Hôm nay,  

Bao Giờ Netanyahu Nhập Cuộc?

12/08/200600:00:00(Xem: 2255)

Ngay giữa cuộc chiến, có khi dân Do Thái sẽ chọn Thủ tướng khác.

Một tháng sau khi Israel mở cuộc phản công chống lại lực lượng Hezbollah, không phải chỉ có thế giới mới không hiểu là chuyện gì đang xảy ra tại Lebanon. Người Do Thái cũng vậy.

Và sau khi mạnh mẽ ủng hộ chính quyền của Thủ tướng Ehud Olmert, họ bắt đầu đặt vấn đề.

Trong lịch sử của quốc gia Israel, từ 1948 đến nay, quân lực Do Thái đã phải đối đầu với nhiều cuộc chiến nhưng đều thắng lớn, và thắng trong chớp nhoáng. Cuộc chiến năm 1967 kết thúc trong sáu ngày. Năm 1973, bị Egypt và Syria bất ngờ tấn công, quân Do Thái đã đánh bại kẻ thù trong 20 ngày. Lần này, kẻ thù không phải là một hay nhiều quốc gia Á Rập với các đơn vị chính quy mà là một lực lượng "quân chính", vừa khủng bố, vừa đánh du kích, lại vừa phát huy đạo pháp theo xu hướng cực đoan nhất, qua rất nhiều chương trình xã hội, giáo dục và chính trị.

Lực lượng Hezbollah là một đối thủ bất ngờ - một thất bại về tình báo của Israel - và một đối thủ có khả năng ứng biến cao, lại được trang bị đầy đủ và đã hiểu rõ kỹ thuật tác chiến của Israel.

Thủ tướng Ehud Olmert được dân chúng ủng hộ với đa số áp đảo để nhổ cho được cái gai Hezbollah tại Lebanon và lại được Hoa Kỳ hỗ trợ để có thời giờ hoàn thành việc đó. Ông biết là chính quyền của mình phải sớm đạt thắng lợi quyết định - diệt trừ được cơ sở Hezbollah tại miền Nam Lebanon - trước khi thế giới nhập cuộc với một giải pháp ngoại giao chính trị hầu trung lập hoá hoặc ít ra kiểm soát được một phần lãnh thổ của Lebanon để Hezbollah mất hậu cứ tấn công gây rối cho Israel.

Một tháng sau khi giao tranh đã bùng nổ, ông không đạt được mục tiêu đó trong khi thời điểm của giải pháp ngoại giao đã cận kề.

Ban đầu, cho tới đầu tháng Tám, quân lực Do Thái tận dụng khả năng oanh kích và không tập để phá vỡ các hậu cứ của Hezbollah. Việc ấy không thành. Hezbollah tiếp tục bắn hoả tiễn vào lãnh thổ Israel với nhịp độ ngày một cao và tầm bắn ngày một xa. Đặc công Hezbollah áp dụng một chiến thuật tinh vi bất ngờ để bắn nhanh và rút lẹ khiến các đòn trả đũa của pháo binh và không quân đều đánh hụt mục tiêu. Và thế giới tận tình tường thuật các tổn thất của thường dân Lebanon, với hàm ý đả kích Israel.

Từ mùng một tháng Tám, Israel bắt đầu đổ quân vượt biên giới, và khi đánh khi rút mà cũng vẫn không đạt mục tiêu, trong khi bị tổn thất nặng. Hezbollah có hỏa tiễn chống chiến xa thuộc loại hiện đại nhất của Nga, lại được Iran cải chế, khiến  các chiến xa Merkava, loại cao cấp nhất của Israel, cũng đỡ không nổi. Hôm mùng chín, lãnh tụ Hezbollah cho biết 60 chiếc đã bị loại khỏi vòng chiến: bên Israel chỉ công nhận có 30 chiếc, một con số không nhỏ.

