Hôm nay,  

Vòng Doha Tan Vỡ

02/08/200600:00:00(Xem: 2021)

PNTR, có thể còn trở ngại vì lãnh đạo VN vẫn chưa bình thường hóa quan hệ với chính người dân của mình, chẳng tôn trọng tự do, nhân quyền và những quy tắc hành xử văn minh tối thiểu.

Tuần qua, vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã tan vỡ tại Genève. Diễn đàn Kinh tế tuần này sẽ trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về khung cảnh và hậu quả của biến cố ấy đối với việc mua bán giữa các nước, và nhất là với viễn ảnh Việt Nam sắp gia nhập Tổ chức WTO. Tiết mục chuyên đề này sẽ do Đỗ Hiếu thực hiện sau đây.

 - Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cách đây đúng một tháng, trong chương trình hàng tuần của mục Diễn đàn Kinh tế và với tiêu đề "Trâu chậm và Nước đục", ông đã có những dự đoán bi quan về vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới. Thứ Hai 24 vừa qua, vòng đàm phán ấy đã tan vỡ sau kỳ họp tại trụ sở WTO ở Genève. Chúng tôi xin đề nghị là kỳ này, chúng ta sẽ trao đổi về vấn đề trên để lượng định hậu quả đối với các nước, nhất là đối với Việt Nam trong triển vọng sẽ được gia nhập Tổ chức WTO nội năm nay.

Câu hỏi trước tiên của chúng tôi là vòng đàm phán Doha ấy là gì"

- Tháng 10 năm 2001, các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã mở ra một vòng đàm phán mới nhằm hạ thấp những rào cản luồng giao dịch mua bán giữa các nước, như quan thuế biểu hay hạn ngạch nhập khẩu, với mục đích chủ yếu đề ra là có một chế độ ngoại thương công bằng hơn cho các nước nghèo. Vì hội nghị năm ấy của WTO được triệu tập ở Doha của xứ Qatar trong vùng Vịnh Ba Tư nên người ta mới gọi đó là vòng đàm phán Doha.

Thế rồi, sau các kỳ họp kế tiếp tại Cancun của Mexico, rồi Genève của Thụy Sỹ, rồi Paris và Hong Kong và tuần qua tại Genève, người ta vẫn không giải tỏa được những mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nước và vòng đàm phán này mới coi như sụp đổ sau năm năm thảo luận.

- Hỏi: Mà lý do vì sao sau nhiều cố gắng, vòng đàm phán ấy lại sụp đổ vào tuần qua"

- Về lý do thì tuần qua, sáu khối chính yếu tham gia hội nghị là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên hiệp Âu châu và Úc Đại Lợi bên phía các xứ công nghiệp hoá, và bên kia là Ấn Độ và Brazil, đã chỉ có thảo luận về hai trong ba đề mục chính là chế độ trợ giá nông phẩm tại các nước giàu, chế độ bảo hộ thị trường nông sản tại các nước như Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản. Họ không kịp bàn đến đề mục thứ ba là giải tỏa thị trường cho các mặt hàng khác ngoài nông phẩm. Trong hai đề mục được thảo luận, một đằng là trợ giá ở nhà và đằng kia là dựng rào cản nông phẩm từ ngoài vào, các nước đều không đạt được thỏa thuận nên hôm sau, Tổng giám đốc WTO là ông Pascal Lamy đã tuyên bố chấm dứt hội nghị để các nước có dịp về suy nghĩ lại.

