Hôm nay,  

Nói Chuyện Với Rặng Bần

12/09/202109:48:00(Xem: 2568)

Đi dọc miền sông nước, những năm còn ở quê nhà, buổi trưa ghé một rặng bần ven sông, bỗng thèm lên bờ căng võng nằm đòng đưa à ơi ví dầu cùng cây, cùng nước và cùng trời xanh mây trắng…

Sông đang vào mùa lũ, một mùa “lũ đẹp” như bà con mình vẫn nói. Dòng nước ngầu đục, cuồn cuộn phù sa, ìn ìn đổ về phía hạ lưu, loang loáng cái nắng thu dịu dàng vàng nhẹ, như tấm vải xanh phớt hồng, điểm xuyến bằng những chùm kim tuyến, cứ long lanh, lóng lánh như ánh mắt cô hàng nước bên bến sông hiu quạnh, bỗng thoáng thấy thuyền ghe quay đầu ghé mũi để lên bờ.

Ô! Một bông hoa bần nở trắng tinh khôi, phơn phớt cái màu hồng pha tím, lẳng lặng âm thầm giữa tầng xanh lá. Nhìn kỹ, đã có rất nhiều hoa đã qua kỳ mãn khai, khoe cái đài hoa với trái bần non, tròn dẹt, nhọn hoắt một cái vòi nhỏ ở chính giữa trái, thì ra cũng đã đến kỳ trái bần chín dần và rụng xuống vì bây giờ đã là tháng tám âm lịch, đang trở lại cái chu kỳ của mùa trái ( từ tháng 4 – tháng 11 âm lịch). Chợt nhớ câu ca dao xưa: “ Muốn ăn mắm sặc bần chua/ Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”, mắt bỗng mơ màng một tô… cơm nguội! A, mà thứ mắm sặc bần chua này đâu dễ mà tìm? Nghe in hình chỉ phổ biến ở miệt Gò Công, nơi giáp biển, có nước mặn, nước lợ. Con cá sặc có nhiều, và trái bần được làm chua bởi những bàn tay nội trợ tài hoa của các cô con gái xứ Gò Công mà nổi danh vào tận…ca dao! Bỗng lần theo đầu võng, tay nắm vào cái gốc bần sù xì, u nần theo năm tháng, nhớ láng máng: Hồi nẵm…Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi về miệt sông nước này. Đến bữa, dân quanh vùng dâng lên Nguyễn một món lạ, đó là bột trái bần được chế biến thành một thức ăn rất đặc biệt: Trái bần cà ra thành một chất bột, lóng lấy phần tinh bột, đem trộn cùng với muối, ớt vài thứ gia vị khác, bần trở thành một món ăn…cứu đói của những người dân hạ bạc sông nước. Nguyễn Ánh ăn và khen ngon. Sau này khi lên ngôi vua, ông đã khen thưởng dân làng, ban tên cho bần là “Thủy liễu”. Một cái tên có vẽ kiêu sa đài các, ấy vậy mà rất ít người gọi. Bần vẫn là bần với nhiều cung bậc của cuộc sống. Trái bần cũng là món ăn, giúp nghĩa quân Trương Công Định một thời bám vào vùng sông nước đánh giặc Pháp, sống được nhờ trái bần dân dã này. Bần cũng để và chỉ gọi những người nghèo khổ, gối rách, áo ôm, và có thời kỳ để chỉ thứ bậc giai cấp: “Bần nông” và “bần cố nông” thật tội nghiệp!

Trưa, cái võng toòng teng, nghiêng nghiêng bên sóng lá. Tiếng gió nhẹ rung cây bần xạt xào. Có tiếng anh chàng bên quán nước vọng ra: “ Chiều chiều xuống bến ba lần/ Trông em không thấy, thấy bần xơ rơ!”. Lạ, đâu đã chiều? Anh chàng đang… tán bằng ca dao! Bần đang mùa xanh rì, khỏe khoắn, lấy đâu mà xơ rơ? Có tiếng khúc khích. Chắc là cô chủ quán, lại đẩy đưa bằng những câu huê tình có từ thời ông… cố nội: “ Lẻ đôi, em chịu lẻ đôi/ Hoa tàn em cũng đợi, bần trôi em cũng chờ!”. Lần này thì tiếng cây bần cười rồi. Cười khùng khục, và anh chàng tình si thì cố dò hỏi: “ Neo ghe vô dựa gốc bần/ Em thương anh nói vậy chớ biết đặng gần hay không?”. Tôi bỗng cảm thương cho anh chàng làm nghề thương hồ, lỡ trồng một gốc bần… trước quán ở ven sông!

