Hôm nay,  

Khi Chỉ Còn Hai Người Đua: Kerry So Găng Với Edwards

20/02/200400:00:00(Xem: 6144)
Nhìn lại các cuộc vận động tranh cử Tổng Thống ở Hoa Kỳ trong suốt một thập kỷ vừa qua, các chính sách đối ngoại đã nhường chỗ cho các vấn đề liên quan đến kinh tế, giá trị gia đình, an sinh xã hội và thuế má. Trong một thời gian dài, các ông các bà chính trị gia đã phải ra rả ca những bài ca mà người dân muốn nghe: Ưu tiên một - người Mỹ, dân Mỹ trước đã. Khi mối đe dọa từ phía bên kia bức màn sắt của Liên bang Sô Viết không còn đáng sợ nữa, người dân Mỹ, từ các ông tai to mặt lớn đến bàng dân thiên hạ, bỗng giật mình nhìn lại họ trong bối cảnh cuộc sống đời thường … Thông tin, thời sự quốc tế hay các xung đột ở Trung Đông càng ngày càng tăng và trở nên rối rắm … Ô hô! Việc gì đến chúng ta nhỉ" Giá thuốc men cho người già, người ốm, người nghèo ở Mỹ lại tăng mới đáng đau đầu đây!!
Chỉ đến lúc "thế giới" đền đáp sự quay lưng của người Mỹ bằng đòn nặng nề 9/11 năm 2001, sự năng động cố hữu của nền chính trị Hoa Kỳ lại bật dậy ngay tức khắc. Các đối thủ Đảng Dân Chủ của Tổng thống Bush trước nay vẫn bạo miệng rêu rao về ưu thế của họ trên các vấn đề đối nội bỗng thấy mình lạc giọng trước lời hiệu triệu của vị tổng tư lệnh quốc gia. Các kết quả khiêm nhượng thu được từ cuộc bầu bán giữa nhiệm kỳ TT năm 2002 của Đảng Dân Chủ chỉ khẳng định thêm một điều đã khá rõ là họ (Đảng Dân Chủ) vẫn chưa có được cái nhìn bao quát về các vấn đề mang tính toàn cầu cũng như một cách nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề an ninh quốc gia.
Hiện nay, khi chính sách đối ngoại của ông Bush về các vấn đề Bắc Triều Tiên và Iraq đang bị đả kích dữ dội và sự tín nhiệm của dân chúng đối với vị tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa đang tuột dốc, các chính khách đối thủ Dân Chủ nói gì, làm gì và muốn gì" Tất nhiên là họ, nhân cơ hội này và trong lần tranh cử năm nay, muốn bật gốc vị tổng thống dám ăn, dám nói và dám làm "hết mình" kiểu gà nòi cứng cựa bằng cách cố thuyết phục dân chúng Mỹ vốn có máu hoài nghi đại để rằng 'chúng tôi chẳng những đủ khả năng lèo lái đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay mà còn có thể làm tốt hơn ông Bush Con' vân vân …
Tờ tuần báo Chính Sách Ngoại Giao (FOREIGN POLICY magazine) mới đây yêu cầu các ứng cử viên tổng thống sáng giá hiện nay của Đảng Dân Chủ cho biết quan điểm và lập trường của họ về vai trò của Hoa Kỳ trên chính trường thế giới. Chỉ mới hai trong số bốn người trên đường chạy tuyên bố chính kiến của mình khi đóng vai người chủ đất nước là John Kerry và John Edwards. Hạ Miên dịch đăng lời của những vị này để cống hiến độc giả và cũng để xem người biết ta khi tự hỏi "Tôi sẽ làm gì cho Tổ Quốc tôi nếu tôi trở thành người lãnh đạo quốc gia."
Chính kiến của John Kerry về món nợ Dân Chủ
Nếu tôi là tổng thống … Đến lượt chúng ta, những người Dân Chủ, đề cập đến những vấn đề thực sự khó khăn.
