Hôm nay,  

Họp Báo Quốc Tế Ngày 13.07.1982 Tại Hà Nội

23/07/200600:00:00(Xem: 1929)

Họp Báo Quốc Tế ngày 13.07.1982 tại Hà Nội – Trích Hồi Ký “Tắm Máu Đen” của Ông Võ Đại Tôn

Tôi sống tại căn nhà CHÈM được bốn ngày rồi. Bọn chúng ưu đãi tôi hết mức, so với số phận của một tù nhân. Ngay cả đội bảo vệ cũng chỉ có cơm và một nồi rau muống luộc mỗi bữa, quây quần ngồi ăn chung trên một tấm phản ở tầng dưới. Mỗi ngày tôi được cấp cho một nải chuối lớn ăn tráng miệng. Hôm nào ăn không hết, tôi đem xuống mời đám bảo vệ, nhưng họ không dám nhận. Kỷ luật gắt gao lắm. Ngoài việc lo an ninh và quản lý cơm nước cho tôi, không ai được phép lên phòng tôi nói chuyện.
Sau ngày đi thăm lăng Hồ Chí Minh về, thì có tên Đại tá đã từng thẩm vấn tôi trước đây ở trại B-14 và vài tên cán bộ thụ lý khác đến gặp tôi. Linh giác cho tôi biết là đã đến lúc “mở màn” một âm mưu gì đây. Tôi bình tĩnh chờ đợi và tìm cách đối phó.
Tên Đại tá nói, sau khi rít một hơi thuốc lào:
- Anh thấy đấy, Đảng và Nhà nước lúc nào cũng quan tâm chu đáo cho anh. Sẽ còn nhiều điều tốt đẹp cho anh sau này, nếu anh thực tâm ăn năn hối cải và phục vụ tốt. Chúng tôi lúc nào cũng mở rộng cửa. Anh đã được vinh hạnh gặp cụ Bộ trưởng, được đi tham quan, viếng lăng Hồ chủ tịch và được ăn ở đầy đủ tiện nghi. Có thể chúng tôi sẽ sắp xếp đưa anh vào làm ủy viên trong Mặt Trận Tổ Quốc, gồm toàn những người đã giác ngộ Cách mạng, yêu nước và cho anh gặp lại vợ con. Cấp cho anh cả nhà ở Hà Nội và ô tô con nữa đấy. Ngay cả tôi còn đi xe đạp nữa là, quen rồi, vừa tập thể dục vừa tiết kiệm. Anh sẽ được đáp ứng mọi nguyện vọng, miễn là làm việc tốt.
Tôi giả vờ từ tốn hỏi:
- Thưa ông, ông muốn tôi làm gì ạ" Thực tình là tôi đã hối cải rồi, chẳng biết làm sao để đền tội mù quáng đã qua!
- Không có gì khó cả, anh cứ khai báo thành khẩn rồi chúng tôi xem xét.
Tôi nghĩ ngay một mưu kế:
- Dạ, thực tình mà nói, tôi cũng còn vài điều lấn cấn về “Kế Hoạch Hậu Chiến”, mà chúng tôi gọi là “Mật kế Z” chưa khai hết, vì có mặc cảm là phản bội các đồng đội của tôi.
Tên Đại tá mừng rỡ nói ngay:
- Phản bội gì" Anh viết sự thật ra là để giúp họ giác ngộ đấy chứ! Chống lại Cách Mạng là mù quáng, là ảo vọng. Anh phải đem ánh sáng lại cho những kẻ phản động lầm đường lạc lối. Phản bội Tổ Quốc mới là chính yếu, mới là cơ bản.
- Vâng, tôi nhận thức được rồi và muốn đền ơn quý ông đã ưu đãi tôi, quý ông đã không giết tôi, mà lại còn cho hưởng mọi ân huệ như thế này thì tôi phải lập công chuộc tội mới đúng đạo lý. Ông cấp cho tôi giấy bút, tôi sẽ viết ngay.
- Được, thế là tốt! Anh cố gắng viết thật đầy đủ, ngày mai chúng tôi vào lại.
Nói xong, hắn bảo tên cán bộ thư ký cấp giấy bút cho tôi ngay. Lần này được cấp cho bút bi và cả tập giấy trắng không cần đếm trước.
Suốt ngày tôi cặm cụi ngồi căng óc ra phịa đủ điều về “Kế Hoạch Hậu Chiến”. Viết có lớp lang với từng giai đoạn, đọc nghe rất hợp lý. Nào là dự trù quân số, tiếp liệu, yểm trợ. Lập khu kháng chiến, tấn công các tỉnh Tây Nguyên làm bàn đạp tiến về Sàigòn. Ngoại giao với Mỹ và các nước tư bản để xin viện trợ. Đồng minh với Lào, Miên. Nào là tuyên truyền, địch vận, kêu gọi dân chúng nổi dậy... Tôi phân chia bản “tự khai” ra nhiều giai đoạn hành động. Dựa trên tin tức chung chung mà tôi đã đọc qua báo chí ngoại quốc trước đây, xào nấu thành món thập cẩm nhưng có vẻ ngon lành.
Viết xong, đọc đi đọc lại nhiều lần cho nhớ. Đặc biệt các mấu chốt mà tôi đã phịa ra, phải có điểm tựa để không bao giờ quên. Khi nào bị tra vấn lại, thì “khai” ngay để bọn chúng không nghi ngờ. Nói ra thấy có vẻ dễ dàng, nhưng thực tình đây là một kỹ thuật đánh lừa kẻ thù rất phức tạp, khó khăn. Phải in sâu “tài liệu riêng” mình đã phịa vào trong óc. Mỗi đêm phải nằm nhớ lại từng điểm, từng nhân vật, địa danh và phải tập đóng kịch “khai báo” với tất cả sự thành khẩn điêu luyện. Phải dò xét trình độ từng tên cán bộ thẩm vấn, bọn chúng làm việc tập thể, có đầy đủ phương tiện và tài liệu để kiểm tra. Chỉ cần một lời nói hớ, một cử chỉ vụng về khinh địch là “đi đoong” ngay! Lúc nào cũng nhớ thuộc lòng, vì bản chất cố hữu của bọn CS VN là nghi ngờ và bạo lực. Phải đánh trúng “gót chân Achilles” của chúng, mới mong làm cho chúng bị sập bẫy - Cuộc đấu trí âm thầm một chọi trăm này thật trần ai!
