Hôm nay,  

Truyện Ngắn: Chị Dâu

25/08/200100:00:00(Xem: 5561)
Trong thời gian hơn mười năm trở lại đây, tại Việt Nam, có một số nhà văn nhà báo cộng sản đã chuyển sang khai thác những góc cạnh bi kịch của cuộc chiến tranh Việt Nam tại nơi được mệnh danh là "hậu phương Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa". Từ những câu chuyện cả một làng do toàn "single mum" tụ tập lập nên ở Quảng Trị, đến câu chuyện những "bà cô" gốc "gái thanh niên xung phong" nay ở tuổi lỡ thì, sẵn sàng hiến dâng thân xác cho bất cứ người đàn ông nào chỉ để "được mang bầu, được làm mẹ" ở Thanh Hóa. Hay như câu chuyện "Hai mái tóc bạc" mô tả cảnh hai chị em bạn gái cùng có chồng, nhưng vì chiến tranh liên miên hết "chống Pháp lại chống Mỹ" nên đến khi cả hai tóc bạc, đầu óc lú lẫn ở tuổi gần 70, họ vẫn không một lần được hưởng hạnh phúc ái ân chồng vợ...

Sự thực, bi kịch của một cuộc chiến tranh không chỉ thuần túy xảy ra nơi chiến trường máu đổ. Trái lại, bi kịch của chiến tranh còn xảy ra qua muôn hình vạn trạng ở ngay hậu phương, nơi những cha mẹ già, những người vợ trẻ, những đứa con thơ phải sống trong sự thiếu thốn, nhung nhớ, chờ đợi mòn mỏi... Nhưng bên cạnh những bi kịch thông thường của các cuộc chiến tranh, cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam do cộng sản Miền Bắc chủ xướng đã tạo nên những bi kịch đặc biệt tàn nhẫn và có tính phổ quát hơn. Có mấy nguyên nhân chính để ta có thể kết luận như vậy.

Thứ nhất, bản chất của chế độ cộng sản, coi con người là phương tiện, nên mọi tình nghĩa, lễ nghi, tôn giáo đều bị chà đạp, khiến con người trong khi đau khổ, không có chỗ bấu víu. Thứ hai, bản chất của chế độ cộng sản là tham nhũng, hối lộ, thích kìm kẹp nhân tâm bằng tem phiếu, khiến đời sống của người dân đã khổ lại càng thêm khổ. Thứ ba, bản chất của nền kinh tế cộng sản là nghèo khổ và lạc hậu, khiến đời sống của người dân Miền Bắc trong chiến tranh đã bần cùng, đói khát, lại càng thêm bần cùng đói khát. Thứ tư, trước khi đưa thanh niên Miền Bắc vô xâm lăng Miền Nam, cộng sản đã có chính sách ngấm ngầm thúc đẩy những thanh niên đó lập gia đình để vừa dùng sợi dây tình cảm, ràng buộc những người lính "sinh Bắc tử Nam", vừa tạo điều kiện cho những gia đình có con em đi bộ đội, có thêm nhân lực phụ giúp, đồng thời đặt người phụ nữ Miền Bắc trong vị thế phải xứng đáng là người vợ "có chồng đi B", một lòng một dạ cống hiến mồ hôi và nước mắt cho đảng. Hậu quả tình trạng "vì đảng mang danh vợ hão" của hàng trăm ngàn phụ nữ Miền Bắc trải qua suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, đã tạo nên muôn vàn bi kịch và tội lỗi đầm đìa nước mắt trên đất Bắc, trong đó có những bi kịch "gần như loạn luân" được tác giả Triệu Huấn trình bầy qua câu chuyện "Chị Dâu" dưới đây.

