Hôm nay,  

Hà Nội Ơi, Những Chiều Sương Gió Dâng Khơi…(phần 1)

07/06/200600:00:00(Xem: 1475)

Tùy Bút Ngọc Thủy

Từ độ cao trên cánh bay, lòng tôi cùng chao nghiêng nhìn xuống lòng thành phố Hà Nội, xanh xanh trong tầm mắt. Đôi mắt từ thuở sinh ra rồi lớn lên từ miền Nam, chưa một lần được nhìn về quê Bắc. Đã bao nhiêu năm, tôi chỉ biết Hà Nội qua nỗi niềm nhớ thương của cha mẹ khi rời bỏ làng quê theo làn sóng di cư từ ngày chia đôi đất nước. Và chỉ biết yêu thương Hà Nội qua từng trang sử Việt ghi chép lại những địa danh và tấm gương oai hùng lẫm liệt của tiền nhân trên đất Bắc từ ngàn xưa dựng nước, mở mang bờ cõi uy linh. Tôi đã nhiều lần mơ ước được đến thăm Hà Nội dù chỉ một lần, để biết rõ về quê mẹ quê cha, đất Thánh Tổ ngàn năm văn vật. Vậy mà mãi tới hôm nay, tới nửa đời người, tôi mới thấy được điều từng ước ao, dù chiến tranh Nam & Bắc đã khép lại ba mươi năm qua.

Chỉ vừa mới nhìn thấy mầu xanh của lòng thành phố Hà Nội thôi, trái tim tôi như co thắt lại đến nghẹn ngào. Nước mắt bổng trào ra, không hiểu vì sao, mà cũng không sao ngăn dược nữa. Thôi, cứ để trào ra, bởi lòng tôi đang dào dạt đến tức tủi, xót xa! Có những người con của dân tộc nào, phải sau mấy chục năm dài mới nhìn thấy được quê hương"! Bởi đường về miền Bắc bao cách xa với muôn điều khó khăn không phải vì núi cao, đèo sâu hiểm trở mà vì sự thống trị của nhà nước Cộng sản quá cay độc, dùng Đảng để dẫn dắt đời sống lương dân xuống khổ nghèo, tăm tối. Nên đến tận bây giờ vẫn có nhiều người Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 phải ra đi để tỵ nạn Cộng sản, sống khắp nơi hải ngoại, ở thập niên năm mươi, sái mươi, bẩy mươi.v.v… vẫn chưa hề biết đến Thăng Long Hà Nội, bởi họ làm sao có thể trở về  khi đất nước thực sự chưa có Nhân Quyền - Tự Do - Dân Chủ.  

Tôi đi từ Sàigòn ra Hà Nội qua đường dài Nam - Bắc bằng hai tiếng chim bay. Những dãy núi mờ xa trong nắng dịu ban trưa vẽ nên khung cảnh hữu tình của một Hà Nội quý yêu trong lòng nhiều người phải bỏ đất Bắc từ những năm xưa (1945) để vào phương Nam có nắng ấm Tự Do, như lời của nhạc sĩ Hoàng Dương đã nói hộ nỗi niềm nhớ thương da diết khi Hướng Về Hà Nội:

“Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi. Hà Nội ơi, phố phường rải ánh trăng mơ, liễu mềm nhủ gió ngây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ… Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê, hãy tin ngày ấy anh về. Một ngày mùa chinh chiến ấy, chim đã xa bầy, mịt mờ bên trời mây. Một ngày tả tơi hoa lá, ngóng trông về xa luyến thương hình bóng qua. Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi, nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình tiếng guốc reo vui. Hà Nội ơi, tháng ngày thơ ấu trôi qua, mái trường phượng vĩ dâng hoa, ráng chiều phủ bóng thiên nga… Một ngày tàn cơn chinh chiến. lửa khói lặng chìm tìm về nơi bờ bến. Một ngày hồng tươi hoa lá, hát câu tình ca nói lên lời thiết tha… Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng khơi, có người lặng ngắm mây trôi biết bao là nhớ tơi bời…”.

Hà Nội ngày tôi đến, đang giữa tháng mười môt, mùa đông chỉ mới vừa làm dáng với bầu trời nhiều cụm mây trắng xám, giăng mờ trên đỉnh núi xa  tựa chiếc áo mây trời màu lam tím nhạt. Những giọt mưa phùn nhỏ hạt trong veo, không đủ làm ướt tóc trên vai, đã chào đón tôi ở phi trường Nội Bài. Những giọt nước mỏng manh như bụi mưa chỉ lấm tấm bay bay, chạm khẽ vào làn da mặt cái cảm giác mát lạnh thú vị làm thức dậy trong tôi bao nỗi  niềm xao xuyến, lần đầu được dẫm từng bước chân lên phần đất mẹ thân yêu:

 

tôi người Hà Nội xa Hà Nội

gạch đỏ hè xưa không ở đây

từng lối cỏ hoa làm bối rối

Quê Hương thương lắm giọt mưa bay…

 

giăng giăng mưa bụi…

mưa hay bụi"

nghe mắt cay rơi nỗi xót xa

nếu bước chân mòn con phố cũ

thì tôi sao nhỉ"

giữa quê nhà…

n.t.

 

Long, người hướng dẫn viên du lịch vừa tốt nghiệp bốn năm đại học đã đứng chờ sẵn ở sân bay với cái bảng ghi tên của tôi giơ cao, cùng bốn người khách Đài Loan khác. Chúng tôi là một nhóm lẻ gồm năm người, hai cặp vợ chồng người Đài Loan còn trẻ, tôi là người Việt Nam duy nhất, à không, bên cạnh còn có người hướng dẫn và chú tài xế lái xe nữa chứ. Ngày đầu tiên chỉ ở với Hà Nội vài giờ nhưng tôi cũng kịp ngắm cảnh và người sơ qua bằng mắt, bằng tai rồi lại hối hả lên xe đi Hạ Long ngay trong buổi chiều hôm đó. Xe rộng nên tôi ngồi sát cạnh cửa sổ, ngắm cảnh vật nhà cửa hai bên đường một cách tham lam, không rời mắt, bỏ sót một nơi nào trên suốt chuyến lộ trình.

 Xe đi ngang qua những cánh đồng, những bãi tha ma nằm rải rác hứng mây trời cho cỏ dại mọc trên lưng, chẳng phải mồ hoang nhưng cũng là vài nắm đất nằm lất lây bên bờ ruộng chơ vơ. Thật khác xa với nghĩa trang ở Mỹ sạch sẽ và đẹp đẽ, còn ở những nơi chốn nghèo nàn đơn sơ này, chỉ là mồ đất đắp lên cùng cỏ nhưng sao tôi vẫn thấy có gì như thật gần gũi với hình ảnh bên đường đó, tuy hiu quạnh nhưng mang vẻ bình an bởi thịt xương được nằm trên miếng đất mình đã sinh ra.

Có những con đường làng còn nguyên lũy tre xanh, hàng cau già thắng tắp, trên bờ đê dài thấp thoáng người đang gặt lúa, phơi rơm. Yêu sao những ven đường đất, cầu đá dẫn vào Đình, Chùa ở tận trong sâu. Tôi đi qua những thôn làng heo hút, thấy bóng người gầy gò cùng trâu cày bừa trên ruộng, in đậm kiếp sống nghèo nhọc nhằn vất vả vẫn còn đây. Qua phố xá thì lại khác, hai bên đường mọc lên những ngôi nhà sặc sở với đủ kiểu xây đúc theo kiểu tây kiểu ta, nửa mới nửa cũ đến rối mắt mà ngắm nhìn mãi cũng thấy ngồ ngộ giống mấy chuồng chim xinh xinh bởi diện tích nền đất quá nhỏ hẹp nên người ta tận dụng không trung để cất cao lên tới mấy từng lầu. Hay là tôi chỉ quen mắt với lối nhà cửa ở Mỹ nào cũng rộng mặt bề ngang nên nom vuông vức hài hòa, còn hầu hết nhà cửa ở miền Nam cũng như miền Bắc này đều có chiều dài sâu nhưng lại rất hẹp bề ngang nên vẫn thấy không cân xứng thế nào ấy, nhất là không có khoảng vườn sau hay cửa hậu nếu xẩy ra hoả hoạn thì sẽ kẹt cho người trong nhà khó thoát. Cứ thế mà giòng suy nghĩ của tôi trôi chảy miên man theo dọc đường đi.

