Âm nhạc của Nhạc Sĩ Cung Tiến đã chinh phục cả hai, ba thế hệ người thưởng ngoạn, suốt từ thập niên 50 cho đến ngày nay; và có lẽ trong một tương lai rất lâu nữa, người ta vẫn nghe nhạc của ông. Tuy đã khá trọng tuổi, nhưng sự ra đi của ông mới đây vẫn là sự bất ngờ đến bàng hoàng đối với những người thân yêu và mến mộ ông. Nỗi niềm thương tiếc này được biểu hiện bằng đôi lời chia biệt với ông và gia đình từ khắp nơi. Việt Báo trích đăng lại.
Cầu mong Ông yên nghỉ.
oOo
Nhờ những dòng nhạc tuyệt vời của Cung Tiến, tôi thấy đời đẹp hơn.
Anh đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, và câu nói cuối cùng thốt ra từ miệng anh với người bạn đời là lời yêu thương, như tất cả những gì anh gói ghém
trong gia tài nghệ thuật âm nhạc đồ sộ anh để lại cho hậu thế.
Cảm ơn anh vô cùng,
và hẹn một ngày nào chúng ta lại gặp nhau.
– Kiều Chinh
oOo
CÂU ĐỐI TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ CUNG TIẾN
(Chỉ trừ các chữ “vút, thiên tài” trong vế trước và chữ “nghệ sĩ” trong vế sau,
tất cả các chữ khác đều từ tên các tác phẩm của nhạc sĩ Cung Tiến).
Nguyệt Cầm Hoài Cảm Hương Xưa
VÚT VÚT Tung Cánh Hạc THIÊN TÀI
Đêm Hoa Đăng Yêu Em Mắt Biếc,
Tấu Khúc Chim Bay Hoa Nở
Vang Vang Trời Vào Xuân NGHỆ SĨ
Chiều Nắng Hanh Qua Xóm Thu Vàng.
– Trần Huy Bích
oOo
Hữu thân yêu,
Đã bàng hoàng, lặng người, nuốt lệ khi được báo tin buồn, người thân thiết của chúng ta đã rời cõi tạm.
Xa xôi quá, chỉ biết cầu nguyện cho bạn bằng nén tâm hương.
Muốn được ở bên Hữu lúc này. Muốn khóc cùng Hữu. Muốn ôm Hữu thật chặt. Mới đọc lá thư của Hữu:
“Hai bạn Từ Nhã, Cung Tiến và Hữu đây. Lâu nay lặng tiếng không phải là không nhớ thương. Nhớ thương rất nhiều mà cũng quan tâm triền miên…”
Chúng ta không bao giờ mất nhau. Cung Tiến của chúng ta chỉ rời bỏ cõi tạm để đến một cõi an lạc, tốt lành. Và dù đi trước hay đi sau thì tình bạn của chúng ta cũng vĩnh cữu.
– Nhã Ca
oOo
oOo
Ai cũng biết Cung Tiến là một bậc tài hoa.Ông tài hoa khi là nhạc sĩ, văn thi sĩ, dịch giả, kinh tế gia.
Nhưng trên hết Bố Cung Tiến là người chồng, người cha, người bạn tri kỷ và nhân ái –
người thân yêu mãi hoài của chúng con.
“Chúng con” ở đây là Tuệ, con trai Thanh Tâm Tuyền, là Hiệt, là Giao, con trai, con gái Tô Thùy Yên, là Hòa Bình, con gái Trần Dạ Từ-Nhã Ca... những đứa con của bạn bè, cũng là con cái của Bác, cũng được Bác thương yêu, chăm lo, nuôi dạy những ngày chúng con mới sang Mỹ.
Mấy hôm nay anh chị em chúng con thương nhớ Bác, gọi nhau kể lại những kỷ niệm của những ngày ở Roseville, MN, trong căn nhà có “bao nhiêu là hương” và rất nhiều tiếng cười, ôn lại với nhau những câu chuyện những ngày đi xe Bus đi học, Hai Bác lái xe theo sau đưa chúng con đến trường sợ chúng con đi lạc.