1. Trên lĩnh vực tình báo
Cuộc chiến chống bọn khủng bố hiện nay là cuộc chiến tranh không giống bất cứ cuộc chiến nào trong lịch sử Hoa Kỳ. Các tin tức tình báo là thứ vũ khí lợi hại nhất chúng ta đang sử dụng, nhưng nó cũng là thứ vũ khí dễ bị lạm dụng nhất, dễ gây tổn thương cho chính người sử dụng nhất. Đến nay thì đã rõ rằng các tin tình báo quan trọng thu được trong ngày 10 tháng 11 năm 2001 đã không được chuyển ngữ cho đến hai ngày sau khi chúng ta có tài liệu này trong tay với lý do không đủ người để phiên dịch ở các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Từ tháng giêng năm 2002, quân đội Hoa Kỳ đã không được cung cấp đủ số người thông và phiên dịch trên năm ngôn ngữ chính là tiếng Ả Rập, Triều Tiên, Tiếng Hoa Quan Thoại, và tiếng Ba-tư. Con số thiếu hụt chính thức được ghi nhận là 44%. Riêng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết họ thiếu đến 26% số chuyên viên dịch thuật và phiên dịch cần thiết cho công việc thường ngày.
Để phục hồi tình trạng thiếu hụt này, các học viện giáo dục Hoa Kỳ cần phải giúp giới trí thức trẻ vứt bỏ được cách nhìn nhận không đúng đắn về hai cơ quan CIA và FBI như trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Và để thích ứng kịp thời với những mối đe dọa mới, chúng ta sẽ lại phải tăng gấp đôi nỗ lực thu thập thông tin và bảo đảm việc đưa thông tin đến đúng người để nhận diện kịp thời các thông tin quan trọng. Có như vậy khi chúng ta đặt vấn đề đề phòng và tránh một thảm họa 9/11 khác, chúng ta mới thật sự đương đầu với sự thật, tình huống thật, không chỉ qua thuật sử dụng các tu từ.
2. Về quân sự.
Chúng ta cũng hiện đang phải đối đầu với các chọn lựa trong vấn đề trang bị và tổ chức quân đội. Các cuộc hành quân ở Afghanistan, Kosovo, Bosnia và vùng Vịnh Ba Tư đã vạch ra các thay đổi về mặt chiến thuật quân sự và quân dụng cần dùng. Các loại chiến cụ lỗi thời làm hài lòng những người ký hợp đồng cung cấp vũ khí quốc phòng, nhưng chúng sẽ chẳng giúp chúng ta chiến thắng trong các trận đánh ngày mai. Một quân đội hiện đại đồng nghĩa với chiến cụ thông minh và linh hoạt hơn; hệ thống tình báo nhạy bén hơn; các phương tiện truyền thông tiến bộ; không lực có tầm hoạt động xa và mạnh hơn; và các lực lượng bộ binh ứng biến cơ động.
Tôi không cần phải nói nhiều quý vị cũng có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra. Chính quyền của ông Bush đã nói nhiều đến những cải tiến, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thực hiện được thay đổi nào có ý nghĩa. Việc thay đổi tùy thuộc vào sự hiểu biết và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Thế hệ Thứ tư của những người thuộc Đảng Dân Chủ, chiến đấu chống lại các lực lượng quân sự khác hẳn trước đây và dưới những hình thức cũng chưa được biết đến), và tất nhiên đất nước của chúng ta sẽ chuẩn bị tốt hơn để đánh giá và đánh thắng trong cuộc chiến tranh mới mẻ này.
3. Hoạt động ngoại giao.
Chúng ta, Hoa Kỳ, cũng phải thay đổi cách chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài. Những người trước nay vẫn từng tuyên bố mối quan hệ đơn phương là "chính hiệu Mỹ", nay đã đến lúc họ nên ý thức rằng đồng minh của chúng ta chính là tai, là mắt của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới; họ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động tình báo. Chúng ta cần có người cộng sự. Chúng ta cần phải sử dụng tài ngoại giao trên việc công cũng như việc tư một cách khôn ngoan hơn, tinh tế hơn, và với cảm xúc mạnh mẽ để phát huy cả hai.
