Hôm nay,  

Cơm rắc tóp mỡ

7/1/202308:21:00(View: 3879)
Truyện

rice

Ở Mỹ người ta không ăn mỡ của động vật như heo, bò, gà vịt, vì sợ tăng cholesterol. Nếu ăn mỡ họ ăn bacon, thịt ba chỉ ướp muối. Họ chiên bacon cho giòn, ăn kèm với trứng chiên và bánh mì. Một món điểm tâm rất được nhiều người yêu thích. Tôi thích dùng mỡ nhưng chỉ dùng ở một vài món. Mỡ heo, tôi mua miếng dày, thái hạt lựu, thắng riu riu cho đến khi tóp mỡ héo lại, màu vàng nhạt ngả sang nâu. Tôi vớt tóp mỡ, để riêng ra cho khô và giòn, dùng để kho cá bống. Vì cất nhiều công, nên tôi rất quý tóp mỡ.
    Hai cô khách, nói chuyện với nhau về một người thứ ba. Hai cô này là sinh viên đi du học. Sang đây, túng tiền, các cô đi làm nail, thấy nghề nail dễ kiếm sống, có dư tiền gửi về cho gia đình. Có một thời gian rất nhiều sinh viên mới ra trường tìm không được việc làm tốt, lương thấp. Các cô bỏ học đi làm nghề nail. Thỉnh thoảng các cô đến quán của tôi, sau giờ làm việc. Các cô biết nấu ăn, và thường ăn kiêng để đừng lên cân, do đó tự nấu ăn thay vì đi ăn hàng quán. Các cô đến quán của tôi chỉ để có dịp nói chuyện với nhau sau giờ làm việc. Các cô không ăn gì nhiều. Thường thường, mỗi cô một cái bánh giò, thỉnh thoảng một chai bia. Hay một chén cơm với đĩa cải chua, đôi khi, có cô xin thêm chút nước dưa chua, làm canh. Hoặc yêu cầu tôi nấu mì gói với chút rau cải và vài con tôm. Các cô bảo rằng chỉ muốn ăn cái gì đó có nước, ấm, và ngán các món ăn cầu kỳ. Quán của tôi sống được nhờ những người khách như vậy.
    “Nhỏ Hát. Nó về Việt Nam lấy chồng. Hai người quen nhau từ thuở thanh mai trúc mã.”
    “Năm nay Hát tuổi cũng đã ba mươi sáu. Gần bốn mươi rồi còn gì.”
    “Yêu nhau, chờ nhau, ít ra cũng hơn hai mươi năm.”
    “Tình yêu kiểu ấy bây giờ tưởng như chỉ còn trong cổ tích!”
 
