Hôm nay,  

Kẻ Tị Nạn

24/11/200300:00:00(Xem: 5782)
Xin gởi đến luật sư Trịnh Hội và những ân nhân của chúng tôi lòng tri ân sâu sắc

Có ai muốn mình trở thành kẻ tị nạn, phải sống xa quê hương, xa gia đình, người thân, bạn bè và nơi chôn nhau cắt rún, bỏ lại làng xóm, nhà cửa, mồ mả tổ tiên, cùng tất cả những gì thân thương nhất trong cuộc đời; nhưng những người Việt yêu chuộng tự do phải chấp nhận điều này, phải trở thành kẻ tị nạn để đổi lấy hai chữ tự do, trong máu và nước mắt; khi làn sóng cộng đỏ tràn vào xâm chiếm miền Nam! Dưới chính sách đàn áp tàn bạo của chế độ độc tài, biến cả nước thành nhà tù khổng lồ, người ta không còn con đường lựa chọn nào khác, ngoài liều lĩnh xuống tàu trốn đi trong ao ước tìm được sự tự do thật.
Chẳng ai muốn, đời mang danh tỵ nạn, Quỷ vô thường, giày xéo khắp giang san, Bán quê hương, gieo rắc nỗi nghiệt oan, Đành cất bước, xin làm thân viễn xứ! (Phạm Thanh Phương - SGT)

Thật vậy! Biết bao người đã bỏ nước ra đi, biết bao người đã bỏ mình trên đại dương bao la, bao người đã ngã gục trong rừng sâu biên giới, bao người đã nằm xuống trong trại tù cộng sản, và bao nhiêu người đã đến được bến bờ tự do. Sau 14 năm kể từ ngày mất nước, mặc dầu làn sóng người tị nạn vẫn tiếp tục liều lĩnh ra đi, nhưng lúc đó cánh cửa thương hại của thế nhân đã mỏi mòn, cột mốc 21 tháng 3 năm 1989 ra đời, với ai đến trại trước ngày đó được tự động xem là tị nạn chính trị, những ai đến sau ngày đó phải bị thanh lọc để phân loại tị nạn. Sự khác nhau chỉ vì cái ngày, còn người tị nạn Việt Nam da vàng bằng xương bằng thịt vẫn giống nhau, cái khác nhau là cơ hội đã đến với họ khá muộn màng!
"Đời tị nạn biết tìm đâu ra hạnh phúc, quốc gia nào sẽ nhận dấu chân tôi". Câu thơ này không hiểu tôi đã thuộc tự bao giờ, và tôi đã nghiệm qua suốt bao năm tháng đợi chờ.
Hơn 14 năm trôi qua từ cái ngày ấy, khi còn là thanh niên trai trẻ tôi đã cuốn gói rời gia đình quê hương trên chiếc thuyền mong manh vượt đại dương để mong tìm được sự tự do thật, với một ao ước hoài bão nhiều về quê hương. Nhưng than ôi bao năm tháng đã trôi qua, tôi đã chôn vùi hết tuổi trẻ và sự nhiệt huyết trong chốn lưu đày tị nạn. Không được may mắn đến được bến bờ trước ngày đóng cửa trại (21 tháng 3 năm 1989), tôi phải bị đưa vào thanh lọc để phân loại tị nạn trong một hệ thống thanh lọc đầy bất công và tham nhũng. Tôi đã bị rớt thanh lọc vì không có tiền.
