Hôm nay,  

Khi đàn ông phạm tội

08/03/202309:36:00(Xem: 2595)

Tùy bút

 

IMG_4837

 


Hồi tôi học lớp bảy, trường có phong trào làm báo tường mừng Xuân. Vì lớp không có ban Báo Chí nên tên lớp trưởng kiêm hết mọi chuyện, kêu gọi, gom bài. Hắn gặp tôi tại sân trường cuối giờ hôm đó:

 

– Bà ráng viết một vài bài cho báo tường lớp mình nha!

 

Tôi cũng hơi chảnh:

 

– Để tui suy nghĩ rồi trả lời ông sau.

 

– Suy nghĩ gì nữa! Mà nè, bà phải gọi tui là anh mới đúng, vì tui hơn bà một tuổi.

 

Tôi trề môi dài cả thước:

 

– Còn lâu! Học chung lớp, ai cũng như nhau.

 

– Nhưng tên của tui là Nguyễn Anh Nuôi, bà nhớ chưa?

 

Sự thực mà nói, hắn ta hiền khô, hay cười trừ mỗi khi có chuyện bế tắc, nhưng tại vì cái lý lịch “dân tập kết”, nói giọng nửa nam nửa bắc, đôi khi làm tôi khó chịu, không muốn kết thân. Lúc ấy “giải phóng” đã bốn năm rồi, tôi đã qua cái thuở thơ ngây chưa biết gì về thời cuộc, nhất là vừa mới chứng kiến ông anh thứ tư của tôi đậu đại học vẫn phải đi “nghĩa vụ quân sự”, rồi đào ngũ trốn chui trốn nhủi, sau đó may mắn vượt biển qua được Songkla, Thailand. Trường tôi vì gần khu quân sự nên thời điểm đó đón nhận một mớ học sinh là con của các gia đình cán bộ tập kết, hoặc từ bên kia vỹ tuyến tràn vào, mà nghe cái tên thôi cũng đoán được lý lịch của từng đứa. Lớp kế bên có hai anh em sinh đôi Nguyễn Văn Thống Nhất, Nguyễn Văn Hữu Nghị (hãi chưa?) Rồi còn có Phạm Trường Sơn, Trần Nam Tiến, rồi Vũ Huân Chương (chắc ba nó là Vũ Bằng Khen quá!), thậm chí có cả Đoàn Tiệp Khắc, Võ Việt Xô nữa cơ (thật là hùng tráng tình quốc tế anh em). Tuy nhiên, trong cả đám học sinh miền ngoài đó, chỉ còn lại tên Anh Nuôi lớp trưởng khá hiền lành nên tôi còn “giao lưu”, nói chuyện.

 

Nói gì thì nói, viết văn là sở thích của tôi từ thuở bé. Tôi còn nhớ, lúc ấy báo chí chưa có nhiều, chỉ có vài tờ nhật báo, trong đó có tờ Sài Gòn Giải Phóng. Mỗi thứ ba hằng tuần, tờ báo có trang dành cho thiếu nhi, giới trẻ. Tôi và một đứa bạn cũng mày mò, viết bài, bỏ vào phong bì, ra đầu xóm mua con tem, ghi địa chỉ toà soạn, rồi mang ra bưu điện gửi, và sau đó thấp thỏm đợi chờ. Nên chuyện báo tường chỉ là chuyện nhỏ, tôi viết một mạch về mái trường, về lớp học, về bạn bè thầy cô, trong vài ngày là xong. Tôi hào hứng đưa tên lớp trưởng hai đoản văn tản mạn. Hắn nhận xong, hỏi tôi:

 

– Bà nè, tui mới về trường năm nay, nên chưa rành vụ báo tường, bà nói sơ sơ cho tui nghe coi.

 

– Thì tìm mua một tấm giấy cứng màu trắng, khổ rộng, rồi để tất cả các bài trên đó, trang trí cho đẹp vào.

 

– Vậy thì đâu có bao nhiêu bài?

 

– Ngáo ạ! Mỗi mục có thể có vài bài là các trang giấy chồng lên nhau, như những tờ lịch xé vậy đó, người xem chỉ việc lật lên lật xuống.

 

– Mà cần những mục gì?

 

– Thôi ông hỏi nhiều quá, lên văn phòng mà hỏi thầy Hiệu Phó. Tóm lại, các mục tiêu biểu là Thơ, Văn, Tạp Bút, Truyện Cười, Lượm Lặt Đó Đây, Dưới Mái Trường, tuỳ mình chế ra mục nào mình thích nữa.