Ngay hôm sau, tên Đại tá thẩm vấn này vào lấy bản “tự khai” của tôi, ngồi đọc một hơi có vẻ thỏa mãn lắm. Sau cùng, hắn gật gù nói:
- Được, anh cứ tiếp tục suy nghĩ đi, cần bổ túc gì thì cứ nói. Sao đấy, ăn uống thế nào"
- Thưa ông, tốt quá. ƠŒ đây còn sướng hơn ở bên Úc, bên Mỹ nữa đấy!
- Hà hà, đấy đấy! Tôi đã nói rồi mà. Các anh ở nước ngoài chỉ là phồn vinh giả tạo. Nhưng ở đây chưa thấm tháp gì đâu, anh sẽ còn được ưu đãi nhiều nữa cơ. À, đã có xe ô tô con cấp riêng cho anh rồi đấy. Xe hiệu Mơ-xơ-đếc của "Pháp"(!) loại tốt.
Tôi giả vờ khúm núm:
- Dạ, cám ơn quý ông, tốt quá. Tôi có đề nghị muốn lập công chuộc tội. Ông xét cho tôi được đi nói chuyện với Mặt Trận Tổ Quốc, được họp báo. Hoặc là được vào Sàigòn, ủa quên, thành phố Hồ Chí Minh, nói chuyện với đồng bào về sự giác ngộ của tôi được không ạ" Tôi sẽ nói rõ về “Kế Hoạch Hậu Chiến” này, để thức tỉnh các phe nhóm còn muốn chống phá Cách Mạng!
- Tốt, để đấy rồi xem sao.
Tôi vội sút thêm một quả bóng nữa:
- À, xin lỗi ông. Tôi vừa nhớ ra còn một đoạn kết nữa, nhưng chưa viết kịp. Ông cho tôi viết tiếp, chiều nay tôi sẽ nộp ngay.
Tên Đại tá vui vẻ nói:
- Được, được! Anh cứ viết đi. Chiều nay tôi sẽ cho người vào lấy. Nêu luôn cả nguyện vọng như anh vừa trình bày với tôi đấy, rồi chúng tôi sẽ bố trí lên kế hoạch giúp anh đạt yêu cầu nhé. Nào, ta hút thuốc lào, uống nước chè đi!
Sống trực diện với cộng sản ngay trong hang ổ của họ mới có mấy tháng, tôi đã rút ra được một nhận thức thực tế: Không bao giờ họ khen hoặc tin mình thực lòng cả. Phải trừ hao ít nhất là 80% những điều họ nói. Những gì mà “phe tư bản” đã làm, cho dù có tốt đẹp đến đâu chăng nữa, họ cũng cứ chê bai đủ điều. Vì lẽ đó, muốn đánh lừa họ theo ý mình, phải hết sức tinh tế, từ từ. Cân lượng từng lời nói, câu viết bằng cân tiểu ly mới mong sút banh lọt lưới, rồi còn chấp nhận sự trả thù dã man nhất của họ, kể cả cái chết! Tôi đã chấp nhận và quyết tâm tiến bước - Mẹ Việt Nam ơi, xin giúp con!
Tôi viết thêm một đoạn kết, trình bày lòng “ăn năn hối cải”, nói chuyện đạo lý ở đời và thiết tha mong được “Đảng và Nhà nước” cho đi nói chuyện công khai để xin “nhân dân khoan hồng” cho làm lại cuộc đời.
Chôn kín tận đáy lòng tôi là mưu đồ làm sao cho bọn thẩm vấn Bộ Nội vụ tin thật. Đưa tôi ra họp báo hoặc đi chỗ này chỗ kia nói chuyện với đồng bào. Nếu được về Saigon là tốt nhất, để báo chí đăng tải cho anh em cùng gia đình tôi ở hải ngoại biết được tin tôi đang bị CS giam ở Hà Nội. Tôi không cầu mong anh em giải thoát - đấy là ảo vọng - mà chỉ mong muốn dùng cơ hội được ra công khai để chứng minh: 1. Tôi đã về quê hương thực sự chớ không dối trá ai. 2. Đốt lên ngọn lửa niềm tin phục quốc, đặc biệt là ở hải ngoại, để anh em chiến hữu tiếp tục con đường dở dang. 3. Lừa cơ hội để chống Cộng sản công khai trước khi chết, còn hơn là bị thủ tiêu âm thầm nhục nhã trong tù. 4. Và sau cùng nhắn lời vĩnh biệt gia đình thương yêu của tôi.
Chỉ còn cách đó, nếu không bọn chúng sẽ giam tôi đến chết dần chết mòn trong tù biệt giam. Chết âm thầm vô ích - Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Xuân Diệu trước đây:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn là le lói suốt trăm năm.
Như tôi đã nhiều lần suy nghĩ: Phải biết Sống và phải biết chọn cho mình cái Chết xứng đáng! Tôi đang dọn đường vào cõi chết với tất cả sự bình thản đến lạnh lùng. Còn việc tôi đã sa cơ vào tay kẻ thù, nguyện ước chưa thành, thì tôi chỉ biết ngậm ngùi ngâm nga mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương trong “Tâm Sự Kẻ Sang Tần” để tự an ủi, đời được mấy kẻ tri âm:
Một nhát gươm đưa ngàn thuở đẹp
Dù sai hay trúng cũng là dư!
Sau khi nộp đoạn kết, tôi âm thầm chờ đợi kết quả. Tuy chưa gặp lại viên Đại tá thẩm vấn cùng các cán bộ thụ lý, nhưng tôi “đánh hơi” thấy đội bảo vệ có vẻ săn sóc tôi tận tình hơn. Thức ăn càng dồi dào thêm, và tên đội trưởng nói chuyện với tôi nhã nhặn và lịch sự khác thường. Cả hai bên - cá nhân tôi và bọn công an - đang chơi trò mèo rình chuột.