Rời khỏi Hà Nội, xe đưa chúng tôi đến Hải Dương, một địa danh có nhiều di tích lịch sử của các lăng, đền thờ nhiều vị vua và danh tướng đời nhà Trần như Thái Lăng (vua Trần Anh Tông), Mục Lăng (vua Trần Minh Tông), Nguyên Lăng (vua Trần Nghệ Tông), Khu Lăng (vua Trần Dụ Tông), An Sinh Lăng (vua Trần Thuận Tông); đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các đền thờ Mạc Đỉnh Chi, Phùng Hưng.v.v…

Hải Dương cũng lá đất sinh ra nhiều danh sĩ lỗi lạc như: Thượng thư Hàn Thuyên, Công hầu Nguyễn Phi Khanh, Chu Văn An, Nguyễn Trãi.v.v… Nhìn ao rau muống mùa này đang nở đầy hoa muống trắng lẫn bèo xanh, bông súng tím dưới đồng sâu mà tôi thốt nghĩ chẳng biết có phải nơi đây từng là chốn Tướng công Nguyễn Trãi muốn trở về cuộc sống, bình dị, thiên nhiên sau khi đã từ quan, rũ áo công danh:

 

“ao cạn vớt bèo cấy muống

đìa thanh phát cỏ ương sen

kho thu phong nguyệt đầy qua nóc

thuyền chở yên hà nặng vạy then…”

Những trang sách cũ của tiền nhân mang hình ảnh thơ mộng tao nhàn ấy đã làm ấm lòng tôi và càng thêm yêu mến vẻ mộc mạc của quê hương, đôn sơ mà đẹp đẽ, đã nuôi dưỡng nên nguồn thơ dân tộc thật phong phú đậm đà.

“Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc

tôi gửi nhờ đem hộ lá thư" …”

(Văn Cao)

 

Tới Bắc Ninh (Kinh Bắc), chúng tôi có ghé vào thăm mấy nơi làm gốm sứ nổi tiếng từ làng Bát Tràng. Được biết, ngoài Lăng vua Lý Thái Tổ, Lăng Lý Bát Đế (của tám vị vua nhà Lý), Đền Cổ Pháp và Đền Phù Đổng Thiên Vương ra, Bắc Ninh còn là nơi nổi tiếng có nhiều ngôi Chùa cổ tráng lệ như: chùa Lim, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Yên Phụ, chùa Phật Tích.v.v… Nhìn thấy tên xã Thôn Đoài trên đường đi ngang, tôi không biết có phải đây là “thôn Đoài lại nhớ thôn Đông” không"

Nhưng tôi biết chắc một điều, Bắc Ninh là một địa danh văn hóa, mảnh đất sinh ta nhiều danh nhân uyên bác như: Thiền sư Vạn Hạnh, người đã có công giúp vua Lý Công Uẩn lên ngôi mở ra triều đại nhà Lý mà hiện nay đền Cổ Pháp và lăng Lý Bát Đế là lăng tám vị vua nhà Lý và vua Lý Thái Tổ đang được thờ phượng ở làng Đình Bảng. Quan đại thần Cao Bá Quát và cũng là nhà thơ khí phách vào triều Nguyễn, tác giả bộ sách Cao Chu Thần thi tập. Hồng Hà Đoàn Thị Điểm, vị nữ sĩ tài hoa với áng văn chương tuyệt tác “Chinh Phụ Ngâm Khúc” gồm hơn bốn trăm câu thơ song thất lục bát đã tỏa sáng giòng thi ca, văn học Việt Nam.v.v…  Không những thế, Bắc Ninh còn nổi tiếng về Quan Họ, mà người dân ở đây hầu như ai cũng thuộc lòng hoặc biết hát theo các điệu hát dành cho các vua quan triều đình thưởng thức ngày xưa. Tôi không biết hát Quan Họ nhưng cũng thích nghe nên còn nhớ vài đôi câu như:

“… Chim rừng có ba mươi sáu thứ chim, thứ chim là chim chèo bẽo, thứ chim là chim chích chòe…Trông về nơi Quan Họ có người là người trồng tre, thứ tre là tre làm nón, thứ tre là tre làm nhà. Trông về nơi Quan Họ, có người là người trồng chanh, thứ chanh là chanh ăn quả, thứ chanh là chanh gôi đầu. Trông về nơi Quan Họ, có người là người trồng dâu, thứ dâu là dâu ăn quả, thứ dâu là dâu chăn tằm, một nong tằm là năm nong kén, năm nong kén là chin nén tơ…í a, tơ tằm…”

Không biết đến ngày nay, người ta có còn tổ chức hội Lim hằng năm để trai gái các làng có dịp gặp gỡ để cùng hát đối đáp theo điệu hò quan họ trong mỗi dịp xuân về nữa hay không, chẳng biết"!

Đường trường trước mặt tôi vẫn trải dài qua bao xóm làng, ruộng nương. Đẹp sao những bông lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái trên các cánh đồng xanh, hoặc mấy thửa ruộng đã gặt rồi để lại những gốc rạ rơm quyện chặt đất bùn như đời sống nhà nông đã quyện chặt mồ hôi của sức cần lao vất vả trên đồng ruộng sình lẩy, mưa nắng bao ngày cho người người được hưởng bát cơm ngon. Tôi nhớ ngày nhỏ, mẹ tôi không cho bỏ mứa cơm. Bà bảo phải ăn cho hết, vì gạo là hạt ngọc của trời và do công lao người thợ làm ruộng từ lúc gieo hạt lúa cho tới khi trổ bông rồi mới gặt hái, chày giã, đãi lọc từ hột thóc cho thành hạt gạo là bao nhiêu công sức mồ hôi mà ta phải biết quý trọng, không thì phải tội. Tôi chẳng biết sẽ phải tội ra làm sao nhưng nghe thế, tôi sợ và thương lắm. Sợ là sợ phải tội với trời vì đó là hạt ngọc của ông ban cho, còn thương là thương bao sự vất vả của người nhà nông làm nên thóc gạo cho mình hai bữa cơm no. Thói quen đó cho tới bây giờ tôi vẫn không dám  đổ cơm gạo, dẫu không còn sợ như ngày trẻ con nhưng hiểu rằng mình không nên phí phạm, khi có bao người còn đói khổ, không cơm ăn áo mặc dẫy đầy!

Nhìn bóng người lầm lũi cúi gặt trên đồng ruộng xa, tôi lại thầm xót xa thương cảm. Cả đời họ chân lấm tay bùn để gặt hái cho đời nguồn nuôi dưỡng thêm sức khỏe và hạnh phúc, nhưng với chính sách bao cấp của nhà nước hiện giờ liệu công sức của các nhà nông đó có được đắp đổi công lao xứng đáng" Và đời sống dân nghèo trong nước hẳn có phải ai ai cũng có được ấm no với cơm gạo hằng ngày" Hỏi thế vì tôi vẫn thấy đời sống dân tình của người Việt Nam đa số vẫn còn lầm than trong cơ cực đói nghèo nhiều lắm!. Những ai sang giàu, dư tiền lắm bạc với đời sống xa hoa như các cán bộ phe Đảng có chức quyền hoặc những người biết kinh doanh thương mại trong một thị trường thả nổi luật lệ, biến chuyển quy tắc theo sức mạnh đồng tiền và thân thế như xã hội chủ nghĩa hiện nay chính là số người làm cho giá cả thị trường, đất đai và sinh hoạt đời sống càng thêm leo thang đắt đỏ. Cộng thêm tệ nạn hối lộ, tham ô đã trở thành gốc rễ bám sâu vào tim óc của từng cán bộ, đảng viên và càng buộc chặt hơn nữa vào guồng máy chính quyền đang quay cuồng thao túng và vơ vét, không cần biết đến hậu quả sẽ ra sao, cho những ai. Họ chỉ cần vinh thân phì gia cho nhanh chóng và béo bở, cần biết gì đến lợi ích chung cho xã hội cân bằng tốt đẹp.

Nên dân nghèo vẫn cứ nghèo, khổ thêm khổ. Hố sâu giữa giàu và nghèo của người dân trong nước hiện nay đã cách xa một cách nguy hiểm và thảm hại. Sự phi lý và bất công thì quá tràn đầy thành một vũng lầy khó bước để đất nước có thể cải thiện được tốt đẹp nhanh chóng hơn.  Bóng chiều đang ngả dần trên lối đi. Xe tới Phả Lại, hướng dẫn viên Long chỉ cho chúng tôi xem giòng sông đang chảy phía bên kia mang tên Lục Đầu Giang (là nơi tiếp giáp của sáu con sông gồm: sông Thái Bình, sông Kinh Môn, sông Đuống, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) chảy dài ra biển cả bao la.