Các đơn vị biệt kích và những lữ đoàn thiện chiến nhất của Israel cũng đã đặt chân vào lãnh thổ Israel, có khi tiến sâu vào thung lũng Bekaa, hang ổ của Hezbollah, mà vẫn chưa đạt kết quả quyết định. Hôm 11, chính quyền Olmert chính thức loan báo: Hội đồng An ninh Quốc gia cho phép đổ quân. Nhưng đổ vào đâu, để đạt mục tiêu gì về quân sự và mục đích gì về chính trị" Vượt sông Litani ở hướng Tây hay tiến vào thung lũng Bekaa ở hướng Đông-Bắc"

Trong suốt một tháng giao tranh, người ta chỉ thấy quân lực Israel do dự giữa hai giải pháp là không tập hay đổ quân vào trận địa chiến, và mâu thuẫn nội bộ giữa hai giải pháp này đã bị tiết lộ ra ngoài. Căn cứ trên kinh nghiệm, hay ấn tượng sẵn có, về khả năng tác chiến của các đơn vị Israel, người ta chờ đợi một đòn bất ngờ có thể xoay chuyển cục diện. Đòn bất ngờ ấy chưa có. Và bất ngờ nhất có lẽ là sự xoay chiều của dư luận Do Thái.

Họ vẫn quyết đánh đến cùng, nhưng hết kiên nhẫn và mất tin tưởng vào chính quyền Olmert.

Chính quyền Olmert thuộc đảng Kadima có khuynh hướng ôn hoà và chủ trương trao trả một phần đất đai cho dân Palestine để mua lấy sự an toàn. Trong chiến lược này, họ gặp sự phản đối của đảng Likud, có chủ trương cứng rắn hơn, nhưng họ vẫn được hậu thuẫn của đa số dư luận quan tâm và có ảnh hưởng về an ninh lãnh thổ.

Ông Olmert là nhân vật tương đối mờ nhạt và chỉ lên lãnh đạo đảng sau khi nguyên Thủ tướng Ariel Sharon lâm trọng bệnh và bị hôn mê cho đến nay chưa tỉnh. Ariel Sharon nổi tiếng ở chủ trương cứng rắn trong thời chiến nhưng sau đó đã xoay chuyển lập trường khi nhường đất cho dân Palestine để mua hoà bình. Vì chủ trương hòa giải ấy, ông phải ra khỏi đảng Likud, lập đảng Kadima và quy tụ nhiều thành phần ôn hoà bên đảng Lao động.

Một nguyên Thủ tướng của Israel là Binyamin Netanyahu đã bước ra khỏi nội các của Sharon để lãnh đạo đảng Likud. Đảng này thất cử hồi tháng Ba và Olmert làm Thủ tướng, Netanyahu là trưởng khối đối lập, được coi là con diều hâu am hiểu cặn kẽ hồ sơ chống khủng bố.

Suốt năm tuần qua, Netanyahu đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn của truyền thông Do Thái và quốc tế, mà chỉ để bày tỏ quyết tâm chiến đấu và không hề lên tiếng đả kích chính quyền Olmert về phương thức lãnh đạo cuộc chiến. Qua tuần này, nhiều nhân vật Likud đã đặt câu hỏi và yêu cầu tổ chức bầu cử lại, để chọn người lãnh đạo quốc gia và chỉ huy cuộc chiến. Dù vậy, Netanyahu vẫn chưa lên tiếng.

Binyamin Netanyahu hiểu rõ lòng dân: họ muốn hoà bình nên đảng Kadima mới thắng cử và Likud bị đẩy vào vị trí đối lập; nhưng họ cũng muốn đánh bại Hezbollah để có hoà bình, nên ông không muốn có những phát biểu bất lợi cho chính quyền đang lâm chiến. Làm như vậy có thể bị hiểu lầm là đâm sau lưng chiến sĩ, hoặc thiếu tinh thần ái quốc.

Netanyahu cũng hiểu rõ từng ưu nhược điểm của kế hoạch hành quân vì thường xuyên được chính quyền Olmert thông báo: Israel là một xứ dân chủ trưởng thành và các lãnh tụ tả hay hữu, Lao động, Kadima hay Likud, đều một lòng vì sự sống còn của quốc gia Israel, hơn là sự thịnh suy của đảng.