- Hỏi: Sau những khó khăn liên tục từ năm năm nay, đáng lẽ các nước đã phải thấy trước được những trở ngại để tìm cách khắc phục, chứ vì sao lại để hội nghị tan vỡ như vậy"

- Thưa là ngay sau Thượng đỉnh của nhóm G-8 tại St. Petersburg hôm 17, lãnh tụ của bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới và Liên bang Nga đã chỉ thị cho các bộ trưởng liên hệ là phải cố gắng san bằng những dị biệt để đạt được một thỏa ước chung mà cuối cùng việc ấy vẫn không thành, khiến nước này đổ lỗi cho nước kia. Trong chi tiết thì có mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu về chính sách trợ cấp nông nghiệp, với phía Hoa Kỳ cho là mình nhượng bộ đã nhiều và Liên Âu thì lại cho rằng mình không thể cắt giảm thêm trợ cấp. Còn về các nước kia thì cũng không muốn hạ thấp hàng rào bảo vệ nông phẩm của mình. Đấy là về những lý do, còn về nguyên nhân thì chúng ta phải thấy ra nhiều yếu tố phức tạp khác.

- Hỏi: Ông nói về "lý do" và về "nguyên nhân", nghĩa là còn phân biệt những động lực tiềm ẩn bên dưới sự bất đồng quan điểm ấy hay sao"

- Thưa đúng như vậy, lý do có thể là những yếu tố pháp lý hay kỹ thuật, nguyên nhân là những yếu tố chính trị rắc rối hơn. Hai khối đụng độ nhau nặng nhất trong kỳ hội nghị này là Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ. Về phần Âu châu, các nước đang gặp khủng hoảng về bản sắc và tương lai lồng trong sự suy yếu của chính quyền, nhất là của chính quyền Pháp, nên không muốn và không thể nhượng bộ thêm. Do đó, dù có chủ trương tự do mậu dịch, họ vẫn duy trì chế độ bảo hộ nông nghiệp và tiếp tục trợ cấp nông gia của họ nên các nước nghèo mới bị thiệt thòi. Khi Chủ tịch Hội đồng Liên Âu là Jose Manuel Barroso vừa đồng ý với Tổng thống Mỹ là sẽ cho các đại biểu nhiều quyền thương thảo hơn thì Tổng thống Pháp lập tức nhắc nhở ông Barroso rằng ông ta không có thẩm quyền đề ra chỉ thị về đường hướng thương thảo của Tổ chức WTO. Liên Âu mà giảm bớt việc trợ cấp nông nghiệp thì sẽ gây thiệt hại cho mười mấy quốc gia nông nghiệp Âu châu trong số 25 hội viên. Bế tắc của WTO chính là hậu quả của những bế tắc trong cơ chế Âu châu. Mà đây chỉ là vấn đề thuộc phạm vi Âu châu.

- Hỏi: Thế còn về phía Hoa Kỳ"

- Hoa Kỳ gặp hoàn cảnh thực ra còn rắc rối hơn nữa. Từ mươi năm nay, lãnh đạo xứ này gặp phản ứng bảo hộ mậu dịch rất mạnh từ trong nội bộ, nhất là từ đảng Dân chủ trong Quốc hội. Tổng thống Bush có xin Quốc hội Mỹ cho Hành pháp được rộng quyền thương thuyết về ngoại thương mậu dịch nhưng đặc quyền mở rộng ấy sẽ kết thúc vào giữa năm tới vì sau đó, mọi việc thương thuyết về ngoại thương sẽ phải được Thượng viện cứu xét và phê chuẩn.

Vì lý do ấy, Tổng thống Mỹ có muốn kịp khai thông vòng đàm phán Doha trước khi Quốc hội khoá mới sẽ họp vào đầu tháng Giêng năm tới. Với những suy yếu của chính quyền Bush về các vấn đề ngoài mậu dịch như hiện nay, đảng Cộng hoà có khi sẽ mất đa số tại Thượng viện, khi đó Hành pháp Cộng hoà đành bó tay trước Quốc hội khoá mới, một Quốc hội còn bảo hộ mậu dịch mạnh hơn nữa, và vòng đàm phán Doha của WTO vì vậy mới thực sự tan vỡ.