Trong chuyện "Chị Dâu", nhân vật Liễu, người con gái xinh đẹp được làm vợ có 3 tháng thì chồng lên đường đi B, đã trải qua những bi kịch điển hình của hàng trăm ngàn người phụ nữ mang danh "vợ hờ" ở Miền Bắc. Giữa những bi kịch xa chồng, sống trong sự "thương xót" của bố chồng, Liễu, qua sự cố gắng của tác giả, vẫn chống chọi để giữ được phẩm giá trên một góc độ nhất định. Tuy nhiên, phần do hạn chế ở tài năng, phần do hạn chế của thể loại truyện ngắn, sự cố gắng của tác giả đã không thành công. Hậu quả, người đọc sẽ thấy sự vật lộn một cách đáng thương hại của tác giả trong việc "biện minh" nhằm giữ gìn phẩm giá cho người "chị dâu" qua chính lời tường thuật của nhân vật "chị dâu", thay vì qua sự kiện được mô tả một cách khách quan. Đặc biệt, ngôn ngữ, tình cảm, sự quan tâm và hành động của người cha chồng đối với nàng dâu trong chuyện không được nhất thống, nên diễn tiến tâm lý của nhân vật trong mối quan hệ "bố chồng nàng dâu" đã tạo cho độc giả những nghi ngờ về sự hợp tình hợp lý của câu chuyện.

*

Chị về làm dâu được 3 tháng thì anh tôi nhập ngũ. Sau đó anh đi Nam chiến đấu biền biệt cho tới khi nhận được giấy báo tử. Anh hy sinh ở mặt trận Khe Sanh.

Tuổi chị mới hai mươi ba. Mẹ tôi nói riêng với thầy.

- Con Liễu xinh đẹp, gái goá đa tình, tuổi còn trẻ, ở nhà mình e sinh biến. Tôi nghĩ là nên cho nó về với bố mẹ đẻ, có ai thương yêu thì cho tái giá sớm ngày nào hay ngày ấy. Ông thấy thế nào"

Thầy thở dài rồi gạt đi:

- Con mình chết chưa xanh cỏ, vừa báo tử đã bảo nó khăn gói về nhà sao tiện. Để tôi bàn với bên ông bà thông gia xem sao đã.

Chị Liễu là một thôn nữ xinh tươi khoẻ mạnh, nết na, chịu thương chịu khó, song muốn tái giá đâu có dễ. Trong lúc chiến tranh diễn biến đến cao độ, trai làng ra trận hết, gái tơ còn ế ẩm huống hồ người goá bụa. Về nhà mẹ hay ở nhà chồng thì tình hình cũng chẳng khác nhau là bao. Thấy chị không đòi về thì mẹ tôi lại tỏ ra lạnh nhạt thờ ơ. Đôi lúc bà còn kiếm chuyện mắng mỏ hắt hủi chị té tát. Chồng hy sinh, mẹ chồng trở nên cay nghiệt khiến chị vô cùng đau đớn. Chị cố sống cho hết vụ cấy chiêm để rồi cắp nón về nhà mẹ đẻ.

Cùng lúc ấy xảy ra hai sự kiện.

Anh thứ hai của tôi đến tuổi gọi nhập ngũ lên đường chiến đấu.

Tiếp đó nhà tôi bị trúng bom Mỹ tan tành. Mẹ tôi tử nạn. Lúc đó tôi mới hai tuổi. Ký ức của tôi chỉ còn lại một ánh chớp loé mắt và sự tắt ngấm của ý nghĩ. Mọi người đã bới lấy tôi trong đống gạch ngói cột kèo đổ vỡ nghi ngút khói. Tôi thoát chết!

Lúc đó thầy tôi đi cày, chị gái đi học, chị dâu đi trực chiến nên đều thoát nạn. Từ đó, ý định trở về nhà mẹ đẻ của chị không còn nữa. Thương chị thày nói:

- Con nên trở về bên nhà, có ai thương yêu họ mới dám ngỏ lời. Sống bên này tuổi xuân mai một, sau này muốn tái giá cũng khó.

- Thưa thầy, mẹ con mới mất, tuổi thày đã cao, chú hai ra trận, hai em còn nhỏ dại con bỏ về bên nhà sao được. Xin thầy cho con ở lại đây trông nom hai em cứng cáp lên chút nữa.

Thế là chị ở lại vất vả tối ngày nuôi dưỡng hai chị em để thày tôi rảnh tay ra đồng làm công điểm cho hợp tác xã. Cũng có vài người đàn ông dở dang đến thăm dò ngỏ ý muốn xe duyên. Đôi ba chàng trai trốn lính, đào ngũ lảng vảng đến tán tỉnh ỡm ờ.... nhưng đều bị chị Liễu mềm mỏng từ chối. Thầy tôi bảo:

- Con cũng phải liệu cơm gắp mắm, đừng kén chọn cầu toàn. Nếu con thương thày và em thì dù có lấy chồng vẫn thỉnh thoảng đi về thăm nom giúp đỡ được. Để con cô đơn lẻ bóng thày không sao đang tâm.

