Hôm nay,  

MANUAL & MÒ

02/09/202209:23:00(Xem: 4455)
Phiếm

manTôi vừa đi Los Angeles thăm gia đình về, nhận được thư bạn viết chỉ trích  không bao giờ tôi chịu đọc “Manual” hay “Instruction” của các món hàng mới mua về. Tôi xin trả lời thư bạn ngay. Đáng lẽ trước khi trả lời bạn, tôi phải tra tự điển Anh-Việt để hiểu rõ nghĩa của chữ này ra sao. Nhưng thôi, tôi cứ hiểu sao thì trả lời như vậy theo đúng tinh thần không bao giờ đọc Manual của tôi.

 

Chữ Manual, theo tôi hiểu, nghĩa thông thường của nó là “Cẩm nang hướng dẫn” cho việc sử dụng một món hàng nào đó do nơi sản xuất món hàng đó viết ra và cung cấp cho khách hàng. Bạn là người luôn đọc “Cẩm nang hướng dẫn” trước khi sử dụng món hàng bạn mới mua về. Còn tôi thì ngược lại, không đọc Manual. Không đọc Manual vì lý do có đọc cũng không hiểu hoặc lười hay vì cả hai lý do trên xảy ra cùng một lúc.

 

Thế này nhé, nguyên tắc chính để thay thế Manual của người không chịu đọc Manual là MÒ. MÒ sao cho sử dụng được món hàng đó mới thôi. Nhưng MÒ không phải là một độc quyền chỉ dành cho người không đọc Manual, mà đôi khi người đọc Manual cũng vẫn cứ phải MÒ như thường. Bạn đừng vội trách tôi là tại sao không chia sẻ công việc MÒ đó với bạn. Ta hãy cùng nhau chấp nhận nguyên tắc không đọc Manual thì phải MÒ như một nguyên lý trong vật lý, hay một định đề trong toán học. Một chân lý, không cần biện luận thêm.

 

Có hai vấn đề được đặt ra là MÒ CÁI GÌ và MÒ RA SAO?

 

MÒ cái gì thì thật dễ hiểu, thật hiển nhiên là ta sẽ MÒ CÁI GÌ TA MUỐN MÒ, để ta có thể biết được một phần hay biết cả toàn phần về cái đó. MÒ không phải chỉ dành cho những người mù tịt hay tối mò mò, nghĩa là chỉ dành cho người mù hay chỉ mò khi tối hay đợi tới tối mới mò, mà MÒ cũng phải dựa trên một số căn bản hiểu biết hay kinh nghiệm nào đó. Chính vì dựa trên tri thức và kinh nghiệm nên MÒ cũng có cấp bậc khác nhau. Có người MÒ đạt tới mức cao cấp, tuyệt chiêu như những điều bạn đang đòi hỏi ở tôi. Hay cũng có người chỉ MÒ ở cấp sơ đẳng, nghĩa là chỉ MÒ MÒ.

 

Để vấn đề MÒ được trở nên đơn giản, tôi xin đơn cử một thí dụ:

 

Tôi vừa mua một cái máy ảnh. Tôi cần biết sử dụng nó mà không chịu đọc Manual của nhà sản xuất thì tôi phải làm sao, tôi phải MÒ. Việc đầu tiên là tôi phải cầm chiếc máy ảnh lên quan sát xem phải MÒ cái gì trước và MÒ cái gì sau. Trước hết, dễ hơn cả, là MÒ phần CỨNG, nghĩa là phần ta dễ nhận ra, có thể mó máy bằng chân tay được. Thí dụ như xem cái ZOOM thò ra thụt vào được bao xa, nhìn vào cái lỗ “KHẨU ĐỘ” (tiếng chuyên môn trong nhiếp ảnh) đóng mở thế nào mỗi khi ta SHOT (bấm máy), tiêu cự (F) càng nhỏ càng tốt, tức ống kính sáng có thể chụp được trong đêm với bao nhiêu LUX. Thêm nữa, là xem cái TIMER tự động nó ở chỗ nào và để biết thời gian dùng mà ta chạy cho kịp, vân vân...

 

Sau đó là tôi MÒ tới phần MỀM. Phần mềm thì ta chỉ có một chỗ để MÒ là mò cái bộ phận “setting”. Trăm chuyện nằm trong cái bộ phận oái oăm đó. Ai cũng tưởng nó đơn giản như chuyện trời sinh, nhưng thật ra nó lại là phần quan trọng hơn cả.

