Hôm nay,  

Cuối Năm Đi Thăm Little Saigon

05/01/202209:47:00(Xem: 1805)

Phóng sự

1280px-Phuoc_Loc_Tho
Trung tâm Little Saigon.

Cuối năm vợ chồng tôi từ vùng Vịnh San Francisco bay xuống Quận Cam, thủ đô của người Việt tại Hoa Kỳ, thăm bạn sau ba năm không có dịp gặp và đi lòng vòng Little Saigon xem có gì lạ.

 

Đến Coffee Factory, điểm hẹn của văn nghệ sĩ và giới truyền thông trong vùng, gặp hai bạn học thời cấp 1 và cấp 2. Nhờ Facebook mà những năm gần đây nối kết được với nhau, liên lạc được với Đinh Văn Nhan cách đây vài năm và hè năm ngoái đã cùng nhau ăn phở, uống cà phê ở khu Grand Century, San Jose. Sáng nay gặp lại Hoàng Xuân Hùng là sau nửa thế kỷ từ khi chúng tôi rời trường Thánh Tâm. Cả ba muốn gặp lại Mai Bình Minh mà không liên lạc được.

 

Chúng tôi là dân giáo xứ Nghĩa Hoà thuộc khu vực Ngã ba Ông Tạ mà nhà báo Cù Mai Công, hiện công tác tại báo Tuổi Trẻ, trong năm qua có loạt bài về vùng đất này và đã phát hành tập sách đầu tiên “Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó!” [Nxb Trẻ, 2021] về lịch sử địa chí và nhân vật. Tập hai đang chờ kiểm duyệt vì có những chuyện “nhạy cảm”.

 

Không hiểu viết về một vùng đất đã vươn lên từ vườn nhài, vườn cao su, từ bến xe ngựa thồ thành khu buôn bán sầm uất thì có gì “nhạy cảm”? Nơi mà nay theo đà phát triển đô thị cũng sẽ có trạm tàu điện, để thấy Ngã ba Ông Tạ có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển thành phố từ bao đời nay.

 

Thời thơ ấu tôi học trường tiểu học Nghĩa Hoà. Lên cấp hai học Thánh Tâm, bây giờ là trung học cơ sở Tân Bình, rồi học cấp ba ở Nguyễn Bá Tòng.

 

Ngày đó bạn Nhan là đứa học trò phá phách quá nên bị đuổi học, đổi trường liên tục, hết Thánh Tâm qua Văn Đức lại vào Thánh Giuse, Thánh Tôma trước khi vào lính. Cuối tháng 4/1975 căn cứ ở Long Khánh thất thủ, bạn chạy về được Vũng Tầu và xuống tầu hải quân ra đi.

 

Chúng tôi nhắc đến hai văn sĩ học trò của trường Thánh Tâm là Phạm Văn Thông, bút hiệu Mai Thông và Bùi Thị Nhiên bút hiệu Thuỳ Dương, không có liên hệ gì với tôi. Cô nữ sinh ngày ngày mặc áo dài trắng, tay xách cặp, khuôn mặt xinh xinh, giáng đi khoan thai, nói năng chậm rãi từng làm lao xao bọn nam sinh. Nhiên hiện định cư tại Úc và vẫn nói thong thả như ngày nào. Cô vẫn “nói một câu từ bình minh đến hoàng hôn cũng chưa xong”, một bạn đùa vui kể như thế.

 

Mai Thông nhập ngũ và chết khi trực thăng rớt trong những ngày quê hương còn chiến tranh.

 

Nhắc đến các bạn đã hy sinh vì nước chúng tôi nhớ Ngô Đắc Doanh cùng học trường cụ giáo Đồng, Nguyễn Đức Tuyển trưởng lớp ở Thánh Tâm. Tuyển là một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà tử trận khi bị Việt Cộng phục kích.

