Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Cồn Ethanol Và Tương Lai Nhiên Liệu Của Úc

28/08/200600:00:00(Xem: 1806)

LND: Tuần qua, một trong những đề tài nóng bỏng khiến dư luận xôn xao bàn tán, đặc biệt qua những chương trình trực thoại trên các làn sóng truyền thanh cũng như qua các trang thư độc giả của tất cả mọi nhật báo, là việc TT John Howard tuyên bố sẽ tài trợ $2,000 cho phí tổn lắp ráp bình đựng khí đốt LPG cho xe hơi như một biện pháp nhằm đối phó với vấn đề giá xăng tăng vọt. Đa số dư luận chê trách sự thiển cận của chính phủ Howard, cho rằng đây cũng chỉ là một giải pháp tạm bợ, bởi vì LPG (Liquefied Petroleum Gas) cũng chỉ là một nguyên liệu không tái sinh được (unrenewable fuel) và tuy rằng giá LPG có rẻ hơn xăng rất nhiều, nhưng với sự bùng nổ của nhu cầu sử dụng, thì giá LPG cũng sẽ tăng vọt. Một số người khác cho rằng chính phủ các cấp, đặc biệt là chính phủ Howard, lẽ ra nên chuyên chú vào việc khuyến khích sử dụng các loại sinh nhiên liệu (biofuel) như cồn ethanol làm từ mía hoặc bắp ngô, dầu nhớt làm bằng dầu ăn (canola biodiesel).v.v. bởi vì chúng là những nguồn năng lượng có khả năng tái sinh (renewable enegery). Vài thí dụ điển hình được đưa ra là việc xe hơi ở Ba Tây dùng xăng pha cồn với tỷ lệ rất cao (70-80% ethanol blended) từ nhiều thập niên qua, hoặc việc hãng Chrysler đã sản xuất loại xe Sebring có thể xài xăng pha 85% cồn. Thật ra thì John Howard cũng có nhắc đến việc sử dụng cồn ethanol như một nguồn nhiên liệu có thể giải quyết vấn đề này qua việc tuyên bố sẽ tài trợ $20,000 cho các cây xăng trang bị phương tiện có thể cung cấp xăng pha cồn. Thế nhưng, việc sử dụng các loại sinh nhiên liệu sẽ có lợi hay có hại như thế nào cho kinh tế và môi sinh của Úc" Sau đây xin mời quý độc giả theo dõi bài phân tích “Only If We’re Prepared To Give Up Eating” của ký giả Matthew Warren, phóng viên đặc trách môi sinh của nhật báo The Australian, trong số báo đề ngày 19/08/06 vừa qua.

*

Cách đây bốn năm, cồn ethanol được xem là một thứ bí mật nhơ nhớp của kỹ nghệ xăng dầu ở Úc. Nhưng bây giờ thì cả nước Úc đang được khuyến khích nghĩ đến việc sử dụng sinh nhiên liệu (biofuel) như một giải pháp lâu dài cho vấn đề giá xăng dầu tăng vọt. Thế nhưng, vẫn còn nhiều câu hỏi nghiêm trọng về khả năng của cồn ethanol - cũng như các loại sinh nhiên liệu khác - trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho toàn quốc thay vì chỉ có thể phục vụ những lợi ích có tính cục bộ từng vùng, từng miền mà thôi.
Tài liệu white paper của chính phủ liên bang năm 2004 cũng đã thừa nhận: “Không có lý do chính đáng nào về vấn đề bảo đảm năng lượng để chính phủ phải thúc đẩy việc gia tăng sử dụng những loại nguyên liệu này”. Và quan điểm này cũng được một ủy ban đặc nhiệm của chính phủ Howard lập lại trong năm 2005 vừa qua.
Thế nhưng đó là chuyện một năm trước. Thứ Hai 14/08/06 vừa qua, ông John Howard đã chính thức đưa ethanol như một trong những nguồn nguyên liệu khác trong một kế hoạch đa dạng để giới hạn ảnh hưởng xấu cho kinh tế Úc và cho tương lai chính trị của ông vì giá xăng dầu tăng vọt.
