Hôm nay,  

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 46)

13/03/200700:00:00(Xem: 2232)

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 46)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Toán bộ đội áp giải tôi tối hôm đó chỉ có 4 tên. Hai tên đi phía trước, hai tên đi phía sau. Đường đi từ uỷ ban phường sang đến nhà làng Phú Nhuận không đầy cây số nếu đi thẳng đường Võ Duy Nguy, nhưng toán bộ đội đã chọn con đường hẻm, đi tắt ra đường Võ Tánh, gần tiệm Phở Huỳnh, quẹo trái xuống ngã tư Phú Nhuận rồi quẹo phải khoảng 500 thước là tới. Trên đường đi, nhìn những cảnh vật quen thuộc, ngày ngày tôi vẫn dửng dưng đi qua, nhưng sao khuya hôm đó, tôi thấy tất cả thân quen, tha thiết như có tình người. Góc dưới là đường Trương Tấn Bửu, ở đó có một dãy quán nhậu nổi tiếng, bên cạnh trường Chánh Tâm là trường của người Hoa. Dọc bên kia đường Võ Tánh là Phở Quyền. Xế lên một chút ngay cạnh con hẻm nhỏ không tên, trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày nào cũng như ngày đó, luôn luôn có một chiếc xe sinh tố, người bán là một thiếu nữ người Miền Nam, tóc để đuôi gà, tuổi 16, 17, trông thật dễ thương, mà tôi đã trồng cây si suốt bao nhiêu tháng năm trong âm thầm và hạnh phúc... Ngay sau ngày cộng sản chiếm được Sàigòn, cùng với không biết bao nhiêu mất mát và khổ đau của Miền Nam, quán sinh tố đó cũng biến mất cùng với cô chủ... Nhưng mỗi lần có dịp đi qua đó, tôi vẫn bâng khuâng với nhân dáng cũ, khung cảnh xưa, hiện về trong tâm trí...
Trên đường bị áp giải, tôi đã nhiều lần muốn liều mình chạy trốn, nhưng lại không dám, vì đường phố quá vắng vẻ. Ở Miền Bắc, chạy trốn khi đường phố vắng vẻ, sẽ dễ thoát, vì nếu đường phố đông đúc, người chạy trốn dễ bị dân chúng chặn bắt giao cho công an. Trái lại, ở Miền Nam, một người chạy trốn khi đường phố đông đúc bao giờ cũng dễ thoát, vì dân chúng thường khéo léo tìm cách giúp đỡ. Trái lại, nếu chạy trốn khi đường phố vắng vẻ thì nguy hiểm vì người chạy trốn dễ bị ăn đạn. Hơn nữa, lúc đó, tay tôi không những bị còng, tôi còn bị trói giật cánh khuỷu về phía sau bằng một sợi dây dù, một đầu dây nằm trong tay tên bộ đội đi phía sau. Dù cho tôi có giật được sợi dây dù khỏi tay tên bộ đội, rồi chạy, tôi cũng khó thoát, vì bị trói phía sau, khi chạy, rất dễ bị mất thăng bằng.
Khoảng 20 phút sau, tôi bước vô nhà làng Phú Nhuận. Tên bộ đội cởi trói lấy lại sợi dây dù, mở khoá chiếc còng số 8, rồi đẩy tôi vô một căn phòng chật hẹp, mỗi bề khoảng 5 thước, trong đó đã có khoảng hai chục người bị giam giữ. Dưới ánh đèn điện vàng vọt, tôi thấy mọi người nằm, ngồi ngổn ngang ngay trên sàn. Tất cả đều thản nhiên, im lặng, như say ngủ. Không một ai ngó ngàng hay hỏi han gì tôi. Tôi thở dài mệt mỏi, chán nản, rồi ngồi ngay xuống cạnh chiếc cửa sắt, hai tay ôm gối, lo lắng không biết tương lai của mình sẽ đen tối đến thế nào.