Hẳn nhiên, Bác ra đi để lại một di sản âm nhạc và văn học nghệ thuật quý giá cho đời, nhưng một điều mà chúng con biết Bác hài lòng để lại là những đứa con của mình-của bạn bè "yên vui cuộc sống vui", những đứa con luôn thương yêu, quý trọng và biết ơn những năm tháng dưới mái nhà "của Hai Bác."
– Con gái Hòa Bình
oOo
Không phải hoàn toàn bất ngờ nhưng tin Nhạc Sĩ Cung Tiến đã thật sự rời xa những nốt nhạc, những âm đàn cùng những nghiên cứu âm nhạc rất giá trị của ông để đi về nơi xa xăm, đã làm cho tất cả những người yêu dòng nhạc nhẹ nhàng, lãng mạn, êm ái... phải bàng hoàng, hụt hẫng, tiếc thương!
Vô cùng biết ơn ông đã cho kẻ hậu bối chúng tôi được tiếp cận những dòng nhạc có âm hưởng sang trọng, vừa cổ điển vừa tân kỳ thật quyến rũ từ khi chúng tôi còn thơ trẻ. Ông đã dọn cho chúng tôi con đường đến với Âm nhạc thật êm ả, rộng mở với những âm hưởng Đông Tây pha trộn thật quyến rũ, độc đáo! (Đồng nghĩa đã dạy cho chúng tôi một phong cách luôn tỉnh thức sống chân thật đẹp đẽ nhất có thể giữa cuộc đời nhiễu nhương này).
Và xin cảm ơn ông cái duyên bất ngờ khi tôi hát bản “Thu Vàng” ở trường Nữ Trung Học Quảng Tín, bạn bè đã cho tôi được mang tên “Thu Vàng” thơ mộng khi tôi hát bản nhạc của ông. Cái tên đã song hành cùng tôi từ bấy đến nay. Tôi rất yêu cái tên thơ mộng này!
Xin đưa tiễn ông với rất nhiều tiếc thương, quý mến và hàm ân!
Cung kính tiễn biệt!
– Thu Vàng
oOo

Hình trái: Cung Tiến và Tô Thùy Yên.
Hình phải: Vợ chồng Cung Tiến-Josée, chị Hai của Josée, Bà Tô Thùy Yên và Hiệt Đinh.
Minnesota 1995. Hình từ album gia đình Tô Thùy Yên.
BÁC…
Và rồi, chúng tôi sẽ không bao giờ được gặp lại Bác nữa.
Với chúng tôi, những đứa con của những người bạn của Bác, Bác là sự ngưỡng mộ, là niềm tự hào và là kỷ niệm.
Những ngày đầu đặt chân đến vùng đất Minnesota, chúng tôi về ở chung với gia đình Bác. Căn nhà thật thơ mộng với thật nhiều tranh của Ngọc Dũng, Đinh Cường, Nguyễn Trung, Thái Tuấn, Duy Thanh… ở vùng ngoại ô Saint Paul. Căn nhà có cây piano ở tầng hầm, nhìn ra khu vườn phía sau phủ toàn lá vàng của những ngày cuối thu vùng Midwest.
Tôi cứ nhớ hoài một ngày Tết Tây năm ấy, và vài năm sau nữa. Hôm đó, sau khi ăn tối ở tầng trên, Bác bảo chúng tôi tụ tập ở tầng hầm, còn Bác thì chậm rãi đốt lửa lò sưởi… Bác ngồi xuống cây piano, nhìn thật xa vắng, ly rượu vang trong tay hướng ra khu vườn ngoài kia tối mịt. Giọng bác trầm ấm và chậm rãi, Bác nhắc về những người bạn còn và mất của Bác, những người bạn “chung” của tất cả gia đình chúng ta. Bác nhắc về bác Phạm Đình Chương, Bác đọc vài câu thơ của bác Mai Thảo, của Quang Dũng… rồi lại chơi một vài khúc nhạc của Phạm Đình Chương và nhiều nhiều người khác nữa. Cứ thế, chúng tôi trải qua những giờ phút cuối cùng của năm cũ và những giây phút đầu tiên của năm mới trong cái không gian đó. Bác là Cung Tiến. Là Hoài Cảm. Là Hương Xưa. Là Nguyệt Cầm. Là Hoàng Hạc Lâu. Là Vang Vang Trời Vào Xuân…
Nhớ Bác, nhớ bác Tâm, nhớ Ba, nhớ Minnesota, nhớ tất cả những người thân đã mất, nhớ tất cả những điều tốt đẹp nhất của những ngày tháng cũ.
