Hôm nay,  

Đọc Một Cuốn Sách.. (*) Học Một Cuộc Chiến!

25/04/200600:00:00(Xem: 3018)

Năm 2005 vừa qua, sách "Khi Đồng Minh Tháo Chạy" của tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã đạt tới số bán kỷ lục trong một thời gian dài (kéo dài suốt hơn nửa năm 2005) do đã được phát hành đúng thời điểm 30 năm mất Miền Nam (30 tháng Tư, 1975-2005), và được đánh giá là đáp ứng thích đáng đối với câu hỏi (từ Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại nói riêng, của người Việt nói chung) luôn cần được trả lời, giải thích: Tại sao Miền Nam đã sụp đổ nhanh chóng đến như vậy" <"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Riêng với chúng tôi, tập thể những người lính, công nhân, viên chức Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) và gia đình là những đối tượng chịu tác động trực tiếp, trước nhất của giai đoạn kể trên trong suốt thời gian dài kể từ đầu thập niên 1960 (khi chính quyền, quân đội Mỹ bắt đầu tham dự trực tiếp vào tình thế Miền Nam), mà hội chứng khắc nghiệt đến nay vẫn còn di hại, tác động.. Khi Đồng Minh Tháo Chạy (cùng với The Palace Files của chung tác giả)  quả thật chưa là trả lời đầy đủ cho câu hỏi (đơn giản nhưng cực độ khắc nghiệt, cuối cùng nêu trên), dẫu tác giả thủ đắc sở học chuyên môn cao, đã nắm giữ những tư liệu tối mật (trong bang giao Việt-Mỹ) qua những chức vụ quan trọng trong chính quyền VNCH vào thời điểm quyết định trước 1975. Vẫn có một điều gì chưa được nói hết.

 

Nay, Việt Nam Cộng Hòa 10 Ngày Cuối Cùng của Trần Đông Phong cũng được đọc với tính cách, thái độ tìm hiểu cẩn trọng tương tự - Bởi Lịch Sử luôn cần được giải thích chính xác và trung trực - Do đã là một hoàn tất không thể sửa đổi, điều chỉnh mà Nỗi Đau 1975 không là của riêng ai. Hơn thế nữa, Trần Đông Phong đã viết nên cuốn sách với Tấm Lòng Người Lính QLVNCH như lời đề tặng chân thành của ông nơi trang đầu, dẫu ông chỉ là người hoạt động nơi những "mặt trận im lặng", ở hậu trường chính trị Miền Nam. 

 

Dù nhan đề chỉ giới hạn trong "Mười Ngày Cuối Cùng", nhưng cuốn sách chứa đựng nhiều dữ kiện, nguồn tài liệu, những mưu định, ẩn số chính trị, ngoại giao, quân sự chồng chéo, tác động hỗ tương - Điều nầy là nguyên do gây nên hậu quả kia. Hoặc chính nó là hệ quả của những nguyên nhân sẵn có từ trước, và tiếp tục tác động theo một chu kỳ mới với đối tượng mới -  Có khả năng giải thích đủ và đúng cuộc chiến Việt Nam mà đến bây giờ vẫn là một vấn nạn chưa thể có trả lời chung nhất đối với tất cả các phe lâm chiến. Nhưng bởi yêu cầu của bài viết (với mục tiêu là "những vấn đề quân sự"); từ quan điểm của một quân nhân, chúng tôi buộc phải giới hạn nội dung trình bày chỉ căn cứ trên những sự kiện, biến cố quân sự có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của Miền Nam, cả Việt Nam qua chọn lựa cẩn trọng bắt buộc người lính phải áp dụng như trong buổi hành quân - Huống gì đây là cuộc hành quân chung kết của "10 Ngày Cuối Cùng"

 