- Hỏi: Ông nói nhiều đến phản ứng bảo hộ mậu dịch, nghĩa là bảo vệ thị trường nội địa bằng nhiều biện pháp hạn chế khác nhau. Vì sao các nước giàu lại có phản ứng như vậy" Và trong tương lai, Tổ chức WTO sẽ đi về đâu nếu các nước kỹ nghệ lại có phản ứng bảo hộ ấy"

- Một nguyên nhân chính là chính quyền các nước ấy đều thuộc loại yếu, có đa số không đủ dày đủ vững nên phải ngả theo tinh thần mị dân để tranh thủ hậu thuẫn của một số cử tri có thể bị thiệt thòi vì tự do cạnh tranh, tự do mậu dịch. Vì vậy, họ mới đẻ ra mỹ từ cao đẹp là "mậu dịch công bằng" thay vì "mậu dịch tự do" để ngụy trang chủ trương bảo hộ. Nguyên do thứ hai có lẽ còn sâu xa hơn, đó là sự hồi sinh của chủ nghĩa quốc gia trong sinh hoạt kinh tế, nôm na là nhân danh quyền lợi quốc gia, người ta hạn chế luồng giao dịch và đầu tư tự do giữa các nước. Thí dụ cụ thể được thấy khá nhiều trong năm qua là chính quyền can thiệp và ngăn cản giới đầu tư nước ngoài bỏ tiền thụ đắc các doanh nghiệp trong nước. Chúng ta đã thấy hiện tượng kỳ lạ ấy tại Pháp, Tây Ban Nha và tại cả Hoa Kỳ ở mức độ thấp hơn và vì lý cớ gọi là an ninh hay quốc phòng. Nói chung, tôi thiển nghĩ là chúng ta đang chứng kiến một sự thoái trào của hiện tượng toàn cầu hoá, đã manh nha từ 1999 và sẽ ngày càng rõ rệt hơn.

- Hỏi: Hoa Kỳ là một quốc gia luôn luôn đề cao tự do ngoại thương và kinh tế thị trường và lại là một hội viên nòng cốt của Tổ chức WTO, vì sao lại để xảy ra hiện tượng ấy"

- Tôi trộm nghĩ, và mong là mình sai, rằng chúng ta đang chứng kiến sự xuống cấp của giới chính trị gia tại Mỹ khi họ trở thành mị dân hơn, lại khéo che giấu chuyện ấy đằng sau chủ trương gọi là "đại chúng" - populist - nôm na là để phục vụ đa số, mà thực ra là để mua phiếu của một thành phần cử tri bằng biện pháp bảo hộ mậu dịch. Vì muốn nâng đỡ nông gia, thực chất là các doanh gia cự phú về nông nghiệp, họ gây thiệt hại cho nông dân của các xứ nghèo nhưng điều ấy thực ra không quan trọng vì nông gia các xứ ấy có bỏ phiếu cho họ đâu" 

Khi một Tổng thống thuộc đảng Dân chủ như ông Bill Clinton muốn được rộng quyền đàm phán về ngoại thương để mở rộng tự do mậu dịch, ông ta phải kêu gọi sự ủng hộ của các đại biểu bên phiá Cộng hoà mới thành công. Tổng thống Bush cũng vậy, ông thường xuyên gặp sức ép rất mạnh của xu hướng bảo hộ mậu dịch trong Quốc hội, nhất là từ đảng Dân chủ.

- Hỏi: Nhưng xin được hỏi lại ông lần nữa, còn tổ chức WTO, và những ràng buộc đối với quốc tế về quyền tự do mậu dịch"

