Hôm nay,  

Hàm răng ngọc

16/02/202310:31:00(Xem: 1841)
Truyện

rang


Nhớ lắm lúc như si như dại

Nhớ làm sao bải hoải tay chân

Nhớ hàm răng nhớ hàm răng

Nhớ người ngày đó vẫn khăng khít nhiều

(Thơ Hàn Mặc Tử)

 

Khi ta làm chuyện gì không phải ta đều sợ người khác chê cười. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Nhưng cũng có khi ta ngẫm việc đời thì phó mặc, cười hở mười cái răng. Cười hở mười cái răng thì hở cũng hơi nhiều thật, nhưng khi cười có ai kìm hãm được niềm vui bộc lộ. Cười thì cứ thoải mái cho nó muốn hở bao nhiêu cái thì hở, cho thấy nụ cười gắn liền với hàm răng.

 

Trong các bài tình ca Việt Nam, Tình Hoài Hương chẳng hạn, ta vẫn nghe hát:

 

Ai về có nhớ, nhớ cô mình chăng

Tôi về, về tôi nhớ, nhớ hàm răng, răng cô mình cười…

 

Nụ cười với hàm răng là biểu hiệu sức sống của con người. Ngày xưa có người nói ông Kennedy đắc cử cũng một phần nhờ ông có nụ cười có duyên, quả không ngoa. Đây là nụ cười và hàm răng cho ra thành quả chính trị.

 

Hàm răng có lúc còn đóng vai trò chính yếu trong tình yêu. Một nha sĩ quen đi kén vợ, ông tính hỏi cô A, trong thâm tâm nghĩ thế, nhưng đi giữa đường gặp em cô A là cô B đứng lại hỏi han trò chuyện, ông thấy hàm răng cô B đều đặn, xinh xắn và bóng như ngà. Ông thấy đáng yêu và duyên dáng quá. Thành ra có một sự di chuyển tình cảm, ông không cưỡng lại được. Ông xin ngỏ lời và hỏi cưới cô B. Không phải chỉ có một mình anh bạn nha sĩ đó mới bị ảnh hưởng nghề nghiệp lái đi quẹo ngã rẽ vậy đâu. Sự duyên dáng, sự đưa đẩy và duyên số là chính yếu. Cứ tạm cho là như vậy cho yên lòng.

 

Chúng ta khi gặp nhau chào hỏi, là trước tiên, chính yếu là phải đưa cái hàm răng ra trình diện cho nhau. Có ai mà nói không cười, nhứt là không hở mười cái răng?

 

Hàm răng đẹp là hàm răng như thế nào, thưa các nha sĩ? Tôi hỏi mà tôi xin mạn phép trả lời thô thiển trước, vô duyên thật, nhưng kẹt là tôi đang viết đây. Ôi chờ được cái hẹn trả lời hay cái hẹn đi trám răng lâu quá, thôi thì mạn phép được nghĩ đại khái như thế nầy, hàm răng đẹp là răng mọc đều, mọc ngay ngắn, cái nọ khít bên cái kia, trắng và sạch.

 

Có người ví răng đều như hạt bắp, có người bảo răng đẹp như hạt huyền, có ngươi còn trân trọng hơn gọi là hàm răng ngọc. Ngược lại có người răng mọc không đều gọi là răng khểnh, khểnh ở trước miệng gọi là răng hô hay vổ, mà có thời người Việt Nam mình hay gọi nhau là Henrô. Nhưng nếu có cái răng mọc khểnh, xích ra ở một bên khóe miệng thì lại là răng duyên vì nó tăng duyên dáng cho nụ cười của bạn bội phần. Nhưng coi chừng khểnh một bên khóe miệng thì có thể làm cho ý trung nhân vương vấn, trằn trọc khó ngủ. Nhưng lỡ ai có cái răng khểnh nhọn cùng nhô ra một lượt hai bên mép thì đối tượng sợ khiếp vía, rút êm, vì cứ tưởng người đẹp là phó bản của Dracula hiện hình.

