Hôm nay,  

Mùa xuân đó, rất đẹp...

11/01/202308:51:00(Xem: 1995)
Truyện

IMG_3789


Bữa đó tôi bỗng nổi hứng… xí xọn đi làm móng tay móng chân để ăn Tết. Nhưng vì hoàn cảnh trại tỵ nạn, dụng cụ làm móng cũ kỹ, không đảm bảo vệ sinh, nên vài hôm sau, ngón tay trỏ bên bàn tay phải của tôi bị sưng mủ và hơi bị nhức. Lúc đầu cứ nghĩ từ từ sẽ hết, nhưng vết mủ ngày càng lớn, đổi màu và đau hơn dù tôi đã uống thuốc giảm đau. Thế là đành phải lên bệnh viện tìm bác sỹ quen, mới tá hoả, vì mủ đã làm hư hại vào thịt của ngón tay. Bác sỹ bèn ra lệnh khẩn cấp, làm tiểu phẫu ngay lập tức, cắt phần thịt bị hư, khâu vài mũi, rồi băng bó mới cho về nhà. Bác sỹ cũng dặn, tránh đụng vào nước trong vòng ít nhứt hai tuần. Nghe vậy, tôi rầu thúi ruột, Tết nhứt đến nơi rồi mà mang “thương tích” máu me, coi bộ xui xẻo, không may mắn chớ chẳng chơi.

 

Việc nấu ăn cho mấy ngày Tết thì không đáng lo, vì nhờ ngón tay bị băng bó, tôi có lý do chánh đáng đi mua sắm bánh trái mà không sợ bị mang tiếng là “cô Tám Đoảng”. Việc tắm rửa, tuy có chút bất tiện, cũng giải quyết được, nhưng khó khăn lớn nhất là giặt quần áo thì tôi chịu thua, vì tôi chỉ thuận tay phải, không thể giặt đồ với một bàn tay trái. Tôi đang nghĩ sẽ tìm một một bác lớn tuổi trong khu, nhờ làm giúp rồi trả tiền, thì thằng Tí , ở nhà sát vách, (có biệt danh là Tí Mỏ Nhọn, do chính… má nó đặt, vì cái miệng tà lanh, hóng chuyện, nói không lành da non của nó) báo với tôi:

 

- Chị ơi, em biết có một chỗ chuyện giặt ủi, để em dẫn chị qua.

 

Tôi theo nó đi lòng vòng qua mấy con hẻm quanh co của khu A, giữa buổi trưa mặt trời đứng bóng, cuối cùng cũng đến được dãy nhà sát hàng rào, gần bên khu tỵ nạn người Lào. Thằng Tí dừng lại, chỉ cho tôi tấm bảng bằng giấy các- tông treo lủng lẳng trên đầu nhà với hàng chữ đen viết hoa thiệt bự: “Nhận Giặt Ủi”.

 

Tôi tự hỏi, ai ở trại cần giặt ủi nhỉ? Như tôi đây, cứ thay phiên mặc mấy bộ đồ thun Cao Uỷ. Đi làm thiện nguyện thì tròng vào cái quần Jeans, còn bộ đồ để gặp phái đoàn là cái quần tây thun và cái áo thun sang hơn một chút, hiệu Cá Sấu, nên tôi chưa bao giờ xài bàn ủi. Tôi thật sự bất ngờ, dù rằng mấy năm ở trại, có rất nhiều nghề đã được bà con sáng tạo ra, để kiếm tiền sinh sống, và phục vụ nhu cầu của người tỵ nạn. Nào là làm bếp dầu, đèn dầu, đóng bàn ghế gỗ, làm bánh sinh nhựt, may quần áo, sửa giày dép, gánh nước mướn, nấu cơm tháng, cắt tóc gội đầu, làm móng tay, mát-xa, coi bói, Tết đến thì có bánh chưng bánh tét mứt dừa, mùa Trung Thu có bánh nướng, bánh dẻo mới ra lò ngay trong trại nữa cơ. Nhưng “giặt ủi” thì có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến, vì đó là nhu cầu quá xa xỉ ở nơi đây.