Nhưng Netanyahu là chính khách và cũng có lý do giữ im lặng thuộc loại tính toán chính trị.

Nếu chính quyền Olmert thành công trong chiến dịch Lebanon này, đảng Likud vẫn có thế mạnh vì 1) tôn trọng luật chơi dân chủ vì sự tồn vong của quốc gia, và 2) chứng minh là không thể nhượng bộ khối Á Rập. Trong cuộc bầu cử kế tiếp, những thành phần quan tâm đến an ninh quốc gia sẽ nhìn lại lập trường và thành tích bảo vệ an ninh của đảng. Ông vẫn có hy vọng lên làm Thủ tướng của một nước Irael cứng rắn hơn với khối Hồi giáo vây quanh.

Ngược lại, nếu Thủ tướng Olmert tuột tay và tình hình Lebanon suy đồi thêm, khi quân lực Israel bị tổn thất nặng mà Hezbollah vẫn giữ thế mạnh, dân chúng Do Thái sẽ đòi hỏi một chính quyền mạnh, và chọn một Thủ tướng dám cho quân đội rộng quyền tác chiến. Tuần này, nhiều đảng viên Likud đã nói đến việc đó, nhưng Netanyahu vẫn kín đáo chưa lên tiếng.

Trong giả thuyết thứ ba, khi tình hình còn bất phân thắng bại thì quốc tế nhập cuộc với một giải pháp ngưng bắn và với đòi hỏi là mọi lực lượng ngoại quốc phải rút khỏi Lebanon, Thủ tướng Olmert sẽ bị dân chúng Do Thái đả kích là không hoàn thành nhiệm vụ và bán đứng an ninh tổ quốc. Lúc ấy, Netanyahu có lên tiếng cũng vừa. Chính quyền liên hiệp của Kadima và đảng Lao động đã chủ trì cho một thất bại lớn về ngoại giao và quân sự.

Trong mọi trường hợp, ngôi sao của Netanyahu sẽ chỉ có lên chứ không xuống.

Vấn đề là khi nào"

Trả lời cho câu hỏi ấy, người ta phải nhìn về London và việc chính quyền Anh vừa kịp thời phá vỡ một kế hoạch khủng bố có thể cũng tai hại như vụ 9-11 tại Mỹ năm 2001.

Quân khủng bố dù là sinh trưởng tại Anh (khủng bố nội địa) cũng có sự sáng tạo bất ngờ khi pha chế chất nổ ở thể lỏng và sẽ cho kích hỏa bằng những vật dụng có vẻ vô hại dưới con mắt của an ninh phi trường. Nhưng bất ngờ hơn thế là khả năng điều tra và xâm nhập của nhà chức trách, khiến vụ khủng bố được kịp thời phát giác. Dù như vậy, thế giới và nhất là các nước Tây phương đều biết rằng tai họa vẫn có thể xảy ra vì quân khủng bố luôn luôn có sáng kiến bất ngờ.

Sáng kiến bất ngờ nhất thực ra không thuộc về phe al-Qaeda hay các nhóm khủng bố ngụy danh hay bắt chước al-Qaeda mà là một lực lượng khủng bố… chính quy đang làm chủ tình hình tại Lebanon, lực lượng Hezbollah. Họ có đặc công, cán bộ, có lãnh tụ ở Quốc hội và võ khí ngoài chiến trường. Họ có kỹ thuật hoá giải con mắt tình báo và pháo đạn không quân của Israel. Và nếu quân khủng bố tại Anh có thể làm tê liệt hệ thống hàng không của nhiều nước thì Hezbollah cũng có thể làm tê liệt hệ thống bảo an của thế giới, trước tiên là của Liên hiệp quốc.

Liên hiệp quốc sẽ không thể đòi hỏi hay áp dụng giải pháp chính trị trong đó có điều khoản là giải giới Hezbollah.

