Hôm nay,  

Hà Nội Ơi, Những Chiều Sương Gió Dâng Khơi…(phần 2)

07/06/200600:00:00(Xem: 1775)

Riêng tôi rất thích những câu thơ hùng tráng cùng tấm lòng yêu nước, yêu văn học của vua Lê Thánh Tông (bài thơ cổ này đã được mài đá khắc bằng chữ Hán trên vách núi Truyền Đăng, tức núí Đề Thơ, vào năm 1468 và vẫn được truyền tụng cho đến bây giờ):    

“trăm dòng sông chẩy mênh mông quanh núi

quần đảo rải rác như bàn cờ, bế liền trời sắc xanh biếc

lòng hùng cảm thấy bể khơi là mạnh

thuận tay ta thay Thần gió làm cho không khí chuyển động

ta như chòm sao Bắc Đẩu được các vì sao chầu về

mang đạo thủy binh mạnh như hùm, đi tuần mặt bể qua đây

bể Đông không còn phải đốt phong hỏa đài có củi khô lẫn phân con chó sói để khói bốc lên báo động nữa

ngày nay non sông trời Nam rộng hàng vạn dặm

chính là lúc nghỉ việc binh để chấn chỉnh văn học! 

Giờ đây, ước chi con chó sói Đảng Bộ không còn tồn tại, để nền văn học nước nhà được sáng tươi hơn dưới bầu trời Việt Nam Tự Do như lời truyền đạt của tiền nhân thì hay đẹp biết bao!

Sau nhiều cuộc chuyển động từ triệu năm về trước của trái đất, địa thế Hạ Long đã được cấu tạo thành một hình thế tuyệt mỹ có nhiều đảo đất, đá vôi và phiến thạch.v.v…Vịnh Hạ Long của giang sơn Việt Nam thật xứng danh là một thắng cảnh nổi tiếng trong số những kỳ quan hiếm quý của thế giới.

Thuyền tôi lướt đi êm đềm trên trũng biển bao la đã mọc lên hàng nghìn những núi đá nhấp nhô xen kẽ. Hơn nửa ngày trên chiếc thuyền chạy rì rì dong ruổi, hồn tôi cũng lênh đênh thả dài theo biển nước, mây trời, đảo núi bao quanh. Tôi nhìn ngắm không rời qua hai lượt đi về mà vẫn thấy lòng chưa thỏa sự đắm say mê thích. Những cảnh sắc thiên nhiên dường như cũng biến chuyển sự ngoạn mục lộng lẫy theo từng giờ khắc của thời gian đi tới. Tôi chợt nhớ đến những buổi trưa ngày nhỏ ở Nha Trang. Trưa nào cũng như trưa nấy, dù muốn hay không tôi cũng bị mẹ bắt leo lên giường đi ngủ (có nghĩa là phải nằm im đấy, không được xuống giường chạy chơi, nhảy, nghịch…). Tôi không muốn ngủ nên chỉ biết ôm gối quay mặt ra phía cửa sổ (để mẹ không nhìn thấy mình chẳng chịu nhắm mắt lại mà ngủ) để ngó lên trời… xem mây. Mây bay từng cụm mầu xám hoặc trắng, có cụm bay nhanh có cụm bay chậm. Những cụm mây mang đủ hình dáng theo mắt nhìn và trí tưởng tượng của tôi, riết rồi thành một sự say mê, đến nỗi có nhiều hôm tưởng tôi ngủ miết, mẹ tôi phải vào giường gọi dậy, có biết đâu là đã đuổi những giấc mơ của tôi đi xa. Thế là tôi bị ngưng ngang, gián đoạn nhiều câu chuyện hay đang được mây trời kể chuyện cho nghe, làm tôi tiếc lắm.

Hình thù của núi đá và lòng biển hôm nay cũng đang cho tôi thưởng thức biết bao điều hấp dẫn và kỳ lạ đến say sưa, choáng ngợp.

Mặt biển mênh mông nối tiếp chân trời bao la, tít tắp. Núi, ngách bốn bề trùng điệp, hang luồn ẩn hiện, quanh co. Lúc nằm e ấp, lúc  sừng sửng đứng. Lúc gần gũi, lúc xa xôi. Khi hiền hòa thơ mộng. khi hùng vĩ uy nghiêm. Thiên hình vạn trạng của hóa công mỗi lúc một phơi bầy, thu hút mạnh. Tất cả như cánh buồm căng gió trong hồn tôi, cho tôi thỏa mãn sự tò mò, yêu thích thiên nhiên, phiêu lưu mạo hiểm và óc tưởng tượng thêm phong phú dồi dào.

Thuyền đi qua nhiều hang núi được khoét rộng như cổng thành cửa lũy, vách đá cao chênh vênh ngất ngưỡng, đỉnh núi nhọn cheo leo như lưỡi gươm hoặc các đảo đá có hình thù ngộ nghĩnh giống như các tên gọi: Ngà Voi, Cánh Buồm, Chó Đá, Bọ Cạp, Hòn Đũa, Hòn Rùa,v.v… rồi cặp vào bờ cho chúng tôi lên thăm động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, đảo Lư Hương, đảo Gà Chọi… Đi luồn lách qua các hang động trong ánh sáng mờ mờ hiện lên nhiều cảnh vật kỳ ảo như lạc vào lâu đài thạch nhũ có dát bạc lóng lánh từ các chùm nhũ đá mọc ra từ lòng chảo sâu rộng nằm trong lòng núi đá. Thăm thẳm và hun hút với nhiều mầu sắc theo chiều ánh sáng từ trên cao lọt vào cùng nhiều hình ảnh sinh vật độc đáo, huyền ảo đã tạo nên sức thu hút kỳ bí, vô cùng sống động và lạ lùng. Tôi quên cả mệt mà cứ hăm hở leo trèo như sống lại thuở mười lăm mười sáu được đi sinh hoạt cắm trại, đi chơi núi ở Châu Thới, Long Hải, Bà Rịa, Vũng Tầu của tuổi trẻ ngày xưa.

Rời khỏi các hang động thì trời đã lần sang bóng chiều. Cảnh sắc càng thêm thanh nhã êm đềm trên biển nước dạt dào. Thuyền tôi đi gần vào chân núi thăm một trong số các làng chài, mà mỗi làng dọc theo ven biển qui tụ khoảng vài chục căn nhà nổi trên mặt nước. Những căn nhà bập bềnh nằm rải rác trên sóng nước quanh năm để nuôi bắt cá tôm hải sản. Cả vợ chồng con cái đều sống hết trên chiếc nhà sàn gỗ này, cũng y như căn nhà bình thường có mái che, cửa nẻo rào phên, bên trong ngăn buồng, sân rộng chung quanh, máy chạy điện với một số nhu cầu cần thiết để sinh hoạt gia đình. Bởi lẽ đời sống của những gia đình ngư dân này đều sống quanh năm suốt tháng trên biển cả, gắn bó cả đời với nghề cha truyền con nối dù phải đeo mang cuộc sống nổi trôi trên sóng nước mênh mông. Những căn nhà nằm trên phao nổi đều có ba khoang để giăng câu, thả lưới nuôi cá tôm và là nơi ngủ nghỉ. Hầu hết nhà nào cũng có nuôi thêm chó để canh chừng kẻ trộm. Chúng tôi được dịp đi xem những khoang nuôi hải sản của họ rồi mua một số cua ghẹ, tôm tươi sống vớt lên từ rọng lưới đem về thuyền nhờ nấu nướng hộ. Cũng là một cách vừa được thưởng thức món hải sàn tươi ngon, vừa giúp những người dân chài mau bán hết cá tôm, vì mình chỉ một lần ghé qua đây mà thôi.

Vẫy tay chào từ biệt họ, những người dân biển vạn chài tuy quê mùa lam lũ nhưng mộc mạc chân tình, tôi thấy lòng rưng rưng niềm thương xót những cuộc sống thua thiệt khổ nghèo, đổi cơm gạo mưu sinh bằng mồ hôi muối mặn, dấn thân cùng sương gió biển khơi, trẻ con nheo nhóc trên sóng nước dập dềnh (Nhà Nước Cộng Sản VN chắc lo mải mê vơ vét tiền qua các tuyến du lịch nhằm vào yếu điểm của những người hải ngoại yêu mến hình ảnh quê hương tìm về danh lam thắng cảnh đất nước, đâu có bao giờ quan tâm đến đời sống dân nghèo, dùng đến ngân quỹ thu vào ấy để lo cho tương lai các trẻ em vùng biển, nhất là ngư dân ở tít mù khơi này). Ôi những đời sống lênh đênh, hiu quạnh qua bốn mùa mưa nắng khuất sau những dãy núi điệp trùng. Vậy mà có lúc tôi cũng từng ước ao được sống một lần trên căn nhà nổi giữa vùng trời biển bao la này. Bởi tôi chỉ muốn sống một ngày cho thỏa sự thi vị với mây trời gió núi, cảnh sắc thơ mộng hài hòa của thiên nhiên, chứ thật ra đời sống của người dân chài thì cơ cực biết bao!

Thuyền lại nhổ neo thẳng hướng đảo Cát Bà. Ráng chiều pha sắc đỏ trên bầu trời lam tím. Dẫy núi thêm xanh thẫm trước mầu chiều lộng gió ngàn u ẩn. Cảnh sắc thiên nhiên lại chuyển qua nét nhìn khác. Ngày đang khép dần lại khi ánh tà huy từ từ thu ngắn. Các đảo đá như pho tượng cổ khổng lồ vẫn ngước cao ngạo nghễ với dáng vẻ suy tư trầm mặc hơn khi hoàng hôn phủ nhẹ áo choàng xuống vai đỉnh núi. Từng vạt nắng rong chơi còn sót lại vội theo mây đuổi bước về trời khiến không gian dịu nhạt và tĩnh lặng hơn.