 

Đất Ngã ba Ông Tạ đã có nhiều người con hy sinh vì nước và cũng là quê hương của nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo mà Cù Mai Công đã nhắc đến tiểu sử trong các bài viết của anh: nhà văn MC Nguyễn Ngọc Ngạn, Hoàng Hải Thuỷ, Nguyễn Đình Toàn; nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Hùng Lân, Văn Giảng, Ngọc Chánh, Vũ Xuân Hùng; ca sĩ Giang Tử, Duy Khánh v.v… là những người của thế hệ trước.

Ngày nay có Tóc Tiên là lớp trẻ, tự tin yêu đời, nổi danh trong và ngoài nước.

 

Về truyền thông báo chí, ngoài Cù Mai Công là Cỏ Cú một thời trên Mực Tím còn có Nguyễn Hồng Lam, Trương Bảo Châu. Ra hải ngoại có Nguyễn Vy Tuý, cựu học sinh Thánh Giuse Nghĩa Hoà, làm chủ bút nhiều tờ báo phát hành bên Úc.

 

Bạn Hoàng Xuân Hùng nhớ chúng tôi có học chung với ca sĩ Vũ Khanh mà tôi thì không. Thực ra một lớp thời đó có đến 60 học sinh nên thường thân quen với bạn cùng bàn hay ngồi gần, nhớ trưởng lớp hay bạn nào có gì đặc biệt chứ không sao nhớ hết được.

 

Hùng còn nhớ là khu Ông Tạ trước năm 1975 có văn phòng của các luật sư Vũ Minh Trân, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Hữu Thống là những chính trị gia có tiếng. Vùng đất này cũng có nhiều tướng tá của Quân lực Việt Nam Cộng hoà vì thế mà trở thành “nhạy cảm” qua con mắt ban tuyên giáo.

 

Quán cà-phê Coffee Factory đông khách vào một sáng thứ Sáu. Thấy nhà báo Nguyễn Tú A cùng thân hữu ở một bàn bên cạnh. Nghe cô phục vụ người gốc Mỹ Latinh nói tiếng Việt khi có ai gọi đồ ăn thức uống cho tôi cảm nhận ở đây có sự giao thoa giữa hai nền văn hoá, có hoà đồng giữa hai sắc dân.

 

Bánh mì thịt ở đây giòn, ngon và cà phê thơm, rất đáng thưởng thức cho một bữa điểm tâm.

 

Truyền thông Việt ngữ ở đây với các tờ Người Việt, Việt Báo, Viễn Đông là lâu đời. Truyền thanh truyền hình có SBTN, Little Saigon TV, Saigon TV. Các sinh hoạt văn nghệ giải trí cũng nhiều, với Saigon Performing Arts Center ở Fountain Valley. Trung tâm Thuý Nga nay dọn về đường Moran đã lên chương trình với nhiều sô diễn cho mùa xuân 2022.

 

Giới nghệ sĩ cũng tập trung sống quanh Quận Cam. Ca, kịch sĩ từ trong nước qua Mỹ định cư cũng chọn nơi đây để tái lập cuộc sống mới.

 

Mỗi lần về Quận Cam chúng tôi đều ghé thăm hai bạn thân là Võ Quang Thịnh, nhà gần nhà thờ cha Lý trên đường Mai Khôi và Nguyễn Công Bình ở xứ Tân Chí Linh. Vợ của Thịnh và nhà tôi cùng học Marie Curie.

 

Thịnh học Mai Khôi, Thánh Tâm, Nhân Chủ. Bình học Tân Bình, Thánh Tôma, Thánh Giuse, Lê Bảo Tịnh. Hai bạn là những học sinh giỏi, thi tú tài 1 đậu ưu nên được nhận vào trường Petrus Ký học lớp 12 niên khoá 1972. Khu Ông Tạ năm đó còn có Đinh Văn Vinh cũng vào học lớp 12 ở Petrus Ký.