 

Ngày nay y khoa, nha khoa, khoa học và kỹ thuật tiến bộ chấn chỉnh được các hàm răng vô ý tứ. Các em bé và mọi người bị răng hô, răng khểnh đều được mang đi chữa, cho răng mọc đều và mọc đúng vị trí. Cái nào hung hăng mọc ngang mọc quẹo làm phiền thì cứ nhổ béng đi là xong. Sau đó trồng lại, thậm chí đẹp hơn cái trời cho. Cám ơn nha sĩ.

 

Nhưng khoảng những chục năm về trước điều đó không dễ, nên thời chúng tôi còn trẻ, khoảng 1960–1970, đa số người có tật về răng phải ráng chịu, phải mang tên Henri, Henrô, Tôi còn nhớ mãi như còn trong cuộc đời, dù nay tuổi đã về chiều. Chúng tôi có hai người bạn, một nam tên K, một nữ tên V. Cả hai học chung lớp, chơi thân, và cha mẹ hai bên muốn kết thân. Như tôi vừa nói cả hai, K và V, đều chơi thân nhau và học chung với nhau nhiều năm cho tới lúc cả hai thi xong tú tài, cùng vào đại học. Họ có cảm tình với nhau. Nhưng khi mẹ anh K đề nghị đi dạm chị V cho anh thì anh khăng khăng không chịu, không chịu lấy vợ, cũng không chịu nói rõ tại sao. Cả hai cứ lơ lơ lửng lửng như thế cho tới ngoài ba mươi tuổi. Ba chục tuổi đầu vào thập niên 1970 kể đã muộn màng. Chúng tôi là những bạn đồng môn với K và V mà đã tay bồng tay mang, ríu rít và bận rộn, tối ngày vừa công việc làm vừa con mọn.

 

Có một ngày K đến thăm vợ chồng con cái tôi, nhìn K ham chơi ham giỡn với đám con nít, tôi không giữ được, bật hỏi:

 

– Nầy ông K, tôi hỏi thật, chuyện ông với bà V tới đâu rồi?

 

Anh gãi đầu gãi tai, tần ngần mãi rồi trả lời tôi:

 

– Thật ra thì lúc nầy trời mưa to.

 

– Ô hay cái ông nầy, đang nói chuyện tình yêu thì lại bảo mưa to với mưa nhỏ là sao?

 

K đi đi lại lại cố giải thích rõ hơn:

 

– Cô thật là kém thông minh, hay nhỉ, vậy mà cũng gọi là cô giáo. Nầy nhé, chỉ khi nào có lắm mưa to gió lớn thì người ta mới cần mái hiên chớ.

 

– Trời, sao anh lại xấu bụng và xấu miệng như thế với V hả? Anh mà cứ xấu như vậy thì sẽ bị trời phạt đấy. – Tôi lo dùm anh quá. Sợ cứ cái đà nầy rồi anh kiếm cô Henret cũng không ra.

 

K hơi đỏ mặt bào chữa:

 

– Tôi không ác đâu, tôi chỉ muốn nói ra cái sự thật mà không ai chịu hiểu là sao? Ngay cả mẹ tôi cả ngày bà cứ khen V ngoan và chịu khó. Tôi lấy vợ chớ có lấy cái chịu khó đâu. Tình yêu ít ra cũng phải có cái bề ngoài trông được được cho mình cảm mến, không nói là để xúc động chứ.

 

Tôi không còn lý do để cãi lại và từ đó chúng tôi không còn dịp để đề cập tới tình yêu hay răng lợi nữa. Nghĩ đến răng lúc nào thì dù bận rộn đến mấy chúng tôi cũng không khỏi cười thầm trong bụng về cái ý tưởng ngộ nghĩnh của K. Tôi đinh ninh là K hẹp hòi.

 

Độ ấy các con tôi đã đến tuổi sâu răng và bị nhổ răng. Chúng rất sợ cha mẹ dắt đi nha sĩ săn sóc răng, mà ngược lại chúng thích theo bà nội ra chợ để cho « bà Năm giác lể » xông khói vào lợi răng đặng bắt ra con sâu răng. Có lần con tôi trở về với một gói kẹo to trên tay và khoe:

 

– Hôm nay nội đưa con ra bà Năm xông khói miệng bắt được một con sâu to bằng bấy nhiêu này mẹ.

