Hôm nay,  

Hãy Vì Tương Lai Dân Tộc!

14/01/200300:00:00(Xem: 4352)
Cuộc chiến tương tàn giữa hai miền Bắc và Nam Việt Nam đã chấm dứt hơn 27 năm qua mà hậu quả của nó vẫn ảnh hưởng sâu xa đến đời sống tinh thần và vật chất của toàn thể dân Việt. Sách lược kinh tế hậu chiến thiếu linh động, thực tiễn và hợp thời đã không thể cải thiện nền "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" vốn suy thoái gấp bội sau năm 75 nên chúng ta không ngạc nhiên khi đến nay Việt Nam vẫn bị xếp trong nhóm quốc gia nghèo khổ nhất trên thế giới. Chính sách trả thù quân cán chính thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và gia đình họ khiến chế độ CSVN không thể thu phục nổi nhân tâm hầu tạo tình đoàn kết dân tộc. Quan trọng hơn nữa, chế độ đương quyền chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân, Đảng mà bóc lột nhân dân nên càng ngày Đảng càng xa dân chúng gây bất mãn cho dân chúng từ trong ra đến ngoài nước nên tập đoàn lãnh đạo phải dựa vào chính kẻ thù phương Bắc để tồn tại. Trước hiện tình đất nước suy vi và viễn ảnh một nước Trung Hoa đang nuôi mộng bá chủ Á Châu, lục quân diệu võ dương oai ngay bên kia biên giới phía Bắc và hạm đội của họ thao túng vùng biển Đông, xâm phạm lãnh hải, khiêu khích nước ta, dân Việt không khỏi tủi nhục trong lòng và thầm lo lắng cho tương lai dân tộc. Do đó, "muộn còn hơn không" công việc tái thiết quê hương thời hậu chiến phải là một kế hoạch chiến lược hàng đầu của toàn dân Việt nhắm vào những mục tiêu ưu tiên như đoàn kết dân tộc, tái lập trật tự xã hội cùng phát triển toàn diện quốc gia từ văn hóa, giáo dục, kinh tế cho đến chính trị và quân đội để xây dựng một quê hương hùng cường, sẵn sàng đập tan bất cứ một cuộc xâm lăng nào từ đâu đến.

Tiếp Nối Truyền Thống Hào Hùng Của Dân Tộc
Trong suốt gần 5 ngàn năm lịch sử, trải qua bao thăng trầm từ thuở còn là nước Văn Lang dựng nghiệp bên bờ phía Nam sông Dương Tử đến nay, bao nhiêu nền văn minh của nhân loại đã lần lượt đổi ngôi, bao nhiêu quốc gia đã thay nhau đổi chủ, dân Việt vẫn còn tồn tại trên chính mảnh đất VN hoặc tạm thời bôn ba hải ngoại. Sự tồn tại này nhờ vào chí bất khuất, khả năng sinh tồn của giống dòng cùng nhờ vào công nghiệp đấu tranh tự tồn của tổ tiên xuyên qua bao triều đại. Từ thuở dựng nước, chỉ vài ngàn người bộ tộc Bách Việt mà cai quản một giải giang sơn bao la do tổ phụ Lạc Long Quân và tổ mẫu Âu Cơ để lại. Hán tộc quá đông, quá mạnh đã đẩy giống Bách Việt dần xuống vùng Hoa Nam. Tần Thủy Hoàng khởi sự xâm chiếm đất Văn Lang, nuốt dần ba trong số bốn chi phái lớn tạo nên Bách Việt là Mân Việt, Đông Việt và Nam Việt. Chỉ còn Âu Lạc hay Lạc Việt tái tạo giang sơn trên giải đất gồm cả rừng núi Quảng Đông, Quảng Tây, vùng thượng du miền Bắc và lưu vực sông Hồng. Chẳng bao lâu đất nước ta lại bị nhà Hán chiếm cứ, lệ thuộc Hán luôn 10 thế kỷ. Dân tộc ta đã chịu bao cảnh bi phẫn làm kiếp tôi mọi cho đám quan lại Trung Quốc bóc lột hành hạ. Những sĩ phu có lòng yêu nước thì bị moi gan, mổ mật hay xiềng xích, gông cùm. Nhưng có bao giờ dân ta chịu khuất phục: những anh thư như bà Trưng, bà Triệu đã phất cờ nương tử đánh đuổi quân Hán, quân Ngô; bao anh hùng như Lý Bôn, Khúc Thừa Dụ, Dương Diên Nghệ vẫn nổi lên chống quân Bắc; Ngô Quyền thế cô mà khởi nghĩa đánh tan quân Hán dành lại độc lập năm 938. Tới khi đã khôi phục được đất nước thì những triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, với Đinh Bộ Lĩnh thống nhất nước Nam, Lý Thường Kiệt phạt Tống, Trần Quốc Tuấn bình Nguyên, Nguyễn Huệ phá Thanh và giấc mộng giành lại đất Lưỡng Quảng tưởng chừng sắp sửa thực hiện được nếu không bị dở dang vì đoản mệnh. Chấu Việt đá ngã xe Tống, quân Mông đi đến đâu, từ Á sang Âu thành bình địa, sao đại quân Nguyên ba lần thảm bại tại Việt Nam, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mà chạy" Nhân tài nước ta như sao trên trời, văn hóa nước ta như châu như ngọc đã khiến Bắc triều không dám coi thường dân Nam hoặc coi chúng ta như các rợ mà đãi sứ ta như quốc khách và chỉ nhờ bài thơ khẩu khí của cụ Trạng Giáp Hải đời nhà Mạc đã bãi binh một cuộc can qua giữa hai nước dưới triều Minh Thế Tông vào thế kỷ XVI.

Chúng ta đều cảm khái và luôn nhớ ơn công nghiệp tổ tiên trong suốt gần 50 thế kỷ lập nước và giữ nước. Lịch sử thăng trầm nhưng vô cùng kỳ thú và oai hùng của dòng Bách Việt đáng lẽ ra còn kiêu hùng gấp bội nếu nước ta không có những thời kỳ đen tối phải chịu cảnh nô lệ và mất hầu hết lãnh thổ trong gần một ngàn năm Bắc thuộc và rồi gần trăm năm bị Pháp đô hộ. Chắc chắn toàn dân ta không ai muốn lần nữa lại chịu cảnh tủi nhục, gục đầu sống kiếp nô lệ ngoại bang hoặc mang mặc cảm tự ti, cúi mặt sợ người biết mình là con dân một nước bần cùng, lạc hậu.

