Hôm nay,  

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Nguyễn Khắc Toàn Và Những Thanh Củi Nỏ

29/10/200500:00:00(Xem: 24032)
Muốn đốt rừng cũng cần que lửa nhỏ
Thì ta đây củi nỏ giữa than hồng.
Nguyễn Mậu Lâm (Nổi Lửa)

Ngày 20 tháng 12 năm 2002, nhà đương cuộc Hà Nội tuyên xử ông Nguyễn Khăc Toàn mười hai năm tù và ba năm quản chế với tội danh gián điệp. Trước đó một hôm, vào ngày 19 tháng 12 năm 2002, biên tập viên Tâm Việt của đài Á Châu Tự Do có bài tường thuật về nhân vật này - xin trích một đoạn ngắn - như sau:

"Cuối năm ngoái, Quốc-hội họp kỳ họp chót của khoá X bắt đầu từ ngày 20 - 11 - 2001. Trong suốt thời gian Quốc-hội họp ở Ba-đình trong vòng một tháng trời đã có một hiện tượng khá lạ, đó là gần như không có ngày nào mà nông dân ở khắp nước, đa phần là phụ nữ, nhất là những người đi ở trong Nam hay ở miền Trung ra Hà-nội, là không có biểu tình ngay ở trước Quốc-hội, ở gần tư gia Tổng-bí-thư Nông Đức Mạnh, Bộ Ngoại-giao và nhất là văn phòng khiếu kiện trên đường Mai Xuân Thưởng gần chùa Một Cột."
"Lúc đầu, những cuộc biểu tình này còn ôn hoà và chưa đến nỗi đông lắm, chỉ chừng vài chục người ở mỗi nơi. Nhưng với thời gian, khi họ nhận thức được là Quốc-hội cũng như các cơ quan chính quyền thực sự sẽ không làm gì để giúp họ thì họ bắt đầu tề tựu đông hơn, có lúc lên đến cả vài trăm người, gây sự chú ý và ngạc nhiên của hiều nhà báo quốc-tế có mặt ở Hà-nội lúc bấy giờ."

"Nhận thấy việc làm của họ mang nhiều ý nghĩa hy sinh mà không có kết quả, ông Nguyễn Khắc Toàn, một cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh xâm chiếm Sài-gòn, lúc bấy giờ 46 tuổi, bèn nẩy ra ý đứng ra giúp đỡ họ bằng cách chỉ dẫn cho họ cách làm đơn, đi gõ cửa đúng những chỗ cần gõ cũng như làm theo đúng những thủ tục tố tụng. Chính vì lý do đó mà ông bị công an bắt đầu theo dõi."
"Để cho việc làm của những người nông dân này, trong đó có nhiều người là "mẹ liệt sĩ" hay thuộc gia đình có công với cách mạng, có tiếng vang, ông Nguyễn Khắc Toàn đã quay ra, bắt đầu từ hôm 16 tháng 12 năm 2001, làm ra những bản tin về những cuộc biểu tình này và tìm cách phổ biến đi khắp nơi, kể cả hải ngoại…"

Thế là ông Toàn bị bắt. Còn những người tham dự biểu tình (phần lớn là phu nhân liệt sĩ hay mẹ Việt Nam anh hùng) thì chỉ bị tạm giữ tại hai trại Đông Dâu và Lộc Hà, ở ngoại ô Hà Nội, nơi chuyên để bắt giam những kẻ vô gia cư và những cô gái mãi dâm. Lý do: đã đi biểu tình mà còn cầm thêm biểu ngữ là "lạm dụng dân chủ", theo như phán quyết của ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh.