Mặc dầu thành phần của gia đình tôi và bản thân tôi là đối tượng mà chính quyền cộng sản đang ra sức đàn áp, kỳ thị; cha tôi là một cựu sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, một người đã cầm súng chống lại sự lan tràn của cộng đỏ vào miền Nam cho đến những giây phút cuối cùng của tháng tư đen, rồi cha tôi phải bị tù đày, chịu những sự thanh trừng và trả thù của bọn cộng đỏ, rồi tiếp đến những áp bức giáng xuống gia đình tôi suốt những năm tháng khốn đốn, bị đánh tư sản, bị tịch thu nhà cửa, đất đai, rồi kế đến là đi kinh tế mới. Kể từ đó gia đình tôi đã là người vô tổ quốc trên chính quê hương của mình. Hộ khẩu gia đình tôi đã bị cắt khỏi thành phố và chuyển đến vùng kinh tế mới, chúng tôi không sống nổi trong vùng rừng thiêng nước độc và không có điều kiện sống, phải bỏ về lại thành phố và bị xua đuổi, bắt bớ, săn lùng trong những đợt truy quét của chính quyền; chúng tôi bắt đầu những tháng năm lang thang lây lất vô định. Cái tên của tôi, của tất cả gia đình của tôi không còn nằm trong danh sách thành phố, cũng không có ở vùng kinh tế mới vì chúng tôi sống không nổi ở đó, không còn hiện hữu. Tôi không còn là người Việt trên chính đất nước Việt Nam. Tôi phải ra đi, ra đi để tìm lại cơ hội làm người!
Nhưng họ đã khước từ quyền tị nạn chân chính của tôi vì tôi không có tiền để trả. Phải làm gì đây, quê hương tiếng Mẹ gọi, gia đình sự trách nhiệm thổn thức suốt trong tâm, qua những kiềm kẹp và áp bức của chế độ cộng sản và sau hơn 10 năm đeo đuổi chuyện vượt biển trốn khỏi Việt Nam, gia đình tôi đã tán gia bại sản, lần này đây tất cả những đồng tiền cuối cùng dồn hết trong chuyến đi lần cuối, cuối cùng tôi đã đặt chân lên được bến bờ sau chuyến hải trình đầy hãi hùng trong đói khát và tuyệt vọng, khi tàu hư máy trôi lững lờ giữa đại dương bao la 9 ngày đêm, không có nước và lương thực, mọi người kiệt lực nằm chờ chết, tôi đã rời tàu bơi đi tìm sự sống và đã được các ngư phủ người Phi vớt lên bờ. Trong lòng tôi luôn giữ mãi những tri ân này. Rồi kế đến là thảm họa cưỡng bức hồi hương, đến những tháng ngày đen tối khi tôi và gia đình phải trốn chui trốn nhủi trong trại để tránh bị lính bắt cưỡng bức, rồi chuyến bay thuê bao của Việt Nam Airline đã đáp thẳng xuống phi trường Puerto Princesa để chở những đồng bào bị cưỡng bức về, trong phút chốc đồng bào đã đồng loạt ùa dậy tràn ra phi đạo, lấy thân mình cản máy bay không cho họ đưa những đồng bào thân thương đã bị bắt về, nhưng chúng tôi không chịu nổi trước làn súng nước và vòi xịt của xe cứu hỏa, trước những dùi cui và súng ống thô bạo của những người lính Phi, chúng tôi đã bị đẩy lui, và đau đớn thẫn thờ nhìn chiếc máy bay cất cánh đưa những người thân thương trở lại với ngục tù cộng sản. Chúng tôi may mắn trốn thoát được cuộc cưỡng bức và nhờ sự can thiệp của Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân chúng tôi đã được cho ở tạm lại Phi chờ cho đến khi tìm được một giải pháp lâu dài...
Năm 1996, sau khi Cao Ủy cắt hết mọi sự tài trợ chúng tôi phải tự ra ngoài mưu sinh, tôi phải kiếm sống bằng nghề buôn bán dạo, hàng ngày tôi vác những giỏ dầu thơm, giày dép, quần áo, v.v... đi lang thang bán ở khắp mọi nẻo đường. Chúng tôi đã sống và đã sinh tồn như vậy suốt 7 năm qua. Cảm tạ ông Trời đã thương cho chúng tôi được miếng ăn cái mặt, nhưng về mặt pháp nhân thì chúng tôi không có gì cả, chúng tôi không có được thường trú hay quốc tịch gì ở đây, chính vì vậy cuộc sống và tinh thần của chúng tôi luôn bất an trong đất nước Phi. Một lần nữa tôi trở thành người vô tổ quốc tại đây, điều này đã quá bình thường và quen thuộc với tôi, nhưng tội nghiệp cho mấy đứa con nhỏ, tuổi thơ ngây chưa hiểu được lẽ đời, ngày ngày chúng nó vẫn vui đùa chạy nhảy tung tăng, mà đâu biết được ngày mai sẽ thế nào!! Đâu biết được rằng cha mẹ nó và cả chính nó là những người vô tổ quốc suốt mười mấy năm qua!!