Ông Yên bước vào dẫn theo một người bạn. Ông là biên tập viên của một tờ báo văn học có tiếng ở thành phố này. Ông thường đến quán tôi vào những tối mất ngủ. Ông Yên tính điềm đạm. Có lần ông đăng bài của một nhà văn trẻ đang vất vả với nghề viết và sau đó giúp cậu sinh viên ra mắt một tập truyện ngắn. Ông giới thiệu người bạn.
    “Đây là Bình. Ông là một blogger nổi tiếng chuyên viết phê bình các tiệm ăn.”
    Trước khi gọi món ăn, ông Bình rút từ trong túi ra đôi đũa bằng ngà, phía trên cẩn bạc, gói trong miếng vải nhung, rất trang trọng. Ông Yên gọi tôm lăn bột chiên và bia, cho cả hai người. Trái ngược với sự điềm đạm của ông Yên, ông Bình nói lớn tiếng, cười ha hả, có vẻ như muốn mọi người trong quán chú ý đến ông. Một trong hai cô khách cũng nhận ra ông Bình là blogger nổi tiếng về phê bình món ăn.
    “Tiệm ấy tuy là có tiếng nhưng pizza ở đó tôi nuốt không trôi. Sốt cà họ bỏ cả tấn muối. Bột pizza vừa nhão vừa dầy. Ngay cả ly wine họ dọn kèm không tính tiền cũng không giữ được tôi ngồi lại lâu hơn.”
    Tôi không ưa các nhà phê bình. Nhiều người hay chê bai nhưng chưa chắc họ có thể tự làm ra một món ăn vừa khẩu vị người khác. Nấu ăn cũng giống như viết văn vậy.
    Ông Yên nói điềm tĩnh. “Ông sẽ thấy món ăn ở đây rất vừa miệng.”
    Vừa lúc ấy ông Sinh bước vào. Mũ lưỡi trai, người dong dỏng, ông Sinh mang cây đàn guitar trước ngực. Như thường lệ ông Sinh vừa đàn vừa hát tặng tôi và khách trong quán một bản nhạc. Ông không nhận tiền của khách hàng. Ông nhìn tôi mỉm cười, nói:
    “Như thường lệ, xin chị.”
    Tôi đặt trước mặt ông một chén cơm rắc tóp mỡ. Ông rưới chút nước mắm vào chén cơm.
    Ông Sinh không phải là người đàn hát chuyên nghiệp. Đàn và hát chỉ là thú giải trí của ông. Khi có lời mời ông trình diễn trong các quán rượu vào những giờ quán ít khách, sắp đóng cửa. Ở quán của tôi ông chỉ hát tiếng Việt và chỉ mỗi một bài. Giọng Ca Dĩ Vãng.
    “Ngày xưa, mỗi lần em buông tiếng hát. Thì anh, tay phím nắn nót cung đàn. Từng nhịp nhặt khoan anh ru hồn theo tiếng tơ…”
    Mỗi khi hát, ông Sinh có vẻ mơ màng, như trở về một nơi nào đó trong quá khứ. Một đôi lần, khi ông hát lời ca ngày đó đã xa rồi, mà ai còn chuốc mãi cung đàn vọng về tim tôi thấy ông ngước mặt nhìn lên trần, khóe mắt long lanh.
    Ăn xong, ông Sinh cúi đầu chào mọi người và ra về. Ông Bình nói.
    “Tôi không ngờ quán của bà có món này. Xin bà cho tôi cơm rắc tóp mỡ.” Ông Yên cũng nói. “Tôi nữa.”
    “Món này các ông có thể tự nấu ở nhà mà.” Tôi nói.
    Ông Bình nói như phân bua.
    “Vợ tôi lớn lên ở bên này. Cô ấy chỉ dùng bơ và ít khi dùng nước mắm vì sợ bốc mùi bay khắp nhà. Đôi khi thèm, tôi cho bơ vào cơm nóng và dùng nước tương thay nước mắm.”
    Ông Yên góp lời.
    “Nếu đi ăn ở quán người ta gọi cơm tấm bì sườn chả, chẳng ai đi gọi cơm rắc tóp mỡ rưới nước mắm.”
    Trước khi ra về, ông Bình hỏi thăm về ông Sinh.
    “Ông Sinh chỉ thỉnh thoảng mới đến đây, và nếu đến ông thường đến vào tối thứ Sáu. Ông ấy chỉ đàn và hát vì sở thích. Tôi mời ông ấy đến hát ở đây vì ông ấy hát tiếng Việt.”
    Sau đó, ông Bình đến quán tôi hằng tuần vào tối thứ Sáu. Lần nào ông cũng gọi cơm rắc tóp mỡ rưới nước mắm khiến tôi thầm nghĩ, ăn như ông liệu ông có thật sự biết cách phê bình thức ăn hay không. Ông Sinh bỗng nhiên không đến nữa. Khách đến quán ăn hỏi ông Bình sao không viết bài phê bình về quán của tôi, ông ấy cười bảo rằng: “Tôi biết viết gì về cơm rắc tóp mỡ rưới nước mắm? Và tôi cũng không muốn đến quán mà không tìm được chỗ ngồi.”
 