Như thế, mọi chuyện kể như xong. Hà Nội trở lại im lặng. Nó đã quen nhẫn nhục, e dè, khép nép và sợ hãi trong nín lặng như thế từ lâu lăm rồi mà. Khóa họp quốc hội năm 2003 lại diễn ra trong an bình, lặng lẽ và tẻ nhạt - nếu chưa muốn nói là chán ngán, như nó vốn đã chán ngán như thế ngay từ lúc mới ra đời. Những ngày "sôi động ở Hà Nội" (theo như cách nói của Nguyễn Khắc Toàn) coi như là chấm hết.
Tưởng vậy mà không phải vậy. Cuối năm 2003, thay vì những bản tin nẩy lửa gửi đi từ Hà Nội của Nguyễn Khắc Toàn thì người Việt - ở khắp mọi nơi - nhận được một cuộn băng cassette có tên là CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI TÌM CÔNG LÝ của một phụ nữ tên Phạm Thị Lộc. Nó được ghi lại và chuyển đi qua hệ thống internet, cùng với hình ảnh, bao gồm 68 trang giấy (khổ 8 ½ x11) nếu download theo kiểu chữ VNI-Times 14. Nội dung có thể được tóm gọn như sau:

Bà Phạm Thị Lộc kết hôn với ông Nguyễn Văn Hùng vào năm 1995, tại tỉnh Băc Giang. Đến năm 1999, họ có với nhau một đứa con tên Nguyễn Thị Ngọc Anh. Vì cháu Ngọc Anh không phải là con trai, và cũng vì bố mẹ ông Hùng không tán thành cuộc hôn nhân thiếu … "môn đăng hộ đối", ngày 10 tháng 5 năm 2000, anh Hùng làm đơn gửi toà án nhân dân thị xã Bắc Giang xin hủy hôn thú giữa hai người. Đến ngày 14 tháng 4 năm 2001, anh Hùng lại kết hôn với một người đàn bà khác. Vì "sơ xuất" của cả hai phiên toà của tỉnh Bắc Giang nên chuyện hủy hôn và tái hôn của ông Nguyễn Văn Hùng đều … trót lọt. Thế là bà Phạm Thị Lộc mất chồng và cháu Ngọc Anh mất cha.

Sau ba năm bồng con thơ lang thang đầu đường xó chợ, đi gõ cửa mọi cơ quan công quyền để đòi hỏi công lý một cách vô vọng, bà Phạm Thị Lộc đã rút ra kết luận như sau về hệ thống pháp luật ở VN - bây giờ:

"Kêu trời thì trời cao
Kêu đất thì đất dầy
Kêu Đảng thì Đảng lặng im, một sự lặng im đáng sợ!
Kêu Nhà nước và Pháp luật thì biệt vô âm tín..."

Giờ đây người dân oan vô tội mới thấm thía câu ngạn ngữ của cha ông: "Lưỡi không xương trăm đường lắt léo" muốn kết tội ai cứ giải thích pháp luật theo kiểu mình muốn. Coi tính mạng con người như cỏ rác, coi thiên hạ không bằng cái trống thủng, cứ kêu đi, cứ phản đối đi, binh quyền trong tay ta, nhà tù trong tay ta, toà án trong tay ta, pháp luật trong tay ta, đất trời trong tay ta. Đố ai dám làm gì..." Làm gì nổi ta..."

Bởi thế vụ án của tôi là một sự thực minh chứng cho những điều tôi vừa biện dẫn trên. Mà từ xưa tới nay chưa một người dân thưa kiện nào dám nói lên tất cả sự thật: mục ruỗng thối nát của cả một hệ thống tư pháp, dưới trên đều sai phạm nghiêm trọng. Chẳng khác nào như một bệnh dịch hiểm nghèo đang lây lan khắp mọi miền đất nước. Vô phương cứu chữa".

Trong thư gửi riêng cho ông Nông Đức Mạnh, sau khi bầy tỏ tâm trạng chán chường và thất vọng của mình, bà Phạm Thị Lộc viết tiếp:

"Thôi thì việc ông ông làm, đường dân dân cứ đi rồi xem thế vận xoay vần đến đâu. Khi quý Ông nhận được cuốn băng này trong vòng 30 ngày không nhận được sự chỉ đạo trả lời dứt điểm để trả lại công lý - nhân quyền cho 2 mẹ con tôi, thì toàn bộ sự thật của nước Việt Nam từ ngày có Đảng lãnh đạo sẽ được đưa lên mạng Internet và các cơ quan truyền thông quốc tế, để lịch sử loài người sẽ hiểu sâu về Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh như thế nào" Sinh mạng của 2 mẹ con tôi các quý Ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì tôi là một công dân Việt Nam giám dũng cảm bóc trần mọi sự thật thối nát từ địa phương lên đến Trung ương, dù bọn giặc nội xâm có thừa lệnh của ai đi nữa để giết chết mẹ con tôi bằng mọi thủ đoạn đê tiện nhất thì tôi cũng tính đến hậu quả này, chết mà mang lại chính nghĩa cho ngàn vạn dân oan Việt Nam mẹ con tôi sẵn sàng.