 

Phần MỀM điều khiển phần CỨNG. Cái máy đắt tiền là tùy thuộc vào những “options” ở trong cái phần MỀM này. Nếu ta không sử dụng phần MỀM cho nhuần nhuyễn hay sử dụng sai thì bức hình chụp ra không thể đạt được phẩm chất mong muốn. Như muốn chụp “portrait” mà không “Set” được “khẩu độ” thì không thể điều chỉnh được ĐỘ SÂU (tiếng chuyên môn) của ảnh.

 

Không MÒ để “Set” cho đúng, ta sẽ làm buồn lòng cả phần CỨNG lẫn phần MỀM. Chiếc máy đắt tiền sẽ chẳng khác gì máy rẻ tiền, và cũng chẳng khác nào tiên nữ lại lọt vào tay anh thợ cầy vậy (các cụ ta thường ví như thế!) Đấy là những gì ta phải MÒ.

 

Còn muốn MÒ cho đúng cách và nhanh ta cần phải MÒ cho có phương pháp, nghĩa là phải biết cách MÒ RA SAO?

 

Không phải chỉ sử dụng tay không thôi, mà tùy thuộc đối tượng, đôi khi ta phải dùng luôn cả khứu giác, vị giác, thính giác, xúc giác, và cả… tri giác nữa. Dùng danh từ nhà Phật là ta cần "quán chiếu" tới cái thâm sâu của đối tượng cần MÒ. Khi ta nhận diện ra được bản chất nó, ắt phương pháp MÒ tự nhiên nẩy sinh. Cùng họ với MÒ là MÓC và MOI. Nhiều khi ta phải áp dụng cả ba phương pháp trong cùng một lúc hay có thể nhiều hơn nữa. Nói thì nói vậy, dù là ta có đạt được đến mức cao độ, đến mức tuyệt chiêu của MÒ của MÓC của MOI, thỉnh thoảng ta vẫn bị Tổ trác. Khi Tổ trác thì chỉ còn vứt món hàng đó đi.

 

Tốt hơn hết là bạn cứ nên tiếp tục dùng Manual, nếu có phải MÒ thì cũng chỉ MÒ những phần nho nhỏ, MÒ cho vui. Để đạt đến tuyệt chiêu MÒ như tôi, thú thật cũng tốn kém quá nhiều công sức và xương máu. Nếu bạn cảm thấy mình có nhiều thì giờ, còn nhiều sức lực và ham vui thì cứ vứt Manual đi, MÒ như tôi hoặc chúng ta cùng MÒ những đối tượng cần MÒ.

 

Tôi xin kể bạn nghe về một câu chuyện có thật (cười!) vừa mới xẩy ra cách đây mấy hôm. Số là, chiều hôm đó, tôi đi tới một “dealer xe”, nơi bán xe hơi cả cũ lẫn mới. Tôi chọn mua một chiếc xe vừa đủ với túi tiền mình có, thuộc loại “cũ người, mới ta”. Sau khi thanh toán tiền nong sòng phẳng với những thủ tục cần thiết tôi trở thành chủ nhân ông hoàn toàn và chính thức của chiếc xe đó. Bạn nghĩ là câu chuyện đã chấm dứt ở đó?

 

Không! Nếu chỉ có thế thì tôi cần gì phải kể cho bạn nghe. Thế này nhé. Trước khi tôi lái xe ra về, tôi muốn biết một số chi tiết cần thiết về chiếc xe này mà không cần phải đọc Manual. Tôi liền gọi anh đại diện bán xe (dealer) đến để anh ta chỉ dẫn cho tôi về những chi tiết mà tôi muốn biết.

 

Anh “dealer” này là một anh chàng Mỹ da đen cao lênh khênh so với cái chiều cao rất khiêm nhường của tôi. Anh ta luôn luôn tỏ ra mình là một tay “lái buôn” chuyên nghiệp thứ thiệt, đã vui vẻ tận tình chỉ cho tôi cách sử dụng, nào từ những cái chỗ bật “đèn pha”, “đèn đim” đến những chỗ gạt nước nhanh hay chậm khi trời mưa, nào từ cách điều chỉnh sao cho cái ghế ngồi của “driver” lên cao hay xuống thấp, ...  rồi nào từ những cái NÚT điều chỉnh con con đến những cái NÚM xinh xinh. Nhiều và rất nhiều.