Được đi qua những vùng đất mang hình ảnh, gốc gác của nhiều vị vua chúa, bậc anh hùng, danh nhân của đất nước mà từ trước đến nay chỉ nghe và biết qua văn thơ, sách vở đã cho tôi bao niềm vui say sưa và cảm động. Những danh lam đã đi vào tâm hồn tôi bằng những giòng thơ như giòng sông Đuống đã được vẽ lên từ thơ của thi sĩ Hoàng Cầm:

 

“em ơi! buồn làm chi

anh đưa em về bên kia sông Đuống

ngày xưa cát trắng phẳng lì

sông Đuống trôi đi một giòng lấp lánh

nằm nghiêng nghiêng bên kháng chiến trường kỳ…

 

…ai về bên kia sông Đuống

cho ta gửi tấm the đen

mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên

những hội hè đình đám

trên núi Thiên Thai trong chùa Bút Tháp

giữa huyện Lang Tài, gửi về may áo cho ai…

 

chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu…"!”

(Trích từ trường thi Bên Kia Sông Đuống mà nhà thơ Hoàng Cầm đã viết trong thời kỳ Nhật & Pháp đang tranh dành mảnh đất Việt Nam, Con phà trên sông Đuống lúc ấy không đưa được người về lại Bắc Giang bởi Nhật còn chiếm đóng bên kia sông quê có người vợ hiền cùng dựng vở kịch Kiều Loan năm trước).    

Sông Cầu mơ mộng và da diết với câu ca dao:

“sông Cầu nước chẩy lơ thơ

đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi…

… ra sông lại nhớ tới người

xuống sông uống nước cho nguôi tâm lòng

…yêu nhau gắn bó cùng nhau

ngày càng thêm nặng, tình sâu nghĩa đầy…”

   Sông Thương đầm ấm và tình tự biết bao:

“ai có về bên bến sông Thương

nhắn người duyên dáng tôi thương…”

Hàng thông xanh chạy dài theo dãy đồi thấp xa xa, xanh xanh giòng nước chảy từ Lục Đầu Giang như giải lụa mềm dưới bóng nắng tàn nghiêng soi, khiến lòng người du khách phương xa như tôi bỗng thấy rợp lòng êm ả. Ngắm mái chùa rêu phong cổ kính mang nét u trầm như ráng khói giữa chiều rơi thấp thoáng dưới chân đồi biếc, phảng phất trong hồn tôi cảnh đẹp như mơ của ngôi chùa Tiêu trong truyện đọc xa xưa, của chú tiểu Lan (là gái giả nam trang để được vào chùa thụ pháp quy y) và chàng thư sinh tên Ngọc. Cảnh hữu tình như giây tơ vương vấn cho hai tâm hồn gặp gỡ để rồi yêu nhau. Nhưng làm sao được khi chú tiểu Lan đã nương thân vào cửa Phật. Thật éo le nhưng trong đời thường, chuyện tình buồn mang trái đắng thương đau vẫn là những giọt lệ mầu lóng lánh nhất để làm đẹp thêm cõi văn thơ và hồn người say đắm:

“gió thông đưa kệ tan niềm tục

hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời…”

Chắc hẳn ngôi chùa Tiêu trong “Hồn Bướm Mơ Tiên” ngày xưa vẩn nằm trong trang sách cũ, như tôi đã từng đọc và yêu thích từ nhiều năm trước, nay vẫn còn in bóng rêu phong bên nương dâu xanh mướt, cổ kính trầm buồn trên lưng đồi hay chân núi Tiêu Sơn. Vẫn là âm vang của tiếng chuông thu không thả vọng trong hồn người, những tiếng ngân buồn theo nắng chiều cô tịch, mênh mang.

Ôi, những tiếng chuông chùa thánh thót hôm xưa đã cho tôi bao ước mơ đẹp đẽ về một chân trời Chân-Thiện-Mỹ, thoảng ngát hương trầm Nhân-Đạo-Nghĩa trong tình người bao dung, hôm nay sao tiếng chuông buồn chạy lan trên rặng tre kia lại trĩu nặng trong lòng tôi đến thế. Có phải vì miền quê đất Bắc vẫn hằn sâu lam lũ kiếp dân nghèo, khói lam chiều trên mái rạ nương dâu vẫn tản mạn cơ cầu với đói no lao khổ"! Biết đến bao giờ đất nước Việt Nam mới hạnh phúc đẹp giàu cho toàn dân vui hưởng, cho đồng xanh ngập mạ tươi non, cho bờ đê sóng lúa reo vui. Cho tiếng chuông chùa khỏi u trầm day dứt làm rạn vỡ không gian thành những mảnh sầu đau, cứa nát những trái tim vẫn nặng tình với đất nước yêu thương.

 

không phải mây xa

chẳng nắng gần

chiều tan hoang rụng

trắng vuông sân

những lời tôi nguyện

thời xanh tóc

một tiếng chuông rơi

khẽ động trần…

n.t.

   Bỗng dưng tôi ước ao được là sợi khói lam chiều bay thênh thang giữa chiều quê êm ả, la đà trên những cánh đồng lúa chin, mái nhà tranh nóc lá, mang theo mùi rạ thơm bốc khói bát cơm ngon để đổi lấy những nụ cười tươi vui hạnh phúc. Và để được bay cùng những cánh diều bay, bay cao mãi trong khoảng trời ấm áp tự do.

“sông Đằng lớp sóng Trần Vương

núi Lam rẽ khói mở đường nhà Lê…”

(Phan Bội Châu)

Mặt trời mỗi lúc một đi xa và khuất hẳn sau dẫy núi đồi bên kia. Nắng tắt dần khi xe bắt đầu vào điạ phận Quảng Ninh. Qua rừng núi Chí Linh, tôi dõi mắt tìm hai ngọn núi Nam Tào và Bắc Đẩu không biết nằm ở đâu trong dãy trùng điệp đó, nơi có con sông Vạn Kiếp, có đền Kiếp Bạc để tôi được thỉnh lời cầu xin với đức Hưng Đạo Vương cho dân tộc Việt Nam mà Ngài đã từng góp công giữ vững sơn hà, đem yên vui độc lập nước nhà được thạnh trị an dân, hiện giờ còn lầm than tăm tối dưới chủ nghĩa Cộng sản, sớm thoát khỏi sự hà khắc độc tài đôc đảng để người dân có được Hạnh Phúc Tự Do. Bởi những ai còn nhớ đến lời dạy của tổ tiên đều mong muốn giữ được vẻ vang vinh hiển cho tiền nhân và tiếp tục niềm tự hào cho hậu thế mai sau. Lời Hịch Tướng Sĩ của Ngài năm xưa đã làm nức lòng bao tướng sĩ giữa trận tiền, quyết giữ vững non sông đẹp màu hoa gấm để đền ơn báo nghĩa với nước nhà và khiến quân thù phải khiếp vía bỏ trùng vây thôn tính, lui mộng xâm lăng. Nay có còn để lại trong lòng người biết căm giận những ai làm tác hại cho đồng bào, đất nước" Biết nghĩ suy, cân nhắc để cùng làm điều tốt đẹp cho cơ đồ dân tộc, phát triển sự ích quốc lợi dân để ngày một mạnh giàu, tự do no ấm hơn. Lời thề xưa như còn văng vẳng đâu đây:

“… Bởi giặc Nguyên cùng ta là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc, khiến cho sau trận Bình Lỗ mà ta phải chịu tiếng xấu muôn đời, thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa…” (HTS).

Mây trắng bay là đà như cuộn sương chiều thả xuống núi rừng Chí Linh, phảng phất tựa tà áo ai bay hay là bóng dáng tiền nhân còn thấp thoáng đó đây trên mảnh đất uy thiêng. Mảnh đất đã sinh ra vị anh hùng Nguyễn Trãi với những áng văn thơ hùng tráng như Bình Ngô Đại Cáo:

 

“việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

quân điếu phạt chỉ vì khử bạo

như nước Việt ta từ trước

vốn xưng văn hiến đã lâu

sơn hà cương vực đã chia

phong tục Bắc Nam cũng khác

từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập

cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương

dẫu cường nhược có lúc khác nhau

song hào kiệt đời nào cũng có!

Mây trắng vẫn trôi trôi mải miết, tôi ngó đàn chim trên không trung đang nghiêng cánh bay trong bóng chiều. Chẳng biết chim bay về đâu thế nhỉ" Tổ ấm chim ở nơi nào mà sao chim còn bay mãi ở cuối nẻo trời xa…" Mây đen ơi, xin đừng giăng mưa làm giông bão, u ám trời, chắn lối cánh chim qua! Thốt nhiên tôi nhớ đến nhạc sĩ Văn Cao với ca khúc Đàn Chim Việt (sáng tác năm 1943 trong thời kháng chiến gian lao chống Pháp), và lòng tôi muốn hát lên khe khẽ những lời da diết ấy:

 “Về đây khi gió mùa thơm ngát, ôi lũ chim giang hồ, bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô. Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca..… Mờ mờ trong nắng ven trời, chim gieo thương nhớ, chim ngân xa .…  Hồn còn vương vấn về xưa. Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành. Thời Bắc Sơn kia, thời tung cánh. Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng, nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế. Kìa nước xa xa sông Cấm còn mịt mùng ngoài bến xuân…”.