   Tôi nhìn ngắm thủy triều đang xuống để lộ những chân đảo bị nước biển xoáy mòn nên bị khuyết lại giống như cột trụ mỏng manh chống đỡ trên lưng một khối đá cao lớn hơn gấp nhiều lần. Hình thể không cân xứng này cho tôi cảm nghĩ ngưỡng phục những người luôn tranh đấu cho tổ quốc Việt Nam. Tuy sức người nhỏ bé nhưng trí dũng quật cường vẫn kiên gan gánh vác chuyện sơn hà, chấp nhận nhiều thiệt thòi mất mát để cứu nguy dân tộc một cách hiên ngang vững vàng. Xin được trân trọng cảm ơn những vị anh hùng liệt nữ đã quả cảm hy sinh cho đất nước ngàn đời được thắm tươi, rạng rỡ của nòi giống bất khuất Tiên Rồng.

Qua khỏi núi đá Quả Chuông, Lạc Đà, Con Voi đến hang Bồ Nâu và đảo Cát Vàng, thuyền cập bến đảo Cát Bà thì đã gần sáu giờ chiều (đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải nằm về phía tây của vịnh Hạ Long, trước thuộc về tỉnh Quảng Yên, nay sát nhập vào tỉnh Hải Phòng). Ven bờ, đang dập diu hằng trăm ghe, tầu dưới bến, tấp nập người lên xuống, khuân vác hàng hóa mua bán. Chung quanh là những mái thuyền làng chài vây kín trước bến đảo tạo nên khung cảnh rộn ràng, vui hẳn lên trong cảnh chiều tà.

Chào tạm biệt con tầu Biển Mơ, chúng tôi được đưa tới khách sạn Hoàng Tử nằm gần công viên bờ biển. Trên đảo, khá đông dân cư, nhà cửa hàng quán mở ra san sát. Chắc hẳn đảo này vừa được phát triển rộng kể từ ngày thành địa điểm du lịch. Tối đến, bụng người nào cũng đói meo nên thức ăn dọn ra ở nhà hàng có cái tên ngộ nghĩnh là Xoài Xanh “Green Mango” vẫn chưa thấy đủ no hẳn nên buổi tối dạo phố đêm chúng tôi còn dịp thưởng thức thêm Sò Điệp do các ngư dân ở đây nuôi trong tám tháng thành món cháo Sò, Điệp nướng.

Chúng tôi đi dọc theo đường phố còn sáng trưng mua bán, nhưng  công viên bến cảng phía bên kia đường thì im lìm thưa vắng hơn dưới mấy ngọn đèn vàng vọt, chỉ loé lên vài đốm sáng của mấy con tầu đang neo bến ngoài xa. Con đường “đi dăm phút lại về chốn cũ’ nên chúng tôi lên xuống ngược xuôi hai lần đã chán. Tôi lại la cà vào mấy quấy bán hàng lưu niệm bên lề, lựa mua mấy xâu chuỗi ngọc trai làm trang sức dù chẳng biết là ngọc trai non hay già, rẻ hay mắc nhưng tôi vẫn muốn có vài xâu chuỗi tại đây làm kỷ niệm bởi nhớ tới câu chuyện Mỵ Châu bị chồng là Trọng Thủy dỗ ngọt lòng tin, lén tráo nỏ thần cho cha mình là Triệu Đà khiến vua An Dương Vuơng mất thành Cổ Loa, đã vậy Mỵ Châu còn ngây thơ rắc lông ngỗng trên đường cho chàng Trọng Thủy biết đường theo dấu, khiến vua cha thật sự nổi giận chém ngay đầu con gái. Giòng máu Mỵ Nương chảy thấm xuống biển mang theo nỗi oan hận tình. Loài trai nuốt vào bụng hóa thành ngọc trai (ngọc châu). Tình yêu chân thật thiết tha muôn đời vẫn sáng đẹp dù bị dối lừa, bội phản. Tôi luôn yêu thích những mối chân tình đẹp nên dù câu chuyện về ngọc trai nghe qua có vẻ thần thoại hóa nhưng tôi vẫn nghĩ là có, để cầm trên tay mấy xâu chuỗi ngọc vương vấn chuyện nàng Mỵ Châu kiều diễm lụy tình thuở xưa.

 

   Khuya lắc khuya lơ chúng tôi mới trở về khách sạn. Quen ngủ muộn, tôi bật máy xem truyền hình chiếu mấy vở kịch tâm lý xã hội để biết thêm những hoàn cảnh cuộc đời tiêu biểu trong xã hội chủ nghĩa hiện nay ra sao. Mải mê thế nào mà đã gần sáng mất rồi, nên tôi dậy pha trà nóng uống cho tỉnh táo rồi chuẩn bị chào đón một ngày mới nữa.

   Dùng điểm tâm, trả phòng xong, chúng tôi lại lên xe ra bến tầu. Sáng sớm mà nơi đây đã nhộn nhịp. Đứng chờ tầu khá lâu nên chúng tôi lại vào quán uống cà phê cho ấm bụng. Nhìn những con tầu chòng chành tôi chạnh nghĩ đến kiếp dân nghèo ở đất nước mình có khi cả đời không biết đến mùi vị xa hoa của phố thị chứ đừng nói chi đến những tiện nghi, học thức, văn minh. Đảng Cộng Sản VN đã bao năm làm quê hương tan nát, giờ vẫn tiếp tục làm khổ dân tình phải điêu đứng lầm than. Cuộc sống người dân trong nước ngày càng hoang mang, chòng chành trong nỗi lo sợ nghi ngờ chẳng biết tương lai đời mình và cháu con rồi sẽ ra sao!"

Vừa uống cà phê, tôi vừa chăm chú nghe người chủ quán vui tính kể về những cánh rừng trên đảo Cát Bà có nhiều khỉ, đặc biệt là giống khỉ hiếm quý đuôi dài đầu trắng còn rất ít sống sót nơi đây. Vừa uống hết ly cà phê nhỏ và nghe một đoạn ngắn về các giống khỉ trên đảo thì tới giờ xuống tầu. Gió sớm lẫn hơi sương muối thổi lùa lạnh đến se da nên tôi vội vào trong khoang chọn chỗ ngồi sát bên cửa sổ để ngắm nhìn bình minh trên vịnh Hạ Long đã ló dạng mặt trời, đẹp đến xao xuyến cả mặt nước và lòng người khi chiêm ngưỡng. Thật không uổng công dậy sớm, đón chờ của du khách dù những màng sương mỏng còn lãng đãng phủ buông trên sườn núi trắng mờ. Ánh bình minh chiếu xuống mật bể đang gợn sóng lăn tăn mầu thủy lục thêm lung linh sắc nước.Và mặt trời đang rọi tan dần những màn sương trắng đục, để cởi buông mấy vạt áo còn lơ lửng khoác trên thân mình núi đá đã mặc từ đêm tối trước. Phong cảnh vịnh Hạ Long dường như mới mẻ hơn sau khi thức giấc được trang điểm lại những nét đẹp mượt mà thêm trong sáng tươi xinh. Thuyền dong buồm chạy thẳng không ghé qua các hang động nữa nên về tới Bãi Cháy chỉ mới gần trưa. Cơm nước với mấy món cá ngon đang mùa vụ cá bắc, chúng tôi lại lục tục lên xe rời Hạ Long.Vẫy tay chào tạm biệt vùng biển xanh núi biếc, tôi luyến tiếc để lại sau lưng hình ảnh các đảo đá điệp trùng giữa ngàn khơi mây trắng xóa.

Trên đường về lại Hà Nội, họ cho chúng tôi ghé vào Hải Dương để giới thiệu bánh đặc sản đậu xanh và tranh thêu do các em trong Viện Mồ Côi thêu bán. Cứ một chút để gọi là mua giúp và… kỷ niệm cũng đủ thấy… giật mình khi thấy mấy “kỷ niệm” ấy chưa gì đã chất đống trong xe. Tới Hà Nội, nghỉ ngơi một chút, chúng tôi cùng đi ăn tối rồi kéo nhau đi chợ Đồng Xuân. Trời sắp sập tối nên khu chợ rục rịch đóng cửa dẹp hàng, vì thế chúng tôi chỉ đi qua cho biết chứ chẳng mua bán gì. Loanh quanh dạo chợ một hồi, tôi cũng mua được cho mình một đôi giầy vải để đi cho êm ấm chân hơn. Trong nhà lồng chợ đã tối thui, thưa vắng, nhưng mặt ngoài hai bên cửa hàng chợ sáng trưng, giữa lòng đường đang chuẩn bị bày hàng bán chợ đêm nên tấp nập chen chúc. Khi ra tới đầu đường khu phố cổ, thành phố đã lên đèn sáng rực. Người người xe cộ túa ra mấy ngả đường nhộn nhịp. Riêng nhóm chúng tôi bắt đầu chia tay vì chuyến đi của bốn người bạn kia chỉ có bốn ngày (Hà Nội - Hạ Long), còn tôi là chuyến đi dài ngày gấp đôi (Hà Nội - Hạ Long -  Chapa). Long giới thiệu với tôi người hướng dẫn viên mới là Hải, rồi bắt tay từ giã để đưa mấy người khách kia tới Nhà Hát Lớn ở phía trước mặt để xem múa rối nước. Sau ba ngày cùng chung cuộc du ngoạn, giây phút chia tay tuy ngắn ngủi, chẳng có nước mắt ngậm ngùi gì cả, nhưng hai bên cũng trao đổi e-mail và xiết chặt tay nhau với chút gì luyến mến.

Tôi và Hải băng qua đường đi dạo Hồ Hoàn Kiếm ban đêm, cũng thấy đẹp và vui như đi qua bất cứ thành phố hay trung tâm du lịch nào. Bề trái của ban ngày và mặt sau vẻ lộng lẫy của ban đêm này có những tương phản che lấp như thế nào thì tôi chưa rõ, nhưng giờ thì thiên hạ có vẻ thoải mái vui chơi khắp phố phường đang mang bộ mặt hào nhoáng dưới ánh đèn trong không khí thoáng mát của trời đêm. Tôi cũng nhập vào đoàn người tản mạn ấy với lòng bồi hồi khi đối diện cùng Hồ Gươm - Tháp Rùa mà từ lâu chỉ biết qua những trang thơ văn hào khí của thời thanh bình Thăng Long thành cổ trăm năm trước.