Ở cái xứ chung quanh tứ bề là kênh mương, sông rạch. Đất bồi phù sa lắng, người dân bám sông, bám rạch mà sống, thì bần cũng giăng thành hàng thành lũy, cùng với tràm đước, ô rô, cóc kèn, dừa nước mà chiếm lĩnh ven bờ. Được tính tình bần cũng dễ chịu. Nước ngọt, nước lợ, nước mặn gì bần cũng chịu được, sống khỏe và lớn khỏe, chỉ có điều cái tên “bần” nghe sao cơ hàn, cùng cực. Chẳng thế mà người ta đố nhau về cây bần là: “ Giống chi toàn là giống đực/ Thiếu tứ bề cam cực chung thân!” ( Đố là cây gì?). Hay xót thương mà than thở: “ Cây bần kia hỡi cây bần/ Lá xanh bông trắng lại gần không thơm”! Những năm gần đây, những cây bên bờ sông như lộc vừng, si, sanh, sung… bỗng dưng có giá. Người ta “đào tận gốc, trốc tận rễ” săn lùng ráo riết, đem về cho tạo dáng và bán cho các đại gia ở nhà lầu, biệt thự mua về làm cây kiểng trong vườn, tạo mảng xanh cho những căn nhà vốn nhiều bê tông, sắt thép. Quả là một bước từ… sình lầy, sông nước bước vào sân vườn, công viên và biệt thự. Tội nghiệp, chỉ có anh bần. Cho dù cổ thụ, hình dáng uy nghiêm, cổ quái thiên hạ vẫn tránh xa, chẳng ai dại mà dây với… bần! Gọi tên thôi đã thấy “mạt”, thấy “nghèo”. Có lẽ vì vậy mà bần cứ kéo dài thành hàng, thành dãy làm bạn với sông nước, ghe thuyền và những ngư dân, thương hồ… hay như những người lỡ vận: “ Cảm thương ô dước, bời lời/ Cha sao mẹ sến dựa nơi gốc bần”. Và những cô gái miền sông nước đôi khi tủi duyên tủi phận cũng ví von mình: “ Thân em như trái bần trôi/ Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu?”. Thế nhưng cũng chính nhờ vào cây bần, mà lứa đôi có dịp gần gũi quen biết. Đến nỗi, khi cây bần bị đốn , chàng trai đã “nổi cộc” mà chửi rằng: “ Mồ cha đứa đốn cây bần/ Không cho ghe cá đậu gần ghe tôm”.

Rồi cũng có những chàng trai gan lì, quyết bảo vệ tình yêu lứa đôi của mình: “ Phụ mẫu đánh anh quặt quà quặt quại/ Đem anh treo tại nhánh bần/ Rũi đứt dây mà rớt xuống/ Anh cũng lần mò kiếm em…”. Quả là một tình yêu thủy chung son sắc nơi miệt sông nước này.

Bần dù sao cũng chỉ là bần! Giống như cái anh quanh năm suốt tháng, trần sì cái quần xà loỏn lặn hụp bên sông bằng nghề chài lưới, đơm đó, kéo đăng… nghèo, và nhiều khi dưới mắt người khác, còn được coi là… vô tích sự! Sinh tiền, Tri huyện Trà Vang ( Trà Vinh- Vĩnh Long) là Bùi Hữu Nghĩa, tức Thủ khoa Nghĩa ( 1807- 1872) vốn là vị quan thanh liêm chánh trực, yêu dân nghèo, ghét bọn vô học, cường hào cậy thế ức hiếp dân, đã mượn hình ảnh cây bần để vịnh mĩa mai rằng: “ Cao lớn làm chi bần hỡi bần?/ Uổng sanh trong thế đứng tần ngân/ Lá xanh tơ liễu, nhành thưa thớt/ Bông bạc dường mai, nhụy sượng sần/ Quyến luyến bầy cò bay sập sận/ Chiều qui đàn khỉ tới dần lân…” (Vịnh Cây bần), thì rõ là…oan và tội nghiệp cho bần. Bởi lẽ bần sinh ra vốn đã… bần! Làm bạn với dân chài hạ bạc, ghe khách thương hồ cùng chim muông và có khi là cả…khỉ? Nhưng tính hiền hòa, chịu thương chịu khó, nên dân yêu dân mến mà chia sẻ nỗi niềm thân phận, kể cả những kỷ niệm riêng tư, vì vậy mà hình ảnh bần mới được đưa nhiều vào ca dao như đã kể sơ sơ ở trên. Nói dại, các cây anh, cây chị ở vùng xôn xao sóng nước này, được người đời ưa chuộng, rước hết về sân vườn làm cây kiểng. Còn lại có mình bần, nếu không xếp hàng mà đứng lên, lấy ai che chắn sóng gió? Cái nguy cơ lũ lụt, nước tràn là khó tránh khỏi. Lúc đó thì thôi đừng có than khóc mà kêu “bần ơi! Bần hỡi!...” nữa nhé?