Một người đàn ông đang nằm trên sàn nhà, ngay trước mặt tôi, bỗng nhỏm dậy, với chiếc điếu thuốc lào tự chế bằng ống nhôm. Ngay khi ông ngồi dậy, một người khác, nằm cạnh ông cũng vội thức dậy, móc gói thuốc lào kính cẩn đưa cho ông. Ông cầm gói thuốc lào, vừa vê vê cho vào nõ điếu, vừa nhìn tôi với ánh mắt có cái gì đó, rất khó hiểu. Ông trạc tuổi ngoài 40, cởi trần để lộ những bắp thịt cuồn cuộn, hai vai vuông vức và bộ ngực to như cánh phản, rất cân đối với chiếc đầu to, cổ bự và ngắn, mái tóc đen rậm, cứng như rễ tre và bộ râu quai nón xồm xoàn.
Ngay khi ông đưa chiếc điếu lên miệng, người đàn ông ngồi cạnh đã bật quẹt, dí lửa vào nõ điếu, nhịp nhàng và quen thuộc, như đã làm hàng trăm lần... Ông rít một hơi thuốc lào thật dài, thật sâu, khiến nõ điếu đỏ rực như cục than hồng, chiếc điếu kêu lên những tiếng kêu ròn rã, khoái trá, rồi ông buông chiếc điếu sang bên, ém khói, ngửa mặt lên trần nhà phun khói thuốc cuồn cuộn, làm căn phòng dưới ánh đèn vàng vọt trở nên lung linh mờ ảo như trong sương khói. Từ bé đến lớn, suốt mấy chục năm trời, tôi đã từng thấy không biết bao nhiêu người hút thuốc lào, nhưng chưa thấy người nào hút thuốc một cách điệu nghệ và tài hoa như ông. Cái phong thái ngồi vững như núi, cùng vóc dáng vai hùm lưng gấu và hai cánh tay dài như tay vượn, cộng với gương mặt cương nghị, bộ râu quai nón xồm xoàm, cử chỉ hút thuốc thật đĩnh đạc, hơi thuốc hút vô thật sâu, thật dồi dào gần như vô tận,... của ông khiến tôi, tuy đang trăm ngàn mối lo lắng, cũng phải say sưa ngắm nghía ông với tất cả sự ngưỡng mộ. Nhìn ông, tôi chợt nhớ đến truyện "Chữ Người Tử Tù" mà nhà văn Nguyễn Tuân đã phác hoạ, hình ảnh người tử tù Huấn Cao, oai hùng và ngang tàng, phóng tay viết đại tự trên tấm lụa trắng tinh, dưới ánh đuốc bập bùng, còn viên quản ngục thì vừa say sưa ngắm nghía, vừa khúm núm xuýt xoa.... Thì ra, lao tù, nơi muôn phần gian nan nguy hiểm, lại là chỗ rèn tâm luyện chí và là cơ hội để cho con người thể hiện cái hùng tài, đởm lược của mình trước kẻ thù...
Sau một lúc im lặng, nhìn tôi qua khói thuốc, ông hỏi nhỏ, giọng thân mật:
- Tao tên Hoàng. Còn chú mày tên gì"
Tôi nhìn ông rụt rè, rồi gọn lỏn:
- Thưa, tôi tên Chí.
- Chí hay Trí"
- Chí, "Chí ch".
- À, "chí chấy". Chú mày làm gì mà bị bắt vậy"
- Tôi cũng không biết.
Người đàn ông gật gù:
- Ừ, đổi đời mà chú mày. Thời thế này, tụi nó bắt người đâu cần có lý do... Nhưng thà làm cái gì rồi bị tụi nó bắt vẫn khoái hơn là bị bắt oan!...


"Thà làm cái gì rồi bị tụi nó bắt vẫn khoái hơn là bị bắt oan!" Ông nói đúng quá. Ừ, giá mà mình làm một cái gì thật ngoạn mục rồi bị chúng bắt, thì vẫn có đã hơn không nhỉ" Tôi tự hỏi, nhưng tôi im lặng nhìn ông, không nói gì. Gương mặt quắc thước và ánh mắt của người đàn ông đầy vẻ cương nghị, lời nói của ông ngang tàng, chứng tỏ ông là người khắc tinh với cộng sản. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, tôi thấy im lặng là tốt nhất.