 

Thi tú tài 2 Thịnh và Bình đều đậu cao, hạng bình. Bình được học bổng du học Mỹ năm 1973. Thịnh học hoá học tại Đại học Minh Đức, còn tôi đậu hạng thứ và vào học luật, Đại học Sài Gòn.

 

Người Ông Tạ đi du học Mỹ từ những năm cuối thập niên 1960 có Vũ Quang Việt, nhà gần nhà thờ Nghĩa Hoà. Sau này anh là chuyên gia thống kê cho Liên Hiệp Quốc.

 

Ngày 30/4/1975 tôi rời Việt Nam. Đến Mỹ, tốt nghiệp Đại học Berkeley. Bình tốt nghiệp Đại học Texas A&M.

 

Ở quê nhà Đại học Minh Đức đóng cửa, Thịnh thi đậu vào đại học Bách Khoa Phú Thọ, khoa hoá, rồi cũng vượt biển, đến Mỹ và tốt nghiệp U.C. Irvine.

 

Xuống Quận Cam tôi cũng gặp lại một số bạn học từ Đại học Berkeley. Một anh du học trước 1975, làm việc cho các nghị sĩ dân biểu Mỹ trước khi về nước làm việc trong hai mươi năm qua. Anh kể dư luận trong nước, từ lãnh đạo xuống đến chị bán hàng ngoài chợ, hầu như ai cũng ủng hộ Tổng thống Donald Trump là điều khó hiểu.

 

Ngay trung tâm Little Saigon có một văn phòng bác sĩ, là cựu sinh viên Đại học U.C. Berkeley, hết lòng ủng hộ Tổng thống Joe Biden, ngay nơi có truyền thống chính trị theo Đảng Cộng hoà. Ngược lại trên vùng San Jose là khu vực đa số Dân chủ có một luật sư, cũng là cựu sinh viên Berkeley, lại ủng hộ Đảng Cộng hoà hết mức. Tôi biết cả hai vì thường theo dõi các tranh luận trên diễn đàn của cựu sinh viên Berkeley. Đó là sự tuyệt vời của nước Mỹ.

 

Cũng như có người Việt ở đây ủng hộ chế độ cộng sản Hà Nội vẫn sống ngay trong lòng thủ đô của người Việt tị nạn. Họ qua định cư, mua nhà, mở cơ sở thương mại buôn bán.

 

Hôm đi ăn sáng ở PhởHolic, nghe mấy cháu hầu bàn nói giọng như xướng ngôn viên đọc tin trên đài VTV-1. Tiệm đông khách cả trong và ngoài vào sáng thứ Bẩy cuối tuần. Phở ở đây tương đối rẻ, 12 đôla một tô, không ngon lắm vì ăn xong là khô miệng và khát nước. Có tô xí quách là hấp dẫn.

 

Chuyến đi này tôi gặp hai phụ nữ. Chị Kim Sơn rời bến Bạch Đằng trên con tầu Đông Hải vào sáng ngày 30/4/75. Con tầu mà khi tôi ở ngoài khơi Singapore thì được chuyển từ tầu Saigon II không có máy qua tầu Đông Hải để đi Subic Bay, Philippines. Chúng tôi chia sẻ với nhau về trải nghiệm những ngày cùng sống với 2000 người trên hải trình di tản khỏi Việt Nam.

 

Người phụ nữ thứ hai là Bùi Quỳnh Hoa, con gái của Trung tá Chính uỷ Bùi Văn Tùng, người đã nhận sự đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/75 và chồng chị từng là du học sinh ở Nga và sinh sống lâu năm ở Ukraine. Sau năm 1975 gia đình chị cũng có một thời sống quanh vùng Ông Tạ mà nhà báo Cù Mai Công đã nhắc đến trong bài viết của anh. Đi ăn tối với anh chị ở quán Brodard Chateau, rất đông khách trẻ và khách ngoại quốc. Ở đây có gỏi vịt ngon, còn chả cá Thăng Long rất thất vọng.