Gió đã đổi hướng, nước dần dần rút, những bờ bãi ven sông ánh lên cái màu phù sa mịn màng, loáng nước. Những gốc bần, những rặng bần vẫn bám sâu rễ vào lòng đất, xanh dân dã đến thật thà. Một chiếc ghe đã cập vào bến, mũi gát vào gốc bần. Người ta đang chuyển tôm cá lên bến, vào bờ. Ngước mắt nhìn rặng bần, bắt gặp gió lay động và nụ cười vu vơ, xạt xào như hơi thở…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phim cao bồi được tái hiện ở các sân trường, lớp học ở một tiểu bang. Khi những người biểu tình hô vang “Bàn tay của bạn dính máu”, Hạ viện tiểu bang Tennessee hôm thứ Ba đã thông qua dự luật cho phép một số giáo viên và nhân viên mang súng ngắn trong khuôn viên trường học. Đạo luật này trước đây đã được Thượng viện tiểu bang thông qua và tờ báo Tennessean loan tin rằng nó "gần như được đảm bảo sẽ trở thành luật trong vòng vài tuần"
Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hôm thứ Ba nói rằng châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong năm 2023, với lũ lụt và bão đứng đầu danh sách các yếu tố gây thương vong và thiệt hại kinh tế. Các nhà khoa học cảnh báo về điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu do khí nhà kính do con người thải ra khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Một học sinh trung học ở North Carolina đã bị truy tố tội hành hung sau khi bị camera ghi lại cảnh tát vào mặt một giáo viên trong một cuộc trao đổi mà học sinh này chửi mắng cô giáo bằng ngôn từ tục tĩu. Vụ này liên quan đến thiếu niên được ẩn danh vì là vị thành niên, xảy ra tại trường trung học Parkland ở Winston-Salem vào ngày 15 tháng 4, theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Forsyth (FCSO) cho biết trên Facebook.
Nhà văn, sử gia Nguyên Vũ - Vũ Ngự Chiêu đã ra đi. Tên khai sanh là Vũ Ngự Chiêu, sử dụng hai bút hiệu là Nguyên Vũ và Chính Đạo. Ông sinh ngày 6 tháng 10/1942 tại Hải Dương, VN, và từ trần ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 82 tuổi.
Donald Trump đã tung ra một loạt bài đăng trên mạng xã hội yêu cầu quyền miễn tố của tổng thống và đe dọa những người tiền nhiệm trước khi bước vào ngày thứ tư của phiên tòa hình sự hôm thứ Sáu. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ nghe các tranh luận vào tuần tới trong đơn kháng cáo của Trump đối với vụ truy tố về lật đổ cuộc bầu cử ở Washington, D.C.,
Các thành viên trong đại gia đình của dòng họ Kennedy phần lớn đã xa lánh chiến dịch tranh cử tổng thống của Robert F. Kennedy Jr., gọi nó là nguy hiểm và chính thức ủng hộ việc Tổng thống Biden tái tranh cử. Dòng họ Kennedy đã đưa ra sự chứng thực chính thức và nhấn mạnh vào thứ Năm, Politico đưa tin, xuất hiện cùng Biden vào thứ Năm tại Philadelphia.
Nếu có thể kéo dài tuổi thọ hoặc thậm chí là bất tử, liệu chúng ta có thực sự muốn điều đó không? Trong cuốn sách mới có tựa đề “Why We Die: The New Science of Aging and the Quest for Immortality” (Tạm dịch “Tại Sao Chúng Ta Chết: Phát Hiện Mới Về Lão Hóa và Đi Tìm Sự Bất Tử”), Venki Ramakrishnan, khoa học gia về sinh học phân tử đoạt giải Nobel, đã sàng lọc các nghiên cứu từ trong quá khứ đến tiên tiến nhất để tìm hiểu những lý thuyết kéo dài tuổi thọ cùng với những hạn chế thực tế. Trong quá trình tìm hiểu, ông cũng đặt ra các câu hỏi quan trọng về những vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị và đạo đức của những nỗ lực đi tìm sự sống vĩnh cửu.
Canada: Sáu người đã bị bắt trong vụ trộm vàng trị giá hàng chục triệu đô la năm ngoái tại Sân bay Quốc tế Pearson ở Toronto, theo lời cảnh sát Canada và Mỹ cho biết hôm thứ Tư. Cảnh sát cũng đã ra lệnh truy nã ba người khác. Tất cả 9 nghi phạm đã bị truy tố tội trộm với hơn 19 tội danh.
Diễm biến mất. Giáo sư nói với tôi con người không thể tự biến mất. Bà hỏi chủ tiệm tóc kỹ hơn, cô chủ tiệm nói lý do cô khẳng định Diễm “biến mất”, là vì tất cả bạn bè của Diễm ở Bình Tân, ở thị trấn, ở quê của mẹ, đều cùng một thời điểm đột ngột mất liên lạc với Diễm. Không phải là chặn Zalo hay block Facebook, mà đơn giản là biến mất. Chủ tiệm tóc có vài học trò học xong nghề cũng lên mở tiệm hoặc làm thuê gần Bình Tân, Quận 12, là những chị Diễm thường ghé ở nhờ mỗi khi lên Sài Gòn. Họ đều nói họ mất liên lạc với Diễm cùng một thời điểm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.