 

Gần tới ngày treo báo cho toàn trường ngắm thì hắn tuyên bố lớp 7A1 của chúng tôi sẽ không có báo, vì không kịp thời gian.

 

 Hắn khai thật với tôi:

 

– Thiệt tình là tui đã cố gắng, đã họp với mấy tên biết vẽ trong lớp mình, nhưng cuối cùng chẳng ra đâu vào đâu. Hơn nữa, đến giờ phút này chỉ mới nhận được… hai bài của bà thôi à, làm sao ra nổi tờ báo??

 

Hắn nói vậy thì tôi nghe vậy, hơi thất vọng chút xíu, chớ biết sao bây giờ, vì thời hạn đã cận kề, chỉ có trời mới giúp được. Đến ngày khai mạc báo tường, tôi hớn hở cùng bạn bè đi xem các tờ báo lớp khác. Bỗng tôi thấy hai bài của mình trên báo tường lớp sáu và tác giả ghi bên dưới là Nguyễn Anh Thư, chính là em gái thằng lớp trưởng. Tôi giận run người, nổi cơn điên, đến phòng hiệu trưởng mách thầy giáo phụ trách Báo Chí và chạy đi gặp hắn, để sỉ vả một trận. Sân trường giờ ra chơi biết tìm hắn nơi đâu? Chạy ra sân banh thì thấy hắn đang co giò chuẩn bị một cú sút phạt đền vào lưới đối phương. Nhìn thấy tôi tiến tới với bộ mặt trời gầm, đất lở, hắn làm liền cú sút bóng, nhưng trái bóng bay thẳng qua xà ngang, lọt ra ngoài hàng rào sân trường. Hắn đỏ mặt, chạy về phía tôi, là tôi trút ngay cơn giận vào hắn:

 

– Nè ông! Tại sao hai bài của tôi có mặt trên báo tường lớp 6A1 dưới tên của em gái ông?

 

Hắn nhễ nhại mồ hôi, vẫn bình tĩnh gãi đầu, và cười trừ:

 

– Tui không biết! Chắc là nó lấy trộm trên bàn học của tui.

 

– Nói vậy tưởng tui tin sao?

 

– Thiệt đó! Tui không biết, thôi bà đừng giận nữa.

 

Không để hắn nói hết câu, tôi gằn giọng:

 

– Kể từ ngày hôm nay, à mà không, kể từ giây phút này, ông nhớ tránh xa tui ít nhất là ba mét nhé, nếu không thì đừng trách tui hung dữ!

 

Nói xong cho hả cơn giận, tôi đùng đùng bỏ đi, mặc kệ hắn đứng như trời trồng giữa sân banh nắng gắt.

 

Đó là chuyện của xa lắc xa lơ, còn tiếp theo là chuyện mới đây, khi ở bên Canada xứ lạnh tình nồng. Những năm trước, khi còn là thành viên của Ban Quản Trị Hội Người Việt Edmonton, tôi phụ anh Hội Trưởng, kiêm trưởng ban Báo Xuân xem xét các bài vở trước khi layout. Bữa đó, có một bài thơ được gửi từ Saskatoon, nhưng đó lại chính là bài thơ của tôi đã từng đăng trên Báo Xuân Hội Người Việt những năm trước đó. Giờ bài thơ được sửa lại vài chữ ở vài câu, và đề tên tác giả mới. Sau khi tìm hiểu, được biết tác giả là một chú “có tuổi”, cũng có hoạt động cộng đồng ở vùng Saskatoon, tôi bàn bạc với anh Hội Trưởng, rồi bắt đầu gửi email: “ Cám ơn chú đã sửa lại bài thơ của cháu hay hơn, nhưng rất tiếc là chúng cháu không thể đăng bài thơ này nữa vì nó đã được đăng cách đây vài năm”.

 

Tưởng đọc email xong thì chú ấy im lặng cho xong, ai ngờ chú ấy email lại, phủ nhận:

 

“Ồ, vậy là chúng ta tư tưởng lớn gặp nhau. Riêng bài thơ này tôi đã làm từ chục năm trước rồi cơ!” (Ngầm ý là chú ấy mới chính là tác giả).