 

Chúng tôi cũng gặp lại Luật sư Nguyễn Bính Châu của đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh mà gia đình tôi có dịp đón tiếp cách đây 20 năm khi anh qua San Francisco tu nghiệp. Anh là bậc đàn anh của tôi ở trường Nguyễn Bá Tòng và Đại học Luật Sài Gòn. Anh chị và gia đình cũng đã qua Mỹ định cư mấy năm nay.

 

Vùng đất Ông Tạ ngày nay vẫn phát triển, người Ông Tạ vẫn còn đó với con cháu. Nhưng cũng như hàng triệu dân Việt khác từ sau năm 1975 nhiều người đã bỏ nước ra đi, có người mất tích, mất mạng trên biển vì không thể sống với cộng sản. Từ đó hình thành thủ đô của người Việt tại Mỹ như hôm nay.

 

Bolsa Avenue, với quãng đường chính chạy qua Little Saigon mang tên Đại lộ Trần Hưng Đạo. Trên đường có tượng đài Trần Hưng Đạo và đền thờ Đức Thánh Trần. Hôm tôi ghé thấy ông Phan Tấn Ngưu và ông Du Miên ở đó, họ là hai người trong hội đồng quản trị. Được biết đền thờ đang có chương trình gây guỹ xây dựng ở một địa điểm mới.

 

Cách vài khu phố có trụ sở của Museum of Republic of Vietnam, nơi lưu giữ những di vật của Việt Nam Cộng hoà. Một buổi sáng ghé thăm thì bảo tàng còn đóng cửa. Đây là bảo tàng thứ hai về Việt Nam Cộng hoà ở California, sau San Jose nơi có Bảo tàng Thuyền nhân – Việt Nam Cộng Hoà do cựu Đại tá Vũ Văn Lộc sáng lập cách đây cũng 20 năm.

 

Về các dự án bảo tàng, Quận Cam còn có Vietnamese Heritage Museum (VHM) do anh Châu Thụy khởi xướng và đã thu thập được nhiều di vật, đã tiếp chuyện, phỏng vấn nhiều người theo hình thức lịch sử truyền khẩu. Dịp này tôi đã chia sẻ kinh nghiệm định cư, hội nhập và làm việc thiện nguyện và tặng VHM một tờ nhật báo Tiền Tuyến, một số di vật như báo Tự Do, báo của khối ESL, các thư mời tham dư sinh hoạt trong trại và 300 tấm hình về trại Galang, Indonesia.

 

Đã gần 50 năm từ ngày có người Việt tị nạn đến Mỹ định cư, đây là lúc cần có một bảo tàng đúng chuẩn mực về người Mỹ gốc Việt, như các cộng đồng người gốc Do Thái, người Nhật đã có.

 

Sau ba năm mới có dịp trở lại đây, chạy quanh các đường Bolsa, Brookhurst của hai thành phố Westminster và Garden Grove tôi quan sát thấy, sau những giới hạn vì dịch Covid, sinh hoạt của cộng đồng người Việt vẫn sinh động và phát triển. Tuy có những khu thương mại mới xây, cửa hàng đang chuyển sở hữu sang “tụi Việt Cộng”, như một bạn cho biết và quan ngại một ngày nào đó cờ đỏ sao vàng lại chiếm Little Saigon.

 

Tôi không bi quan lắm, vì làm ăn ở đây mà trương cờ đỏ lên là tự sát, phá sản. Ca sĩ không dại gì hát “Như có bác Hồ” hay biểu diễn đàn t’rưng “Vót chông” vì sẽ bị tẩy chay, biểu tình phản đối. Người cộng sản không làm chuyện đó, có chăng họ quậy phá cộng đồng cho nát, không còn đoàn kết để có sức mạnh chính trị trong chính trường Hoa Kỳ.

