Hôm nay,  

Tìm Mẹ

8/13/200300:00:00(View: 5891)
Thân tặng Giám Mục Mai Thanh Lương, Người vừa nhận sứ mạng mới ở Orange County.

Bản quán của tôi là làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nhưng tôi ra đời là Cố Đô Huế. Hồi còn bé, mẹ tôi gởi tôi về ở với Cậu, đi học Tiểu Học trường làng Thâm Triều, quận Hải Lăng. Đã lỡ uống nước vùng đồi núi Nam Giao rồi thì giọng Huế rặt ròi không mất khiến cho những người quen tôi cứ ngỡ rằng tôi đích thị là người Huế chánh tông.

Những năm mới ngoài hai mươi, tôi phải buộc lòng xa Huế. Càng đi xa Huế, lòng thương lòng nhớ Huế càng nặng. Huế của tôi trong đó có bóng người cha những năm ngắn ngủi với đời mà tình sâu với con bền vững như đỉnh núi Ngự Bình, có dáng người mẹ hiền một đời tần tảo khổ nhọc muôn bề mà trái tim thương lo cho con mênh mông vời vợi như dòng sông Hương. Huế là tình sâu nghĩa nặng như thế, cho nên một ngày nọ, khi Bác Sĩ Tôn Thất Niệm mời tôi tham gia vào việc thành lập Hội Bảo Tồn Cố Đô Huế, tôi đã nhận lời không một chút ngần ngại, bởi vì đây là dịp cho nguồn yêu thương Huế trong tôi lớn dậy, cho nỗi nhớ về nơi chôn giau cắt rốn từ xa xưa tràn ngập trong lòng. Làm cái gì cho Huế cũng là một cách lên đường đi tìm lại những nỗi niềm thân thiết đã thất lạc từ lâu rồi.

Góp mặt với Hội Bảo Tồn Cố Đô Huế, đa số là người Huế, những người Huế xa Huế đã lâu và sự nghiệp một đời đã lẫy lừng ở những nơi ngoài Huế. Bác Sĩ Tôn Thất Niệm, ông Bùi Hữu Lân... và đặc biệt là Linh Mục Bửu Dưỡng, là những người năng nổ nhất. Câu chuyện nào giữa chúng tôi với nhau cũng rất thân thiết, rất tình cảm, nhẹ nhàng như những lời tâm sự. Linh Mục Bửu Dưỡng rất muốn tôi đứng ra làm Hội Trưởng nhưng tôi lại theo chủ trương "kính lão đắc trường thọ" nên thôi thúc Ngài lãnh trách nhiệm Hội Trưởng đầu tiên. Điều này còn thêm một ý nghĩa khác vì Ngài là người Hoàng Tộc lại đang là Giáo Sư của Đại Học Văn Khoa. Tuy chỉ làm việc chung với nhau trong một thời gian gần 10 năm, gặp nhau hài hòa giữa những buổi họp, nhưng giao tình giữa chúng tôi và tình đồng hương cũng đủ tin cậy để làm chỗ dựa cho những chuyện riêng tư.

Một lần, Linh Mục kể cho tôi nghe chuyện gia đình của Ngài. Ngài là con út của một bà mẹ cả, trong một gia đình quý tộc quy ngưỡng đạo Phật. Rủi ro mẹ mất sớm. Có một người anh đầu. Tuổi bé thơ mà mất mẹ, nên mỗi lần nhớ tới mẹ, nhớ tới thân phận mồ côi của mình thì buồn xa xót. Ngài hay tìm tới ngôi chùa ngày trước thường được mẹ dẫn đi, lang thang thơ thẩn một mình trong vườn chùa, đi mãi đi hoài như cố kiếm tìm một cái gì thiết tha đã mất. Có bữa Thầy Trú Trì bắt gặp, hỏi thăm chú tìm chi ngoài vườn vậy " Trong trái tim bé thơ với vết thưong mất mát nặng trĩu, chú hồn nhiên trả lời: "Thưa Thầy con đi tìm mẹ" ! Thầy bảo: "Chú có điên không" Mẹ chú chết rồI còn đâu nữa mà đi tìm". Chú không tin người lớn. Chú không tin sự mất mát kia là có thật.

