Hôm nay,  

Cư xá Jeanne d'Arc, một nơi yêu thương của một thời nhung nhớ...

20/10/202221:36:00(Xem: 2380)

Tùy bút

jean

Trường Jeanne d'Arc, Huế.



Huế, đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương? Tại răng rửa hè? Bởi vì người Huế rất gay gắt, kiểu cách, quan liêu, đài các. Có phải không, thưa các Mệ? Nên người dân không dám làm điều gì "trái tai, gai mắt", không dám cặp kè, bồ bịch nhởn nhơ, ăn mặc "dị hợm". Nên chi, luôn là chiếc áo dài. Chị tiểu thương ở chợ Đông Ba, chị gánh bún bò, bánh canh Nam Phổ, chè hột sen... và cũng có các Mệ đi ngủ cũng mặc áo dài! Cái màn ni thì tôi chịu thua rồi, bó sát người, mần răng thoải mái được hè?

 

Nhưng đối với tôi, Huế – Đi thì nhớ day dứt, quay quắt, nhớ điên cuồng. Còn ở thì sao thời gian trôi nhanh quá!

 

Sinh ra và lớn lên ở xứ Sương Mù Dalat, tôi được ra Huế khi trưởng thành là cả một sự an bài của Định mệnh, để rồi được ngồi ở Giảng đường C, được leo lên cầu thang oai nghiêm của Đại học Sư Phạm, được ngồi gần cửa sổ Đại Học Văn Khoa nhìn xuống bờ sông Hương tràn ngập màu hoa Phượng rực rỡ vào mùa hè, và nhất là, được dạo chơi ở sân trường Trung học Jeanne d'Arc, cũng là cư xá nữ sinh viên do các soeurs dòng Saint Paul đảm trách – cho các học sinh của trường và nữ sinh viên chúng tôi. Ngoài việc giảng dạy, các soeurs còn thành lập nhiều phòng cho nữ sinh của trường và các cô gái trưởng thành từ nhiều nơi đến trú để tiếp tục con đường học vấn.

 

Năm đầu chúng tôi ở lầu cũ, gồm 6 phòng cho 18 nhân sự, đầu dãy là phòng của hai Cha Duval và Lefas, phụ trách việc giảng dạy ở trường cũng như các trường Đại học, và chủ lễ ở nhà nguyện nhỏ trong khuôn viên trường. Có thêm phòng cho khách, các cô trình dược viên giới thiệu sản phẩm của các hãng bào chế dược phẩm từ Saigon cũng như nhiều nước khác cũng thường đến ở vài hôm.

Năm đầu học Khoa học, bạn cùng phòng của tôi là Bích Vân – ái nữ của Thầy Hùng "Ông Cọp" (xin Thầy tha lỗi) dạy các môn Hóa và Dược lý ở các trường Đại học Saigon và Huế – và một nhà văn nổi tiếng mà lúc đó tôi không hề biết vì tôi chưa được phép đọc các báo Văn. Chị làm Chủ tịch cư xá. Tôi ở đó 4 năm, và năm nào cũng đều có bạn cùng phòng mới, bạn nào cũng rất xinh và dễ thương, có bạn đã đi xa rồi, cô giáo dạy Toán rất giỏi. Điểu ơi, bạn còn nhớ thời gian quậy phá tuyệt vời của 2 phòng bọn mình không? Mình thì nhớ bạn vô vàn, Điểu ạ. Học Toán nhưng tâm hồn bạn thật lãng mạn, bạn thương yêu ơi, nên chuyện tình của bạn cũng lắm trắc trở truân chuyên.

 

Qua năm thứ 2, các soeurs đã cho xây thêm 2 tầng lầu bên trên toàn nhà các lớp học mới, khép lại chữ U thành một hình chữ nhật thật đẹp. Lại thêm "nữ tặc" xuất hiện (một số trong "đảng" của tôi, chứ những bạn khác rất ngoan hiền), và bao nhiêu người đẹp "khét tiếng" của xứ Thần Kinh dạo ấy lại tỏa ra các trường Đại học.

 

Cư xá Jeanne d'Arc của chúng tôi oai và giỏi lắm. Này nhé, đến các cơ quan xin ký sổ vàng để làm từ thiện (tất nhiên là các mỹ nhân đi với soeurs thôi, không có tôi đâu), đi Quảng Trị vào Mùa Hè Đỏ Lửa, giúp bao gia đình trong cơn hoạn nạn. Ôi một thành phố với bao đồ nát, nhà thờ Đức Mẹ La Vang hoang tàn. Và đau thương ngút ngàn với Đại Lộ Kinh Hoàng.