Tham Vọng Bá Chủ Á Châu Của Trung Quốc
Sau cuộc chiến tranh lạnh, chế độ Cộng Sản tại Nga Sô và Đông Âu sụp đổ do nền kinh tế kiệt quệ, thì Trung Quốc may mắn đã nhanh chân "xét lại" chính sách kinh tế trước cả Nga Sô để nghiễm nhiên trở thành nước lãnh đạo khối CS còn lại. Trung Quốc gửi tham vọng đi xa hơn thế khi khối dân 1.3 tỉ người có mãi lực càng ngày càng cao và quân đội ngày càng mạnh. Hi sinh 1 triệu quân để đối đầu với Hoa Kỳ trong tương lai chỉ là cái giá quá rẻ đối với họ nhằm giữ ngôi bá chủ Á Châu, tạo thế giằng co giữa hai siêu cường trong tương quan lực lượng thế giới mới. Hải Quân Trung Quốc đã được hiện-đại-hóa với nhiều chiến hạm, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm kiểu mới có vận tốc nhanh và trang bị hỏa tiễn tầm xa sẽ khống chế vùng biển Nam và Đông Hải để tạo chiếc dù bao che cả Á Châu dưới vòng cương tỏa của họ. Trong 2, 3 thập niên tới chờ đợi cơ hội và chuẩn bị lực lượng, Trung Quốc hiện nay cố tạo ảnh hưởng và áp lực kinh tế trên các nước trong vùng bằng cách xuất cảng ào ạt sản phẩm của họ vào các lân bang với giá rẻ mạt cạnh tranh với hàng nội địa. Tại Hoa lục, TQ thu hút phần lớn vốn đầu tư ngoại quốc do giá nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ khổng lồ và hệ thống giao thông tân tiến mới thiết lập. Họ đang viện trợ cho các nước nghèo trong số đó có Việt Nam để thiết lập quan hệ lâu dài dùng chính sách "cây gậy và củ cà rốt " mà siêu cường Hoa Kỳ áp dụng đối với họ để khống chế nước yếu. Thật khó nghĩ cho những nhà lãnh đạo của các quốc gia nghèo yếu vì biết rằng một khi nhận viện trợ "free" nhưng "bánh ít trao đi, bánh qui trao lại" nhiều khi còn mất luôn cả chủ quyền quốc gia nữa. Do đó, muốn tự tồn, muốn giữ nền tự chủ, muốn không phải nuốt nhục xin xỏ hay phải chịu lệ thuộc nước khác, Việt Nam phải là một nước hùng cường. Chẳng ai muốn đất nước suy vi, lạc hậu, nhân dân đói khổ để ngoại bang khinh miệt và lợi dụng cơ hội xâm lăng, tròng xiềng xích nô lệ vào cổ nhân dân ta như trước kia.

Không Ai Thương Nước Việt Bằng Chính Dân Việt
Vào cuối thế kỷ 18, Quang Trung Hoàng Đế thống nhất hai miền sau gần hai trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh và chiến thắng Đống Đa giữ vững được nền độc lập, khôi phục phần nào tinh thần tự chủ và niềm kiêu hãnh dân tộc thì nhà Nguyễn sau đó suy yếu để Pháp cai trị rồi đất nước lại bị chia đôi thêm 20 năm nữa. Cộng Sản âm mưu với Pháp chia đôi đất nước vì tin rằng chỉ hai năm sau Hiệp Định Genève 1954, họ có thể dễ dàng nuốt gọn cả nước qua một cuộc trưng cầu dân ý mà phần thắng họ chắc chắn nắm trong tay. Cộng Sản tiếp thu Bắc Việt vào cuối năm 1954, lập nên một chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân nhận trách nhiệm bành trướng chủ nghĩa CS trên thế giới từ Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế. Trong khi đó, kể từ ngày 26 tháng 10, 1954 miền Nam trở thành một nước độc lập Cộng Hòa theo Tổng Thống Chế và ngày 5 tháng 3, 1956 Quốc Hội VN ra đời soạn thảo Hiến Pháp riêng chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến. Thời hạn 2 năm sau Hiệp Định Genève để hai miền Bắc và Nam hợp lực tổ chức tổng-tuyển-cử đã không xảy ra vì nhiều lý do như hai khối Mỹ-Nga chưa quyết định tổ chức tổng-tuyển-cử, chính quyền CSBV kềm kẹp nhân dân, không cho nhân dân quyền tự do căn bản trong đó có quyền bầu phiếu, và chính quyền miền Nam còn trong giai đoạn phôi thai với guồng máy chính quyền và quân đội yếu kém mới chuyển giao từ người Pháp" Chủ ý từ đầu của Cộng Sản Bắc Việt là tuân hành sứ mệnh bành trướng chủ thuyết Cộng Sản do Nga-Hoa giao phó nên chẳng hề tôn trọng Hiệp Định Genève, đưa quân xâm lược Miền Nam. Nhận viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ để tự vệ, miền Nam cũng không tránh khỏi trở thành công cụ, tiền đồn chận làn sóng Đỏ cho Thế Giới Tự Do. Bề ngoài cả hai miền như là có tự chủ, nhưng đằng sau chính phủ của hai miền đều có bàn tay của các cường quốc giật giây, lèo lái. Bằng chủ thuyết CS ràng buộc các nước CS với nhau dưới sự chỉ đạo của Nga Sô, bằng liên hệ "môi hở răng lạnh" với Trung Hoa, nửa nước nhược tiểu Bắc Việt đã đành tâm làm tay sai cho Nga-Tàu gây cuộc chiến tương tàn tại Miền Nam hầu hi vọng thừa hưởng quyền làm chủ nhân cả nước sau này. Muốn kiện toàn guồng máy công quyền cùng chiến đấu tự vệ chống lại miền Bắc, nửa nước nhược tiểu Nam Việt cũng không thoát khỏi vòng kiềm tỏa của cường quốc Hoa Kỳ. Cả hai miền đã dùng những luận cứ bào chữa cho hành động vi phạm Hiệp Định Genève của mình mà tránh đề cập đến tình trạng bị lệ thuộc và chi phối từ các thế lực đứng sau. Là người Việt yêu quê hương, có ai không tủi nhục khi thấy nước ta phải chấp nhận quyết định vô cùng bất lợi như việc chia cắt đất nước năm 1954" Có ai hãnh diện về mối tương quan bất-bình-đẳng giữa miền Bắc với quan thầy Nga-Hoa hay miền Nam với đồng minh Hoa Kỳ" Có ai không bất bình khi thấy chính các cường quốc định đoạt tương lai đất nước ta bằng cách sắp đặt cấp lãnh đạo ở cả hai miền để tuân phục ý đồ của họ" Chính phủ miền Nam có chủ quyền gì trong Hội Nghị Ba Lê" Chính phủ Miền Bắc có tự chủ không khi phải ký giấy công nhận Đảo Hoàng Sa của Tàu" Cụ thể hơn, có người dân miền Nam nào không tủi nhục mỗi khi nghĩ đến chính đồng minh Hoa Kỳ đi đêm với Nga-Tàu, bán đứng miền Nam cho khối Cộng mà chẳng thèm để ý đến chính phủ miền Nam" Có người dân miền Bắc nào chẳng đau lòng mỗi khi nghĩ đến chồng con đã "sinh Bắc tử Nam" đi làm nghĩa vụ giết hại đồng bào ruột thịt vì lệnh của Cộng Sản Quốc Tế" Hiện nay, có người dân Việt nào không khỏi ngậm ngùi nhìn lên biên cương phía Bắc đang bị lục quân Trung Quốc gặm dần, dõi mắt về Đông chỉ thấy hải quân của họ tung hoành ngay trong vùng biển mẹ mà chính quyền CSVN chẳng dám hé môi" Chắc chắn chúng ta phải rút kinh nghiệm máu xương để tránh bị ngoại bang xử dụng sinh mạng nhân dân như những con chốt thí và dùng đất nước ta làm bãi chiến trường phục vụ quyền lợi của họ.