Tôi (John Kerry) ủng hộ mục tiêu thay đổi chế độ độc tài ở Iraq của hành pháp Bush. Tổng thống Saddam Hussein của Iraq là một tên phản bội, một kẻ cướp đã phỉnh lờ việc tuân thủ những điều kiện đầu hàng nghiêm túc hắn đã hứa trước Liên Hiệp Quốc năm 1991. Nhưng những mỹ từ của chính quyền Bush đương thời đã vượt xa quá tầm vóc hay phạm vi cho phép của một chính quyền. Thực tế, chính cách suy nghĩ một chiều và những thành ngữ bóng bẩy đã cô lập các đồng minh của chúng ta, và có nguy cơ làm nguy hại đến sự ổn định khu vực.
Là một người lính và là một nghị sĩ, tôi đã học được điều này 'khi chiến tranh xảy ra, mục tiêu của chúng ta không phải chỉ là thay đổi chế độ mà là duy trì một nền hòa bình lâu dài.' Hoa Kỳ đã chiến thắng trong trận chiến ở Afghanistan mà không duy trì được nền hòa bình nơi đây. Chính quyền đương thời đã thất bại trong việc đưa bài học này lên diễn đàn quốc tế, cũng như đã không cung cấp cho dân chúng Hoa Kỳ những lý do chính đáng để bắt đầu và các phương cách để chấm dứt cuộc chiến. Chúng ta không thể kham nổi cái giá đã đặt sự an toàn của các đồng minh, của khu vực và sau cùng của chính chúng ta vào chỗ nguy hiểm chỉ vì những lời hứa mơ hồ chúng ta vẫn tiếp tục nghe cho đến hôm nay. Chúng ta phải làm tốt hơn thế nữa.
Quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc chúng ta phải lắng nghe, hiểu cho được các nền văn hóa, các giòng lịch sử của các nước khác, và chúng ta cần phải làm việc tích cực hơn nữa để củng cố các khối liên kết và hợp tác. Nhưng trong hai năm qua, chính quyền Bush đã tự tách ra khỏi dòng chảy của thời đại khi tự chọn phương châm hành động không bị ràng buộc bởi các thông điệp chống, thuận, và cả lưng chừng nửa chống nửa thuận của các quốc gia khác. Chúng ta cần phải và chúng ta có đủ khả năng dàn xếp một cách khôn ngoan, vững vàng và có chiến lược hẳn hoi. Bắc Hàn là một trường hợp điển hình cần được giải quyết rõ ràng và khẩn cấp hơn bất cứ nơi nào khác.
Tiếc thay, chính quyền của ông Bush chỉ đề ra được một chính sách lòng vòng. Tổng thống Bush và các cố vấn của ông ta ngồi trên lưng ngựa vừa hò hét hân hoan vừa lái vòng quanh và cuối cùng quay trở lại ngay chỗ họ đã bắt đầu. Việc trì hoãn các cuộc đàm phán đã bắt đầu dưới thời Clinton, kêu gọi tái đàm phán bằng các điều kiện mới, từ chối đàm phán khi bị hăm dọa qua thư nặc danh cho biết phe đối phương sẽ sử dụng tên lửa, và rồi quay ngoắt lại viện cớ lý do từ chối là do thủ đoạn tăng tiền tố (yêu cầu thêm các điều kiện đàm phán khác) của người đứng đầu Bắc Hàn. Hành động như vậy, bộ phận hành pháp chỉ tạo thêm sự rối rắm và đặt gã Kim Chính Nhật vào cái ghế chủ động. Công khai điều động quân lực, đưa ra các điều kiện thương lượng và tự cởi bỏ sự trừng phạt khỏi các điều đã cam kết trước đó, chính quyền Bush đã tự trói hai tay mình đằng sau lưng.