Mãi đến mấy tháng sau, ông Sinh đến nhưng lần này không mang theo đàn. Bàn tay trái của ông có đeo cái găng tay màu đen. Ông bị tai nạn nghề nghiệp, vài ngón tay bị giập xương, phải bó bột. Ngón tay tuy lành nhưng không còn cử động nhanh nhẹn như xưa cho nên không không thể đàn được nữa. Khi ông từ giã ra về thì ông Bình ngăn lại.
    “Mấy tháng nay tôi cố ý đến đây để nghe ông hát nhưng mãi đến hôm nay mới gặp. Tôi có mang theo cây đàn. Xin ông cho phép tôi đàn theo giọng hát của ông.”
    Ông Sinh nhìn tôi có vẻ như hỏi ý kiến. Tôi gật đầu.
    “Xin anh tự nhiên. Khách ở đây ai cũng thích giọng hát và tiếng đàn của anh.”
    Ông Sinh nhìn ông Bình vẻ ngờ ngợ, nhưng khi ông Sinh hát đến chỗ “Cung lỡ dây chùng, mấy ai đàn đừng sai.” thì ông Sinh ngừng lại như chợt nhận ra người quen.
    “Phải Bình không?”
    “Dạ, Bình đây! Em nhận ra thầy từ khi lần đầu tiên em gặp thầy ở đây. Bữa đó thầy hát đến chỗ cung lỡ dây chùng, mấy ai đàn đừng sai, cái cách thầy nghiêng đầu, nhướng mắt giống hệt như hổi mấy chục năm về trước thầy đến nhà em dạy đàn. Em cũng nhận ra thầy từ chén cơm rắc tóp mỡ rưới nước mắm. Sau đó em đến đây hằng tuần hy vọng gặp lại thầy mà mãi đến hôm nay mới gặp.” 
    Hai người kéo nhau đến một góc khác châu đầu trò chuyện với nhau.
    “Từ khi ra nước ngoài, tôi làm nghề thợ tiện để kiếm sống, nhưng vẫn đàn hát cho vui. Năm 2000 tôi có về Việt Nam xóm cũ, nhưng gia đình em đã dọn đi. Hỏi trong xóm không ai biết gia đình em dọn đi đâu.” 
    “Em và gia đình đi sau thầy vài tháng. Chỉ riêng chị em còn ở lại Việt Nam. Chị bán căn nhà cũ dọn về quê ở vậy không lấy chồng. Chị thích hát. Ngày xưa chị hay một mình tập đàn và hát bài Giọng Ca Dĩ Vãng. Cứ mỗi lần nghe chị hát đến câu “Lời ca ngày đó đã xa rồi. Mà ai còn chuốt mãi cung đàn vọng về tim” là em thấy chị ấy chảy nước mắt. Gia đình em làm giấy tờ rước chị sang đây ở nhưng chị sang chơi một thời gian rồi trở lại quê nhà. Chị bảo rằng chị thích sống ở Việt Nam hơn. Bây giờ chị vẫn sống độc thân. Chị mở tiệm karaoke để tạo cơ hội cho những người thích hát được hát.”
    “Tôi nhớ mỗi lần sau buổi dạy em học đàn, cô ấy thường mang cơm ra đãi. Cơm chỉ có tóp mỡ rưới chút nước mắm mà sao ngon lạ lùng.” Ông Sinh nói.
    Món ăn ngon nhất là món ăn trong trí nhớ. Tôi thầm nghĩ.
    Tôi nhìn ông Sinh. “Anh đã hát một bài hát chất chứa kỷ niệm về cô ấy mấy chục năm nay. Có lẽ đã đến lúc về quê thăm người cũ.”
    Một thời gian sau, ông Sinh đến. Cùng đi với ông là người chị của ông Bình. Sau cuộc đổi đời, người đánh đàn năm xưa không còn cơ hội trở thành nhà nghệ sĩ, nhưng may mắn thay cô gái năm xưa không làm dâu người ta. Ông Bình cho biết sẽ về Việt Nam giúp vợ chăm sóc quán cà phê có karaoke. Tôi nhớ đến lời của hai cô khách hôm nào. Một tình yêu tưởng như chỉ có trong cổ tích.
 