Tiễn biệt Bác Cung Tiến.
– Hiệt Đinh
oOo
CT
tàn. một mùa hè
chỉ còn xác. ve
nụ hôn. ngã vào. quá khứ
mùa thu. trang điểm vàng. khô
ngôn ngữ. ẩn mật
lặng. câm
...........
về thành phố. vùng bắc mỹ
dậy mùi cũ. kỹ
với mùa tuyết. dài vô tận
thành phố đông. cứng. vào tháng giêng
ngủ vùi cùng. kỷ niệm
có ct. đã đi qua. mùa thu
không còn. xào xạc lá. vàng
những người cũ. năm xưa
nào vkk. nào mt. nào nd. nào ttt. nào tty
nào bạn. nào bè
và cả. những nốt nhạc. ngày lâu lắm
nay nơi. đâu
..........
có lá rơi đầy không thứ tự họ vẫn còn
có vàng ươm đẫy những mùa thu
có đôi chân cũ xào xạc cũ
nhốt tiếng dương cầm trong ngón tay
…
-- Tuệ, như một nén hương đến Bố nuôi
oOo
Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh... (*)
Ai hoài một rung cảm và chết lịm trong từng cơn mơ? Mơ hồ nhung nhớ bần bật lấn vào hồn, có ai về lối xưa? Tôi lớn lên trong thanh khí hoài cảm, những đêm trăng trước hiên nhà nghêu ngao hát. Lúc ấy tôi chỉ có người trong mơ mòng, người chưa bao giờ hiện thực. Quen lắm mà chưa hề nắm được tay. Người cứ đến và đi nhiều lần như thế trên từng cơn mơ. Lần hồi bóng mơ ấy trở thành cố nhân. Hiện tiền là dư âm phố cũ. Đông đến giữa hè và xuân là màn sương thu. Tôi đứng giữa đời nhớ xa xôi về một kiếp. Còn đâu? Bóng râm trưa hè và sáo diều vi vu thổi suốt những buổi trưa. Có thật chăng, thanh bình như bóng trưa đơn sơ? (*) Chúng tôi chưa hưởng được thanh bình khi mới lớn và tuổi đời lưu vong phải chăng là những chặng nhớ về một tiếng đàn rất mơ hồ, về nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi...(*) Ở nơi đó. Quê Hương.
Tiêu biểu hai bài nhạc Cung Tiến, Hoài Cảm và Hương Xưa, làm nên lãng mạn của một thế hệ. Ông đã tặng cho chúng tôi một Ước Mơ, cho dù là một ước mơ len lén hay dữ dội cuồng điên. Xin cám ơn và tri ân người Nhạc Sĩ. Bây giờ ông đã đi về chốn ấy, nhưng âm vọng từ những tình khúc Cung Tiến mãi hoài vang vang...
Nắng ơi đừng vắng!
Gió ơi đừng lắng!
Ái ân đừng . . .
Ái ân đừng xa vắng trần gian! (*)
Vô vàn thương tiếc người nhạc sĩ tài hoa!
– Vũ Hoàng Thư
(*) Nhạc Cung Tiến
oOo
MỘT LINH HỒN TRONG SUỐT ĐANG BAY
(Tưởng nhớ Cố Nhạc Sĩ Cung Tiến)
Chim vẫn hót. Thềm vẫn vang bước nắng
Tôi ngồi nghe lá gió xôn xao
Ngày đi qua báo tin xuân bằn bặt
Người đi qua. Bóng ngân thinh lặng
Nhịp thời gian. Rơi động lá khô
Giật mình hương xưa. Mùa thu vắng
Người đi qua. Mùa xuân rưng rức ở
Lệ đá nào để dấu xanh ghi
Bước tài hoa đau lòng thiên cổ
Người đi qua. Cõi bụi hồng tư lự
Kia nghìn thu rớt lại một âm xưa
Vàng phổ độ bao trời lữ thứ
Người đi qua. Đàn gây lên cung nhớ
Đêm dài đâu. Để giấc hay mơ
Theo người về hát đời huyễn mộng
Thương bóng đa hẹn hò. Khóc nắng
Thương mùa thu vàng bao nhiêu là hương
Theo người đi. Dặm trường mây trắng
– Nguyễn Thị Khánh Minh
Upland, 6.7.2022
* Linh hồn trong suốt: chữ của nhà văn Khuất Đẩu
* Chữ nghiêng: ca từ của cố Nhạc Sĩ Cung Tiến
oOo
Hương xưa. Vàng
Trăng cũ
Khúc hát bay theo người
Lệ nào xanh như đá
Đêm tàn.