    Hải chỉ cho tôi xem những cây cổ thụ trước cầu Thê Húc, những gốc cây già đại lão gần trăm năm đã từng lặng lẽ xẻ chia cùng bao hưng phế, bể dâu của chốn Hà Thành, đã thay bao mùa lá rụng vui buồn qua dấu mốc thăng trầm của đất nước tự hào lẫn đau thương. Và vẫn kiên trì đúng đây hứng nhận nắng mưa sương gió thời gian như giòng nước dưỡng nuôi kia thấm bao nguồn nước mắt của lòng mẹ Việt Nam đau đớn nhìn đàn con đã khóc hận phân ly bao lần, và rồi còn bao lâu nữa mới thôi hết những đoạn trường khổ nạn"!

   Tôi đi tìm cây hoa gạo (bởi yêu mầu hoa gạo đỏ qua thơ văn) nhưng chỉ nhìn thấy tàn lá gạo xum xuê mà hoa gạo đỏ đã lẩn mất đâu rồi dưới bầu trời đêm thiếu ánh trăng sao. Trăng chắc hẳn khi về qua thành phố này cũng thấy dạ sầu bâng khuâng, bởi từ lâu mỗi một đêm về, hằng ngàn ánh đèn mầu xa hoa giăng khắp ngả phố phường đã đua nhau rực sáng. Có còn ai mong đợi ánh trăng chăng ("), hẳn còn rất ít hoặc chỉ là làn nước bạc dưới đáy Hồ Gươm vẫn nặng lòng tha thiết đợi chờ để cùng soi tỏ nỗi niềm trăng nước bấy lâu. Người đời ư, có mấy ai còn mong nhớ đến những đêm trăng ngà thơ mộng xưa bên hồ liễu rũ để lắng lòng rung cảm với tha nhân (hay nay đã “có đèn quên trăng” như thói đời đen bạc)… Nên trăng có về e cũng là những bước cô đơn trên thành phố cổ mà người xưa đã tản mác bốn phương trời lữ thứ. còn Hà Thành nay thì đã đổi thay rồi còn đâu…!

Khoảng chín giờ tối, xe đến đón tôi ra ga Hàng Cỏ đi Lào Kay. Bây giờ chỉ còn một người khách duy nhất là tôi trên chuyến du lịch cùng với hướng dẫn viên mới là Hải. Cùng độ tuổi ngoài hai mươi và mới ra trường đại học như Long, Hải có vẻ thư sinh, điềm tĩnh và thích nóí chuyện văn chương phong cảnh nên hai cô cháu trò chuyện có phần tương đắc, còn Long thì vui tính hay nói chuyện pha trò và rất nhanh nhẹn. Tôi đều mến cả hai người trẻ tuổi này.

 

Tầu đêm, biết mấy sân ga…

    Qua khỏi Cửa Nam, tới đường Trần Quý Cáp, xe đỗ lại cho chúng tôi vào ga B. Tôi bỡ ngỡ nhìn cảnh nhà ga đông đúc, chen lấn trong cảnh mời mọc mua bán khá hỗn loạn mà hơi e sợ. Hải vào xếp hàng mua cho tôi vé riêng hạng nhất thuộc khoang bốn giường có máy điều hòa trên chiếc xe lửa (có cái tên rất “oách” là tầu du lịch Hoàng Gia). Tầu sẽ khởi hành đúng mười giờ đêm nên chúng tôi còn phải chờ bốn mươi lăm phút nữa. Chung quanh tôi là những người có vẻ khó nghèo, đa số là người vùng Cao, nằm ngồi la liệt, Tiếng nói chuyện rì rầm lẫn trong tiếng trẻ con khóc la, tạo thành không khí ồn ào trong một nơi công cộng không sạch sẽ. Nhiều người nhìn ngó tôi chăm chăm (có thể vì tò mò, hiếu kỳ) nhưng tôi không thấy khó chịu mà nghĩ mình nên đáp trả lại bằng gương mặt hòa nhã cùng nụ cười thân thiện để gieo cảm giác hòa đồng, ấm áp hơn với mọi người. Những người đi bán rong tới mời mua đủ thứ mặt hàng. Tôi chọn mua vài quyển sách để ngồi đọc giải trí trong lúc chờ đợi. Thoáng chốc, đã đến giờ lên tầu. Hải đưa tôi vào tận khoang, cất hành lý cho tôi xong, chúc tôi ngủ ngon rồi mới trở ra toa khác (chắc phải ngủ đêm trên ghế). Tôi chào ba người khách chung khoang gồm một bà mẹ và hai cô con gái trẻ người Nga cũng từ Hà Nội đi du lịch Lào Kay - Chapa, xong vội ngả lưng trên chiếc giường nhỏ có lót nệm mềm để nghỉ ngơi, may mà được nằm giường dưới không phải leo lên tầng cao (tôi nghĩ sẽ hơi ngộp vì khoang buồng nhỏ). Lại nhớ tới thời tiểu học trong nội trú trường Thánh Mẫu ở cạnh nhà thờ Thánh An Tôn trên đường Lê Văn Duyệt. Chúng tôi được chia hai đứa nằm chung một giường hai tầng, tôi ngủ tầng dưới nên rất ao ước được nằm tầng trên cho cao. Bây giờ thì muốn ngược lại mới buồn cười, thế mới biết ở mỗi tuổi mỗi hoàn cảnh, ý thích mình cũng thay đổi, khác đi.

Thấy trên đầu giường có để sẵn cho khách một chai nước lọc và bánh ngọt, tôi lấy chai nước đi đánh răng rửa mặt thì cũng vừa lúc tầu từ từ chuyển bánh. Đây là lần đầu tiên tôi ngủ đêm trên xe lửa nên nghĩ chắc sẽ rất khó ngủ, bèn bật đèn để đọc sách, dè đâu chỉ mới xem chừng vài trang đã thấy buồn ngủ díp mắt lại. Có lẽ vì quá mệt sau một ngày đi nhiều và thức trắng đêm trước, tôi rơi vào giấc ngủ một cách nhanh chóng, bất kể tầu chạy rầm rầm nghiến mạnh trên đường rầy sắt ra sao. Chỉ thỉnh thoảng giật mình thức dậy lúc đêm khuya, nhìn ra cửa sổ chỉ thấy màn đêm hiện lên mờ mờ cảnh rừng núi âm u, lắng nghe tiếng chạy rùng rùng va sập như giông bão của con tầu chạy hoặc lúc tầu lê bánh sắt trên đường rầy để dừng lại ở một ga nhỏ nào đó vọng lại tiếng ồn ào của khách lên xuống, loáng thoáng như trong giấc mơ, rồi tôi lại chìm lìm vào những giấc mơ đứt nối không nhịp nhàng thật. Tầu chạy suốt đêm, dừng lại bao nhiêu trạm ga, đi qua bao cảnh núi đồi ra sao tôi cũng chẳng biết vì ngủ mê mệt và trời thì tối đen. Nhưng khoảng bốn năm giờ sáng, tôi dậy rửa mặt rồi tỉnh ngủ luôn. Mọi người trong khoang vẫn ngủ say, chỉ có tôi thức dậy cùng con tầu đang lăn bánh lao nhanh vùn vụt trong màn đêm. Ngồi bó gối trong chăn ở góc giường, tôi dõi mắt nhìn ra ngoài. Tầu chạy qua những ngôi nhà đóng kín im lìm hoặc vút ngang mấy dãy núi đen mờ như ảo như thực ngoài kia như có tiếng gì heo hút len lỏi vào hồn tôi, lạnh buốt những âm vang xa vắng, buồn tênh!

 

   Thế đấy, tuy không còn ngủ được nữa, nhưng tôi rất bằng lòng trong những giây phút im lặng này. Vì tôi đang được sống với con tàu trên chuyến hành trình xẻ dọc núi rừng trong sương đêm, thao thức với bao điều suy nghĩ về những chạm tay chạm mặt của cảnh vật bên đường mà tầu đã đi qua hằng ngày trong nhiều năm tháng, còn tôi dẫu chỉ một lần đi qua, thoáng mắt nhìn thôi nhưng cũng là những hình ảnh đã được lưu lại trong ký ức để nhớ tới về sau. 

Tôi lại nghĩ ngợi đến tâm trạng những người lính Việt Nam Cộng Hòa, ngờ đâu phải buông gươm bỏ kiếm năm nào, khi giấc mơ đi xây dựng cơ đồ làm sáng đẹp quê hương chưa thỏa ước nguyền thì đã lâm vào cảnh tù đày, hứng đủ mọi đòn thù thâm độc của đối phương khi vận nước ngửa nghiêng. Có lẽ trên những chuyến tàu đêm năm xưa của gần ba mươi năm về trước, những người từ phương Nam ra đất Bắc ấy, không phải đi trên đường có hoa nở thanh bình của ngày quê hương thật sự đổi mới tươi mầu mà là đoạn đường gai góc gian nan, chở đầy trên vai bao nỗi đắng cay ngậm ngùi theo tiếng hờn sông núi như loài chim quốc phải buông tiếng khóc than cho nỗi đau “nhớ nước thương nhà” vì vận nước điêu linh. Rừng núi thâm u kia hẳn cũng từng xót xa trong tiếng gió thét gào lời ai oán khi nhìn đoàn tầu mang những người lính phương Nam trải đầy sóng gió bão bùng ấy qua đây, bởi lòng sao không khỏi bàng hoàng rúng động khi tiếng kêu rạn vỡ của Non Sông đang dậy khắp đất trời:

 

“hồn cố quốc biết đâu mà gọi

thôi khóc than rồi lại xót xa

trời Nam xanh ngắt bao la

ngàn năm cơ nghiệp Ông Cha còn gì…!

-- (Phan Bội Châu)

    Tầu đến Lào Kay lúc mới hừng đông. Qua một đêm băng ngàn, thành phố náo nhiệt của Hà Nội đã khuất nẻo xa vời sau những dẫy núi chập chùng. Hơi lạnh của miền núi cao đóng thành lớp sương dầy khiến buổi sớm đầu ngày của thị trấn dường như còn thèm níu chăn bông ngủ nướng mặc cho ông mặt trời dùng ánh nhật quang lay mạnh dậy. Rời sân ga, chúng tôi lại tiếp tục lên xe thẳng tới Chapa. Đường đèo dốc quanh co vương vấn làn sương muối trắng còn mênh mang phủ khắp núi rừng Tây Bắc. Tôi lại căng mắt ngắm từng lũng đồi mướt xanh thăm thẳm. Mặt trời đã ló mặt mà lưng đầu núi cùng mây sa còn vờn ôm nhau mãi chẳng chịu buông rời.

