Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 10)

4/10/200600:00:00(View: 6042)
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

* * *

(Tiếp theo...)
...Cũng vì lòng ham mê đọc sách cấm, nên ngay từ khi mới trên dưới 10 tuổi, tôi đã thường xuyên bị ông anh đánh đòn chỉ vì tội, lấy trộm sách của ông đọc lén. Trong căn nhà của tôi ở vào những năm đầu thập niên 1960, là một căn nhà tranh, nghèo nàn, nền đất lồi lõm giống như ngoài sân, vách cũng làm bằng bùn trộn với rơm. Trong căn nhà nghèo khổ đó, có những vật dụng quý phái tương phản một cách lạ lùng. Chúng là dấu tích của thuở vàng son của gia đình tôi ngày xưa để lại. Đó là một chiếc lọ lục bình bị bể miệng, cao gấp rưỡi tôi. Là chiếc điếu ống khảm bạc, có chiếc cần cong vút bằng đồng. Là hai chiếc thùng bằng sắt tây to bằng hai người ôm, cao gần bằng tôi, có dòng chữ vừa tiếng Việt vừa tiếng Hoa, "Thuốc Lào Vinh Ký". Vinh Ký là tiệm thuốc lào của nhà tôi ngày xưa ở Hà Nội. Ngoài ra, còn mấy tấm câu đối chữ nho, và một bức hoành phi thật to, có 3 chữ nho, "Thừa Thiên Ưu". Qua những câu chuyện của thầy tôi với những người bạn của ông cụ khi họ tới thăm, mà tôi có dịp say sưa ngồi hóng chuyện, và say sưa hít khói thuốc lào, tôi biết được, bức hoành phi đó do một người tặng thầy tôi khi ông cụ ăn khao, với ý nghĩa, mọi sự giàu sang phú quý vinh hiển mà thầy tôi có được là nhơ ân nghĩa của trời...
Những vật dụng mang dấu tích vàng son đó đã được đào lên từ chiếc hầm ở làng Đầm, sau khi thầy tôi được xuống địa chủ. Khi đào hầm mới biết, phần lớn những của cải thầy tôi chôn xuống khi phải "tiêu thổ kháng chiến" đã bị ai đó đào lên lấy gần hết. Trong số những vật dụng dấu tích vàng son của ngày xưa ấy, tôi mê đắm nhất là những bó sách cũ, mà ông anh tôi cất ở trên trần nhà. Những cuốn sách cũ được buộc dây cẩn thận, chừng khoảng 50 cuốn mỗi bó. Những bó đó được xếp lên trên hai chiếc cột bắc ngang trần nhà. Hai chiếc cột đó to bằng cổ chân, sơn son thếp vàng, và có con rồng cuốn ở một mặt cột. Theo lời của ông anh tôi, thì đó là hai chiếc cột khiêng võng ngày xưa. Nhưng những cột đó cột võng như thế nào, khiêng võng ra sao, thì tôi cũng không biết.
Vì mê sách cấm, nên tôi cứ rình những khi anh tôi đi vắng, là tôi vội vàng bắc ghế, leo lên, rồi rút từng cuốn sách ra đọc say sưa. Vì còn quá bé, tôi không thể nào đủ sức lôi xuống cả bó từ trên trần nhà. Tôi cũng không thể nào đủ khôn khéo để có thể nhét những cuốn sách đã đọc xong vào trong bó cho ngay ngắn như cũ. Kết quả là sau một thời gian rút sách ra đọc, bó sách sẽ xộc sệch, để rồi một ngày kia, cả bó sách rớt xuống, văng vãi khắp mọi nơi. Sau đó, là một trận đòn nhớ đời, mà số roi đòn, tôi phải tình nguyện tự nhận qua một cuộc "tự kiểm thảo" trước mặt anh tôi.
Tôi có thể nói, ở cả Miền Nam, và kể cả Miền Bắc, tất cả những học sinh ở tuổi tôi lúc đó, không ai phải chịu những khổ sở, những nỗi cực hình qua những cuộc "tự kiểm thảo" như tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao, ông anh tôi, sinh ra và lớn lên trong thời Pháp thuộc, được học chương trình Pháp, lại cũng là con của thầy tôi, mà ông lại có thể học hỏi và áp dụng được cái lối giáo dục rất phi nhân của người cộng sản, đó là trò "tự kiểm".


