Hôm nay,  

Đi thăm Texas: Những chàng cao bồi và ngành dầu hỏa

16/01/202310:27:00(Xem: 3283)


texas


Trên đường lái xe từ Corpus Christi đến thành phố Houston, để “đốt” thời gian dài buồn chán trên xe, chúng tôi kể cho nhau nghe vài kỷ niệm ngày xưa, trong đó phải kể đến một thời tuổi trẻ đã từng lê lết trong những rạp “chớp bóng” ở Sài Gòn ngày nào. Hào hứng nhất vẫn là nhắc lại những phim “cao bồi” nổi tiếng. Hình ảnh những chàng cao-bồi sống trên yên ngựa xua từng đàn bò lớn băng qua những cánh đồng cỏ rộng lớn, hay qua những vùng sa mạc, núi non đã để lại biết bao nhiêu hình ảnh hào hùng, phóng khoáng lẫn thơ mộng của họ trong ký ức của các cậu học trò Sài Gòn tuổi choai choai vào thập niên 60-70. Thêm vào đó là những phim ảnh của những người đi khai thác dầu thô (oil) mà đại đại diện nhất thời bấy giờ là phim Giant do những tài tử gạo cội thủ vai chính gồm James Dean đóng cùng với nữ hoàng điện ảnh một thời Elizabeth Taylor mà tôi còn nhớ được. 

 

Những chàng cao-bồi Texas

 

hung 1 

Những chàng “chăn bò” hay “cao-bồi” là một biểu tượng đặc thù rất nổi tiếng của Texas. Thời hưng thịnh của các anh chàng này được bắt đầu kể từ thời hậu chiến tranh Nam Bắc. Nói về Texas mà không nhắc tới “cao-bồi Texas” thì quả thật là một thiếu sót lớn.

 

Năm 1870 sau khi chiến tranh Nam-Bắc chấm dứt, người Texas chấp nhận quay trở lại với chính quyền Liên bang Hoa Kỳ. Các nông trại không còn một xu dính túi, nhưng họ nhận ra rằng trong tay họ còn có từng đàn bò hoang, loại sừng dài, sống đông đúc trên cánh đồng cỏ xanh rộng lớn thuộc miền tây Texas. Những đàn bò hoang vô chủ sẽ thuộc về những ai có thể bắt được chúng. Hình ảnh của các chàng “cao-bồi” như ta thấy qua phim ảnh của Hollywood đã được phát sinh. Họ xua từng đàn bò từ vùng đồng cỏ Texas theo đường mòn (trail) qua San Antonio, Austin và Fort Worth, rồi băng qua tiểu bang Oklahoma để đến Abilene thuộc tiểu bang Kansas. Con đường di chuyển này được gọi là Chisholm Trail.

 

Năm 1871, lộ trình di chuyển trên trở nên rất nhộn nhịp, có tới 600 nghìn con bò đã được di chuyển trên tuyến đường này. Cũng nên nói rõ thêm là bò hoang đã đến đây từ thời các nhà thám hiểm Tây Ban Nha mang tới. Một số bò trốn thoát và chúng sinh sôi rất nhanh trên cánh đồng cỏ xanh tươi thuộc miền tây Texas.

 

Không phải Texas chỉ đem bán bò “sừng dài” được đánh bắt trên cánh đồng cỏ hoang mà còn phải kể đến cả bò “sừng ngắn” do các nông trại đã nuôi trước khi cuộc chiến tranh Nam-Bắc xảy ra. Cách nuôi và di chuyển bò, ngay cả “y phục cao-bồi” với nón rộng vành, quần áo ngoài bằng da cũng đều bắt chước từ “cao-bồi người Mễ” thời đó. Trong chiến tranh, mọi thanh niên Texas đều phải gia nhập quân ngũ, gia súc không người chăn nuôi, nhưng bò vẫn sinh sôi một cách nhanh chóng mà thịt chúng không được cung ứng cho thị trường.

 

Texas thuộc lực lượng miền Nam (Confederate States) nhưng phần sông Mississippi thuộc lãnh thổ của lực lượng miền Nam đã bị quân đội miền Bắc (Union) kiểm soát. Do đó, trong khi quân đội miền Nam ở Virginia chết đói mà lương thực của Texas lại không thể chuyển vận lên tiếp tế cho Virginia được. Trận chiến khốc liệt lừng danh trong quân sử Mỹ của tướng Ulysses S. Grant, tổng tư lệnh của quân đội miền Bắc (Union), chính là trận chiến giành lấy sự kiểm soát dòng sông Mississippi mang tầm chiến lược. (Sẽ được trình bày trận chiến này trong một bài viết khác)

 

Khi chiến tranh Nam-Bắc kết thúc, 6 triệu con bò nuôi ở Texas không được sử dụng tới. Trong chiến tranh, mọi nguồn thịt đều dùng phục vụ cho quân đội. Nay hòa bình, hàng triệu người dân miền Bắc đang có nhu cầu rất cao về thịt, nhưng sự cung ứng tại chỗ thì không có bao nhiêu. Giá thịt bò tăng rất cao mà trong khi đó ở Texas, giá một con bò chỉ có một đô la. Do đó, nhiều đàn bò được chuyển lên hướng Bắc.