Cuối cùng thì hiện nay chính quyền của ông Bush đã đi đúng đường khi hợp tác với các nước trong khu vực, (tức là hành động đa phương), khi tạo áp lực với Giang Trạch Dân. Họ đã biết leo xuống khỏi cỗ xe ngựa của vòng đu quay. Làm cho khô ráo các vũng lầy nhầy nhụa bọn khủng bố sẽ còn đòi hỏi nhiều hơn nữa các mối quan hệ rộng lớn hơn trên thế giới. Công tác này buộc chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa vào hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng ở các nước có vấn nạn. Quá trình toàn cầu hóa trong thập niên vừa qua đã chứng minh rằng các biện pháp giải quyết giản đơn, như việc mua một quyển sách và dạy dỗ vấn đề kế hoạch hoá gia đình, cũng có thể làm được nhiều thứ để phơi bày bộ mặt thật, cô lập, bác bỏ lập luận và đánh gục bọn thủ lĩnh đầy lòng căm thù thế giới này. Những biện pháp tương tự và các phương thức khác góp phần quyết định vào việc bảo đảm rằng đám trẻ lớn lên sẽ không bị tẩy não đến nỗi sẵn sàng ôm bom tự sát và bọn khủng bố sẽ không còn chỗ dung thân ở nơi chúng vẫn hằng tung hoành.
4. Viện trợ nước ngoài
Chính sách viện trợ nước ngoài cần phải gia tăng và tập trung vào giáo dục. Chúng ta phải giúp các quốc gia trong khu vực Trung Cận Đông hiểu được tại sao họ cần phải có hòa bình. Trong một vài năm tới, nếu chúng ta không tạo được những thay đổi cần thiết, khả năng xung đột trong vùng chắc chắn sẽ gia tăng. Nếu chúng ta thất bại trong vấn đề tiếp cận với trẻ em và những gia đình bị tan vỡ do ảnh hưởng của sự nghèo đói và chia rẽ, số trẻ em lớn lên không có việc làm và không có khả năng làm việc sẽ ngày càng tăng, chúng sẽ tìm đến với chủ nghĩa cuồng tín như một lời giải đáp thảm thương của vấn đề bế tắc. Sự bình yên của những người Mỹ chúng ta tùy thuộc vào việc giúp đỡ các dân tộc trong khu vực Trung Đông thấy được và hành động vì viễn ảnh hòa bình chính đáng.
Tất cả tùy thuộc vào câu trả lời của Nước Mỹ. Chỉ có Hoa Kỳ ở cương vị lãnh đạo mới có đủ năng lực làm việc chung với các chính quyền khác, các tổ chức tư nhân khác để dẹp tan nạn dịch này. Chỉ có chúng ta mới có đủ các nguồn lực để làm nên sự thay đổi. Một vị tổng thống Hoa Kỳ, ngài Teddy Roosevelt(*), đã từng nói: "Ta không thể … thảnh thơi nhìn từng tấc đất bị thối rữa một cách đê tiện trên quê hương của mình, mặc kệ những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài, không thể để mình chìm đắm trong cuộc mua bán tranh giành; khinh thường cuộc sống cao sang, cuộc sống của khát vọng, của cạm bẫy và của hiểm nguy … Chúng ta không thể ngồi túm tụm lại với nhau trên mảnh đất này và thừa nhận rằng chúng ta chỉ giỏi là một lũ bán rong chẳng màng đến thế sự ngoài kia."
(*) Tổng thống Teddy Roosevelt là vị tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa.
Trên đây là chính kiến của John Kerry, ứng cử viên sáng giá hiện nay của Đảng Dân Chủ, người được tin là đủ khả năng đánh bại ông Bush trong lần tranh cử gay go vào chức vụ tổng thống cuối năm nay ở Hoa Kỳ. Ông Kerry, qua bài viết trả lời tuần báo Foreign Policy đã ít nhất nêu ra đuợc các điểm yếu trong sách lược đối ngoại của đương kim tổng thống Mỹ. Chê người khác cũng là một cách tự khen mình, tự đề cao mình mà không phải tốn nhiều thời gian nói về cái "Tôi" vốn dĩ thật khó nói. Nhưng thói đời, chê việc người ta làm thì không khó, chỉ khó khi đến lượt mình, làm sao làm hay hơn mới thật sự khó. Xin mời bạn đọc tham khảo thêm quan điểm của John Edwards trong bài đăng trên số báo tuần tới để thấy hết được thế mạnh và yếu của mỗi người, mỗi bên, trước khi quyết định chọn ai là người đại diện cho mình trong nhiệm kỳ 4 năm sắp đến.