Trần Đông Phong đưa chúng ta đi xa hơn biến cố Tháng Tư 1975, đến tận nguồn khởi đầu bi kịch Miền Nam, với những vận động chính trị ở những nơi ngoài lãnh thổ VNCH nhưng gây nên những hệ quả quân sự quân sự tại Việt Nam... Bắt đầu từ Washington vào mùa thu năm 1974, từ Mạc Tư Khoa vào cuối năm 1974, tại Hà Nội và tại Sài Gòn cũng vào tháng 12 cùng năm. Và cuối cùng, xa hơn nữa là từ Bắc Kinh vào năm 1971.. Những sự kiện thoạt đầu kể như chẳng có dính dáng gì đến Việt Nam mà chỉ có liên hệ đến người Nga gốc Do Thái, nhưng thật sự liên quan trực tiếp với sinh mệnh của toàn dân tộc Việt chứ không riêng đối với Miền Nam. Cuốn sách cũng đưa chúng ta vào thời điểm cuối cùng của Miền <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam. 

 

Tại Sài Gòn, từ những ngày đầu tháng 4, 1975 Cựu Bộ Trưởng Thông Tin Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã nay giữ chức vụ cố vấn riêng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã có mặt tại Singapore theo lời mời của Thủ Tướng Lý Quang Diệu. Cá nhân cố vấn Nhã rất ái mộ nhà lãnh đạo họ Lý bởi vị nầy đã thành công trong quá trình cai trị (dẫu bị phê phán là độc tài, độc đảng theo thói tục của chính giới Tây Phương) bằng việc thực hiện cho người dân Singapore những điều mà chế độ cộng sản hứa hẹn "sẽ có nơi địa đàng trần thế. Thủ Tướng Lý vào thẳng vấn đề: "Đừng để mất thì  giờ vô ích, tôi mời ông tới đây bởi kết thúc (ở Việt Nam) sắp xẩy đến. Rockefeller vừa hỏi ý kiến tôi cũng như những vị lãnh đạo Á Châu khác, liệu chúng ta có cách gì để đưa ông Thiệu ra đi hay không."

 

Hóa ra chuyến viếng thăm không chính thức các nước Đông- Nam Á của Phó Tổng Thống Mỹ Rockefeller nhân dịp viếng lễ tang người lãnh đạo cuối cùng của thế hệ Thế Chiến thứ Hai, Thống Chế Tưởng Giới Thạch vừa qua (5 tháng 4) là để thông báo điều: "Đã đến lúc chính phủ Mỹ cần thay người cầm quyền ở Nam Việt Nam". Thủ Tướng Lý không nói thêm điều gì khác - việc "ai" sẽ thay thế ông Thiệu là vấn đề của Sài Gòn với những người như Đại Tướng Minh, Khiêm, hoặc Cựu Phó Tổng Thống Kỳ.. Ông chỉ thúc giục cố vấn Nhã: "Hãy khẩn báo cho ông anh của ông như thế mà thôi. Riêng ông nên ở lại đây. Đừng về lại Sài Gòn, tôi sẽ lo liệu cho gia đình ông ra khỏi nước. Người Mỹ cũng đã xếp đặt sẵn một nơi cho ông Thiệu lưu trú" Không biết cuộc mạn đàm đã được thâu băng, cũng như nơi Dinh Độc Lập máy ghi âm mật (do văn phòng CIA Sàigòn gài) luôn hoạt động, Nhã thông báo liền cho Tổng Thống Thiệu nguồn tin chẳng mấy phấn khởi nầy; một phần ông cố vấn cũng đã hiểu ra thực tế: "giới quân nhân, những tư lệnh chiến trường đã không còn tin tưởng nơi ông tổng thống vốn xuất thân từ quân đội nầy nữa." Lời thông báo của Phó Tổng Thống Rockefeller không là ý kiến riêng của người lãnh đạo ở Tòa Bạch Ốc nhưng là phản ảnh thực tế về quyết định của giới lãnh đạo Mỹ đối với tình thế chính trị chung cho toàn vùng Đông- Nam Á.