Lịch sử nước ta hào hùng quá đỗi, dân ta chẳng thiếu nhân tài, nên chi các nhà lãnh đạo hãy dựa vào khả năng, sức lực và trí tuệ của chính dân Việt hầu giữ vững chính nghĩa quốc gia, lập trường dân tộc. Người lãnh đạo không biết tủi nhục khi chủ quyền quốc gia bị mất và thể diện dân tộc bị xâm phạm mà chỉ vì quyền lợi đảng phái, cá nhân, xa rời dân chúng, phản bội giống dòng, bán nước cầu vinh, làm tay sai ngoại bang thì không thể tồn tại và lịch sử là nơi ngàn đời bia miệng.

Lo Cho Tương Lai Dân Tộc Như Thế Nào"
Một số bạn trẻ email hỏi tôi rằng: "Cháu muốn góp phần xây dựng quê hương cho tốt đẹp hơn, nhưng cháu không biết tin ai và phải làm gì"" Thật ra, nhiều người trong số chúng ta, hết lòng yêu quê hương và dư thiện chí làm việc nhưng ngại ngùng khi muốn thực sự xắn tay áo, dấn thân góp phần của mình xây dựng tương lai dân tộc cũng chính là tương lai của chúng ta và con cháu chúng ta. Lý do thật dễ hiểu: chưa có một tổ chức chân chính của dân Việt do nhân dân ủy nhiệm và yểm trợ được người lãnh đạo tài đức lèo lái để tạo dựng được niềm tin và thực lực thu hút những hiền nhân tham gia. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ mò mẫm trong đêm tối và lạc trong bóng đêm mù mịt. Phải có một điểm sáng làm chuẩn để chúng ta nhắm vào mà tiến đến. Có nghĩa rằng, chúng ta phải có một đường lối hoạt động dựa trên một kế hoạch chiến lược đúng đắn, thiết thực, thích hợp được mọi người chấp nhận để họ cùng tham gia góp sức. Chúng ta nên học kinh nghiệm đã trải qua trong lịch sử nước nhà hoặc từ các nước khác trên thế giới, căn cứ vào thực tế, hoàn cảnh, khả năng, nguồn liệu hiện có mà soạn một kế hoạch hoạt động chiến lược lâu dài. Thử xét về vài trường hợp tương tự với hoàn cảnh đất nước ta xem sao:

Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ
Cuộc nội chiến Hoa Kỳ kéo dài trong khoảng 4 năm (1861-1865) tiêu hủy tài nguyên xứ sở, giết hại gần 800 ngàn Bắc quân (Union) và Nam quân (Confederate soldiers) và làm thay đổi nước Mỹ hoàn toàn. Mặc dù chỉ 5 ngày sau khi cuộc nội chiến chấm dứt, Tổng Thống Abraham Lincoln bị một hung thủ người miền Nam tên John Wilks Booth ám sát khi ông đang theo dõi chương trình ca nhạc tại Hí Viện Fords tối ngày April 14, 1865, nhưng tinh thần và quyết tâm bảo toàn nguyên vẹn quốc gia Hoa Kỳ và bãi bỏ chế độ nô lệ tại miền Nam của ông vẫn được các vị tổng thống kế nhiệm theo đuổi. Bốn năm dài giết hại nhau như kẻ thù đã tạo nên hố nghi kỵ và ngăn cách sâu đậm trong đầu óc người dân cả hai miền nên việc cấp thiết sau cuộc nội chiến là hàn gắn những mất mát về sinh mạng, tinh thần cùng vật chất hầu tái thiết xứ sở thời hậu chiến. Thành phố, hệ thống giao thông, nhà cửa bị tàn phá nặng nề. Xã hội Hoa Kỳ bị phân hóa và đảo lộn vì hận thù, mất mát và nạn thất nghiệp do sự sa thải hầu hết số lính chiến đấu và dân da màu được giải phóng không có việc làm. Do đó, sự tái thiết sứ sở, hàn gắn vết thương do chiến tranh gây ra, động viên ý thức dân chủ đưa các tiểu bang miền Nam về thành một quốc gia như cũ được hoạch định một cách quy mô đòi hỏi tâm huyết, lòng nhân ái, tài chánh và quyết tâm của chính quyền lẫn người dân hai miền hầu có thể xóa bỏ hận thù đoàn kết dân tộc. Ngoài ngân khoản tái thiết lớn lao chuyển giao cho các tiểu bang, cắt giảm thuế má, chính phủ liên bang đã ban hành nhiều luật mới giúp xóa mờ những bất đồng hoặc tu-chính-án soạn thảo đặc biệt nhắm vào việc xây dựng lại xứ sở. Ba tu-chính-án quan trọng là tu-chính-án thứ 13, 14 và 15. Tu-chính-án thứ 13 bãi bỏ chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ và lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ. Tu-chính-án thứ 14 công nhận quyền công dân Mỹ của tất cả mọi người sinh trưởng hoặc thường trú lâu năm trên nước Mỹ và được quyền bảo vệ một cách đồng đều bởi Hiến Pháp và luật lệ Hoa Kỳ. Tu-chính-án thứ 15 ban cho mọi công dân không phân biệt giống dòng, màu da, quá khứ chính trị hoặc đảng phái phục vu quyền đi bầu phiếụ. Những tu-chính-án này, nói chung, đã cho phép người da màu được tự do, trở thành công dân Mỹ, được quyền tự do bầu phiếu và hưởng tất cả quyền lợi tương đương với mọi người dân Hoa Kỳ. Sau đó, Quốc Hội lại ban hành Đạo Luật Nhân Quyền (The Civil Right Act of 1866) cho phép chính quyền xử dụng quân đội liên bang để thực thi và chế tài những quyền này. Chính do quyết tâm của chính phủ liên bang cũng như tiểu bang và toàn dân mà chính sách đoàn kết dân tộc đã đạt được ngay sau cuộc tương tàn chấm dứt và dân chúng Hoa Kỳ đã cùng nhau hàn gắn những mất mát to lớn và phát triển đất nước trong thời gian kỷ lục để trở nên một cường quốc bậc nhất trên thế giới.
Trường Hợp Thống Nhất Nước Đức
Người dân Tây Đức đã tỏ ý chí sẵn sàng hi sinh để chu cấp người anh em Đông Đức khi niềm khao khát thống nhất hai miền Đông Đức và Tây Đức thành một quốc gia duy nhất trở thành hiện thực sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989. Dù vậy, sau khi thống nhất hai miền Đông và Tây vào năm 1990, nền kinh tế Tây Đức phồn thịnh vào hàng đầu tại Âu Châu phải chia sẻ gánh nặng của nền kinh tế kiệt quệ Đông Đức nên kế hoạch hội nhập hai miền chứng tỏ rất tốn kém và lâu dài hơn dân Đức nghĩ. Mặc dù không thể so sánh với Tây Đức, một nước có nền kinh tế phồn thịnh nhất nhì Âu Châu, trước kia Đông Đức là nước giàu nhất trong khối Cộng Sản. Thế mà sau khi thống nhất hai miền, nước Đức đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt. Ví dụ, với dân số phần đông cao tuổi kết hợp với nạn thất nghiệp cao đã gây nên thiếu hụt ngân sách về an sinh xã hội. Cấu trúc cứng ngắc về thị trường nhân công gồm cả những luật lao động khắc khe trong việc sa thải nhân công và ấn định mức lương theo tiêu chuẩn quốc gia đã khiến nạn thất nghiệp trở thành vấn đề kinh niên tại Đức. Hàng năm, ngân sách nước Đức đã chuyển khoảng 70 tỉ đô-la cho Đông Đức để thực thi kế hoạch quân bình mức sống dân Đức. Mặt khác, chính phủ đã cắt giảm thuế lợi tức và thuế thương vụ vào năm 2001 nhưng cũng khó thể tăng triển được các dịch vụ thương mãi trên thị trường thế giới hoặc kích động được nhu cầu tiêu thụ gia tăng tại quốc nội khi số người thất nghiệp lên cao. Nói chung, nền kinh tế Đức Quốc trong suốt thập niên 1990s tương đối suy yếu nhiều, dân Tây Đức nghèo hơn vì phải "thắt lưng buộc bụng." Một số dân Tây Đức công khai bày tỏ lòng bất mãn với nền kinh tế nước Đức, theo họ "việc thống nhất hai miền là sai lầm," nhưng chính phủ và đa số dân Đức không sờn lòng mà vẫn quyết tâm hi sinh để hiện-đại-hóa nền kinh tế và nâng cao mức sống dân Đông Đức. Hiện nay, nước Đức đang dần dần trở về ngôi vị cường quốc kinh tế tại Âu Châu và không lâu, một nước Đức không còn phân cách sẽ trở nên phú cường hơn bao giờ hết.