Đây quả là một sự thay đổi hàng vạn dặm so với mùa Xuân 2002 khi các chương trình trực thoại truyền thanh nhận được hằng hà sa số lời than phiền chỉ trích khi có sự tiết lộ rằng tại một số cây xăng độc lập ở Sydney người ta khám phá rằng xăng có pha cồn ở một độ khá cao (khoảng 10-20%) và tỷ lệ pha trộn này có thể làm hư xe vì xe cộ chỉ được chế tạo để xài xăng mà thôi.
Thực ra, bây giờ nhìn lại thì lúc ấy chỉ một vài cây xăng trong thị trường xăng rẻ (cut-price market) bị khám phá đã pha thêm cồn ở một tỷ lệ hợp pháp để có thể giảm giá được vài xu cho mỗi lít. Các chương trình truyền hình đã bí mật thử nghiệm xăng dầu để có thể tố cáo và bêu xấu những chủ cây xăng có pha cồn. Mặc dầu lúc ấy không ai chính mắt thấy chuyện này, nhưng bỗng nhiên xăng pha cồn trở thành một vấn nạn lớn khả dĩ làm hư hỏng máy móc của xe cộ của quần chúng, có khả năng vô hiệu hóa những bảo đảm (warranty) từ giới sản xuất xe.v.v. Thậm chí, có chương trình còn tuyên bố rằng xăng pha cồn có dính líu đến một số cái chết trên biển khơi vì máy móc của ghe thuyền bị hư hỏng giữa biển!
Thế là một liên minh bao gồm giới sản xuất xe, các tổ chức bảo vệ người tiêu thụ cùng các tổ chức chuyên về bảo vệ quyền lợi của người sử dụng xe cộ, các hãng xăng dầu và Ủy Ban Bảo Vệ Người Tiêu Thụ (Australian Competition & Consumer Commission - ACCC) được hình thành để làm yêu sách đòi hỏi giới hạn tối đa cho tỷ lệ pha trộn là 10% cồn ethanol và 90% xăng. Chuyện này giúp chính phủ Liên Bang thắng cuộc tổng tuyển cử tháng 4/2003.
Trong vòng hai năm, mức sản xuất ethanol bị sụt giảm từ 75 triệu lít xuống còn 25 triệu lít, ít hơn 0.1% thị trường xăng dầu ở Úc. Tuy vậy, chỉ chưa đầy bốn năm sau thì chính phủ liên bang và quần chúng Úc được khuyến khích theo chiều hướng ngược lại. Chính phủ Howard đã đưa ra mục tiêu sản xuất sinh nhiên liệu cho toàn quốc là 360 triệu lít mỗi năm từ năm 2010. Tuy rằng con số này vẫn chưa tới 1% của thị trường nguyên liệu quốc gia, nhưng đây là sự gia tăng gấp năm lần trong vòng vỏn vẹn có 5 năm.
Trong tuần qua John Howard đã đưa ra một số biện pháp, kể cả việc trợ cấp tối đa $20,000, nhằm khuyến khích các trạm xăng trang bị cây xăng khả dĩ cung cấp xăng pha 10% cồn E10. Số trạm xăng có bán xăng pha cồn đã gia tăng từ 70 trên toàn quốc vào tháng 6/05 lên thành 260 trạm.
Tổng trưởng kinh tế Peter Costello cũng vừa triển khai thêm quyền hạn cho ACCC nhằm thanh tra và kiểm soát các loại xăng pha cồn. Hai hãng Caltex và BP đã hứa hẹn sẽ bán xăng pha cồn ở mức 3c thấp hơn giá xăng thường để khuyến khích quần chúng xài xăng pha cồn, mặc dầu thật ra sự tiết kiệm nhỏ nhoi này sẽ không đi đến đâu cả bởi vì bù lại thì năng suất (fuel efficiency) của xe bị sụt giảm khi sử dụng E10.