 

Rồi các soeurs tổ chức đi cứu lụt mỗi năm mùa nước nổi. A Sao, A Lưới... Thương làm sao kể hết, người dân cực khổ ngút ngàn, lam lũ vì đồng khô cỏ cháy ở những vùng sâu vùng xa, bây giờ lại chịu cảnh người mất nhà trôi.

 

 

Đi với phụ thân về quê nội ngoại của tôi, Hương Trà, Tiên Nộn. Đâu rồi lũy tre xào xạc bên con lạch yên bình, đâu rồi con sông của Me, của Cậu tôi? Chỉ còn nước và nước lai láng. Ôn Mệ ơi, ngày xưa chắc Ôn Mệ cực ghê lắm? Ôi, cảnh oan khiên! Bà nội tôi đã ra đi sau một cơn lũ khi Ba tôi mới 3 tuổi đầu. Ôi tuổi thơ của Ba, của O và Bác, ông nội lại phải nặng gánh thêm. Cảnh bốn cha con côi cút, đau xé lòng Ba ơi! Mùa Đông thiếu áo Hè thời thiếu ăn/ Trời rằng Trời hành cơn lụt mỗi năm! (1)

 

Rồi đến nhà thương điên. Những cặp mắt vô thần, miệng lắp bắp những điều vô nghĩa. Có người lấy chén bát, đồ dùng ném chúng tôi khi chúng tôi vào thăm họ. Những cảnh đời ngang trái. Đời người không chỉ khổ vì thiên tai, mà bệnh hoạn đủ kiểu cũng làm tan nát tâm tư không kém, mỗi con người không bình thường ấy chắc hẳn đã trải qua những thảm cảnh, những vấn nạn mà chỉ có họ mới biết, họ kéo dài kiếp sống vì gia đình luôn hy vọng một ngày họ sẽ được hồi phục. Tôi rất kiên nhẫn và thương họ quá, nên cũng vẫn đi với soeur những lần sau nữa, và cũng có người dần dần bình phục với sự chăm lo ân cần của các điều dưỡng viên. Cầu xin Thượng Đế cứu giúp những tấm thân không lành lặn.

 

Thỉnh thoảng, hình như là một hai lần trong tháng, chúng tôi phải dự buổi họp sau giờ cơm chiều để nghe các soeurs nhắc nhở phải lo chăm học, không bỏ công mong đợi của các đấng Phụ Mẫu.

Tôi nhớ những buổi tối mùa Đông, sau giờ họp là giờ tập hát cho lễ Giáng Sinh. Soeur Madeleine xinh đẹp, giọng ca cao vút với bài Thánh Ca "Trời Cao Hãy Đổ Sương Xuống", mà lúc đầu chúng tôi chỉ hát lấy lệ để còn lên phòng học bài, vì là mùa thi trước kỳ nghỉ cuối năm, và thầm ghét luật của cư xá chi lạ! Sao mà nhiêu khê rứa không biết!

 

Nhưng giờ đây, mấy chục năm trôi qua, mỗi khi đi lễ, nghe bài hát ấy, hai dòng lệ nóng hổi tuôn trào, một vùng trời kỷ niệm thương quý với bạn học, bạn cùng phòng, với Ba Me tôi, Ba Me biết là giao con cho các soeurs thì sẽ được học hành đàng hoàng và được rèn nhân cách ở tuổi mới lớn. Ôi Cha Mẹ của con.

 

Tôi đã nghe lời cha mẹ và các soeurs, học hành nghiêm túc, nhưng cũng không thể bỏ thói quen nghịch ngợm của mình. Có hôm, vào lúc tối, người bạn cùng phòng và tôi đã nhất định canh soeur giám thị Chantal, nhìn ngoài hành lang khi nào soeur đi ngang để ra phòng tắm, chỉ để xem tóc của soeur dài hay ngắn. Ôi mái tóc của soeur đẹp làm sao! Xõa ngang lưng, nhìn phía sau khi soeur không mặc áo dòng, cứ tưởng như cô gái xuân thì (năm ấy chắc soeur cùng khoảng trên 30 tuổi).

Và đến khuya, sau khi học bài xong, hai phòng 4, 5 của 6 chị em chúng tôi lôi từ đáy tủ món quốc cấm: đó là cái resistance để nấu nước sôi cho món mì gói. Món này mà tưới tương ớt Quảng Nam lên thì phải biết, quý vị ạ!

 

Nhưng rồi, sau này, cũng cùng hai thứ ấy, mà sao ăn vào chẳng thấy gì là hấp dẫn nữa cả? Tâm trạng ăn vụng lúc nào cũng tuyệt hơn hay sao ấy?

 

Nhiều tháng ngày nhắm mắt đưa chân trôi qua, nhớ lại khoảng thời gian thần tiên ấy, không khỏi nghẹn ngào.