Là công dân Mỹ, chúng ta quan tâm đến điều này vì đây cũng là một cách thể hiện quyền tự do dân chủ dành cho người dân ở một nước thực sự có chủ quyền. Là công dân Việt Nam, chúng ta theo dõi tình hình thế giới bên ngoài và tình hình đất nước bên kia bờ đại dương, không chỉ để bình phẩm mà hãy nghĩ đến, nghĩ cho được, một giải pháp khả dĩ cho quê hương yêu dấu của chúng ta. Vạch ra cái chưa tốt, cái xấu của 'họ' cũng đúng thôi, nhưng xin đừng chỉ "vạch áo xem lưng" … của họ nếu mình không thể tự vạch áo xem lưng mình.
John Edwards, đảng viên Đảng Dân Chủ, người đứng hàng thứ hai trong danh sách ứng cử viên tổng thống nhiệm kỳ 2004 - 2008, bày tỏ quan điểm của ông về tình hình hiện nay cũng là động cơ chính khuyến khích ông ra tranh cử. Cách nhìn nhận vấn đề của ông so với ứng cử viên nhà John Kerry thật khác hẳn. Ông không dùng những lời lẽ châm biếm nặng nề để đả kích những việc làm của Tổng thống đương thời George Bush; ông cũng không dùng những thuật ngữ nặng ký thường được nghe đi nghe lại trên báo chí và hệ thống truyền thông gần đây; mà bằng những lời lẽ nghe thật từ tốn, ông đưa ra những nhận định rất mạch lạc về những gì cần phải làm trong cương vị của vị nguyên thủ quốc gia trước tình hình đang ngày càng xấu đi nếu mọi người chưa thấy được những gì cần phải làm ngay.
Nếu tôi làm Tổng Thống Tôi sẽ… chuẩn bị để đối phó với những thử thách trước mặt
Bổn phận đầu tiên của bất cứ chính quyền nào cũng là bảo vệ người dân của mình. Do đó, Washington cần phải thực hiện yêu cầu này với tất cả nỗ lực trong tay để đạt được cả hai điều (1) bảo vệ người dân Mỹ ở ngay tại quê nhà (2) phải có biện pháp đối phó với những mối đe dọa bất ngờ và có tính cách lâu dài để bảo đảm sự an toàn cho người Mỹ chúng ta ở hải ngoại. Nhưng theo như tình hình hiện nay tôi e rằng chính quyền Bush không thể đạt được cả hai điều bởi vì họ đã không làm đủ những điều cần thiết để bảo đảm sự an toàn cho Hoa Kỳ và họ cũng đã chẳng làm việc tận lực để có được một kế hoạch toàn diện đủ để tăng cường nền an ninh trên thế giới.
Chúng ta hãy bắt đầu từ vấn đề an ninh quốc nội vì đây là phần cốt lõi của bất cứ chiến lược an ninh quốc gia nào. May mắn thay, chúng ta đã đạt được những thành quả thật sự tốt đẹp trong hệ thống bảo vệ an ninh ở các cửa phi cảng và đã bắt đầu một quy mô tái tổ chức hùng hậu giữa các cơ quan chính phủ để thành lập Bộ Nội An. Nhưng chúng ta vẫn chưa có được một các phương tiện để thanh lọc các tổ chức khủng bố hoạt động bên trong lãnh thổ Hoa Kỳ, và vẫn chưa có được các phương pháp thích ứng ngăn chặn được bọn khủng bố cũng như vũ khí chúng sử dụng tuồn vào lãnh thổ của chúng ta qua các lỗ hổng ở các cửa khẩu biên giới và các phi trường. Chúng ta vẫn chưa cung cấp cho lực lượng cảnh sát một chương trình huấn luyện đầy đủ, cũng như các loại vũ khí thích hợp để bảo vệ các đường hầm cùng các cầu cảng trong hệ thống giao thông. Chúng ta cũng chưa thực hiện đủ những điều cần thiết để giúp các sĩ quan an ninh, nhân viên phòng chống hỏa hoạn, và ngay cả các kỹ thuật viên thực hành việc cấp cứu y tế ở các khu vực tiền tiêu nhằm hỗ trợ cho việc đáp ứng kịp thời trong trường hợp chúng ta bị tấn công. Và, chúng ta cũng vẫn chưa làm được dù chỉ xem là gần đủ yêu cầu về việc khuyến khích và giúp mọi công dân Hoa Kỳ góp phần vào việc làm cho đất nước này trở nên an toàn hơn.