Từ ca khúc ấy, hơn nửa thế kỷ sau, có một người, hôm nay cũng đang mang tâm trạng bồi hồi khi đi qua những vùng đất uy linh của tổ tiên trong thời dựng nước và giữ nước với tinh thần bất khuất kiên cường. Những tên tuổi chiếu sáng uy danh của tiền nhân trong trang sử Việt cùng bao trận đánh lẫy lừng đã từng làm khiếp đảm bao quân Nam Hán, Tống, Nguyên Mông và sau nữa là sự chiến đấu của toàn dân nước Việt khiến Pháp, Nhật phải bỏ mộng cai trị, xâm lăng.

Hồn tôi cũng đang ‘vương vấn về xưa” với trận đánh lẫy lừng trên sông Bạch Đằng mà ngày còn cắp sách Tiểu học tôi đã say mê, ngưỡng phục trí tài mưu lược của đại vương Ngô Quyền và Hưng Đạo Vương lắm thay (trước thế giặc đông ào ạt của quân Nam Hán năm 938, thấy khó đối chọi bằng sức nên tướng quân Ngô Quyền đã nghĩ ra một kế thần sầu là cho binh sĩ lấy cọc nhọn bằng gỗ đem bọc sắt rồi cắm ngầm dưới lòng sông rộng, khi chiến thuyền của Hoằng Tháo tiến vào Bạch Đằng giang thì thủy triều đang dâng cao, quân ta giả thua bỏ chạy. Giặc thừa thắng đuổi theo tưởng chắc phen này đại thắng, dè đâu nước rút khiến các thuyền vướng vào cọc nhọn bị đắm vỡ, không còn lối thoát để hung tàn thôn tính nước ta. Chiến thắng vẻ vang ấy đã bắt đầu nền tự chủ trên đất nước thân yêu. Hơn ba trăm năm sau, năm 1287, giặc Mông Cổ lại tràn sang đánh phá, Hưng Đạo Vương lại cho cắm cọc sắt nhọn để mai phục đường về bằng thủy bộ của giặc. Giòng sông lịch sử lại thêm một lần nhuộm máu quân Mông khiến ngoại xâm càng thêm khiếp sợ trước quần thần uy dũng của nhà Nam, đành bỏ mộng xâm lăng nước Việt). Nên tôi cũng rất tự hào mỗi khi được cùng các bạn hát vang cả lớp hoặc trong giờ chơi, sinh hoạt học đường bài hùng ca thắm thiết:

 “Đây Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung… Mây nước Thăng Long còn ghi chép rành thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh. Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân, liều mình ra tay tuốt gươm bao lần. Giòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng, từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng. Dù gió sấm sét bão bùng mưa nắng, Bạch Đằng Giang vẫn sáng để cho giòng giống soi chung!”

Dù không nhìn thấy ánh sáng của đáy sông lịch sử ấy trước mắt, nhưng tôi tin rằng giòng nước xanh mát của Bạch Đằng Giang đang uốn khúc bên kia dãy núi đồi tím biếc của Quảng Yên trên đường đi tới vịnh Hạ Long vẫn chảy sâu dưới lòng đất tôi đang đi qua, những mạch nước trong lành đã đắp bồi cho trang sử Việt thêm hùng tráng oai danh và ruộng đồng đất Việt thêm xanh tươi mầu mỡ đẹp từ những ngày tổ tiên cố công xây đắp cơ đồ, mở mang bờ cõi gấm hoa. Nhưng hơn nửa thế kỷ qua, dưới chủ thuyết xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản cầm quyền, anh linh các đấng vua Lê, Lý, Trần… được thờ phụng trên dãy non tiên, hồn còn vương vấn trên núi đồi Yên Tử kia chắc rất đau lòng, xót xa trước vận nước sao còn mãi nghiêng ngửa điêu linh, muôn dân sao mãi còn thống khổ kiếp lầm than. Sao con cháu đã không gìn giữ, mở mang được đất nước như các vị tiền nhân thời dựng nước mà nay còn cắt đất chia biển dâng bán, làm rách nát phí phạm cơ đồ. Làm sao không thể đau lòng, bởi tổ tiên ta đã:

 “tài anh kiệt, nối đời sinh

phá Nguyên mấy lớp, đánh Minh mấy lần.

mở mang Chân Lạp, Xiêm Thành

trời Nam lừng lẫy, giòng thần ở Nam”

Giang sơn ấy, tổ tiên chỉ mong con cháu biết đến công lao của người xưa để gắng giữ gìn phát triển tốt đẹp, tạo ấm no hạnh phúc cho toàn dân vui hưởng thái bình - tự do.  Thế mà nay, những người cộng sản Bắc Việt cảng lúc càng thắt chặt guồng máy độc đảng độc tài cùng với chính sách khắc nghiệt và lạc hậu đã làm cho:

“giang sơn thẹn với đất trời

đá kia cũng nát, sông kia cũng nhàu!”

--- (Phan Bội Châu)

    Hồn tiên tổ nếu còn phảng phất, hẳn phải đớn đau khôn xiết khi nhìn thấy mảnh cơ đồ nhuộm đỏ tang thương, cháu con của dân tộc phải chia lìa tan tác, nay vẫn sống nghèo hèn lạc hậu so với thế giới ngày càng phát triển văn minh như lời của nhà ái quốc Phan Bội Châu thuở trước:

“nghĩ nông nỗi càng thương sông núi

giọt châu sa chin suối chảy ròng ròng!”

Đi qua dẫy đồi núi Đông Triều, cảnh ruộng đồng non nước trước mắt tôi đang trải dài xanh biếc, vẫn đẹp tươi dậy tràn sức sống của thiên nhiên. Bây giờ tôi mới hiểu những gì đang thức dậy trong hồn tôi, đó là tình yêu thương đất nước quê hương mình mà chúng ta ai cũng có một trái tim chan chứa tình này. Mà càng yêu quê hương, chúng ta lại càng mong muốn cho đất nước mãi xinh tươi, giàu đẹp thịnh cường. Bởi thế dẫu lòng ai có chí thiện tới đâu cũng khó thấy nguôi căm giận trước những kẻ đã gây khổ đau cho dân tôc chịu nhiều thua thiệt, biến đất nước thành xã hội nhiễu nhương u tối, dân tình khắc khoải lầm than. Nên đã ba mươi năm rồi, bao người Việt Nam ở hải ngoại vẫn phải nuôi chí hờn căm để thắp sáng niềm tin yêu chính nghĩa, quyết giữ vững đường lối đấu tranh chống cộng, đòi hỏi công bằng cho tự do tôn giáo, nhân quyền đang bị bức bách chà đạp ở quê nhà. Để sớm giải thể chế độ đảng quyền ngày càng thao túng tạo bao điều bất hạnh cho người dân khốn khổ, bất chấp tệ nạn đau thương dẫy đầy trước xa hoa phù phiếm mà họ đang cố giả tạo sự mạnh giàu tiến triển để đắp điếm và dễ bề vơ vét, lợi dụng chức quyền tuổi đảng để thụ hưởng vinh thân, xiết chặt tiếng nói của tự do dân chủ và đã làm trì trệ cản trở bước tiến của dân tộc quá lâu. 

Để mai này, có ai về thăm lại miền quê đất Bắc như tôi hôm nay sẽ bớt thấy xa xót ngậm ngùi. Vì lòng tôi đang nao nao cám cảnh như nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã tỏ bày trong Hải Ngoại Huyết Thư với khí khái cảm hoài khi nhìn về non nước:

 “bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn

khói tuôn khí uất, sông cuồn trận đau”

Và bên tai tôi đâu đây dường như có tiếng trống dập dồn của Hội Nghị Diên Hồng năm xưa thúc lên từng hồi gióng giả uy nghiêm lồng lộng, vang rền trên khắp núi sông làng mạc xa xôi:

 “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng biên thùy rung chuyển, tuôn dài Non Sông, rền vang tiếng vó câu, gây oán nghìn thu… Kìa vừng hồng tràn lan trên đỉnh núi. Ôi Thăng Long khói kinh kỳ phơi phới. Loa vang vang Chiếu vang truyền bốn phương, theo gió bay khắp miền Sông Núi réo đòi. Lòng dân Lạc Hồng nhìn Non Nước yêu quê hương, Giống anh hùng nâng cao chí lớn. Giống anh hùng nuôi sức tráng cường…. Đường còn dài hờn vướng trên quan tái, Ta xa trông áng mây đầu non Đoài…”.