 

Ngày 12 tháng 4 Nam Vang thất thủ, người lãnh đạo Sirik Matak cùng tất cả bộ trưởng của chính phủ Long Boret (chỉ trừ một người) là những nạn nhân đầu tiên của cách hành hình man rợ hơn cả thời trung cổ do đám đao phủ Kmer Đỏ hành quyết. Họ không chết do bất ngờ, vì không lường được tính ác ghê rợn của lực lượng cộng sản Khmer mà hơn ai hết, vị cố vấn chính trị của tổng thống Campuchia đã có lá thư tuyệt mệnh gởi đến Đại Sứ Dean John của Hoa Kỳ với lời lẽ khẳng quyết bi tráng như sau: "Kính gởi Ngài Đại Sứ và các Bạn... Tôi chân thành cảm ơn lá thư ngài chuyển tới với đề nghị giúp tôi phương tiện đi đến vùng tự do.. Nhưng hỡi ơi, tôi không thể bỏ đi một cách hèn hạ như thế được... Xin ngài cứ ra đi, và tôi cầu chúc ngài cùng đất nước Hoa Kỳ có được nhiều điều hạnh phúc dưới cõi trời nầy. Nếu tôi có phải chết thì cũng chết trên đất nước mà tôi vô cùng yêu quý dẫu cho đấy là điều bất hạnh, nhưng chúng ta ai chẳng sinh ra và một lần mất đi. Tôi chỉ phạm một lỗi lầm là đã tin vào ngài và tin vào những người Bạn Mỹ"  Lời báo động của người thân cận Hoàng Đức Nhã cùng tình thế bi thảm của Campuchia, lẫn thực tế tuyệt vọng của miền Nam khi phòng tuyến Phan Rang (mà cũng không bao giờ đã là một tuyến phòng thủ vững chắc được bởi đấy là một vùng đất có thể tiếp cận đến bởi bất cứ hướng tiến quân nào, kể cả hình thái bao vây, chia cắt) bị tan vỡ buộc Tổng Thống Thiệu phải hiểu ra rằng: Những lá thư bảo đảm của Tổng Thống Nixon với những lời trịnh trọng.."Tự do và độc lập của Việt Nam Cộng Hòa luôn là mục tiêu tối thượng của chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Tôi hằng dốc sức thực hiện mục ấy suốt cuộc đời chính trị của bản thân" đã không còn mảy may có giá trị, vì người viết như giòng chữ (cho là thực tâm kia) đã đi ra khỏi Tòa Bạch Ốc với tình cảnh của kẻ "phạm tội" sau vụ Watergate. Người thay thế ông, tổng thống không do dân cử, Henry Ford lại bị trói buộc toàn diện bởi Nghị Quyết Xử Dụng Vũ Lực Chiến Tranh đã được quốc hội phê chuẩn từ tháng 11, 1973, cho dù Tổng Thống Nixon đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ.

 

Nghị quyết nầy thật sự là phần hiện thực hiến định của đạo luật cắt bỏ quỹ "Hoạt động tác chiến" vốn được dùng để yểm trợ cho chiến cuộc Đông Dương - Tất cả điều khoản, đạo luật nầy đã được lưỡng viện Quốc Hội Mỹ phê chuẩn thi hành sau khi ký Hiệp Định Paris (27 tháng 1, 1973) và Thông Cáo Chung của Kissinger cùng Lê Đức Thọ, ngày 13 tháng 7 cùng năm để "thúc đẩy các bên ký kết thi hành hiệp định "Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam (sic)."

 

Người gọi là Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, tên Nguyễn Văn Thiệu nhất quyết không để thân phận mình kết thúc tan thương oan khốc như tình cảnh của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, cũng không muốn "hiển thánh vị quốc vong thân" trước nòng súng của binh đội cộng sản. Ông dư biết "những kẻ thù chính trị - thật sự chỉ do xung đột quyền lực- chứ chung một chiều hướng chính trị cầu lợi" sẽ không để cho ông yên thân; ông lại càng ngao ngán tình đời vì Cựu Phó Tổng Thống Kỳ đã xuất hiện lại với một khẩu P38 cặp kè bên hông hiện thực lời răn đe "phải làm một cái gì.. và Sài gòn sẽ là một Stalingrad" như trong lần nói chuyện ở Trường Chỉ Huy Tham Mưu tại căn cứ Long Bình.

