Hôm nay,  

Tin Úc Châu

07/07/200300:00:00(Xem: 4726)
ABBOTT: COSTELLO SẼ LÀM LÃNH TỤ
CANBERRA: Trong một hành động được giới phân tích chính trị cho là mang tính xoa dịu và trấn an tổng trưởng kinh tế Peter Costello để giảm thiểu tối đa những xáo trộn trong nội bộ đảng Tự Do có thể được ông gây ra qua việc thực thi lời hứa sẽ phát biểu thẳng thắn ý kiến của ông về nhiều vấn đề ở ngoài phạm vi kinh tế, tổng trưởng quan hệ lao tư, Tony Abbott, kẻ được xem như đối thủ chính của ông trong việc tranh quyền lãnh đạo khi Howard về hưu, đã công khai lên tiếng thừa nhận rằng ông Costello sẽ đương nhiên kế vị lãnh tụ.
TT Tony Abbott tuyên bố việc thách thức ông Costello là chuyện hoàn toàn bất khả thừa nhận (completely implausible). Ông nói: “Trong đảng có thứ tự quyền lực rõ rệt. Đó là: Howard số 1, Costello số 2. Giữa Costello và tất cả những người khác là cả một ngày đường khoảng cách. Phải nói cho thật rõ rệt rằng Peter Costello sẽ kế vị John Howard khi thời gian đến”.
Tuy nhiên, ông Abbott cũng không quên thòng vào một câu tràn đầy ý nghĩa, ngầm nhắn nhe ông Costello không nên vọng động. Ông cho rằng John Howard có thể sẽ tại vị cho đến cuối nhiệm kỳ bốn, sau kỳ tổng tuyển cử tới. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng ông (John Howard) đang lèo lái đất nước một cách tuyệt vời và tôi không thấy có lý do nào mà ông ta không thể tiếp tục công việc ấy vô hạn định, nhưng rõ ràng đấy là một vấn đề để riêng ông quyết định”.
Những lời trấn an và nhắn nhe này xảy ra hai ngày sau khi ông Costello thẳng thắn bày tỏ sự nghi ngờ về những ích lợi của đề nghị từ John Howard trong việc thay đổi luật pháp nhằm trao đồng đều quyền hạn nuôi dạy con cái cho cha mẹ đã ly dị, thay vì giao cho một người quyền nuôi dưỡng và cho người kia được quyền thăm viếng.
Tưởng cũng nên nhắc lại, tuần qua, John Howard ra lệnh tổ chức một cuộc điều tra của quốc hội về vấn đề này và công khai cho biết ông cảm thấy đấy là một đề nghị tốt. Tuy nhiên, khi được một đài phát thanh hỏi ý kiến về vấn đề này thì ông Costello thẳng thắn tuyên bố: “Tôi cho rằng thực ra đấy là một việc khá khó khăn”.
Ông vạch ra một số vấn đề khả dĩ gây nhiều khó khăn trở ngại trong vấn đề này, chẳng hạn như tầm ảnh hưởng của nó lên trẻ em cũng như những khó khăn mà luật pháp thường phải đối phó khi muốn thành lập những mối quan hệ trơn tru, phẳng lì, không rắc rối. Ông nói: “Ai cũng biết rằng một đứa trẻ chỉ có thể ở một chỗ vào một thời điểm và việc sẽ tạo nhiều tranh cãi là việc đứa trẻ phải bị di chuyển từ một nơi sang nơi khác”.
Thêm vào đó, ông Costello cũng nhẹ nhàng và khéo léo cho biết ý kiến thực sự của ông về vụ toàn quyền Úc Peter Hollingworth bị buộc phải từ chức. Trong buổi khai mạc chiến dịch gây quỹ cho tổ chức từ thiện Anglicare thuộc giáo hội Anh Giáo Úc, ông nói rằng cả nước Úc đã học được một bài học quý giá từ việc ông Peter Hollingworth được bổ nhiệm rồi sau đó bị áp lực để từ chức. Ông nói: “Chúng ta đã học hỏi được một vài điều quan trọng qua giai đoạn này, và đó là việc người ta không thể nào làm ngơ trước những vụ cưỡng bách tình dục trong giáo hội hoặc bất cứ ở đâu”.