 

Thưa Cha Duval và Cha Lefas, những vị Thầy đáng kính, nay các Cha đang ở bên Cha trên Trời, mong các cha yên nghỉ, chúng con không bao giờ quên ơn Cha đã truyền bao kiến thức cho chúng con, mong các cha không phiền vì những bực mình mà chúng con đã gây ra cho cha, nhất là con đến gõ cửa xin cha cho mượn chìa khóa cổng khi cha đã nghỉ rồi để các bạn nhảy rào đi chơi về (đôi khi cũng có con nữa, đến nhà bạn để dự lễ, tiệc tùng này nọ), hoặc nghịch phá các cha đủ kiểu, cha chỉ cười hiền hòa.

 

Có những buổi sáng sớm, vài bạn và con đã lẻn ra cổng sau các soeur mở để giáo dân vào xem lễ, để đến những bến nước dọc theo sông Hương, gần trường Văn khoa, bơi lội, phá đục ngầu khúc sông làm phiền các Mệ các O lát nữa phải ra giặt giũ ở bến. Sau đó chúng con trở về phòng, và xuống sân đánh cầu lông một hồi rồi mới đi học, làm như vừa mới thức dậy, ngoan hiền lắm! Trời ạ!

 

Bây giờ nghĩ lại mà rùng mình, lỡ như có đứa nào bị chìm thì sao nhỉ? Trách nhiệm của các soeurs thật nặng nề, mà chúng con sao vô tình ham chơi, trưởng thành chưa, hay vẫn còn trẻ con vô ý thức?

 

Những lần thi đấu cầu lông liên trường, liên cư xá, những "ai" đứng dõi theo trái cầu từ sân các trường, và sân này nữa, và từ các cửa phòng cư xá của ai, những ai ơi, tại răng nhìn theo để nhỏ nó bủn rủn tay chân?

 

Vị trí của cư xá rất tiện để đến trường, chỉ cần đi bộ mươi phút là đến Đại học Khoa học,Văn khoa, Sư phạm, Luật khoa. Y khoa thì xa hơn một chút, nhưng không đến nỗi vất vả khi đi và về. Thế nhưng mà, có lần có một đám người lái tàu bay đến cổng trường Sư phạm đón tôi tan học (ôi cái người ni dạn ghê luôn: mới quen tôi trên phi trường Phú Bài được ít lâu mà dám lái trực thăng lượn quanh sân sau của trường, tôi đang trong lớp nhìn ra mà giật bắn cả mình, còn phần ông ấy về đơn vị có bị phạt hay khiển trách không ta?) Đoạn đường từ trường về cư xá là gần thế đấy, vậy mà sao bữa nớ tôi thấy "thăm thẳm chiều trôi", vừa ra cổng cùng cô bạn, "họ" thì đi cùng người bạn chắc cùng đơn vị. Tôi bước mà không nhấc nổi chân vì cứ sợ thiên hạ dòm và nghĩ mình là dân "ba gai" thứ thiệt, vì mấy ông nớ vẫn mặc áo bay, ôi Trời!  ("Anh không có thì giờ để thay bé ạ, nhỡ như đến trễ giờ thì bé đi đâu, biết đâu mà tìm?" (Anh chưa biết tôi ở cư xá).

 

Khi về đến phòng khách cư xá, người tài xế kia ra quán cà phê chờ, còn bạn tôi cũng lên phòng trước. Ông ấy ngồi đối diện mình, nhưng nói chi đây? Anh hỏi về việc học tập của tôi, về xứ hoa đào của tôi, và cho tôi biết anh vừa từ miền Thùy Dương ra đây công tác ít lâu. Tôi vốn đã yêu xứ biển, nay biết anh sống ở đó, tự dưng tôi cảm thấy rất vui và gần gũi. Nha Trang là nơi Ba Me tôi hay cho gia đình về nghỉ hè với gia đình cô tôi, và tôi rất mê sóng biển. Chỉ hỏi qua loa, trông anh có vẻ ngượng nghịu, có lẽ mấy "ông ấy"quen tự do rồi, nay bỗng dưng ngồi nói chuyện mà có người giám sát – là soeur Victoire đang làm sổ sách ở bàn không xa – làm sổ hay nghe xem tụi hắn nói chuyện chi?? Canh giữ nghiêm ngặt thế!