Thời gian vừa qua cũng là sinh nhật thứ 46 của tôi (8.7.36 - 8.7.82). Nhưng vì sống trong hoàn cảnh tù đầy và đang căng thẳng tinh thần đối phó với kẻ thù ngày đêm, cho nên tôi không muốn nghĩ đến. Mọi sự rồi cũng trôi qua theo dòng đời. Chỉ cố gắng tồn tại với hiện thực để mong chứng minh một tấm lòng đối với quê hương, thế thôi!
Hôm sau viên Đại tá và ba bốn cán bộ cao cấp ở Hà Nội vào gặp tôi, tỏ vẻ ân cần niềm nở:
- Chúng tôi báo cho anh một tin phấn khởi. Cấp trên đã chấp thuận cho anh ra họp báo theo như nguyện vọng của anh. Đấy thấy không, cứ làm việc tốt thì yêu cầu gì chính đáng, cũng được xét giải quyết cả!
Tôi tỏ vẻ mừng rỡ:
- Dạ, xin cám ơn quý ông.
Tôi không muốn nói gì thêm vì sợ lộ âm mưu của mình. Cứ để cho họ nói trước, rồi mình nương theo mà tính.
- Chúng tôi cho anh biết thêm về một vài điều cơ bản theo ý cấp trên - viên đại tá nói tiếp một hơi dài - Vừa rồi ở thành phố Hồ Chí Minh có họp báo quốc tế quan trọng giữa ba Bộ trưởng Ngoại giao Kampuchia, Lào và nước ta. Tố cáo bọn phản động Thái Lan cấu kết với đế quốc Mỹ và bọn bành trướng Trung Quốc âm mưu chống phá Cách Mạng VN. Chúng đã thua đau ở mặt trận Tây Nam và biên giới phía Bắc, bây giờ lại đang nuôi dưỡng bọn thổ phỉ quấy phá ta nữa. Lần này, có thể cho anh ra họp báo ở Hà Nội để trình bày thêm bằng chứng. Họp báo Quốc tế đấy! Vậy anh chuẩn bị làm việc với chúng tôi. Có các đồng chí ở bộ Ngoại giao và báo Nhân Dân vào đây thăm anh để hướng dẫn thêm. Anh quen họp báo rồi chứ gì, trước làm ở Bộ Thông Tin ngụy mà!
Cả bọn cùng cười vui vẻ. Nước trà rót lia lịa, thuốc lào rít dài dài. Viên Đại tá lại nói tiếp:
- Thời gian cũng khẩn trương rồi, cho nên chúng tôi có viết sẵn lời tuyên bố với báo chí cho anh. Anh cứ đọc lại, cần thêm nguyện vọng gì thì cứ tự nhiên. Chúng tôi dựa theo lời khai báo của anh đấy. Cũng cần phải cho dịch ra tiếng Anh và Pháp để phân phối cho nhà báo nước ngoài. Anh dịch được Anh, Pháp không" Thông thạo lắm chứ gì! Nhưng để đỡ việc cho anh, chúng tôi sẽ có người dịch tiếng Pháp, còn anh thì nếu không trở ngại anh cứ dịch tiếng Anh tiếng Mỹ trước đi, rồi chúng tôi xem lại, cho in ấn đàng hoàng.
Nói xong, hắn lấy trong cặp ra đưa cho tôi một tập giấy đánh máy. Tôi đếm đúng năm trang, nhưng chưa vội đọc, để trên mặt bàn. Tôi biết chắc tài liệu này viết toàn những lời tố cáo Mỹ, Thái Lan, đem tôi ra làm nhân chứng cho họ buộc tội các nước tư bản âm mưu xâm lược Việt Nam, để họ xua quân đi bành trướng chiến lược Đỏ của họ ở Đông Nam Á, sau khi thấy đã chiến thắng miền Nam ngon tay.
Một tên cán bộ cao cấp trong bọn nói với tôi:
- Cố gắng nhé! À, chúng tôi có mang theo tự điển cho anh đây, loại tự điển Nguyễn Văn Khôn này cũng tạm được. Anh cứ tra cứu thoải mái.
Đối với bọn địch kiêu ngạo này đừng bao giờ cho họ biết rõ trình độ mình ra sao. Cứ giả vờ càng ngu càng tốt. Nghĩ thế, tôi nói ngay:
- Hay quá, tôi đang lo không biết có dịch nổi không. Tiếng Anh, tiếng Pháp của tôi lâu quá không dùng đến nên cũng quên nhiều. Ngay ở Úc tôi cũng ít có dịp nói tiếng Anh. Ông cho mượn tự điển là quý lắm, xin cám ơn.
Viên Đại tá lại nói tiếp:
- Anh đọc tài liệu đánh máy này, rồi chép lại theo chữ viết tay của anh để chúng tôi lưu hồ sơ. Bản dịch cũng thế. Cần thêm giấy bút thì cứ nói với cán bộ bảo vệ nhé!
Tôi nghĩ thầm: “Bọn này láu thật. Viết sẵn rồi buộc mình chép lại để sau này làm bằng chứng là chính mình viết chứ không phải họ. Thây kệ, lo gì! Miễn sao mình đạt được mục đích. Cứu cánh biện minh cho phương tiện mà”!
Vì muốn chứng tỏ mức độ “thành khẩn” của mình để chóng đạt thành âm mưu, suốt ngày và đêm hôm ấy tôi thức khuya để đọc, chép và dịch ra lời “Tuyên bố” với báo chí họ đã viết sẵn. Đúng như dự đoán của tôi, bản văn toàn nêu lên những lời tố cáo Mỹ đã chỉ đạo cho tôi xâm nhập về VN, Thái Lan cho mượn đường, Trung quốc tiếp tế vũ khí. Kêu gọi “các nhóm phản động ở nước ngoài” hãy thức tỉnh, đừng nuôi ảo vọng chống phá Cách Mạng VN! Hãy tiếp sức xây dựng đất nước dưới sự “lãnh đạo quang vinh” của Đảng CS VN!