HÀNG 10 NGÀN NGƯỜI SẼ MẤT TRỢ CẤP
CANBERRA: Hàng chục ngàn người lãnh trợ cấp thất nghiệp sẽ bị tước quyền lãnh tiền trợ cấp vì họ không chứng minh được rằng họ đang có nỗ lực tìm việc làm.
Chính phủ Howard đang tiến hành việc gởi thơ đến hơn 700,000 người lãnh trợ cấp, thông báo cho họ biết rằng họ phải nộp một bản sơ yếu lý lịch (resume) để được ghi vào hồ sơ điện toán trung ương có khả năng liên kết công việc với khả năng (job-matching data base). Những người lãnh trợ cấp cũng được nhắc nhở rõ rệt rằng họ phải tham dự những buổi phỏng vấn tìm việc làm để được tiếp tục nhận tiền từ chính phủ.
Chính phủ đã ra lệnh cho những cơ quan và tổ chức trong hệ thống Job Network ra lệnh cho những người thất nghiệp “cứng đầu” (recalcitrant) đến dự buổi phỏng vấn. Chiếu theo luật lệ hiện hành, người thất nghiệp phải được phỏng vấn và chi tiết ghi nhận vào hồ sơ điện toán để hằng đêm, khả năng của họ được liên kết với những công việc cần người. Sau đó, họ sẽ nhận được điện thư, hoặc một cú điện thoại thông báo cho họ biết về những công việc hợp với khả năng của họ.
Nếu không tham dự buổi phỏng vấn hai lần thì sẽ bị cắt trợ cấp.
Tổng trưởng dịch vụ tìm việc (employment services), ông Mal Brough cho biết đã có hơn 300,000 lá thơ được gởi đi và trong số đó, 84,000 người đã không phúc đáp hoặc đến dự buổi phỏng vấn quy định. Ông cho biết thêm là nếu những người này bị cúp trợ cấp, chính phủ sẽ để dành được AUD$1 tỷ. Ông nhấn mạnh: “Việc này sẽ tạo chấn động (shake the tree). Và nó có thể sẽ có ảnh hưởng vô cùng lớn lao đến con số người được quyền lãnh trợ cấp”. Tuy nhiên, phát ngôn nhân đối lập về dịch vụ tìm việc, ông Anthony Albanese cho biết có rất nhiều trường hợp người thất nghiệp không đến tham dự buổi phỏng vấn vì sơ sót và hư hại trong hệ thống điện toán của chính phủ.
ASIO NGÀY CÀNG THEO DÕI NGHE LÉN DÂN CHÚNG NHIỀU HƠN
CANBERRA: Công dân Úc là một trong những dân tộc bị theo dõi, rình rập, vi phạm quyền riêng tư nhiều nhất trong thế giới Tây Phương với những vụ đọc lén thư từ và nghe lén điện thoại ngày càng gia tăng. Theo nữ ký giả Shelley Hodgson của tuần báo Sunday Herald Sun hôm cuối tuần qua, thì những hồ sơ thu thập được cho thấy trong năm qua thư từ của hơn 17,000 người Úc bị điều tra, theo dõi, phần lớn là từ các cơ quan thẩm quyền liên bang. Con số này cao gấp 30 lần con số của 10 năm trước.
Các lực lượng cảnh sát, liên bang và tiểu bang, dùng các phương pháp theo dõi bằng điện tử (electronic surveillance) gấp 27 lần các lực lượng tương đương ở Hoa Kỳ, nếu tính ra số bình quân trên mỗi người dân. Trong tài khóa vừa rồi đã có 2514 trát tòa cho phép nghe và thâu lén điện thoại (phone tapping), cao gấp đôi số trát được ban hành trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Con số này cao gấp 10 lần con số của 10 năm trước, và cao hơn tài khóa trước đó 16%.
Những trát tòa này được sử dụng để nghe và thâu lén vài trăm ngàn cú điện thoại. Cảnh sát Úc nghe lén điện thoại nhiều hơn cảnh sát Anh Quốc, Gia Nã Đại hoặc toàn thể các lực lượng cảnh sát các cấp ở Hoa Kỳ. Thêm vào đó, cảnh sát cũng dò xét hơn 733,000 hóa đơn điện thoại, bao gồm cả những cú điện thoại gọi đi cũng như nhận được.
