Hôm nay,  

Anh yêu ai?

08/02/202308:41:00(Xem: 2317)
Truyện

alley-in-saigon


Không biết tình cờ hay cố ý anh Phượng gặp tôi ngay đầu hẻm khi tôi đi học về, anh chặn xe đạp tôi lại, hỏi:

 

– Em Bông, chiều nay đi ăn chè với anh không?

 

Bất ngờ quá tôi bối rối và ăn nói…vô duyên như thường lệ:

 

– Chè… gì anh?

 

Nghĩ tôi là con nhỏ ham ăn chắc, anh liệt kê một mớ chè hấp dẫn:

 

– Chè đậu xanh bột khoai nước dừa đường cát trắng, chè sương sa hột lựu, chè trôi nước, chè…

 

Tôi cản lại:

 

– Anh khỏi kể, em ăn hàng bấy lâu nay có bao nhiêu loại chè em biết hết rồi, nhưng…

 

– Anh năn nỉ mà, lâu lâu anh mới về phép thăm.

 

Tôi hồi hộp, vô duyên lần nữa, cướp lời anh:

 

– Thăm gì hả anh?

 

– Thăm nhà và thăm xóm mình chứ còn gì nữa. Anh nhớ mấy gánh chè trên chợ Hạnh Thông Tây…

 

May quá tôi cũng nói được một câu… bình thường:

 

– Để em suy nghĩ, trả lời anh sau.

 

Anh tự tin dễ sợ:

 

– Anh cứ đợi em ở mấy gánh chè trên chợ lúc 7 giờ chiều nha.

 

Tôi đạp xe về nhà với cõi lòng lâng lâng. Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7, 8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát, tiếng hát ngọt ngào của anh đã rót vào trái tim 16 tuổi trăng tròn của tôi những tình cảm bâng khuâng. Anh đi lính, xóm vắng anh, vắng cả những đêm khuya tiếng hát tiếng đàn.

 

Hôm nay anh về phép gặp tôi và rủ đi ăn chè có… tình ý gì đây? Trước giờ anh có để ý gì đến tôi đâu, hay là bây giờ anh đã… chuyển hướng yêu tôi? Tôi muốn đi ăn chè với anh lắm, tôi tưởng tượng anh Phượng và tôi hẹn hò cùng sánh vai từ nhà đi bộ lên chợ Hạnh Thông Tây, anh sẽ nói gì với tôi nhỉ? Và cuộc ăn chè để chúng tôi được dịp tâm tình?

Nhưng tôi chưa biết sẽ đi bằng cách nào, ở nhà tôi vẫn phải kè kè trông em, bế em, lấy lý do gì nói với mẹ để rời khỏi nhà cả tiếng đồng hồ.

 

Tôi muốn hỏi ý kiến nhỏ bạn thân cùng xóm Bích Hợp, điều gì nó cũng giúp tôi tìm ra đáp số nhưng điều này thì không thể vì Bích Hợp hình như cũng có cảm tình với anh Phượng. Có những khi Bích Hợp sang nhà tôi chơi nói chuyện đến khuya, hai đứa đang ríu rít cùng… im bặt khi vẳng nghe tiếng hát anh Phượng hàng xóm vọng sang. Bích Hợp đã mơ màng:

 

– Anh ấy hát hay quá!

 

Nếu anh Phượng yêu tôi, Bích Hợp sẽ buồn biết bao!

 

Tôi ăn cơm xong định sang nhà Bích Hợp thì nó đã sang nhà tôi, nét mặt nó có vẻ bồn chồn lạ lắm. Tôi chẳng dám mở lời nói chuyện của mình thì Bích Hợp nói trước:

 

– Bông nè, anh Phượng rủ tao chiều mai đi ăn chè trên chợ Hạnh Thông Tây, tao chưa biết trả lời sao nên hỏi ý kiến mày.

 

Tôi giật mình, khai luôn:

 

– Anh Phượng cũng rủ tao chiều nay đi ăn chè, tao cũng chẳng biết trả lời sao. Thì ra anh rủ cả hai đứa nhưng mỗi đứa một buổi chiều khác nhau.

 

Nghe xong Bích Hợp thoáng thất vọng và phân vân:

 

– Vậy thì giữa hai đứa mình, anh ấy… yêu ai? Mình phải ba mặt một lời hỏi cho ra lẽ, không để anh bắt cá hai tay.

 

Thì ra Bích Hợp cũng yêu thầm anh Phượng nhiều chẳng kém gì tôi. Tôi đồng tình:

 

– Anh Phượng phải chọn một trong hai và tình bạn chúng mình vẫn không thay đổi nha.

 

– Ừ, sòng phẳng và rõ ràng. Tao thề thà hi sinh tình yêu chứ không hi sinh tình bạn.

 

Tôi cảm động:

 

– Tao cũng thề tình bạn là trên hết.