Nộp bài xong, tôi chờ đợi. Chưa biết ngày nào sẽ họp báo. Buổi chiều, có mấy cán bộ thụ lý trẻ vào đo may quần áo cho tôi. Họ may khẩn cấp cho tôi một quần tây dài mầu nâu sậm, một áo sơ mi trắng và mua cho tôi một đôi giầy sandal. Lại đưa người vào sửa tóc cho tôi nữa. Mấy tháng trước họ có bảo tôi nuôi dưỡng lại râu tóc cho dài giống như lúc tôi còn ở ngoại quốc. Bây giờ tôi mới hiểu là họ muốn đưa tôi ra trình diện “đúng nguyên hình nguyên trạng” để không ai chối cãi vào đâu được. Họ tính toán kỹ lắm. Cần phải đề phòng mọi mặt, từng chi tiết nhỏ, không phải “dễ chơi” với bọn công an này đâu.
Sáng ngày 10.7.82, tên Đại tá thẩm vấn vào cho tôi biết:
- Cấp trên đã quyết định cho anh ra họp báo quốc tế tại Hà Nội vào một ngày gần đây, nhưng muốn mọi việc được chuẩn bị tốt đẹp, chúng tôi sắp xếp cho anh ra họp báo trong nước trước. Nếu anh làm tốt mọi việc thì sẽ được ra trình diện với báo chí nước ngoài sau. Tối nay chúng ta gặp một số nhà báo và đài ở Hà Nội, anh thấy có gì trở ngại không"
Tôi suy nghĩ ngay: “Thế là bọn này vẫn chưa hoàn toàn tin mình. Nếu từ chối thì sẽ không có cơ hội ra họp báo quốc tế, mà chính bọn báo quốc tế mới là mục tiêu quan trọng, theo âm mưu của mình. Nếu nhận lời ra họp báo quốc nội trước, nhưng không làm vừa ý họ thì cũng không được họp báo quốc tế. Vấn đề cần cân nhắc lợi hại là ở chỗ đó. Bỏ con tép câu con tôm. Cuộc đời chính trị của mình cần phải quyết định ngay trong giây phút này. Chiến đấu cô đơn, không có anh em chiến hữu ở bên cạnh để cùng nhau thảo luận thiệt hơn. Cuộc đời có những giây phút thiệt căng thẳng, như tôi đã từng âm thầm suy ngẫm: “Khoảng cách giữa Vinh và Nhục chỉ là một sợi tóc”.
Tôi quyết định:
- Vâng, thế cũng tốt. Các ông cứ cho tôi họp báo trong nước trước để rút kinh nghiệm. Khi ra gặp báo chí ngoại quốc thì nhất định sẽ hoàn hảo hơn!
Chiều hôm ấy, họ đưa tôi ra Hà Nội, đến trụ sở của Mặt Trận Tổ Quốc. Vào một phòng khách rộng lớn, tôi thấy tên tướng công an hôm trước cùng một đám cán bộ cao cấp đang ngồi chờ. Trên bàn bày la liệt thuốc lá đủ loại, bia, nước suối, nước ngọt. Có năm sáu cô phục vụ mặc áo dài lăng xăng rót nước, pha trà. Không khí có vẻ nhộn nhịp và đám cán bộ tỏ vẻ hả hê với sự thành công là đã thuyết phục được tôi “giác ngộ theo Cách mạng”. Họ niềm nở tiếp đón tôi như “người nhà”, chớ không phải là tù nhân. Viên tướng mời thuốc và nói:
- Tôi vừa ở nước ngoài về. Được các đồng chí ở đây báo cáo là anh phục vụ khai báo tốt. tôi cũng tranh thủ đọc các bản viết và dịch về lời tuyên bố với báo chí của anh. Khá đấy! Dịch khá chính xác, tôi có cho chữa lại mấy chỗ. Hôm nay các nhà báo trong nước gặp anh trước rồi một vài ngày nữa chúng tôi sẽ quyết định đưa anh ra họp báo quốc tế, theo nguyện vọng của anh. Tuỳ anh đấy, chúng ta phải thành thật với nhau.
Tôi chưa kịp nói gì, thì tên Đại tá thẩm vấn chen vào vừa cười vừa nói:
- Nhất trí rồi mà. Báo cáo lãnh đạo yên tâm, thật ra thì vì quyền lợi của anh ấy, chứ đâu có phải của chúng ta. Làm tốt thì được khoan hồng, gặp lại vợ con, sự việc chỉ đơn giản có thế mà.
Tôi giả vờ vâng vâng dạ dạ, chứng tỏ hết lòng phục vụ và ăn nói hết mức từ tốn để “qua ải”.
Tên Trung tá công an tôi gặp hôm trước với Phạm Hùng, bước vào nói buổi họp báo bắt đầu. Tên Tướng đứng dậy, vẫn chống ba tong, bắt tay tôi chúc thành công, rồi đi vào buồng bên cạnh. Cán bộ thụ lý dẫn tôi đi qua một cái sân rộng ra phía sau, đến một dãy nhà khác. Tại đây tôi thấy một đám đông người đang ngồi chờ trong căn phòng khá rộng. Có mấy phóng viên đeo máy ảnh đứng ngoài hành lang. Tôi được hướng dẫn đến một cái bàn đặt ngay giữa phòng, tên đại tá và hai ba cán bộ cao cấp khác đang ngồi chủ tọa.
Tôi đứng trước máy vi âm cho các nhà báo chụp hình. Tên Đại tá giới thiệu tôi là một can phạm ở nước ngoài xâm nhập về VN chống phá cách mạng. Nay đã ăn năn hối cải, xin được gặp báo chí trong nước để trình bày “tội lỗi” và nguyện vọng. Tôi nhìn quanh phòng, dưới ánh điện sáng, thấy có khoảng mấy chục người mặc thường phục, hoặc áo quần bộ đội. Có người vẫn đội mũ, nón cối, không biết họ thuộc cơ quan nào. Tên Đại tá đưa cho tôi tờ đánh máy sẵn. Tôi cầm xấp giấy trên tay nhưng không nhìn vào giấy đọc. Tôi nói như thuộc lòng những gì đã viết ra trước đây, khoảng 15 phút, rồi cám ơn mọi người. Có mấy tên nhà báo đặt câu hỏi nhưng tôi chỉ trả lời đại khái, chung chung, nói là những chi tiết cần thiết họ có thể hỏi thẳng các cán bộ thụ lý. Tên Đại tá cũng dựa trên bản tuyên bố - chính họ đã viết sẵn trước cho tôi - để nói thêm vài điều rồi chấm dứt buổi họp báo.