 

Thật sự bản chất độc tài của Hà Nội không thể che dấu được dư luận Mỹ và thế giới khi nhà nước bắt giam hàng trăm tù nhân lương, xử án nhiều năm tù dành cho Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Đỗ Nam Trung, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Tường Thụy… và khi mà Việt Nam chưa có tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do hội họp hay lập hội. Khi mà Việt Nam ngày nay vẫn còn là “một quốc gia có một rừng luật mà chuyên sài luật rừng.”

 

Quận Cam là nơi có Vietnam Human Rights Network hôm 12/12 vừa qua đã tổ chức lễ trao Giải Nhân quyền 2021 cho năm người trong nước đã có những hoạt động vì quyền làm người mà đang bị giam tù là Cấn Thị Thêu và hai con là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Nguyễn Văn Túc, Đinh Thị Thu Thuỷ.

 

Vì thế mà sau gần nửa thế kỷ cộng sản cai trị toàn cõi Việt Nam, người dân vẫn tìm mọi cách ra đi và nước Mỹ sẵn sàng chào đón những ai có cơ hội đến đây sinh sống, lập nghiệp.

 

Như mỗi lần thăm Little Saigon, trước khi rời vợ chồng tôi ghé mua các món ăn ưa thích mang về. Lòng dồi ở Tam Biên, bánh bao ở Yummy ngay bên cạnh, ghé chỗ quen mua chả, cá ướp sẵn, mua áo dài. Lần này tất cả hơn 50 cân Anh, gửi hành lý máy bay. Mang về ăn nhậu đón Giáng Sinh và Năm Mới và làm quà cho người thân.

 

Thân kính chúc bạn đọc Năm Mới 2022 sức khoẻ, vui vẻ và nhiều may mắn.

 

Bùi Văn Phú


Phụ lục hình ảnh (Ảnh: Bùi Văn Phú): 

BuiVanPhu_20211231_CuoiNamDiThamLittleSaigon_H01_CoffeeFactory
Quán Coffee Factory một sáng thứ Sáu.
BuiVanPhu_20211231_CuoiNamDiThamLittleSaigon_H02_PhoHolic
PhởHolic đông khách vào sáng thứ Bẩy.

BuiVanPhu_20211231_CuoiNamDiThamLittleSaigon_H03_TamBienYummy
Quán bán đồ nhậu Tam Biên và quán bánh bao Yummy trên đường Bolsa. 
BuiVanPhu_20211231_CuoiNamDiThamLittleSaigon_H04_TrungTamThuyNga
Trung tâm Thuý Nga đã lên chương trình cho nhiều sô diễn vào mùa Xuân 2022.

