Hôm nay,  

Bé Jessy

11/08/202221:44:00(Xem: 1945)
Truyện ngắn

HoaMauDon

 

Anatole France sinh ở Paris, là con của một chủ cửa hàng sách, từ nhỏ đã ham mê văn học, nghệ thuật. Học ở trường Collège Stanislas. Trong thập niên 1860, France tiếp xúc với nhóm Parnasse và xuất bản tập thơ đầu tiên (1873). Sau đó ông chuyển sang viết văn xuôi và thật sự có tiếng tăm khi cuốn tiểu thuyết Le crime de Sylvestre Bonnard (Tội ác của Sylvestre Bonnard, 1881) ra đời và được nhận giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp. Trong thập niên 1890, ông viết nhiều bài phê bình văn học cho Le Temps (Thời báo) và in thành 4 tập sách với tên La vie littéraire (Đời sống văn học).

Những năm cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, tư tưởng và sáng tác của Anatole France đã có những thay đổi. Ông từ bỏ lập trường người quan sát để trở thành chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ. Cụ thể là trước kia ông thường miêu tả cuộc sống và con người thời kỳ Trung cổ hoặc thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến, thì nay ông viết về các sự kiện lịch sử và xã hội đương đại, đồng thời tiếp tục truyền thống nhân văn chủ nghĩa của Rabelais và Voltaire, phê phán nền cộng hòa thứ ba của Pháp, chế giễu không thương xót những kẻ gây chiến tranh xâm lược tàn khốc. Năm 1921 ông được trao giải Nobel Văn học vì "những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gô-loa đích thực"…

 

A. France là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thời cận đại, trải qua một con đường khó khăn và phức tạp từ chủ nghĩa nhân đạo ảo tưởng đến chủ nghĩa hiện thực cách mạng. Ông mất ở Tours, Indre-et-Loire.

 

Sau đây là một chương trong truyn Le livre de mon ami (Sách của bạn tôi).

 

*

 

Vào triều đại của hoàng hậu Elisabeth, ở Luân Đôn, có một nhà bác học tên là Bog – bút danh Bogus – rất nổi tiếng với chuyên luận về Những Sai Lầm của nhân loại, mà không một ai biết đến. Bogus nghiên cứu về đề tài ấy từ hai mươi lăm năm nay mà vẫn chưa xuất bản tác phẩm nào; những bản thảo chép tay của ông đã được viết sạch sẽ lại, và xếp trên các ngăn kệ ở khuôn cửa sổ, bao gồm không dưới mười chương khổ hai. Chương thứ nhất bàn về sự sai lầm khi được sinh ra, đó là căn nguyên của tất cả những sai lầm khác. Rồi trong những chương kế tiếp là sai lầm của các bé trai và bé gái, của vị thành niên, của người trưởng thành và người cao tuổi, rồi của những nhân vật theo ngành nghề khác nhau như là: chính khách, thương nhân, quân nhân, đầu bếp, nhà báo, v.v... Những chương cuối cùng, chưa hoàn thành, bao gồm những sai lầm của nền cộng hòa, nguyên nhân từ những sai lầm cá nhân và nghề nghiệp mà ra. Và đó là sự liên kết giữa những ý tưởng với nhau trong tuyệt tác ấy, và ta không thể bỏ bớt trang nào cả, vì làm như vậy sẽ làm hỏng luôn cả phần còn lại. Phần này chứng minh cho phần kế tiếp, và như thế chắc chắn hậu quả của phần cuối cùng là: việc xấu chính là thực chất của cuộc sống, và rằng nếu cuộc đời là một đại lượng thì ta có thể khẳng định một cách chính xác theo toán học là trên thế gian có bao nhiêu sự sống thì sẽ có chừng ấy điều xấu.

 

Phần Bogus thì ông đã không vấp phải sai lầm cưới vợ. Ông sống một mình trong căn nhà nhỏ cùng với bà quản gia tên là Kat, nghĩa là Catherine, và cũng là Clausentina, bởi vì bà ấy xuất thân từ Southampton.