Những con số nói trên chưa tính đến những vụ nghe lén của ASIO.
Các nhóm tranh đấu bảo vệ dân quyền cho biết, những con số này cho thấy người dân Úc nằm trong danh sách những dân tộc bị quan sát theo dõi nhiều nhất trong thế giới Tây Phương. Ông Terry O’Gorman, chủ tịch Hội Đồng Bảo Vệ Dân Quyền Úc (Australian Council for Civil Liberties) nói: “Tôi nghĩ rằng nếu chưa phải (là nhiều nhất) thì có lẽ chúng ta cũng gần như thế”.
Các tổ chức này cũng bày tỏ mối quan ngại về quyền lực quá lớn lao của ASIO mà quốc hội Úc vừa biểu quyết thông qua hôm tuần rồi. Những quyền nay bao gồm việc giữ người suốt một tuần lễ mà không cần phải thẩm vấn, sau mỗi 7 ngày được quyền xin trát mới, buộc người bị tình nghi phải chứng minh rằng họ thực sự không có chi tiết hoặc hồ sơ bị yêu cầu giao nạp hoặc trả lời (thay vì để ASIO phải chứng minh rằng họ có, như luật pháp từ xưa đến giờ vẫn quy định), cho phép bỏ tù đến 5 năm những người đã không trả lời câu hỏi một cách chính xác.
TNS Brown, lãnh tụ đảng Xanh, nói: “Chỉ cần ASIO nghi ngờ bạn bè hoặc thân nhân của quý vị có tí chút gì dính líu (với khủng bố) là quý vị có thể bị tóm bắt và nhốt trong 7 ngày mà không ai biết quý vị ở đâu cả.
Ông O’Gorman cho rằng, từ sau biến cố 11/9, nỗi lo sợ về khủng bố đã bị ASIO lợi dụng để giành nhiều quyền lực hơn. Ông nói: “FBI, CIA và MI5 (tình báo Anh) không có những thứ luật lệ kiểu này và cũng không hề đòi hỏi chúng. Nếu thứ luật lệ này không có ở Hoa Kỳ và Anh Quốc và họ không muốn có chúng thì tại sao chúng ta lại ban hành chúng, nhất là khi có những xâm phạm vào dân quyền như thế"”
VÌ BỊ TỐ, BT TƯ PHÁP NAM ÚC TỪ CHỨC
ADELAIDE: Bộ trưởng Tư pháp Nam Úc, ông Michael Atkinson đã từ nhiệm trong lúc chờ đợi cảnh sát điều tra lời tố giác rằng ông dính líu vào một vụ xì căng đan liên quan đến việc mua chuộc kẻ đã khởi đơn tố ông để người này thâu hồi đơn tố.
Một công chức, cũng bị cáo buộc dự phần trong xì căng đan, đã bị tạm giải nhiệm cho đến khi cuộc điều tra chấm dứt. Tưởng cũng nên nhắc lại, suốt tuần qua, phe đối lập tiểu bang đã liên tục đặt vấn đề với chính phủ Nam Úc về lời tố giác rằng ông Atkinson đã mua chuộc một người khởi đơn kiện tố ông về một vấn đề riêng tư bằng cách bổ nhiệm người này vào trong một hội đồng của chính phủ.
Sau khi những câu hỏi này được đặt ra thì ông Atkinson đã khẳng định, qua một thông cáo, rằng ông không hề làm điều gì sai quấy cả. Ông nói: “Tôi không hề mua chuộc (offer inducement) ai liên quan đến việc kiện cáo bằng sự bổ nhiệm vào hội đồng nào cả và do đó, không hề dự phần vào một hành động nào vi phạm quy luật về hạnh kiểm (code of conduct) cả”.
