Hôm nay,  

Chuyện Quê Nhà

26/05/200100:00:00(Xem: 4860)
Thưa các chị,

Ngày xưa, mỗi khi nói đến chuyện bạo hành trong gia đình, là ai ai cũng thường nghĩ ngay đến người chồng vũ phu và nạn nhân bao giờ cũng là người vợ yếu đuối, ẻo lả. Chẳng biết ở hải ngoại, "truyền thống vũ phu là truyền thống của ông chồng" có còn hay không, nhưng ở Việt Nam ngày nay, xem ra càng ngày càng có nhiều bà vợ "thượng cẳng chân, hạ cánh tay" dậy chồng một cách tàn nhẫn.

Chuyện nghe có vẻ lạ lùng, nhưng sự thật thì đúng như vậy, các chị ạ. Tuần trước ở nhà làng gần chợ Phú Nhuận đã xảy ra chuyện, bà T. mập mạp, nặng như một chiếc thùng tố lô, đánh ông chồng gầy gò bằng chiếc gậy quậy cám heo dài hơn một thước tây. Hàng xóm thấy vậy kêu la ầm ĩ, còn ông chồng thì tuy chạy loanh quanh nhưng cứ lặng im chịu đòn, thế mới lạ. Nghe hàng xóm la, công an họ chạy tới can thiệp, ông chồng mới được giải thoát. Vậy mà khi ra tòa, người chồng lại rút đơn bãi nại, thế là huề cả làng. Khổ cho mấy bà, cứ ngong ngóng muốn coi tòa xử thế nào, đến khi thấy tòa xử huề, đâm tiu nghỉu về không. Mấy bà hàng xóm hỏi ông T. tại sao lại bãi nại, ông trả lời một câu nghe rợn tóc gáy. Ổng bảo, xử để bả vô tù, sau này bả trả thù, đánh tôi còn đau hơn, thì ai chịu đòn cho tôi.

Tháng trước, nhân dịp bên này họ làm rùm beng ngày 30 tháng 4, một ông sĩ quan cấp tá của Việt cộng cũng bị vợ đánh, xé rách cả quần áo. Nghe đâu, bà vợ của ông trước đây có một đời chồng khác, ông ta mở võ đường ở Gò Vấp, nên bà cũng học được mấy tháng nhu đạo hay thái cực đạo gì đó. Chẳng hiểu bả ta võ giỏi, hay ông sĩ quan Việt cộng sợ vợ, chấp nhận nhường vợ, chỉ biết bả đánh ông gẫy mất hai chiếc răng cửa. Phóng viên báo Tuổi Trẻ nghe tin chạy tới làm phóng sự, muốn chụp hình ổng, nhưng ổng nhất định trốn chui trốn nhủi trong nhà không chịu ra ngoài tiếp khách. Mấy ông phóng viên vác máy hình cứ loanh quanh trước cửa chờ ông ra để chụp hoặc tính chụp lén. Bả ta thấy vậy mở cửa xông ra, tay vác gậy, tay vác gạch, miệng suỵt chó, đuổi đánh mấy ổng phóng viên, làm các ổng chạy có cờ.

Mới đây, trên tạp chí Phụ Nữ, tác giả Thanh Hà cũng có bài viết tường thuật về chuyện đàn ông bị vợ đánh nghe buồn cười đáo để. Sau đây là bài viết của tác giả Thanh Hà.

***

Người đàn ông ấy khoảng ngoài 50 tuổi. Sau giây phút ngập ngừng, anh đưa cho chúng tôi phim chụp xương sường bên phải. Chúng tôi hơi ngạc nhiên và nghĩ rằng anh đã đến nhầm chỗ. Nhưng ngay sau đó, chúng tôi đã được nghe anh trình bày ngọn ngành:

- Tôi tên là Trần Thanh, nhà ở quận Hai Bà Trưng. Tôi xây dựng gia đình đã gần 30 năm và chúng tôi đã có 3 cháu: hai trai, một gái. Là một người xuất ngũ, tôi không có tài kiếm tiền như những người khác. Tuy vậy, bố mẹ tôi cũng để lại cho tôi một khối tài sản lớn. Đó là căn hộ mặt phố Triệu Việt Vương. Cơ chế mở, tôi sửa sang lại nhà và cho thuê, kiếm thêm mỗi tháng vài triệu chi dùng. Tôi nghĩ: cho thuê nhà, tôi vừa có tiền chi tiêu, vừa có thời gian chăm lo cho gia đình. Nhưng vợ tôi thì lại không nghĩ vậy. Cô ấy ngốt lên khi thấy người thuê nhà của chúng tôi có tháng lãi tới 5-7 triệu. Vợ tôi đòi lại nhà, bắt tôi phải đi mua hàng về bán. Sức có hạn, tôi lại là thương binh nên không thể sáng nào cũng dậy từ 3h sáng để đi mua hàng mà tiền chi tiêu trong gia đình cũng chỉ cần đến triệu rưỡi là cùng. Còn lại 500 ngàn cùng với lương hưu của tôi, tôi vẫn có đủ một triệu để gửi tiết kiệm, phòng lúc ốm đau hoặc khi nhà có việc. Nhưng vợ tôi lại muốn có nhiều hơn nên giữa tôi và cô ấy đã phát sinh mâu thuẫn. Cô ấy nhiếc móc tôi là đần, là chỉ biết ăn sẵn, không chịu hoà nhập với cơ chế mới. Tôi chỉ biết im lặng cho yên cửa yên nhà. Nhưng thấy tôi không nói, cô ấy càng làm già. Cho đến một sáng cách đây hơn một năm, cô ấy lại nhiếc móc tôi ngu đần, có nhà mặt phố mà không biết làm ăn, để người khác hưởng mất. Giận quá, tôi chỉ mặt cô ấy quát: "Cô có im đi không"" Lập tức vợ tôi lu loa lên rằng tôi doạ nạt cô ấy. Rồi cô ấy lăn xả vào tôi vụt tới tấp. Bà con hàng xóm chạy sang can. Tôi xấu hổ vào buồng nằm. Buổi chiều tôi thấy nửa người đau không cất nổi. Đi chụp X quang, tôi mới biết đã gãy 3 cái xương sườn.

Ngừng lại giây lát, anh Trần Thanh kể tiếp:

-Tôi cực quá các chị ạ. Vì vậy, tôi đã làm đơn xin ra toà ly dị. Nhưng đã một năm nay rồi toà đều bác đơn của tôi với lý do: Hội phụ nữ cơ sở đề nghị bác đơn để chúng tôi đoàn tụ. Nhưng thưa chị, còn đoàn tụ làm sao được nữa khi mà ngày nào tôi cũng phải nghe cô ấy rủa xả tục tĩu, ỉ eo về tiền bạc.

Câu chuyện của anh thật bất ngờ với chúng tôi. Xưa này tìm đến với chúng tôi chỉ toàn chị em bị chồng đánh đập, ngược đãi. Còn trường hợp của anh Thanh thì...

Hôn nhân là cuộc sống chung của hai người khác giới dưới một mái nhà mà ta quen gọi là tổ ấm gia đình. Ở đó người vợ, người chồng luôn được sống vì nhau, cùng nhau sẻ chia mọi vui buồn, hạnh phúc hoặc bất hạnh. Khi cùng ăn, cùng ngủ dưới một mái nhà, người vợ, người chồng mới phát hiện ra những khiếm khuyết của người mình yêu. Đối với những đôi thật sự yêu nhau, tha thiết cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình thì họ sẵn sàng bỏ qua, tha thứ cho nhau và góp ý để chồng mình, vợ mình hoàn thiện hơn. Ngược lại cũng có người khi phát hiện ra khiếm khuyết của người bạn đời thì cảm thấy khó chịu và luôn tâm niệm rằng mình đã chọn nhầm. Từ đó phát sinh mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn không được giải quyết ắt dẫn đến bất hoà, xô xát rồi đưa nhau ra toà ly hôn.

***

Nói đến chuyện vợ chồng xô xát, em lại nhớ đến chuyện mê tín dị đoan của các cụ mình ngày xưa. Chắc các chị còn nhớ, ngày xưa những cặp vợ chồng nào mới lấy mà đã có trò lục đục, mày mày tao tao là thế nào họ cũng hỏi đến bố mẹ chồng xem hai đứa tên tuổi có hợp nhau hay không. Nếu không, ắt là mỗi người mỗi đường. Còn nếu hợp thì phải xem đến hướng nhà hướng cửa có thuận lợi hay không. Ngày hai đứa cưới nhau có phải là ngày lành tháng tốt hay không"... Bài viết sau đây xuất bản trên một tờ báo ở Sàigòn sẽ cho các chị thấy, người ta đã phải gọi người xem lại hướng nhà sau khi hai vợ chồng tối ngày gấu ó, đánh đập lẫn nhau...