Trường Hợp Thống Nhất Việt Nam
Tại Việt Nam, sau khi thống nhất hai miền năm 1975, tình trạng đất nước suy vi về mọi mặt do cuộc chiến dai dẳng là vấn đề chính mà chính phủ phải giải quyết. Tuy nhiên, khác thể chế dân chủ tại Hoa Kỳ và nước Đức, Việt Nam áp dụng Chủ Thuyết Cộng Sản theo chính sách kinh tế chỉ huy cho phép chính quyền mới quốc-hữu-hóa tất cả những cơ sở kỹ nghệ và công nghệ sản xuất, mở hàng ngàn công ty quốc doanh và chỉ cho phần rất nhỏ tư nhân làm chủ các tiểu thương. Do đó, chính quyền CSVN không những phải quân bình mức sống khác biệt quá lớn giữa hai miền Nam và Bắc mà còn gặp bao khó khăn nan giải do nền kinh tế chỉ huy mang lại như sự thất bại của các công ty quốc doanh khiến tài chánh thiếu hụt, hệ thống giao thông lạc hậu thêm luật lệ đầu tư bất nhất đưa đến sự giảm sút phần lớn số vốn đầu tư của ngoại quốc, nạn tham nhũng vô phương cứu chữa khiến ngân quỹ quốc gia thất thoát, thiếu kiểm soát và săn sóc quyền lợi nhân công nên khó thúc đẩy nhân công sản xuất và nâng cao phẩm chất hàng hóa, thiếu chuyên viên mọi ngành nghề về kỹ nghệ nặng và cao kỹ, v.v. Về chính trị, chế độ CSVN đã phạm một sai lầm lớn khi, thay vì hàn gắn những đau thương do chiến tranh họ gây ra để chinh phục nhân tâm, đoàn kết dân tộc thì lại đưa ra kế hoạch tù đầy, cải tạo quân dân miền Nam để trả thù và mong trừ hậu hoạn. Thêm vào đó, chính sách đối ngoại thiếu khôn khéo đã dẫn đến cuộc xâm chiếm Cao Miên năm 1977 và rồi chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979 hao tổn thêm nhân mạng và tài sản cần cho sự kiến thiết quốc gia thời hậu chiến. Chính quyền CSVN hãy rút kinh nghiệm từ quá khứ, sống vì hiện tại và chuẩn bị cho tương lai dân tộc chứ đừng khư khư ôm lấy quá khứ mà quên đi trách nhiệm, bổn phận đối với quê hương trong hiện tại hoặc chỉ hưởng thụ, phá nát kỷ cương, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà chối bỏ tương lai. Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền CSVN đối với toàn dân từ quốc nội đến hải ngoại hiện nay là: thu phục nhân tâm để đoàn kết dân tộc, cai trị đất nước theo chính nghĩa quốc gia, dựa vào dân để giữ vững lập trường dân tộc, bảo vệ quê hương. Được như vậy, toàn dân mới nô nức làm việc đóng góp phần mình để vừa được hưởng đời sống tiện nghi, sung túc vừa góp phần phát triển quê hương. Một cách cụ thể, không những chính quyền phải can đảm thay đổi chính sách trị nước mà lớp sĩ phu trí thức và nhân dân cũng phải thành tâm góp phần của mình xóa bỏ hận thù, đoàn kết dân tộc, phát triển quốc gia hầu cải thiện hoàn cảnh u tối của đất nước hiện nay.