Giới làm xe cũng như các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người sử dụng xe cũng giảm thiểu một phần nào những mối quan ngại của họ về việc cồn được pha vào xăng ở mức 10%, mức độ tối đa được cho là an toàn để sử dụng với tất cả mọi chiếc xe được chế tạo sau năm 1986. Đa số các công ty sản xuất xe đồng ý với việc sử dụng E10 và có đưa ra một danh sách những kiểu xe, đời xe nào có thể không thích hợp với E10. Trong năm 2002 thì tổ chức Australian Automotive Association - AAA - nằm trong hàng ngũ tiên phong bầy tỏ sự phẫn nộ về việc sử dụng xăng pha cồn. Tuần qua, AAA lại lên tiếng hoan nghênh sáng kiến của John Howard!!!
Vì được chế biến từ các xưởng lọc xăng (derived from processing plants) nên ethanol cũng được sự yểm trợ từ một số giới bảo vệ môi sinh (environmentalist) như một thứ nguyên liệu khả dĩ tái sinh và ít gây tổn hại cho khí quyển (greenhouse-friendly). Vào tháng 6/06 vừa qua, hai công ty BP và Dupont đã công bố một chương trình hợp tác để phát triển các loại sinh nhiên liệu tân tiến hơn.
Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu của cơ quan CSIRO về chu kỳ phát hơi CO2 (emission lifecycle) của ethanol chế biến từ đường (sugar) cho thấy nó chỉ làm giảm thiểu 25% ảnh hưởng nhà kính (greenhouse savings) mà thôi. Điều này có nghĩa là việc sử dụng E10 biến chế từ đường gần như không làm giảm thiểu tổn hại cho khí quyển, vì số lượng hơi và nhiệt tỏa ra khi biến chế cũng tương đương với số lượng hơi và nhiệt giảm thiểu so với việc sử dụng xăng nguyên chất.
Để việc sử dụng sinh nhiên liệu có thể lên đến mức khả dĩ tạo ảnh hưởng đáng kể cho giá xăng và giảm thiểu hơi gas tổn hại cho khí quyển (greenhouse emissions) thì có hai vấn đề cần được giải quyết: phí tổn trong việc sản xuất và tầm vóc sản xuất.
Sản xuất cồn ethanol không phải rẻ rúng gì. Giá rẻ của ethanol hiện nay trên thị trường đều nhờ vào việc nó được miễn thuế nguyên liệu (exempt from fuel excise). Nhưng việc miễn thuế này bắt đầu bị thu hồi dần dần từ năm 2001. Theo Văn Phòng Kinh Tế Nông Nghiệp và Tài Nguyên (Australian Bureau of Agricultural & Resource Economics) dự đoán, nếu tiếp tục xử dụng kỹ thuật đương đại để chế biến ethanol thì chỉ khi nào giá dầu thô vẫn tiếp tục đứng ở khoảng $55 Mỹ Kim một thùng thì giá thành của ethanol mới thực sự rẻ hơn và ethanol mới thực sự có thể cạnh tranh được mà thôi.
Trong khi giá dầu thô vẫn có thể nằm ở mức trên $75 Mỹ Kim một thùng trong một thời gian ngắn tới đây, phí tổn quá cao của việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở cho sự sản xuất ethanol đòi hỏi giá dầu thô phải tiếp tục ở mức trên $75 Mỹ Kim này trong nhiều thập niên nữa. Để có thể thực sự giảm giá thì người ta cần phải có kỹ thuật tân tiến hơn nhằm giảm thiểu phí tổn điều chế sản xuất sinh nhiên liệu cũng như gia tăng năng suất của quá trình này.
Thế nhưng, khó khăn hơn nữa vẫn là việc tìm nguyên liệu chính để có thể sản xuất các loại sinh nhiên liệu ở tầm cỡ mà nó có thể tạo ảnh hưởng đáng kể tới giá xăng dầu tại trạm xăng. Gần như hầu hết các loại sinh nhiên liệu đều được sản xuất từ các loại thực phẩm, chẳng hạn như cồn ethanol dùng mía đường, lúa mì và bắp ngô hoặc dầu máy biodiesel sử dụng các loại hột dầu và ngay cả mỡ thú vật.