Tóm lại, hiện nay chúng ta vẫn chưa có được một chiến lược nào thật sự an toàn cho nền an ninh quốc gia. Cho đến giờ phút này, hành pháp Bush vẫn còn tập trung sự chú ý của họ vào việc đạt được các thành quả chính trị cho chính đảng phái của họ chứ không hẳn vì các thành quả trong việc bảo vệ sự an toàn cho đất nước. Và điều nổi bật nhất chính là thái độ ngoan cố của chính quyền trong việc duy trừ các khoản thuế cắt giảm lâu dài mà kết quả thật sự chỉ có bọn nhà giàu trong nhóm 1% những người có nguồn lợi tức cao nhất trong khi vẫn cố biện minh rằng chính phủ không thể kham nổi các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân.
Dù là gì thì biện pháp bao quát nhất để phòng thủ quốc gia cũng vẫn phải bao gồm các sáng kiến để tìm và diệt bọn khủng bố với sự hỗ trợ của một hệ thống tình báo khá hơn nhằm tăng cường an ninh ở các cùng biên giới và các mục tiêu cần được bảo vệ, và nhằm đạt được hiệu quả cao hơn nữa để duy trì khả năng sẵn sàng ứng phó đối với các tình huống xảy ra trong nước. Tôi đã vạch sẵn các đề xuất cho từng lĩnh vực và tôi tin tưởng rằng chúng ta cần phảixem đây là những điều quan trọng cần phải thực hiện ngay.
Tuy việc bảo đảm sự an toàn quốc gia là trên hết, chúng ta cũng cần phải dành nhiều nỗ lực hơn để bảo đảm quyền lợi và người dân Hoa Kỳ ở các nơi khác trên thế giới. Hành động này đồng nghĩa với việc chúng ta phải đáp ứng được ít nhất 3 thử thách chính hiện nay. Đó là (1) hạn chế được mối đe dọa của các loại vũ khí nguyên tử, vũ khí sinh và hóa học; (2) đánh bại bọn khủng bố; và (3) đẩy mạnh tiến trình dân chủ và tự do trên toàn thế giới, nhất là vùng Trung Cận Đông.
Để ngăn ngừa hiểm họa từ các loại vũ khí có khả năng tàn sát lớn, chúng ta cần phải biết chắc rằng các quốc gia như Iraq và Bắc Hàn phải tuân thủ các điều lệ của luật pháp quốc tế. Đây chính là lý do tại sao chúng ta ủng hộ việc cho phép sử dụng các lực lượng quân sự để giải giáp tổng thống Saddam Hussein của Iraq và tại sao chúng ta quá sững sờ bởi những phản ứng không liền lạc của chính phủ trước tình trạng khủng hoảng hiện nay của Bắc Hàn. Nhưng mối đe dọa từ các loại vũ khí hủy diệt còn đáng sợ hơn cả Iraq và Bắc Hàn. Để tránh được các hiểm họa có chiều hướng gia tăng trong tương lai, Hoa Kỳ cần phải xem vấn đề cấm phổ biến vũ khí là hành động chiến lược bắt buộc. Tiếc thay, cho tới nay, chính phủ Hoa Kỳ vẫn còn phí công toi sử dụng con đường ngoại giao để làm giảm thay vì làm mạnh thêm sự đồng lòng của quốc tế chống lại sự bành trướng vũ khí cấm.
Thế giới đang cần nhiều hơn, chứ không phải ít hơn, sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trên các lĩnh vực này. Như khi chúng ta phải hướng dẫn liên minh thế giới chống lại các quốc gia như Iraq, chúng ta phải dẫn đầu khối liên minh của chúng ta chống lại điều đe dọa đáng sợ hơn là vũ khí tàn sát. Chúng ta cần phải vận động nhiều hơn nữa để ủng hộ các chương trình giải trừ vũ khí đã bắt đầu từ trước để hủy bỏ và để ngăn ngừa con đường tiếp vận các vật liệu chế tạo vũ khí từ Nga và các bang Sô-Viêt trước đây; đồng thời chúng ta cũng phải tận dụng các nguồn tài nguyên cần thiết để ủng hộ các chương trình hợp tác làm giảm mối đe dọa, gồm cả việc thi hành bộ luật Nunn-Ligar Act ra đời năm 1991.