Hà Nội, ngày .... tháng .... năm 2003
Người dân oan bất hạnh
Phạm Thị Lộc
Địa chỉ hồi âm: Dẫy lều giữ xe đạp số 10 phố Thụy Khuê, sát cạnh trường Chu Văn An - Tây Hồ - Hà Nội.
Cũng ở "địa chỉ hồi âm" này, bà Lộc quen biết với một người vô gia cư khác - bà Nguyễn Thị Kỷ. Bà Kỷ (nguyên là người ở xóm 3, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) tâm sự như sau:

"Tôi là dân oan bị chính quyền xã, huyện, tỉnh đồng loã, bao che cướp trắng đất thổ cư của tôi cho đấu thầu đã 24 năm đi kiện hiện nay chưa được giải quyết, rất mong Đảng, Chính phủ, Quốc hội yêu cầu phải chỉ đạo cấp địa phương phải trả lại đất thổ cư cho tôi, được đảm bảo quyền sống tối thiểu của một công dân nước Việt Nam. Đừng để tôi phải là ngọn đuốc sống để đón chào Sea Games 22 vào cuối năm 2003 này."

Nằm cạnh bà Kỷ (tại dẫy lều giữ xe đạp số 10, trên vỉa hè phố Thụy Khuê) là bà Lê Thị Hương, hồi xưa ở số 86 lô 106 Trần Văn Lang D1 Cát Bi, Hải An, Hải Phòng. Ba mươi năm qua, bà Hương kiên trì đi thưa kiện để đòi nhà cửa tải sản bị cướp đoạt từ năm 1975. Sự nhẫn nại hiếm có và đáng qúi này (không hiểu tại sao) chấm dứt - cái rụp - vào cuối năm 2003. Bà Hương, bỗng dưng, dõng dạc và lớn tiếng tuyên bố:
"Yêu cầu Đảng, Chính phủ, Quốc hội giải quyết dứt điểm đến Quốc hội tháng 10/2003 này. Nếu không nhận được sự chỉ đạo của các ông thì tôi xin chết tại cổng nhà các ông. Còn hơn để một phụ nữ như tôi trong diện chính sách ưu tiên đặc biệt phải chết dần chết mòn, chết nhục nhã trong bàn tay của bọn bạo chúa - ác ôn - cướp ngày".

Đây cũng là thái độ chung của mười bốn người người "dân oan" khác nữa, họ cùng lên tiếng - như sau:
"Tất cả những người có tên trong cuốn băng này nếu trong vòng một tháng không nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của các ông thì dân oan của 61 tỉnh thành nhất tề đứng dậy, xiết chặt hàng ngũ xuống đường đấu tranh quyết tử với bọn bạo chúa, ác ôn, cướp ngày mà chúng đã luồn lách chui rúc trong các bộ máy chính quyền từ địa phương tới Trung ương, chuyên ăn xương, hút máu của ngàn vạn dân oan mà đã máy chục năm nay thành một hệ thống bệnh hoạn. Nay toàn dân oan chúng tôi sẽ lấy sức mạnh của 80 triệu dân cùng với lương tri của nhân loại biến căm thù thành hành động vùng lên quyết tử … "
Trời đất, nghe thấy mà ghê! Cứ y như trong câu tục ngữ "giặc đến nhà đàn bà phải đánh" vậy. Rõ ràng, những "bà già giết giặc" này muốn liều mạng và ăn thua đủ với Đảng CSVN (quang vinh) mà họ đã "ngộ nhận" là đảng cướp. Vậy mà tôi cứ tưởng là dân Hà Nội đã quen nhẫn nhục, e dè, khép nép và nín lặng (từ lâu) rồi chớ.