Khúc ca lịch sử đã in đậm trong hồn tôi giờ cũng bật lên âm vang một cách mạnh mẽ, làm lòng tôi tựa cánh chim chao đi khi nhìn cảnh sắc trời mây đang hòa nhập vào trùng điệp núi non xa:: 

 “…Ôi Sông Núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la. Trước nhục Nước nên hòa hay chiến" Quyết chiến! Quyết chiến luôn cứu nước nhà, nối chí dân hùng anh. Thế Nước yếu lấy gì lo chiến chinh" Hy Sinh! Thề liều thân cho Sông Núi muôn năm lừng uy!”.

 Bóng Chiều Trên Vịnh Hạ Long

Trời đã thật sự về chiều trên đoạn đường đi qua huyện Đông Triều, Uông Bí. Nơi này có mỏ than khá lớn nên dân cư có vẻ trù phú bằng nghề làm than và gốm. Mặc dù đất sét bùn đen và bụi than từ các mỏ bám vào lấm lem nhà cửa và các dẫy phố bên đường. Nhưng lạ một điều là trên các con đường, phố chợ đen màu than bụi mà lại nổi bật những khuôn mặt trắng hồng của các cô gái, học sinh đang từng đàn đạp xe tôi thấy lúc tan trường về.

Xe tiến dần vào Bãi Cháy, Hòn Gai. Hơi lạnh từ biển gây nên cảm giác mát mẻ dễ chịu. Cảnh sắc phơi bày trước mắt mỗi lúc càng thêm rõ đường tuyệt bích. Đất này còn có Cảng Cửa Ông tức bến cảng Cửa Suốt ngày xưa, nơi có đền thờ Tướng công Trần Quốc Tảng (là con thứ ba của Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một võ tướng có nhiều công đức đánh đuổi quân xâm lăng để giữ yên đất nước. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ với tâm lòng yêu nước yêu dân của một thi nhân tài đức, nhân từ).

Mặt trời càng ngả về phương Tây thì càng đỏ rực trước khi khuất dần vào chân mây. Không ngờ tôi được ngắm mặt trời đỏ rực to tròn in bóng xuống bãi bể vịnh Hạ Long, đẹp tuyệt vời. Màn trời mang ráng hồng pha sắc tía chiếu lên non xanh núi biếc bao la và mặt nước nhấp nhô làn sóng bạc, mênh mông. Hạ Long đẹp quá, lời trầm trồ của tôi không đủ nói lên niềm vui sướng khi nhìn thấy giang sơn cẩm tú của đất nước Việt Nam mình thanh lịch như tranh vẽ kia.

Được biết theo truyền thuyết nhân gian, ngày xưa, trong thời kỳ đất nước bị quấy phá bởi ngoại xâm, có một đàn Rồng từ trời sa xuống cửa biển này để giúp triều đình đánh đuổi kẻ thù ra khỏi cõi bờ, nên từ đó vùng đất này được gọi là Hạ Long. Đây là một kỳ quan tuyệt bích của Việt Nam với hơn ngàn hòn đảo đá lớn, nhỏ, moc nhô lên giữa lòng biển rộng, với đủ kiểu hình dáng được tạo thành từ đá vôi và phiến thạch. Vừa nên thơ, vừa hùng vĩ kỳ cùng.

 Ngoài phong cảnh đẹp hữu tình, Hạ Long còn có một sự kiện lịch sử nữa là: Chính quyền Pháp sau nhiều năm đô hộ đã thỏa thuận trao trả nền độc lập cho quốc gia Việt Nam. Trước khi ký thỏa ước chính thức vào năm 1949 tại điện Élysée, vịToàn Quyền Đông Dương Pháp là Thống Đốc Boloear đã ký kết hiệp ước này với vua Bảo Đại trong bản Liên Hiệp Pháp tại Vịnh Hạ Long (1946). Từ đó lá cờ vàng ba sọc đỏ biểu tượng cho ba miền (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) thống nhất thành một đất nước Việt Nam độc lập đã tung bay trên toàn lãnh thổ quê hương.   Mặc dù mới đến đây lần đầu, nhưng tôi cũng đã từng khát khao nhìn về quê hương đất nước như những lời đã trải qua giòng thơ nhỏ ngày nào:

 “miền Bắc có vùng tên Hạ Long

bạt ngàn đá núi giữa muôn trùng

Rồng mà hiện xuống Tiên cùng hiện

Non Nước tôi ơi đẹp lạ lùng”

n.t.

Đất nước Việt Nam với truyền thuyết là giòng giống của Rồng Tiên, ngày xưa Rồng đã hiện xuống như một phép màu từ trời để cứu dân Việt thoát khỏi giặc xâm lăng, vậy ngày nay các vị Tiên ở đâu sao không hiện thêm lần nữa để giúp quê hương này thoát khỏi xiềng xích thống trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, mới mong đất nước sớm được phục hồi tự do dân chủ cho toàn dân vui hưởng được hạnh phúc ấm no thật sự. Ba mươi năm trước (1975) khi nghe câu khẩu hiệu: “Tiến nhanh tiến mạnh đến xã hội chủ nghĩa”, tôi thật sự không hiểu và cũng không tin xã hội chủ nghĩa đó có thể làm được điều gì tốt đẹp cho đời sống người dân, đất nước. Ba mươi năm sau, sự thực trước mắt đã cho thấy rõ một điều: Đảng thúc đẩy đất nước tiến nhanh tiến mạnh đến xã hội chủ nghĩa bao nhiêu thì đời sống dân chúng càng lầm than khốn khó, thế hệ tương lai càng mịt mù bởi bao tệ trạng diễn tiến xung quanh như tấm gương bị nhiều vết bôi bẩn của khó nghèo, ngu dốt, trộm cắp, đĩ điếm chập chồng với tham ô, bóc lột.v.v… thì làm sao còn trong sáng để tiến nhanh đến chỗ dân giàu nước mạnh, xã hội kịp tiến hóa văn minh với trào lưu thế giới ngày một nâng cao. Thật quá đau lòng! 

Từ Hà Nội đến Hạ Long khoảng ba tiếng lái xe dọc theo quốc lộ 18 (Vịnh Hạ Long cách thành phố Hà Nội khoảng 165 cây số về hướng Đông Bắc, thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Nhưng vì chúng tôi ghé thăm vài địa điểm dọc đường đi nên mất gần sáu tiếng mới đến nơi. Lúc ấy, mặt trời đang từ từ rơi chậm xuống non ngàn để về soi bóng với trùng khơi, khép lại ngày để mở cửa hoàng hôn trong ánh chiều vàng rực rỡ.  Trước cảnh sắc thiên nhiên và thời khắc tuyệt diệu của đất trời như thế, tâm hồn tôi đã được mở ra hết cỡ để đón lấy bao vẻ đẹp tình tứ và lộng lẫy trước mắt.

Tới khách sạn Hải Vân được uống một ly nước dưa hấu ép ngọt thơm, tôi tỉnh cả người vì đúng mùi vị trái cây mình ưa thích. Và càng thú vị hơn, khi tôi được ở căn phòng thanh nhã trên tầng cao có vị trí ngó được ba mặt ra hướng biển phía trước, con đường phố dập dìu xe cô lẫn khách ngược xuôi bên tay phải và cánh rừng nhỏ nằm dưới chân đồi sau lưng (vị trí khách sạn nằm bên sườn đồi thoải thoải của Bãi Cháy, đối diện với Hòn Gai, chéo qua sông Cửa Lục). Việc trước tiên là tôi kéo tất cả màn cửa sổ để toàn cảnh ở góc độ ba phiá tam giác của rừng và biển hiện lên thành bức tranh cho tôi mặc sức nhìn ngắm thỏa thuê. Sau khi ăn tối với những món ngon đặc sản của miền biển ở một nhà hàng cách khách sạn chúng tôi ở chừng mười phút lái xe, lượt về chúng tôi đi bộ để được thong thả tấp vào những hàng quán trưng bày quà lưu niệm dọc theo bãi biển ven đường.