 

Cũng nên biết thêm, hệ thống đường sắt mới chỉ được xây dựng tới miền tây của Kansas. Vấn đề đặt ra là làm sao di chuyển được những đàn bò tới Kansas. Thị trấn Abilene của Kansas đã trở thành “chợ bò” quan trọng cho thị trường bò Texas. Thành phố Dodge, Kansas, sau đó trở nên quan trọng hơn Abilene và được mệnh danh là “kinh đô” của các chàng cao-bồi. Bò được chuyển đến những tỉnh thuộc Kansas, và sau đó, người ta chuyển chúng thẳng tới Chicago bằng xe lửa.

 

Cuộc buôn bán bò hưng thịnh kéo dài được 15 năm. Hàng chục triệu con bò đã liên tục băng ngang qua cao nguyên Great Plains. Trên con đường dài này, đàn bò chỉ có thể di chuyển một cách chậm chạp, có khi vài tháng, có khi cả năm mới tới nơi bán, và các chàng cao-bồi phải bảo vệ bò suốt 24 giờ một ngày.

 

Rồi tới năm 1880, tình hình thị trường thịt bò thay đổi. Đôi khi bò tới nơi mà không bán được ngay, chúng phải được nuôi dưỡng trên những cánh đồng cỏ để béo tốt trở lại sau cuộc di chuyển dài ngày. Do đó hàng trăm trại bò được thành lập dọc theo đường di chuyển để nuôi dưỡng chúng chờ ngày mang ra chợ bán. Số trại bò đã nhanh chóng tăng trưởng cả về số lượng lẫn kích thước. Có trại rất lớn, do người giầu mua lại đất của các trại nhỏ, có diện tích lớn hơn diện tích của tiểu bang Rhode Island, đó là trại The King Ranch còn hoạt động tới ngày nay.

 

Xin mở dấu ngoặc ở đây, vào năm 1862, để khuyến khích dân chúng đến định cư ở các vùng miền Tây xa xôi (tính từ sông Mississippi), Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dự luật "Homstead Act". Luật này cho phép công dân Mỹ trên 21 tuổi đến đây lập nghiệp được cấp 160 mẫu tây đất (acres) để khai khẩn. Một làn sóng di dân tràn vào vùng này. Theo đạo luật mới, họ có quyền thiết lập nông trại riêng cho mình trong phạm vi đất được sở hữu. Ban đầu, các chàng cao-bồi Texas không quan tâm đến những nông trại tư nhân mới thiết lập này đã ngang nhiên dẫn từng đàn bò của mình băng qua ngay cả phần đất đã có chủ ấy. Nhưng tới năm 1875, “dây kẽm gai” được phát minh. Những trại chủ đã dùng dây kẽm gai để làm hàng rào cho khu đất của mình. Các chàng cao-bồi đã đáp ứng lại bằng hành động rất ư là “cao-bồi”, xây dựng hàng rào lớn hơn bao quanh luôn hàng rào của các trại chủ, đồng thời lấp nguồn nước, ngăn chặn đường mòn và ngay cả trục lộ giao thông chính. Cuộc chiến tranh “cắt dây kẽm gai” bộc phát.

 

Trong khi đó, quyền lợi của những trại chủ được pháp luật bảo vệ. Và cuối cùng, tình hình công việc chung của các chàng cao-bồi cũng đã bị giới hạn dần bởi sự đòi hỏi gia tăng phẩm chất của thịt bò, hệ thống đường sắt được nối dài thêm ra, việc đánh bắt bò hoang không còn xảy ra nữa và cuộc chiến tranh “cắt dây kẽm gai” đã đi vào dĩ vãng.

 

Đến năm 1885, là năm chấm dứt thời kỳ oai hùng trên lưng ngựa hay thời kỳ “thơ mộng” của các chàng cao-bồi cùng nhau ngồi đánh đàn banjo, thổi khẩu cầm dưới ánh trăng giữa lòng sa mạc hoang vắng. Ngày nay, chính các chàng cao- bồi này hay con cháu của họ đã đổi nghề và đang hăng say làm việc trong những công xưởng kỹ nghệ dầu hỏa hay ngành kỹ nghệ tân tiến khác và ngay cả trong lãnh vực kỹ thuật cao (high tech).