Trời càng sáng rõ thì cảnh đồi núi trước mắt càng thêm quyến rũ bội phần khiến lòng yêu thích thiên nhiên của tôi được vỡ rộng ra theo niềm vui say sưa ùa ngập tới. Làm sao tả hết được vẻ óng ả của từng cánh đồng vàng phơi bông lúa chin trên các thửa ruộng bậc thang do người dân tộc gieo trồng dưới lũng sâu, hoặc ngoằn nghoèo trên triền núi như nấc thang dẫn tới chân trời. Và mầu xanh ngăn ngắt của những nương chè, đồi lanh (loại cây trồng để dệt vải) trên dốc thoải bản làng xa… 

 

Chapa, phố trắng mù sương…

 

   Chapa đây với trời cao, mây trắng, núi rừng xanh phủ thêm làn sương mỏng tựa tà áo lụa của nàng tiên đang dạo gót lưng trời. Xe càng lên đèo cao phong cảnh càng thêm hùng vĩ, lôi cuốn tôi qua nét mỹ miều hoang dã.

   Khi xe tiến vào thị trấn Chapa, tôi ngỡ mình đi lạc vào biển trời sương mây chẳng còn biết mặt trời ở đâu. Chỉ biết xe đang bò lên dốc cao, cảnh vật chung quanh trở nên lung linh mờ ảo trong lớp sương dầy trắng xóa. Núi xanh cũng bị khuất mờ sau lớp sương che. Những căn nhà nằm hai bên phố sát con đường lộ xe qua mới có thể nhìn thấy được. Ngắm những mái nhà, ô cửa khép kín co ro trong rét mướt, sân vườn còn ướt đẫm bởi mưa sương khiến tôi bồi hồi nhớ đến những ngày thơ nhỏ ở cao nguyên Đà Lạt. Ở đó, núi rừng, sương mây và giá lạnh đã cho tôi bầu trời thoáng đãng mộng mơ, hạnh phúc vui tươi của sự ấm áp, vẽ cho tôi xem bao phong cảnh tuyệt vời. Và những ngày tháng đó đã cho tôi gần gũi thiên nhiên để lòng biết chứa chan yêu mến cuộc đời và đời sống của con người cùng vạn vật ra sao. Có phải thế chăng mà tâm hồn tôi có lúc thật cang cường mạnh mẽ nhưng có khi cũng vô cùng ủy mị, mỏng manh. Nhưng dù thế nào tôi cũng đa tạ thiên nhiên đã tiếp hơi thở cho tôi sức sống hồn nhiên tươi trẻ đến tận bây giờ, để vượt qua được những chông gai gian khó của cuộc đời mà lòng vẫn đầy ắp tình thương yêu tha thiết và luôn giữ được nụ cười với cuộc sống chung quanh.

Xe dừng lại trước cửa khách sạn Hoàng Gia nằm cuối con đường phố chính. Chúng tôi lần lượt xuống xe, chuyến nầy chỉ có tôi và Hải là người Việt Nam, còn lại là khách ngoại quốc mà người ta thường gọi chung là Tây “ba lô”, đủ cả nam nữ hầu hết trong lứa tuổi thanh niên. Họ thích đến đây nghỉ mát và thám hiểm những ngọn núi Hoàng Liên Sơn hoặc chinh phục ngọn Fan Si Pang (cao 3.143 thước). Nhận phòng xong, tôi vội đi tắm gội ngay sau một đêm lắc lư trên tàu và mấy tiếng đồng hồ bó gối trong xe. Nước ấm làm tôi khỏe khoắn lại và thấy mình có thể tiếp tục cuộc du ngoạn ngay, không còn cảm thấy mệt mỏi tí nào nữa. Nhìn đồng hồ mới hơn tám giờ sáng, tôi tự cho phép mình nghỉ ngơi thêm nửa tiếng nữa. Lúc đó tôi mới có dịp quan sát kỹ căn phòng được thiết kế theo kiểu cổ Tây phương, ấm cúng và xinh gọn. Tôi thích kiểu giường có màn đăng ten thêu màu hồng nhạt rũ xuống từ trên cao, vậy mà nằm chưa ấm hơi tôi đã nhỏm dậy kéo màn cửa sổ nhìn ra ngoài. Tôi chọn phòng ở tầng lầu khá cao nên phóng được tầm mắt nhìn bốn bề chung quanh. Dưới kia là lũng sâu nhưng… tôi chả thấy được gì ngoài mầu trắng sương mây hòa lẫn với mây trời thành một cõi trắng mênh mang. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao nơi tôi đang ở được gọi là phố Cầu Mây. Không cầm lòng được trước một vùng biển mây đang gợn sóng muôn trùng bao la, tôi mở cửa ra, mây bay ùa vào từng lượn trắng như cuộn khói mong manh. Tôi ngây ngất trong niềm vui kỳ lạ, muốn đưa tay nắm chặt làn khói mây kia, cất trong vạt áo để đem về làm quà tặng cho người đang ở cách xa, nối sợi tơ trời này làm gối ngủ êm đềm cho người có canh mộng đẹp từng đêm. Tôi ngây ngất bởi chưa bao giờ được đứng gần mây, trong mây, tưởng chừng như nắm bắt được mây như thế này. Nhưng mây vẫn là mây khói, tôi cầm rồi thả tay ra, vẫn không thấy mây ở trong lòng bàn tay mà mây đã vuột thoát bao giờ, chỉ lãng đãng bay quanh. Nhẹ nhàng mà chẳng ai cầm giữ được mây bao giờ.

Nhớ lại chuyện đọc trong mấy pho kiếm hiệp thần kỳ mà tôi đã từng say mê như: Phong Kiếm Xuân Thu, Anh Hùng Lương Sơn Bạt, Thủy Hử, Mộ Dung Cô Tô, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Anh Hùng Xạ Điêu… thì cảnh sắc này đây có khác chi cảnh giới hư hư thực thực phiêu bồng trong trang sách ấy hoặc nghĩ mình đang ở trên cõi non tiên cùng mây trắng cũng đâu phải là điều không đúng, bởi vì giây phút được đứng cùng mây bao quanh tôi cảm thấy thần trí mình như bay bổng lâng lâng.

Đúng chín giờ, tôi xuống ăn điểm tâm rồi bắt đầu ra phố. Mới đầu tôi tưởng trời mưa khi thấy đường phố ướt đẫm, nhưng không phải mưa mà là sương mù dầy đặc tạo nên độ ẩm ướt đó. Thị trấn Chapa ở trên vùng núi cao hơn ngàn thước nên khí hậu buổi sáng rất giá buốt. Từ cuối phố chúng tôi đi ngược lên con dốc để đến chợ phiên. Hên cho tôi đi nhằm hai ngày cuối tuần nên sáng nay đúng buổi họp chợ của đồng bào thiểu số từ các bản làng hẻo lánh xa xôi, nếu không dùng ngựa có khi mất cả ngày trời hoặc nhiều giờ đi bộ mới đến nơi để mua bán trao đổi hàng hóa cần thiết. Khi vào chợ, khung cảnh tấp nập chào mời xen lẫn tiếng nói cười nghe ríu rít như chim làm tôi cũng thấy xôn xao. Ngoài âm thanh đó ra, mầu sắc sặc sở trên các bộ váy phục của người Tầy, Dao, H’Mông… điểm đen, đỏ, xanh, vàng… làm không khí thêm rộn ràng vui vẻ. Tôi đi hết dẫy hàng này qua dẫy hàng kia để ngắm nhìn cho đã mắt. Những mặt hàng thổ cẩm do họ thêu dệt nhiều đêm ngày với đủ kiểu hoa văn cùng mầu sắc thắm tươi may thành dải hoa trang trí, vải vóc, chăn, gối, quần áo, giỏ túi xách cho tới những loại ví cầm tay đựng tiền đựng viết.v.v…, họ còn bày bán những chiếc vòng bạc xinh xinh cùng cây sáo, cây khèn được làm bằng tay khéo léo cùng đặc sản núi rừng như mật ong, thuốc, rượu, hoa lan, rau quả tươi ngon. Trước những nụ cười trên khuôn mặt hiền lành chất phác của những người vùng núi cao, tôi không thể không dừng lại để mua vài món hàng thổ cẩm được thêu may tỉ mỉ cùng mấy chiếc vòng bạc xinh xinh để làm quà kỷ niệm cho người thân và cũng để làm niềm vui cho họ cho tôi trong buổi sáng gặp gỡ này. Và tôi cũng mua một giò lan rừng mầu trắng điểm nhụy vàng nhạt, dù biết chẳng thể mang về theo cái xách tay hành lý cùng mấy ngày đường còn lại. Nhưng cành lan mong manh trắng nõn mầu tinh sương kia như mang theo linh hồn rừng núi đã làm tôi yêu thích ngay khi mới chợt nhìn thấy trên tay người thiếu nữ Tầy bán hoa vừa gỡ xuống từ chiếc gùi trên lưng.

