc hậu; một số DN còn sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiên liệu, năng lượng cao. Nhiều DNNN năng suất lao động và hiệu quả hoạt động còn thấp, sức cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế; còn khoảng 15% số DN làm ăn thua lỗ.

2. Tỷ lệ nợ trên vốn của DNNN còn quá cao, một số công ty có số nợ phải trả gấp năm lần vốn nhà nước tại công ty, có công ty vay gấp hơn 20 lần vốn, dẫn đến độ rủi ro cao, khả năng thanh toán nợ thấp.

Việc xử lý các tồn tại về tài chính còn chậm do nhiều nguyên nhân nhưng chưa được khắc phục.

3. Cơ chế quản lý DNNN còn nhiều bất cập từ quyền tự chủ tuyển chọn nhân sự, điều hành DN, đến tài chính, giá cả, tiền lương... Tổ chức quản lý trong DNNN chuyển biến còn chậm. Nhiều DNNN và DN CPH chưa có điều kiện thay đổi cơ bản quản trị công ty một phần do Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn trong các DN CPH. Một số tổng công ty nhà nước chưa phát huy được vai trò chi phối trong ngành, lĩnh vực hoạt động. Một số công ty hoạt động còn kém hiệu quả. Ở nhiều tổng công ty giữa Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc chưa có sự thống nhất trong quản lý, điều hành DN.

4. Kết quả sản xuất, kinh doanh của DNNN nói chung và tổng công ty nhà nước nói riêng chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước.

5. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước còn chậm. Một số địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Kiên Giang...) vì để tránh việc chuyển giao, đã chuyển phần vốn nhà nước đầu tư tại các DN này cho các DN khác quản lý.

6. Vấn đề hậu CPH chưa được quan tâm đúng mức; sự hiểu biết pháp luật về công ty cổ phần còn hạn chế, cho nên, có nơi chưa phát huy quyền làm chủ của cổ đông và người lao động, ngược lại có nơi lạm dụng quy định của pháp luật gây khó khăn cho quản lý của Hội đồng quản trị, điều hành của giám đốc.

7. Vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và lợi ích của người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DNNN CPH chưa được quy định đầy đủ, nên còn lúng túng.

8. Các mô hình tổ chức quản lý mới triển khai còn chậm, ở một số tổng công ty nhà nước chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con vẫn còn duy trì biện pháp quản lý hành chính đối với các công ty con như giao chỉ tiêu kế hoạch, thu phí quản lý...” 

Theo lớI Dũng thì: “Nguyên nhân của những hạn chế là do: một số bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước chưa quán triệt sâu sắc và nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước. Thiếu chương trình, kế hoạch cụ thể, chưa tích cực sâu sát trong chỉ đạo thực hiện. Chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DNNN sau CPH cũng làm ảnh hưởng tới việc đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN. Mặt khác, trên thực tế DNNN còn được ưu đãi hơn, nên không ít DN do dự chần chừ chưa muốn CPH.”

Như vậy thì còn gì là “thể thống lãnh đạo” hay “quốc gia” nữa" Hình ảnh Dũng trưng ra về việc cán bộ các cấp có trách nhiệm điều hành các DNNN hay Cổ phần hóa đều thuộc loại “trên bảo dưới không nghe” hay “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” để trục lợi cho cá nhân, phe phái, độc tài, đảng trị. Thậm chí có kẻ lại chống lại chủ trương Cổ phần hóa để tiếp tục hưởng lợi, nếu cứ giữ nguyên cơ chế “cha chung không ai khóc” của Doanh nghiệp Nhà nước!

Làm ăn lăng nhăng như thế thì Doanh nghiệp Nhà nước hay các Tổng Công ty sẽ đưa nền kinh tế “thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa”  của Việt Nam đi về đâu hay chỉ làm cho dân nghèo, nước mạt thêm trong bình minh hội nhập tòan cầu"

Vậy mà những “tư tưởng lớn” trong Đảng và Nhà nước vẫn lý luận cù nhầy rằng Doanh nghiệp Nhà nước phải nắm vai chủ đạo của nền kinh tế do Đảng lãnh đạo để “quá độ lên Xã hộI Chủ nghĩa”.

Trên Tạp chí Cộng sản số 6 năm 2002, Tô Huy Rứa, khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Hải Phòng dã viết: “Chúng ta đều biết "Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế". Nền chính trị của Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm đưa nước ta tiến lên CNXH, thực hiện "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Các doanh nghiệp của nước ta, trước hết là DNNN cũng phải phục vụ cho nhiệm vụ này.”