Đêm đầu tiên ở biển có gió thật đầy, nhưng chỉ đủ khua vang tiếng sóng biển vỗ vào bờ nghe rào rạt thiết tha chứ không đủ làm lạnh lẽo se da giữa tiết trời lập đông (vì chắc tôi đã quen với khí hậu lạnh ở Mỹ). Nên chúng tôi không thèm đón taxi về như lời đề nghị của Long nếu thấy mỏi chân. Tôi thích đi lang thang dọc theo vỉa hè tràn đầy ánh sáng và người người đông vui như buổi tối hôm nay, giữa một nơi xa lạ mà khách du lịch và dân địa phương không hề quen biết, chỉ biết mời mọc nhau bằng những tiếng chào cười. Đi dạo tàng tàng như thế này cũng đủ làm cho tôi vui, vì cứ đi là đi (không sợ lạc vì biết đi thẳng một đường là chúng tôi cũng về tới khách sạn), tận hưởng được những phút giây hiện tại chung quanh, mắt nhìn người qua lại đông vui, tai nghe tiếng sóng biển rì rào, được ghé các cửa hàng để xem biết bao những món quà thổ sản, thủ công lưu niệm xinh xinh, chân dẫm lên bờ cát biển mịn màng để hồn được mở ngỏ thênh thang với bao kỷ niệm từ ký ức tràn về cùng bao điều nghĩ suy mới mẻ vừa chợt đến.

Vừa đi tôi vừa ngắm ánh trăng sao trên bầu trời biển đêm có gió thổi lồng lộng làm tóc tôi rối bay như hàng lá chạm lao xao, lòng ngây ngất say vui như ánh đèn mầu đang tỏa chiếu lấp lánh qua những hàng cây cao, vời vợi! Bởi lòng tôi đang ăm ắp nghĩ về môt phương xa, mà nơi chốn đó đủ làm lòng tôi ấm áp biết bao dù hiện giờ đang rất xa xôi…

Tôi đã dặn lòng là dạo chơi cho biết, đừng mua sắm gì thêm nữa những quà lưu niệm bằng gỗ, đá làm chi cho mệt. Vậy mà, thấy những người giờ này còn phải ngồi giữa sương khuya gió lạnh để bán hàng, tôi lại muốn mua dùm mỗi người một món nhỏ cho vui, dẫu sao cũng tối khuya rồi, ai cũng mong bán thêm được vài món hàng để về sớm, biết đâu họ sẽ có chút tiền mua thêm tấm bánh đồng quà cho những con trẻ ở nhà đang mong đợi mẹ, chị về chăng. Cứ thế, một hồi sau, hai tay tôi đã có thêm cái giỏ quà khá nặng và lòng cũng thấy thêm… vui.

Tiếng nhạc trong các quán cà phê bên kia đường chợt làm tôi dừng lại, không phải là những ca khúc mới của các nhạc sĩ trong nước mà toàn là tình khúc nhạc vàng quen thuộc trước đây đã bị ‘nhà nước cộng sản’ cấm sau 1975. Tôi nhớ lúc mới cưỡng chiếm được miền Nam Tự Do, các ông Đảng viên nhà nước hăng say với cuộc cách mạng “đổi mới” đất nước. Tự dưng, họ đòi đổi tất cả chữ y dài thành i ngắn, sau thấy không thể làm cách mạng chữ nghĩa như thế được vì nếu thế tên của tôi là thủy sẽ trở thành thủi là nghĩa thế nào ("). Họ còn ra lịnh cho các học sinh, cô giáo, nhân viên công sở phải bỏ áo dài (dù áo dài là quốc phục Việt Nam, nhưng miền Bắc với bấy nhiêu năm họ lãnh đạo, làm gì còn được mặc áo dài như xưa) để mặc áo ngắn đi học đi dạy đi làm. Thế là mất biến cái hình ảnh tha thướt tà áo trắng bay bay của các cô nữ sinh, tà áo dài mầu duyên dáng của các cô giáo, nhân viên công sở, thường lả lướt trên đường phố. Vào trường lớp thì cô giáo cũng như học trò, quần đen áo ngắn như nhau nhiều khi khó mà phân biệt, chả còn nét đẹp xinh trang trọng của y phục chút nào. Rồi họ cấm cửa Nha Sổ Số Kiến Thiết Quốc Gia, trường đua Phú Thọ và lên án mấy nơi đó hoạt động để bóc lột nhân dân. Không đầy hai ba năm sau, họ cho phép, không những một lần một tuần sổ số và chỉ có một nơi như Nha Kiến Thiết trước đây mà là hàng chục thành phố bán vé số. Nào là vé số Đồng Nai, vé số Long An, vé số Sông Bé.v.v…

Dân chúng thì quá nghèo sau mấy lần bị đổi tiền, công ăn việc làm khó khăn, đời sống kinh tế suy giảm đâm ra khủng hoảng, chỉ còn biết níu lấy niềm hy vọng ở ông Thần tài vé số. Nên nhà nước cộng sản thi nhau bán, dân nghèo đua nhau mua. Cứ đến hai ba giờ chiều là các quầy bán vé số, người người bu đen lại như kiến. Huyện đề thì nhan nhãn công khai, có ai bắt bớ gì đâu, vì phải để người ta hy vọng thì mới chịu nhẫn nhục sống yên, không thì “nổi loạn” làm sao.  Cái án “bóc lột” ngày xưa thì đổ cho Việt Nam Cộng Hòa, còn bây giờ là  “Cách Mạng”, khác rồi.

Nhắc đến vụ đổi tiền thì thật kinh sợ, tôi chẳng còn nhớ rõ vào những năm nào, nhưng nhớ là các ông đem loa phóng thanh hết phố phường ngõ hẹp, vừa đe dọa vừa kêu gọi đồng bào cứ yên tâm, đừng nên đem tẩu tán tiền bạc vì chính sách nhà nước chỉ muốn thống nhất tiền tệ, ai có bao nhiêu sẽ đổi hết được bấy nhiêu. Vì thế, tuy sợ nhưng mọi người vẫn cố phải tin (cố tin để mà sống dưới xã hội chủ nghĩa, không thì chết vi thua thiệt mất mát, tức giận, đau buồn, uất ức vì bị phỉnh phờ lừa gạt), có bao nhiêu tiền gom góp dành dụm để lo toan trong buổi giao thời khốn khó, vội vơ vét hết đem nôp cho phường khóm. Hỡi ơi, sau khi thời hạn nộp tiền chấm dứt, dù ai có bạc triệu, trăm ngàn cũng chỉ được phát đúng hai trăm đồng ‘Bác Hồ” như những công dân khác, Thế là giàu nghèo trong xã hội đã được nhà nước cân bằng hộ, tài sản ai cũng đồng đều hai trăm đồng giấy đó mà thôi. Lời trấn an, kêu gọi đồng bào của nhà nước vừa rồi là để  “dỗ ngọt” dân cho qua.

Chuyện xảy ra xong rồi, dù có bất bình đau khổ vì bị mất hết vốn liếng hoặc sạt nghiệp, có ai dám phản đối đâu, mặc dù có vài người tự tự vì cùng quẫn nhưng cũng chẳng thay đổi gì được" Qua vụ đổi tiền đến đánh tư sản, đổi tờ “hộ khẩu” lại đến chuyện “tập trung cải tạo”. Loa phóng thanh cũng đến từng nhà kêu gọi: các sĩ quan chế độ cũ hãy mạnh dạn ra trình diện chính quyền, chỉ đi “học tập cải tạo tư tưởng” bẩy ngày thôi, sau đó sẽ được trở về với đời sống “cách mạng” vì nhà nước lúc nào cũng rất khoan hồng. Qua những lời chiêu dụ như thế, những người đi có ngờ đâu vào chỗ đoạn trường gian nan khắc nghiệt, một số người đi chẳng bao giờ có thể trở về được, số còn lại thân tâm hứng chịu muôn vàn khổ nhục từ bọn người độc ác đối xử quá đê tiện, hèn hạ và dã man hết mức trong các trại tù giam. Dân miền Nam đã bị nhà nước Cộng sản đẩy sâu vào các hoàn cảnh khốn cùng, đau khổ vì họ chấp chiếm lòng hận thù dã tâm, nên làn sóng người phải ào ạt rời bỏ đất nước ra đi, chịu bao cảnh chia lìa, nguy hiểm với sống chết trên đường vượt biên, ngoài biển khơi, hải tặc.v.v… mỗi ngày một đông, xẩy thêm nhiều cảnh ly tán tang thương, đau khổ chất chồng….

Những ca khúc tiền chiến hoặc các nhac phẩm được phát hành và phổ biến trước năm 1975 trong miền Nam nào có tội tình gì cũng bị cấm đoán, nhưng rồi cũng không sao cấm được khi người miền Bắc đã được nghe, thấy hay rồi thấy thích. Không ai ngăn cấm và bôi xóa nổi những nét đẹp mỹ miều, giòng thơ văn nhạc tình tự của quê hương. Như những năm sau này, tà áo dài duyên dáng đã nhiều năm thiếu vắng sau cuộc “cách mạnh đổi đời 1975”, nay đã được khoác lên dáng dấp học trò và người phụ nữ Việt Nam như xưa, nhờ thế mà thành phố và trường lớp mới có lại hình ảnh đáng yêu xinh đẹp, thướt tha ấy.