   Rời khỏi chợ, chúng tôi băng qua phía bên kia đường để đến ngôi nhà thờ đá trắng được xây từ thời Pháp thuộc. Tôi không vào trong nhưng cũng đứng ngoài một lúc để chiêm ngưỡng tòa kiến trúc thanh kỳ và bất giác đưa tay làm dấu thánh giá với một lời cầu nguyện bình an đến với mọi người, cùng một lời nho nhỏ cho riêng tôi. Trong một thoáng tôi chợt nhớ tới Huyền Khanh, cô em hàng xóm có ngón đàn dương cầm lả lướt ở trước cửa nhà tôi trong cư xá Chu Mạnh Trinh ngày nào, đã thường cho tôi những buổi tối êm đềm khi lắng nghe những tình khúc ngọt ngào trong tiếng đàn du dương say đắm của Khanh sau giàn bông giấy vọng sang. Nhớ câu chuyện nhỏ của Khanh kể cho tôi nghe trong tiếng cười khúc khích của cả hai đứa: “Em lười đi xem lễ sáng chủ nhật quá. Nhưng sợ bố em và Chúa quở phạt, sáng nay đi ngang qua nhà thờ Tân Định, em có đưa tay làm dấu Thánh Giá rồi” tôi chun mũi nhìn Khanh cười nói bằng đôi mắt sáng và nụ cười lém lỉnh: “ Chắc Chúa không quở phạt em đâu, còn nếu Bố có hỏi, em sẽ nói đã xin phép Chúa cho em đi chơi rồi”. Đã mười mấy năm tôi không gặp lại Khanh, chỉ đôi lần nghe tin tức qua nhạc sĩ Lê Dinh vì Khanh đã lấy chồng và định cư, dậy đàn ở Canada. Mười mấy năm không gặp lại, nhưng đột ngột khuôn mặt xinh xắn cùng giọng cười trong trẻo của Huyền Khanh ngày nào chợt văng văng trong đầu tôi khi đứng trước ngôi nhà thờ đá trang nghiêm của vùng cao nguyên trắng Chapa.   Huyền Khanh ơi, tiếng đàn ngọt ngào, giọng cười nũng nịu cùng những lãng mạn chất ngất ngày xưa có nhiều phôi pha thay đổi không em, khi giòng đời chảy trôi qua bao năm tháng đưa chúng mình rời xa cư xá cũ, phiêu bạt nơi xứ lạ quê người…

Rời khỏi ngôi nhà đá trắng, tôi đi dọc theo dãy lều bán hàng của người Kinh tìm mua cho mình một cái áo ấm thật dầy vì chiếc áo len của tôi không chịu nổi cái lạnh Chapa. May mà tối hôm qua tôi tìm mua được một đôi giày vải để ấm chân và đi bộ được thoải mái với những con đường dốc đứng nơi đây. Đi vòng quanh mấy con đường phố, xem các món hàng thủ công nghệ chạm khắc bằng sừng hoặc gỗ, khăn vải thêu trang trí hoa văn đủ loại đủ mầu qua sự nhẫn nại chăm chút và khéo tay của người con gái phụ nữ vùng núi cao dệt thành những tác phẩm mỹ nghệ nói lên phần nào bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Quên bẵng mất là va ly của mình đã quá nặng quá đầy, tôi còn hăng hái… mua thêm mấy bức tranh Tre vẽ trên sơn mài vì thấy lạ và đẹp quá. 

Loanh quanh phố chợ đến gần trưa mà vẫn không thấy ông mặt trời và nắng đâu cả. Gió sương vẫn thổi lạnh lùng. Tôi nhớ đến lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là đừng có “loanh quanh cho đời mỏi mệt” nên rủ Hải ghé vào một túp lều nhỏ đang bốc hơi ấm từ lò than cháy đỏ bên trong. Vừa ngồi xuống tôi vừa cười với chị bán hàng rồi xòe ngay hai bàn tay để hơ cùng mấy trái bắp, khoai đang nướng dở trên lò. Ngồi bên bếp lửa một chút là ấm ngay dẫu đang ở ngoàì trời chả có gì che chắn trừ chiếc bạt nhỏ làm lều căng trên đầu. Dù không đói nhưng tôi cũng mua bắp, khoai và mía nướng cho vui lòng người bán hàng đã cho tôi sưởi ấm.  Tôi nhìn ống tre chị vừa sắp lên vĩ sắt, ngạc nhiên hỏi để làm gì. Chị giải thích đó là cơm lam, món cơm của người cao nguyên bản thượng. Tre trúc mọc dầy đặc trong rừng, đặc biệt loại trúc mang tên Hoàng Tử, ngấm mưa lâu ngày đọng thành nước trong từng lóng nhỏ. Tre vừa đủ tuổi, người ta chặt đốn một lúc hằng trăm cây đem về chợ bán. Bạn hàng mua lại, chặt ra từng khúc, đổ gạo nương (trồng trên nương rẫy rất dẻo thơm ) vào ống (đã có sẵn nước mưa tích tụ) rồi bịt chặt đầu lóng còn lại, đem nướng trên bếp than ăn với muối vừng rang mè hoặc xâu thịt heo nướng (heo được người dân bản thượng nuôi bằng cách thả rong trên rẫy nên thịt ăn ngon mềm). Thấy hấp dẫn quá, tôi bèn mua thêm hai ống cơm lam, hai xâu thịt nướng và một dĩa muối vừng. Chao ơi, hấp dẫn làm sao khi ống tre được nướng cháy xém cạnh, chị bán hàng lấy dao róc từng lớp vỏ tre bên ngoài, nắm cơm trắng dẻo bên trong thơm lừng mùi gạo mới bốc hơi lên ngào ngạt, ăn tới đâu thấm vị dẻo ngọt ngon tới đó. Trời đang rét lạnh mà được ăn nắm cơm lam sốt dẻo như thế thì càng cảm thấy tuyệt vời hơn. Kết quả sau buổi ăn cơm lam, thịt nướng, muối mè cùng khoai, bắp nướng ở ngoài đường, lúc buổi trưa về lại khách sạn, tôi và Hải ngó mấy dĩa cá thịt được nhà hàng nấu nướng trình bày ngon mắt mà cũng đành chịu thua. Chỉ gắng gắp vài đũa rau xào, chan vài muỗng canh là lắc đầu bỏ cuộc. Nhưng không sao, miễn hồi nãy mình thấy ngon miệng dù đó chỉ là những món ăn chân quê nhưng đậm đà vui thích là được rồi. Đôi khi đi ăn kiểu “bụi” hay gọi là “bình dân dã chiến” gì đó ở ngoài trời hay trên đường phố như thế cũng thú vị lắm chứ.

Tôi muốn tận dụng thời gian vì chỉ có hai ngày ở đây nên chỉ lên phòng cất mấy món quà mua ở chợ phiên và và đặt giỏ Lan cạnh cửa sổ xong tiếp tục đi thăm vườn hồng. Xuống dốc bằng những bậc thang đá làm tôi nhớ quá chừng Đà Lạt khi đi tìm bạn ở những con đường dốc cao, ngõ hẹp thế này. Bạn tôi, những cô gái của xứ lạnh sương mù có đôi má đỏ hồng, mắt sáng long lanh của tuổi đôi tám đôi chin, giờ ở đâu chẳng biết… Những lối cũ tôi cũng quên rồi, nếu có dịp về tìm chắc cũng chỉ ngẩn ngơ đứng ngó mà thôi. Không biết bậc thang đá ấy có mòn đi sau bao năm tháng trôi qua với bao dấu chân người qua lại và rêu xanh có phủ xuống những bờ hè, nơi chúng tôi có những chiều những đêm tâm sự chuyện tình yêu với bao điều ôm ấp của tuổi vừa mới lớn. Bây giờ bước đi của tôi cũng chẳng dài mau như ngày xa xôi đó, đầu óc cũng không còn lồng lộng như trời thông xanh thẳng tắp tương lai mà đã chập chùng như rừng cỏ mọc lẫn lộn ngày qua và hôm nay, có cả những gai nhọn đến buốt lòng!

Chưa tới cửa vườn mà tôi đã nhìn thấy từ xa cả một vườn hồng rực rỡ. Giữa trời đất mênh mang mầu khói trắng, những sắc mầu và bông hoa tươi thắm này cho ta cảm tưởng như đứng giữa thiên đàng hạ giới. Bước chân tôi lại như bay và hốn tôi được cất bổng giữa muôn hoa ngạt ngào này. Không hiểu sao tôi lại mê hoa đến thế. Mấy hôm nay lại nhằm ngày lễ Thầy Cô giáo nên người ta đang cắt hoa để bán, thấy đẹp và rẻ (khoảng 40 cent một bông) nên tôi mua liền nửa chục là sáu cành hoa màu hồng cam (Peach) là mầu tôi rất ưa thích. Hải cười cười thông cảm: “Cô cứ thấy hoa là mua tất”. Tôi trả lời: “Vì hoa đem lại cho cô niềm vui, chỉ mất một ít tiền mà mua được niềm vui như thế là sung sướng lắm, Hải à”.

Rời vườn hồng, chúng tôi trở về khách sạn chỉ mất khoảng mười phút đi bộ. Tôi lại chạy lên phòng cắm hoa vào ly rồi bắt đầu cùng Hải đi thăm bản Cát Cát của người H’mong. Đường vào bản, dốc đèo lên xuống quanh co. Càng đi vào sâu càng thấy vẻ đẹp của núi rừng cuốn hút say sưa. Có khi đi được vài bước tôi phải dừng lại trên một đỉnh cao nào đó để nhìn xuống toàn cảnh bản làng như một bức thảm mượt mà thêu lên những dãy núi đồi xanh mướt chập chùng, ruộng đồng vàng óng à lượn quanh, những con đường dốc ngoằn nghoèo quanh co thấp thoáng mái nhà sàn sau những lùm cây, bụi trúc. Nền trời cao xanh thả mây xuống la đà bay toả giữa lưng chừng núi như thả giải lụa mềm thướt tha, phơ phất trong nắng chiều bình yên.