 

Còn cô em của nhà triết học không có tinh thần siêu việt như anh mình thì đã phạm từ sai lầm này đến sai lầm khác, đó là đã trót yêu một người buôn len dạ trong thị xã, rồi lại về làm vợ ông ta và lại sinh một bé gái có tên là Jessy.

 

Và rồi bà ấy còn phạm một sai lầm cuối cùng là đã qua đời mười năm sau đó, và do đó gây ra cái chết của người lái buôn, vì ông ta không thể sống thiếu vợ mình được. Thương xót cô bé, Bogus mang bé về nuôi, và ông cũng hy vọng rằng bé sẽ là một bản mẫu về những sai lầm của trẻ thơ.

 

Lúc đó cô bé đã lên sáu. Trong suốt tám ngày đầu tiên, bé chẳng nói tiếng nào, mà chỉ khóc. Buổi sáng ngày thứ chín, bé nói với Bog:

 

“Cháu đã nhìn thấy mẹ cháu; toàn thân mẹ trắng toát, rồi cháu thấy nhiều hoa màu trắng ở nếp váy của mẹ; mẹ đã rải đầy hoa trên giường cháu, nhưng sáng nay khi thức dậy thì cháu không thấy gì cả. Cậu ơi, đưa hoa của mẹ cho cháu đi cậu.”

 

Thế là Bogus lưu ý đến sai lầm đó, nhưng trong lời bình chú của mình, ông ấy ghi nhận: đó là một sai lầm ngây thơ vô hại và có vẻ đáng yêu.

 

Rồi sau đó ít lâu, Jessy lại nói với Bog:

 

“Cậu Bog ơi, cậu già quá, và xấu xí nữa; nhưng cháu vẫn rất yêu cậu và cậu cũng phải yêu cháu thật nhiều nhé.”

 

Bog cầm bút, định ghi xuống; nhưng sau khi suy nghĩ thật kỹ, đã nhận ra rằng mình không còn trẻ nữa và chưa bao giờ điển trai cả, nên không ghi lời nói của con bé. Ông chỉ hỏi:

 

“Tại sao ta phái yêu cháu hả Jessy?”

 

“Dạ, bởi vì cháu còn nhỏ.”

 

Bog tự hỏi, có đúng là phải yêu thương trẻ thơ không? Cũng có thể lắm; bởi vì thật ra chúng rất cần được yêu thương. Khi hiểu được điều này thì sai lầm thông thường của những người mẹ cho con thơ sữa và tình thương của họ là có thể tha thứ được. A, đây là một chương trong chuyên luận của ta cần phải xem lại đây.

 

Buổi sáng ngày sinh nhật của mình, khi vào phòng chứa sách vở giấy tờ mà nhà thông thái gọi là thư viện của mình, ông ngửi thấy một mùi hương rất dễ chịu và nhìn thấy một chậu hoa cẩm chướng trên bờ cửa sổ.

 

Chỉ có ba nụ hoa thôi, nhưng ba nụ màu hồng điều đang được ánh nắng nhảy múa lướt nhẹ một cách rực rỡ. Rồi tất cả mọi đồ vật đều vui cười hớn hở trong phòng: cái ghế bành thêu hoa, cái bàn bằng gỗ hồ đào; gáy những cuốn sách cổ xưa đang tươi cười trong lớp bìa bằng da bê màu vàng hung, trong lớp da lừa và da lợn. Và rồi Bogus, héo queo quắt như chúng nó cũng nhoẻn miệng cười. Jessy vừa ôm ông ta vừa nói:

“Này nhé, cậu Bog, nhìn nè: đây là bầu trời nhe (và cô bé vừa nói vừa chỉ vào không khí màu xanh trời nhạt qua khung cửa kính viền gọng chì); còn bên dưới là mặt đất nè cậu, mặt đất tràn ngập hoa lá (rồi bé lại chỉ vào chậu hoa); còn bên dưới nữa là những cuốn sách đen thui, đó là địa ngục đó cậu ạ.”