Chị cười cho thày yên lòng:

- Con có cả nhà ở bên chứ đâu phải cô đơn lẻ bóng ạ! Con rất hạnh phúc khi được thày thương, được các em quý mến và tin cậy.

Cuộc sống của chị cũng không được hoàn toàn thanh thản. Chị Nhã tôi càng lớn càng trở nên thô bạo cục cằn với chị Liễu. Chuyện chị dâu em chồng là lẽ thường tình, nhưng thật là khó giải thích trong trường hợp này. Chị dâu tôi rất mực dịu dàng nhường nhịn chiều chuộng Nhã. Nhà nghèo nhưng manh quần tấm áo, bát cơm... chị đều nhường cho em. Chị còn lo sách vở và thời gian cho các em đi học. Nhưng như thế đối với Nhã vẫn là chưa đủ. Thày tôi răn đe đánh mắng Nhã nhiều lần nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Nhã còn hành chị Liễu mạnh hơn như để trả thù cho sự bênh vực của cha.

Năm 1980 cha tôi qua đời. Hơn hai năm sau chị Nhã tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp lấy chồng và ở luôn trên huyện. Anh hai tôi cũng xuất ngũ trở về. Lo cưới vợ cho em chồng xong chị Liễu nói:

- Nay Sinh đã có gia đình, chị xin trao lại công việc nhà cho các em. Chị đã hoàn thành trách nhiệm với nhà chồng. Cho phép chị về sống bên nhà ngoại.

Anh Sinh suy nghĩ ít phút rồi thưa với chị:

- Chị Liễu ạ. Nếu chị tái giá thì em không dám giữ. Nhưng chỉ là chuyện thu xếp cuộc sống thôi thì xin chị ở lại đây cho chúng em nương tựa. Sau chiến tranh gia đình ta ly tán, mất mát. Anh cả hy sinh, mẹ chết bom, thày qua đời, Nhã lấy chồng xa. Làng ta đất chật người đông, em có ý định đưa vợ vào Đồng Nai làm ăn. Em nghĩ chị nên ở đây với em Bình (là tôi). Nếu chị yêu thương ai thì kéo về đây chung sống cũng tiện. Không phải đi đâu nữa.

- Chị đã cao tuổi chẳng có ý định lấy chồng. Nếu hai em quyết định ra đi thì chị ở lại trông nom Bình chứ bỏ nó cho ai được.

Thế là chị lại cần mẫn làm việc tối ngày lấy gạo tiền nuôi tôi ăn học. Chị chăm sóc tôi như mẹ lo cho con... Tôi nũng nịu vòi vĩnh, chị sung sướng yêu chiều đáp ứng chẳng để tôi thiếu thốn gì, tôi thầm nghĩ mình phải học thật tốt để sau này nên người, báo đáp công ơn chị.

Tôi đã đỗ vào trường Đại học kinh tế quốc dân làm chị vui mừng khôn xiết. Cả làng đều nói trời đền công chị tôi. Chị cười rơi nước mắt.

- Em ngoan quá, em làm chị hởi lòng hởi dạ! Em về Hà Nội, xa chị càng phải giữ gìn nếp sống, chăm chỉ học hành hơn. Đừng nghe kẻ xấu rủ rê đua đòi. Cũng đừng để học hành sa sút thua anh kém em. Thiếu thốn thì cứ gửi thư về chị lo cho đầy đủ.

- Cảm ơn chị. Em sẽ không phụ công chị. Em yêu quý chị như mẹ. Mẹ một nắng hai sương nuôi con ăn học thì sao em dám sao lãng. Xin chị tin em.

Chị chuẩn bị tiền nong, quần áo và cả chiếc xe đạp cho tôi tựu trường. Phút chia tay chị khóc vì thương nhớ, lo lắng cho tôi cũng vì sung sướng tự hào nữa...

Năm năm đằng đẵng chị tôi làm việc vất vả để hàng tháng chu cấp cho em. Tôi có nhận làm gia sư kiếm thêm chút đỉnh, phấn đấu được nhận học bổng để đỡ chị phần nào. Chị khuyên tôi:

- Em không nên phân tán sức lực. Hãy lấy học hành làm trọng. Nếu thiếu cứ nói, chị sẽ gửi thêm. Từ ngày khoán sản phẩm thu nhập nhà ta khá hơn trước nhiều. Chị chăn nuôi thêm là đủ cho chị em mình thôi.