Có phóng viên đài truyền hình Hà Nội đến yêu cầu tôi đứng lại trước máy vi âm, để họ quay trực diện một vài đoạn ảnh. Tên Trung tá cầm một ly bia đến cho tôi uống, cười vui vẻ, coi như cuộc họp báo đã tạm thành công theo ý họ muốn.
Ra lại phòng khách, trước khi về nhà ở CHÈM, có mấy cán bộ cao cấp đến bắt tay tôi:
- Được đấy! Anh nói dõng dạc lắm, nhưng có nhiều chỗ không được tự nhiên. Có vài nhà báo phê bình là anh không nên nói như đã học thuộc lòng bản tuyên bố và không nên có những cử chỉ như đang thuyết giảng. Họ có cảm tưởng anh không phải là can phạm, mà là một nhà chính trị đang nói chuyện đấy. Rút kinh nghiệm để chấn chỉnh lại cho buổi họp báo quốc tế thành công hơn nhé.
Tôi giả vờ ngượng ngùng nói:
- Dạ, tôi hơi bị khớp vì thấy đông quá, vả lại mới lần đầu được làm việc công khai với quý ông cho nên chưa được quen. Tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn, xin các ông yên tâm.
Trên đường về lại CHÈM, họ đưa tôi vào một quán mì nhỏ tại Hà Nội và “thưởng” cho tôi một tô hoành thánh, tên cán bộ thụ lý và tài xế cũng kêu mỗi người một tô bự, trả bằng tiền quỹ công tác. Tôi lưu ý thấy mỗi lần đưa tôi ra Hà Nội làm việc, cán bộ áp giải và tên lái xe lúc nào cũng lợi dụng tiền quỹ công tác để tự “bồi dưỡng” cho nhau nào là thuốc lá ngoại, phở tô lớn “có người lái giỏi” (có nhiều thịt), uống bia và báo cáo là đã phục vụ tôi chu đáo theo tiêu chuẩn đặc biệt.
Mấy ngày sau đó tôi được tên Đại tá thẩm vấn khen đã làm việc tốt trong buổi họp báo vừa rồi và cấp trên quyết định đưa tôi ra họp báo quốc tế vào ngày 13.7.1982. Họ cho biết, số phóng viên ngoại quốc thường trú tại Sàigòn (TP/HCM) và Hà Nội sẽ có mặt cùng với các tuỳ viên báo chí các tòa đại sứ. Ngoài ra sẽ có thêm một số ký giả từ Bangkok và nước ngoài đến tham dự buổi họp báo đặc biệt này. Tôi không lộ vẻ vui mừng, sợ bọn chúng nghi ngờ, chỉ giả vờ tâm sự với các tên cán bộ thụ lý, là tôi lo lắng không biết có làm hài lòng cấp trên không. Nếu có gì sơ xuất thì mong họ chỉ dẫn cho.
Sáng ngày 13.7, tôi được chở ra Trung tâm Báo chí ở Hà Nội thật sớm. Tôi mặc quần nâu sậm và áo sơ mi trắng mới may. Tôi có xin dầu chải tóc nhưng các tên cán bộ thụ lý nói không có. Họ dẫn tôi đi cửa sau vào một phòng họp nhỏ, nơi đó đã có tên Đại tá thẩm vấn cùng một số cán bộ cao cấp chờ sẵn. Cũng có mấy cô phục vụ rót bia, mời thuốc. Tên Đại tá bảo tôi uống bia cho lên tinh thần và hỏi:
- Anh có đem tờ tuyên bố theo đấy không" Đã đọc kỹ lại chưa"
- Dạ có, ông yên tâm! Tôi xin cố gắng lập công chuộc tội để được hưởng khoan hồng! - tôi trả lời một cách tự tin.
Mọi người có vẻ chộn rộn, chạy vào chạy ra nhìn phòng họp báo rộng lớn phía bên ngoài. Qua cánh cửa hé mở, tôi thấy hội trường chật cả người và có mấy giàn đèn pha rọi sáng choang. Tôi phỏng chừng có hơn một trăm người VN lẫn ngoại quốc.
Tên Đại tá nói:
- Anh cứ nói tiếng Việt, chúng tôi có các đồng chí phiên dịch Anh và Pháp. Các nhà báo nước ngoài sẽ đặt nhiều câu hỏi đấy, anh cứ liệu trả lời cho rõ vấn đề - Ông ta quay sang giới thiệu hai người trẻ đang ngồi trong đám cán bộ - đây là hai đồng chí phụ trách vấn đề phiên dịch.
Một trong hai người hỏi tôi:
- Tôi phiên dịch tiếng Anh. Tôi có đọc tiểu sử của ông, được biết ông có giai đoạn làm huấn luyện viên tác xạ cho cảnh sát và bộ phận bảo vệ yếu nhân của phủ tổng thống ngụy. Vậy tác xạ có phải là bắn súng không, và loại súng gì, tôi muốn hỏi lại cho rõ.
Tôi nói ngay:
- Vâng, tác xạ là bắn súng đấy. Tôi huấn luyện về loại súng ngắn, súng lục SMITH&WESSON.
Đại tá lại cười nói:
- Anh có muốn tôi ngồi trên bàn điều khiển không" Có đồng chí Thứ trưởng Bộ Văn hóa chủ trì buổi họp báo nữa.