 

Ngành dầu hỏa

 

hung 2 

Nói về Houston nói riêng, hay Texas nói chung mà ta không nhắc sơ qua ngành dầu hỏa ở vùng này thì quả thật cũng là một thiếu sót lớn, cũng như nếu không nhắc tới những chàng “cao-bồi Texas” như đã nói ở trên vậy. Khởi thủy, vào thời kỳ “cao-bồi Texas” chấm dứt, một biến cố mới khác được phát sinh. Năm 1894, những người thợ đang đào giếng nước thì bất chợt, thay vì nước lại là dầu thô, một thứ được thời đó mệnh danh là “vàng đen” đã từ lòng đất phun lên. Dầu thô được khai thác sau đó. Khởi đầu, có 5 giếng dầu nhỏ với khả năng khai thác 150 nghìn thùng một năm. Trong sáu năm sau, giếng dầu Corsicana, với trữ lượng trong lòng đất có chiều dài 5 dặm (8 cây số), có chiều ngang 2 dặm (3.2 cây số), đã sản xuất được 850 nghìn thùng dầu thô một năm.

 

Một thương gia tên J.S. Cullinan, đến từ Pennsylvania, xây dựng những nhà máy lọc dầu (refinery) để biến dầu thô thành dầu xăng tinh lọc và những phó sản. Cullinan cũng áp dụng vào xe lửa, dùng dầu thay vì dùng than. Ông ta bắt đầu kỹ nghệ dầu ở Texas với cái tên Texas Fuel Company, và sau này người ta biết đến nó qua tên Texaco Inc., một trong những hãng dầu lớn nhất thế giới.

 

Rồi vào ngày 10 tháng 1 năm 1901, dầu phun lên từ giếng dầu Spindletop gần tỉnh Beaumont. Giếng dầu này đã sản xuất được 17 triệu thùng trong năm 1901. Chỉ trong vòng một năm sau đó, hơn 100 giếng dầu lớn nhỏ đã được khai thác ở cùng một khu vực của Spindletop. Điều đó chứng tỏ khai thác những giếng dầu không còn là chuyện tình cờ nữa. Tìm kiếm, khai thác dầu đã lan rộng trên toàn Texas, bắt đầu mở một kỷ nguyên mới cho tiểu bang với kỹ nghệ dầu hỏa và kéo dài cho tới ngày nay.

 

– Nguyễn Giụ Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người chồng cô có một số phận khá kỳ lạ. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó trong vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Thơ của ba nhà thơ: Nguyễn-hoà-Trước, Trần Hạ Vi, Trần Yên Hòa...
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
Chị Hương đẹp lắm! Một vẻ đẹp đài các sang trọng của một Giai nhân xứ Huế. Dáng người dong dỏng cao, thanh thoát, nước da trắng hồng, mái tóc óng mượt buông lơi xõa sau bờ vai tròn. Đặc biệt chị có đôi mắt đẹp và yên bình như mặt nước hồ thu...
Bao năm qua, đã đến sống trong làng chài từ lâu lắm, đã làm bạn kéo lưới qua nhiều chủ ghe, chủ tàu cá, Tư Dầm vẫn nghèo, vẫn túng, không hề sắm nổi cho mình chiếc ghe câu để tự kiếm sống qua ngày.
Trại Sikiew, đêm văn nghệ mừng Năm Mới diễn ra trên Bãi Đá năm ấy có vài giọng ca gây bất ngờ. Đầu tiên phải kể đến Vân Đại Bàng với bài hát Đường Xưa Lối Cũ hay thần sầu, bà con vỗ tay rần rần...
Từ mấy hôm nay Thi nôn nóng chờ đợi ngày về quê thăm nhà. Nàng cứ loay hoay tính toán mãi không biết phải mua quà gì về cho mấy đứa em. Con gái đi học xa nhà, thật sung sướng và hạnh phúc biết bao mỗi khi có dịp nghỉ lễ dài để trở về sống với gia đình thân yêu...
Tôi dần dà để ý đến một cặp vợ chồng Á Châu. Không hiểu tại sao, tôi đoan chắc họ là vợ chồng, chứ không thể là tình nhân, hay hàng xóm. Họ đến mua hàng hầu như mỗi ngày ở siêu thị tôi đang làm việc...
Hai bài thơ của Trần Hạ Vi...
Cuối đời Đông Hán nước Tàu, tại quận Cự Lộc có nhà cự phú họ Trương sinh được ba anh em là Trương Giốc, Trương Bảo, Trương Lương. Khi ông bà Trương mất thì Bảo và Lương hãy còn nhỏ, Trương Giốc thay quyền cha mẹ nuôi dạy hai em...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.