 

Hai đứa bàn nhau không đi ăn chè với anh, cho anh chờ mỏi mòn và ăn chè một mình, đáng đời về cái tội dám yêu hai đứa tôi cùng lúc dù anh biết chúng tôi chơi thân nhau như thế nào rồi.

Chiều hôm sau tôi và Bích Hợp lượn qua lượn lại trước cửa nhà anh, mong gặp anh để hỏi vụ anh mời đi ăn chè, để bắt anh xác nhận anh yêu ai nhưng chẳng thấy bóng dáng anh đâu. Thế rồi anh Phượng trở về đơn vị hồi nào chúng tôi không hay. Chắc anh ra đi với cõi lòng tan nát vì cùng một lúc bị hai đứa chúng tôi đối xử phũ phàng?

 

*

 

Cuối năm vào dịp Giáng Sinh anh Phượng lại về phép thăm nhà, chàng lính chiến dáng to cao uy nghi trong quân phục thoáng qua nhà làm tôi lại bâng khuâng xao xuyến. Bích Hợp sang nhà tôi rộn rã báo tin:

 

– Anh ấy đã về.

 

Nghe giọng nói reo vui và đôi mắt Bích Hợp long lanh, tôi bỗng chạnh buồn. Bích Hợp đã chờ mong anh như tôi đã chờ mong.

 

– Không biết anh Phượng có rủ mình ăn chè nữa không nhỉ?

 

Bích Hợp cương quyết:

 

– Dù thế nào chúng mình cũng phải gặp anh ấy, bắt anh phải trả lời câu hỏi mà anh còn nợ mình: Anh yêu ai?

 

Tin anh Phượng đưa người yêu về ra mắt mẹ anh đã lan truyền trong xóm, cô này theo đạo Thiên Chúa trong khi gia đình anh đạo Phật, mẹ anh không hài lòng. Tôi và Bích Hợp nghe tin này cả hai đứa đều ngạc nhiên và buồn ủ ê. Buồn là buồn cho anh, chắc anh thất tình hai đứa tôi nên đành lòng tìm người yêu khác dù bất đồng tôn giáo, dù làm mẹ anh buồn phiền.

 

Hai đứa quyết chí gặp anh, không để anh âm thầm ôm khổ đau trở về đơn vị như lần trước nữa. Tôi và Bích Hợp loanh quanh ở đầu ngõ nhà anh, canh chừng nếu anh bước ra khỏi nhà sẽ không thoát khỏi chúng tôi. Dĩ nhiên là chúng tôi toại nguyện, vừa thấy anh Phượng đi tới chúng tôi đã nhào theo rối rít gọi:

 

– Anh Phượng ơi! Anh Phượng!

 

Anh dừng chân ỡm ờ:

 

– Hai đứa muốn rủ anh đi ăn chè hả?

 

Bích Hợp lanh chanh vào đề ngay:

 

– Tụi em phục kích anh ở đây để hỏi tội anh mời riêng rẽ từng đứa em đi ăn chè mấy tháng trước đó.

 

Tôi sầu bi và sưng sỉa dỗi hờn:

 

– Anh mời em đi ăn chè là anh yêu em sao còn mời Bích Hợp đi ăn chè?

 

Anh thảng thốt kêu lên:

 

– Ủa… Ủa…

 

Bích Hợp sốt ruột cướp lời anh:

 

– Ủa, ủa cái gì. Vậy thì anh yêu ai? Đừng có nói là anh yêu cả hai đứa em nha.

 

– Ủa… Ủa…

 

Đến lượt tôi cắt ngang không cho anh nói hết câu:

 

– Thôi anh đừng có “ủa ủa” nữa, bọn em hiểu rõ lòng dạ anh rồi.

 

Anh mở to mắt nhìn hai đứa tôi và không nhịn được cười:

 

– Ủa, ủa… Bộ cứ rủ đi ăn chè là yêu hả? Nghe nè hai đứa, anh đi lính xa nhà, xa bao kỷ niệm, anh nhớ những gánh chè trên chợ Hạnh Thông Tây xóm mình và muốn rủ người đi ăn cùng cho vui, anh mời riêng em Bông, rồi mời riêng em Bích Hợp là anh muốn… thử lòng hai cô bé chơi thân với nhau, gắn bó nhau không rời sẽ phản ứng thế nào. Kết quả anh đã biết rồi, hai cô bé cho anh “leo cây” và tình bạn vẫn bền vững. Chúc mừng hai em. Thôi anh có chuyện bận, anh đi đây.

 

Hai đứa tôi ngẩn ngơ nhìn nhau không nói nên lời. Chập tối, mẹ sai tôi đi tìm đứa em 5 tuổi đang chơi nhà hàng xóm. Thấy em đứng trước cửa nhà anh Phượng tôi liền đến gọi nó về. Nhưng vừa đến sát cửa thì tôi nghe có tiếng cãi cọ, là tiếng mẹ anh Phượng chì chiết:

 

– Con về phép chọn dịp lễ Giáng Sinh để đi lễ nhà thờ với người yêu. Con mê nó đến thế cơ à!!!

