Hôm nay,  

Scitex Vn Hồn Chỉnh Nhu Liệu Đặc Biệt Cho Người Khiếm Thị

13/06/199900:00:00(Xem: 6048)
Sau một thời gian nghiên cứu, công ty SCITEC đã hoàn thành phần mềm xử lý văn bản đặc biệt dành cho người khiếm thị mang tên Nguyễn Đình Chiểu (NĐC). Sau đây là bài viết của Đồng đức Thành, trích từ báo trong nước, viết về nhu liệu kể trên.
Sử dụng NĐC để soạn thảo văn bản và gửi thư điện tử sẽ tiết kiệm được 6 đến 7.000 USD so với mua thiết bị chuyên dùng của nước ngoài. Thành công của đề tài đã giúp cho người khiếm thị có điều kiện học tập, sáng tác, trao đổi qua mạng máy tính, qua đó hòa nhập với cộng đồng.
Việt Nam có hơn 600,000 người khiếm thị với 48% trong độ tuổi lao động. Với họ, đêm tối kéo dài cả một đời. Những cố gắng của cả xã hội bấy lâu nhằm tạo cho người mù khả năng học tập hội nhập với cộng đồng, với cuộc sống, là những kết quả từ sự bền bỉ và ngày dần được nâng cao tốc độ cũng như hiệu quả.
“Từ lâu, tôi và anh chị em ở SCITEC hằng mong ước thực hiện một đề tài nghiên cứu việc ứng dụng tin học cho người khiếm thị”, tiến sĩ Trần Hà Nam - Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ Khoa học kỹ thuật (SCITEC) đã tâm sự với chúng tôi trong một lần làm việc.
Được Sở Khoa học Công nghệ Môi trường thành phố hỗ trợ, công ty đã chọn đề tài xử lý văn bản dành cho người khiếm thị. Sau một thời gian nghiên cứu phần mềm xử lý văn bản đặc biệt dành cho người khiếm thị đã được ra đời và mang tên NĐC (Nguyễn Đình Chiểu). Đây là một công cụ căn bản để người mù có điều kiện tự học, làm việc, sáng tác, trao đổi... NĐC có các tính năng cụ thể là nạp, tạo, sửa, lưu, xóa, sao chép, in và cả E-mailing (gửi và nhận thư điện tử). Đối tượng đầu tiên được nhận món quà quý giá NĐC là các em ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
“Thật hạnh phúc, chúng em xin chân thành cảm ơn các thầy cô ở Công ty SCITEC, càng học NĐC em càng cảm thấy thích thú” - em Lan Thanh đã thốt lên với thầy, cô và các tác giả NĐC.
Từ nay, những tiếng lách cách giòn giã của các em gõ máy vi tính sẽ cho ra những văn bản bằng chữ sáng! Không còn là chữ Braille. Cũng không phải là chữ Việt - Baraille. Trước đây, Trường Nguyễn Đình Chiểu đã được trang bị một số dàn máy vi tính, dùng để soạn giáo trình và phục vụ cho công việc quản lý. Vừa qua, trường cũng đã được tặng một phần mềm soạn thảo chữ Braille tiếng Việt - một phương tiện giúp thông dịch cho các em tiếp thu văn hóa và giao lưu với đời. Với phần mềm này, nhà trường phải thực hiện bước chuyển toàn bộ chương trình học tập, từ sách giáo khoa bình thường sang tài liệu đặc biệt, cho các em học - sinh - đặc - biệt của mình, và các em làm ngược lại trước khi chuyển đến các thầy, cô chấm bài.

Với NĐC, các em sẽ làm quen với bàn phím, và cách gõ đánh một phím theo kiểu gõ chữ sáng tiếng Việt, tương tác với máy qua “chuột” (mouse). NĐC sẽ lập lại từ mới “viết”, hướng dẫn, nhắc nhở, kiểm tra chính tả bằng tiếng nói. Phần mềm này cũng giúp các em tự “đọc” được các văn bản viết bằng chữ sáng tiếng Việt đã lưu thành tập tin, soạn thảo các văn bản... Song song với NĐC là một giáo trình dạy tin học cơ bản.
Không dừng lại ở đây, để hoàn chỉnh cho NĐC, bảo đảm sản phẩm phục vụ ngày càng tốt hơn, các tác giả đã tổ chức thu thập các ý kiến đóng góp của những người khiếm thị. Trong thư gởi SCITEC, ông Đinh Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hải Dương, đã cho biết: “Bản thân tôi đã nghiên cứu sử dụng phần mềm NĐC và hướng dẫn cho một người mù cách sử dụng phần mềm này. Phiên bản NĐC 2.0 đã có nhiều ưu điểm như: đọc dấu thanh ở phần chữ sáng, đã có bảng (menu) lệnh. Người mù sử dụng NĐC để soạn thảo văn bản và gởi Email sẽ tiết kiệm được ít nhất từ 6.000 đến 7.000 USD, so với phải mua thiết bị chuyên dùng của nước ngoài...”, còn em Thùy Trang ở Trường Nguyễn Đình Chiểu thì: “Cho em được thực hành nhiều hơn nữa để chúng em được sử dụng thành thục hơn...”
Sau hơn 6 tháng NĐC “hoạt động”, sáng 25-5, chị Trần Minh Phượng - Phó Giám đốc SCITEC - đã cười thật tươi khi gặp tôi: “Công ty có rất nhiều việc, nhưng vẫn ưu tiên tập trung cho NĐC. NĐC đã giúp các em “thấy” được con trỏ bằng cách thông báo vị trí con trỏ hiện đang ở dòng mấy, cột mấy, ở từ nào... trên văn bản.
Thêm nữa, giờ đây khi sử dụng chế độ zoom - phóng to gấp nhiều lần trên màn hình một từ, các em bị thiểu - năng - thị - giác có thể nhìn, kiểm tra được nét chữ của mình...”
Vâng, nhà trường đã bớt hẳn được khâu “dịch” chuyển bài vở. Và nhất là các học sinh sẽ sáng dần. Việc người khiếm thị có thể trở thành những tiến sĩ, các thảo chương viên tin học, như ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì chúng ta vẫn có quyền ước mơ. Trước mắt, nghề đánh máy văn bản, giúp các em có cơ hội mưu sinh và góp phần phục vụ xã hội thì có thể không quá lời khi nói coi như cầm chắc trong tay các em học sinh yêu thích NĐC. Còn với đông đảo anh chị em khiếm thị, một máy vi tính PC 486 DX4, có card âm thanh, loa và ổ đọc CD ROM, cài đặt môi trường Windows 95, cộng với NĐC, là phương tiện tạo cơ hội đổi đời - có thể song hành cùng cộng đồng trên mạng vi tính viễn thông.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.