 

Nó hăm hở nói như thật và chìa ra trước mặt mọi người xung quanh hẳn một ngón tay út xinh xắn. Hôm đấy trời sui khiến sao đó có cô V đến chơi, nghe con bé nói vậy cô cười ngất:

 

– Con sâu răng chi mà to dữ vậy. Nếu nó để trong răng, có ngày cáu tiết lên nó gậm hết hai hàm răng của bé Uyên thôi. Sao con không mang nó về đây bán cho cô, cô mua lại cho nó ăn hết ba cái răng vổ của cô đặng cô làm lại răng mới… nhưng sửa răng hô cũng khó lắm, răng có thể ngắn lại mà môi trên vẫn nhô ra, coi kỳ kỳ!

 

Thời gian vút qua như bóng câu qua cửa, hơn mười năm không gặp, khi K đến, trông đã thoáng nét mệt mỏi thời gian. Chúng tôi lại vấn đáp chuyện cũ khi K tâm sự:

 

– V bây giờ đã học xong luật. Cô làm lục sự ở tòa án và lấy một ông thẩm phán. Họ đã có hai cháu lớn bắt đầu đi học rồi. Tôi mới gặp họ ngoài phố.

 

– Còn anh?

 

– Tôi vẫn thế, vẫn trăm năm hạnh phúc một mình, vẫn lang thang và tự do.

 

– Nhưng anh vẫn có tin tức của V đều đấy chứ? Tụi tôi thì bận rộn.

 

– Dĩ nhiên, chúng ta là bạn thân từ nhỏ chứ giỡn đâu.

 

– Tôi đâu nói anh giỡn, tôi chỉ trách anh xem trọng cái hàm răng quá đáng.

 

– Cô quan niệm tình yêu không đúng, không toàn vẹn.

 

– Vậy tình yêu toàn vẹn phải có hàm răng đều cân xứng?

 

– Đúng. Hàm răng tự nhiên, không sửa chữa, không can thiệp.

 

Tôi tôn trọng ý kiến riêng của bạn, không nói thêm. Sau 1975, cộng sản áp đặt miền Nam, chúng tôi không được nghỉ hè mà phải đi học chính trị. Tình cờ trong một buổi hội thảo, mãi nhiều năm sau, tôi gặp lại K. Tôi được biết anh vẫn lủi thủi bên bà mẹ già tóc bạc phơ. Một lần, trong giờ giải lao, tôi đánh bạo hỏi:

 

– Anh vẫn chưa tìm được hàm răng đẹp?

 

– Rồi.

 

– Đâu? Nàng tên gì? Sao không mang lại đằng nhà chơi?

 

– Thủng thẳng, không gấp, nàng sẽ đến thăm vợ chồng cô và các cháu nếu tình hình tiến triển với chiều hướng tốt.

 

– Độ bao giờ?

 

– Đã bảo không lâu đâu. Từ từ, chỉ qua tháng tới thôi. Hết hè nầy là phải ra ngô, ra khoai… Tôi và nàng hẹn nhau cuối tuần sẽ tuyên bố chấp nhận tình yêu, hay là không bao giờ. Chúng tôi sẽ cùng đến ở điểm hẹn, tức là coi như ngầm đồng ý. Đó là điểm hẹn. Thiên Đàng, nơi gặp gỡ của bánh mì và hoa hồng, nói theo định nghĩa của Karl Marx. Tôi có bánh mì còn nàng mệnh danh là hoa hồng. Cứ xem như vậy đi.

 

– Đúng là học chính trị kiểu cộng sản, nói theo kiểu Vẹm.