Ở mức sản xuất sinh nhiên liệu thấp như hiện nay thì không có ảnh hưởng nào sâu đậm lên thị trường tiêu thụ. Thế nhưng, một khi có sự tăng vọt về sản xuất, cho dù chỉ ở mức vừa phải, chắc chắn sẽ có nhiều ảnh hưởng đáng kể.
Dựa theo dự trù của International Energy Agency - IEA, và dựa vào mức thu hoạch lúa mì tối đa của Úc, thì chỉ để cung cấp cồn ethanol tương đương với 10% số lượng xăng được sử dụng hiện nay, người ta cần phải sử dụng 40% tổng số lúa mì thu hoạch được hàng năm.
Âu Châu hiện đã quy định phải sử dụng sinh nhiên liệu ở mức 2% tổng số nguyên liệu hàng năm và gia tăng lên 5.75% một năm vào năm 2010. IEA dự đoán rằng việc này sẽ khiến cho ít nhất là 20% diện tích trồng trọt thực phẩm bị chuyển sang trồng các loại thảo mộc để sản xuất sinh nhiên liệu. Ở Hoa Kỳ, IEA phỏng đoán 40% diện tích trồng trọt phải được dành cho sinh nhiên liệu hầu có thể đáp ứng 10% nhu cầu nguyên liệu của Mỹ vào năm 2020.
Ông David Lamb, trưởng khoa nghiên cứu về nguyên liệu ít tỏa hơi (low-emissions), cho biết ngay cả việc sử dụng sinh nhiên liệu ở một mức độ hết sức khiêm tốn cũng sẽ tạo ảnh hưởng trầm trọng đến giá thực phẩm toàn thế giới. Ông nói: “Nếu nhu cầu nguyên liệu trầm trọng đến đỗi chúng ta sẵn sàng nhịn đói vĩnh viễn, chúng ta vẫn không thể nào cung cấp được phân nửa nhu cầu nguyên liệu của chúng ta”.
Thực ra thì đã có một vài ảnh hưởng đáng kể của sinh nhiên liệu lên giá cả thực phẩm thế giới. Ba Tây là quốc gia sản xuất đường nhiều nhất thế giới và đồng thời cũng có mức sản xuất cồ ethanol cao nhất thế giới. Sự gia tăng sản xuất ethanol của Ba Tây liên tục làm giảm thiểu số lượng đường từ thị trường quốc tế, đẩy giá đường từ khoảng $0.08 Mỹ Kim một ký lên $0.14 Mỹ Kim một ký trong vòng bốn năm qua.
Giới trồng hạt canola (để chế tạo dầu ăn canola oil) ở Úc cũng đang hưởng lợi thật nhiều từ các nhà sản xuất dầu máy biodiesel ở Âu Châu. Công ty Goldman Sachs đã lên tiếng cảnh cáo những nhà sản xuất thực phẩm về nguy cơ giá cả thực thẩm bị lên cao vì ảnh hưởng trực tiếp từ việc gia tăng sản xuất sinh nhiên liệu.
Tổng giám đốc tổ chức bảo vệ môi sinh WWF, ông Greg Bourne, cho biết, mặc dầu sinh nhiên liệu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng trong tương lai, nhưng có thể sẽ tạo nhiều hậu quả khác cho môi sinh, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo khổ, chậm phát triển, chẳng hạn như gia tăng nhu cầu sử dụng nước, tăng tốc việc đốn rừng để làm nông trường hầu có thể cung cấp đủ các loại thảo mộc ngũ cốc cần yếu cho việc sản xuất sinh nhiên liệu.
Ông Greg Bourne cũng nhấn mạnh sự hệ trọng của nhu cầu phát triển kỹ thuật sản xuất sinh nhiên liệu sao cho tân tiến hơn, hầu cắt giảm phí tổn và đồng thời có thể biến chế những phế phẩm như cặn bã (sludge) hoặc mạt cưa, dâm bào (woodchip) trở thành sinh nhiên liệu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.