Nhiệm Vụ Của Chính Quyền CSVN


Chính quyền phải thực thi chính sách xóa bỏ hận thù để đoàn kết dân tộc, đừng cố chấp, câu nệ mà hãy can đảm chấp nhận thay đổi tư tưởng, thái độ, quan niệm, thành kiến để hướng tầm nhìn xa hơn, bao quát trên toàn thể đất nước và dân tộc chứ không vì quyền lợi một nhóm lãnh tụ, Đảng cầm quyền hay một cá nhân nào. Nếu không thể đoàn kết dân tộc hầu phát triển quốc gia một cách hiệu quả, chính quyền coi như thất bại trong chính sách "trị nước, chăn dân." Đành rằng, thù hận suốt 20 năm tương tàn, sự phân hóa xã hội phát sinh do từ khác biệt giữa ý-thức-hệ, chính kiến, hận thù khó mà gột bỏ ngay được, nhưng thẳng thắn mà nói: "tình đoàn kết dân tộc đã có thể đạt được trong một thời gian ngắn nhất nếu như chính quyền CSVN sau khi thống nhất được hai miền cho thi hành một chính sách thích đáng rút kinh nghiệm từ cuộc nội chiến Hoa Kỳ và thống nhất nước Đức." Chính sách này đòi hỏi chính phủ phải đề ra một kế hoạch dùng tình yêu quê hương dân tộc để cải thiện tình trạng phân hóa xã hội, hàn gắn tình người, phát triển toàn diện đất nước thời hậu chiến mà đắc-nhân-tâm là điều kiện tiên quyết giúp chính quyền và nhân dân cùng hợp tác thi hành.

Sau cuộc chiến, đáng lẽ người dân mong ước nhìn thấy những cảnh tượng cảm động khi hai miền đất nước lần nữa được nối liền thành một quốc gia duy nhất thì lại đau lòng nhìn gia đình tan nát kẻ vượt biên, người cải tạo. Đáng lẽ ra người dân phải được thấy cảnh tượng "tay bắt mặt mừng" giữa thân bằng quyến thuộc mà bao năm đất nước chia đôi đã ngăn cách tâm tình họ, nhưng người thì ngỡ ngàng, kẻ vỡ mộng khi nhìn tận mắt sự khác biệt giữa hai miền, hai chế độ. Đáng lẽ chính quyền CSVN phải rút kinh nghiệm quý báu từ bài học lịch sử của cuộc nội chiến Hoa Kỳ, cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn và cuộc thảm sát tương tàn vừa chấm dứt để cùng toàn dân nỗ lực tìm cách hàn gắn những đổ vỡ, đau thương, ly tán do chính họ gây ra. Lịch sử sẽ luận "công hay tội" nhưng kẻ thắng người thua cũng cùng giống dòng dân Việt, chúng ta phải an ủi, giúp đỡ nhau trong tinh thần tương kính, xóa bỏ hận thù, tha thứ những lầm lỗi, quên đi những đau khổ, bù đắp những mất mát thiệt hại tinh thần, vật chất đã gây cho nhau trong suốt cuộc chiến để cùng nhau góp phần, một mặt hàn gắn vết thương chiến tranh, mặt khác phát triển kinh tế của đất nước thời hậu chiến. Thực tế đã không xảy ra như vậy mà ngược lại, thành phần quân cán chính thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã bị ngược đãi, trả thù, hành hạ qua chính sách cải tạo tù đày, kinh tế mới, v.v. Sau đó, kẻ chiến thắng đã ngạo nghễ hưởng thụ trên sự khốn cùng của nhân dân, vơ vét tài sản quốc gia và dân chúng qua những cuộc đổi tiền, đánh tư sản, gây chia rẽ giữa người Việt và Hoa kiều, gây hấn với Cao Miên, Trung Quốc, v.v. Chỉ khi nào từ kẻ cầm quyền cho đến người dân đều chân thành thực hiện một cách đúng đắn câu châm ngôn xử thế dùng chinh phục nhân tâm và xóa bỏ hận thù để đoàn kết dân tộc trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi như kim-chỉ-nam:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo.
và thành tâm "forgive và forget" thì dân ta mới dễ dàng yêu thương nhau lại được. Muốn thực thi tư tưởng "đại nghĩa, chí nhân" ấy, chế độ cầm quyền phải thật lòng "yêu nước, thương dân," dùng chính sách vương đạo thu phục nhân tâm như cho toàn dân được hưởng đời sống tự do với đầy đủ quyền làm người và giúp dân chúng tái tạo hạnh phúc của họ. Đành rằng dân chủ, tự do, nhân quyền là những danh từ dùng định nghĩa một tình trạng, lý thuyết hành động sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không thể dẫn quốc gia đến mức tiến bộ, phát triển đất nước cho người dân được hưởng kết quả cụ thể tốt hơn trong đời sống hay bảo tồn và phát huy được truyền thống tốt đẹp của giống dòng. Chúng ta không cần rập khuôn bất cứ lý thuyết nào nếu nó không thích hợp với hoàn cảnh đất nước. Chúng ta cũng hiểu rằng mức độ tự do, dân chủ có thể thay đổi tùy theo dân trí, hoàn cảnh quốc gia; tuy nhiên, những quyền căn bản làm người thật sự cần thiết cho bất cứ người dân văn minh nào. Do đó, nhân quyền không thể thiếu hay bị giới hạn trong một nước văn minh tiến bộ mà chỉ nên trừng phạt những người lạm dụng thể chế tự do, dân chủ và nhân quyền để phá hoại chế độ hay hưởng lợi riêng. Thiết thực hơn, chính quyền CSVN hãy trả lại tất cả quyền làm người cho dân Việt, cho người dân sống tự do thoải mái nhưng sẽ trừng phạt nghiêm khắc những kẻ xấu lạm dụng tự do để giết người cướp của, bán bí mật quốc gia cho ngoại bang, phá hoại tài sản quốc gia, v.v. Tùy hoàn cảnh quốc gia, nhân dân chấp nhận được một thứ tự do và dân chủ có điều kiện hay nói khác hơn, được kiểm soát, chế tài nghiêm nhặt và người dân sẽ không thể khiếu nại hoặc đối kháng chế độ vì lý do không có quyền làm người. Điều này có nghĩa là thưởng những công dân lương thiện với tất cả những quyền lợi căn bản mà người dân xứng đáng được hưởng và trừng phạt nặng nề những phần tử xấu lạm dụng thể chế để phá hoại hoặc làm phương hại đến an ninh quốc gia, tài sản công cộng và sinh mạng dân chúng. Hãy để người dân đi bầu chọn người tài đức đại diện họ hoặc lãnh đạo đất nước mà trừng phạt nặng nề kẻ phá hoại cuộc bầu cử, gian lận đếm phiếu! Hãy cho người dân quyền tự do tư tưởng, tự do diễn đạt quan niệm, ý nghĩ bằng ngôn ngữ, văn từ nhưng trừng phạt việc phỉ báng cấp lãnh đạo vô căn cứ, cấm hẳn việc đốt quốc kỳ! Hãy để người dân tự do tín ngưỡng, thờ phượng theo tôn giáo họ tin mà cấm những điều mê tín dị đoan gạt gẫm dân chúng hay trừng phạt kẻ lợi dụng tôn giáo làm điều càn bậy! Nếu chính quyền không thể thực thi sách lược trị nước chăn dân theo vương đạo thì chính quyền không xứng đáng lãnh đạo nhân dân vì cố tình chối bỏ điều ngay lẽ phải, bất cần nhân tâm, cố tình quay lưng lại chính nghĩa quốc gia hay xây dựng đất nước dựa trên lập trường của dân tộc. Nếu là vậy, cấp lãnh đạo cũng đừng quên rằng "thượng bất chánh hạ tắc loạn."