Tuy nhiên, vào chiều thứ Hai 30/6/03 vừa qua, Quyền Thủ Hiến Kevin Foley, sau khi hội ý với thủ hiến Mike Rann đang công du Anh Quốc, cũng như sau khi được góp ý từ ông Atkinson và luật sư cố vấn chính phủ (Crown Solicitor) Mike Walter, đã quyết định yêu cầu đội bài trừ tham nhũng của cảnh sát Nam Úc điều tra vụ việc này.
Trong một cuộc họp báo, ông Foley tuyên bố: “Tôi tin tưởng rằng ông Atkinson sẽ được chứng minh là trong sạch và sẽ trở về nội cách thật nhanh chóng”.
THủ HIẾN WA KHIỂN TRÁCH DÂN BIỂU
PERTH: Tuần qua, thủ hiến Tây Úc, ông Geoff Gallop, đã công khai lên tiếng khiển trách dân biểu của chính phủ, ông John Hyde, vì những lời lẽ khiếm nhã mang tính chòng ghẹo, nhục mạ của ông này trong việc tấn công một nữ dân biểu đối lập khiến bà khóc ròng và chạy ra khỏi phòng họp.
Tuần qua, khi lãnh tụ đối lập tiểu bang, Colin Barnett, chất vấn bộ trưởng Công Chánh và Gia Cư Tony Stephens về việc bãi bỏ những yêu cầu cần thiết trong việc đấu thầu xây cất thì ông John Hyde, từ hàng ghế sau, nói chen vào, tấn công ông Barnett: “Tại sao ông không nói cho chúng tôi nghe về buổi họp mặt giữa ông Len Buckeridge [tổng giám đốc công ty xây cất BGC] và nữ dân biểu đơn vị Nedlands trên chiếc phản lực cơ của Qantas hả" Tại sao ông không nói về cuộc họp kín giữa ông Buckerdige và dân biểu đơn vị Nedlands ở cao độ 1 dặm hả"” (Mile High Club là thành ngữ lóng để chỉ những cuộc ái ân vụng trộm trên phi cơ giữa không trung).
Chủ tịch hạ viện, ông Fred Riebeling đã lên tiếng khiển trách ông Hyde vì thái độ mất trật tự này, và ông Hyde đã lên tiếng thu hồi lời nói này, cũng như xin lỗi quốc hội sau đó. Tuy nhiên, ngay sau khi ông la lối vô trật tự như thế thì bà Sue Walker, dân biểu đơn vị Nedlands, đã khóc òa và vụt chạy ra khỏi phòng họp. Bà chỉ trở lại phòng họp sau nhiều giờ đồng hồ và tuyên bố rằng ông Hyde đã có lời lẽ sàm sỡ khiếm nhã như thế chỉ vì ông ta thấy bà ngồi cạnh ông Buckeridge trên một chuyến bay. Bà nói: “Chúng tôi không hề tự giới thiệu với nhau. Tôi nhớ rằng ông ấy ngủ say trong gần suốt chuyến bay. Ông dân biểu đơn vị Perth dám mập mờ nói rằng tôi đã có ái ân cùng ông này chỉ vì tôi được sắp xếp ngồi cạnh ông ta quả thật là một sự sỉ nhục và một hành động cố ý nhục mạ”.
Ông Buckeridge cũng bày tỏ sự bất bình của ông. Ông khéo léo chửi xéo ông John Hyde bằng câu kết thúc: “Rõ ràng là ông Hyde hoàn toàn không có tí khái niệm nào về những mối liên hệ dị tính luyến ái (heterosexual relationship) cả, bởi vì ai cũng thấy rõ ràng rằng bà Walker không thể nào cho rằng một ông già phì nộn 67 tuổi là một người có hình vóc quyến rũ cả”.
Sau đó, thủ hiến Geoff Gallop đã công khai lên tiếng khiển trách ông Hyde. Ông nói: ‘John Hyde đã vượt qua lằn ranh, ông ta đã có những lời bình phẩm không thích hợp, ông đã có những lời lẽ thiếu tế nhị và ông ta đã phải xin lỗi một cách chân thành (unreserved apology)’.