Thấy tôi im lặng, người đàn ông chỉ gật gù mà không nói gì thêm. Ông thở dài rồi nằm xuống ngủ. Trong khoảnh khắc ban đầu, tôi có cảm tình với ông, nhưng tôi không dám để lộ tình cảm của mình. Lúc đó tôi không thể ngờ được trong những ngày tháng sau đó, trong một hoàn cảnh đặc biệt, cuộc đời của ông đã ảnh hưởng tới cuộc đời tù tội của tôi.
Sau mấy tiếng đồng hồ ngủ chập chờn trong lo âu và buồn phiền, tôi giật mình thức giấc khi nghe tiếng xích sắt loảng xoảng. Một tên bộ đội mở khóa, gọi tôi ra ngoài làm việc. Bước vô phòng làm việc, tôi thấy chỉ có một tên bộ đội già, đeo lon đại uý. Sau khi bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế trước mặt, y đẩy về phía tôi hai tờ giấy rồi nói, giọng lạnh băng:
- Tối qua anh bị bắt khẩn cấp nên không mang theo tư trang nội vụ gì. Bây giờ anh cần những thứ gì thì viết vào tờ giấy này, chúng tôi sẽ cho người đưa thư này đến tận nhà để gia đình anh lo liệu đưa cho anh. Nhớ là anh chỉ được ghi những tư trang nội vụ cần thiết, không được ghi đồ ăn, sách vở, dao kéo. Còn tờ giấy này, anh ghi rõ tên họ, địa chỉ và tóm tắt lý lịch của anh trước và sau 1975, anh làm gì, ở đâu, nhưng chủ yếu là trước 1975. Anh cầm hai tờ giấy này sang bàn bên kia ngồi viết. Viết xong đưa lại cho tôi. Nhớ là phải thành thật, thì mới được "cách mạng khoan hồng".
"Cách mạng khoan hồng", bốn chữ đó tôi đã nghe cả ngàn lần, và đã hiểu sự gian trá, xảo quyệt của nó. Tôi hiểu, tôi phải tìm mọi cách che giấu lý lịch hồi chánh của tôi cho đến khi nào không còn che giấu được. Trong thời gian còn che giấu được, tôi phải tìm mọi cách vượt ngục, trước khi mọi chuyện quá muộn màng.
Tối hôm đó, khoảng 12 giờ khuya, tôi bị còng tay, giải ra xe, cùng với 6 người khác, trong số đó có ông Hoàng và người đàn ông ngủ cạnh ông. Lúc đầu, trong danh sách chuyển tù, chỉ có ông Hoàng, không có người đàn ông kia. Nhưng không hiểu sao, sau khi ông Hoàng to tiếng cãi lộn gì đó với tên đại uý bộ đội mà tôi không nghe được rõ, thì người đàn ông ngủ cạnh ông, được đi theo ông.
Chúng tôi mỗi người đều bị còng tay bằng còng số 8. Sau đó, một sợi dây dù dài, buộc dính cả bảy người chúng tôi thành một chùm. Như vậy, tôi thấy vô phương có thể chạy trốn một mình.
Sau thời gian khoảng nửa tiếng xe chạy, chúng tôi đến trại tù sau này được biết là Trung tâm Thẩm vấn Hỗn hợp Việt Mỹ ở đường Tô Hiến Thành. Ngay khi xuống xe, cảnh vật đầu tiên đập vào mắt tôi là dưới ánh đèn pha sáng choang chiếu sáng rực cả trung tâm, hai chiếc cổng sắt lớn, hàng dẫy phòng giam xây cất dọc theo các cạnh hình chữ nhật, mỗi phòng đều có cửa sắt kiên cố, và số bộ đội canh gác đông đúc, súng ống lăm lăm...