Nhiệm Vụ Của Giới Sĩ Phu Trí Thức
Sĩ phu trí thức có tâm huyết, tài đức phải dấn thân, hướng dẫn lớp trẻ theo đúng đường lối căn cứ vào chính nghĩa quốc gia và lập trường dân tộc chứ không vì quyền lợi đảng phái hoặc cá nhân. Tất cả hoạt động mà các đoàn thể và nhân dân nhắm đến phải nhằm vào mục tiêu xây dựng quốc gia, dân tộc trong kế hoạch xây dựng tương lai lâu dài mà không nhắm mắt phù thời, phù kẻ bá đạo hay mưu đồ tư lợi cá nhân. Vài ví dụ sau đây tỏ rõ trách nhiệm này hơn. Lớp thanh niên thuộc phong trào Văn Thân và Cần Vương chủ trương dùng bạo lực để đối đầu với thần công, chiến hạm của Pháp nhưng thực lực của ta quá yếu để tạo nên những chiến thắng cần thiết. Đến đầu thế kỷ XX, những sĩ phu yêu nước hoạt động chống Pháp dưới triều Tự Đức và Hàm Nghi đã nằm xuống thì các lớp trẻ hơn tiến lên như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng, v.v. Các sĩ phu trẻ này nhiễm tư tưởng canh tân tiến bộ của các nhà cách mạng tây phương như Montesquieu, Rousseau hoặc của các nhà nho cấp tiến Trung Quốc thời bấy giờ như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, đặc biệt là cuộc duy tân tự cường của Minh Trị Thiên Hoàng và các nhà trí thức Nhật Bản cuối thế kỷ XIX. Các nhà cách mạng trẻ VN đã nhận định rằng, chủ trương bạo động chống Pháp khó thể tạo nên ảnh hưởng và áp lực thay đổi chính sách thực dân của Pháp nên thay đổi phương cách đấu tranh: nâng cao dân trí, bỏ chủ trương dùng bạo lực mà vận động chính trị làm phương tiện tạo áp lực cho một giải pháp tại VN. Các sĩ phu thời đó can đảm nhận trách nhiệm của những nhà lãnh đạo dân tộc chân chính, lo lắng cho tương lai dân tộc cương quyết dấn thân hành động để thay đổi hoàn cảnh đất nước. Khoảng năm 1904-1905, cụ Phan Bội Châu cùng các đồng chí thành lập Việt Nam Quang Phục Hội tại Quảng Nam rồi bí mật cùng với cụ Tăng Bạt Hổ đưa cụ Cường Để qua Nhật vận động với chính khách Nhật. Cụ Phan cũng bí mật đưa một số thanh niên sang Nhật thụ huấn tại trường quân sự lớn nhất của Nhật thuở ấy là Trấn Võ Học Hiệu ở Đông Kinh, nhưng phần đông các thanh niên Việt Nam được đưa sang thụ huấn tại trường Võ Bị Hoàng Phố, Bảo Định và các trường Lục Quân Học Hiệu tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Các sĩ phu Việt Nam hi vọng rằng số thanh niên xuất dương du học tại Nhật và Trung Quốc trong phong trào mệnh danh Đông Du này, sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành những cán bộ đầy đủ khả năng cần thiết cho việc canh tân đất nước, dành lại độc lập và xây dựng quốc gia sau này. Song song với Phong Trào Đông Du, bắt chước ông Phúc Trạch của Nhật mở Khánh Ưng Nghĩa Thục để giáo dục dân Nhật theo đường lối cấp tiến, các nhà cách mạng trong nước như Nguyễn Quyền, Lương Ngọc Can, Đào Nguyên Phổ, Dương Bá Trạc thành lập Phong Trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Thật ra, ngoài nhiệm vụ bề mặt là giáo dục dân Việt, bên trong, Đông Kinh Nghĩa Thục còn nhiệm vụ bí mật là gây quỹ, tuyên truyền cổ động việc phục quốc, liên lạc với các đồng chí hải ngoại và duy trì đường dây đưa thanh niên xuất ngoại. Chính vì thế, Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ hoạt động được hơn một năm, bắt đầu từ năm 1907 qua năm sau thì bị chính phủ Bảo Hộ đóng cửa vì tạo nhiều tiếng vang khiến Pháp lo ngại và nhúng tay vào vụ đầu độc lính Pháp tại trại lính ở Hà Nội.

Nhiệm Vụ Của Toàn Dân
Những gì đã xảy ra trên quê hương VN thì cũng đã xảy ra rồi, toàn dân đều biết rõ ràng, trắng đen, người có công kẻ có tội chúng ta hãy để lịch sử phán xét một cách công minh. Chính sách "xóa bỏ hận thù" đã không xảy ra như nhân dân mong muốn và hận thù vẫn ngun ngút trong lòng nhiều người dân Việt quốc nội hay hải ngoại. 27 năm đã trôi qua một cách phí phạm, thật ra, hận thù đang dần dần nhạt nhòa đi và nhiều người Việt hải ngoại đã trở về quê hương thăm viếng, buôn bán hoặc lập nghiệp. Ngược lại, chính quyền CSVN cũng tìm đủ cách để cố gắng nối liền "khúc ruột ngàn dặm" hải ngoại với xương thịt Việt Nam dưới hình thức giao lưu văn hóa, trình diễn văn nghệ cổ truyền, "tham quan," v.v. Tuy nhiên, người Việt hiểu biết đều nhận thấy ngay chế độ CSVN có thiện chí thành tâm muốn đoàn kết và phục vụ người Việt hải ngoại hay không. Nếu thành tâm, CSVN không giở trò phá hoại tình đoàn kết cộng đồng bằng cách cho gián điệp trà trộn vào phá hoại, chia rẽ cộng đồng. Nếu thành tâm phục vụ cộng đồng để thu phục nhân tâm, CSVN đã chẳng dùng những kẻ bất lương, xảo quyệt như tay sai làm chuyện bất chánh, lường gạt đồng bào. CSVN có thể phân hóa tình đoàn kết cộng đồng phần nào nhưng bị "phản ứng ngược" gây hậu quả bất lợi và làm mất uy tín của Đảng cùng chế độ cầm quyền nhiều hơn. Đồng bào hải ngoại không những tăng thêm ác cảm đối với chế độ vì những hành động tiểu nhân, đê hèn của đám tay sai đang "múa gậy vườn hoang" tại hải ngoại mà còn cảnh giác hơn đối với thiện chí của người CS. Một số người hải ngoại "tham danh hám lợi," "đón gió trở cờ" hoặc bất cần nhân phẩm sẽ "theo đóm ăn tàn" nhưng phần đông là người hiểu biết chẳng khi nào chịu quỵ lụy vì họ còn sĩ khí, nhân cách và danh dự con người. Hãy thành tâm thi hành kế hoạch đoàn kết dân tộc bằng vương đạo, chân thành đối thoại công khai, chính thức với cộng đồng hải ngoại, đối xử với nhau trong tình tương thân, tương kính, phục vụ đồng bào trong nước cũng như đồng bào ngoài nước với lòng "yêu nước, thương dân" thì "gỗ đá cũng phải cảm động" chứ nói chi đến con người. Đừng cậy thế, cậy quyền của kẻ đang nắm quyền bính trong tay mà coi nhân dân như nô lệ, áp dụng bạo lực để kềm kẹp những người tâm huyết, yêu quê hương chân chính như đám quan lại ngoại bang thời Bắc thuộc hoặc thời Pháp bảo hộ vì chỉ "đổ dầu vào lửa," khơi thêm sự căm phẫn của người dân mà thôi.

