Hôm nay,  

2 Báo Cáo Viên Lhq Tố Cáo Csvn Tra Tấn, Bắt Trái Phép

27/04/199900:00:00(Xem: 14769)
LHQ xét 2 nghị quyết trái nghịch về nhân quyền tại VN
Bản kiến nghị do 46 hội đoàn phi chính phủ đòi CSVN thả tù lương tâm, cho tự do tôn giáo

GENEVA (Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người) — Tại khóa họp thường niên của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), hai báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và bắt bớ trái phép đã tố cáo nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Theo nguồn tin từ Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam (trụ sở tại Paris), thì tại khóa họp ở Geneva, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tra tấn, về các hình phạt đối xử tàn bạo, ông Miguel Rodley cho biết là vào tháng 9-1998 ông đã can thiệp với chính phủ cộng sản Hà Nội về trường hợp của Thượng Tọa Thích Nhật Ban. Trước khi được trả tự do vào tháng 10-1998, Thượng Tọa Thích Nhật Ban đã bị biệt giam, sức khỏe suy yếu trầm trọng, nhưng không được chăm sóc thuốc men. Ông Rodley cho biết ông cũng đã can thiệp cho những tù nhân khác trong một văn thư gửi chính phủ cộng sản Hà Nội vào tháng 11-1998.
Cũng theo ủy ban trên đây, tại khóa họp ở Geneva, báo cáo viên đặc biệt về tổ hành động chống bắt bớ trái phép đã nêu lên trường hợp hai thượng tọa Thích Không Tánh và Thích Nhật Ban bị kết án 5 và 4 năm tù vì hai vị này chỉ thực hiện các quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
Danh sách các tù nhân được ông Miguel Rodley bênh vực trong một văn thư khác, ký ngày 23 tháng 11 năm ngoái, là những tù nhân bị ngược đãi, đau yếu không thuốc men, đang ở trong tình trạng thập tử nhất sinh: ông Trần Văn Lương, cựu Dân biểu Việt Nam Cộng hòa; tu sĩ công giáo Mai Đức Chương, thuộc Dòng Đồng Công Thủ Đức; ông Trần Nam Phương, Phật tử; ông Phan Văn Bàn, cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hoà; ông Nguyễn Văn Bảo, nhà giáo; ông Y Blot, dân tộc ít người; ông Đỗ Hườn, người Mỹ gốc Việt; ông Lê Văn Sơn, tín đồ Hoà Hảo; ông Nguyễn Trưởng, nông dân; và ông Vũ Đình Thuỵ, cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hoà. Tất cả những người này hiện bị giam giữ ở trại T5 tỉnh Thanh Hoá. Ngoài ra, ông Rodley cũng nêu lên trường hợp khẩn của Thượng toạ Thích Thiện Minh, thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị hai án chung thân năm 1979 rồi năm 1986, hiện bị giam ở trại Xuân Lộc, sức khoẻ suy yếu; và Thượng toạ Thích Huệ Đăng bị kết án 20 năm tù vì viết bản tham luận Nhân bản Phật giáo để gọi kêu cải cách dân chủ, nay đang lâm bệnh tiểu đường nặng. Cả hai vị tăng sĩ này không được chăm sóc thuốc men.

2 DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT NGHỊCH NHAU
Ngày 30 tháng 4 sắp đến, khoá họp lần thứ 55 của Uỷ ban Nhân quyền LHQ tại Genève sẽ kết thúc. Những ngày cuối cùng này dành cho việc thảo luận và chuẩn y các nghị quyết. Do sự kiện ông Abdelfattah Amor, Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm về Bất bao dung tôn giáo, bị nhà cầm quyền Hà Nội ngăn cản, không cho ông tự do đi lại và tiếp xúc để hoàn thành cuộc điều tra về đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, nên một số quốc gia đã dự thảo Nghị quyết lên án nhà cầm quyền Việt Nam không thi hành các quy ước của LHQ để cộng tác với Báo cáo viên Đặc nhiệm trong việc điều tra và bảo vệ nhân quyền.


Trong khi ấy, một số nước cộng sản do Cuba cầm đầu lại vận động cho một Nghị quyết trái ngược, nhằm tố cáo bản Phúc trình của ô0ng Amor là thiên vị và thiếu khách quan. Lý do đưa ra là ông Amor đã liên hệ quá nhiều với các tổ chức phi chính phủ và bị các tổ chức này ảnh hưởng.
Nghị quyết nào sẽ thắng" Nghị quyết tố cáo Hà Nội" Nghị quyết Cuba ủng hộ Hà Nội" Cuộc tranh luận và bỏ phiếu vài ngày tới sẽ cho thấy kết quả.

KIẾN NGHỊ CỦA 46 PHÁI ĐOÀN PHI CHÍNH PHỦ
Hai phái đoàn quốc gia, Hoa Kỳ và Ireland, lên tiếng tố cáo Hà Nội. Bà Alexandra Arriaga, người phát ngôn của Chính phủ Hoa Kỳ, phát biểu hôm 16 tháng 4, về Quyền con người thuộc các dân tộc, tôn giáo hay dân tộc ít người, nhắc đến Việt Nam sau khi nói0 lên các vi phạm tại Trung quốc, Tây Tạng, Sudan, Uzbekistan, Pakistan, Ấn độ, Nga... Bà nói: Ở Việt Nam, nhà cầm quyền tiếp tục hạn chế các sinh hoạt tôn giáo và gần đây không cho phép Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm về Bất bao dung tôn giáo đến gặp Hoà thượng Thích Huyền Quang, vị Đại lão lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đặc biệt hơn cả, là 46 phái đoàn phi chính phủ nổi danh đã ký chung bản kiến nghị hỗ trợ Phúc trình Amor, đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải thực thi các yêu sách mà Báo cáo viên Đặc nhiệm Amor đề ra. Rút gọn vào 4 điể :
Một, là giải hoá các cơ chế kìm kẹp nhân dân (ví dụ Ban Tôn giáo chính phủ, Công an khu vực, chế độ hộ khẩu khắt khe với giới tu sĩ) để bảo đảm quyền tự do tôn giáo;
Hai, là các luật pháp Việt Nam hiện hành đối với tôn giáo phải phù hợp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt xét lại điều 4 trên Hiến pháp quy định sự độc tôn chính trị của Đảng và chủ nghĩa Mác-Lênin, và bãi bỏ chiêu bài an ninh quốc gia nhằm đàn áp và loại trừ tự do ngôn luận, tư tưởng và tín ngưỡng;
Ba, là trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả tù nhân vì lương thức bị bắt giam bởi lý do biểu tỏ ôn hoà những đòi hỏi cho quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Đặc biệt trả tự do cho Hoà thượng Thích Huyền Quang;
Bốn, là bảo đảm mọi quyền công dân cho những tù nhân vừa được trả tự do hay ân xá; cấp cho họ hộ khẩu thường trú và tự do sinh hoạt tôn giáo bình thường. Đặc biệt là trường hợp của HT. Thích Quảng Độ.
46 tổ chức này cũng nhắc nhở rằng: Các quốc gia thành viên LHQ không những có bổn phận bảo vệ nhân quyền, mà còn phải công nhận rằng nhân quyền không được xem như chuyện nội bộ. Việt Nam không thể công cụ hoá các cơ cấu nhân quyền quốc tế để phục vụ cho sự tuyên truyền chế độ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.