XÁC CHẾT TRONG THÙNG RÁC
SYDNEY: Tối Chủ Nhật 29/06 vừa qua, một cư dân ở đường Renwick, Redfern, đã phát hiện ra thi thể của một người đàn ông bị vất ngược đầu vào trong thùng rác tư nhân và cho đến khi báo lên khuôn, cảnh sát vẫn không tìm ra chân tướng của người quá cố cũng như nguyên nhân cái chết của ông ta hoặc thời điểm đích xác mà thi hài ông bị vứt vào thùng rác.

Superintendent Dennis Smith thuộc đồn cảnh sát Redfern cho biết nạn nhân có vẻ như chết từ một nơi khác rồi sau đó bị mang đến vứt vào cái thùng rác tư nhân. Thùng rác này được kéo ra từ căn chung cư gần đó vào khoảng 7g30 tối Chủ Nhật để chờ xe đổ rác dọn đi. Thi hài nạn nhân được một cư dân phát giác vào lúc 10g00 tối khi thấy đôi bàn chân lòi ra từ trong thùng lúc ông đi ngang qua.
Ông Smith nói: “Hiện nay, chúng tôi xem đây như là một vụ án mạng. Phía sau đầu nạn nhân có một vết thương nhỏ. Chúng tôi không chắc chắn được rằng vết thương này được gây ra do sự té ngã hay không”.
Cảnh sát sau đó đã dò tìm thật kỹ càng quanh vùng nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy thi thể nạn nhân bị kéo dài trên đường rồi vứt vào thùng rác. Tuy nhiên, cảnh sát tin rằng nạn nhân bị sát hại không lâu lắm trước khi bị vứt vào thùng. ông Smith nói: “Chúng tôi không loại trừ giả thuyết ông ta bị cướp vì trên người nạn nhân chỉ có một số tiền nhỏ”.
Nạn nhân ở trong khoảng tuổi từ 25 đến 35 và có dáng vóc người Hồi quốc hoặc Ấn độ.
HAM NHÌN LÉN, CảNH SÁT LÃNH PHẠT
MELBOURNE: Một cảnh sát viên đã bị phạt vạ $6,000 vì đã lén đặt máy quay phim trong phòng tắm của gia đình một người bạn để nhìn lén cảnh bà này tắm táp, thay đồ.
Hạ sĩ cảnh sát Kevin David Fay, cư dân Boronia, tòng sự tại đồn cảnh sát Belgrave trong hơn hai thập niên qua, dấu cái máy quay phim tí hon vào giữa xấp khăn lông gần bồn tắm của nạn nhân để thỏa mãn tính thị dâm của y. Luật sư công tố cho biết sau đó, từ trong chiếc xe đậu gần nhà nạn nhân, y có thể xem rõ mọi hình ảnh mà máy quay phim thu nhận được.
Tệ hại hơn nữa, nạn nhân là một người bạn của Fay, vốn từng tòng sự chung đồn với y. Y làm quen và kết bạn với chồng bà và thường xuyên đến viếng thăm ăn uống với gia đình bà. Fay cũng thường trông chừng 3 đứa con cho bà. Luật sư biện hộ miêu tả Fay như một người “hiền lành, rụt rè” và những hành động của y là hậu quả của “những thiếu sót tình cảm” và sự trống vắng, không có quan hệ nào khác trong đời sống của y.
Thẩm phán Harley Harber kết tội Fay theo đạo luật Surveillance Devices Act và phạt vạ y AUD$6,000. ông nói rằng y cần phải bị trừng phạt vì là một cảnh sát viên đã phá vỡ lời thề bảo vệ luật pháp và một tên tội phạm đã hủy hoại lòng tin cậy cùng quyền riêng tư của người bạn. Ông Harber cũng tuyên bố thêm rằng ông cần phải đưa một thông điệp thật mạnh mẽ đến với tất cả cảnh sát viên tại chức rằng bất cứ một hành vi phạm pháp nào cũng đều sẽ bị trừng phạt thật nghiêm khắc.
Trước tòa Magistrates’ Court ở Dandenong, y đã thú nhận tội lỗi.
MẸ MORAN HỨA TRả THÙ
MELBOURNE: Mẹ của Jason Moran, tay anh chị sừng sỏ bị thanh toán gần đây ở bãi đậu xe khi y rước con từ sau một buổi huấn luyện dã cầu, đã dùng tang lễ của con bà để đưa ra một lời hăm dọa sẽ báo thù rửa hận với kẻ đã sát hại y.