Những tháng nghỉ hè chị cũng chẳng cho tôi ra đồng. Chị nói:

- Em biết làm gì mà đi theo chỉ thêm vướng chân chị. Ở nhà học hành cơm nước, thu dọn nhà cửa, chăn lợn, nuôi gà, tưới tắm vườn tược là giúp chị nhiều lắm rồi.

Bắt tay vào việc tôi mới thấy chị tôi hàng ngày tần tảo tất bật đến nhường nào.

Sự ưu ái của chị dành cho tôi quả là có hiệu lực. Cuối năm thứ năm tôi được xếp loại sinh viên xuất sắc của khoa và nhận được một học bổng du học ở Úc.(!) Tôi sung sướng vô cùng. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là chị dâu mình. Phải chờ khi hoàn thành mọi thủ tục giấy tờ chỉ còn chờ ngày bay tôi mới về quê báo tin cho chị. Chị bàng hoàng xúc động ôm mặt khóc.

- Thày mẹ ơi sao chẳng sống đến hôm nay để nhìn thấy em con hiển đạt!

- Chị ơi đừng khóc nữa. Chắc là thày mẹ và anh cả đã phù hộ cho chị em mình đấy!

- Nhưng em đi xa thế, đất lành chim đậu liệu có về nước nữa không"

- Sao lại không ạ" Em phải về chứ bỏ chị cho ai! Thành quả của em là công lao của chị. Làm sao em có thể vong ân bội nghĩa được.

- Đừng nói chuyện ân nghĩa. Em sung sướng là chị hạnh phúc lắm rồi!

Tôi đi Úc hai năm. Vừa học vừa kiếm việc làm thêm. Làm cũng là để giao tiếp, để học thêm ngôn ngữ, tác phong ở xã hội công nghiệp. Có dư chút tiền tôi gửi về biếu chị. Nhận được chị mừng lắm. Thư trả lời chị bảo chị chẳng thiếu gì. Nếu dư dật gửi về, chị sẽ giữ cho để sau này cưới vợ! Tôi phải nhắc đi nhắc lại là chị cứ may mặc tẩm bổ thuốc thang cho khoẻ. Khi về cưới vợ tôi chỉ xin con lợn 69 ký là đủ!

Thế nhưng món tiền đó lại gợi ý chị làm một việc khác. Chị tằn tiện chắt bóp hơn để thêm vào xây một ngôi nhà ba gian một buồng khá kiên cố thay cho ngôi nhà tranh lụp xụp dựng lại từ hồi bị trúng bom. Chị không hề thông báo cho tôi biết chuyện này.

Những ngày xa quê hương tôi kết bạn tình với An, cô sinh viên học sau tôi một lớp. Chúng tôi hứa hẹn về nước sẽ kết hôn. Tốt nghiệp thạc sĩ(") kinh tế, tôi lên đường về nước ngay. Sau khi nộp hồ sơ xin việc một số nơi ở Hà Nội, tôi về quê nằm chờ gọi phỏng vấn và thông báo kết quả.

Tôi ngạc nhiên thấy ngôi nhà mới khang trang mọc trên nền đất cũ. Bước lên thềm nhà lòng dạ xốn xang.

- Chị Liễu ơi em về đây!

Chị từ trong buồng chạy ra:

- Ôi Bình! Em đã về! chị nhận được thư nhưng em không nói rõ ngày về làm chị mong suốt.

- Chị xây nhà mà không cho em hay! Tiền đâu mà chị làm to thế! Có phải vay ai không"

Chị đỡ hành lý vào buồng cho tôi rồi mới vui vẻ kể:

- Hai năm em đi du học chị không phải cấp tiền nên có đồng nào cứ tích lại. Tiện có món em gửi về chị xây ào đi. Vừa đủ. Căn nhà cũ ọp ẹp, chỗ thờ cúng gia tiên chẳng ra sao. Em về họ hàng làng xóm đến chơi cần có chỗ tiếp đón tử tế. Nếu sau này em công tác xa thì đây vẫn là nơi tụ tập anh em con cháu khắp nơi khi giỗ tết. Em thấy được không"

- Chị suy nghĩ thế là đúng lắm! chỉ có điều nếu được biết, em đã gửi thêm tiền cho chị rộng tay hơn. Em nghĩ là mình sẽ công tác ngoài thành phố. Có lấy vợ cũng ở ngay gần đó. Em sẽ đón chị ra. Mỗi tuổi một cao, chị ở nhà một mình sao được.