 

– Chúng con yêu nhau cả năm nay rồi mẹ, cô ấy ngoan hiền lắm.

 

Mẹ anh vẫn to tiếng:

 

– Nhưng mẹ không thích người khác tôn giáo. Xóm mình thiếu gì con gái cũng ngoan cũng hiền. Thí dụ như con Bông, con Bích Hợp đấy. Mẹ thấy con hay chuyện trò vui vẻ với chúng nó lắm mà, sao không chọn một đứa?

 

Tiếng anh Phượng dứt khoát:

– Hai con nhỏ ngố này con coi như em út trong nhà mẹ ơi, một đứa thì xớn xác vô duyên một đứa thì lanh chanh hóng hớt, yêu gì nổi. Con nói chuyện với hai đứa là thường tình hàng xóm láng giềng thôi.

 

Nghe tới đây tôi tự ái chịu hết nổi vội bế thốc đứa em về cho nhanh, không thèm nghe lén nữa.

 

Vụ anh Phượng rủ tôi và Bích Hợp đi ăn chè, anh chỉ đùa cợt cho vui vậy mà suốt mấy tháng trời hai đứa tôi cùng ôm mộng, hí hởn tưởng bở anh ấy yêu mình. Nhưng tôi và Bích Hợp bỗng vui mừng sung sướng khi anh chẳng yêu ai, Bông hay Bích Hợp, vì nếu anh yêu một trong hai đứa thì biết đâu tình bạn chúng tôi sẽ vơi đi?

 

– Nguyễn Thị Thanh Dương

(Jan. 22, 2023)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mặt trời đang ngập ngừng lặn sau lũy tre xa. Ánh nắng vàng còn xót lại vương vãi trên cánh đồng đã đổi thành màu da cam rồi màu tím nhạt. Dăm ba chị nông dân đương gánh lúa về, đòn gánh nặng trĩu nhún nhẩy trên vai. Họ trao nhau vài câu chuyện ngắn, đứt quãng, xen lẫn tiếng chuông chùa thong thả ngân từng tiếng một vang vào không trung. Vài con chim lạc lõng vội vàng bay về tổ...
Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Thy An...
Trong cuộc sống của con người, từ gia đình đến xã hội, sự vui đùa bao giờ cũng cần thiết. Khi đang làm việc mệt nhọc, nghe một câu nói đùa, lòng bỗng thấy vui, cơn mệt nhọc như tiêu bớt một phần. Hai người đang tức giận nhau, không khí đang căng, chỉ một câu nói đùa có thể hóa giải hoặc làm giảm cường độ xích mích...
Từng thùng cây thông con được đưa từ chiếc xe tải vừa sửa xong xuống đất. 37 người làm trong "Hợp Tác Xã Sửa Chữa Ô Tô 19/8 " Đà Lạt, đang đi công tác ở gần thác Prenn: Bửu Sơn Tự, là một ngôi chùa nhỏ của vài chú tiểu và một nhà sư tu được vài năm nay...
Ba chị em Tabi, Betsy và Holden tung tăng trong chợ Target, hôm nay chúng theo bố mẹ đi chọn mua đồ cho ngày khai trường vào ngày 24 tháng tám sắp tới. Chợ nào cũng “Back to School Sale” đua nhau giảm gía nhiều quần áo, giày dép và đồ dùng cho học sinh. Ba chị em vui thích lắm...
Chị Thiên Kim sinh trưởng vào thập niên năm mươi của thế kỷ trước, trong một gia đình khá giả có cửa hiệu buôn bán ở phố Ngã Giữa, đường Phạn Bội Châu, Huế (nay là đường Phan Đăng Lưu). Hồi học trường Đồng Khánh chị đã nức tiếng hoa khôi, nên mỗi lần tan lớp, có nhiều “cái đuôi” theo về tận ngõ, hoặc trồng cây si trước cổng đợi tan trường...
Sáng sớm, vừa mở di động vào messenger gặp ngay tin nhắn của Duyên. Sững người. Rồi cười. Sao thế nhỉ? Sao con bé lại hỏi câu ấy nhỉ? Đang định nhắn “Sao em biết?” thì giật mình, xóa chữ đi lùi, sửa lại...
Ông Hương Cả làng Ngọc Thạnh nổi tiếng mát tay, tuy là chức sắc trong làng nhưng người làng ít kêu ông là ông Hương Cả mà họ kêu là thầy Hai. Thầy Hai bốc thuốc Nam rất hiệu nghiệm, ai bị bệnh gì cũng tìm tới thầy Hai. Thầy Hai xem mạch và bốc thuốc làm phước chứ chẳng phải lấy tiền...
Tôi và Hùng giận nhau đã hơn tuần lễ sau một trận cãi vã dữ dội, chúng tôi quyết định xa nhau. Khuôn mặt cương nghị tuấn tú của chàng với nụ cười ngạo nghễ luôn luôn ám ảnh tôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.