Vương hương rơi
Tiếng đàn đêm nguyệt tận
Xa tắp.
Cuối chân trời
Thoáng như ngàn tiếng gọi
Tiếc nuối một đời vui
Trăng không mơ màng sáng.
Trăng đỏ. Như
máu tươi.
oOo

Hình chụp năm 2017 tại tư gia BS Hà Quốc Thái trong buổi tiệc
của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALAkỷ niệm 25 năm thành lập.
Từ trái: Bích Liên, Cung Tiến, Ysa, Josee Hữu, Hòa Bình.
GIỌT NƯỚC HÂN HOAN
Biết tin từ tuần trước, mà đến khi gia đình bác Cung Tiến chính thức loan cáo phó tôi mới cảm thấy mình đã chạm vào một sự thật buồn bã. Giữa những thời khắc bận rộn của một cuối tuần đầy ắp các sinh hoạt nghệ thuật, tôi thấy đâu đó trong tâm trí lẩn khuất một dấu lặng buồn. Sáng thứ Bảy tôi post bài Mắt Biếc, và lúc đó trong đầu chỉ nghĩ đến bác Josée và những ngày tháng không còn bác Cung Tiến bên cạnh.
– Lê Đình Y-Sa
oOo

"Đầu thập niên 1990, tôi có diễm phúc được làm việc với nhạc sĩ Cung Tiến và từ đó dần trở nên một người bạn thân với gia đình ông. Trước đó, tôi nghe người ta đồn là nhạc sĩ Cung Tiến ‘khó tính” lắm! Nhưng qua những lần làm việc với ông, tôi thấy ông bị oan. Ông thực ra là một người rất nhỏ nhẹ, trí thức và uyên bác mà khiêm tốn. Ông chỉ có tiêu chuẩn cao cho nhạc của ông và ông mong muốn nhạc của ông được trình bày với những tiêu chuẩn đó. Tôi đã có cơ hội học hỏi thêm về những tiêu chuẩn này của ông."
Có người cũng phàn nàn với tôi là Cung Tiến chối bỏ những bài hát ông làm lúc ban đầu như Thu Vàng, Hoài Cảm hay Hương Xưa là những bản nhạc được nhiều người biết đến và yêu quý nhất. Thật ra ông không hề chối bỏ chúng. Nhưng đối với ông, những bản nhạc đó là những bước đầu trong sự trưởng thành về âm nhạc của ông, và ông có buồn khi nhiều người cho rằng đó là tiêu biểu cho sự nghiệp âm nhạc của ông. Qua những lần trò chuyện với ông, tôi biết là ông mong muốn những tác phẩm sau này của ông được giới thưởng ngoạn biết tới hơn. Tôi thông cảm với ông nhiều vì khi mình có cái gì tốt đẹp muốn chia sẻ với mọi người mà người ta chỉ thích cái ít đẹp hơn thì ai mà chẳng buồn. Có điều, sự hiểu biết về nhạc và trình độ thẩm âm của ông quá cao so với đa số quần chúng, do đó nhạc của ông thường bị coi là quá bác học và khó thưởng thức. Thôi thì vài mươi năm hay vài trăm năm nữa sẽ có nhiều người tri âm Cung Tiến hơn!
Ông đã ra đi êm ái như một vết chim bay. Cầu mong ông được yên nghỉ.