 

Tôi hơi bực mình và buồn cười nhưng cũng lắng bụng chờ đợi, chờ đợi cho qua buổi hẹn để xem mặt Hoa Hồng, tò mò mà. Nhưng hỡi ơi, chủ thuyết cộng sản không đúng khi mà người ta không thực lòng đảm bảo, kể cả trong hoàn cảnh tình yêu muộn màng của anh bạn khó khăn. Hoa Hồng đến điểm hẹn mà bánh mì không đến. Không phải không đến kịp theo luật cung cầu, mà K tự ý không đến. Anh thành thực, tôi nghĩ là K thành thực, rất thành thực khi kể lại:

 

– Hôm đấy, một chiều chủ nhật đẹp trời, có sợi mây hồng vương vương trong gió, chúng tôi đã y hẹn bốn giờ chiều ở quán Thiên Đàng. Chúng tôi đã giao ước trước nếu cả hai cùng đến là cùng chấp nhận yêu nhau, nhưng nếu có một trong hai người thay đổi ý kiến vào giờ chót không đến, cuộc tình không thành thì người nầy không được vặn vẹo người kia là tại sao… và dù gì, về sau cả hai vẫn là bạn, vẫn là đồng nghiệp, cùng một tổ chuyên môn và vẫn cùng nhau soạn “giáo án“, dạy chung trường.

 

Tôi kiên nhẫn nghe. Anh lấy thuốc lá hút vài hơi, bình tĩnh nối lời:

 

– Tôi đã tắm rửa cho mát, diện quần áo bảnh bao, lên xe chạy, lòng ung dung thư thái tiến về phía Thiên Đàng. Còn cách điểm hẹn năm trăm thước, tôi ngừng lại bên đường, hút điếu thuốc, suy nghĩ thêm lần chót: tại sao mình lại đến? Tại sao lại phải đến? Tại sao sống lại cần đến Hoa Hồng? Nhìn trời, hút tàn điếu thuốc, tôi tìm ra một chân lý mới: tôi là tôi, cũng là mây, là gió, là trăng nước. Tại sao lại phải tùy thuộc vào một người. Cho dù người đó là Hoa Hồng? Thế là tôi quay xe trở về nhà. Ừ nhỉ, quên mất mình đang sống tự tại, tự do, muốn đi đâu thì đi, về đâu thì về. Tự nhiên lại buộc vào mình một gốc Hoa Hồng gai góc, phiền toái làm chi. Thôi thôi cứ tự nhìn trong cái xã hội nầy đã rồi tính sau. Tôi khỏi phải làm phiền ai và khỏi ai làm phiền tôi, sống vậy là tiên trong đời.

 

K nói một hơi, đắc ý một mình. Tôi nhìn cái bản mặt anh phát ghét.

 

– Thôi, anh lẩn thẩn lắm, đi về đi. Tôi chán nghe chuyện lẩm cẩm của anh lắm rồi. Đồ đàn ông mà sợ trách nhiệm.

 

Chúng tôi không chào từ biệt nhau.

 

Mãi gần khi tôi từ giã quê hương xuất ngoại để đoàn tụ gia đình với chồng con tôi, mùa Noël 1982–1983 thi K đến tìm tôi và cho chúng tôi hay:

 

– Các bạn ạ, vì mái hiên yêu dấu, nàng vừa đến chào tôi để đi xa, thật xa đây, đi đoàn tụ với đại gia đình bên kia trời tây thăm thẳm, có lẽ rồi tới cuối cuộc đời… không bao giờ tôi và V còn gặp lại nhau nữa.

 

Mặt anh hơi tái và phảng phất nét thống thiết, bàng hoàng. Chúng tôi chưa kịp phản ứng thì anh đã hậm hực, nói thêm:

 

Tôi chả hiểu tại sao cái ông Thượng Đế mà ai ai cũng khâm phục, lại ban cho V cái hàm răng chả hợp tí nào với khuôn mặt và con người của V. Răng lợi như vậy có khác nào chửi bố nhau còn đỡ tức hơn.

 

– Thôi mệt quá rồi ông tướng ơi. Đầu đời cũng chuyện cái răng, cuối đời lăn lộn mãi cũng chuyện cái răng hô. Thôi quên đi là xong.

 

– Tôi cũng cố quên, mà quên cũng có nghĩa là phải nhớ nhiều hơn nữa.

 

– Sao ngày xưa anh không nghĩ như vậy có êm đẹp hơn không? Còn cô Hoa Hồng giờ ra sao rồi?