Bà Judy Moran, một nhân vật đáng gờm trong xã hội đen Melbourne, đứng dưới hình những thiên thần rửa hận, nói thật rõ ràng với đứa con trai nằm trong quan tài phủ đầy hoa rằng: “Tất cả sẽ được tính đến, con cưng của mẹ”. Đây là lần thứ nhì trong vòng 3 năm mà bà đã phải chôn cất con vì bị băng đảng thù nghịch thanh toán. Đứa con lớn của bà, Mark Moran, bị bắn chết ngay trong sân nhà của y ở Essendon.
Bà Moran nói bà tin rằng hai đứa con của bà - vốn là anh em cùng mẹ khác cha - hiện đã được ở cùng nhau tại “một nơi không có bóng đêm”. Cha của Jason, Lewis Moran, không đến tham dự đám táng của con vì đang bị giam giữ trong nhà tù Port Phillip chờ ngày ra tòa xét xử về một vụ buôn lậu nha phiến. Vì là tù nhân được sắp loại A2, nếu được phép dự tang lễ, ông sẽ bị cùm chân, còng tay và đeo xiềng nối cùm với còng. Cảnh tượng ấy sẽ tạo nhiều gay cấn với quan khách, dễ đưa đến nguy hiểm cho nhân viên trại giam, nên cuối cùng, ông đã không được phép tham dự. Hơn 600 người, bao gồm bà con thân thuộc và các nhân vật trong giới giang hồ Melbourne cùng với nhiều cầu thủ và thương gia, đổ dồn về nhà thờ St Mary’s Star of the Sea ở West Melbourne để dự tang lễ.
NHÀ THỜ CảN HỘP ĐÊM KHỏA THÂN
BRISBANE: Các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Maroochydore, Sunshine Coast đang ra mọi nỗ lực để có thể ngăn cản không để hộp đêm địa phương Bad Girls xin được giấy phép có vũ nữ khỏa thân giải trí cho thân chủ. Linh mục Joe Duffy thuộc nhà thờ Stella Maris cho biết 1200 giáo dân của nhà thờ đã ký tên vào một bản kiến nghị chống việc cấp giấy phép và đồng thời đã cống hiến tài chánh vào quỹ tài trợ luật pháp cho việc kiện tụng trong vấn đề này. Cha Duffy nói: “Những người của hộp đêm nói rằng sẽ không có gì thay đổi phía ngoài của tòa nhà nếu họ được cấp giấy phép. Nhưng chắc chắn là có sự khác biệt một trời một vực giữa việc có quần và không quần. Kẻ nào không nhận được sự khác biệt không phải là người còn sống nữa”.
Ông cũng cho biết thêm rằng giáo dân e ngại rằng hộp đêm có khiêu vũ khỏa thân sẽ thu hút những thành phần bất hảo, nguy hiểm đến khu vực này. Hiện nay, 16 nàng vũ công của Bad Girls trình diễn chiếu theo giấy phép cho trình diễn văn nghệ tạp lục Cabaret và vì thế, phải mặc quần lót dây. Họ trình diễn từ 6g00 chiều đến 3g00 sáng, từ thứ Tư đến Chủ Nhật và đóng cửa vài giờ trước khi giáo dân tề tựu tại nhà thờ trong buổi lễ sáng. Trong cùng một dãy phố với hộp đêm là 4 nhà thờ, một trung tâm giảng đạo ki tô (Christian Outreach Centre), hai phòng hội của Hướng đạo nam và nữ và hai trường tiểu học. Cha Duffy nói: “Đây là một vấn đề thuần túy về an ninh và luật lệ. Nhà thờ tuân thủ theo luật pháp trong khi Bad Girls nghĩ rằng họ không phải làm như thế chỉ vì họ là Bad Girls”.