 

Những cuốn sách to màu đen đó chính là mười tập của chuyên luận về Những Sai Lầm của nhân loại, được xếp ngay ngắn bên dưới cửa sổ, bên trong khuôn cửa. Lầm lẫn này của Jessy nhắc cho nhà bác học nhớ về tác phẩm của mình, lâu nay ông bỏ quên nó vì bận đi rong ngoài đường phố và đi dạo công viên với cô cháu. Bé đã khám phá ra ngàn vạn điều đáng yêu và cũng làm cho Bogus biết đến, vì Bogus cả một đời chưa bao giờ ló mặt ra ngoài đường. Ông đến chỗ sách vở, lật lại những tập bản thảo của mình, nhưng ông bị lạc lối mất rồi, không biết mình đang ở chương nào nữa, vì trong đó không có hoa lá cũng chẳng thấy Jessy đâu.

 

Nhưng may sao triết học đã giúp ông bằng cách gợi cho ông ý tưởng siêu nghiệm rằng Jessy chẳng làm được trò trống gì. Thế là ông bám một cách chắc chắn vào sự thật ấy, rằng điều này rất cần thiết cho kết cấu của tác phẩm văn học của ông.

 

Một hôm ông đang trầm tư mặc tưởng về vấn đề đó thì ông thấy Jessy đang ngồi xâu kim ở ngay trước bậu cửa sổ có đám hoa cẩm chướng. Ông hỏi cô bé đang tính khâu cái gì. Jessy liền trả lời:

 

“Cậu ạ, vậy chớ cậu không hề hay biết là chim én đã bay đi rồi sao?”

 

Bogus không hay biết chi hết, sự việc đó ông không thấy trong sách của Pline, cũng như trong bộ Bách Khoa của Avicenne*.

 

Jessy lại nói:

 

“Chính bà Kat nói cho cháu hôm qua...”

 

“Kat ư?” Bogus la lên, cô bé này muốn nói đến Clausentina đáng kính đây!

 

“Hôm qua bà Kat nói với cháu: Năm nay chim én bay đi sớm hơn mọi năm; điều này báo cho ta biết mùa đông sẽ đến sớm và khắc nghiệt đây. Dạ bà Kat nói với cháu như vậy đó. Và rồi cháu cũng thấy mẹ cháu nữa, mẹ mặc váy trắng, trên mái tóc thì có vầng sáng; chỉ có điều là mẹ không có hoa như lần trước mẹ đến với cháu. Mẹ nói: Jessy à, con phải lấy cái áo choàng lót da lông thú của cậu Bog ở trong rương ra nhe con, và con nhớ may vá lại nếu như áo bị hư rách. Sau đó cháu thức dậy và vừa ra khỏi phòng thì cháu lôi cái áo choàng ra rồi nè cậu; và khi thấy áo bị rách nhiều chỗ, cháu khâu lại đây cậu ạ.”

 

Và thế là mùa đông đã đến và đến rất sớm và khắc nghiệt y như chim én đã báo trước. Bogus, cuộn mình ấm áp trong chiếc áo choàng và đôi chân thì hơ trước lò sưởi, đang tìm cách sửa chữa lại vài chương của chuyên luận. Nhưng rồi mỗi khi ông đã có thể dung hoà những kinh nghiệm mới thu thập được của ông với lý thuyết về điều xấu xa của thế giới, thì Jessy lại đến làm rối ren tất cả, khi thì đem cho ông một cốc bia thật tuyệt, hoặc khi đơn thuần chỉ là khoe nụ cười và đôi mắt của bé.

Rồi khi mùa hè rực rỡ lại đến, cậu cháu thường rảo bước dạo chơi khắp các cánh đồng. Sau đó Jessy mang bao nhiêu là thảo mộc về nhà, và ông cho bé biết tên của chúng, rồi chiều đến, cô bé lại sắp xếp theo từng tính chất của chúng. Khi dạo chơi như thế, Jessy đã cho ông thấy lập luận đúng đắn và một tâm hồn thật đáng yêu của mình. Nhưng rồi, một hôm, trong khi trải ra đầy bàn những hoa lá nhặt được trong ngày, bé nói với Bogus:

 

“Cậu Bog ơi, bây giờ cháu đã biết tên tất cả những loại cây mà cậu đã dạy cho cháu. Đây là những cây lá chữa được bệnh và kia là những cây có thể an ủi nỗi đau buồn của ta. Cháu muốn giữ chúng lại, để lúc nào cũng có thể nhận biết được và cũng muốn cho người khác biệt chúng nữa ạ. Cháu cần phải có một cuốn sách thật dày và to để ép chúng vào đó cho khô.”