– Nhị Ngã

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Cô bé tên là Anna, cô vừa là chị cả vừa là mẹ của tôi. Trên tấm hình này, cô bé lên mười hai tuổi. Còn tôi là con bé mặc áo đầm nhung có hai dây đeo, tôi bám theo cô ấy giống như bám vào phao cứu đắm...
Trong lúc mọi chuyện tưởng đang tốt đẹp thì chúng tôi bỗng nhận được một cái tin đáng sợ. Đó là vụ anh Kha được thăm nuôi hai lần trong một ngày bị phát giác. Số là anh Kha được người nhà của linh mục Hương đến thăm vào buổi sáng. Vì quà thăm khá lớn nên cán bộ khám đường lưu ý nhớ kỹ...
Hồi tôi học lớp bảy, trường có phong trào làm báo tường mừng Xuân. Vì lớp không có ban Báo Chí nên tên lớp trưởng kiêm hết mọi chuyện, kêu gọi, gom bài. Hắn gặp tôi tại sân trường cuối giờ hôm đó...
Tin Ngọc Hoài Phương ra đi không bao giờ trở lại đã nhắc tôi nhớ lại những tháng năm hai đứa làm báo với nhau tại Sàigòn trước 1975. Thuở ấy trên khúc đường Gia Long, giữa Nguyễn An Ninh và Ngã Sáu Sài Gòn, có ba Tòa soạn báo Thời Luận, báo Tiếng Chuông và báo Dân Chủ có mặt từ thời Đệ I Việt Nam Cộng Hòa...
Cuối tháng 2 năm nay, 2023, chỉ trong vòng hai ngày, tôi đã mất đi hai người bạn cùng sinh năm 1941: Nguyễn Ngọc Kiểm, bút danh Ngọc Hoài Phương, & Bùi Hồng Sĩ...
Đất trời vào xuân, Hoa Châu mở hội chợ phù hoa. Người trong thiên hạ dập dìu trẩy hội, thôi thì khỏi phải nói, nam thanh nữ tú vờn nhau liếc mắt đưa tình, áo quần phới phới sắc xuân, những cụ ông cụ bà cũng móm mén cười hoan hỷ, đàn em thơ như những con sơn ca tíu tít vào đời...Thành Ất Lăng năm nào cũng thế, cứ mỗi độ xuân về là rực rỡ cờ giăng phướn thượng, đèn hoa khắp chốn, năm nay hội chợ có cả trăm gian hàng rộn ràng tấp nập, nào là hô lô tô, bầu cua cá cọp, thảy vòng, ném banh… nhiều nhất vẫn là những gian hàng giới thiệu sản phẩm của giới doanh gia nghiệp chủ, mặc dù không nói ra nhưng ai ai cũng cảm nhận được quyền lực chi phối của bọn họ, thật tình mà nói, cũng nhờ sự tài trợ của họ mới có thể tổ chức được hội chợ xuân...
Chị Bông hấp tấp lái xe đến văn phòng bác sĩ. Cái hẹn 4 giờ chiều nay vậy mà 4 giờ chị mới nhớ ra. Từ nhà đến phòng khám cũng mất 20 phút. Cũng may chị sẽ đi trên những con đường nhỏ vắng xe trước khi ra tới đường lớn để đến phòng bác sĩ nên chị Bông có thể chạy nhanh theo ý muốn. Chị Bông đang chạy tốc độ nhanh trên con đường Carter hai bên là khu apartment thì bỗng đâu một con chó con từ bên này đường phóng qua bên kia đường khi chiếc xe của chị vừa đến gần, chị tức tốc thắng lại ngay, chiếc xe đang đà nhanh bị đột ngột dừng lại làm chị Bông như muốn tung người ra khỏi dây seatbelt. Thế mà dường như vẫn không kịp...
Nhưng đến khi chiến cuộc miền Nam trở nên sôi động thì hai bên mất hẳn liên lạc. Vào năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ông Đ. hành đạo ở xứ đạo Phước Tỉnh, một xã đánh cá rất giàu có ở Bà Rịa...
Ô! Đây không phải là Chuyện Ba Người của nhạc sĩ Quốc Dũng. Chuyện ba người của nhạc sĩ có những khúc mắc khó gỡ, có những tình huống khó xử. Hai người vui biết bao nhiêu/ Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn...
Đơn Dương, một quận nhỏ thuộc tỉnh Tuyên Đức, cách thành phố Đà Lạt khoảng 30 cây số, ở độ cao 1000 m so với mực nước biển nên khí hậu mát mẻ quanh năm. Đơn Dương là một quận trù phú vì đất đai màu mỡ, cây trái hoa màu tươi tốt có thu hoạch rất cao. Cái quận nhỏ mà người ta không thể tìm thấy trên bản đồ có tỉ lệ thấp, ít người ở Saigon biết đến nhưng đối với tôi Đơn Dương là thị trấn êm đềm, thơ mộng với phong cảnh đồi núi đẹp như tranh, đã gắn bó cùng tuổi thơ hạnh phúc của tôi với biết bao kỷ niệm thân thương...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.