Tuy nhiên, giám đốc của Bad Girls, cô Heather McMurray cho biết không có lý do nào để chối từ giấy phép giải trí người lớn cho Bad Girls cả. Cô cho biết trong vòng 2 năm qua, hộp đêm đã nộp đơn 3 lần và đều bị từ chối cả ba. Cô nói: “Chủ nhân của Bad Girls không hề gặp trở ngại gì trong việc xin giấy phép cho 3 hộp đêm khác của ông ở Brisbane thì không hiểu vì sao ở đây lại khác được. Theo sự hiểu biết của tôi thì Thánh Kinh dạy chúng ta không nên phán xét kẻ khác và nên có ý tưởng công bằng, nhưng dường như những điều ấy không được áp dụng trong trường hợp này”. Cô McMurray cũng cho biết thêm hộp đêm sẽ nộp đơn kháng cự lại tuyên phán gần đây của Tòa Thượng Thẩm rằng Bad Girls ở trong một khu vực không thích hợp cho những giải trí dành cho người lớn.
CÓ NHIỀU NGUY CƠ LẤN CẤN QUYỀN LỢI TRONG CÁC CUỘC ĐIỀU TRA
SYDNEY: Theo một bản tường trình sau cuộc kiểm tra của ủy Ban Kiểm Tra Hạnh Kiểm Cảnh Sát (Police Integrity Commission - PIC) thì hơn phân nửa các cuộc điều tra của internal affairs - đội điều tra các lời than phiền cảnh sát sai quấy, lạm quyền - đều được thực hiện bởi những cảnh sát viên trong cùng khu vực với kẻ bị than phiền.
PIC cho biết điều này đưa đến nguy cơ có lấn cấn quyền lợi (conflict of interest) khi cảnh sát điều tra người cùng đồn (Local Command Area) hoặc cùng khu vực. Bản tường trình ghi nhận: “Việc quá kề cận như thế này đưa đến nhiều nguy cơ cho sự chuẩn đích (integrity) của cuộc điều tra bởi vì nó gia tăng xác xuất các cảnh sát viên này quen biết với nhau trước đó hoặc có cùng một quyền lợi chung nào đó khả dĩ tạo lấn cấn”.
Mặc dù có nguy cơ như thế, 245 trong số 441 vụ than phiền có ít nhất một điều tra viên điều tra người cùng đồn hoặc cùng vùng. Bản tường trình cũng ghi nhận rằng con số cuộc điều tra bị liệt kê “không khả quan” (unsatisfactory) và “vô cùng không khả quan” (very unsatisfactory) gia tăng so với kết quả của cuộc kiểm tra trước đó 3 năm.
Theo bản tường trình thì có thể có sự liên hệ giữa việc điều tra viên và mục tiêu cùng từ một đồn và những kết quả không khả quan này. Ông Peter Debnam, phát ngôn nhân về cảnh sát của phe đối lập tuyên bố cùng đặc phái viên của thông tấn xã AAP rằng những kết quả nói trên quả thật vô cùng đáng ngại. Ông nói: “Đấy là một hồ sơ khiến người ta cảm thấy bất ổn (disturbing document)”.
ÔNG NGÔ CảNH PHƯƠNG BỊ DỜI TÙ
SYDNEY: Cuối tuần qua, giới truyền thông đại chúng ở Úc xôn xao nhốn nháo với bản tin nóng hổi giựt gân rằng cựu nghị viên Ngô Cảnh Phương, người đang thụ án tù chung thân với tội giết hại dân biểu John Newman, đã bị dời sang nhà tù tối tân, siêu trọng cấm (super maximum security) ở Goulburn dành cho các phạm nhân tối nguy hiểm như tên sát nhân liên hoàn Ivan Milat, tên trùm băng đảng tội phạm Michael Kanaan và tên thủ lãnh thiếu niên của băng du đãng hiếp dâm Bilal Skaf.
Theo các bản tin trên những tờ báo cuối tuần và tờ Sydney Morning Herald số thứ Hai 30/6 cũng như các đoạn tin trên truyền hình thì nhân viên của nhà giam Lithgow, qua các nguồn tin tình báo từ các cơ quan công quyền cùng sự phát giác được những ám hiệu mật, đã xác định được rằng ông Phương là chủ tịch (chairman) của một băng đảng tên gọi Willing To Kill (Sẵn Sàng Sát Hại) với tên tắt là W2K, một băng đảng có nhiều liên hệ với một tổ chức phạm pháp kỳ thị chủng tộc cực đoan của người da trắng tên gọi White Pride (Niềm Hãnh Diện Da Trắng), và có những dấu xâm mình đặc thù để nhận diện nhau.