 

Anh có biết rằng anh "hân hạnh" lắm không? này nhé: chỉ có anh mới được "con bé" tiếp chuyện thôi đó! Điều này cũng chưa kịp nói cho anh, vì có người chỉ gặp trong lớp học và ép hình vẽ vào vở, ngồi ngay sau lưng tôi mượn tập vì "chép bài không kịp". Xạo ghê nơi! Có người ở cư xá láng giềng qua vài lá thư nhờ "chim xanh" học cùng lớp tôi và ở cùng phòng với người ấy, người đã đến phòng khách nhưng con nhỏ không tiếp, vì nó vừa biết có cô nào theo người ấy, nên con nhỏ ngại người sẽ bị trả thù, và không liên lạc nữa. Tội ghê chưa! Bây giờ thì đau lòng! Hoặc có người chỉ là Sơn Tinh Thủy Tinh thi nhau đến nhờ soeur gởi lại bông băng vì cho con nhỏ mượn xe gắn máy của họ và nhỏ bị ngã, hoặc người mà nhỏ còn mắc nợ cái band aid ở cà phê chị Giang  (Tổng Hội sinh viên). Hoặc là... hoặc là...

 

Những năm gần đây trở lại nơi chốn thương nhớ, tôi bồi hồi đứng dưới sàn nhìn lên hai dãy lầu, các soeur, các cha, các bạn, và những người đã đến sân trường này, bây giờ ở đâu? Đau xót quá! Đây là phòng họp, mà vào dịp lễ Giáng Sinh năm nào, soeur đã tổ chứa cho sinh viên một lầu làm cô dâu, lầu kia làm chú rể, viết thư cho nhau, đến tối 24 thì hoá trang, và gặp nhau, mới biết mặt nhau. Và đây là khu vườn nhỏ dưới sân với những xích đu, sau giờ cơm chiều, bọn tôi đung đưa như các em trung học, kể cho nhau nghe bao chuyện xưa, chuyện "mới lớn"... và khu vườn trồng hoa của soeur, có hang đá của Đức Mẹ hằng ban ơn bình an cho bọn giặc chúng tôi. Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (2).

 

Bên ngoài cổng trường là trường Tiểu học Lê Lợi, mà "họ" đã ghi trong thơ "kẻ luôn làm lãnh tụ bây giờ phải chịu thua cô bé học trò Lê Lợi" vì tôi không bao giờ chịu lớn!

 

*

 

Ba Me ơi, con xin kính ơn Ba Me đã hy sinh vì các con thật nhiều để các con có được ngày hôm nay. Con xin kính ơn các Thầy Cô trong đời con đã cho con kiến thức và những hiểu biết để làm người, để con có được tương lai xán lạn. Con xin cám ơn các nữ tu dòng Saint Paul trường Jeanne d'Arc Huế đã phụ với Ba Me và Thầy Cô con giúp con nên người. Cám ơn các anh chị em, các bạn đã cùng Lan đồng hành trong suốt nhiều năm buồn vui khó nhọc. Và ngày ấy, có bao nhiêu "người cư xá J d'A" đứng bên này nhìn qua "nhà bên kia". Nhà anh nhà em/ Cách hai đoạn đường dài/

Tuy xa mà gần... tuy gần mà xa... (3).

 

Xavier cách Jeanne d'Arc chỉ một ngã tư nho nhỏ.

 

Và ngày nay có bao nhiêu anh chị cùng một mái nhà đang kể chuyện hai cư xá ấy cho con cháu nghe nhỉ?

 

tháinữlan

 

(1) Hội Trùng Dương, Phạm Đình Chương

(2) Nhà Anh Nhà Em, Nhạc Anh Sơn, thơ Hà Liên Tử

(3) Thăng Long thành hoài cổ, Bà Huyện Thanh Quan

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mấy hôm nay có những cơn mưa kèm theo gió mạnh buổi chiều kéo dài đến khuya, báo hiệu sắp hết mùa Hè. Tôi lại nhớ tuổi trẻ của mình những năm đầu “lập nghiệp” vào mùa tựu trường...
Nói về "giàu nghèo" là nói về một vấn đề rất tế nhị bởi vì nó đụng đến đồng tiền. Mà đồng tiền luôn luôn có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Nhưng đó là điều cần phải làm vì mấy ai có thể nói mình biết quản lý tốt đồng tiền...
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong chị Bông bước ra ngoài vườn sau và cất tiếng hát mở đầu một bản nhạc tình Bolero “Hôm ấy anh đi, mình với mình vừa quen…” Thấy anh Bông đang lúi cúi bên mấy thùng recycle và thùng rác chị Bông hớn hở chạy đến gần...
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”...
Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác...
Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số...
Mặt trời đang ngập ngừng lặn sau lũy tre xa. Ánh nắng vàng còn xót lại vương vãi trên cánh đồng đã đổi thành màu da cam rồi màu tím nhạt. Dăm ba chị nông dân đương gánh lúa về, đòn gánh nặng trĩu nhún nhẩy trên vai. Họ trao nhau vài câu chuyện ngắn, đứt quãng, xen lẫn tiếng chuông chùa thong thả ngân từng tiếng một vang vào không trung. Vài con chim lạc lõng vội vàng bay về tổ...
Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Thy An...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.