Thông thường, mỗi tuần, tôi và những đứa con của anh tôi, cũng sàn sàn tuổi tôi, phải trải qua màn "tự kiểm" một lần, vào một buổi chiều cuối tuần. Mỗi khi nghe anh tôi hét lên "tự kiệm" là chúng tôi sợ xanh cả mặt. Tất cả 4, 5 đứa chúng tôi phải đứng một hàng ngang trước mặt anh tôi, theo thứ tự, từ đứa lớn nhất đến bé nhất. Tất cả đều phải khoanh tay trước ngực, nét mặt đứa nào cũng đầy lo sợ vì những tội trạng đã phạm trong tuần. Trên bàn là một chiếc roi mây, một đầu được cuộn lại thành vòng tròn cho dễ cầm, dễ quất. Ngồi chễm chệ trên ghế trước mặt chúng tôi là ông anh tôi, với nét mặt nghiêm trọng như một vị chánh án. Không khí trong căn nhà tranh vách đất lúc đó im phăng phắc. Chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng thở hổn hển của mình và của người bên cạnh.
Sau vài phút đồng hồ ngắm nghĩa sự sợ hãi của chúng tôi, anh tôi bắt đầu mở màn bằng một bài luân lý giáo khoa thư, được cập nhật hóa bằng những lý luận cách mạng của người cộng sản, những trích thời thượng lời của lãnh tụ cộng sản, kể cả "5 điều Bác Hồ dậy", và những thí dụ "người tốt việc tốt" trên báo, trong truyện hay trong phim ảnh tuyên truyền, mà anh tôi đã coi đã xem.
Tiếp theo là màn tự phê rồi phê của từng "bị cáo". Tự phê là chính bản thân "bị cáo" phải cố gắng nhớ lại tất cả những tội lỗi mình đã phạm trong tuần rồi thành thật khai báo. Còn phê là sau đó, những "bị cáo" còn lại phải vắt óc nghĩ xem, "bị cáo" kia khai báo còn thiếu sót chỗ nào, thì thành khẩn bổ sung. Vì trò phê và tự phê đặt nền tảng trên sự thành thật khai báo của mỗi người, cộng với sự thưởng phạt của anh tôi, nên tất cả "bị cáo" đều say sưa bới móc tội lỗi của nhau, tố khổ nhau. Phạt là phạt thêm roi đòn. Còn thưởng thì chẳng được cái gì mà chỉ được bớt roi đòn mà thôi.
Mỗi "bị cáo", sau khi thành khẩn khai hết tội lỗi của mình, và lắng nghe những lời tố cáo bổ sung của những "bị cáo" đồng cảnh ngộ xong, là đến màn tự mình nhận hình phạt thích ứng cho mình. Trẻ con cũng như người lớn, xưa nay chẳng có ai thích nhận hình phạt nặng nề bao giờ. Chúng tôi cũng vậy. Nhưng nếu chúng tôi nhận hình phạt nhẹ quá là lập tức sẽ bị ghép vào tội thiếu thành khẩn. Ai bị kết tội này, sẽ nhận thêm hai roi đòn bổ túc. Vì vậy, chúng tôi phải nhận hình phạt sao cho hợp với tội trạng. Có vậy, còn hy vọng được anh tôi giảm khinh. Sau khi mình tự nhận hình phạt xong, sẽ đến màn anh tôi hỏi các "bị cáo", hình phạt "bị cáo" tự nhận có xứng đáng không. Nếu không, thì phải tăng lên mấy roi..v..v..
Sau khi số roi được ngã ngũ, sẽ đến màn anh tôi thực thi hình phạt. Anh tôi thường đánh chúng tôi bằng roi mây và đánh vào bàn tay, chứ không mấy khi đánh vào mông. Mỗi người khi chịu hình phạt, phải ngửa một bàn tay trước mặt, bàn tay kia cầm lấy cổ tay, và giữ nguyên cho đến khi bàn tay đó ăn đủ số lượng roi đòn. Chịu roi mây đánh vào lòng bàn tay là cả một cực hình đau đớn, nên theo bản năng, người chịu cực hình hay tự động rụt tay lại. Nhưng chúng tôi không bao giờ dám rụt tay, và ngay cả bản năng này cũng mất, vì mỗi lần rụt tay, để anh tôi đánh hụt, lập tức roi đó sẽ được đánh bù gấp đôi. Thôi thì thà nghiến răng chịu đau một roi, còn hơn chịu gấp đôi.
Trong những ngày tháng ở tuổi ấu thơ ấy, tôi luôn luôn sống trong nỗi phập phồng lo sợ chờ đợi đến những buổi "tự kiểm". Tôi sợ đến nỗi, đã nhiều lần, muốn bỏ nhà ra đi mà rồi vẫn không đi được.
Trong số những tội lỗi phải ăn đòn, bao giờ tội lấy trộm sách cấm cũng ăn đòn đau nhất và nhiều roi nhất. Anh tôi sợ, những cuốn sách cấm đó lọt vô tay tôi, rồi sẽ có ngày lọt ra ngoài, ảnh hưởng đến con đường phấn đấu vô đảng của anh tôi, và tai hại đến cho gia đình, nhất là trong gia đình đó, thầy tôi đã là một địa chủ thời cải cách ruộng đất. Hơn nữa, anh tôi cũng sợ, đọc những cuốn sách cấm đó tâm hồn tôi sẽ bị "hư hỏng". Nhưng dù bị cấm đoán, bị đòn đau liên tục mỗi tuần, tôi vẫn không bao giờ chừa được tội lấy trộm sách. Đó là cả một nỗi đam mê, giống như chờ được ăn trái cấm. Vì mỗi khi lấy được một cuốn sách, cho dù chưa kịp đọc, niềm vui trong tôi đã lớn lao vô cùng, và lúc nào trong tâm hồn tôi, niềm sung sướng sẽ được đọc cuốn sách đó cũng dạt dào, ngự trị, khiến tôi cả ngày thẫn thờ như thằng mất trí... (Còn tiếp...)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.