– Bích Liên
oOo
Nhạc sĩ Cung Tiến đã đi vào miền miên viễn nhưng những ca khúc rất đẹp, sang trọng và tuyệt vời của Ông sẽ mãi mãi còn ở lại trong tâm hồn chúng ta. Làm sao có thể quên “Lòng cuồng điên vì nhớ...” (Hoài Cảm), “Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa...” (Hương Xưa), “Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta...” (Nguyệt Cầm) mà thời thiếu nữ tôi đã từng mê đắm? Nhưng nay thì “Còn đâu mùa cũ êm vui / Nhớ thương biết bao giờ nguôi?”
Xin Ông hãy yên nghỉ nơi Cõi Lành và Đẹp như Ông đã từng làm cho cuộc đời này thăng hoa với những sáng tác bất hủ của Ông. Và cũng xin trân trọng gửi đến Ông lòng biết ơn thật sâu sắc của chúng tôi.
– Trần Thị Nguyệt Mai
oOo
Đối với tôi, nhạc sĩ Cung Tiến luôn luôn là một mẫu mực nghệ thuật cho tôi noi gương theo: Nghệ thuật là con đường xuyên vũ trụ, không bao giờ đến đích và không có thành công hay thất bại. Ông quả là một nhân tài hiếm có của đất nước Việt Nam và chúng ta có quyền hãnh diện về ông. Hôm nay chúng ta tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, lòng không khỏi bùi ngùi, xao động vì vừa mất một ngôi sao sáng trên vòm trời nghệ thuật, nhưng cùng lúc chúng ta cũng biết là những sáng tạo của ông mãi mãi, bây giờ và mai sau, là những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
– Trịnh Y Thư
Phan Tấn Hải
Tôi tập làm thơ từ những ngày mới lớn
trong những khuôn nhạc anh mang tới cho đời
trong những buổi chiều rực rỡ thu vàng
trong những khung trời thơm ngát hương xưa
trong những đệm khuya mùa trăng úa
trong những trận mưa nhạc của anh suốt một thời tuổi nhỏ.
.
Anh đã hiện ra như mặt trời
đã đưa những trận mưa nhạc hạnh phúc tới thế gian
vì cõi này là Khổ Đế, anh viết nhạc để mang tới bình an
vì cõi này vô thường, anh viết nhạc để chỉ vào bất tử
vì cõi này đầy những hung hăng, anh viết nhạc để tịch lặng lòng người
vì cõi này đầy những ngã mạn, anh viết nhạc để mang tới khiêm cung từ ái
vì cõi này đầy những xấu xa bất tịnh, anh viết nhạc để làm đẹp miên viễn mùa xuân.
.
Tôi đã học từ nhạc của anh để ghi xuống dòng thơ của mình
có phải chữ này mang tới bình an, để giúp người lìa xa Khổ Đế
có phải chữ này chỉ vào bất tử, để giúp người thuận pháp vô thường
có phải chữ này làm tâm tịch lặng, để giúp người lìa cõi hung hăng
có phải chữ này khiêm cung từ ái, để giúp người nhận ra vô ngã, lìa xa ngã mạn
có phải chữ này làm đẹp miên viễn mùa xuân, để cúng dường vô lượng cõi Phật.
.
Anh đã sống một đời lặng lẽ, trong khi nhạc anh hát khắp phương trời
anh đã ẩn dật những nơi rất vắng, trong khi nhạc anh trở thành dưỡng khí cho đời
anh đã sống như không từ đâu và đã sống như không về đâu
anh đã sống như không thấy gì là ta với người
anh đã sống như một tảng mây bay, không vương chút gì nơi cõi này
.
rồi nhạc của anh đã trở thành mưa hòa gió thuận
để dập tắt những trận lửa trùng vây ba cõi
để làm cõi này rừng núi xanh hơn
để phụng hiến cho người vô lượng niềm vui
để dạy cho người biết lắng nghe bên kia bờ
.
để dạy lắng nghe bên kia bờ
để dạy lắng nghe
bên kia tiếng nhạc
khi anh buông tay đàn
mỉm cười, nằm xuống, ngủ yên.
(Để chia buồn với bạn Cung Nhật Thành và tang quyến.)
oOo
Lối mòn ngũ cung, lá tre reo
Chinh Phụ Ngâm, tổ khúc, Cung Tiến soạn cho dàn nhạc giao hưởng,