Giờ này đã quá trưa nên nắng vửa hửng lên, soi suốt một màu xanh lam tuyệt bích. Nhìn phía bên kia quả đồi là trường học mà tôi tưởng chỉ biết đưa mắt nhìn ngắm thôi, dè đâu một tiếng sau cũng đã đi vòng qua lối đó được, mới hay lòng yêu thích thiên nhiên đã tăng thêm sức mạnh cho sự hăng hái đưa dẫn mình đi tới chỗ không ngờ. Tôi cũng có dịp dừng chân lại nghỉ mệt khi gặp vài người trong bản làng mời mua mấy tấm hàng thổ cẩm. Họ nói chuyện thật thà chất phác theo giọng điệu lơ lớ của người phố núi. Những người dân trong bản làng quanh năm trồng trọt cấy cầy. Đàn ông ra đồng áng trồng bắp, khoai, gieo hạt lúa thành gạo cơm. Phụ nữ trẻ em ở nhà dệt vải thêu thùa để có những món hàng thổ cẩm bán cho du khách, đổi lấy những vật dụng cần thiết tiêu xài. Lên vùng cao mới thấy đời trôi êm ả bình yên quá, người ở đây chẳng ước mơ gì hơn cuộc sống gia đình với cơm no áo ấm hằng ngày, hạnh phúc đơn sơ với rừng núi thiên nhiên là nơi sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời, tầm nhìn không xa quá mấy dẫy núi đồi bao qianh. Họ không cần biết tới xe hơi nhà lầu, văn minh tột đỉnh tới đâu vì nhu cầu vật chất của họ rất ít ỏi. Họ chỉ muốn sống hiền hòa bằng đôi tay xây dựng đời sống áo cơm, di chuyển bằng ngựa thồ hoặc đôi chân chai cứng đã quen việc trèo đèo lội suối từ khi chập chững bước đi.

   Thỉnh thoảng tôi cũng cố ý chậm bước để có dịp nhìn vào những căn nhà của người bản làng ra sao. Nhà chỉ làm bằng gỗ, nứa, tre rừng, mái lá hoặc tôn, đồ đac thì chả có gì để bày biện nhiều ngoài bàn thờ, ghế , tủ đơn sơ. Nhưng nhà nào cũng phải có một bếp lửa bên trong, nơi đây vừa là nơi nấu nướng, tiếp khách và thờ thần bếp, thần lửa cho họ no đủ hằng ngày, xua đuởi được tà ma ám khí. Nên bếp lửa không bao giờ họ để cho tắt, ban ngày họ để riu riu giữ độ ấm áp, chiều về khơi lên để nấu nướng và đốt bùng lên thay đèn, sưởi ấm khắp nhà qua đêm tối lạnh lẽo.

Tôi và Hải đang đi đến thác thủy điện do người Pháp dựng xây từ trước thì có năm sáu em nhỏ H’mong chạy theo nhập bầy. Các em chào tôi rồi hỏi thăm ríu rít. Không những vậy có em còn đòi tặng tôi mấy sợi giây đeo tay đủ mầu. Mới đầu tôi còn dè dặt, chỉ cười cười trả lời chút chút nhưng sau thấy mấy em hồn nhiên dễ thương nên tôi cũng bớt ngại ngùng. Có những câu các em hỏi tôi chưa kịp nói và chưa muốn thố lộ, thì em đã trả lời dùm khiến tôi bật cười vì thấy vô tình mà sao lại đúng như “thầy bói” đoán. Khi thấy tôi lưỡng lự từ chối mấy món quà tặng của các em, Hải bảo cô cứ nhận đi, các em thích cô nên muốn tặng cô sự may mắn đó. Tôi vui vẻ nhận thì các em đua nhau tháo từ cổ tay nhỏ bé ra để tặng tôi nào là sợi dây màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen. Tôi không biết mình có dùng tới những sợi dây nhỏ xíu xinh xinh ấy để làm gì, nhưng vẫn nhận cái cảm tình hồn nhiên của các em và nghĩ bụng lát nữa sẽ tặng lại các em ít tiền ăn kẹo bánh cho vui cũng được. Tưởng các em đi theo một đoạn cho vui vậy mà các em đã đi theo suốt một buổi chiều với bốn tiếng đồng hồ qua đồi qua suối với tôi.

Có lẽ tôi vượt đường rừng núi được nhiều và khoẻ như vậy là nhờ có các em bé nhỏ H’mong này. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, mỗi lúc một thân mật thêm. Có em lớn nhất là mười tuổi và bé nhất là sáu tuổi nhưng vóc dáng các em đều nhỏ bé so với tuổi được biết. Buổi sáng thì đi học, buổi trưa chiều có thể phụ giúp gia đình một vài việc gì đó hoặc có thể đi… chơi rong như bây giờ. Nhìn kỹ những gương mặt lem luốc ấy mới thấy được nét đẹp thiên thần của các em miền rừng núi, tôi nghĩ sẽ khó mà quên được kỷ niệm và tình cảm bất ngờ này với các em. Có một em chẳng nói chuyện với tôi nhiều, chỉ nhìn tôi im lặng với nụ cười nhưng khi đi qua con suối có nhiều tảng đá trơn trợt gập ghềnh, em đã tự động đưa bàn tay nhỏ xíu ra nắm lấy tay tôi để dẫn dắt. Tôi sung sướng được đặt bàn tay mình trong bàn tay các em bé ấy. Cảnh tôi được các em nhỏ dìu đi, thấy có vẻ buồn cười nhưng đã làm tôi xúc động biết bao.

Khi ánh nắng nhẹ nhạt dần, dẫy núi Hoàng Liên Sơn càng thêm mênh mông hùng vĩ đến nỗi tôi chỉ đi dăm bước lại phải đứng lại nhìn ngắm kỹ trong ít phút cho thỏa mắt thỏa lòng vì biết đến bao lâu mới có thể nhìn thấy lại phong cảnh Hoàng Liên Sơn ngạo nghễ cùng rừng mây Chapa thơ mộng này khi chế độ Đảng tài khe khắt còn trùm kín non sông. Giữa đất trời như giao hòa làm một kia, tôi thấy mình thật nhỏ bé nhưng lòng yêu mến quê hương lại mãnh liệt bao la. Tôi ngước lên nhìn mây thấp nên cứ ngỡ trời gần, xin cho đất nước Việt Nam của muôn triệu con tim hằng nguyện cầu, sớm có ngày rạng ngời ánh nắng đẹp tươi dưới bầu trời Hạnh Phúc - Tự Do thật sự.

Chợ Tình, Thác Bạc Chapa

Càng về chiều, cảnh sắc càng thêm êm ả mơ màng. Các đỉnh núi xa đã chui vào trong mây nấp kín tự bao giờ. Riêng chop ngọn Phan Si Pang vẫn vươn cao sừng sững trong thế đứng hơn ba ngàn thước, che khuất cả chân trời và tạo thành mầu mây tím biếc, ẩn chứa bao điều huyền bí âm u.

   Lượt về phải leo dốc nên chân tôi thấy mỏi rã rời, nhưng nhìn lại mới biết mình đã đi qua mấy bản làng xa tắp mà vui. Các cô sơn nữ H’mong bé nhỏ vẫn chưa chịu rời tôi dù biết chiều đang rơi xuống chậm trên lưng đồi vàng. Mãi đến khi tôi lên xe, các em mới chịu từ giã làm lòng tôi lưu luyến đến rưng rưng. Thôi vẫy tay chào từ biệt các em gái nhỏ cùng thân thiết với tôi cả một buổi chiều, ước mong tương lai các em sẽ đẹp như cánh đồng ngọt bông lúa mới. Chào từ biệt núí đồi bản Cát, đã đem đến cho tôi nhiều cảm xúc khó quên.

   Xe lăn bánh rồi mà tôi cố ngoáí lại nhìn mấy bàn tay bé bỏng còn vẫy vẫy hoài trong làn bụi đất dần mờ… mờ xa hẳn!

   Mệt là thế nhưng khi về tới phòng, được đặt lưng xuống giường, duỗi đôi chân mỏi và đưa mắt nhìn ngắm giò hoa lan cùng mấy cánh hồng tươi mát như đang nở nụ cười thật đẹp chào đón khiến tôi thấy tất cả đều lắng dịu xuống, gây cảm giác êm đềm rồi thiếp đi vào giấc ngủ ngắn đủ làm tôi khoẻ khoắn lại ngay. Trong bữa cơm tối, tôi thưởng thức ngon lành những món sơn hào của Chapa như cá suối nướng, nấm hương xào, canh cải nương và đặc biệt dĩa rau đọt su su tươi ngon hấp dẫn!

   Trời bên ngoài đã tối, thị trấn Chapa rực sáng lên muôn ánh đèn mầu. Du khách đổ xô ra đường phố rủ nhau đi chợ Tình (chỉ có vào tối thứ bẩy mà thôi). Nghe kể rằng ngày xưa có một đôi trai gái khác làng gặp gỡ nhau trong một phiên chợ (bản làng xa nên có khi cả tháng mới họp chợ một lần), đã đem lòng yêu mến nhau, nhưng không thể lấy được nhau vì tập tục phong kiến thời xưa sao đó. Nên cứ mỗi lần có phiên chợ, họ lại cố gắng vượt núi non cách trở để đến đây gặp nhau cho thỏa lòng mong nhớ. Từ đó trở thành tục lệ, trai gái của các bản làng xa xôi heo hút có thể đến đây là điểm gặp gỡ mong tìm bạn, chọn cho mình đối tượng để làm quen, yêu mến.

   Dù không có ánh trăng mà chỉ có sương núi phủ xuống tăng thêm cái giá lạnh trời đêm, nhưng khu đất trống ngay góc ngả tư đầu phố vẫn nhộn nhịp tụ tập nam nữ bản làng của các sắc tộc Thái, Tầy, Giấy, H’mong, Dao.v.v… Tôi đi giữa những tiếng nói cười râm ran, những khuôn mặt hớn hở trẻ trung bộc lộ sự vui vẻ yêu đời, bắt gặp được những ánh mắt nụ cười loé sáng, nghe được những tiếng đàn tình bằng tiếng khèn, sáo, đàn môi đang thở vào khung trời đêm nay những tiếng yêu không lời, ngôn ngữ của con tim mà bất cứ người miền nào, dân tộc nào cũng có thể cảm nhận được ngay.

Biết đâu sau đêm Chợ Tình này sẽ nẩy nở nhiều mối tình gắn bó giữa những đôi trai gái cần đến sự nồng nàn yêu thương như núi rừng cần suối mưa cho cây lớn mạnh, bông quả ra hoa trái, vạn vật them phần tốt tươi!

   Sương khuya đã phủ xuống thị trấn Chapa mầu mây trắng đục. Đó là một đêm vui vẻ của các bạn tình yêu đương. Một đêm trắng thật đặc biệt của riêng tôi với bao điều vui mới lạ trong lòng. Vì dường như tôi đã lắng nghe được nhịp đập trái tim của núi rừng, hơi thở đất trời của phố núi cao. Bát ngát, thênh thang với muôn vàn hương thắm.