- Em cứ cưới vợ đi. Có con chị sẽ ra bế cháu, chờ mẹ con nó cứng cáp chị lại về quê. Các em cũng cần tự do. Khi có việc cứ gọi, chị đến ngay!

Tôi cười:

- Toàn chuyện xa xôi cả chị ạ. Thế chị Nhã em có hay về thăm chị không"

- Từ ngày em đi nó chẳng về nhà lần nào. Nó giận chị chẳng muốn nhìn mặt nữa. Hôm nó sinh con bé thứ hai, chị lên thăm muốn ở lại ít ngày giúp nó giặt giũ, bế con, nó từ chối. Bữa em gửi quà về, chị mang lên, nó lạnh nhạt như người dưng. Chị đành lủi thủi đi về, vừa tủi thân, vừa xấu hổ.

- Trời ơi! chẳng nhẽ thành kiến chị dâu em chồng lại nặng nề dai dẳng đến vậy.

Chị thấm nước mắt không nói gì và đi làm cơm cho tôi ăn sợ tôi đói.

Tối hôm đó chờ cho khách khứa ra về hết, chị thắp tuần nhang lên ban thờ khấn vái rồi mới ngồi xuống bên tôi chầm chậm kể lại câu chuyện hơn hai chục năm về trước...

*

Nhã nó khinh ghét chị cũng có một lý do sâu kín đấy. Khi nhà mình trúng bom, mẹ mất, em bị thương, gia cảnh nheo nhóc, nên chị quyết định không về bên nhà mẹ đẻ nữa. Chị ở lại giúp thày trông nom nuôi nấng các em. Ba năm sau em lớn khôn tự ăn tự chơi được thày mới nói với chị, "Tuổi sinh nở của con chẳng còn nhiều nữa. Con giúp thày nuôi các em đến nay đã trọn đạo rồi. Con có thể giao du tìm hiểu bạn bè, có ai thương thì lấy. Thầy không khắt khe ngăn cản con đâu. Con sống cô đơn chiếc bóng mãi thế này thừy thương lắm!"

Chị thưa:

- Thày đừng bận tâm vì con làm gì. Con sống bên thày và các em là con hạnh phúc lắm rồi. Đôi lúc con cũng muốn bước đi bước nữa, nhưng bốn ngả mung lung, tìm đâu thấy người tâm thành cho mình nương tựa, xin thày đừng đuổi con.

Một lần khác khi vắng vẻ, thày ngồi liền bên, đặt tay lên vai chị. Chị run bắn muốn vùng dạy bỏ chạy... Nhưng rồi lại nghĩ mình làm thế có thể khiến thày đau buồn, làm đổ vỡ tất cả những điều tốt đẹp mà chị đã gắng sức xây đắp được trong ngôi nhà thân thiết này. Chị thu mình lại lắng nghe một giọng nói trầm đục nghẹn ngào trong cổ họng:

- Con vất vả tối ngày hết việc nhà đến việc đồng. Đêm về lại vò võ năm canh chiếc bóng. Thày thương con lắm!

- Con cảm ơn thày, nhưng thày có được ngơi tay nhàn nhã lúc nào đâu" Được cùng thày nuôi dạy các em khôn lớn là con vui rồi. Sau này tuổi tác chắc các em cũng chẳng nỡ quên con.

Lần sau thày cũng ngồi như thế nhưng không nói gì. Chỉ có bàn tay vuốt nhẹ trên bờ vai, lan xuống cánh và lắm lấy bàn tay chị. Chị cũng hưởng ứng vuốt nhẹ lên bàn tay thô nháp của thày. Sự im lựng kéo dài tới lúc chị khóc nức nở. Thày buông ra, đứng dạy rồi lảo đảo chạy ra nhà ngoài. Có lẽ thày cũng khóc.

