Hôm nay,  

Gia Đình Mùa Lễ Tạ Ơn: Một Người Tử Tế...

29/11/201900:00:00(Xem: 3867)

Vậy là tôi đã sống ở Mỹ mười năm, kể từ mùa Thanksgiving bão tuyết 2009. Tôi vẫn không quên cô chiêu đãi viên hàng không hãng American Airlines, người Mỹ tử tế đầu tiên tôi gặp trong chuyến du lịch từ Mỹ quốc sang Anh quốc, đã để lại một hình ảnh đẹp của người Mỹ.

Mùa hè năm 2007, tôi qua Mỹ thăm con gái sắp sinh em bé đầu lòng, đồng thời qua Anh dự lễ tốt nghiệp Đại Học của con trai. Hãng British Airways bay thẳng từ Dulles-Washington DC sang Heathrow-London không gặp sự trở ngại nào. Nhưng chuyến bay về lại Mỹ không thuận buồm xuôi gió vì một trận bão lụt ở Luân Đôn xảy ra đúng ngày tôi trở về. Tôi đã trải qua một đêm lạnh tê tái ở phi trường Heathrow, dù con trai đã cẩn thận đưa thêm cho tôi cái túi ngủ.

Lẽ ra chuyến bay của tôi từ Heathrow đến Dulles khởi hành 9 giờ sáng, nhưng thời tiết mưa bão nên tất cả các chuyến bay đều bị “delay” không biết đến lúc nào. Trước những quầy “check in” đông kín người hỏi thông tin. Loa thông báo các chuyến bay cứ vang lên trong không gian ồn ào, hối hả. Tôi cũng là một trong số người đang lo lắng đó!

Đến 4 giờ chiều, mưa bắt đầu ngừng rơi. Trên bảng thông báo đã hiện lên vài thông tin của vài chuyến bay, khởi hành đúng lúc trời hết mưa. Có nghĩa là các chuyến bay từ 5 giờ chiều trở đi lại được check in trước. Các chuyến bay buổi sáng, như chuyến bay của tôi  phải đợi để sắp xếp thêm chuyến bay phụ. Lúc này phòng check in bắt đầu nhốn nháo “mất trật tự”. Khách bay chuyến buổi sáng kéo hành lý tới lui, áo quần ướt sũng khiến cả một dãy phòng đợi rộng thênh thang trở nên chật chội. Khổ nhất là những người đem theo nhiều hành lý gửi (check bags). Loa phát thanh dành ưu tiên cho những chuyến bay sắp khởi hành. Còn những chuyến bay bị “delay” thì có nhân viên ra đứng phía ngoài để dàn xếp. Họ cố gắng nói to nhất để mọi người có thể nghe rõ chuyến bay nào của mình sẽ đi. Tôi hoang mang vì vóc dáng mình nhỏ con, lại đứng phía sau nên không nghe được gì! Hành khách bắt đầu kéo hành lý theo lối đi của người hướng dẫn. Khi người thưa dần, tôi mới chen đến gần cô hướng dẫn hỏi thăm. Thì ra chuyến bay về phi trường Dulles đã hết! Cô ta nói tôi sẽ đi chuyến bay hãng American Airlines đến New York, rồi chuyển tiếp về Washington DC. Lúc đó London đã 7 giờ tối, nhưng bầu trời mùa hè sau cơn mưa vẫn trong sáng.

Theo sự chỉ dẫn, tôi kéo va-li (carry on) ra ngoài cổng. Còn đang ngơ ngác, tôi trông thấy một cô chiêu đãi viên hàng không trong đồng phục American Airlines vừa ra cửa. Mừng quýnh, tôi vội đi nhanh đến và hỏi đường đến cổng “Departure” của tôi. Cô ấy chỉ hướng đi và lên chiếc taxi chở nhân viên hàng không vừa ngừng lại. Tôi cám ơn, nhìn đồng hồ và bước như chạy. Đột nhiên cô gái xuống xe, gọi tôi lên ngồi cùng với cô.

- Tôi cũng đi trên chuyến bay đó. Bà đi bộ đến “terminal” có thể sẽ trễ chuyến bay mất.

Cô gái nhẹ nhàng nói và cười trấn an tôi. Tôi xúc động, chỉ biết mỉm cười và cám ơn. 

“Trời đãi kẻ khù khờ”. Tôi chắc chắn sẽ lại trễ chuyến bay nếu không được “quý nhân phù hộ”.

Chưa hết! Khi qua cửa Hải Quan, va-li của tôi bị xáo tung vì đi Anh chơi 3 tuần nên đồ đạc tôi đem theo hơi nhiều. Cô chiêu đãi viên đã xong phần kiểm soát hành lý, nhưng vẫn kiên nhẫn đứng bên ngoài đợi tôi sắp xếp va-li xong mới đi theo. Tôi rất cảm kích lòng tốt của cô gái, và sẽ rất ân hận nếu vì tôi mà cô ấy bị trễ chuyến bay.

Khi đã ngồi trên phi cơ, tôi bình tĩnh lại và nói chuyện với cô chiêu đãi viên. Cô ấy đang bay về nhà ở New York, như một hành khách bình thường. Cô ngồi ghế phía cửa sổ bên kia, cùng dãy với tôi. Lúc này ngồi đâu cũng được vì đây là chuyến bay cuối, không có nhiều hành khách. Nghe tôi kể lại cuộc hành trình, cô gái tỏ vẻ ái ngại. Sau đó cô đi lấy nước uống, và đem cho tôi một chai. Nhìn cô có vẻ mệt mỏi nên tôi không nói chuyện nữa. Cô gái trẻ khoảng dưới 30 tuổi, dáng mảnh mai, gương mặt trắng hồng thanh tú. Tôi biết nghề chiêu đãi viên hàng không đòi hỏi tính nhã nhặn, lịch sự với hành khách. Nhưng cô gái ân nhân của tôi, có lẽ là người tốt nhất. Cô ấy đã xong nhiệm vụ trên những chuyến bay dài qua bao nhiêu nước, lại tự nguyện nhận thêm trách nhiệm giúp đỡ một người không quen biết, mà thái độ vẫn một mực lễ phép, ân cần.

Đến phi trường Kennedy-New York, cô gái không đi hướng cửa ra mà tiếp tục dẫn tôi đến cửa “connection fly” để lên chuyến bay về lại Washington DC, xuống phi trường Regan (DCA), thay vì Dulles (IAD). Trước khi tạm biệt, cô ấy dặn tôi gọi điện thoại cho con gái biết đổi giờ và địa điểm phi cơ hạ cánh để đến đón.

- Rất tiếc không đưa bà về DC được vì nhà tôi ở New York. Chúc bà sớm về nhà bình an.

Cô gái thật dễ thương và tốt bụng biết chừng nào!

Lẽ ra tôi đã phải viết thư gửi American Airlines cám ơn cô nhân viên của hãng. Nhưng ba ngày sau khi về Mỹ, con gái tôi sinh em bé đầu lòng. Bận rộn với niềm vui làm bà ngoại, rồi trở lại Việt Nam tiếp tục làm việc tôi quên bẵng “chuyến bay lịch sử” đó. Tuy nhiên cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn nhớ và biết chắc một điều, cô chiêu đãi viên hàng không tôi đã gặp ngày 19 tháng 7 năm 2007 từ Heathrow - London đến Kennedy - New York là điển hình của mẫu người tử tế ở chung quanh chúng ta, giúp cho cuộc sống thêm tươi đẹp và có ý nghĩa.

 

Hồ Thị Kim Trâm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.