Tôi được giới thiệu với một người to béo ngồi trên ghế sa lông trước mặt tôi. Đấy là Thứ trưởng Văn hóa Thông Tin, sau này tôi được biết tên là Lê Thành Công. Trong giây phút, một ý nghĩ vụt đến trong óc tôi: “Cứ để họ ngồi trên bàn chủ tọa càng đông càng tốt, sập bẫy cả bọn cho vui”. Tôi làm ra vẻ cầu khẩn:
- Thưa ông, chính tôi có nguyện vọng như thế nhưng không dám nói. Mấy tháng nay tôi được làm việc với ông quen rồi, nếu được ông ngồi cùng quý vị ở đây chủ tọa buổi họp báo của tôi, thì tôi được lên tinh thần lắm. Thú thật là tôi rất lo. Nếu có câu hỏi nào của các nhà báo gắt gao quá, nhờ ông đỡ giùm.
Tên Đại tá cười hề hề:
- Thế cũng được, tôi động viên tinh thần cho anh mà. Trường hợp có câu hỏi nào đi ra ngoài bản tuyên bố, anh cứ nói là thuộc thẩm quyền Bộ Nội Vụ, để chúng tôi liệu trả lời cho. Nhất trí nhé, thôi, chúng ta uống cạn bia đi!
Tôi xin phép đi tiểu. Trong phòng không có cầu tiêu. Hai tên cán bộ thụ lý dẫn tôi ra sau hè, bảo cứ tiểu vào góc tường. Họ đứng phía sau canh chừng, sợ tôi trốn. Tôi nhón gót nhìn ra vách tường thấp thấy đám công nhân đang đạp xe đi làm. Cuộc sống bên ngoài vẫn rộn rịp, riêng tôi thì đang chuẩn bị tâm hồn đi vào phút giây quyết định của cả một đời người! Giờ đây ở hải ngoại ai biết được cảnh này, ai hiểu được lòng tôi" Cô đơn giữa vòng vây của địch, ngay tại thủ đô Hà Nội, mà bọn CS thường gọi là “trái tim hồng Đông Nam Châu Á”. Tôi không đi tiểu, chỉ giả vờ đứng im đấy vài phút, ngước đầu nhìn lên trời xanh qua cành cây sấu và thầm cầu nguyện: Lạy Trời cho con đủ bình tĩnh để thành công! Lại Mẹ phù hộ cho con thanh thản đi vào cõi chết! Gia đình, Cu Lỳ và các chiến hữu của tôi! Khoa, hãy chờ thầy!...
Tôi trở vào phòng, lòng bây khuâng. Tên Trung tá cho biết đã đến giờ bắt đầu. Tên Thứ trưởng và viên Đại tá bước ra trước. Tôi ở lại trong phòng, nghe tiếng máy vi âm oang oang đọc lời giới thiệu tiểu sử tôi bằng cả ba thứ tiếng Việt - Anh - Pháp. Tên “trùm phản động” từ nước ngoài xâm nhập về chống phá Cách Mạng VN dưới sự chỉ đạo của Cục Tình Báo đế quốc Mỹ, đã bị bắt và đưa ra trình diện báo chí quốc tế, để cung khai quá trình hoạt động! Buổi họp báo được đặt dưới quyền chủ tọa của Bộ Thông tin và Bộ Nội vụ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Yêu cầu đưa “đối tượng” ra trình diện báo chí.
Một đám đông vây quanh, dẫn tôi ra hội trường. Tôi liếc nhìn lên bàn chủ tọa đặt trên một bục cao thấy có tên Đại tá thẩm vấn, tên Thứ trưởng Văn hóa và hai tên thông dịch. Đèn pha sáng choang cả phòng họp, mọi người im lặng. Tôi được dẫn đến đứng trước một chiếc bàn nhỏ đặt ở góc phòng, trên bàn ngổn ngang máy ghi âm và micro đủ loại. Mỗi micro có gắn bảng hiệu, tôi liếc nhìn thấy có AFP, UPI, USAHI, BBC, VOA và nhiều bảng tên khác. Một đám ký giả ngoại quốc độ hơn 10 người ùa đến, kẻ chiếu đèn pha vào mặt tôi, người chụp ảnh, quay phim, sửa lại máy ghi âm. Phía ngoài sân phòng họp có một chiếc xe truyền hình lớn đang thử máy, tôi thấy trên màn ảnh có hình của tôi đang đứng. Tôi chợt mỉm cười, lòng bình tĩnh lạ thường.
Tiếng tên Thứ trưởng Lê Thành Công, vang lên:
- Đối tượng Võ Đại Tôn được sự giúp đỡ của Trung Quốc và bọn phản động trong chính quyền Thái Lan, xâm nhập về nước chống phá Cách Mạng VN, Lào và Kampuchia... Thay mặt Bộ Thông tin Văn hóa, chúng tôi cho phép đối tượng Võ Đại Tôn trình bày sự thật trước báo chí...
Tôi định ngồi xuống bàn để bắt đầu buổi họp báo chợt có tiếng tên Thứ trưởng nói to:
- Đối tượng không được phép ngồi!
Tôi đứng thẳng người, đưa tay sửa lại mấy chiếc micro cho cao lên, nhìn quanh phòng một lượt rồi bắt đầu nói:
- Kính thưa quý vị chủ tọa, quý vị đại diện báo chí trong và ngoài nước, kính thưa quý liệt vị. Hôm nay tôi may mắn được trình bày những sự thật trước báo chí trong và ngoài nước. Trước khi đi vào đề tài chính trong ngày hôm nay, tôi xin có một điều trình lên quý vị chủ tọa, quý vị thông dịch viên.
Cả hội trường im phăng phắc. Ký giả ngoại quốc kẻ đứng người ngồi chồm hổm trước mặt tôi, cầm sổ tay ghi chép. Mấy giàn máy quay phim chạy rè rè, đèn chụp ảnh thi nhau chớp sáng. Tôi đợi cho mấy tên thông dịch viên dịch lời tôi vừa nói, liếc nhìn lên bàn chủ tọa thấy tên Đại tá tái mặt và tên Thứ trưởng Văn hóa Thông tin đang nhìn sửng tôi như muốn hỏ “sao lại lạ thế”"
Tôi cúi sát xuống các máy vi âm và nói từng tiếng:
- Đây là một buổi họp báo quan trọng và có thể là một buổi họp báo định đoạt cuộc đời làm chính trị của tôi. Tôi xin quý vị chủ tọa cho tôi được trình bày những điều trung thực và không cắt ngang buổi họp báo và xin các vị thông dịch viên, vì lương tâm của những người trí thức, thông dịch đầy đủ và trung thực những điều tôi sắp trình bày...