 

Nhưng cốt yếu đối với người "bạn Mỹ", người bạn mà vị chính khách Campuchia Sirik Matak bên nước láng giềng kia đã phẫn uất kêu lên lời tán thán - Nguyễn Văn Thiệu phải ra tay trước- Vất bỏ gánh nặng mà ông cho là "vô lý" với luận cứ: "Người Mỹ đòi hỏi chúng ta làm một việc bất khả thể. Tôi đã từng nói với họ: Các ông đòi chúng tôi làm một việc mà các ông không làm nỗi với nửa triệu quân hùng mạnh, với những viên chỉ huy tài giỏi, và tiêu hơn 300 tỷ (Mỹ-kim) trong hơn sáu năm... Rồi bây giờ tương tự như các ông chỉ cho tôi 3 đồng, bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất, thuê phòng khách sạn 30 đồng một ngày, ăn bốn, năm miếng bíp-tếch, uống bảy, tám ly rượu vang mỗi ngày. Đấy là một chuyện hết sứ vô lý." 

 

Sau khi so sánh cuộc chiến đấu của một dân tộc với cách thức đi ăn tiệc với giá biểu "kỳ cục" kể trên, ông cao giọng tố cáo người bạn quý không e dè: "..các ông để mặc chiến sĩ chúng tôi chết dưới mưa đạn pháo. Đấy là một hành động bất nhân của một đồng minh nhân." Ông chát chúa lập lại: "Từ chối giúp một đồng minh và bỏ mặc họ là một hành vi bất nhân."  Những giới chức cao cấp của Tòa Đại Sứ Mỹ ở đường Thống Nhất (đối diện với Dinh Độc Lập, nơi ông tổng thống đang nói cho buổi truyền hình trực tiếp) theo dõi đủ nội dung của bài nói chuyện với những lời lẽ nặng nề như trên - Bài nói chuyện của một người đang cơn nóng giận chứ không phải ngôn ngữ ngoại giao của một vị nguyên thủ quốc gia, một chính khách lãnh đạo. Tuy nhiên, người Mỹ luôn là một người "bạn tốt". Họ đã chuẩn bị cho ông một nơi an toàn và cách ra đi kín đáo (cũng không thể kín đáo hơn), thích hợp với "danh dự của một vị nguyên thủ" vì dù gì ông cũng đã giúp họ cởi bỏ gánh nặng chiến tranh qua lần rút quân có vẻ "coi được" ra khỏi Việt Nam theo điều khoản Hiệp Định Paris sáu-mươi ngày sau 27 tháng 1, 1973. Đồng minh không hề tháo chạy như cách nói của Tiến Sĩ  Nguyễn Tiến Hưng.

 

Ngày 21/4/75, ông Nguyễn Văn Thiệu ra đi sau một màn bàn giao chức vụ tổng thống đến Phó Tổng Thống Trần Văn Hương với bài diễn văn đầy kịch tính như vừa kể trên. Số phận của một quốc gia gọi là Việt Nam Cộng Hòa còn lại Mười Ngày - Không phải "Mười Ngày Rung Chuyển Thế Giới" của John Reed viết về Cách Mạng 1917 của Nga - Nhưng mười ngày để chờ đợi cái chết ắt đến cùng lần thật chết quê hương - Cái chết chậm, chắc chắn ngấm vào từng phần thân thể, xuyên suốt trong lòng như một thư chất độc cực mạnh như lời từ chối bi tráng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương "Kẻ Sĩ Cuối Cùng của Miền Nam"-  Củng của một thời đại hư hoại toàn thế giới theo cách gọi của Trần Đông Phong khi viết về Người) khi Đại Sứ Mỹ ngỏ lời đưa cụ ra khỏi nước, buổi chiều ngày 29 tháng 4 khi Sài Gòn đang vỡ bùng giữa tiếng nổ của đại pháo và động cơ những đoàn trực thăng di tản, máy bay võ trang yểm trợ bảo vệ.. "Thưa Ngài Đại Sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm.. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn ông đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết rằng cộng sản vào được Sàigòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng Miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện chia xẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước."