Thuở thiếu niên, Linh Mục Bửu Dưỡng học trường Providence ở Huế. Giờ ra chơi, giờ nghỉ học, chú không chịu về nhà, cứ quanh quẩn nơi vườn hoa trước nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, thơ thẩn trông tìm. Có một Linh Mục tình cờ bắt gặp hỏi: "Con đi tìm gì thế "" Chú trả lờI: "Con đi tìm mẹ con". Cha dẫn chú vào nhà thờ, chỉ vào tượng Đức Mẹ Maria, bảo chú: "Mẹ của con đó". Chú im lặng, không nói năng chi. Người mẹ mà chú đi tìm vẫn biệt tăm mất tích. Nhưng từ đó, cùng với ngày tháng nặng nề vô cảm trôi qua, giờ khắc rảnh rỗi nào chú cũng tìm vào nhà thờ quỳ trước linh tượng Đức Mẹ dịu dàng để tìm sự an ủi.

Như đi giữa sương lâu dầm ướt áo, chú bé bước vào đường tu, làm Linh Mục nhiều năm, nổi tiếng uyên bác và làm Giáo Sư Đại Học Văn Khoa Sàigòn. Có lần, ngồi bên Linh Mục, tôi đùa: "Nếu trở lại vài chục năm trước, gặp Ngài đi ngoài vườn chùa, tôi sẽ hỏi: "Chú đi tìm gì vậy "" Ngài, cũng với câu trả lời quen thuộc: "Con đi tìm mẹ". Tôi sẽ dẫn chú vào Chùa, chỉ vào ngôi tượng Phật Bà Quan Âm dịu hiền thanh thoát. Lúc ấy chắc là Ngài đã tìm được mẹ rồi. Và bây giờ ngồi bên cạnh tôi đây là hình ảnh trở thành của chú bé ngày xưa, một Hòa Thượng hiền lành. Ngài cũng như tôi, đã nuôi lòng đi tìm người mẹ ruột thịt của mình qua hình ảnh Mẹ bất tuyệt của tín ngưỡng và trần gian.

Trẻ con nào mà không gần mẹ, không cần mẹ, không quay quắt đi tìm Mẹ lúc xa vắng" Mẹ là cái gì thân thiết, gần gủi làm ấm áp mặn mà đời con như hương của loài hoa. Thiếu mẹ, mất mẹ là một nỗi buồn lớn, một thứ bất hạnh rủi ro nhất cho đời người. Trong đạo Phật, mùa Lễ Vu Lan là mùa mẹ cha, mùa của tri ân hiếu dưỡng, mùa cho con nghĩ về mẹ. Nếu mẹ còn sống, cầu cho mẹ mạnh khỏe an vui, hái đóa hồng tươi từ trái tim nhiệt nồng yêu thương dâng mẹ. Nếu mẹ đã qua đời, cúng dường Trai Tăng hồi hướng công đức cho mẹ được an nhiên siêu thoát nơi miền Cực Lạc, có những thân tái sanh tốt đẹp. Thương mẹ, lúc nào con cũng nuôi lòng đi tìm cho gặp mẹ, mẹ còn sống, mẹ qua đời, mẹ vô tình đã thất lạc con (con thất lạc mẹ) trong nỗi đời phiền lụy. Đi tìm và gặp mẹ, có mẹ rồi đời con sẽ hết bơ vơ.

Ngày mẹ tôi lìa đời, tôi buồn lắm. Trong niềm bơ vơ vì mất mẹ, những câu thơ của ai đó cũng làm cho tôi thêm tủi thân:

Thấm thoát bao ngày tiếng dế vang
Bao ngày mẹ vắng giữa trần gian

Hay:

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời !

Trốn vào những tình thơ tan nát đó, hồn càng thêm thương tích. Và cuối cùng, tôi nhận ra một sự thật: trong cuộc đời, không có gì buồn hơn là mất mẹ; không có gì vui sướng hơn là còn mẹ, và ấm áp thay những trái tim lúc nào cũng nhiệt nồng quay về mẹ, đi tìm mẹ một đời.

Los Angeles,
Mùa Vu Lan 2547 - 2003
HUYỀN KHÔNG

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.