Hãy Vì Tương lai Dân Tộc
Chắc chắn không người Việt Nam nào tán thành cuộc chiến tương tàn 1954-1975 từ căn bản: anh em giết hại nhau vì quyền lợi của các cường quốc: Bắc Việt làm tay sai Cộng Sản Quốc Tế bành trường chủ nghĩa CS xuống miền Nam và chính phủ miền Nam phải chịu sự khống chế của đồng minh Hoa Kỳ hầu nhận viện trợ để chiến đấu tự vệ. Không may cho dân Việt, cuộc chiến đau thương phi lý, có thể tránh được, đã xảy ra khiến cho hận thù chồng chất, xã hội phân hóa cùng cực, sinh mạng và tài sản nhân dân mất mát quá lớn khiến chúng ta khó thay đổi quan niệm, ý-thức-hệ, thành kiến, cải thiện đời sống hầu xóa nhòa lòng thù hận, tha thứ cho nhau, chấp nhận nhau như bằng hữu trong tình yêu thương và tin cậy. Trách nhiệm gây nên cuộc chiến "nồi da xáo thịt" đối với lịch sử và quốc dân những người lãnh đạo phải nhận chịu, nhưng toàn dân không thể an phận, thụ động khoanh tay để nhóm lãnh đạo thiếu tài đức đưa dân tộc xuống hố thẳm lạc hậu, bần cùng. Hãy nghĩ đến tương lai dân Việt, giang sơn và lịch sử nước Việt rồi hãy cùng nhau hành động, có lẽ chúng ta dễ cảm thông và tha thứ cho nhau hơn. Nói dễ hơn làm, kế hoạch dù sáng suốt, hợp lý đến đâu, ngân quỹ có dồi dào cách mấy mà chính quyền thiếu quyết tâm và nhân dân thiếu thiện chí thay đổi chính tư tưởng, quan niệm, thành kiến của mình thì chính sách xóa bỏ hận thù, đoàn kết dân tộc cũng khó thực hiện thành công. Toàn dân ta cũng nhận chân nhiều thực tế còn hiện hữu hầu có cái nhìn phóng khoáng, thái độ thích hợp, lòng bao dung cao độ trong khi tìm cách đoàn kết dân tộc. Trước tiên, hãy để lịch sử luận "công và tội" những người trách nhiệm gây nên cuộc chiến, việc thực tế chúng ta có thể làm là tự cùng nhau hàn gắn vết thương do chiến tranh để lại. Đất nước đã chia đôi ngoài ý muốn của dân ta, cuộc chiến giết hại hơn 2 triệu người và làm tài sản quốc gia kiệt quệ; thêm vào đó chúng ta đã phí phạm hơn phần tư thế kỷ mà không thể xóa bỏ được hận thù đối với nhau. Trách nhiệm này phải do chính quyền CSVN gánh chịu nhiều nhất và chính người dân cũng không khỏi có trách nhiệm phần nào. Tại sao ư" Tại vì chúng ta vẫn chưa nguôi thù hận do từ mặc cảm kẻ thua, lòng kiêu ngạo của kẻ thắng dù rằng ai cũng biết rằng miền Bắc đã được giàn xếp cho thắng trận và cả hai miền đều chỉ là công cụ của hai thế lực đại cường. Tại sao nữa ư" Tại vì nhân dân ta, nói chung, tự phân ra hai thành phần chính: Quốc Gia và Cộng Sản. Đó là một thực tế! Tuy nhiên, không lẽ toàn dân ta để cho cái bóng ma thể chế chính trị đó ám ảnh ta đến bao giờ" Chúng ta đã chém giết nhau suốt 20 năm, thêm 27 năm nữa qua rồi chưa đủ sao hay muốn phí phạm thêm vài thế hệ cho đến đời cháu, chắt chúng ta họa may trong tiềm thức chúng mới không còn hình ảnh, âm thanh, nỗi đau, lòng thù hận, dư âm của cuộc chiến tương tàn nữa, lúc đó chúng sẽ đoàn kết dân tộc hay sao" Không thể như thế! Một ngày sống tích cực "productive" là một ngày sống đầy ý nghĩa, hãy cố gắng sống xứng đáng, bình dị, đối xử chân tình với nhau mỗi ngày, đừng kỳ thị Quốc hay Cộng mà nên phân biệt chánh hay tà, tốt hay xấu! Thực tế nữa là chế độ CS đang nắm quyền tại VN, cán bộ gộc tham nhũng, nhân dân không có tự do, dân chủ và nhân quyền; vả lại, 80% dân chúng ở mức nghèo khổ, chúng ta đành đoạn sống đời thừa mứa nơi đây nhìn đồng bào ta bị cùm kẹp, áp bức, tù đầy, sát hại nơi quê nhà hay sao" Chỉ cần người Việt hải ngoại ngưng gửi tiền về giúp thân nhân trong một năm thôi: thiếu 2 tỉ đô-la, chế độ CSVN sẽ khốn đốn! Thế nhưng, tình gia tộc, bằng hữu, láng giềng, quê hương có cho phép chúng ta đành lòng ngoảnh mặt không" Chúng ta hãy tự trách mình vì đã, đang và sẽ còn nuôi sống chế độ CS lâu dài thế mà tại sao chúng ta không thể xóa bỏ lòng hận thù, hồi sinh chính tâm hồn, tư tưởng, cuộc đời ta để chuỗi ngày tàn của ta thêm tươi đẹp và ý nghĩa hơn" Thực tế nữa là TC đang đe dọa nền an ninh quốc gia và tương lai dân Việt. Chắc chắn chúng ta không thể "điềm nhiên tọa thị" nhìn kẻ thù phương Bắc chiếm đất và cai trị dân ta như "Giao Chỉ Quận" vào thời Hán" Nếu vậy, đợi đến lúc đó chúng ta mới xóa bỏ hận thù để đồng tâm hiệp lực chống lại kẻ xâm lăng hay sao" Có thể đã quá muộn! Còn nữa, dân Việt hải ngoại có dư khả năng, khối óc, dù thiếu đoàn kết và thực lực quân sự đối kháng với CSVN, chúng ta vẫn có thể tạo đủ áp lực bắt buộc chế độ CSVN phải thay đổi chính sách trị nước chăn dân như cho nhân dân quyền làm người với đời sống tự do no ấm. Muốn thế, chúng ta phải hành động tích cực, dấn thân vừa phục vụ cộng đồng hải ngoại vừa đấu tranh đòi hỏi chế độ CSVN thay đổi. Chúng ta không cần thiết "bỏ mồi bắt bóng" hi sinh cả đời sống cá nhân, gia đình, con cái cho một điều "không tưởng." Nghĩa là chúng ta vẫn tiếp tục mưu sinh, săn sóc gia đình như bình thường, chỉ dành thì giờ theo đuổi lý tưởng của ta: tích cực tranh đấu cho tự do trên quê hương. Chẳng ai bắt buộc chúng ta phải mua lấy hư danh hay trở về quê hương quỵ lụy CSVN xin phục vụ dân tộc cả. Dù sống nơi đâu, nếu có lòng yêu quê hương chân chính, chúng ta đều có thể làm nhiều việc "ích quốc, lợi dân" góp phần xây dựng đất nước mà vẫn giữ được nhân cách con người, lại chẳng phải "chui vào rọ" cho người khinh khi là "hàng thần lơ láo" làm gì. Nếu chế độ CSVN thật lòng vì dân vì nước, người dân nào cũng có bổn phận hợp tác với họ cùng phục vụ quê hương; nếu không, sống đời tự do thực hiện "tang bồng hồ thỉ nam nhi chí" há chẳng sung sướng và thoải mái hơn sao" Còn quá nhiều vấn nạn khác, nhưng toàn dân Việt, Nam hay Bắc, từ quốc nội cho đến hải ngoại cũng dòng giống Việt, phải nên một lòng xóa bỏ hận thù, hàn gắn thương tích tinh thần để cùng góp phần xây dựng lại cuộc đời của chính mình, chuẩn bị cho tương lai con cháu và bồi đắp tương lai đất nước. Chúng ta hi vọng những nhà lãnh đạo CSVN nghiêm chỉnh ý thức trách nhiệm của họ mà "yêu nước, thương dân" hiểu được tâm tư người dân hầu có thể hành động vì lẽ phải, vì tương lai giống nòi. Cấp lãnh đạo ở triều đại nào, thuộc thể chế chính trị nào cũng không thể bất chấp đến khát vọng người dân là: "được sống đời ấm no hạnh phúc trên mảnh đất quê cha đất tổ và được hưởng đầy đủ quyền làm người." Cấp lãnh đạo thành tâm "yêu nước, thương dân" không thể vụ lợi cho đảng phái, cá nhân hoặc xử dụng bạo lực ức hiếp dân lành. Thời Thượng Cổ bên Trung Hoa, Vua Nghiêu vua Thuấn không nhường ngôi cho con mà chỉ truyền ngôi cho người hiền vì quan niệm "thiên đạo," lấy thiên hạ làm đại nghĩa. Mỗi khi có tai trời ách nước xảy ra mang tai họa, khốn khổ cho dân chúng, nhà Vua tự nhận lỗi ở mình, bày hương án tế cáo ăn năn cùng trời đất, nhân dân và xin sửa đổi chính sách trị nước. Cấp lãnh đạo không coi quốc dân là tôi mọi, độc quyền sinh sát mà thương dân như con. Tiếc thay, càng ngày những người lãnh đạo tài đức có lòng thành như vua Nghiêu vua Thuấn của tộc Hán, Lý Thánh Tông của tộc Việt và St. Louis của Pháp càng hiếm hoi mà những người bạo tàn như Kiệt, Trụ bên Trung Hoa, Lê Long Đĩnh ở Việt Nam hoặc Néron của La Mã và Hitler của Đức thì nhiều. Những nhà lãnh đạo một quốc gia do dân mà có, nếu khi cầm quyền họ lại coi mình như con Trời, con Chúa, coi rẻ nhân dân, bóc lột người dân, hưởng thụ trên sự đau khổ của dân chúng, hãy tin rằng: "chẳng sớm cũng muộn sẽ bị chính nhân dân đạp đổ." Bạo quyền dù có trong tay trăm vạn hùng binh, hàng triệu công an, xe tăng đại pháo và dù có xây Vạn Lý Trường Thành quanh mình cũng khó thể bảo vệ được ngai vàng, nghiệp bá một khi nhân dân đứng dậy quyết cởi bỏ gông cùm áp bức.