   Đêm đó tôi ngủ thật sâu thật đầy với bao nụ cười chung quanh, kể cả nụ cười của những cánh hoa tươi trong phòng. Nên sáng hôm sau tôi dậy rất sớm trong tinh thần thoải mái để chuẩn bị một ngày vui nữa với Chapa.

   Sáng Chủ Nhật, Chapa thật đẹp với ngàn tia nắng ấm. Bầu trời trong vắt nên tôi nhìn thấy được bình minh trên thành phố cao nguyên, đẹp lạ lùng. Đỉnh Phan Si Pang cao vời vợi chói lóa cười giữa áng trời xanh bao la. Tôi cũng được nhìn thấy rõ quang cảnh lũng đồi phía sau chập chùng bóng thông, tùng chen lẫn với rừng lê, đào đua hoa trắng nở. Hôm qua, cảnh đó là một biển mây như khói cuộn lấp che bộ mặt đẹp xinh của cánh rừng thung lũng vừa lộ ra dưới ánh mặt trời sáng nay.

   Hướng dẫn viên Hải đưa tôi đi núi Hàm Rồng thật sớm cho đủ phần tham quan bởi chiều còn đi Thác Bạc cách thị trấn Chapa khoảng 10km về hướng Bắc (đường đi Lai Châu - Điện Biên Phủ), Chúng tôi thật mừng khi thấy quang cảnh sáng trong vì có nắng ấm. Tôi leo núi thong thả để giữ hơi sức và để thưởng ngoạn trong sự chú mục chậm rãi. Vào vườn lê, vườn táo mèo, đến vườn phong lan hoặc các vườn hoa khác có: hồng, mẫu đơn, thược dược, đỗ quyên, layơn, tulip, hoàng anh… những loại hoa này được trồng nơi xứ lạnh nên khá tươi tốt mà thật sự chỉ đi xem qua cho biết thanh cảnh chứ không có gì quý hiếm đặc sắc hơn so với những vườn hoa tôi từng được thưởng ngoạn trước đây. Nhưng có lẽ được đi và ngắm cảnh trên phần đất quê hương mình nên đối với tôi đều là cảnh vật thân quen cùng những rung động thật sự trong trái tim về sự gần gũi mến yêu này.

   Đặc biệt hoa đào năm nay nở sớm, chưa hết mùa đông mà đã vội gọi xuân về. Hoa đào trắng nở ngát lưng đồi khiến cảnh đẹp  núi xanh càng thêm thanh thoát tươi xinh.

   Càng lên cao, cảnh sắc càng thú vị với bốn bề mây phủ trùng trùng, núi đá chồng chất lên nhau thành nhiểu kiểu dáng lạ kỳ thần bí, lại thêm tiếng nhạc vang theo mỗi bước chân âm điệu của núi rừng thôn bản qua các tiếng sáo Mèo, đàn T’rung… gẩy nhịp trầm buồn, da diết hoặc tiếng trống dập dồn vui tươi như khích lệ bước chân người hãy quên mỏi mệt. Tới một khoảnh vườn cao, chúng tôi vào xem chương trình ca múa nhạc do các thanh niên thiếu nữ dân tộc Dao, Tày, Hà Nhì, H’mong, Nùng, Giáy… biểu diễn thật ngoạn mục với nét văn hóa đặc trưng thật hay.

 

   Một số du khách tới đây đã chùng lòng không muốn leo núi tiếp vì còn phải đi cao xa nhiều nữa. Riêng tôi vẫn muốn đi theo vách đá cheo leo cho tới sân mây, cổng trời xem thế nào mới thỏa. Thật không uổng công gắng sức, rừng đá thiên nhiên cùng cảnh núi non hùng vĩ mỗi lúc một thu hút hơn. Từ cổng trời và sân mây, nơi có thể nhìn ngắm toàn thể thành phố trong sương mây bay lượn, cảnh đẹp đến kỳ cùng. Đứng từ mỏm đá cao ngất ngưởng trên ngọn núi có hình dáng con Rồng uốn lượn đang ngẩng đầu nhìn sang bên kia dẫy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, mây bay chờn vờn ngang mặt như khói tỏa, thật là ngất ngây. Tôi hít thật sâu vào lồng phổi cái không khí trong lành thơm ngát hương hoa núi rừng, cũng như thu nhập vào lòng hình ảnh hiên ngang mạnh mẽ của Hoàng Liên Sơn nối dài, thăm thẳm. Tôi lắng nghe Hải kể câu chuyện sự tích Hàm Rồng của người dân Chapa rằng: “Thuở thiên địa sơ khai có một đôi Rồng từ trời xuống chơi, vì mải mê quấn quýt nhau nên không hay biết cơn hồng thủy đang ầm ầm dâng sóng. Đến khi choàng tỉnh vội quẫy mình rời nhau, định tìm lối quay về, nhưng không còn kịp vì cơn sóng đại thần bổng dâng cao chia lìa đôi ngả, nàng vướng lại ở bên này đành cố ngước trông theo bóng chàng đã bị sóng đưa xa qua đầu núi bên kia mất rồi”. Nghe xong tôi thầm nghĩ, chuyện tình thần tiên mà vẫn bị trái ngang chia lìa, dở dang nuối tiếc, thì chuyện nhân gian có khổ đau vì yêu đương, xa cách cũng là chuyện thường tình, thế thôi!

   Trời đang trong veo quang đãng thì mây xám ở đâu ùn ùn kéo tới, thoáng chốc đã muốn che phủ cả vòm trời. Bóng Rồng vụt biến mất sau lớp khói mây u ám. Chúng tôi vội đi luồn trong các ngõ ngách nhỏ hẹp để tìm lối đi về. Đường xuống núi quanh co khúc khuỷu hơn nên phải đi từng bước chậm, nhờ thế mà không mệt lắm như tôi tưởng. Đi qua rừng trúc, lá cành đan nhau như vòm trời xanh mát rượi, từng hạt sương mong manh rơi trên tóc tôi như bụi mưa lấm tấm. Tôi nói với Hải: ‘Tuyệt vời quá, cô chưa bao giờ được đi dưới sương mây rơi thành những hạt mưa mong manh có mầu sắc lóng lánh như thế này”. Hải cười: “Cháu biết là cô sẽ rất thích. Hôm nay cô vừa thấy nắng lại vừa thấy mưa sương. Cháu đi nhiều lần nơi đây nhưng khi gặp cảnh thay đổi đột ngột như thế này, cháu lại không nhìn ra cái đẹp như cô”. Lá trúc rơi lót đường dưới chân tôi tuy không kêu vang xào xạc bởi luôn ẩm ướt vì màn lá bao phủ, nhưng cho tôi cảm giác gót chân bổng mềm như lụa khiến bước tôi đi chợt nhẹ nhàng uyển chuyển hơn trên thảm trúc nhung êm.

   Đi ngang qua một quán ăn, tôi nhìn thấy bảng vẽ hình con ngựa đứng trên bếp lửa với hai chữ Thắng Cố thật to. Vốn yêu ngựa nên tôi tò mò hỏi thăm Hải thì được giải thích: “Đó là món ăn truyền thống của người dân tộc. Ngựa được mổ thịt, lấy cả bộ lòng và xương từ trong bụng ngựa, không cần rửa nước gì cả, cứ thế mà nêm gia vị rồi đem hầm chung thành món ăn nóng hổi rất khoái khẩu và được ưa chuộng của người vùng cao bên bát rượu San Lùng hoặc rượu Bắc Hà thơm ngon có tiếng”. Nghe xong tôi rùng mình không dám nghĩ tới chuyện thưởng thức món ăn đặc biệt này. Ở miền núi, người dân tộc rất quý ngựa vì ngựa là loài vật thông minh, có sức khỏe và vó câu tốt giúp người chuyên chở hàng hóa cũng như giúp họ di chuyển trên đường trường xa, xuống đèo lên núi được nhanh chóng dễ dàng, tuy vậy họ cũng rất thích… ăn thịt ngựa thắng cố.

Xuống chân núi, tôi ghé vào một túp lều lụp xụp của một bà cụ đang ngồi quạt than bán khoai bắp nướng cho khách qua đường. Hải hỏi tôi cần mua gì" Tôi nói: “Không, tại cô thấy bà cụ ngồi bán hàng có vẻ ế ẩm, muốn ghé vào nghỉ chân một chút thôi”. Bà cụ thấy khách, nở nụ cười móm mém mời khách, tôi mua hết mấy món bà cụ đang bày ra bán làm Hải đưa mắt nhìn tôi tỏ ý ngạc nhiên sao tôi mua chi dữ vậy và nhắc tới bữa ăn mà Hải đã dặn nhà hàng cho tôi ăn thử món thịt rừng nướng của bản làng chăn nuôi vào trưa nay. Tôi cười gật đầu và sau khi trả tiền xong, tôi chỉ ăn một chút để có cớ ngồi chơi với bà cụ, phần còn lại tôi để lại hết không lấy về. Nhìn cụ còng lưng ngồi quạt than, tôi tưởng chắc bà lớn tuổi lắm, hỏi thăm con cháu bà đâu" Với giọng chất phác thật thà, bà cho biết không phải người vùng này. Quê bà mãi tận Lạng Sơn, lên đây sinh sống đã hơn mười năm, nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày vì mấy người con đi làm thuê mướn không khá lắm và có cô con gái nhỡ thì ngồi bán hàng như cụ ở đầu chợ thuốc, ngoài ra cụ còn phải nuôi hai đứa cháu ngoại và một cháu nội mồ côi vì con trai bà đi bộ đội chết lâu rồi. Té ra bà mới ngoài sáu mươi. Tôi giật mình, thế mà cứ ngỡ bà phải nhiều tuổi hơn thế. May mà chỉ gọi bà chưa kèm theo tiếng cụ. Nghĩ rồi lại thấy xót xa khi ngẫm đến đời sống nghèo nàn của những người phụ nữ như bà cứ phải quần quật lo toan cơm áo cho con cho cháu, làm gì biết đến thứ kem phấn nào cho da được tốt tươi khỏi nhăn nhúm đen đúa dường kia. Dẫu rằng lụa tốt không hẳn biến được người sang, nhưng cánh áo nâu thâm bạc mầu kia đã làm bà già nua trước tuổi thêm nhiều quá. Không biết làm gì hơn, tôi hỏi bà còn bán thêm thứ gì tôi có thể mua được" Bà vui mừng nhờ tôi và Hải trông hàng hộ rồi chạy ra quán con gái đem về cho tôi hai gói thuốc Nam là rễ cây Hoàng Liên chữa bá bệnh và Atisô mát gan bổ vị, kèm hai chai rượu được nấu bằng gạo ngon trên nương, ngâm chung với ong mật gì đó làm tôi nhìn mấy con ong trắng nhũn trong chai mà thấy sợ, vả lại làm gì biết uống rượu mà mua. Nhưng vẫn mua để tặng cho Hải đem về biếu bố vì hóa ra Hải có vẻ rành về rượu, bảo loại rượu ngâm với ong thế này rất bổ. Thôi, Hải cứ đem về cho ông bố uống, coi như quà tặng của tôi vì mấy ngày nay, Hải cũng đã hết lòng giúp tôi được vui vẻ thoải mái trong chuyến đi này dù biết đó là công việc phải làm của một người hướng dẫn viên đối với khách. Và nhất là tôi vẫn muốn mua giúp cho bà cụ thêm vui vẻ đắt hàng nên phần tôi lấy hết hai gói thuốc rễ cây kia luôn.