 

Thằng Tí thấy tôi ngẩn ngơ, bèn lên tiếng:

 

- Chị thấy em nói có sai đâu nà?!

 

Tôi hỏi nhỏ nó:

 

- Ủa, trong trại này mà cũng có người cần đi giặt ủi sao?

 

Nó vênh mặt, trợn mắt:

 

- Có chớ sao không? Ví dụ như… chị nè!

 

Rồi nó cười duyên:

 

- Em nghe nói mấy anh mấy chú độc thân, đi làm thiện nguyện bận rộn hoặc mấy thanh niên làm biếng, thảy qua đây giặt cho xong đó chị. Giá cả bình dân lắm, họ giặt bằng tay rồi ủi bằng bàn ủi than. Nhưng chắc chị là khách hàng phụ nữ đầu tiên đó!

 

Nói xong, nó gọi lớn vào trong nhà:

 

- Hello…? Có ai ở trỏng không, có khách giặt ủi đây!

 

Hình như có bóng người vụt chạy ra sau hè, thằng Tí nhanh như chớp rượt theo, (thiệt không hổ danh là thằng… nhiều chuyện). Tôi đứng chờ ngay giữa lô nhà, dưới một bóng cây khẳng khiu bên mấy lu nước. Lát sau thằng Tí đi ra, bộ mặt nghiêm nghị, lắc đầu:

 

- Ảnh nói ảnh không giặt ủi cho chị!

 

Tôi quá đỗi ngạc nhiên:

 

- Anh nào? Và tại sao?

 

Thằng Tí ngớ người ra, đưa tay gãi đầu, lại chạy biến ra phía sau nhà, rồi trở ra, cười cười:

 

- Vì ảnh là… học trò của chị.

 

- Học trò nào, lớp nào?

 

Thằng Tí lại chạy đi như con thoi, lại quay ra vừa thở vừa nói:

 

- Ảnh tên Hiền, đang học lớp vỡ lòng English của chị ở trường ESL đó.

 

Thì ra là thế. Thời gian đầu mới đến trại thì tôi làm trong bưu điện và dạy tiếng Việt cho các em nhỏ. Khi đậu thanh lọc chờ định cư, tôi chuyển qua làm cho văn phòng Cao Uỷ và buổi sáng dạy Tiếng Anh cho trường ESL. Vì là lớp Vỡ Lòng cho người lớn nên “học trò” của tôi có người già hơn cô giáo. Một số người là dân miền tây nam bộ, thật thà chất phác, giọng nói còn phảng phất mùi phèn ruộng, nói Tiếng Việt còn sai lỗi, giờ phải bập bẹ học English để chuẩn bị cho tương lai sau này trên đất nước thứ ba.

 

Hiền lớn hơn tôi vài tuổi, tính tình nhút nhát và hay mắc cở, hiền như cục đất, đúng với cái tên. Nghe nói nhà ở miệt Cà Mau, làm nghề đánh cá bữa đói bữa no, rồi “canh me” theo tàu vượt biên qua đây. Ở trại, Hiền là “con bà Phước” nghĩa là không có thân nhân nước ngoài tiếp tế, nên Hiền làm các việc lặt vặt kiếm thêm, như xách nước, đi lao động thuê, ai ngờ có cả “tiệm” giặt ủi này.

 

Hiền rất hiếm hoi nói chuyện với tôi, cũng chưa lần nào nhìn thẳng vào tôi trong giờ học. Nếu trong lúc giảng bài, tôi có kêu Hiền đứng lên trả lời câu hỏi, thì Hiền lí nhí, mắt nhìn đi chỗ khác (sợ cô giáo… ăn thịt hay sao á!).