Những lần sau nữa chị thu mình trong vòng tay của thày, gục mặt lên vai ông rồi cả hai cùng khóc. Khóc cho sự trớ trêu của định mệnh. Khóc cho nỗi khắc nghiệt của cảnh ngộ. Khóc cho điều mặc cảm sâu sắc của đạo lý... Khóc cho nỗi đau xé ruột của lương tri... Khóc cho cơn bức xúc tâm hồn tuyệt đường siêu thoát... Nhưng cả hai đều cố giữ được bức tường ranh giới bề ngoài của luân thường. Mỗi người kìm nén theo cách riêng chứ không đồng lõa buông thả.

Nhưng có một lần hai người đang trong cơn mơ tỉnh thì Nhã về. Nó đi tắt ngả sau vườn và có lẽ đã tận mắt thấy cảnh tượng trên. Nó không vào nhà mà chạy thẳng ra cổng trước. Chị vùng dạy ngó ra thì bóng nó đã khuất xa. Nó bỏ cơm trưa, mãi tối mới mò về. Mắt nó xưng húp, đỏ hoe. Chị căn vặn sao nó cũng cắn răng không nói. Thái độ của Nhã thay đổi hẳn. Nó luôn gây sự với chị. Thày mắng, nó càng hung hãn, vô lễ hơn. Chị cố mềm mỏng, chiều chuộng mong làm giảm cơn phẫn nộ. Song nó lại tưởng chị bề ngoài giả tạo ve vãn nhưng bên trong lại ngầm xui thầy đánh mắng nó. Nó chẳng bao giờ tha thứ, nhưng cũng không khi nào tiết lộ sự thật đó với ai. Nhã muốn giữ danh dự cho gia đình. Trước khi nhắm mắt thày cầm tay chị nói lời cuối cùng:

- Liễu ơi, xin hãy tha thứ cho thầy! Lẽ ra thầy phải để con đi từ thời mẹ con còn sống. Giữ con lại, thầy chỉ làm khổ con thôi. Chết đi có phải sa địa ngục thầy vẫn thấy mình chưa hết tội!.

- Thầy ơi, thầy đừng nghĩ thế. Nếu thầy xuống hoả ngục con cũng xin được xuống theo. Thầy đừng nhận tội một mình làm con đau đớn lắm. Con cũng là kẻ đồng lõa mà...

Niềm tự tội cứ dâng lên trong tâm hồn chị như một khối u. Nhiều lần chị định thú tội với em, nhưng sợ em cúng khinh ghét chị như Nhã thì lỡ dở cả. Chị biết than thở cùng ai! Còn ai sẽ tiếp tục lo chuyện ăn học cho êm đềm đến đầu đến đũa" Nay thì cũng có thể nói em đã thành đạt. Nếu em có căm ghét ruồng bỏ chị thì chỉ mình chị chịu. Chị có thể tìm đến cửa phật thế phát đi tu, sám hối hết phần đời còn lại!

Tôi thực sự kinh hoàng về niềm tâm sự sâu kín của chị. Tôi ôm lấy chị khóc lóc hồi lâu mới nói lên lời:

- Chị Liễu ơi, chị tội tình gì đâu mà em dám khinh ghét chị" Chị đâu có làm chủ được hoàn cảnh đó" Em cũng không dám quy lỗi cho thầy. Anh hy sinh, mẹ chết bom, nhà tan cửa nát mới đẩy chúng ta đến tình cảnh éo le khắc nghiệt đó. Thế mà chị đã đứng vững nuôi dưỡng các em lên người. Em phải thương yêu quý trọng và biết ơn chị chứ! Chị là người mẹ thứ hai của em đấy. Chị cần gì phải đi tu. Chị đã thành một vị Bồ Tát trong tâm hồn em rồi!

- Ôi Bình! Những lời em nói làm chị vui sướng quá! Nếu Nhã cũng rộng lượng như em thì chị hạnh phúc biết nhường nào!

- Em sẽ đến gặp chị Nhã nói hết mọi điều. Em tin là sớm muộn, chị Nhã cũng hiểu ra.

Ngay sáng hôm sau tôi đã đạp xe đến thăm chị Nhã. Sau vài phút hàn huyên với anh rể, quà cáp cho các cháu, tôi mới kéo chị ra nói chuyện riêng.

- Tại sao mấy năm em đi xa chị chẳng về nhà giỗ tết, thăm nom chị Cả"

- Tôi không về tự bà ấy phải biết chứ. Cái thứ khác máu tanh lòng đó thì quên đi! Luân thường đạo lý chẳng giữ thì cúng bái gia tiên có nghĩa lý gì!