Cả xóm lại một phen náo động, đổ dồn về đám vợ chồng đánh nhau. Mấy ông ăn nói được vào nhà. Còn lại túm tụm ngoài bờ rào. Anh, chị đã được tách ra. Nhưng những lời mạt sát vẫn cứ dính chặt nhau. Bát vỡ, chén vỡ ngoài sân... Đau đầu quá! Thật đúng là vợ chồng trẻ! Mấy bà già lắc đầu rồi đi về.

Được ba hôm yên. Hôm thứ tư lại huỳnh huỵch đuổi nhau. La hét, kêu cứu. Chẳng phải chèo, chẳng phải tuồng. Khó chịu quá mất thôi. Nó là làm sao thế" Vợ chồng không hợp nhau hay là mâu thuẫn gì mà lục đục cơm bữa"

Ngày mới cưới họ cũng đẹp đôi, hạnh phúc lắm. Bình xinh gái lại là con út, bố mẹ cưng chiều hết mực. Quân đẹp trai, nói năng ngọt ngào. Bố mẹ Bình cho mảnh đất, cho gỗ làm nhà. Khởi đầu như thế là quá thuận lợi với gia đình trẻ nông thôn. Lẽ ra họ sẽ cất cánh nhanh nhưng Bình lại ghì chặt cái hồi môn để dạy chồng...

"Anh thì chả được tích sự gì. Ba năm lấy nhau vẫn cái xác nhà, người ta giường tủ, ti vi ầm ầm. Không có nhà vợ chắc anh ở lều lá chuối"... Đấy là tràng phủ đầu của Bình khi Quân đi chơi về muộn. Quân cục tính, tự trọng, chạy ngay lại thẳng cánh tát vợ. Và la hét, và đập phá. Mỏi mồm, mỏi tay tự thôi. Nửa đêm lại lành. Mấy hôm sau lại có chuyện! Bên già mồm, bên thừa cẳng chân cẳng tay. Thế là trường kỳ thi đấu.

Điều đáng nói là bà mẹ vợ. Trận chiến nào bà cũng có mặt vào lúc nảy lửa nhất. Như người ta thương con thì để lúc khác, đằng này cứ như chết tươi ngay:

- ối giời ơi... Mày giết con bà. Bà đẻ nó ra bà chưa đánh roi nào mà mày đấm, mày đá. Mày là cái giống gì... Con Bình mày bỏ ngay nó đi lấy chồng khác cho tao. Thằng giời đánh kia cút ra khỏi nhà tao.

Dầu đổ vào lửa rồi còn gì. Con gái tức thì vung tay bụp bụp chồng rồi chồng bụp bụp lại ngay trước mặt mẹ vợ. Thế là cả hai mẹ con cùng kêu khóc trời sầu đất thảm. Rể mặt hằm hằm thách thức. Chẳng bên nào chịu lùi bên nào thì điếc tai hàng xóm còn nhiều lắm.

Đấy là cái nguyên nhân ai nghe đều thấy rõ. Một bên gần như ở rể trong làng muốn phá cái thế chó chui gầm chạn. Một bên ỷ ta đây có của coi thường rỉa rói bên kia. Kinh tế gia đình họ không đến nỗi. Hai vợ chồng, một đứa con, làm 4 sào ruộng, lúc nông nhàn chồng đi xây có đồng ra đồng vào. Nhiều đôi nằm mơ cũng chẳng được. Thế mà chồng bát cứ xô, chẳng mấy hôm không loảng xà, loảng xoảng.

Hôm nay lại đánh nhau. Bà mẹ vợ nhận được mật báo không đến nữa. Bà có vẻ mệt mỏi:

-Chúng nó không sống được với nhau lâu đâu. Hướng nhà ấy thì còn lục đục. Thôi thì vì con tôi lại phải tốn một lần nữa.

Hai hôm sau một ông thầy địa lý đến coi rồi tiếp đó là thợ đến dỡ nhà. Anh chồng chẳng thèm ngạc nhiên đi ra đi vào lủng bủng: "Muốn làm gì thì làm. Đến lúc lắm chuyện, thằng này ra oai thì đừng có trách".

Mất gần tuần dô hò quát tháo, ngôi nhà đã quay được mặt mới. Mọi người đi qua nói với nhau: "Chuyến này chắc hết lục đục. Có đánh nhau chắc cũng kiểu mới".

Than ôi! Lục đục đâu phải tại hướng nhà.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.