BuiVanPhu_20211231_CuoiNamDiThamLittleSaigon_H05_DenThoTranHungDao
Cựu Thiếu tá Cảnh sát Phan Tấn Ngưu, hiện là Phó Chủ tịch Ngoại vụ Hội đồng Quản trị Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Với thời gian, mọi sự thay đổi, con người và cuộc sống cũng xoay vần theo thời cuộc và những cơn lốc lịch sử. Ngày nay, các tiêu chuẩn luân lý và đạo đức ngày xưa thời Khổng, Mạnh đã không còn là chân lý hay lễ nghĩa chuẩn mực mà dân gian nhất nhất phải tuân theo. Dân gian nhìn lại ca dao, tục ngữ với con mắt khác và cảm thấy những gì người xưa khuyên răn chỉ có thể đúng vào cái thời xa lắc xa lơ cũ kỹ đó mà thôi. Người ta bắt đầu sửa và lưu truyền những câu nói hay chế ra những câu thơ mới với nội dung bông đùa, diễu cợt trên chính những câu thơ hay câu nói có tính đạo đức, khuyên răn của người xưa. Nhất là thời kinh tế thị trường, mọi thứ chuẩn mực làm đầu thời trước, giờ chỉ là chiếc áo giấy chẳng có giá trị thực tế nào hết.
Trong 12 con giáp, Hổ là con vật đứng hàng thứ ba sau Chuột và Trâu: mệnh danh là "Dần". Tuổi Dần biểu tượng cho con Hổ hay còn gọi là con "Cọp". Xét về khía cạnh "Tử Vi" thì tuổi Dần đại diện cho những người quyền lực, cho sự mạnh mẽ, năng động trong cuộc sống. Người tuổi Dần thích những công việc mạo hiểm, đem đến vinh quang, thành công rực rỡ cho mình. Ngoài tài lãnh đạo, luôn nhiệt tình giúp đỡ những người xung quanh và nếu xét về khía cạnh nhỏ trong xã hội là gia đình thì người tuổi Dần ra sức bảo vệ gia đình của mình. Năm 2022 là năm Nhâm Dần. Người sinh năm Nhâm Dần 2022 thường là những người giỏi giang, thông minh, có khả năng hoàn thành được nhiều công việc cùng một lúc. Như chung ta biết, Hổ là một con vật được muôn loài nể phục. Trong 12 con giáp con Hổ được xem là một con vật oai hùng. Hổ đại diện cho sức mạnh. Người Tuổi Dần có tướng giỏi giang, khỏe mạnh được ví như “Mình hổ, tay vượn ”. Nơi đất thiêng, có vị thế thịnh phát được gọi là “Hổ ngồi Rồng cuộn ”.
Bài này được viết để tưởng niệm Thiền sư Nhất Hạnh (1926-2022), một vị Thầy lớn của Phật Giáo vừa viên tịch. Chủ đề chính của bài này sẽ bày tỏ lòng biết ơn Thầy Nhất Hạnh bằng cách dẫn ra để suy nghĩ về một bài kệ trong sách “Đạo Bụt Nguyên Chất – Kinh Nghĩa Túc” ấn bản Đạo Tràng Mai Thôn 2011, do Thầy dịch và chú giải, và sẽ đối chiếu tương đương trong Tạng Pali.
QUẬN CAM (VB- 26/1/2022) --- Cô Diedre Thu-Hà Nguyễn, phó thị trưởng Garden Grove và là khoa học gia nghiên cứu về ung thư, chính thức tuyên bố ứng cử Dân Biểu tiểu bang, Địa Hạt 70 của Hạ Viện California, đại diện vùng có đông người Việt nhất hải ngoại. Thông Cáo Báo Chí ghi như sau.
SEATTLE -- Họa sĩ Nguyễn Đại Giang vừa cho biết rằng, theo chương trình, ông sẽ có cuộc triển lãm cá nhân với 30 tranh vẽ theo trường phái Upsidedownism (Đảo ngược), một phong cách hội họa do ông sáng tạo ra
Hiện nay tại Bắc Mỹ bao gồm Hoa Kỳ và Gia Nã Đại đã có tới vài trăm Thiền Đường mọc lên. Ở trong nước tôi ít thấy thiền sư thuyết pháp. Có thể các vị ấy ẩn tu và ít xuất hiện trên các diễn đàn vì chư Tổ dạy rằng “Thiền nên nín, ít nói”. Riêng tại hải ngoại, nở rộ một phong trào học Thiền nhất là trong số quý bà lớn tuổi. Đâu đâu tôi cũng thấy quý bà khoe “Tôi đi Thiền”. Nếu quý bà, quý ông “đi Thiền” mà tâm địa bình ồn, không vướng mắc vào chuyện tào lao của thiên hạ, gia đình yên vui hạnh phúc, tâm lành nảy nở, vui vẻ yêu đời, hòa đồng với mọi người…thì đó là đại phước. Còn nếu thấy đầu óc bất thường, chuyện gia đình biếng nhác, mơ toàn chuyện trên mây và nhất là có ảo tưởng mình đã thành Phật, thành thánh rồi, thì đó là dấu hiệu “tấu hỏa nhập ma” có thể do Thiền không đúng cách hoặc gặp phải tà sư. Một số bác sĩ Hoa Kỳ cảnh báo là một số trường hợp mắc bệnh tâm thần vì tập Thiền.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.