Hội trường có tiếng xào xáo, mấy tên công an chạy đến vây quanh tôi. Tiếng thông dịch viên Anh trước, Pháp sau vang lên. Tôi quay đầu về phía bàn chủ tọa lắng nghe xem họ dịch có đúng không. Tôi thấy tên Đại tá nghiêm nét mặt, nhưng không giấu nổi vẻ lúng túng. Tên Thứ trưởng vẫn nhìn sững tôi, chẳng hiểu chuyện gì sắp xảy ra. Sau lưng tôi có tiếng ai nói: “Đưa hắn vào đi”.
Tôi vẫn bình tĩnh nhìn thẳng vào đám ký giả ngoại quốc và mỉm cười. Chợt tôi thấy có một ký giả trông nét mặt hơi quen, dường như tôi đã gặp ở Bangkok hoặc ở Úc trước đây và tôi nheo mắt ra dấu hiệu với ông ta. Tôi thấy ông ta gật nhẹ đầu, cúi xuống ghi chép gì đó vào cuốn sổ tay.
Tôi lại nói tiếp, mọi người như đang nghẹt thở. Hàng trăm cặp mắt nhìn sững vào mặt tôi. Phía sau hội trường có nhiều người leo lên ghế đứng nhìn.
- Tổ chức chúng tôi có cơ sơ tại Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Úc. Tôi là chỉ huy trưởng, trong một mục đích của tổ chức chúng tôi có kế hoạch xâm nhập về VN, để tìm hiểu tình hình và từ đó sẽ đặt kế hoạch cho tương lai. (Tôi ngừng lại để chờ dịch). Tôi đã từ Thái Lan với một số đồng đội và với sự giúp đỡ của Lực Lượng...
Có tiếng tên Thứ trưởng Lê Thành Công vang lên: “Đối tượng không được phép trình bày tiếp". Hội trường xôn xao. Tôi vẫn ngang nhiên nhìn thẳng vào các ký giả ngoại quốc, nói to lên:
- Tôi đã bị bắt ngày 23 tháng 10 năm 1981 tại biên giới Lào-Việt, thuộc địa phận Lào, chứ không phải đầu tháng 11 tại VN như trong bản tuyên bố đã viết. Tôi bị bắt tại Lào mà nhà cầm quyền VN giam giữ là trái với công pháp quốc tế...
Tên Đại tá vụt đứng dậy. Hàng ghế đầu trong hội trường có mấy tên cán bộ cao cấp - trong số đó có cả tên Tướng công an và một tên cán bộ thẩm vấn người Bình Định đã từng hỏi cung tôi trước đây, bị đau bao tử mặt xanh dờn - cũng đồng loạt đứng lên bước ra ngoài hành lang. Mọi người nhốn nháo, ký giả quay phim chụp ảnh không ngớt tay. Giây phút quyết định đã đến, tôi đứng thẳng người lên gằn giọng thật lớn:
- Tôi hành động độc lập. Tôi sẽ không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ ủng hộ tôi. Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi cho Tự Do Dân Chủ và giải phóng dân tộc. Tôi đã sẵn sàng nhận bất cứ hình phạt nào mà chế độ Cộng sản dành cho tôi, kể cả cái chết!
Có tiếng nói sau lưng tôi: “Đi vào”! Tôi vẫn đứng nguyên vị, nhìn về phía các tên thông dịch viên để nghe dịch có đúng không. Họ dịch tiếng Anh và tiếng Pháp chính xác, không bỏ sót lời nào của tôi. Tiếng thông dịch vừa dứt thì một tên công an đến ra lệnh cho tôi đi vào phòng trong. Đám ký giả ngoại quốc chạy ùa đến quay phim. Tôi vừa đi vừa lấy tay lau mồ hôi trán, vì đèn pha đã chiếu vào mặt nóng quá.
Vừa bước vào cửa phòng trong, thì tên Trung tá ập đến định thoi vào mặt tôi, răng hắn rít lại: “Đồ ngoan cố! Bắn bỏ mẹ nó đi!” - Tên Thứ trưởng Thông tin Văn hóa và tên Đại tá cùng một đám công an ùa vào phòng, vây quanh tôi. Tên đại tá mặt tái, nhìn thẳng vào mắt tôi gằn giọng:
- Anh định chơi trò gì đấy" Phá hoại hả" Lì lợm thật!
Tôi nghe có tiếng tiên Thứ trưởng chen vào:
- Giải quyết với nhà báo sao đây" Họ đặt nhiều câu hỏi lắm, các đồng chí phụ trách đang cho ghi cả mấy chục câu hỏi ngoài đấy!
Có một tên lớn tuổi, tóc bạc hớt ngắn, nhuộm răng đen, trông như nông dân, dằn mạnh tay tôi:
- Sao đấy, hôm trước họp báo trong nước đạt kế hoạch, còn hôm nay sao anh lại quay ngược vấn đề thế"
Tôi thản nhiên bước đến chỗ ghế salông ngồi xuống, ngửa lưng ra sau nhìn đám người càng lúc càng đông trong phòng. Lòng tôi bỗng băng giá, muốn thách thức đám hổ đói đang phùng mang trợn mắt trước sự kiện trở tay không kịp này. Có lẽ đây là lần đầu tiên tại Hà Nội, trước báo chí quốc tế, Cộng sản VN bị một vố đau như thế này. Tôi đã thành công vì họ đã khinh địch, chủ quan, kiêu ngạo cứ tưởng “tên ngụy” nào cũng tham sống sợ chết, đầu hàng vô điều kiện trước họng súng kẻ thù. Cảm tạ ơn Trời đã ban cho tôi những phút giây bình tĩnh đáng sống! Tôi cảm thấy thương và kính trọng mình. Tôi thấy mình lớn lên, vươn cao lên, như đang đứng trên mây nhìn xuống một đám lúc nhúc là bọn Việt Cộng.