Trong bài báo được xưng là “độc quyền”, Alex Mitchell, chủ biên chính trị tiểu bang của tờ Sun Herald, ghi chép rằng giới chức thẩm quyền vì e ngại vượt ngục nên đã quyết định tăng biện pháp an ninh ông Phương và qua một chiến dịch chớp nhoáng như hành quân, áp tải ông đến nhà giam mới, đồng thời phân tán nhiều tù nhân khác bị tình nghi là thành viên của W2K.
Theo bài báo này thì Deputy Superintendent Darby Dewson, tư lệnh của Đội Đặc Nhiệm về Nguy Cơ An Ninh (Security Threat Group Taskforce) và Shari Martin, tư lệnh của tổ tình báo của Dịch Vụ Cải Huấn (Corrective Services Intelligence group) xác nhận rằng ông Phương được liệt kê như “một tù nhân có tài nguyên trong cộng đồng và khuynh hướng (disposition) vượt ngục”.
Cũng theo Alex Mitchell thì băng đảng này được ông Phương thuê mướn để bảo vệ ông trong tù. TGĐ Dịch vụ Cải huấn Ron Woodham nói: “Chúng tôi có tin tức cho thấy chúng nói với y rằng chúng sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho y khi y còn trong tù”.
Tuy nhiên, bài báo cũng nói thêm rằng trong một cuộc bố ráp bất thần gần đây, hơn 30 tù nhân bị lục soát cặn kẽ, kể cả việc bó buộc thoát y, nhưng không có bất cứ một người nào có dấu xâm của W2K cả! Dù vậy, ông Darby Dewson cho biết đang có một cuộc điều tra để xác định: ai là thành viên của W2K, những người này nằm ở đâu trong hệ thống ngục tù, mục tiêu của nhóm bí mật này, mối liên hệ giữa ông Phương và nhóm, những liên hệ của W2K với khách viếng tù và xã hội.
Trong một cuộc hộp báo ngày Chúa Nhật, sau khi các bài báo nói trên được đăng tải, ông Woodham đã từ chối không cho biết bằng cách nào những ám hiệu mật bị khám phá được.
MẸ BỊ KẾT TỘI HÀNH HẠ CON
BRISBANE: Một bà mẹ 35 tuổi ở Gold Coast đã bị kết tội tra tấn (torturing) đứa con út trong số 4 đứa con của bà ta để được người khác quan tâm, đoái hoài. Bồi thẩm đoàn tại tòa Brisbane District Court đã phải nghị luận hơn một ngày trước khi đến phán quyết rằng bà tra tấn đứa con trai út và đả thương bất hợp pháp (unlawfully wounding) đứa con trai giữa và đứa con gái duy nhất của bà.
Phe công tố cho biết những hành động phi pháp này xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 10/96 đến tháng 2/01 khi những đứa trẻ đều dưới 3 tuổi. Theo các bằng chứng được trưng tại tòa thì thiếu phụ này mắc chứng bệnh được đặt tên là “Munchausen’s syndrome by proxy” còn gọi là “factitious disorder” (căn bệnh thực-ngụy). Người mắc hội chứng này thường ngụy tạo bệnh tật ở con em của họ để được người khác để tâm thương hại, chú ý đến họ.
Bà bị cảnh sát dùng máy thâu hình, thâu rõ cảnh bà nhét muối epsom vào ống thở của đứa con 21 tháng của bà và tháo gỡ một bọc dưỡng chất đang truyền vào người em để đổ đi. Khi bị kết tội, bà gục đầu khóc nức nở. Chồng bà cũng òa lên khóc, thò tay níu kéo lấy bà và hô: “Chúng tôi sẽ đem em về nhà”.
Chánh án Kerry O’Brien cho biết rằng ông dời việc tuyên án đến một ngày khác để hai bên bào chữa và công tố có thời gian đệ trình đơn về bản án. Ông nói: “Đây là một vụ án khác thường, tôi chưa hề gặp một trường hợp nào như thế này cả”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.