- Tôi không lạc quan về cơ chế ấy nên mới nghĩ rằng Việt Nam rơi vào hoàn cảnh "trâu chậm uống nước đục". Tôi thiển nghĩ rằng nhìn từ Hoa Kỳ, tổ chức WTO là một cơ chế rườm rà, nhiêu khê, một diễn đàn kiện tụng triền miên và thực tế là một thất vọng lớn. Vì vậy, Hoa Kỳ không còn coi WTO là một nơi khả dĩ khai thông các bế tắc của mình và từ nhiều năm nay đã có xu hướng đi tìm những thỏa thuận tay đôi hay cấp vùng, thí dụ như các Hiệp định Thương mại Song phương hay Thỏa ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ. Mà không chỉ Hoa Kỳ mới nghĩ vậy, các nước khác cũng thế. Thỏa ước song phương có những quy định đơn giản và cụ thể hơn khi có tranh chấp hoặc khi cần khai thông bế tắc. Huống hồ là trong loại hiệp định tay đôi ấy, các nước giàu như Mỹ hay Âu châu thường có thế mạnh và chi phối được doanh nghiệp.

Một chỉ dấu rõ rệt của xu hướng trên tại Hoa Kỳ là việc thay thế vị Đại diện Thương mại mới nhậm chức là ông Rob Portman. Ông này vừa lên thay ông Robert Zoellick đi làm Thứ trưởng Ngoại giao, thế rồi tháng Tư vừa qua ngay khi vòng đàm phán Doha đang ở vào lúc gay go nhất thì ông Portman lại được đề cử làm Tổng giám đốc Ngân sách để bà Susan Schwab lên thay làm Đại sứ Thương mại. Khi điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn, bà Schwab đã bị khuynh hướng bảo hộ mậu dịch đàn hạch rất nặng hầu gây sức ép. Qua năm 2007 tới đây, Tổng thống Bush hết còn rộng quyền đàm phán về ngoại thương nữa và lúc ấy, chuyện WTO sẽ hết là đề mục quan trọng.

- Hỏi: Trong hoàn cảnh thiếu lạc quan ấy, Việt Nam xoay trở ra sao sau khi được vào WTO"

- Tôi vẫn nghĩ rằng việc gia nhập WTO là điều có lợi trong lâu dài và cho nhiều người, nhưng ta đừng nên nghĩ rằng đấy là một mục tiêu. Nó chỉ là một bước cần thiết khi ta hội nhập với thế giới bên ngoài và đừng cho rằng từ đấy mọi chuyện sẽ rốt đẹp. Việt Nam cần chuẩn bị học tập tranh cãi và kiện cáo trong khuôn khổ WTO. Một chuyện cấp bách trước mắt là cần quan niệm lại chính sách nông nghiệp để hướng dẫn và trợ giúp nông gia trong môi trường cạnh tranh mới. Cho đến nay, khi giá nông phẩm tăng, họ bị thất thâu và bị thiệt, khi giá nông phẩm hạ, họ càng bị lỗ lã nên chẵn lẻ gì họ cũng bị thua mà không hiểu tại sao. Cuộc cách mạng về thông tin và cải cách hành chánh công quyền mà người ta chờ đợi từ khi đạt thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc gia nhập WTO thực ra vẫn chưa bắt đầu!

- Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, thế còn quy chế mậu dịch bình thường và vĩnh viễn với Hoa Kỳ" 

- Thưa đấy mới là then chốt khi ta thấy rằng các nước sẽ phát triển ngoại thương qua hiệp định song phương hơn là gom mọi chuyện vào WTO. Riêng với Hoa Kỳ, việc đạt được quy chế mậu dịch bình thường một cách vĩnh viễn, gọi là PNTR, có thể còn trở ngại vì Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ hầu như mọi mặt với Hoa Kỳ, lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa bình thường hoá quan hệ với chính người dân của mình, khi chẳng tôn trọng tự do, nhân quyền và những quy tắc hành xử văn minh tối thiểu. Việt Nam nên chủ động và can đảm giải quyết lấy việc ấy chứ đừng để Quốc hội Mỹ yêu cầu. Khi WTO lâm vòng bế tắc mà Việt Nam lại bị ách tắc vì lãnh đạo chuyên quyền với người dân thì đấy là điều đáng xấu hổ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.