 

Nhưng không chỉ một mình Con Người Cao Thượng Trần Văn Hương, cũng không phải là người lính nơi trận địa tàn cuộc nơi Cầu Xa Lộ, ở Ngã Tư Bảy Hiền.. Mà là hằng loạt tướng lãnh giữ chức tư lệnh đại đơn vị, hoặc sĩ quan cấp tá cao cấp: Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Hữu Thông, Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long... Người không chỉ chết một mình, mà với toàn gia đình cùng một lần quyết tử - Chị Nguyễn Thị Thàng, vợ một nghĩa quân chết với chồng và đàn con nơi chiếc đồn cô quạnh ở vùng IV; Thiếu Tá Đặng Sĩ Vĩnh, bào huynh của gia đình niên trưởng Hà Thượng Nhân (Trung Tá Phạm Xuân Ninh, Chủ Nhiệm Báo Tiền Tuyến) chết cùng với cả nhà gồm ba thế hệ: ông, cha, cháu; những người lính Thủy Quân Lục Chiến của Nguyễn Xuân Phúc, Đỗ Hữu Tùng đồng tự sát nơi Bãi Mỹ Khê, Đà Nẵng cuối tháng 3, 1975; Trung đội Nhảy Dù của Huỳnh Văn Thái cùng nổ chung một lần lựu đạn; những sinh viên sĩ quan hai khóa cuối cùng Trường Võ Bị Quốc Gia vào trận địa với mũ đại lễ mang từ Đà Lạt xuống còn đeo trên ba lô; những em nhỏ tuổi 12, 14 của Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu.. Tất cả cùng chung lần hiến tế khi Tổ Quốc Lâm Tử sáng 30 tháng Tư, 1975.. Ánh chớp thanh quang của anh hồn bao người trung liệt kia hẳn đã rung mờ nhật, nguyệt hiện thực lần Núi Sông cùng khóc với Con Người. Và Người cùng một lần sống mãi với Quê Hương.

 

Thượng đế ban cho con người Sự Sống nhưng Người quyết định lần chết cho chính bản thân. Người trao gởi lại sau cái chết xác thân một trị giá vinh diệu. Người Việt Nam - Những Con Người ở Miền Nam đã hiện thực điều cao cả kia một cách tự nhiên trong suốt đêm đen bất hạnh dài theo thế kỷ, giữa vũng lửa chiến tranh, sau lần sụp vỡ 30 /4 trên đại dương, sâu rừng già ba nước Đông Dương trên đường vượt biên xuyên suốt hai thập niên 70-80.. Mà cũng là toàn dân tộc đang gánh chịu một cách khắc kỷ- Xem như một sự cùng đành.

 

Chúng tôi không nói điều tán tụng với chữ nghĩa phù phiếm, không nội dung. Chúng tôi xác tín với giá máu của mỗi người anh em đã, đang hằng hằng lâu dài gánh chịu tại hôm nay, khi đọc cuốn sách VIỆT NAM CỘNG HÒA 10 NGÀY CUỐI CÙNG với Cơn Hấp Hối kéo dài 31 năm chưa có dấu hiệu chấm dứt. Và lời cuối cùng - Cám ơn Người Bạn Trần Đông Phong đã cho chúng ta biết một lần tương đối đầy đủ: Hóa ra làm Người Việt Namlà phải chịu những đau thương uất hận như thế.

 

Ngày Vỡ Mặt Trận Xuân Lộc- Long Khánh

 

Ba-mươi mốt năm sau

 

(22/4/1975-2006)

 

Phan Nhật Nam

 

(*) Trần Đông Phong, Việt NamCộng Hòa 10 Ngày Cuối Cùng; NXB NamViệt, CA- USA 2006)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.