Bảy người chúng tôi bị giải vô một căn phòng ngay bên phải cổng sắt. Ngay khi bước vào phòng, tôi đã bị ánh đèn pha cực mạnh chiếu thẳng vào mắt, nên không nhìn thấy gì trong bóng tối, phía sau ánh đèn. Chúng tôi phải xếp hàng ngang, tư trang nội vụ để trước mặt, và tất cả phải lột bỏ quần áo, kể cả quần lót. Mỗi người có một tên bộ đội bước đến kiểm soát tư trang, nội vụ. Tất cả những thứ được coi là nguy hiểm như sách báo, giấy tờ dù là giấy trắng, muỗng chén lon ly... bằng kim loại, đều bị vứt sang bên. Sau đó, chúng tôi phải há miệng kêu "a... a..." rồi phải chổng mông để cho các tên bộ đội kiểm soát xem có giấu giếm gì trong cổ họng, hay hậu môn không. Việc kiểm tra tư trang, thân thể quá tỉ mỉ, lại diễn ra trong đêm khuya, giữa bầu không khí im lìm đến rợn người, trong khi bên ngoài, thỉnh thoảng có tiếng quát, tiếng súng ống vang lên lách cách, tạo cho chúng tôi cảm giác của những con thú, bị xa bẫy, càng ngày càng bị những móng vuốt của bẫy xiết chặt, vô phương đào thoát. Cũng trong dịp này, tôi được nhìn thấy vóc dáng của ông Hoàng rõ ràng hơn. Ông cao hơn hẳn tất cả những người tù chúng tôi một cái đầu. Thân hình ông thật đẹp, trông cân đối và vững vàng như một bức tượng Hy Lạp.
Sau khi bị khám xét hành lý và thân thể, chúng tôi được giải vô các phòng giam riêng biệt. Riêng ông Hoàng không hiểu sao, vẫn được đi cùng với người đàn ông ngủ cạnh ông. Mãi sau này, tôi mới biết, cả hai người đều được giam riêng trong một phòng chỉ có hai người. Còn tôi, bị giam vô một phòng, trong đó đã có một người bị giam là ông già Thế. Tất cả các phòng giam tại Trung tâm Thẩm vấn đều giống nhau, mỗi phòng vuông vức mỗi chiều hơn hai thước, chỉ đủ chỗ cho hai người nằm. Phòng kín như bưng, cầu tiêu ở ngay trong phòng, và chỉ có một ô cửa sổ nhỏ hẹp bằng bàn tay ở phía sau, trên cao để thông hơi. Cánh cửa duy nhất bằng sắt, có khoá kiên cố, và một ô nhỏ, đủ để người bên ngoài nhìn vô theo dõi người tù bên trong. Bên ngoài ô nhỏ có một miếng sắt, người ở bên ngoài có thể đóng mở tuỳ ý.
Ông Thế là một chuyên viên ngân hàng, từng làm việc ở Ngân Hàng Thương Tín. Tuổi ông đã ngoài 60, nhưng trông ông già cỡ 70 tuổi. Ông cao, gầy, đầu hói không có một sợ tóc. Ông có kinh nghiệm rất nhiều về tội ác và thủ đoạn của người cộng sản, nên mặc dù không biết mình bị bắt vì tội gì, ông rất bi quan, tin chắc ông vĩnh viễn sẽ không còn ngày đoàn tụ với gia đình.
Trong những ngày tháng bị giam tại Trung tâm, ông thương tôi như con, và chỉ bảo tôi rất nhiều về nghệ thuật sống trong tù. Ông cũng chỉ dậy tôi về cờ tướng. Đúng như cái tên của ông, ông đánh "cờ thế" rất cao. Vì bị giam trong Trung tâm suốt thời gian dài, không có việc gì làm, nên ông và tôi chỉ biết đánh cờ tướng. Được ông chỉ bảo tận tình, tôi tiến bộ trông thấy. Lúc đầu, ông chấp tôi cặp xe, cặp pháo và con mã, sau ông chỉ chấp tôi có con xe, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn có ván thắng được ông. Ông nói, tôi đánh cờ không thể giỏi được, dù tôi có học đánh cờ cả đời, vì khi đánh, tâm tôi hay "phù động". Ông bảo trong đánh cờ, điều tối kỵ là "tâm phù động". Khi tâm đã phù động, thì trí óc mất minh mẫn, lú lấp tất cả những nước cờ hay mà khi bình thường, một người có thể nhìn ra rõ ràng.  (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.