 

Thế đấy, Hiền chưa bao giờ đối diện, nhìn vào mắt tôi suốt mấy tháng học, thì đời nào Hiền lại chạy ra gặp tôi trong một tình huống “phức tạp” và “nhạy cảm” như thế này? Tôi ra dấu cho thằng Tí đi về, nó chợt nhớ ra, hớn hở nói:

 

- À, ảnh có hỏi em tại sao chị cần giặt ủi, em liền kể đầy đủ sự tình cái vụ chị đi làm móng, rồi bị mủ, rồi lên bệnh viện gặp bác sỹ, rồi mổ ngón tay…

 

Tôi chặn lời nó:

 

- Tóm lại là sao, ảnh nói gì?

 

Thằng Tí cụt hứng, nhìn tôi ngại ngùng, nhe răng cười:

 

- Dạ, nghe xong, ảnh… hổng nói năng chi, nhưng coi bộ suy nghĩ mông lung lắm!

 

Giờ thì đến lượt tôi cụt hứng, rồi vỗ vai thằng nhiều chuyện:

 

- Thôi để chị tự lo được rồi. Cám ơn Tí Nhỏ Mọn, í lộn, Tí Mỏ Nhọn nhe! Mà nè, làm phiền em chịu khó chạy vô trỏng… lần chót, nói với anh Hiền là chị cám ơn, dù sao mình cũng đã đến đây làm phiền người ta.

 

Sáng hôm sau, tôi đến lớp ESL, là ngày liên hoan mừng Tết. Bình thường thì Hiền đã chẳng bao giờ nhìn thẳng vào tôi, sau cái vụ “giặt ủi” hụt ngày hôm qua, Hiền còn lạnh lùng phớt lờ tôi hơn nữa.

 

Cả lớp ăn uống, bánh kẹo, trái cây, nước ngọt, ca hát chụp hình tưng bừng, Hiền cũng cười vui theo nhưng vẫn né đối diện với tôi. Cứ lúc nào tôi nhìn Hiền là y như rằng Hiền đang “bận” nhìn… ngoài cửa sổ (tìm gì ngoài đó hổng biết!). Tôi không mắc cở thì thôi, chứ Hiền hà cớ gì chớ! Tiệc tan, có vài học trò nán lại, tặng quà Tết cho cô giáo, Hiền đi thẳng ra cửa, không thèm chào tôi một câu.

 

Tối giao thừa, đi lễ nhà thờ về, tôi thấy một hộp nho khô để ngay dưới cửa, và một tấm thiệp chúc Xuân của Hiền, với nét chữ vụng về (chắc đôi tay xưa nay chỉ quen quăng lưới đi biển đánh cá), viết những lời chúc đơn giản, không màu mè “hoa lá cành”, nhất là câu tái bút chân tình: “Cô Loan ơi, nếu chưa tìm được ai giặt đồ, thì đừng ngại mang qua nhà Hiền nhé, Hiền đã nhờ một bà bác làm giúp rồi, không sao đâu!”

 

Trời ơi, anh chàng học trò nhút nhát của tôi, đi học thì không dám nhìn cô giáo, tặng quà Tết cho cô giáo cũng phải lén lút (nhờ vào bóng tối… đêm ba mươi), giờ quay ra khuyến khích ủi an tôi “đừng ngại và không sao”.

 

Đồng hồ điểm 12 giờ đêm, cả trại vang lên tiếng đập nồi niêu xoong chảo thay cho tiếng pháo, mọi người chúc tụng nhau rộn ràng, ăn uống vui vẻ xôn xao. Trong lúc chờ đợi mấy người bạn chung phòng Cao Ủy đến cùng ăn bữa bánh ngọt trà nóng mừng phút sang mùa, tôi nhìn ngón tay còn băng bó của mình, không còn thấy “xui xẻo” nữa, mà ngược lại, tôi thấy cả một trời Xuân êm ái Tình Người mến thương nhau trên mảnh đất tạm dung này.

 

-- Kim Loan

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.