Tên Thứ trưởng Lê Thành Công lại hỏi, không biết hỏi ai:
- Sao bây giờ" Nhà báo yêu cầu được nêu câu hỏi ngoài kia kìa!
Tôi chợt có ý nghĩ trong đầu: “Phải chơi thêm bọn này một vố nữa rồi tới đâu thì tới, bề nào cũng sắp chết rồi!” Tôi vội nhìn tên Đại tá và nói, rất trầm tĩnh:
- Các ông vội phê bình tôi như vậy là không đúng. Trong nghệ thuật tuyên truyền như các ông đã có nhiều kinh nghiệm, thì phải đi từng bước cho người ta tin chứ. Tôi mới bị bắt về, ra họp báo mà cầm giấy đọc thì ai tin. Tôi phải nói như vậy, đấy là bước một, còn bước thứ nhì tôi dự định nói là tôi ăn năn hối cải, đã giác ngộ cho nên xin đọc lời tuyên bố. Như vậy mới có lô gíc. Các ông cho tôi ra lại, tôi sẽ làm theo ý các ông, đọc bản tuyên bố và trả lời câu hỏi!
- Sao anh không thảo luận trước với chúng tôi" - tên Đại tá hỏi.
- Dạ, vì lúc nãy thấy các nhà báo nước ngoài đông quá, cho nên tôi phải tùy cơ ứng biến, miễn sao sẽ đạt được kết quả theo ý các ông, không ngờ các ông lại bảo vào!
Tên Đại tá kéo tên Thứ trưởng và một vài tên cán bộ khác vạch đám đông đi ra ngoài một lúc rồi vào lại. Hắn gật gù nói:
- Được rồi, cho phép anh ra lại. Nên nhớ là chúng tôi cầm mạng sống của anh trong tay đấy. Nếu tiếp tục ngoan cố thì liệu hồn.
Tôi im lặng đứng dậy. Có tiếng ồn ào vang khắp ngoài hội trường. Đám công an hướng dẫn tôi ra đứng lại chỗ cũ. Tên Đại tá và Thứ trưởng Thông tin đã ngồi vào bàn chủ tọa. Tôi nghe có tiếng máy vi âm vang lên:
- Yêu cầu các đồng chí giữ trật tự. Cho phép đối tượng trình bày tiếp và chuẩn bị trả lời các câu hỏi của báo chí.
Một số ký giả ngoại quốc đến đứng vây quanh tôi, còn một số khác thì đưa các tờ giấy có ghi câu hỏi lên bàn chủ tọa.
Tên Thứ trưởng nói tiếp qua máy:
- Có mấy chục câu hỏi được đặt ra, nhưng tập trung có ba vấn đề chính: - Yêu cầu đối tượng cho biết tên các nhân viên trong Cục Tình Báo Trung ương Mỹ có quan hệ với đối tượng trong kế hoạch xâm nhập về VN - Vai trò của bọn phản động trong chính quyền Thái Lan - Các cơ sở của cái gọi là kháng chiến trong nước hiện ở đâu, có quan hệ với nhóm phản động Phun Rô ở Tây Nguyên như thế nào" - Cho phép đối tượng trả lời.
Tôi không lưu ý nhiều đến các câu hỏi, đang tập trung tư tưởng vào những lời nói cuối cùng. Tôi nhìn quanh hội trường rồi nhìn thẳng vào đám ký giả ngoại quốc. Lần này tôi chậm rãi quan sát kỹ, thấy có ký giả Mỹ, Pháp, Nhật và tôi kín đáo nheo mắt mỉm cười một lần nữa rồi nói thật nhanh:
- Tôi đã nói với quý vị là tôi hành động hoàn toàn độc lập. Tôi mệt lắm rồi không thể trả lời các câu hỏi của quý vị. Xin vĩnh biệt! Cho tôi vĩnh biệt vợ con tôi, tôi đi vào cõi chết. Tôi mệt lắm rồi.
Tôi vừa kịp dứt lời thì cảm thấy hai cánh tay tôi bị ai bóp chặt và tôi bị lôi vào phòng trong. Đám ký giả ngoại quốc chạy ùa theo. Có tiếng xô xát, la hét gì đó vang lên. Tôi lắc đầu, một dòng mồ hôi chảy vào khóe mắt cay cay. Có ai đạp mạnh vào lưng tôi, suýt ngã quÿ. Chưa vào đến phòng thì có tiếng huyên náo và tôi lại bị lôi ra, đi ngược lại phòng họp báo và ra ngoài sân. Có tiếng xe nổ máy vang lên và tôi bị đẩy vào một chiếc xe du lịch. Có hai tên công an cầm súng ngắn chĩa vào hông ngồi kèm hai bên. Đàng trước là tài xế và một tên cán bộ nữa. Các tên công an đang cố quay kính xe lên, tiếng kêu rin rít.
Tôi chợt thấy một ký giả Nhật Bản chạy ào đến phía hông xe bên phải, đưa thẳng máy quay phim vào trong xe quay mặt tôi. Thụp! tên công an ngồi trong xe thu tay hất mạnh ống kính quay phim văng ra ngoài, người ký giả loạng choạng. Chiếc xe bóp còi inh ỏi lăn bánh. Một ký giả tây phương nằm dài ra trước đầu xe quay phim. Tôi thấy đám công an nhào đến kéo ông ta ra, thộp lấy máy, tiếng la hét, tiếng chân chạy rầm rập vang lên.
Tôi nhìn ra ngoài, kính cửa xe chưa quay lên hết, thấy lố nhố máy quay phim, máy chụp hình bao quanh xe. Tiếng tên cán bộ ngồi phía trước thét lên: “Vọt đi, cán bỏ mẹ chúng nó!” Xe chồm phía trước, tiếng bóp còi inh ỏi, đàng trước, đàng sau có mấy xe jeep và xe gắn máy cũng đang rồ ga, phun khói mù mịt cả một khu sân rộng.
Xe chạy ra cổng và lao vụt đi. Hai tên công an vẫn dí súng vào hông tôi, mặt đầy sát khí. Tôi im lặng, dường như tôi đang nhìn phố xá hai bên đường và mỉm cười.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.