Tóm lại, chúng ta không câu nệ, cố chấp hay đố kỵ nhưng có nhân-sinh-quan sáng suốt, lập trường chính trị vững vàng và chỉ đáp ứng khi nào chính quyền CSVN thật tâm lo lắng cho tương lai đất nước, thực hiện kế hoạch đoàn kết dân tộc. Nếu không, chúng ta có thể thẳng thắn nói với họ rằng: "Chánh, tà đối với những người yêu quê hương chân chính thật rõ ràng _ Đường ngay nẻo chính phải là con đường dân tộc ta chọn đi, chính nghĩa quốc gia phải sáng ngời như mặt nhật thì mọi người mới tin tưởng, nhân dân phải là yếu tố quan trọng nhất lập thành quốc gia, kế hoạch hành động phải thích hợp, đúng đắn, quang minh chính đại mới mang tính thuyết phục và có người lãnh đạo tài đức thì chẳng lo thiếu tôi hiền." Nếu hành động của chính quyền cũng như nhân dân ta trái ngược với những điều căn bản phải có nêu trên, chúng ta tin rằng: "những tấm lòng yêu quê hương chân thật sẽ tụ lại với nhau thành giòng thác cách mạng phế bỏ bạo quyền, đưa dân tộc trở về con đường ngay chính, hành xử theo vương đạo, dựa trên lập trường dân tộc, bảo vệ quê hương, săn sóc đời sống người dân và phát huy truyền thống dân Việt." Toàn dân ta sẽ cùng nhau làm nên lịch sử, những trang sử vẻ vang kiêu hãnh chứ không u ám, buồn tủi như vài trang trong pho sử oai hùng và bất khuất của dân tộc.

Phạm Văn Thanh
Jan 10, 2003
VnhfThanhPham@aol.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.