Mỗi khi có chuyện đụng tới vấn đề pháp lý là chúng tôi luôn bị thiệt thòi, từ những chuyện tranh chấp nhỏ trong buôn bán, đến tai nạn và ngay cả bị hiếp đáp, chúng tôi không được bảo vệ, không nói lên được tiếng nói để tìm sự công bình; nhiều đồng bào tôi còn bị chính các nhân viên di trú ở địa phương làm tiền và đe dọa thường vì không có được giấy tờ hợp pháp của ngoại kiều. Chúng tôi cũng không được chủ quyền đất đai, không được làm chủ thương mại, v..v.. chính vì vậy mà đồng bào người Việt ở đây đa số đều phải sống với nghề bán dạo. Trẻ nhỏ thì có thể đến trường, nhưng khi đã học xong đại học (nếu có đủ khả năng) thì chúng vẫn không kiếm được việc làm vì không xin được bằng hành nghề, qui định để có bằng hành nghề là phải có quốc tịch. Nhưng ngay cả tư cách thường trú chúng tôi còn chưa có, thì làm sao mà có được quốc tịch, đó là chưa kể đến những tiêu chuẩn cứu xét gắt gao cộng thêm những khoản phí tổn cả hàng ngàn đô la! Nên tất cả đồng bào người Việt còn kẹt lại ở đây đã xác định rõ ràng là mong muốn được đi định cư sang một nước khác. Chúng tôi vẫn mong chờ điều đó, và tiếp tục mong chờ.
Tưởng rằng đã ngã gục trong đọa đày dưới chế độ độc tài của cộng sản đỏ, tưởng rằng đã bỏ mình trên đại dương bao la, nhưng không tôi đã bương qua tất cả, nhưng ngay tại bến bờ của nước tạm dung, tôi đã phải lây lất ngặt nghèo trước bàn tay hộ pháp của người mang danh nghĩa bác ái từ thiện đang giúp đỡ chúng tôi. Trốn vỏ dưa (cộng sản đỏ) thì gặp vỏ dừa (sơ Tríu), bà ta vì những lợi ích và tham vọng cá nhân đã ngăn chặn con đường đi định cư và đoàn tụ với thân nhân của chúng tôi; việc làm của bà ta đi ngược lại với nguyện vọng và ao ước của tất cả đồng bào chúng tôi; đối với riêng tôi điều này không chỉ giết mất chính tương lai của tôi, mà luôn cả tương lai của thế hệ con cháu của tôi. Xin quý ân nhân ở hải ngoại hỏi dùm tôi: "Tại sao sơ Tríu muốn những người tị nạn chúng tôi phải vĩnh viễn ở lại Phi"" Tôi và những đồng bào của tôi muốn câu trả lời rõ ràng được đưa ra ánh sáng. Tôi nhớ đến đoạn này trong cuốn "Lên Đường" của cô Nguyễn Huỳnh Mai "...máu chảy ruột mềm, nếu không muốn giúp người tị nạn thì cũng xin đừng chặt đứt cây cầu của họ, bằng cách tiếp tay hỗ trợ cho việc chụp vào đầu họ bốn chữ "tị nạn kinh tế"... Tiếng kêu cứu từ những khổ đau ấy đang càng lúc càng cấp bách hơn, tuyệt vọng hơn..." Tôi xin gởi lại những dòng này đến Sơ Pascale Lê Thị Tríu sau khi Sơ đã nhiều lần dùng cách này cách nọ đưa ra những nhận định sai lầm về chúng tôi, như mới đây Sơ đã viết: "...Dựa vào ý muốn của người Việt còn lại đã diễn đạt qua nhiều lần và nhiều cách, số đông người Việt còn lại ở lại Phi để tìm kế sinh nhai chứ không có mục tiêu chính trị..." Mặc cho đồng bào tôi kêu than và cầu cứu, nhưng thân phận thấp cổ bé họng của chúng tôi chẳng được ai nghe, 14 năm qua biết bao tiếng kêu oan ức rã rời trong tuyệt vọng có thấu đến Trời cao! Cầu xin ơn trên mở cho chúng con một lối thoát!