Tôi kể lại tất cả câu chuyện chị Liễu cho chị Nhã nghe. Nhã trầm ngâm suy tư và hỏi lại:

- Ai khảo mà bà ấy xưng ra với cậu"

- Chị Liễu chân thành bộc bạch với em. Chị rất buồn là suốt hai mươi năm trôi qua mà chị chẳng tha thứ cho chị ấy.

- Tội ấy đáng để voi giày ngựa xéo, cạo trọc bôi vôi, thả bè trôi sông đấy!

- Đúng là theo tập tục xưa thì phải thế. Nhưng thời đại chúng ta phải nâng tầm đạo lý lên một bình diện khác - tôi giải thích cho chị một hồi về đạo đức bao dung, lòng tha thứ, sự đồng cảm... khiến chị cũng lung lay.

- Cậu được học hành hơn chị, lại đi nước ngoài học rộng hiểu nhiều. Nhưng nếu hồi đó tôi không cắn răng chịu nhục mà tiết lộ ra ngoài thì liệu danh dự nhà mình có bị làng xóm phỉ nhổ cho không. Thế mà thầy còn nghe chị ấy mắng chửi tôi.

- Chị Liễu đã vô cùng biết ơn việc chị giữ kín điều này. Chị Liễu cũng tự biết lỗi nên đã hết lòng nín nhịn, chị có biết không" Vậy thì hôm nay, chị hãy nghe em bỏ qua chuyện cũ để gia đình mình tốt đẹp như xưa, chị thấy thế nào"

Chị Nhã mỉm cười rộng lượng rồi giao con cho chồng theo tôi về bên làng.

Ở nhà chị Liễu vô cùng lo lắng sứ mệnh hoà giải của tôi. Thấy bóng chúng tôi bước vào cổng chị hồi hộp xúc động ôm mặt khóc nức nở, gục xuống bàn như lả đi. Tôi và chị Nhã vội chạy lại nâng chị dậy.

- Em về thăm chị, muốn chúng ta cùng quên chuyện cũ, sao chị lại khóc" Chị còn giận em à"

- Chị cảm ơn Nhã! chị thề là chưa bao giờ chị giận em, kể cả khi em nặng lời với chị. Chị có lỗi nên em hành tội chị là đáng thôi. Suốt mấy chục năm qua chị bị giam cầm trong mặc cảm tự tội. Nay hai em rộng lượng ân xá cho chị nên chị mừng mà khóc đó thôi!

Ba chị em chúng tôi ôm nhau cùng cười mà ướt đầm cả nước mắt. Chị Nhã nói:

- Chị nhận lỗi rồi, về phần em cũng có nhiều điều không phải. Chị chăm sóc nuôi dưỡng cho em học hành nên người mà em vẫn vô ơn. Nay có chồng, có con em mới ngẫm lời mẹ nói xưa kia là đúng. "Người đàn bà xinh đẹp thường đa cảm đa tình, đa đoan đa sự. Góa bụa còn trẻ mà giữ ở nhà chồng thì dễ sinh biến, chi bằng cứ trả về nhà ngoại cho xong". Còn thầy chúng ta tuy chỉ là một nông phu nhưng phải nói là đẹp người tốt tính. Thiếu thời lại theo nho học, chữ nghĩa hơn người nên nói câu nào cũng khúc chiết văn hoa. Cái đẹp thường đồng điệu đồng âm, đồng tâm đồng cảm. Chị có sa vào vòng tay ông cũng là điều dễ hiểu!

Chị Liễu đỏ mặt ôm lấy cô em chồng, gục đầu vào vai Nhã van xin:

- Thôi em đừng nhắc lại nữa, chị xấu hổ lắm! Chuyện này chỉ ba chị em mình biết thôi. Xin các em đừng có lộ cho ai nữa đấy!

Tuy nhiên tôi đã chẳng giữ được yêu cầu của chị. Tôi muốn để cho mọi người biết rằng chị tôi vô tội! Suốt cuộc đời, chị chỉ biết hy sinh, khiêm nhường và tận tuỵ. Chị chỉ quan tâm tới niềm vui, nỗi khổ của mọi người. Bao nhiêu vất vả cực nhọc, cô đơn, đến cả nỗi oan, chị cũng sẵn sàng một mình gánh chịu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.