Nghe cuốn băng đến đây thì người ta (liền) "thông cảm" và (bèn) hiểu tại sao ngày 20 tháng 12 năm 2002 nhà đương cuộc Hà Nội đã vội vàng cất ngay Nguyễn Khắc Toàn - và cất kỹ - trong tù với tội danh là "gián điệp, vì đã gửi thông tin ra nước ngoài. Sự thực, đó chỉ là cái cớ. Một cách kiếm cớ rất vụng về.
Những bản tin mà Nguyễn Khăc Toàn gửi ra hải ngoại, từ ngày 20 tháng 12 năm 01 đến ngày 1 tháng 01 năm 02, đều đã được thông tín viên của những hãng thông tấn ngoại quốc gửi đi sớm hơn - từ Hà Nội - với nội dung tương tự. Điểm khác biệt duy nhất trong những bản tin của Nguyễn Khắc Toàn là ông đã không dùng ngôn ngữ thông tin thuần túy. Thay vào đó là những lời lẽ chân thành, sôi nổi và (đôi khi) mang nội dung kích động. Trong bản tin "Nông Dân Thanh Hóa Tố Cáo Chính Quyền Đàn Ap Dân Chúng", viết ngày 20 tháng 12 năm 2001, ông kết luận như sau:

Trong khi CSVN vơ vét từng mét đất của người dân khốn cùng, đói rách chỉ vì cái ghế thống trị đầy béo bổ cho quyền lợi ích kỷ của chúng, chúng lại còn hèn hạ đặt bút ký những hiệp định về lãnh hải và biên giới trên bộ dâng hàng trăm ngàn km2 cho bọn bành trướng Trung Quốc. Thật là một lũ hại dân bán nước cầu vinh. Nhất định sớm hay muộn CSVN sẽ bị lịch sử kết án tội ác tầy trời này.

Và đây là câu kết cho bản tin gửi đi ngày ngày 17 tháng 12 cùng năm:
"Thật là một ngày sôi động tại Hà Nội, đi dâu cũng đập vào mắt người dân những cảnh bất công ngang trái, phi nhân … Đây là báo hiệu điềm gở, một tai họa sẽ đến … Đó là sự sụp đổ của chế độ sẽ không còn bao xa nữa"

Thái độ "sôi nổi" và ngôn ngữ "kích động" của Nguyễn Khắc Toàn bật ra tự nhiên như những tia lửa nẹt từ trong lòng một đống than hồng. Nghĩa cử hào hiệp và sự dũng cảm của ông (khi thản nhiên đến với những người dân cùng khốn đang bị oan khuất) bất chấp bạo lực đã như những ánh diêm lóe sáng giữa đêm đen.

Không thể để cho mồi lửa Nguyễn Khăc Toàn tiếp cận với những thanh củi nỏ như Phạm Thị Lộc, Nguyễn Thị Kỷ, Lê Thị Hương… ở vỉa hè Hà Nội. Vì như thế thì "Thủ Đô của ta" cháy (dễ) như không!
Nhốt Nguyễn Khắc Toàn vào một chỗ kín đáo để đề phòng hỏa hoạn quả là một việc cần làm nhưng … (e) không đủ. Dân Việt (vốn) có hơi nhiều … Nguyễn Khắc Toàn.

Ngày 18 tháng 6 năm 03, ngay sau khi nghe toà tuyên án Phạm Hồng Sơn 13 năm tù cũng vì tội danh gián điệp, ông Nguyễn Xuân Phúc, bào dệ của ông Nguyễn Khăc Toàn, đã nói với biên tập viên Đinh Quang Anh Thái của đài Little Saigon Radio - trong một cuộc phỏng vấn - như sau:" Tôi không sợ …Tôi nghĩ tiến trình dân chủ là mộ tiến trình tất yếu… Việt Nam trước sau gì cũng dân chủ,một nền dân chủ thật sự. Đây là tiến trình tất yếu của nhân loại."

Chỉ trong một gia đình thôi mà có đã có đến hai Nguyễn Khắc Toàn! Và những thanh củi nỏ bây giờ thì (ôi thôi) nhiều vô số, và ở khắp mọi nơi - chứ chả riêng chi Trà Cổ, Thái Bình, Tây Nguyên hay Hà Nội.
Tưởng Năng Tiến

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.