 

Không muốn đôi co với người lớn tuổi, tôi lại bàn bạc với anh Hội Trưởng, và gửi tiếp email: “Dạ, cháu biết tư tưởng giống nhau trong văn chương là chuyện bình thường. Tuy nhiên, Ban Biên Tập vẫn quyết định không đăng (lại) bài thơ này! Mong chú thông cảm”.

 

Viết tới đây, tôi bỗng nhớ hồi đó trong xóm tôi, có chị kia đi đánh ghen chồng ngoại tình. Chị đến tận nhà tình địch, gõ cửa, và y như rằng, có chồng chị ở trỏng. Vậy mà chồng chị giải thích anh ta đến đó để… trả nợ tiền làm ăn cho cô kia. (Còn tại sao “trả nợ” phải vào phòng đóng cửa thì không thấy nói). Chị hàng xóm của tôi thuộc loại lạt lòng, nên bỏ qua, không làm lớn chuyện, vợ chồng vẫn vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra, nhưng chị có tuyên bố một câu: “Đờn ông hả? Khi họ sai lầm, phạm tội, bằng chứng rành rành, nhưng việc đầu tiên là họ vẫn luôn luôn chối”.

 

So sánh với hai “sự cố” của tôi, cũng thấy… quen quen! Bây giờ nhớ lại, tôi không còn nổi cơn sừng sộ như cô bé tuổi 13 hoặc bực bội của tuổi “chớm… sồn sồn” như xưa nữa. Ngược lại còn thấy vui, vì nhờ vậy tôi mới có bài viết này và có những kỷ niệm vui để mỗi khi đến Ngày Phụ Nữ mà kể tội... đàn ông.

 

– Kim Loan

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kanchanaburi là một tỉnh miền trung Thái Lan có biên giới chung với Miến Điện. Thủ phủ là thành phố cùng tên cách Bangkok 140km. Ở đây có cây cầu nổi tiếng xây dựng từ WWII, cầu sông Kwai...
Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Nguyễn Hàn Chung...
thăng trầm lên xuống / như những bậc đá trên đồi xanh / tóc bay theo gió / mùa hạ êm đềm thắp lửa mặt trời / trong từng đôi mắt mong đợi / dõi cánh chim bay xa...
Ông bà Năm quê quán ở Thuận Hòa, Sóc Trăng, ông bà sinh cơ lập nghiệp cùng với và tiếp nối tổ phụ tổ mẫu nhiều đời ở quê. Họ yêu đồng ruộng, yêu vùng đất màu mỡ phù sa ruộng vườn gieo trồng thoải mái. Vậy mà sau ngày quốc nạn 30– 04– 1975, họ chật vật vì ruộng vườn, làm nhiều phải đóng thuế nhiều, làm ít thì bị tổ sản xuất phê bình kiểm thảo. Lúa mạ thiếu nước, thiếu thuốc trừ sâu, trồng tỉa khó khăn...
Trời nắng chang chang, thỉnh thoảng từng cơn gió bụi bốc lên bay rát cả mặt, dòng xe máy xình xịch chạy như mắc cửi trên đường. Hai bên lề đường có cả mấy mươi tiệm vịt quay, heo quay, những con vịt quay vàng ươm, có con thì da sậm màu hơi ngả nâu tất cả đều béo nhẫy mỡ, treo tòng teng trong tủ kiếng trông rất bắt mắt. Những con heo sữa quay vàng ruộm hoặc ngã màu cánh kiến, chủ tiệm còn gắn vào miệng nó một cái bông đỏ thắm...
Longwood Gardens là một “vườn hoa” không những nổi tiếng của Tiểu bang Pennsylvania mà còn là một trong vài vườn hoa nổi tiếng nhất của cả nước Mỹ...
Ở Mỹ người ta không ăn mỡ của động vật như heo, bò, gà vịt, vì sợ tăng cholesterol. Nếu ăn mỡ họ ăn bacon, thịt ba chỉ ướp muối. Họ chiên bacon cho giòn, ăn kèm với trứng chiên và bánh mì. Một món điểm tâm rất được nhiều người yêu thích. Tôi thích dùng mỡ nhưng chỉ dùng ở một vài món. Mỡ heo, tôi mua miếng dày, thái hạt lựu, thắng riu riu cho đến khi tóp mỡ héo lại, màu vàng nhạt ngả sang nâu. Tôi vớt tóp mỡ, để riêng ra cho khô và giòn, dùng để kho cá bống. Vì cất nhiều công, nên tôi rất quý tóp mỡ...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.