Rứa viết như thế để chống lại  những ý kiến yêu cầu đảng bỏ các DNNN để tư-nhân-hoá  kinh tế.

Sau Đại hội Đảng X (4/2006),  Rứa được đưa lên đứng đứng đầu ngành tuyên truyền trong chức vụ Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương. Nếu còn giữ quan điểm về DNNN như 4 năm trước đây thì  Rứa khó thoát khỏi  bị liệt vào hàng ngũ  những người chậm tiến.

Nhìn  vào “sơ đồ Bát Quái” của Đổi mới và lối  hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong qúa trình tổ chức lại hệ thống các DNNN và Cổ phần hoá, người ngoài cuộc chỉ thấy nổi lên một điều rất rõ  là đảng CSVN, tuy nói nhiều đến quyết tâm, nhưng lại chưa thật lòng và không đủ can đảm để nhìn nhận khuyết điểm trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Vì vậy, các DNNN chỉ còn là nơi để cho cán bộ nuôi dưỡng Tham nhũng và lãng phí  để rúc tỉa của mồ hôi nước mắt của nhân dân. -/-

(10/06)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Baltimore, nằm ngay trên bờ vịnh Chesapeake Bay thuộc bờ biển Đại Tây Dương, có dân số khoảng 700.000 người. Đó là thành phố, cũng là trung tâm công nghiệp và văn hóa lớn nhất của tiểu bang Maryland. Trong thời gian đầu lập quốc, Baltimore đã từng là một trong ba hải cảng lớn nhất của Hoa Kỳ và nó cũng đã từng đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong ngành ngoại thương và phát triển kinh tế cho xứ sở này.
Sau khi nhiều tờ báo tiếng Anh phổ biến bản tin về vụ 4 nguyên đơn, gồm Elisabeth Le, Phuong Le, Lan Tran, và Lien Ta, kiện bị cáo Quyen Van Ho, đạo hiệu Thích Đạo Quảng, trụ trì Chùa Tam Bảo tại thành phố Baton Rouge thuộc tiểu bang Louisiana, tòa soạn Việt Báo đã thu thập được một số bản tin cập nhật và các tài liệu liên quan đến vụ này, gồm lá thư của Bác sĩ tâm lý đã về hưu John W. Pickering gửi cho báo The Advocate, và lá thư ngỏ của Luật sư di trú Roger K. Ward, Esq. gửi cho các Phật tử của Chùa Tam Bảo. Việt Báo trích dịch và đăng lại.
Tầm quan trọng của diaspora hay cộng đồng người gốc Việt sống ngoài Việt Nam càng ngày càng gia tăng. Để có một cái nhìn tổng quát, có tính cách học thuật và khách quan hơn về tình hình chung của diaspora Việt cũng như các diaspora khác trên thế giới, tôi xin giới thiệu và dịch bài viết năm 2005 của Steven Vertovec, một giáo sư đại học Đức chuyên về Xã hội học và Dân tộc học. Sau đây là phần 2, tiếp theo phần 1 (kỳ trước) bàn về các ý niệm và định nghĩa của diaspora. Các điểm liên quan tới Việt Nam sẽ được người dịch ghi chú, bàn luận thêm trong phần chú thích ở cuối bài.
Ngày 2 tháng 8 năm 2022, các cử tri ở Kansas đã chọn chống lại việc lật ngược quyền phá thai theo hiến pháp của tiểu bang. Vài ngày sau, các nhà lập pháp Indiana đã quyết định cấm gần như tất cả các trường hợp phá thai. Cả hai đều là các bang theo xu hướng bảo thủ, và đều ủng hộ nỗ lực tái đắc cử của cựu Tổng thống Donald Trump với tỷ suất gần giống nhau vào năm 2020: 56.1% - 41.5% ở Kansas và 57% - 41% ở Indiana. Vậy điều gì giải thích cho các kết quả khác nhau? Câu trả lời là ở Kansas, cử tri trực tiếp quyết định kết quả. Ở Indiana, thì các nhà lập pháp là người ra quyết định. Sự khác biệt này có ý nghĩa quan trọng, bởi vì đối với các vấn đề gây tranh cãi như phá thai, cũng như trong các vấn đề nổi bật khác, các cơ quan lập pháp tiểu bang không phải lúc nào cũng đại diện cho mong muốn của công chúng, người dân trong tiểu bang của họ.