 

– Hoa Hồng sau đó giận tôi đổi đi xa. Nhưng đừng nói đến cô ấy nữa. Tôi đang nghĩ về V.

 

– Khi nào anh cũng quyết định trễ và khó khăn hơn mọi người.

 

Chung quy cũng tại lỗi ở cái hàm răng. Tôi tranh luận thật lâu với bạn tôi. Tôi khăng khăng cho là bạn K không thật lòng yêu V vì khi đã yêu, người ta yêu cả nét đẹp lẫn nét xấu. Khi yêu cô Lan, hay yêu cô Mai thì tại vì đó là Lan, là Mai. Bạn tôi nhứt định cãi tôi. Anh nói trong tình yêu mà không toàn vẹn, dễ nhìn (?) rồi sẽ bỏ nhau sớm hay muộn mà thôi. Anh dẫn chứng là lúc thuận thảo thì sao cũng xong, nhưng khi đã xích mích thì nhìn cái vô duyên của người đối diện « chỉ muốn vả » cho một cái.

 

– Chúc Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chị Hương đẹp lắm! Một vẻ đẹp đài các sang trọng của một Giai nhân xứ Huế. Dáng người dong dỏng cao, thanh thoát, nước da trắng hồng, mái tóc óng mượt buông lơi xõa sau bờ vai tròn. Đặc biệt chị có đôi mắt đẹp và yên bình như mặt nước hồ thu...
Bao năm qua, đã đến sống trong làng chài từ lâu lắm, đã làm bạn kéo lưới qua nhiều chủ ghe, chủ tàu cá, Tư Dầm vẫn nghèo, vẫn túng, không hề sắm nổi cho mình chiếc ghe câu để tự kiếm sống qua ngày.
Trại Sikiew, đêm văn nghệ mừng Năm Mới diễn ra trên Bãi Đá năm ấy có vài giọng ca gây bất ngờ. Đầu tiên phải kể đến Vân Đại Bàng với bài hát Đường Xưa Lối Cũ hay thần sầu, bà con vỗ tay rần rần...
Từ mấy hôm nay Thi nôn nóng chờ đợi ngày về quê thăm nhà. Nàng cứ loay hoay tính toán mãi không biết phải mua quà gì về cho mấy đứa em. Con gái đi học xa nhà, thật sung sướng và hạnh phúc biết bao mỗi khi có dịp nghỉ lễ dài để trở về sống với gia đình thân yêu...
Tôi dần dà để ý đến một cặp vợ chồng Á Châu. Không hiểu tại sao, tôi đoan chắc họ là vợ chồng, chứ không thể là tình nhân, hay hàng xóm. Họ đến mua hàng hầu như mỗi ngày ở siêu thị tôi đang làm việc...
Hai bài thơ của Trần Hạ Vi...
Cuối đời Đông Hán nước Tàu, tại quận Cự Lộc có nhà cự phú họ Trương sinh được ba anh em là Trương Giốc, Trương Bảo, Trương Lương. Khi ông bà Trương mất thì Bảo và Lương hãy còn nhỏ, Trương Giốc thay quyền cha mẹ nuôi dạy hai em...
Tuy Hòa, nơi tôi ở cách nay gần bẩy chục năm, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Chắc bạn đọc nghĩ là tôi đang ở Hà Nội, hay Sài Gòn. Không. Chúng tôi đang du lịch châu Âu. Chuyến nghỉ hè năm nay, cùng với đôi bạn từ Quận Cam, tưởng đã không thành vì Delta Airlines huỷ chuyến bay vào giờ chót, sau khi đã có thẻ lên tầu. Lên mạng tìm vé khác và bên Turkish Airlines còn chỗ để đưa chúng tôi đến Barcelona, Tây Ban Nha là thành phố đầu tiên của chuyến du lịch...
Buổi sáng bến xe Tây Ninh đông đúc và ồn ào. Tiếng rao hàng của đám bán hàng rong vang lên inh ỏi, từ bán bánh mì, bán nước trà đá, nước ngọt bỏ bao, đến bọn người bán sách báo dạo, cứ gặp ai cũng chìa hàng đến trước mặt, giọng mời gọi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.