Quyết tâm thực hiện các nỗ lực này của Hoa Kỳ cũng cần phải phù hợp với cuộc chiến đấu lâu dài với các nhóm quân khủng bố như Al Qaeda. Tôi từ chối chọn hành động đối đầu với bọn khủng bố và bỏ qua việc mối đe dọa từ vũ khí hủy diệt. Nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ đòi hỏi phải đương đầu với cả hai.
Cuộc chiến đấu chống lại bọn khủng bố, cũng giống như cuộc chiến ngăn ngừa việc phát triển vũ khí tàn sát, sẽ chẳng bao giờ trọn vẹn qua hành vi chống trả đơn phương của Hoa Kỳ. Dù chúng ta có mạnh đến đâu, chúng ta không thể có mặt ở khắp nơi và biết được mọi điều mà không cần đến sự hợp tác của bạn bè và các quốc gia đồng minh. Riêng bọn khủng bố Al Qaeda đã có mạng lưới hoạt động trên 60 quốc gia, do đó, chúng ta rất cần đến sự hợp tác của các cơ quan tình báo và các tổ chức thi hành luật pháp trên toàn thế giới.
Hoa Kỳ cũng cần phải có mặt để tham gia cuộc chiến lâu dài chống bọn khủng bố. Tiến hành một cuộc chiến tranh khi cần, nhưng làm mọi điều để đạt được nền hòa bình cũng không kém phần quan trọng.Từ các quốc gia trong vùng vịnh Balkan đến A-phú-hãn, chính quyền Bush đã và vẫn đang tiếp tục từ chối theo thói quen bản năng quyền lãnh đạo của các nước này trong các bối cảnh của thời kỳ sau xung đột. Them một lần nữa, chúng ta không nên, và không thể, hành động một mình. Nhưng chúng ta chũng phải đặt thứ quyền chỉ huy ấy ở một vị trí ưu tiên hơn với mức độ cao hơn. Chúng ta đã chứng minh được rằng chúng ta có hỏa lực hùng hậu. Nay đã đến lúc chúng ta phải chứng tỏ cho thế giới biết rằng chúng ta cũng duy trì được thứ quyền lực đó.
Phần cốt lõi của khả năng duy trì quyền lực là nỗ lực của Hoa Kỳ trong vấn đề đẩy mạnh tiến trình dân chủ và tự do trên toàn thế giới. Chung cục sẽ chẳng có lực lượng nào mạnh hơn để gìn giữ hoà bình và thịnh vượng và chống lại chủ nghĩa khủng bố đắc lực hơn việc xúc tiến thành lập các chính thể dân chủ chủ trương tôn trọng nhân quyền và tuân thủ các quy định luật pháp trong và ngoài lãnh thổ quốc gia của họ. Đây chính là lý do khiến Hoa Kỳ phải dẫn đầu nỗ lực tiếp cận mới để xây dựng nền móng cho những xã hội công bằng và hợp pháp: một xã hội với chính quyền dân sự với quyền tự do ngôn luận, tự do bầu cử, các thể chế chính trị được chỉnh đốn phù hợp với hiến pháp để xây dựng một chính quyền có trách nhiệm.
Nỗ lực này sẽ cần đến áp lực đều đặn về ngoại giao và sự cung ứng tài chính ngày càng cao. Tôi đồng tình với chính phủ về việc tiếp tục cung cấp các nguồn trợ giúp hỗ trợ quá trình lãnh đạo công bằng và có trách nhiệm, nhưng Hoa Kỳ cũng cần phải tiếp tục chung vai giúp sức với Châu Âu, Nhật Bản, và các tổ chức viện trợ đa quốc gia để biến mục tiêu dân chủ và việc lãnh đạo tốt đẹp thành mục tiêu trung tâm của các tiêu chuẩn và chiến lược.