Làm cách nào để tôi được xóa khoản nợ sinh viên? Ai đủ điều kiện để được tha khoản nợ sinh viên? Liệu các khoản nợ tư nhân có được xóa? Các khoản nợ của sinh viên đã tốt nghiệp có đủ điều kiện để được tha nợ không? Các khoản vay của Parent Plus có đủ điều kiện không? Sinh viên còn đang đi học có đủ điều kiện được tha nợ không? Các khoản vay FFEL có đủ điều kiện không? Chương trình có giới hạn những gì người vay đang còn đi học phải trả không? Tôi có thể vay nợ liền bây giờ và được hưởng theo chính sách mới không? Chính phủ sẽ xác định thu nhập của tôi như thế nào để đủ điều kiện được tha nợ? Tôi nợ hơn 10,000 đô la. Khi nào thì tôi bắt đầu phải thanh toán trở lại? Tôi có phải trả thuế cho khoản nợ sinh viên đã được tha không? Điều này có làm cho lạm phát tồi tệ hơn? Chi phí xóa nợ cho sinh viên là bao nhiêu? Liệu điều này có mang lại lợi ích cho những người Mỹ giàu có không?
Tầm quan trọng của diaspora hay cộng đồng người gốc Việt sống ngoài Việt Nam càng ngày càng gia tăng. Để có một cái nhìn tổng quát, có tính cách học thuật và khách quan hơn về tình hình chung của diaspora Việt cũng như các diaspora trên thế giới, tôi xin giới thiệu và dịch bài viết năm 2005 sau đây của Steven Vertovec, một giáo sư đại học Đức chuyên về Xã hội học và Dân tộc học. Các điểm liên quan tới Việt Nam sẽ được người dịch ghi chú, bàn luận thêm trong phần chú thích ở cuối bài. (HVH)
Những lo ngại về tỷ lệ sinh giảm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong vụ Dobbs v. Jackson có thể buộc phụ nữ sinh con trái với mong muốn của họ, trong khi một bài xã luận gần đây của Anh thậm chí còn đề xuất đánh thuế đối với những người không có con.
Bản đồ thứ ba về thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh bắt nguồn từ cái thường được gọi là “Lý thuyết Hiện thực” (Realist Theory) về quan hệ quốc tế. Theo lý thuyết này, các quốc gia thực sự là chủ thể quan trọng duy nhất trong các vấn đề thế giới, mối quan hệ giữa các quốc gia là một mối quan hệ hỗn loạn (anarchy), và do đó để đảm bảo sự tồn tại và an ninh của họ, các quốc gia luôn cố gắng tối đa hóa quyền lực của mình. Nếu một quốc gia nhận thấy một quốc gia khác gia tăng quyền lực của họ và do đó trở thành một mối đe dọa tiềm tàng, nó sẽ cố gắng bảo vệ an ninh của chính mình bằng cách tăng cường quyền lực của mình và / hoặc bằng cách liên minh với các quốc gia khác. Những lợi ích và hành động của trên dưới 184 quốc gia của thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh có thể được dự đoán từ những giả định này.
Chủ nghĩa dân tộc là một phong trào hiện đại. Trong suốt lịch sử, con người gắn bó với quê nơi mình sinh ra, với truyền thống của cha mẹ mình, và với các quyền lực lãnh thổ (territorial authorities) đã được thiết lập, nhưng phải đến cuối thế kỷ 18, chủ nghĩa dân tộc mới bắt đầu trở thành một thứ tình cảm nói chung được thừa nhận là ảnh hưởng đến cuộc sống công và tư và một trong những nhân tố quyết định vĩ đại, nếu không muốn nói là vĩ đại nhất của lịch sử hiện đại.
Nước Nhật vừa xót xa tiễn biệt cựu Thủ tướng Shinzo Abe lần cuối. Thi hài ông được đưa qua đường phố Tokyo, ngang qua văn phòng Thủ Tướng và Nghị viện Nhật, nơi ông đã từng làm việc. Ngồi phía trước xe tang vẫn là phu nhân Akie Abe, như khi xe chở thi hài ông về lại Tokyo từ nơi bị ám sát hôm cuối tuần. Lặng lẽ, bình tĩnh, thỉnh thoảng phu nhân Abe lại cúi đầu đáp lễ người dân Nhật đứng đầy hai bên đường, chắp tay lạy và cúi đầu khi xe tang đi ngang. Không như lá thư hư cấu ủy mị gửi chồng của bà bằng tiếng Việt được lan truyền trên mạng, dù những người tinh ý khá dễ nhận ngay ra đó là suy diễn đầy Việt tính của một ai đó muốn lợi dụng cảm xúc đám đông. Thật ra phu nhân Abe là một người như thế nào?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.