Thật ra, còn biết bao điều tệ hại qua sự sai lầm của chính sách Đảng cầm quyền mà cho tới nay vẫn chưa được thay đổi để hàn gắn lại vết thương đau dân tộc, xây dựng quê hương phát triển thịnh cường hữu hiệu hơn.

   Gió biển về khuya càng thêm lồng lộng, một em bé mặc tấm áo có vẻ mong manh trước cái lạnh đêm về. Em mời tôi mua mấy chiếc kẹp tóc làm bằng đồi mồi và những cái ví thêu nho nhỏ hình vịnh Hạ Long xinh xinh. Tôi hỏi em, không thấy lạnh sao" Em không trả lời thẳng câu hỏi của tôi mà chỉ đáp ngập ngừng: “Cháu… đi bán từ chiều”. Tự dưng tôi muốn bắt chuyện: “Cháu đi học buổi sáng à"”. Em lại ngập ngừng, trả lời một câu ngoài mong đợi của tôi: “Cháu học lớp Năm… nhưng bây giờ cháu không đi học nữa”. Tôi ngạc nhiên, hỏi lại: “Sao vậy"”. Em vẫn nhìn tôi, thản nhiên nói: “Cháu lớn rồi, phải nghỉ học để đi bán kiếm tiền phụ với mẹ chứ”. Tôi thầm nghĩ, thế có nghĩa là em không có bố ư" Vì em chỉ nói đến mẹ thôi. Nhưng tôi không muốn hỏi rõ em điều này, tôi chỉ hỏi:”Cháu bao nhiêu tuổi hở"”. Lần này em nhoẻn cười, nụ cười hồn nhiên của một đứa trẻ thơ ngây: “Cháu mười hai tuổi”. Chao ơi, em mười hai tuổi mà đã phải đóng vai một người lớn để đi bán rong mỗi chiều tối phụ mẹ nuôi em. Trong khi con bé Thủy Tiên của tôi cùng bao đứa trẻ cùng trang lứa đang có cuộc sống êm đềm, học hành sung sướng ở xứ văn minh. Làm sao hiểu được thân phận nhọc nhằn, phải lo toan trước tuổi để kiếm sống như em bé này. Tôi nhìn em, lòng thương cảm xót xa, nhưng thật tình thấy mình bất lực. Biết làm gì được cho em, hoàn cảnh em đâu phải hiếm hoi, mà có rất nhiều ở chung quanh đâu đó. Dẫu sao, em còn may mắn sống bên cạnh mẹ, buôn bán nuôi nhau, trong khi có nhiều em bé bất hạnh khác, rơi vào tay bọn buôn người nhẫn tâm, bán các em vào những hang động mãi dâm tồi tệ. Tôi cúi xuống, lựa mấy chiếc kẹp nhỏ để che tiếng thở dài. Cầm hai chiếc kẹp lên tôi hỏi em bao nhiêu" Em bảo hai mươi ngàn. Tôi đưa em tờ giấy môt trăm ngàn VN và một chiếc kẹp để tặng cho em cặp tóc, nói em khỏi thối tiền lại rồi cười từ giã em: “cô thích kẹp tóc lắm, cô sẽ nhớ tới cháu khi kẹp chiếc kẹp này đó”.  Quay lưng đi mà tôi có cảm tưởng như ánh mắt buồn buồn của em bé gái ấy còn nhìn theo làm bước chân tôi như nặng nề thêm. Em ơi, những chiếc kẹp xinh mà em đem bán cho người, sao chẳng được cài lên những mái tóc xanh trẻ như em, tuổi thích kẹp tóc và vui đùa trong lớp học, sân chơi…

Mênh mông giòng  Lục Thủy

Về tới khách sạn đã hơn mười giờ đêm, nhưng bến phà trước mặt vẫn sáng lóa ánh đèn. Nhìn sang chiếc cầu nổi nối liền bờ đất bên này sang phía đảo bên kia, đi suốt qua Cẩm Phả, bến Vân Đồn (cũng là một danh trấn với trận thủy chiến kỳ công của anh hùng

Trần Khánh Giư đã đánh bại quân Nguyên phải tan mộng. lui hàng), còn sáng rực dây đèn trên thành cầu, lấp lánh dưới trời đêm. Giòng nước xa xa nơi cửa bể Lục Thủy đó giờ đang ấm, lạnh ra sao nhỉ" Nước có băng ngàn ra biển khơi ngoài Đông Hải xin hãy mang hộ chút niềm nhung nhớ của tôi đang muốn vượt muôn trùng để tới giấc mơ ai… với bao điều thao thức như tiếng sóng vỗ thầm thì đang kể chuyện với sao trời, đá núi… mênh mông!

Lặng lẽ trong ánh sáng mờ mờ của căn phòng ấm áp, tôi bắc ghế ngồi bên cửa sổ ngó thẳng ra trùng khơi dẫu mặt bể đại dương kia đang chìm vào bóng tối bao la. Vài đốm sáng của những con tàu đang trôi đi về đâu, chẳng biết" Như tôi chẳng chút nào buồn ngủ đêm nay, chỉ muốn ngồi ngắm biển hoài cho tới sáng để sống với những thao thức trong lòng, đang mênh mang như giòng nước chảy ngoài khơi đó. Dưới lòng đường, một đôi trai gái đang chở nhau trên chiếc xe đạp, chầm chậm đi qua. Một vòng tay ôm, hai nụ cười cùng nở trên khuôn mặt trẻ trung. Tôi không nghe được tiếng nói cười của họ, nhưng hình ảnh âu yếm của đôi tình nhân ấy chợt làm thơ mộng con đường họ đang đi. Ánh trăng như chiếc lưỡi liềm treo nghiêng trên bầu trời khuya bổng lơ lửng treo vào hồn tôi màu sáng xanh rất dịu dàng, thanh thoát. Tôi thèm được đốt nến có mùi thơm của hoa cỏ để không gian này lung linh, thơm ngát hơn. Và tôi rất muốn nguyện cầu cho những đôi tình nhân yêu thương nhau đậm đà, nồng ấm hơn. Bởi hình ảnh họ luôn làm đẹp cho bất cứ nơi nào có tình yêu hiện diện. Như họ đang làm đẹp thêm những ý nghĩ của tôi lúc này. Cảm ơn nhé, những đôi tình nhân thắm thiết, những con đường dài có ánh trăng soi…

 

Quá nửa đêm, tôi cũng rơi vào giấc ngủ ngon lành sau một ngày dài từ Sàigòn ra Hà Nội, tới Hạ Long, cùng bao điều đã thấy, đã gặp, đã nghe. Một ngày không những dài bằng lộ trình cây số mà còn dài cả bao năm tháng ước mơ trong đời của tôi, đó là được đặt chân đến một phần đất quê hương yêu dấu, có dấu tích những trang lịch sử thăng trầm, uy dũng của đất nước Tổ Tiên!

Sáu giờ rưởi sáng, nghe chuông báo thức nhắc dưới phòng tiếp tân mà tôi không thể nào dậy ngay được (quen ngủ muộn mất rồi). Nên tôi bỏ luôn bữa ăn điểm tâm để có chút giờ ra lan can ngắm mặt trời lên ngoài biển rộng. Sáng nay khí hậu tốt nên mặt biển xanh êm và bầu trời cao cũng trong vắt màu da trời. Mặt trời mầu đỏ cam đã nhô cao khỏi đỉnh núi, chiếu ánh sáng chan hòa xuống khắp nơi. Biển trời mây nước đều xanh lơ, dịu dàng. Dẫy núi xanh biếc ngời lên trong nắng ấm ban mai. Giòng người và xe cộ dưới lòng đường và bên bến phà đã tấp nập tự bao giờ. Riêng cánh rừng sau lưng với hàng cây vươn cao khoẻ khoắn sau một đêm dài im ngủ, lay lay khẽ những nhánh lá dài còn đọng lớp sương chưa muốn tan theo nắng sớm. Đất nâu mềm trên lưng chừng đồi đang đón đàn chim sẻ bay về uống giọt sương mai, nhặt hạt cây vừa rụng xuống hồi đêm, lấy sức chào mừng ngày bằng tiếng hót liu lo gây âm vang rộn ràng, thánh thót. Trời sáng tỏ, nên tôi được dịp ngắm sinh hoạt của giới lao động thợ thuyền phía bên kia đường. Đằng trước là mặt tiền dẫy phố mà ban đêm lộng lẫy đèn màu, nhưng phía sau ban ngày là hàng quán đơn sơ nghèo nàn bằng những chiếc lều hoặc chõng tre bày bán cà phê, phở, cháo… Người ta chào hỏi, gọi nhau ơi ới. Họ ngồi chồm hổm để uống cà phê hoặc bưng bát phở mà húp ngon lành. Hoạt cảnh này đã lâu lắm rồi tôi không được nhìn thấy, bây giờ mới được thấy lại mà thương cho kiếp nghèo của những người gánh bưng, phu xe, thợ thuyền ở quê mình. Còn nghèo nàn khổ cực quá đi thôi!