 

“Vậy thì cháu lấy cuốn này đi cháu.” Bog nói.

 

Và ông liền đưa cho bé chương Một của chuyên luận về Sai Lầm của Loài Người.

 

Rồi khi mà mỗi trang của cuốn sách đó đã ép một cánh thảo mộc, họ lại lấy quyển kế tiếp, và thế là, trong ba mùa hè liên tiếp, kiệt tác với bao công sức của nhà bác học đã hoàn toàn biến thành sách bách thảo.

 

Anatole France (1844-1924), Le livre de mon ami

(TháiLan dịch)

 

Ghi chú:

 

* Pline-Pliny the Elder (23-79 sau Công Nguyên), là một triết gia La Mã, tác giả của bộ Bách khoa Toàn thư Lịch Sử Tự nhiên.

*Avicenne-Avicenna: Thời kỳ Hoàng kim Hồi giáo (980-1037) là một học giả người Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là thầy thuốc và nhà triết học đầu tiên ở thời ấy. Ông cũng là nhà thiên văn học, hóa học, địa chất học, lôgic học, cổ sinh học, toán học, vật lý học, thơ, tâm lý học, khoa học, và nhà giáo. 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kanchanaburi là một tỉnh miền trung Thái Lan có biên giới chung với Miến Điện. Thủ phủ là thành phố cùng tên cách Bangkok 140km. Ở đây có cây cầu nổi tiếng xây dựng từ WWII, cầu sông Kwai...
Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Nguyễn Hàn Chung...
thăng trầm lên xuống / như những bậc đá trên đồi xanh / tóc bay theo gió / mùa hạ êm đềm thắp lửa mặt trời / trong từng đôi mắt mong đợi / dõi cánh chim bay xa...
Ông bà Năm quê quán ở Thuận Hòa, Sóc Trăng, ông bà sinh cơ lập nghiệp cùng với và tiếp nối tổ phụ tổ mẫu nhiều đời ở quê. Họ yêu đồng ruộng, yêu vùng đất màu mỡ phù sa ruộng vườn gieo trồng thoải mái. Vậy mà sau ngày quốc nạn 30– 04– 1975, họ chật vật vì ruộng vườn, làm nhiều phải đóng thuế nhiều, làm ít thì bị tổ sản xuất phê bình kiểm thảo. Lúa mạ thiếu nước, thiếu thuốc trừ sâu, trồng tỉa khó khăn...
Trời nắng chang chang, thỉnh thoảng từng cơn gió bụi bốc lên bay rát cả mặt, dòng xe máy xình xịch chạy như mắc cửi trên đường. Hai bên lề đường có cả mấy mươi tiệm vịt quay, heo quay, những con vịt quay vàng ươm, có con thì da sậm màu hơi ngả nâu tất cả đều béo nhẫy mỡ, treo tòng teng trong tủ kiếng trông rất bắt mắt. Những con heo sữa quay vàng ruộm hoặc ngã màu cánh kiến, chủ tiệm còn gắn vào miệng nó một cái bông đỏ thắm...
Longwood Gardens là một “vườn hoa” không những nổi tiếng của Tiểu bang Pennsylvania mà còn là một trong vài vườn hoa nổi tiếng nhất của cả nước Mỹ...
Ở Mỹ người ta không ăn mỡ của động vật như heo, bò, gà vịt, vì sợ tăng cholesterol. Nếu ăn mỡ họ ăn bacon, thịt ba chỉ ướp muối. Họ chiên bacon cho giòn, ăn kèm với trứng chiên và bánh mì. Một món điểm tâm rất được nhiều người yêu thích. Tôi thích dùng mỡ nhưng chỉ dùng ở một vài món. Mỡ heo, tôi mua miếng dày, thái hạt lựu, thắng riu riu cho đến khi tóp mỡ héo lại, màu vàng nhạt ngả sang nâu. Tôi vớt tóp mỡ, để riêng ra cho khô và giòn, dùng để kho cá bống. Vì cất nhiều công, nên tôi rất quý tóp mỡ...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.