Trọng điểm này đặc biệt quan trọng đối với khu vực Trung Đông. Không nơi nào khác trên thế giới hiện nay thu hút sự quan tâm của Hoa Kỳ hơn nơi này, và cũng không nơi nào khác trên thế giới vấn đề dân chủ lại yếu kém hơn khu vực này. Khẩn thiết hơn nữa về quá trình cải tổ chính trị và nhân quyền ở khu vực Trung Cận Đông sẽ cần nhiều hơn nữa các chính sách đặc biệt riêng cho từng quốc gia, nhưng cũng sẽ còn tùy thuộc nhiều vào các thành quả đạt được trong vấn đề an toàn năng lượng. Các vị tổng thống của cả hai Đảng hiện vẫn nhân nhượng, thậm chí vẫn còn ủng hộ các chính thể độc tài bởi vì Hoa Kỳ tuỳ thuộc vào họ trên vấn đề dầu hỏa. Một điều cam kết thực sự về vấn đề độc lập về nguồn năng lượng chủ yếu này - điều mà chính quyền Bush hoàn toàn bỏ sót - là sẽ không chỉ củng cố nền kinh tế của Hoa Kỳ mà còn phải để cho Hoa Kỳ tự do quảng bá giá trị của mình. Hoa Kỳ cần phải làm nhiều điều hơn nữa để đẩy mạnh tiến trình hòa bình giữa hai dân tộc Do Thái và Palestine.
Điểm cuối cùng chúng ta, người dân Hoa Kỳ, cần phải nhớ rõ là một sự việc rất cơ bản là: Chúng ta phải thành công trong việc chiến đấu chống lại việc phát triển các loại vũ khí tàn sát, chống lại bọn khủng bố, và đẩy mạnh tiến trình dân chủ chỉ có thể qua quyền lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ, chứ không phải qua hành động bỏ mặc thiếu quan tâm đến điều ấy. Thường quá đến nỗi khi chính quyền đương thời gởi thông điệp đến các nước khác, họ chẳng thèm để ý đến. Hành động này đúng ở chỗ nó yêu cầu các đồng minh của Hoa kỳ ủng hộ các hành động liên quan đến quyền lợi thực tế của Hoa Kỳ, nhưng nó cũng đồng thời cho thấy sự khinh thường trong nỗ lực hợp tác và các điều thỏa thuận quan trọng đối với họ. Thực tế, chính phủ Hoa Kỳ thường đối đãi với các đồng minh của mình như thểhọ là người chỉ cần để bàn thêm, han hỏi qua loa thiếu hẳn lòng kính trọng đối với họ cũng như ý kiến của họ.
Hạ Miên xin được ngừng ở đây vì đã quá đủ để giúp bạn đọc một dịp so sánh lời lẽ, đức độ, văn phong, tư cách và kiến thức của hai ứng cử viên Đảng Dân Chủ năm nay vào chức vụ người lãnh đạo tối cao của quốc gia Hoa Kỳ, cũng đồng thời là người lãnh đạo quan trọng và đáng kính của thế giới. Xin đọc lại llòi lẽ của từng người để thấy cho hết cốt lõi vấn đề đang được đặt ra: ai xứng đáng hơn ai. Cuộc đua marathon trên đoạn đường này dường như chỉ còn lại hai người, John Kerry và John Edwards, nhưng cũng có quá nhiều tiếng ồn ào lẫn màu sắc loè loẹt che mất tầm mắt nhìn của chúng ta, người cầm lá phiếu để quyết định. Người xưa thường nói, xem văn biết người, Hạ Miên hy vọng với chút tài mọn đã chuyên chở được khá đủ tâm ý và lời lẽ của mỗi ứng cử viên trên trang báo Việt, viết bằng tiếng Việt, và viết cho người Việt đọc với một tinh thần và tâm hồn rất Việt Nam. Chúng ta chọn người có tài và đức độ để làm người lãnh đạo không những cho chúng ta mà gần như cho cả thế giới, vậy nên hãy nghe cho kỹ và chọn cho thật kỹ ai đáng để chúng ta chọn mặt gởi vàng.
Hạ Miên - theo tài liệu báo FP tháng 2, 2004

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.