Niềm hy vọng đã đến với chúng tôi, khi luật sư Trịnh Hội của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu đã đến, anh đã đem cho chúng tôi niềm hy vọng và vui mừng thật sau khi vận động với chính phủ Úc cho 258 người được đi Úc theo chương trình nhân đạo đặc biệt (những người này có anh chị em ruột ở Úc mà theo tiến trình di dân thông thường theo luật di dân của Úc họ không thể nào vào Úc được). Rồi anh tiếp tục vận động với chính phủ Hoa Kỳ cho phép tái thanh lọc lại tất cả 2000 đồng bào còn lại tại Phi Luật Tân theo tiến trình P2. Và mới đây Hoa Kỳ đã ghi nhận nhóm tị nạn Việt Nam tại Phi Luật Tân vào trong dự trình định cư tị nạn của tài khóa năm 2004. Chúng tôi đã vui mừng khôn xiết vì được sống lại với niềm hy vọng. Tôi thầm cám ơn luật sư Trịnh Hội vì nhờ có anh chúng tôi mới có được những gì ngày hôm nay, bàn tay của anh đã giang ra để đưa chúng tôi đến gần với ước mơ của chúng tôi, cũng như đưa chúng tôi đến gần sự đoàn tụ với thân nhân của chúng tôi. Cho đến giờ văn bản chính thức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về vấn đề của chúng tôi vẫn chưa được công bố, chúng tôi đang nôn nao mong chờ và đếm từng ngày.
Trong tháng 10 vừa qua chúng tôi có thêm những niềm vui mới, và đặc biệt chúng tôi biết chắc chắn rằng chúng tôi không bị bỏ quên, bên cạnh chúng tôi sẽ luôn có những vị ân nhân mà ngày đêm làm việc tranh đấu cho chính tương lai và vận mệnh của 2000 đồng bào còn kẹt lại tại Phi Luật Tân. Qua lời mời của LS Trịnh Hội đã có phái đoàn của các nghệ sĩ, luật sư, phóng viên, thiện nguyện viên và đại diện của Cộng Đồng Người Việt ở Hoa Kỳ đã đến thăm, giúp đỡ chúng tôi, chia sẻ với chúng tôi những tâm tình, hát cho chúng tôi những bài hát quê hương, cùng khóc với chúng tôi trong những xúc cảm xót xa, cố vấn cho chúng tôi về vấn đề luật pháp, và đưa những tiếng nói, những nỗi oan ức và khẩn cầu của chúng tôi ra hải ngoại cho ánh sáng quang minh dọi vào. Xin chân thành cảm ơn các anh chị cô chú bác trong phái đoàn đã không ngại đường xa, không ngại tốn kém và phải bỏ công việc làm đến với chúng tôi, và đã đem cho chúng tôi niềm vui và tình người trọn vẹn. Chúng tôi cũng không quên những vị ân nhân đã âm thầm hỗ trợ cho chúng tôi, xin cám ơn anh Đoàn Việt Trung chủ tịch cộng đồng người Việt tự do Úc Châu, xin cám ơn luật sư Nguyễn Quốc Lân Lavas và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng của Boat People SOS.w

Viết tại một hòn đảo xa xôi của nước Phi Luật Tân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.