   Rời khỏi chiếc lều của bà cụ, chúng tôi đi dọc theo chợ thuốc Bắc xem họ bán hàng. Tiếng chào mời đua nhau cất lên mỗi khi đi qua. Tôi chỉ mỉm cười lắc đầu, nhưng thấy ai mời nài quá, tôi lại giơ hai gói thuốc của bà cụ ra cho biết là đã có mua rồi, không cần mua nữa.

Có lẽ leo núi và dạo bộ nhiều nên trưa nay tôi ăn cơm khá ngon miệng với món thịt heo rừng nướng cùng món rau tôi thích là đọt su su xào tỏi. Rồi không kịp nghỉ ngơi tôi muốn đi thác liền vì thấy trời đất bắt đầu sũng nước âm u. Xe tour không có nên Hải đi mướn một chiếc xe máy. Tôi vì muốn đi thăm Thác Bạc nên cả gan ngồi phong phanh trên chiếc xe máy dưới trời xám lạnh có thể đổ mưa bất cứ lúc nào. May mà Hải rất vững tay lái, nghe tôi khen, Hải nói: “Vì ở Hà Nội con cũng phải lái xe máy đi làm mỗi ngày trong thành phố nên quen rồi, chỉ sợ cô bị gió lạnh chịu không nổi thôi”. Tôi bật cười, nói cho có vẻ mạnh bạo: : “Cô không sợ lạnh đâu. Phần Hải cứ lo tay lái cho vững vàng đi. Đây là đường ngoằn nghoèo của rừng núi chư không phải đường nhựa thẳng của thành phố đâu. Cẩn thận nhé”.

 Nhờ đi xe gắn máy nên tôi được nhìn thật rõ cảnh sắc hai bên đường, nhất là đi qua mấy thung lũng đèo sâu. Mây bay la đà

giăng phủ khắp núi rừng màu lụa trắng như khói tơ vương. Cảnh đẹp như bức tranh thủy mạc hiện ra trước mắt nối tiếp chập chùng khiến tôi mê mải nhìn ngắm quên cả sợ và lạnh. Đến chân núi Thác Bạc, Hải gởi xe, rồi chúng tôi vào quán nhỏ bên đường để sưởi ấm một lát. Mặc dù tôi và Hải đã đội mũ, mặc mấy lớp áo len, vớ chân gặng tay rất dầy vậy mà cũng rét cóng. Có lẽ đây là chuyến đi “bụi đời” nhất của tôi nhưng vui và thú vị khi hoàn hồn nghĩ lại. Tôi lại mua mấy rẻo cơm lam đề ăn cho bằng thích vì ngày mai về lại miền xuôi, đâu còn dịp thưởng thức mấy món ăn sơn dã này nữa. Qua ngày thứ hai, tôi mới nhận ra ở vùng cao này, thức ăn hầu như được nướng lên hết. Từ khoai, bắp đến cá, thịt (heo, bò, gà hoặc những loại thú rừng khác) cho đến trứng gà trứng vịt trước đây chưa bị cấm vì bệnh dịch gia cầm.

Chiều nay trời âm u như sắp đổ mưa, lớp mây xám chùng thấp giăng bủa không gian ướt đẫm hơi sương mù nên chẳng có du khách nào tới đây, chỉ có tôi và Hải tới mua vé để lên thăm Thác Bạc mà thôi. Đường đi lên thác xây những bậc thang đá có tay vịn nên đỡ nguy hiểm vì men theo dốc núi cao, rừng rậm quanh co. Vừa đi tôi vừa trầm trồ xuýt xoa không ngớt trước phong cảnh quá tuyệt vời hấp dẫn bởi sự hoang sơ kỳ vĩ nhưng quyến rũ vô cùng khi ngắm nhìn giòng thác từ trên đỉnh cao tuôn chẩy xuống giòng nước mạnh mẽ, tung bọt trắng xóa như mái tóc dài mầu bạch kim của sơn nữ thần xõa tóc giữa lưng trời. Sóng gợn qua khe đá gập ghềnh là làn tóc bay bay hất vào mặt tôi cảm giác mát lạnh, ngất ngây. Đối với tôi thật đáng cất công vượt mấy trăm dặm đường để được đến đây đứng trước cảnh suối nước mây trời quá đỗi đẹp xinh này. Ngắm Thác Bạc tuôn chẩy từ lưng trời giòng suối trắng mênh mông tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ mà rất nên thơ giữa cảnh hoang dã của thiên nhiên, bao la của đất trời, chắc ai không khỏi bồi hồi xao xuyến như tôi. Hóa công thật vô vàn tinh tế để tạo nên những vẻ đẹp tuyệt xảo dường này cho Thác Bạc Chapa.

   Với lòng rung cảm trước cảnh quan thiên nhiên đẹp tươi hùng vĩ, quê hương Việt Nam yêu quý của chúng ta, tôi xin được chia xẻ bài thơ nhỏ về Chapa, Phố Trắng Mù Sương:

buổi sáng sương mờ Hà Nội

tôi đi ngược phía mặt trời

xe chạy theo đường dốc thoải

Lào Kay… ô kìa, mây trôi!

 

tôi đi cho tình yêu trọn:

Cà Mau tới đỉnh Hoàng Liên

tôi đi đầu không che nón

Quê Hương ơi nắng dịu hiền!

 

tôi ước có ngày cất bước

thăm từng ngọn núi con sông

tôi đi bao đường xuôi ngược

Quê Hương mãi mãi trong lòng!

 

ngọn Hoàng Liên giờ mới tới

đỉnh cao hơn những ba ngàn!

ôi chao biển mây vời vợi

thấy chăng lòng tôi mênh mang!

 

Hà Nội xa vời dưới núi

thấy chăng đây hoài mùa xuân"

mẹ Dao cầm tay tôi hỏi:

“con về Phố Núi vui không"”

 

tôi ngắt một cành hoa Đỗ (Quyên)

đặt lên tay sơn nữ Tày

hai chị em cười hớn hở

hương rừng má đỏ hây hây…

 

người con trai Thái ngọt ngào

mời tôi mua buồng chuối chin

ôi điều tôi không dự tính

vẫn mua cho nặng… đường xa

 

Chapa - Hàm Rồng - Thác Bạc

đậm tình dân tộc vấn vương

ruộng thang từng bậc dễ thương

Phan Si Pang cười… chói nắng!

 

ở đây không là Đà Nẵng

mà mây như sóng biển xô…

Cao Nguyên vờn bay tuyết trắng

sương cài lên tóc như mưa…

 

ở đây đời trôi êm ả

mái nhà khói tỏa quanh năm

chợ phiên vẫn đầy hương phấn

ngựa ô đếm nhịp bướcchân…

 

hoa nở hồng trên dốc phố

ngôi nhà thờ đá bình yên

vang ngân nga hồi chuông đổ

lung linh phố trắng mù sương…

 

những em bé H’mong môi mọng

xoè bàn tay nhỏ xinh xinh

dắt tôi qua đèo qua suối

lòng đơn sơ đượm thắm tình!

 

ước có người yêu bên cạnh

nói lời thơm ngọt trên môi

núi Hoàng Liên Sơn óng ánh

tiếng đàn thủ thỉ… xa xôi!

 

những ngày đi chơi mạn ngược

tôi về châu thổ nao nao

Việt Nam ta đâu cũng đẹp

mến yêu không muốn nói chào

 

hỡi Hoàng Liên Sơn thăm thẳm

tôi mơ có được một ngày

thấy Quê Hương cười, nắng ấm

đẹp tình non nước đắm say…

n.t

Kính thưa quý độc giả, câu chuyện về phố trắng miền cao nguyên Chapa chưa dứt với đêm nhạc dân tộc vùng phố núi cao, cùng vài giờ với thị xã Lào Kay, Cốc Lếu, cổng tam quan Đền Thượng và những ngày cuối cùng ở Hà Nội giữa mùa đông đi tìm mùi thơm hoa sữa trắng, nhưng vì trang báo hạn hẹp nên xin được tạm dừng nơi đây, kính mời quý độc giả đón đọc vào kỳ tới. Đa tạ!

   Ngọc Thủy chân thành kính chúc quý độc giả cùng các anh chị thân hữu khắp nơi một mùa Xuân mới thật ấm áp vui tươi cùng những điều đẹp nhất của ca khúc xuân về trên đời sống tràn đầy ý nghĩa yêu thương hạnh phúc. Xin nguyện cầu cho quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta sớm có mùa Xuân Hạnh Phúc - Tự Do - Dân Chủ thịnh cường.

ngọc thủy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.