Chuyến tham quan này chỉ có năm người nên không đến nỗi bị hối thúc gấp gáp. Hơn tám giờ xe mới chuẩn bị đi Tuần Châu. Long hỏi tôi, cô không ăn sáng à" Tôi lắc đầu, cho biết vì mê ngắm cảnh đẹp bình minh trên biền nước nên chẳng cần ăn. Nghe vậy, Long sốt sắng chạy trở lên lầu hai lấy vài cái bánh bỏ vào túi và một ly cà phê nóng mang xuống cho tôi. Tôi rất vui vì chuyến đi này có một cậu em hướng dẫn lanh lợi vả dễ thương như vậy. Bốn người bạn đồng hành với tôi cũng rất ân cẩn lịch sự nên tôi hoàn toàn cảm thấy vui vẻ thoải mái.

Tuần Châu là một hòn đảo cách Bãi Cháy khoảng mười lăm phút lái xe, chảy từ Cửa Lục qua cửa Bạch Đằng rồi tuôn về Hà Nội. Hòn đảo xanh ngời lên dưới ánh mặt trời đang nhẹ nhếch môi cười, trông e ấp thực là xinh đẹp. Khi xe chúng tôi chạy qua chiếc cầu dài để vào đảo, gió từ lòng nước thổi ùa lên, lạnh đến ngất ngây. Hòn đảo đất này không rộng lớn lắm nhưng có một vị thế thuận lợi và xinh đẹp với bãi tắm êm đềm trên bờ cát trắng mịn dưới hàng dừa xanh bát ngát vây quanh. Gọi là khu du lịch quốc tế nhưng vẫn còn  đơn sơ nhỏ bé, vì những công trình còn nằm trong dự án kế hoạch xây dựng chưa xong, 

 

Tôi xách giầy trên tay, đi chân đất dạo dọc theo ven biển, hít thở không khí trong lành, ngắm cảnh trời mây nước xanh trôi thấy lòng êm ả bình yên. Những người bạn đồng hành, Mr. Kau và Anderson đều mang theo máy hình, đã chụp cho tôi mấy tấm hinh kỷ niệm với cảnh thơ mộng này. Nước ấm làm mát cả đôi chân khiến tôi cứ đi tới hoài để vọc cát và nước, trong khi mấy người bạn kia đã rẽ qua vườn cây cảnh, xem mấy chuồng voi, khỉ ở khúc trên từ lúc nào tôi không để ý. Tới khi Long đi tìm tôi, chạy nhanh lại gọi ơi ới: “Cô ơi cô, đến giờ vào xem nhạc nước rồi đấy”. Tôi mới giật mình, thấy đã đi tới bờ cát vắng vẻ hồi nào không biết, hóa ra ở đây chỉ còn có mỗi một mình tôi. Giòng suy tư hay mơ mộng nào đã dắt tôi đi xa thế nhỉ. Long bảo: “Cô có vẻ thích biển quá hả" Mấy người kia thì thích đi chụp hình ở vườn hoa kia thôi”. Tôi cười: “Cô mê biển từ ngày nhỏ xíu ở Nha Trang, hồi đó cô mới chừng bốn năm tuổi thôi nhưng ngày nào cũng đòi ra biển chơi để được ngắm trời cao biển rộng có những con tầu chạy ngoài khơi, thích lắm”. Hai cô cháu vừa rảo bước vừa nói chuyện trên trời dưới đất. Hôm nay ngày thường nên Tuần Châu vắng khách, xuất xem Nhạc Nước, Cá Heo, Hải Cẩu và Sư Tử Biển biểu diễn tới gần trưa mới có. Vậy mà tôi cũng ngồi xem say mê đến hết vẫn chưa muốn rời.

Sau buổi ăn trưa, chúng tôi ra bến phà chuẩn bị lên tầu đi tham quan thắng cảnh Hạ Long. Con tầu đưa chúng tôi đi du ngoạn Vịnh mang tên Biển Mơ, cái tên thơ mộng như lòng tôi đang trải rộng sự nao nức được tới chân trời xa tươi đẹp.Tôi vẫn ưa thích ngồi trên mũi tầu mặc dù ở trong khoang đỡ lạnh hơn. Ở vị trí này là phải hứng gió biển thổi thốc vào người, có lúc lạnh buốt nhưng không sao, tôi chỉ việc mặc thêm áo len cho ấm. Tuy bị lạnh thấm vào người nhưng tha hồ được ngó phong cảnh đẹp của mây trời biển nước mênh mông mọc lên vô số những núi đá kỳ dị từ bốn phía trước mặt.

Cảnh đẹp thiên nhiên của đất trời đã làm tôi say mê, gió biển và núi đá càng làm tôi ngất ngây thêm. Quang cảnh này vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ và đẹp xinh quá đỗi. Tôi say sưa nhìn ngắm, lòng như mạch nước cuồn cuộn chảy trôi theo sóng biển đang cuốn phăng tôi đến từng chân núi đá đi qua. Những núi đá đã ngàn năm lặng lẽ ở chốn này, ngày đêm nghe thác nước vỗ về, đón kiếp rong rêu dệt thêu lên năm tháng đá từng thảm mầu biếc xanh, phủ che bao tàn phá phôi pha của thời gian giông bão. Dẫu có bị khuyết mòn, đá vẫn mong hoài được làm bạn với gió ngàn sương muối, hát ca cùng chim muông từ khắp nơi mỏi cánh bay về. Thân thiết cùng cỏ cây ở đâu đậu lại trên lưng dẫu không là đất bám mà rễ vẫn không chê lìa đá cứng như vôi. Như lòng người trượng phu không nao núng trước thời cuộc đổi thay, dù được dâng bạc tiền danh vọng vẫn không màng, quyết giữ vẹn một lòng trung tín cùng chính nghĩa quê hương (Phong ba bất động thiết tâm can: Gió sóng không lay chuyển được ruột gan như sắt - Đại Thần Nguyễn Trãi).

Dù có quạnh hiu, nhưng lòng đá núi vẫn chảy rộng môt tình thương yêu đến muôn bờ, trăm khúc suối sông, trao gởi niềm tâm sự hằng đêm với sao trời, trăng chiếu rọi mộng mơ. Ngàn năm núi đá vẫn vững vàng son sắt mang một tấm lòng tha thiết với biền cả bao la… (có phải vì “nước non nặng một lời thề’ như lời của thi sĩ Tản Đà, dù cho “nước đi, đi mãi không về cùng non” chăng")

Ai đi qua chốn này, có hiểu được nỗi niềm của đá núi đã trải qua bao thăng trầm biến đổi với thời gian, xin hãy vì đời mà tha thiết, rộng lòng hơn với trăm chiều cuộc sống thế nhân. 

Trăm giòng sông chẩy…

Tầu đưa chúng tôi đi qua nhiều đảo đá tuyệt vời dưới bàn tay khắc tạo của thiên nhiên kỳ diệu. Tôi như bị mê hoặc bởi những bức tranh chạm trổ bằng đá này. Sao có thể hoành tráng, tinh vi và kỳ vĩ đến thế. Thảo nào tướng công Nguyễn Trãi từng qua đây, phải thốt lời:

“kỳ quan đất dựng giữa trời cao

một vùng biếc sẫm gương lồng bóng

muôn hộc xanh om tóc mượt màu

non biển gợn trong tay vũ trụ

tim gan chẳng núng sức ba đào

trông bờ cây cỏ rờn rờn lục…”

Và các vị vua chúa thời Trần, Lê, Trịnh… đã không tiếc lời ca ngợi với bao xúc cảm dạt dào:

“sớm chơi núi mây nổi

đêm nghỉ bến trăng thanh

bổng nhiên được thú lạ

ngọn bút nẩy muôn hình…”

(Vua Trần Thánh Tông )

Chúa Trịnh Cương có họa lại bài thơ cổ của vua Lê Thánh Tông trong dịp tuần du xứ An Bang như sau:

“bể lớn mênh mông họp cả các sông lại,

núi thì lấp loáng bóng nước, nước thì lênh láng lưng trời;

cái tay an bài ra thật là thần kỳ rất mực

cái công tẩm nhuần khắp cả như là công hóa dục của trời không biết đâu mà nói cho hết được;

đời xưa có bắt giặc Nguyên ở đây

bây giờ đương mùa xuân thấy yên hoa sáng láng

đi chơi lần này đều thấy vui vẻ cả

các quan đều ca tụng bể lặng sóng trong.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.