 

Có lẽ những câu hỏi của tôi quá nhiều đến độ làm anh ta trở nên mất kiên nhẫn. Anh ta nhìn tôi mỉm cười, cũng cái mỉm cười rất chuyên nghiệp, nghĩa là luôn coi “khách hàng là Thượng đế”, và đưa cho tôi một cuốn Manual dầy cộm với một câu rất lịch sự và lễ phép:

 

– Thưa Ngài, xin Ngài hãy đọc cuốn Manual này. Trong ấy có đầy đủ những điều mà Ngài muốn biết.

 

Tôi nhìn “hắn ta” với cái nhìn đầy thất vọng và có chút gì bực tức. Tôi định nói với hắn là: “Tôi đọc Manual mà hiểu được thì tôi hỏi anh làm cái cái đếch gì”. Tôi cứ loay hoay mãi với cái vốn liếng tiếng Anh nghèo nàn của mình. Tôi không thể tìm đâu ra được chữ “cái đếch gì” trong tiếng Anh có khả năng diễn tả đầy đủ ý nghĩa “hỷ nộ ái ố” của nó như trong tiếng Việt. Tôi còn đang ngẩn người ra để tìm kiếm chữ đó thì anh “lái buôn” này đã bỏ đi hơi xa xa, quay lại mỉm cười với tôi, nói vọng tới:

 

– Good luck and enjoy!

 

Tôi định hắt vào mặt hắn một câu ngắn gọn: “Enjoy cái mốc xì ấy!” Lại cái chữ “mốc xì”, nó hại tôi như chữ “cái đếch gì” trước đó. Tôi không thể đào đâu ra được cái tiếng Anh đồng nghĩa với nó nên đành ấm ức lái xe về nhà để tự MÒ.

 

Thế là cái tối hôm ấy, cái tối không trăng không sao, tôi lại phải bật đèn MÒ những cái NÚT con con và những cái NÚM xinh xinh lấy một mình.

 

Nghĩ cho cùng, trên đời này có bao nhiêu thứ mà ta phải MÒ, phải đủ điều vất vả với chúng, nhưng để rồi cuối cùng, ta cũng chẳng khác gì “anh xẩm RỜ voi”.

 

Thôi. Tôi xin lập lại. Tốt hơn hết, bạn cứ nên dùng Manual. Xin được chấm dứt lá thư ở đây.

 

– Nguyễn Giụ Hùng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong chị Bông bước ra ngoài vườn sau và cất tiếng hát mở đầu một bản nhạc tình Bolero “Hôm ấy anh đi, mình với mình vừa quen…” Thấy anh Bông đang lúi cúi bên mấy thùng recycle và thùng rác chị Bông hớn hở chạy đến gần...
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”...
Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác...
Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số...
Mặt trời đang ngập ngừng lặn sau lũy tre xa. Ánh nắng vàng còn xót lại vương vãi trên cánh đồng đã đổi thành màu da cam rồi màu tím nhạt. Dăm ba chị nông dân đương gánh lúa về, đòn gánh nặng trĩu nhún nhẩy trên vai. Họ trao nhau vài câu chuyện ngắn, đứt quãng, xen lẫn tiếng chuông chùa thong thả ngân từng tiếng một vang vào không trung. Vài con chim lạc lõng vội vàng bay về tổ...
Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Thy An...
Trong cuộc sống của con người, từ gia đình đến xã hội, sự vui đùa bao giờ cũng cần thiết. Khi đang làm việc mệt nhọc, nghe một câu nói đùa, lòng bỗng thấy vui, cơn mệt nhọc như tiêu bớt một phần. Hai người đang tức giận nhau, không khí đang căng, chỉ một câu nói đùa có thể hóa giải hoặc làm giảm cường độ xích mích...
Từng thùng cây thông con được đưa từ chiếc xe tải vừa sửa xong xuống đất. 37 người làm trong "Hợp Tác Xã Sửa Chữa Ô Tô 19/8 " Đà Lạt, đang đi công tác ở gần thác Prenn: Bửu Sơn Tự, là một ngôi chùa nhỏ của vài chú tiểu và một nhà sư tu được vài năm nay...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.