Hôm nay,  

Christian Nationalism là gì?

15/09/202220:01:00(Xem: 2921)
christian nationalism

Trong cụm từ "Christian Nationalism", chữ "Nationalism" là chính, chữ "Christian" bổ nghĩa cho chữ "Nationalism". Nationalism là chủ nghĩa dân tộc. Christian Nationalism là chủ nghĩa dân tộc của một dân tộc Thiên Chúa giáo (hay Cơ-đốc giáo). Xin rút gọn lại là "Chủ nghĩa dân tộc Cơ-đốc".

Chủ nghĩa Dân Tộc Cơ-đốc tin rằng nước Mỹ được xác định bởi Cơ-đốc giáo, và chính phủ nên thực hiện các bước tích cực để giữ nó theo cách đó. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Cơ-đốc khẳng định rằng nước Mỹ đang và vẫn phải là một “quốc gia Cơ-đốc giáo”, không chỉ đơn thuần là một quan sát về lịch sử, mà là một chương trình cho những gì nước Mỹ phải tiếp tục trong tương lai.

Các học giả như Samuel Huntington cũng đưa ra lập luận tương tự: rằng nước Mỹ được định nghĩa bởi quá khứ “Anglo-Protestant" (Tin lành Anh lê) và chúng ta sẽ đánh mất bản sắc và sự tự do của mình nếu chúng ta không giữ gìn di sản văn hóa đó.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Cơ-đốc giáo không bác bỏ Tu chính án thứ nhất và không ủng hộ chế độ thần quyền, nhưng họ tin rằng Cơ-đốc giáo nên được hưởng một vị trí đặc quyền trong quảng trường công cộng. Thuật ngữ “chủ nghĩa dân tộc Cơ-đốc” mô tả chính xác những người theo chủ nghĩa dân tộc Mỹ, những người tin rằng bản sắc Mỹ không thể tách rời khỏi Cơ-đốc giáo.

Theo nghiên cứu của Baptist Joint Committee Study, Christian Nationalism có 5 niềm tin căn bản:

1) Mỹ là một quốc gia được thượng đế chỉ định theo Cơ-đốc giáo.

2) Những vị khai quốc công thần của nước Mỹ đã lập ra một quốc gia dựa trên các nguyên tắc Cơ-đốc giáo với những người đàn ông da trắng làm lãnh đạo.

3) Những người khác (người thổ dân da đỏ, người nô lệ Phi châu, người nhập cư, v.v...) đã chấp nhận nước Mỹ là một quốc gia Cơ-đốc giáo, và chấp nhận sự lãnh đạo của người da trắng.

4) Nước Mỹ có một vị trí đặc biệt không chỉ trong lịch sử thế giới mà còn trong Kinh thánh, đặc biệt liên quan đến sự trở lại của Chúa Ki-tô.

5) Không có sự tách biệt giữa chính phủ và tôn giáo.

Chủ nghĩa dân tộc Cơ-đốc có xu hướng coi những người Mỹ khác là công dân hạng hai. Nếu được thực hiện đầy đủ, nó sẽ không tôn trọng quyền tự do tôn giáo của tất cả người Mỹ. Trao quyền cho nhà nước để kiểm soát hành vi đạo đức bằng pháp luật. Việc này có nguy cơ quá đà, tạo ra một thứ pháp luật được sử dụng để chống lại Ki-tô hữu. Ngoài ra, chủ nghĩa dân tộc Cơ-đốc giáo là một hệ tư tưởng được thống trị bởi người Mỹ da trắng, do đó nó có xu hướng làm trầm trọng thêm sự phân biệt chủng tộc.


Chẳng có nơi nào được thượng đế chỉ định là một quốc gia Cơ-đốc giáo. Cũng không có bằng chứng là các nhà lập quốc muốn nước Mỹ là một quốc gia Cơ đốc giáo. Trong hiến pháp Hoa Kỳ không nhắc tới Chúa, không nhắc tới thánh kinh, không khuyên 10 điều răn. Mặc dù đa số các nhà lập quốc theo đạo Cơ-đốc và ước mong rằng tôn giáo sẽ làm cho con người hướng thiện và làm những điều lành. Thomas Jefferson và James Madison ủng hộ tự do tín ngưỡng và chủ trương chính phủ và tôn giáo biệt lập. Trong bản tuyên ngôn Tripoli, năm 1797, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã tuyên bố: "The government of the United States of America is not, in any sense, founded on Christian religion." (tạm dịch: Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trong bất kỳ danh nghĩa nào, không được thành lập dựa trên Cơ-đốc giáo.)

Nước Mỹ, còn gọi là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, là nơi hội tụ của nhiều sắc dân, nhiều tôn giáo. Người Mỹ yêu nước nhưng không trong khuôn khổ hẹp hỏi của một đảng phải, một sắc dân, hay một tín ngưỡng.

Chủ nghĩa dân tộc Cơ-đốc lấy tên của Đấng Cứu Thế cho một chương trình chính trị thế gian, tuyên bố rằng nó là chương trình chính trị cho mọi tín đồ chân chính. Điều đó là sai về nguyên tắc, bất kể chương trình nghị sự là gì, bởi vì chỉ có nhà thờ mới được phép công bố danh xưng của Chúa Giê-su và mang tiêu chuẩn của ngài vào thế giới.

Thậm chí nó còn tồi tệ hơn nếu chương trình chính trị ủng hộ một số sự bất công. Thí dụ như cấm ly dị hay cấm đồng tình luyến ái. Trong trường hợp đó, chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc đang gọi cái ác là thiện và thiện là ác; nó đang lấy tên của Chúa Kitô như một chiếc lá vả để che đậy chương trình chính trị của mình, coi thông điệp của Chúa Giêsu như một công cụ tuyên truyền chính trị và nhà thờ như một người cổ vũ cho nhà nước.

Người Ki-tô hữu vẫn có thể là một người yêu nước và một tín đồ ngoan đạo. Họ làm việc để thúc đẩy các nguyên tắc của đạo Chúa, chứ không phải quyền lực hay văn hóa công giáo. Đó là điểm khác biệt chính giữa sự tham gia chính trị bình thường của người có đạo và chủ nghĩa dân tộc Cơ-đốc. Sự tham gia chính trị bình thường của Ki-tô hữu là khiêm tốn, yêu thương và hy sinh, bác bỏ định kiến ​​cho rằng họ được quyền ưu tiên hay có ưu thế lịch sử trong văn hóa Mỹ.

Nguyên Mai

Tài liệu tham khảo:
1) "What Is Christian Nationalism?" by Paul D. Miller on Christianity Today.
2) "Baptist leader speaks out: 'Christian nationalism is not Christianity'" on CNN.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.