Lực lượng này kỳ cựu hơn al-Qaeda, đã phát minh ra đòn khủng bố tự sát, đã khiến Ronald Reagan còn phải rút quân khỏi Lebanon và nay lại không ẩn núp trên núi như các lãnh tụ al-Qaeda mà hàng ngày bắn hỏa tiễn vào Israel và xuất hiện trên truyền hình mỗi khi cần thiết.

Lực lượng này lại đang tranh thủ được cảm tình của dân Hồi giáo trên thế giới, và có hậu thuẫn vững chắc của Iran. Đằng sau Iran là nhiều quốc gia muốn thu hẹp khả năng hành động của Hoa Kỳ, dù với cái giá là an ninh của Israel.

Vụ khủng bố bằng hàng không tại London hôm mùng 10 có thể khiến Binyamin Netanyahu nhìn ra mối nguy sinh tử của Israel trong những ngày tới tại trụ sở Liên hiệp quốc và những năm tới ngay bên trong lãnh thổ Israel.

Ông có thể sẽ hết im lặng.

Có thắng Ehud Olmert trên chính trường tháng này hay năm sau để gặp Hezbollah trong một tương lai không xa thì cũng chỉ là chiến thắng giả. Suy nghĩ như vậy, có khi Netanyahu sẽ lên tiếng. Và chiến sự tại Lebanon sẽ có thay đổi.

Nếu không thể theo dõi từng diễn biến ngoài chiến trường, người ta vẫn có thể suy đoán ra nhiều việc từ chính trường, từ những phát biểu của Binyamin Netanyahu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
ANKARA - Sau khi dọa nghiền nát dân quân Kurd-Syria (mới đây là đồng minh của TT Trump) mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là khủng bố và là mục tiêu trong chiến dịch biên giới, TT Erdogan đến Moscow hội đàm với TT Putin.
PHILADELPHIA - Hoạt động của các ngành chế xuất tại số tiểu bang gọi là chao đảo đang sút giảm, có thể báo trước suy thoái.
Chính quyền CSVN đã đặt mua 24 chiếc xuồng tuần duyên của Mỹ nói là để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh hải, theo bản tin hôm 22 tháng 10 của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết.
Xe đạp TQ đem vào VN lắp ráp rồi dán nhãn “Made in Vietnam” để bán sang Mỹ đã bị bắt, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết hôm 22 tháng 10.
Đầu Tiên Và Duy Nhất Tại Hoa Kỳ, Đánh Dấu Một Đêm Vinh Danh Các Nhà Làm Phim Việt Nam Thành Công Và Với Mục Đích Gia Tăng Sự Chú Y Đến Ngành Điện Anh Việt Nam Trên Toàn Cầu.
HOA THỊNH ĐỐN (ngày 22 tháng 10, năm 2019) – Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal (CA-47) ngày hôm nay đã có lời phát biểu như sau về trường hợp nhà hoạt động Hà Văn Thành, người có nguy cơ bị cầm tù bởi chính quyền Cộng sản Việt Nam, dẫn đến việc anh đến xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ từ cuối năm ngoái.
Westminster (Bình Sa)- - Tại hội trường tòa soạn Báo Việt Mỹ (Viet My Media Center), 14190 Beach Blvd, Thành phố Westminster, CA 92683, vào lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy ngày 19 tháng 10 năm 2019 Hội Ái Hữu cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức Khóa 6/68 "Tự Quyết" đã tổ chức đêm họp mặt thường niên 2019.
Sang vừa ăn vừa kiểm tra tin nhắn thì thấy: - Anh Ba, mẹ bệnh trở laị, hai chân đau lắm đi không được.
Trời hành cơn lụt mỗi năm… bây giờ mưa lụt kéo tới hoài, mới lạ…
Trong thời gian gần đây, càng ngày càng có nhiều thông tin và hình ảnh cho thấy cuộc sống khó khăn của nông dân và ngư dân ở các tỉnh ĐBSCL, vì giữa mùa lũ mà đồng ruộng khô cạn và nhiều nơi đã bị nước biển xâm nhập.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.